Tin Tổng Hợp – 27/10/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 27/10/21

ASEAN tổ chức Thượng Đỉnh Đông Á trực tuyến

Thượng đỉnh Đông Á do ASEAN tổ chức trực tuyến diễn ra tối nay, 27/10/2021, với sự tham dự của lãnh đạo 18 quốc gia để bàn về các tranh chấp trong khu vực.

Theo hãng tin AP, tham dự thượng đỉnh Đông Á lần này, dưới sự chủ tọa của Brunei, nước hiện giữ chức chủ tịch ASEAN, đặc biệt có tổng thống Mỹ Joe Biden, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và tổng thống Nga Vladimir Putin.

Đây là lần đầu tiên từ 4 năm qua, một tổng thống Mỹ dự thượng đỉnh với các nước ASEAN trong khuôn khổ thượng đỉnh Đông Á, cũng như trong khuôn khổ thượng đỉnh Hoa Kỳ – ASEAN.

Đây cũng là thượng đỉnh Đông Á đầu tiên có sự tham gia của 2 trong số 3 thành viên của liên minh AUKUS là  Hoa Kỳ và Úc (cùng với Anh Quốc). Việc thành lập liên minh này đã gây lo ngại đặc biệt cho hai quốc gia ASEAN là Malaysia và Indonesia, vì Kuala Lumpur và Jakarta sợ rằng việc nước Úc mua tàu ngầm hạt nhân của Mỹ sẽ khởi động một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.

Một số nước Đông Nam Á cũng sợ rằng liên minh AUKUS và cuộc tranh đua Mỹ-Trung sẽ gây tổn hại cho vai trò trung tâm của khối ASEAN trong khu vực.

Hôm qua, Nhà Trắng ra thông cáo cho biết nhân cuộc họp thượng đỉnh Đông Á lần này, tổng thống Biden sẽ tái khẳng định sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với các cấu trúc khu vực do ASEAN đứng đầu và bàn về hợp tác với các đối tác và đồng minh để giải quyết các vấn đề mà vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương đang đối phó.

Riêng trong cuộc họp thượng đỉnh Hoa Kỳ – ASEAN hôm qua, tổng thống Joe Biden đã thông báo một kế hoạch 102 triệu đôla để tăng cường đối tác chiến lược với các nước Đông Nam Á. Số tiền này sẽ được dành cho các chương trình về y tế, khí hậu, kinh tế và giáo dục. Trong cuộc họp này, ông Biden đã tuyên bố quan hệ giữa Hoa Kỳ với ASEAN là một mối quan hệ mang tính “thiết yếu”.

Còn theo hãng tin Kyodo, trong cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến với ASEAN hôm qua, thủ tướng Lý Khắc Cường đã bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác giữa  với các nước Đông Nam Á trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ trên nhiều vấn đề khu vực, trong đó có Biển Đông, vùng biển mà Bắc Kinh khẳng định chủ quyền hầu như toàn bộ.

Nhân cuộc họp này, ông Lý Khắc Cường đã kêu gọi các nước ASEAN nhanh chóng kết thúc các cuộc đàm phán về Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông. Thủ tướng Trung Quốc cũng tuyên bố Bắc Kinh vẫn xem ASEAN là “một ưu tiên” trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc.

Lần đầu tiên đại diện cho Nhật Bản trong cuộc họp thượng đỉnh với ASEAN hôm nay, thủ tướng Fumio Kishida cam kết sẽ làm việc cùng với các nước Đông Nam Á để bảo đảm “một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do, rộng mở và hòa bình.”

Thanh Phương

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211027-asean-t%E1%BB%95-ch%E1%BB%A9c-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-%C4%91%E1%BB%89nh-%C4%91%C3%B4ng-%C3%A1-tr%E1%BB%B1c-tuy%E1%BA%BFn

Biden muốn ‘lấy lại vị thế của Mỹ ở ASEAN’

VOA Tiếng Việt – Việc Tổng thống Joe Biden dự Thượng đỉnh với ASEAN ngay trong năm đầu tiên nắm quyền cho thấy quyết tâm củng cố vị thế của Mỹ trong khu vực vốn đã bị suy yếu sau 4 năm và là ‘bước đi hiệu quả’ để đối phó ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh, các phân tích gia nhận định.

Gói hỗ trợ 102 triệu đô la

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 26/10 đã khởi động lại mối quan hệ đã thụt lùi giữa Mỹ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á với việc tham dự cuộc họp thường niên của khối 10 thành viên bằng hình thức trực tuyến. Tại cuộc họp, ông đã loan báo khoản ngân quỹ 102 triệu đô la để mở rộng quan hệ đối tác chiến lược của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Đây là lần đầu tiên sau 4 năm, một tổng thống Mỹ dự họp ở cấp cao nhất với một khối năng động về kinh tế vốn được coi là chìa khóa để cản bước Trung Quốc. Lần cuối cùng một tổng thống Mỹ dự họp thượng đỉnh với ASEAN là ông Donald Trump vào năm 2017 tại Manila. Ông Trump đã bỏ qua liên tục ba kỳ thượng đỉnh sau đó.

Tổng thống Biden nhấn mạnh tầm quan trọng của ASEAN và gọi mối quan hệ này là ‘trụ cột để duy trì khả năng chống chọi, thịnh vượng và an ninh của khu vực chúng ta’.

“Quan hệ đối tác của chúng ta là cần thiết để duy trì khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do, vốn là nền tảng của an ninh và thịnh vượng chung của chúng ta trong nhiều thập kỷ,” ông Biden phát biểu từ Nhà Trắng khi các nhà lãnh đạo ASEAN lắng nghe. “Và Mỹ ủng hộ mạnh mẽ triển vọng của ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và trật tự khu vực dựa trên luật pháp”.

Gói tài trợ 102 triệu đô la này bao gồm 40 triệu cho một sáng kiến giúp ứng phó đại dịch COVID-19 và tăng cường khả năng của ASEAN trong việc ngăn chặn, phát hiện và ứng phó với các đợt bùng phát dịch khác có thể có trong tương lai.

Ngoài ra, 20,5 triệu sẽ tài trợ cho việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và 20 triệu sẽ hỗ trợ hợp tác về thương mại và đổi mới. Còn 17,5 triệu đô la dành cho các dự án giáo dục và 4 triệu là để thúc đẩy bình đẳng giới.

Mỹ tụt lại sau Trung Quốc

Ông Marc Mealy, phó chủ tịch cấp cao về chính sách tại Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN, nói với VOA ông hoan nghênh sự tái can dự của ông Biden. “Chúng ta đang nói về một khu vực mà đến năm 2030 sẽ là một trong những nền kinh tế khu vực lớn nhất thế giới,” ông cho biết.

Mặc dù được xem là giúp đảm an ninh khu vực trước tham vọng gia tăng của Trung Quốc, Washington đang tụt hậu so với Bắc Kinh về quan hệ kinh tế với các nước ASEAN. Theo dữ liệu của ASEAN, khối này đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc vào năm 2020.

ASEAN và Trung Quốc cũng nằm trong hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, tức RCEP, vốn chiếm gần 30% nền kinh tế toàn cầu. Mỹ không tham gia hiệp định này.

Cựu Tổng thống Trump cũng đã tự loại Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà tiền thân của nó (TPP) đã được cựu Tổng thống Barack thúc đẩy hồi năm 2016.

Prashanth Parameswaran, nhà nghiên cứu thuộc chương trình châu Á của Trung tâm Wilson chỉ ra rằng về mặt địa lý, Washington bị bất lợi và cần phải làm nhiều hơn để tranh thủ ASEAN cùng lúc với việc các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc đang mong muốn can dự.

“Khi Mỹ nâng chuẩn mực lên, và sau đó Mỹ bỏ đi, thì bất lợi chồng bất lợi,” Parameswaran nói.

Tuy nhiên, ông Ngô Vĩnh Long, Giáo sư tại Đại học Maine, cho rằng mặc dù đang thua kém Trung Quốc nhưng ảnh hưởng kinh tế của Mỹ trong khu vực vẫn còn rất lớn. Ông chỉ ra số vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của Mỹ vào khu vực trong năm 2020 là 330 tỷ đô la trong khi kim ngạch của Mỹ với khối đông nam Á đạt 350 tỷ, chiếm trên 1/3 giao thương của Mỹ với toàn bộ châu Á.

“Lẽ dĩ nhiên sau 4 năm (dưới chính quyền Donald Trump) không có quan hệ thì mất thế đứng của Mỹ ở đông nam Á, như vậy Trung Quốc ngày càng lấn,” Giáo sư Long nói với VOA. (2:45)

‘Ưu tiên số 1’

Vị giáo sư này nhận định rằng khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ là ‘ưu tiên số 1’ trong chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Joe Biden, ‘thậm chí còn quan trọng hơn dưới thời [cựu tổng thống] Barack Obama’.

“Vùng đông nam Á nằm chắn giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, nếu để Trung Quốc lấn dần dần thì Mỹ sẽ mất chỗ đứng trên thế giới,” ông Long nói và cho biết đó là lý do chính quyền Biden phải củng cố lại quan hệ với các nước ASEAN.

Theo ông Long thì việc sau khi lên nắm quyền Tổng thống Biden đã tiếp xúc ngay với các nước đồng minh mà không đả động gì đến các nước ASEAN – điều này đã làm cho lãnh đạo các nước ASEAN phiền lòng – đó là do ông Biden cần thống nhất lập trường với các nước đồng minh trước khi nói chuyện với các nước ASEAN.

Trên trang của Hội đồng Đối ngoại (Council Foreign Relations) – một viện nghiên cứu chiến lược của Mỹ, ông Joshua Kurlantzick, chuyên gia cao cấp về Ðông Nam Á, nhận định rằng ‘việc ông Biden là tổng thống Mỹ đầu tiên tham dự thượng đỉnh ASEAN trong 4 năm bản thân nó đã là một chiến thắng nhỏ cho Mỹ trong quan hệ với ASEAN, vốn cảm thấy bị chính quyền Mỹ ngó lơ trong thời gian qua’.

Ông Biden đã nói với các nhà lãnh đạo ASEAN rằng ông và các lãnh đạo cao cấp khác của Mỹ sẽ hiện diện nhiều hơn ở Đông Nam Á trong tương lai.

Đối phó Trung Quốc

Chính quyền Biden cũng đang tiếp tục theo đuổi chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do từ thời ông Trump, vốn chỉ ra rằng Bắc Kinh theo đuổi bá quyền trong khu vực.

Nhưng hầu hết các nước ASEAN không muốn lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc và nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác với cả hai, trong khi đảm bảo tự do hàng hải, bao gồm cả eo biển Đài Loan.

“Xung đột xảy ra trong khu vực này sẽ có lợi ích gì? Ai sẽ được lợi?” Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Indonesia Luhut Pandjaitan nói với VOA. “Không có ai cả. Chỉ riêng COVID là đã quá đủ rắc rối rồi,” ông nói.

Ông Joshua Kurlantzick ở Hội đồng Đối ngoại cho rằng Tổng thống Biden ‘đã thể hiện sự khôn ngoan khi không nhấn mạnh quan hệ Mỹ-Trung đang xấu đi, đồng thời nhấn mạnh rằng ASEAN – ngay cả khi có Bộ Tứ – vẫn rất quan trọng đối với an ninh của Hoa Kỳ.

“Các nước ASEAN nằm trong số những nước am hiểu nhất về hành động và nền ngoại giao hung hăng của Trung Quốc trong thời gian qua, nhưng rất ít nước muốn thể hiện công khai tại cuộc họp thượng đỉnh là họ có lập trường cứng rắn với Trung Quốc,” ông Kurlantzick viết.

Về phần mình, Giáo sư Ngô Vĩnh Long cho rằng các bước đi của ông Biden tại ASEAN đều nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, có điều ‘không nói ra công khai’.

Ông nói Mỹ không cần buộc các nước ASEAN phải chọn giữa Mỹ và Trung Quốc, điều mà họ sẽ không chấp nhận. Thay vào đó, Mỹ cần phát triển quan hệ tốt với các nước ASEAN để họ có thêm lựa chọn.

“Đó là điều các nước ASEAN sẽ hoan nghênh,” ông Long phân tích. “Nhiều nước, nhất là Việt Nam, không muốn lệ thuộc vào Trung Quốc nên rất muốn cân bằng bằng mối quan hệ với Mỹ.”

Ông Long cũng phê phán chính quyền Trump ‘theo đuổi chính sách một mình một ngựa để đối phó Trung Quốc mà không cần đồng minh’.

“Bất cứ nước nào dù mạnh thế nào đi nữa cũng cần có liên minh, nhưng ông Trump đã phá hủy quan hệ của Mỹ với Ðông Nam Á,” ông Long chỉ ra.

“Chiến lược kết đồng minh của Biden dĩ nhiên hiệu quả hơn nhiều so với Trump trong việc đối phó Trung Quốc,” ông nhận định.

Theo ông Long, cách tiếp cận về dân chủ-nhân quyền của chính quyền Biden đối với khu vực ‘là đúng’ mặc dù nhiều nước ASEAN dị ứng về việc này. “Nếu không nhấn mạnh vào dân chủ-nhân quyền thì các nước ASEAN sẽ nghĩ là họ cần độc tài như Trung Quốc mới là tốt để phát triển,” ông giải thích.

Ông chỉ ra việc các lãnh đạo ASEAN, kể cả Thủ tướng Campuchia Hun Sen, đều đã lên tiếng phê phán tập đoàn quân sự Myanmar, tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN là dấu hiệu cho thấy cách tiếp cận của chính quyền Biden đạt hiệu quả.

https://www.voatiengviet.com/a/biden-mu%E1%BB%91n-l%E1%BA%A5y-l%E1%BA%A1i-v%E1%BB%8B-th%E1%BA%BF-c%E1%BB%A7a-m%E1%BB%B9-%E1%BB%9F-asean-/6287907.html

(Reuters) – Úc dỡ bỏ hạn chế rời khỏi lãnh thổ cho công dân đã tiêm vac-xin. Kể từ ngày 1/11/2021, tất cả các công dân Úc và người thường trú đã tiêm vac-xin có thể rời khỏi lãnh thổ Úc mà không cần giấy tờ đặc biệt do chính phủ cấp. Hơn 18 tháng qua, chính phủ Úc đã cấm người dân đi du lịch nước ngoài mà không có giấy tờ đặc cách của chính phủ, hàng triệu công dân Úc ở nước ngoài đã tiêm vac-xin cũng không thể về nước. Biện pháp này nhằm hạn chế số lượng người vào lãnh thổ Úc, ngăn sự lây lan của dịch. Việc chính phủ Úc quyết định dỡ bỏ hạn chế rời lãnh thổ được đưa ra, sau khi hơn 70 % dân Úc đã được chích ngừa Covid-19, trong đó 62 % dân số đã được tiêm đủ hai liều.  

(AFP) – China Telecom bị thu hồi giấy phép hoạt động tại Hoa Kỳ. Ủy Ban Viễn Thông Liên Bang Mỹ hôm qua, 26/10/2021, đã thu hồi giấy phép hoạt động của chi nhánh China Telecom tại Hoa Kỳ , vì cho rằng hoạt động của công ty này có thể dẫn đến những rủi ro “đáng kể” đối với an ninh quốc gia. China Telecom có 60 ngày để đóng cửa các dịch vụ của công ty tại Hoa Kỳ, nơi mà công ty này đã hoạt động từ 20 năm nay. Thông báo này có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh. China Telecom là một trong những công ty viễn thông lớn nhất tại Trung Quốc. Công ty này đã phải rời thị trường chứng khoán New York vào tháng 1 năm nay do lệnh của cựu tổng thống Donald-Trump  cấm công dân Mỹ đầu tư vào doanh nghiệp bị cáo buộc có liên hệ với quân đội Trung Quốc.

(AFP) – Miến Điện: Lần đầu tiên Aung San Suu Kyi ra làm chứng trước tòa. Bị quản thúc tại gia kể từ sau vụ đảo chính đầu tháng 2/2021, lãnh đạo chính phủ dân sự bị lật đổ Aung San Suu Kyi hôm qua, 26/10/2021 lần đầu tiên đã ra đối chất trước một tòa án của tập đoàn quân sự để đáp lại những cáo buộc kích động phá rối trật tự công cộng.  Nội dung lời khai của người từng đoạt giải Nobel Hoà bình chưa được công bố cho đến khi chính quyền chứng nhận lời khai của bà. Ngoài tội kích động gây rối trật tự công cộng, bà Aung San Suu Kyi còn bị truy tố về tội nhập khẩu bất hợp pháp máy bộ đàm, vi phạm các hạn chế liên quan đến Covid-19, tham nhũng,…

(AP) – Mỹ và Châu Âu tấn công vào các trang mạng đen. Cảnh sát Châu Âu Europol và bộ Tư Pháp Mỹ ngày 26/10/2021 thông báo đã mở chiến dịch toàn cầu, bắt giữ 150 người, mua và bán ma túy và vũ khí qua các trang mạng đen. Các nhà điều tra cũng đã thu giữ 31 triệu đô la và tiền ảo cùng một số lượng lớn ma túy và súng đạn. Các trang mạng đen cho phép người mua bán hàng cấm  đã bị cảnh sát quốc tế nhắm tới trong những tháng gần đây. Các nhà điều tra đặc biệt lo ngại nhận thấy doanh số bán ma túy tăng vọt trên các trang nét đen trong đại dịch.

(AFP) – Hồng Kông siết chặt kiểm duyệt phim theo luật an ninh quốc gia. Hôm nay, 27/10/2021, Nghị Viện Hồng Kông đã thông qua một luật mới tăng cường kiểm duyệt điện ảnh, cho phép chính quyền có thể cấm các phim đã phát hành nếu nhận thấy tác phẩm có nội dung đe dọa đến «  an ninh quốc gia ». Hồi tháng 6 vừa qua, thành phố đã thông báo áp đặt lệnh kiểm duyệt nội dung đối với tất cả những phim trước khi phát hành bảo đảm không vi phạm luật an ninh quốc gia. Lần này, luật mới quy định duyệt lại tất cả các tác phẩm điện ảnh đã được phát hành. Những ai vi phạm chiếu phim không được phép lưu hành có thể bị phạt 1 triệu đô la Hồng Kông (khoảng 120 nghìn đô la Mỹ).

(AFP) –  Washington kháng án đòi dẫn độ Julian Assange qua Mỹ. Sau lần đầu thất bại, hôm nay Hoa Kỳ tiếp tục nỗ lực để được tư pháp Anh quyết định dẫn độ Julian Assange, người sáng lập trang tin Wikileaks qua Mỹ để xét xử. Julian Assange, quốc tịch Úc 50 tuổi đã trải qua 7 năm trốn trong sứ quán Ecuador tại Luân Đôn và 2 năm trong nhà tù Belmarsh, để tránh bị dẫn độ về Mỹ. Tháng Giêng năm nay, thẩm phán Anh đã bác bỏ đề nghị của Mỹ  được dẫn độ nhân vật này qua Hoa Kỳ, tại đó nếu Julian Assange có thể đối mặt với mức án 175 năm tù. Hôm nay Washington quyết định kháng án quyết định của tư pháp Anh. Kết quả thế nào phải chờ nhiều tuần nữa. 

(AFP) – Vận động tranh cử cho ứng viên Dân Chủ ở Virginia: Phép thử quan trọng với tổng thống Mỹ. Vài ngày trước cuộc bỏ phiếu, dự kiến ngày 02/11/2021, tổng thống Mỹ Joe Biden có mặt tại Arlington, vận động cho ứng viên Terry McAuliffe, 64 tuổi, nguyên thống đốc bang (2014- 2018). Bang Virginia là một bang « chủ chốt ». Kết quả ở Virginia là phép thử quan trọng cho khả năng của Biden thu hút tầng lớp trung lưu, trong bối cảnh uy tín của ông Biden sụt giảm, sau hàng loạt lời hứa không thực hiện liên quan đến cam kết nhanh chóng đẩy lùi đại dịch Covid 19, và nhất là sự kiện rút quân ra khỏi Afghanistan trong hỗn loạn hồi tháng 8/2021. Virginie từng là bang theo đảng Cộng Hòa, giờ do đảng Dân Chủ nắm giữ, nhưng cử tri ủng hộ ứng viên đảng Cộng Hòa gia tăng gần đây.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211027-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p