Tin Tổng Hợp – 27/10/22

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 27/10/22

Mô hình Trung Quốc đối đầu Mỹ: Vương Hỗ Ninh, lá chủ bài của Tập Cận Bình

27/10/2022 – Trọng Thành – Đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 20 khép lại hôm 22/10/2022 với một số bất ngờ. Nhà tư tưởng của chế độ Vương Hỗ Ninh (Wang Huning) không những tiếp tục ở lại trong Ban Thường vụ Bộ Chính Trị – cơ quan lãnh đạo cao nhất của đảng Cộng Sản Trung Quốc với 7 thành viên, mà còn trở thành nhân vật thứ tư của chế độ, có phần trái ngược với một số dự đoán (1).  

Vì sao Vương Hỗ Ninh lại là nhân vật không thể thiếu trong bộ máy cầm quyền của Tập Cận Bình nhiệm kỳ thứ ba? Mục Theo dòng thời sự của RFI tìm cách giải đáp.

*** 

‘‘Nền chuyên chính mới’’ chống lại xã hội dân chủ tự do kiểu Mỹ

Truyền thông phương Tây đồng loạt ghi nhận tính cách kín đáo của nhân vật thường được mệnh danh là ”cố vấn”, ”quân sư” của các lãnh đạo tối cao Trung Quốc. Kín đáo nhưng đầy ảnh hưởng. Ông Vương Hỗ Ninh thậm chí được ví như ‘‘Kissinger của Trung Quốc’’, hay một Richelieu, tên của vị Hồng y đầy quyền lực chi phối nền chính trị Pháp thời vua Louis XIII. Vương Hỗ Ninh trưởng thành trong môi trường trí thức Trung Quốc và là lãnh đạo cao cấp duy nhất hiện nay không từng trực tiếp đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo Đảng hay chính quyền cơ sở.

Nguyên là giáo sư ngành chính trị học, luật học trong giai đoạn đầu sự nghiệp, học giả Vương Hỗ Ninh nổi tiếng say mê sách vở, và đãng trí trong cuộc sống đời thường, đã lần lượt trở thành cố vấn tin cẩn của hai đời lãnh đạo tối cao Trung Quốc, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, trước khi tiếp tục vị trí tương tự dưới thời Tập Cận Bình trong liên tiếp hai nhiệm kỳ. Vì sao học giả họ Vương được các lãnh đạo tối cao Trung Quốc tin cẩn?

Nhật báo Pháp Le Figaro trong bài ‘‘Chine: l’irrésistible ascension de Wang Huning, l’éminence rouge de Xi Jinping’’ (Trung Quốc: sự thăng tiến không thể cưỡng lại được của Vương Hỗ Ninh, quân sư đỏ của Tập Cận Bình) nhấn mạnh trước hết đến thái độ của học giả họ Vương, lựa chọn ngay từ sớm chủ trương xây dựng một ”nền chuyên chế mới” (néo-autoritarisme) tại Trung Quốc. Lựa chọn được xác lập trong và sau các chuyến đi châu Âu và Mỹ, đặc biệt là trong chuyến thỉnh giảng và khảo sát tại Hoa Kỳ năm 1988.

Ngay sau vụ chính quyền Trung Quốc thảm sát sinh viên đòi dân chủ tại quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh năm 1989, giáo sư Vương đã tung ra một tiểu luận, được coi là một trong các xuất bản nổi tiếng nhất của ông, nhan đề America Against America (nước Mỹ chống lại nước Mỹ), chỉ trích sự nguy hiểm của ”chủ nghĩa cá nhân” tại Mỹ. Vào thời điểm đó, Vương Hộ Ninh dự đoán mô hình ”chủ nghĩa tập thể” kiểu Nhật Bản sẽ ”thách thức mô hình của Mỹ trong những thập niên tới”. Nhà Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan nhấn mạnh : trong bài tiểu luận này, học giả Vương Hỗ Ninh ‘‘đã đưa ra một bản án mang đầy tính cách cộng sản chống lại nền dân chủ Mỹ, đồng thời khẳng định rằng chỉ có một quyền lực tập trung mới giúp vừa Trung Quốc phát triển được kinh tế, vừa trở nên hùng mạnh’’. Kể từ đó, giáo sư Vương đi theo nguyên lý về một ‘‘nền chuyên chính mới’’ sẽ đưa Trung Quốc trở thành đại cường trong kỷ nguyên toàn cầu hóa hiện nay.

Một trong những luận điểm căn bản của lý thuyết này là ‘‘bảo tồn trật tự chính trị’’ cùng lúc với phát triển kinh tế. Quan điểm của Vương Hỗ Ninh khẳng định cần bảo vệ ‘‘một chế độ xã hội chủ nghĩa tập quyền’’ đã thu hút sự chú ý của giới lãnh đạo Trung Quốc trong thập niên 1990.

Những đóng góp nổi bật của Vương Hỗ Ninh cho chế độ

Các đóng góp của học giả Vương Hỗ Ninh cho hệ thống lý luận của chế độ cộng sản Trung Quốc còn rất ít được biết đến tại Pháp. Đầu tháng 10/2022, nhà Trung Quốc học Matthew D. Johnson (đại học Pittsburgh) đã có một bài giới thiệu công phu về một số nét lớn trong quan điểm của Vương Hỗ Ninh, đặc biệt thông qua một bài viết nổi tiếng liên quan đến các biến đổi ‘‘văn hóa chính trị’’ (được dịch qua tiếng Pháp với tựa đề ‘‘La structure de la culture politique changeante de la Chine/Cấu trúc của các biến chuyển văn hóa chính trị tại Trung Quốc’’ ra đời cuối thập niên 1980) (2). Trong bài giới thiệu này, nhà Trung Quốc học Matthew D. Johnson nhấn mạnh là ‘‘các đánh giá công phu về mặt học thuật’’ của Vương Hỗ Ninh đã lấy cảm hứng từ lý thuyết hiện đại hóa của nhà chính trị học Samuel P. Huttington, để xây dựng một ”phiên bản hiện đại hóa theo kiểu Trung Hoa”.

Năm 2002, học giả họ Vương được bổ nhiệm làm giám đốc Văn phòng Nghiên cứu Chính trị Trung ương, nhóm cố vấn nội bộ của Đảng về chính trị. Giáo sư Vương đảm nhiệm cương vị này trong gần 20 năm (tới 2018). Vương Hỗ Ninh lần lượt trở thành ủy viên Trung Ương năm 2002, ủy viên Bộ Chính Trị 2007, và ủy viên Thường vụ Bộ Chính Trị năm 2017.

Theo nhà Trung Quốc học Matthew Johnson, ‘‘do sự gần gũi’’ của Vương Hỗ Ninh với các cơ quan đầu não của chế độ Trung Quốc trong suốt thời gian này, nên khó lòng bóc tách các đóng góp riêng của Vương Hỗ Ninh. Tuy nhiên, nhìn chung, Vương được coi đã có công đóng góp chủ yếu trong việc xây dựng các lý thuyết riêng của lãnh đạo mỗi thời của chế độ cộng sản Trung Quốc, đưa ra trong 20 năm qua. Từ ‘‘Lý thuyết ba đại diện’’ thời Giang Trạch Dân cho phép kết nạp doanh nhân vào Đảng, đến ‘‘Giấc mộng Trung Hoa’’ của Tập Cận Bình nhằm đối trọng lại với ‘‘Giấc mơ Mỹ’’, cũng như ‘‘Chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Hoa trong kỷ nguyên mới’’, cũng của Tập Cận Bình, và kể cả dự án Con Đường Tơ Lụa Mới.

Mẫu số chung của tất cả các lý thuyết này là ‘‘sự thống trị vĩnh viễn của Đảng, và ”cần xây dựng một thế giới, nơi Trung Quốc sẽ ngày càng trở nên hùng mạnh’’.

Vì sao Vương Hỗ Ninh được tại vị?

Một chuyên gia về Trung Quốc, nhà nghiên cứu David Ownby, trong một bài phỏng vấn với trang mạng Pháp Grand Continent, chuyên về địa chính trị, hồi mùa hè năm nay đã đưa ra một số nhận định đáng chú ý,  giải thích lý do Vương Hỗ Ninh được lựa chọn để tiếp tục lãnh đạo lĩnh vực ý thức hệ tại Trung Quốc. Vào thời điểm đó, chính vị chuyên gia nói trên cũng không chắc chắn là giáo sư Vương có tiếp tục ở lại trong Ban Thường Vụ Bộ chính trị đảng Cộng Sản Trung Quốc hay không. Và trong loạt bài hơn 10 kỳ chuẩn bị giới thiệu về các tư tưởng chính trị của đảng Cộng Sản Trung Quốc, cũng không có kế hoạch giới thiệu về các đóng góp riêng của Vương Hỗ Ninh.

Tuy nhiên, chính trong trong bài phỏng vấn «Hiểu các lý thuyết về Trung Quốc của Tập Cận Bình, trò chuyện với David Ownby» (3), nhà Trung Quốc học David Ownby đã nhấn mạnh đến không khí cho phép hiểu được vì sao đảng của ông Tập Cận Bình không thể bỏ rơi giáo sư Vương. Cụ thể là, trong xã hội Trung Quốc, đông đảo giới trí thức Trung Quốc hiện nay khinh thường ý thức hệ Tập Cận Bình, mà đảng Cộng Sản Trung Quốc với nỗ lực của giáo sư Vương hơn 10 năm qua muốn nâng lên hàng «tư tưởng», không chỉ của Đảng mà còn của toàn xã hội Trung Quốc.

Đông đảo trí thức Trung Quốc khinh thường ‘‘tư tưởng Tập Cận Bình’’

Theo chuyên gia David Ownby, sau gần nửa thế kỷ mở cửa để phát triển, giờ đây, ‘‘gần như mọi trí thức Trung Quốc đã tư duy với các khái niệm, các phạm trù, hay các quy chiếu đến từ phương Tây’’. Kể cả những người ủng hộ ông Tập Cận Bình cũng sử dụng các phạm trù phương Tây, dựa vào các tác giả phương Tây.

Xuất hiện một sự chênh lệch rất lớn giữa ngôn ngữ chính thống của Đảng, với các phạm trù Macxít-Lêninit được sử dụng phổ biến với giới trí thức Tây hóa. Đối thủ của ông Tập Cận Bình kể từ khi lên nắm quyền là cả một giới trí thức đã ngày càng trở nên đa nguyên về tư tưởng. Tập Cận Bình đã cố gắng áp đặt kỷ luật ý thức hệ, tương tự như thời Mao. Nhưng thời đại đã đổi thay, nỗ lực của đảng Cộng Sản Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình không còn có khả năng kiểm soát như trước. Không kể các nhà đối lập, ‘‘rất nhiều trí thức hiện nay viết mà không cần chú ý đến tư tưởng Tập Cận Bình’’.

Báo Le Figaro, cũng giống như một số phương tiện truyền thông khác, dự báo Vương Hỗ Ninh, vào kỳ họp Quốc Hội Trung Quốc thường niên đầu năm tới, sẽ được bổ nhiệm vào chức lãnh đạo cơ quan Chính Hiệp (thường được quy sang tiếng Pháp như ‘‘Thượng Viện’’ của Trung Quốc). Trên thực tế, Chính Hiệp, hay tên đầy đủ là Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, là một tổ chức mang tính mặt trận do đảng Cộng Sản lãnh đạo, bao gồm nhiều tổ chức mang danh ‘‘chính đảng’’, nhưng thực tế là các đảng phái trung thành ở các mức độ khác nhau với đảng Cộng Sản.

Chinh phục giới trí thức ‘‘không tâm phục khẩu phục’’ 

Nhà Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan dự đoán giáo sư Vương sẽ đóng vai trò then chốt trong việc lôi kéo giới trí thức không phải đối lập, nhưng đang tương đối thờ ơ với ý thức hệ của Đảng, nhằm thuyết phục họ tin tưởng vào ‘‘nền chuyên chính mới’’, mà đảng Cộng sản Trung Quốc muốn áp đặt hoàn toàn lên xã hội. Đông đảo giới trí thức Trung Quốc ‘‘không chống lại đảng Cộng Sản’’, nhưng ‘‘thờ ơ’’ với ý thức hệ của Đảng. Nhiệm vụ của Vương Hỗ Ninh – một học giả được coi là lý thuyết gia nổi tiếng nhất tại Trung Quốc, với hành trang khoa học dày dặn – như vậy sẽ là tranh thủ nhóm thờ ơ, và nhất là ‘‘tách những người ương bướng ra khỏi nhóm chống đối quyết liệt nhất’’.

Giáo sư Vương Hỗ Ninh cũng có khả năng trở thành nhân vật số hai của nhóm phụ trách Đài Loan. Theo Jean-Pierre Cabestan, về Đài Loan, chính quyền Bắc Kinh ”sẽ tiến lên trên cả hai mặt trận, mặt trận quân sự và mặt trận chính trị và ý thức hệ”. Về mặt chính trị và ý thức hệ, Vương Hỗ Ninh có thể được giao phó sứ mệnh ‘‘thuyết phục Đài Loan về những lợi ích của việc tái thống nhất với Hoa lục’’.

Ghi chú

1/ “Will intellect behind 3 decades of China’s policies soon exit power?”, Nikkei Asia, 19/10/2022.

2/ “La structure changeante de la culture politique chinoise selon Wang Huning”, Le Grand Continent,  08/10/2022.

3/ “Comprendre les doctrines de la Chine de Xi Jinping, une conversation avec David Ownby”, Le Grand Continent, 22/08/2022.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20221027-trung-quoc-doi-dau-my-vuong-ho-ninh-la-chu-bai-cua-tap

Bầu cử Mỹ: Điểm chung của các ứng cử viên là chống Trung Quốc

28/10/2022 – VOA News

Bích chương bầu cử giữa ký tại Mỹ.
Bích chương bầu cử giữa ký tại Mỹ.

Trong lúc cử tri Mỹ sẵn sàng cho cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng tới, các ứng cử viên của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đang hứa hẹn có các chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc với hy vọng thu hút cử tri.

Thái độ của người Mỹ đối với Trung Quốc ngày càng xuống dốc trong
những năm gần đây, đặc biệt là kể từ khi bùng phát virus corona vào năm
2020. Dữ liệu mới từ Trung tâm Nghiên cứu Pew cho biết, năm nay, 82%
người Mỹ có cái nhìn không thiện cảm với Trung Quốc, mức cao lịch sử.
Năm năm trước, con số đó là khoảng phân nửa, ở mức 47%.

Các cuộc thăm dò cho thấy những quan điểm tiêu cực đó được chia sẻ bởi Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ, đó là lý do tại sao các ứng cử viên của cả hai đảng đều nói về Trung Quốc và sức mạnh kinh tế đáng gờm của Bắc Kinh.

“Chúng ta phải thôi yếu thế trước Trung Quốc. Chúng ta phải thôi chuyển công ăn việc làm của người Mỹ cho những người ghét chúng ta”, ông J.D. Vance, ứng cử viên Đảng Cộng hòa tranh cử vào Thượng viện, người được cựu Tổng thống Donald Trump ủng hộ, nói.

Đối thủ của ông bên Đảng Dân chủ, dân biểu đương nhiệm Tim Ryan, cũng chỉ trích như vậy.

“Chúng ta và Trung Quốc. Trung Quốc đang sản xuất vượt quá chúng ta, và đã đến lúc chúng ta phải phản công,” ông Ryan nói. Cả hai ứng cử viên này đều ủng hộ việc duy trì mức thuế quan cao của Hoa Kỳ đối với các sản phẩm của Trung Quốc.

Tại Pennsylvania, Phó Thống đốc Dân chủ John Fetterman nói ông sẽ “làm việc để đảm bảo rằng chúng ta không cho phép Trung Quốc vượt qua chúng ta về sáng tạo”. Đối thủ của ông bên Đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Thượng viện Hoa Kỳ, bác sĩ Mehmet Oz, đã đưa lập trường “cứng rắn với Trung Quốc” thành một trong những thông điệp chính trong chiến dịch tranh cử.

Tại Missouri, Tổng Chưởng lý tiểu bang Eric Schmitt gọi Trung Quốc là mối đe dọa ngày càng tăng về quân sự, kinh tế và sức khỏe cộng đồng.

Đối thủ của ông tại Thượng viện Hoa Kỳ, đảng viên Dân chủ Trudy Busch
Valentine, chỉ trích ông Schmitt ủng hộ luật cho phép nước ngoài sở hữu
đất nông nghiệp mà theo bà đã cho phép các công ty do Trung Quốc kiểm
soát mua hơn 100.000 mẫu đất Missouri.

Tại Arizona, ứng cử viên Cộng hòa Blake Masters khẳng định rằng sinh
viên Trung Quốc ở Mỹ là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ.

Thượng nghị sĩ Dân chủ đương nhiệm Mark Kelly là người ủng hộ chính đối với Đạo luật Khoa học và CHIPS, một biện pháp nhằm đánh bại Trung Quốc trong cuộc chiến công nghệ.

Ông Dean Chen, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Ramapo, New Jersey, nói với VOA rằng: “Trung Quốc là vấn đề hàng đầu và vấn đề trung tâm trong cuộc bầu cử này.”

“Khi các chiến dịch trở nên phân cực và có tính cạnh tranh cao, cần phải có một vấn đề đủ nổi bật để có thể thu hút sự chú ý. Luôn dễ dàng hơn khi tìm ra kẻ thù chung bên ngoài để đoàn kết các cử tri địa phương hậu thuẫn họ,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

Ông Frank Sesno, giáo sư truyền thông và giám đốc các sáng kiến chiến lược tại Đại học George Washington, cho biết Trung Quốc đang ngày càng được nói nhiều trong lĩnh vực an ninh quốc gia và ít thấy bị đưa vào vấn đề cơ hội kinh tế.

“Trung Quốc ngày càng được định vị là một mối đe dọa quốc gia. Không chỉ đơn thuần là một nước cạnh tranh mà là một nước đối thủ. Tôi có thể nói rằng sự miêu tả đã tăng cường và nó dường như là một chủ đề ngày càng tăng của cả hai bên,” ông nói với VOA.

‘Sự đoàn kết hiếm có của lưỡng đảng’

Theo nghiên cứu của Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung, một nhóm công
nghiệp hỗ trợ các công ty Mỹ làm ăn tại Trung Quốc, số lượng các dự luật
liên quan đến Trung Quốc được các nhà lập pháp Hoa Kỳ xem xét đã tăng
đáng kể trong 5 năm qua.

Từ năm 2001 đến năm 2017, số dự luật liên quan đến Trung Quốc được mỗi Quốc hội xem xét dao động trong khoảng 200 đến 250. Kể từ năm 2017, con số đó đã tăng vọt lên khoảng 639 dự luật trong Quốc hội vừa qua và hơn 700 dự luật trong Quốc hội lần này.

Chính quyền ông Biden đã thông qua một số dự luật quan trọng liên quan đến Trung Quốc kể từ khi lên nắm quyền. Đạo luật CHIPS sẽ cung cấp 52,7 tỷ đô la đầu tư vào sản xuất và nghiên cứu phát triển chất bán dẫn trong nước để chống lại các khoản bao cấp khổng lồ của Trung Quốc đối với ngành công nghiệp chip của nước này.

Đạo luật Phòng thủ Khả năng Quan trọng Quốc gia tìm cách thiết lập một quy trình xem xét các công ty Hoa Kỳ đầu tư ra nước ngoài, nhằm ngăn chặn vốn của Hoa Kỳ chảy sang các công ty công nghệ Trung Quốc.

Đạo luật Phòng chống Lao động Cưỡng bức người Uyghur cấm các sản phẩm lao động cưỡng bức từ Tân Cương nhập cảnh Mỹ.

Cả ba văn kiện luật này đều nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các nhà lập pháp Dân chủ và Cộng hòa.

Ông Dan Schnur, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học California, Berkeley, nói: “Điều thú vị nhất về tình cảm đối với Trung Quốc trong nền chính trị của đất nước này đó là một điểm thống nhất hiếm hoi của lưỡng đảng.” Ông đã làm việc trong bốn chiến dịch tranh cử tổng thống và ba chiến dịch tranh cử thống đốc với tư cách là một trong những nhà chiến lược chính trị hàng đầu của California.

Ông nói với VOA: “Tôi không thể nghĩ đến bất kỳ vấn đề nào khác mà hai đảng gạt bỏ sự khác biệt của họ, đặc biệt là trong một năm bầu cử.”

Ông Schnur nói lá bài “cứng rắn với Trung Quốc” đang được đón nhận đặc biệt tích cực ở miền trung nước Mỹ, bởi vì vùng thượng Trung Tây là cơ sở của năng lực sản xuất. Nhưng trong vài thập niên qua, nhiều công việc sản xuất trong số đó đã rời khỏi Hoa Kỳ để đi đến các khu vực khác trên thế giới.

Ông giải thích: “Khi bạn có một cử tri thuộc tầng lớp lao động không cảm thấy toàn cầu hóa này có lợi cho họ, thì ứng cử viên của một trong hai bên sẽ khá dễ dàng nỗ lực khai thác những tình cảm này.”

Bà Anna Tucker Ashton, giám đốc phụ trách các vấn đề doanh nghiệp Trung Quốc tại Eurasia Group, đồng ý với quan điểm này.

Bà nói với VOA: “Đó là nơi có cảm giác rõ ràng nhất rằng việc làm của Hoa Kỳ được trao cho Trung Quốc, rằng Trung Quốc đã đánh cắp việc làm của người Mỹ và việc giảm chất lượng cuộc sống nói chung trong các cộng đồng này có liên quan trực tiếp đến việc không cứng rắn với Trung Quốc.”

Tổ chức thăm dò Pew cho biết quan điểm tiêu cực về Trung Quốc gắn liền với hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc và những lo ngại về sức mạnh quân sự ngày càng tăng của nước này.

Giáo sư Sesno nói việc Bắc Kinh thay đổi các chính sách cứng rắn sẽ cải thiện các quan hệ.

“Người Trung Quốc đang thúc đẩy điều này. Những điều đang khiến những con số đó (tỉ lệ không thiện cảm với Trung Quốc) tăng lên là chính sách của Trung Quốc đối với người Uyghur, các mối đe dọa của Trung Quốc đối với Đài Loan, luận điệu dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc, nhiệm kỳ Tập Cận Bình lần thứ ba, và giọng điệu dân tộc chủ nghĩa ngày càng tăng của chính quyền Bắc Kinh,” ông nói với VOA. “Vì vậy, điều này không xảy ra tách biệt với các sự kiện khác, và nó không xảy ra đơn thuần vì chính trị Mỹ.”

https://www.voatiengviet.com/a/bau-cu-my-diem-chung-cua-cac-ung-cu-vien-la-chong-trung-quoc/6808671.html

(Reuters) – Mỹ xem xét cấp hệ thống tên lửa phòng không HAWK cho Ukraina. Theo hai quan chức Mỹ ngày 25/10/2022, thiết bị phòng không HAWK cũ trong kho vũ khí của Quân đội Mỹ có thể được chuyển cho Ukraina để giúp nước này chống trả các cuộc tấn công bằng drone và tên lửa hành trình của Nga. Tên lửa đánh chặn HAWK sẽ là một phương tiện phòng không cao cấp hơn loại tên lửa cá nhân Stinger, một hệ thống phòng không tầm ngắn, nhỏ hơn, mà Hoa Kỳ đã viện trợ cho Ukraina để chống Nga.

(AFP) – Pháp không thiếu đạn dược và trang thiết bị quân sự vì viện trợ cho Ukraina. Điều trần tại Thượng Viện hôm 26/10/2022 bộ trưởng Quân Lực Pháp Sébastien Lecornu khẳng định: Mặc dù viện trợ quân sự cho Ukraina, Paris không bao giờ xem nhẹ «an ninh của chính mình». Tuyên bố này nhằm xua tan những chỉ trích hay lo ngại cho rằng, dồn thiết bị quân sự cho Ukraina, Pháp có nguy cơ bị thiếu hụt từ đại pháo cho đến đạn dược, xe tăng… Ngày 27/10, tổng thống Macron đến tham quan nhà máy sản xuất đại bác CAESAR tại thành phố Bourges, miền tây nước Pháp. 

(Reuters) – Nhật Bản và Litva nâng cấp quan hệ song phương và bắt đầu đối thoại an ninh. Theo thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 26/10/22, Nhật Bản và Litva là những đối tác quan trọng chia sẻ các giá trị cơ bản như tự do, nhân quyền và pháp quyền. Tokyo đã năng cấp quan hệ với Vilnius vào lúc quốc gia vùng Baltic này đang phải chịu áp lực liên tục của Trung Quốc sau khi cho Đài Bắc mở đại sứ quán ở thủ đô Litva dưới tên gọi «Đài Loan».

(AFP) – Thủ tướng Thụy Điển điện đàm với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson hôm qua, 26/10/2022, đã có cuộc điện đàm với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong bối cảnh quốc gia Bắc Âu này đang cố vượt qua sự ngăn chặn của Ankara đối với việc gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO). Kristersson mô tả cuộc điện đàm “mang tính xây dựng”, đồng thời mong sớm được thăm Ankara, nhưng không cung cấp thêm bất kỳ chi tiết nào. Về phần mình, tổng thống Erdogan nói ông sẽ rất vui khi được tiếp thủ tướng Kristersson ở Ankara. Gia nhập NATO là một ưu tiên đối với chính phủ cánh hữu mới của Thụy Điển.

(AFP) – Có đủ điện để thắp sáng đại lộ Champs Elysées vào dịp lễ cuối năm? Là biểu tượng của nước Pháp hàng năm vào dịp lễ cuối năm, đại lộ Champs Elysées vẫn «lên đèn», nhưng 2022 cả nước Pháp đang lo thiếu điện thì sao? Ban tổ chức hôm nay, 27/10/2022, thông báo cố gắng giảm mức tiêu thụ cho sự kiện này 44% so với hồi năm ngoái. Ngày 20/11/2022, đại lộ Champs Elysées bắt đầu được thắp sáng mừng đón Giáng Sinh và năm mới. Trong bảy tuần lễ, đến ngày 02/01/2023, đèn điện được thắp sáng chặng đường 4 cây số trên con lộ đẹp nhất Paris. Ngân sách cho sự kiện này dự trù khoảng 1 triệu euro.

(AFP) – Danh họa Pháp Pierre Soulages qua đời hôm 26/10/2022, thọ 102 tuổi. Ông nổi tiếng là một họa sĩ chỉ sáng tác với một màu đen. Năm 2019, bảo tàng Louvre đã tổ chức trưng bày những tác phẩm nổi tiếng nhất của Pierre Soulages khi tác giả còn sinh thời. Đây là một vinh dự mà tới nay chỉ dành cho hai danh họa Pablo Picasso và Marc Chagall. Tháng 11/2021, một trong những tác phẩm của ông đã được bán tại New York với giá hơn 20 triệu đô la. Ông còn là tác giả của hơn công trình lắp kính trên các cửa sổ của nhà thờ. Tiêu biểu nhất là hơn 100 trang kính ở Sainte Foy de Conques, miền nam nước Pháp.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20221027-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p