Tin Tổng Hợp – 27/01/23

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 27/01/23

Chạy đua vũ trang ở châu Á có thể vượt khỏi tầm kiểm soát

26/01/2023 – Phan Minh – Trong bối cảnh Trung Quốc và Bắc Triều Tiên không ngừng phát triển quân sự, các nước láng giềng dường như cũng có ý định làm tương tự, khiến cho Hoa Kỳ cảm thấy lo ngại. Đó là nội dung bài phân tích được đăng hôm 15/01/2023 trên trang mạng đài truyền hình Mỹ CNN. RFI xin trích dịch.

Đây là một cuộc chạy đua vũ trang lớn nhất mà châu Á từng chứng kiến, với việc 3 cường quốc hạt nhân và một cường quốc đang phát triển mạnh, 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới và các liên minh đã có từ hàng chục năm, tất cả đều tranh giành lợi thế ở một số vùng biển và đất liền có nhiều tranh chấp nhất trên thế giới.

Một bên là Hoa Kỳ và các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc. Bên kia bao gồm Trung Quốc và đối tác Nga. Và cuối cùng là Bắc Triều Tiên.

Với việc mỗi nước đều muốn đi trước những nước khác một bước, tất cả đều bị cuốn vào một vòng luẩn quẩn đang vượt khỏi tầm kiểm soát. Suy cho cùng, khái niệm răn đe của một nước đồng nghĩa với khái niệm gây hấn với nước khác.

Ankit Panda, chuyên gia chính sách hạt nhân tại quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nói với CNN: “Chúng ta sẽ chứng kiến những hành động này tiếp diễn ở Đông Á.”

Chuyến thăm của lãnh đạo Nhật Bản tới Washington mấy tuần trước càng làm nổi bật vấn đề. Hôm 13/01/2023, trong cuộc gặp với tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã bày tỏ quan ngại về các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông và vụ phóng tên lửa đạn đạo qua Đài Loan rơi xuống vùng biển gần Nhật Bản vào tháng 08/2022.

Ông Kishida cảnh báo Bắc Kinh không nên tìm cách “thay đổi trật tự quốc tế” và nói rằng việc Nhật Bản, Mỹ và châu Âu đoàn kết chống lại Trung Quốc là “hoàn toàn cấp thiết”. Tuyên bố của ông được đưa ra chỉ vài ngày sau khi các bộ trưởng Hoa Kỳ và Nhật Bản bày tỏ quan ngại về “việc Trung Quốc liên tục phát triển một cách nhanh chóng kho vũ khí hạt nhân của mình”.

Tuy
nhiên, theo Bắc Triều Tiên và Trung Quốc, chính Nhật Bản mới là nước
gây hấn, vì Tokyo gần đây cam kết tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng, đồng
thời mua vũ khí có khả năng tấn công vào các mục tiêu trong lãnh thổ
Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Đối với Mỹ và Nhật Bản, những hành động
này nhằm mục đích răn đe, còn đối với Bắc Kinh thì đây là những hành
động gây hấn.

Nhìn lại quá khứ

Trung Quốc tuyên bố những lo ngại của họ là dựa trên những lý do về mặt lịch sử. Bắc Kinh lo ngại Tokyo đang quay trở lại chủ nghĩa bành trướng quân sự của thời kỳ Thế chiến thứ 2, khi quân đội Nhật Bản kiểm soát những khu vực rộng lớn ở châu Á và Trung Quốc phải chịu tổn thất rất lớn. Khoảng 14 triệu người Trung Quốc đã chết và có tới 100 triệu người phải tị nạn trong 8 năm xung đột với Nhật Bản từ 1937 đến 1945.

Bắc Kinh khẳng định các kế hoạch, bao gồm việc Nhật Bản mua vũ khí “phản công” tầm xa như tên lửa Tomahawk có thể tấn công các căn cứ bên trong Trung Quốc, cho thấy Tokyo một lần nữa đe dọa hòa bình ở Đông Á.

Nhưng nhiều chuyên gia nghi ngờ rằng Trung Quốc có một động cơ khác khi đề cập đến những vết thương về mặt lịch sử : đánh lạc hướng sự chú ý của thế giới khỏi việc Bắc Kinh phát triển quân sự.

Họ nhấn mạnh rằng, trong khi Trung Quốc bác bỏ mạnh mẽ những lo ngại của Mỹ và Nhật Bản về việc Bắc Kinh phát triển sức mạnh quân sự, không thể phủ nhận việc Trung Quốc đang phát triển lực lượng hải quân và không quân ở các khu vực gần Nhật Bản, trong khi vẫn tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku, một chuỗi đảo không có người ở do Nhật Bản kiểm soát ở Biển Hoa Đông.

Vào cuối tháng 12, Nhật Bản cho biết các tàu thuyền của Trung Quốc đã được phát hiện ở khu vực xung quanh quần đảo, được gọi là Điếu Ngư ở Trung Quốc, trong vòng 334 ngày vào năm 2022. Từ ngày 22 đến ngày 25/12, các tàu của Trung Quốc đã hiện diện gần 73 tiếng liên tiếp trong vùng lãnh hải của Nhật Bản ngoài khơi quần đảo, và đây là lần xâm phạm lâu nhất kể từ năm 2012.

Trung Quốc cũng đang làm gia tăng căng thẳng thông qua việc tăng cường quan hệ đối tác với Nga. Một quan chức bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói với CNN gần đây rằng điều này không chỉ thúc đẩy các thỏa thuận giữa Mỹ và Nhật, mà việc Nga xâm lược Ukraina đã “làm mọi thứ chuyển hướng” cùng với việc tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thể hiện sự thân thiện trước thềm Thế vận hội Bắc Kinh.

Và Nga đã phô diễn khả năng quân sự của mình ở Thái Bình Dương, kể cả vào tháng 12, khi các tàu chiến của họ tham gia cùng các tàu chiến và máy bay Trung Quốc trong cuộc tập trận bắn đạn thật kéo dài một tuần ở Biển Hoa Đông.

Sự hung hăng của Bắc Kinh đặc biệt được thấy rõ đối với Đài Loan, một hòn đảo tự trị với 24 triệu dân mà Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố là lãnh thổ của mình mặc dù chưa bao giờ kiểm soát.

Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn không loại trừ việc sử dụng vũ lực để đưa hòn đảo về dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh, và Trung Quốc đã gia tăng các hoạt động quân sự hung hăng xung quanh hòn đảo, đặc biệt là kể từ chuyến thăm của chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi vào tháng 08/2022. Trong mấy ngày sau chuyến thăm của bà Pelosi, Trung Quốc đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự dồn dập chưa từng có xung quanh hòn đảo, bắn nhiều tên lửa gần vùng biển Đài Loan và điều máy bay chiến đấu đến quấy rối hòn đảo.

Cách đấy mấy tuần, Trung Quốc đã triển khai 28 máy bay chiến đấu qua đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan, bao gồm máy bay chiến đấu J-10, J-11, J-16 và Su-30, máy bay ném bom H-6, 3 drone và một máy bay trinh sát. Cuộc tập trận đó tương tự cuộc tập trận vào ngày Giáng Sinh, khi quân đội Trung Quốc đưa 47 máy bay qua đường trung tuyến.

Trước những hành động như vậy, quyết tâm của Hoa Kỳ vẫn không hề giảm. Washington đã gia tăng việc bán các thiết bị quân sự cho hòn đảo, tương ứng với trách nhiệm của mình theo đạo luật Quan hệ Đài Loan.

Bắc Triều Tiên leo thang hạt nhân

Cách Đài Loan hàng ngàn dặm về phía bắc, đàm phán về hợp tác trên bán đảo Triều Tiên là một tia sáng yếu ớt và mờ dần.

Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đang kêu gọi “tăng theo cấp số nhân” kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng bắt đầu từ năm 2023. Bắc Triều Tiên cũng đang xây dựng một hạm đội gồm các bệ phóng tên lửa di động “cực lớn” có thể tấn công bất kỳ địa điểm nào ở Hàn Quốc bằng đầu đạn hạt nhân.

Trong một báo cáo được công bố hôm 12/01, viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc (KIDA) cho biết kế hoạch của lãnh đạo họ Kim có thể sẽ là sản xuất 300 vũ khí hạt nhân trong những năm tới.

Đó là một bước tiến lớn so với năm 2022, khi viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) ước tính rằng ông Kim Jong Un đang có 20 vũ khí hạt nhân đã lắp ráp và đủ vật liệu phân hạch để sản xuất 55 vũ khí.

Con số 300 đầu đạn hạt nhân sẽ giúp Bắc Triều Tiên vượt qua các quốc gia hạt nhân lâu đời như Pháp và Vương Quốc Anh và chỉ còn đứng sau Nga, Mỹ và Trung Quốc trên bảng xếp hạng kho dự trữ hạt nhân của SIPRI.

Một viễn cảnh như vậy khiến tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol thêm quyết tâm xây dựng quân đội. Ông Yoon Suk Yeol nói: “Việc xây dựng vững chắc năng lực (quân sự) cho phép chúng ta đánh trả gấp 100 lần hoặc 1.000 lần nếu chúng ta bị tấn công là phương pháp tốt nhất để ngăn chặn các cuộc tấn công.”

Ông thậm chí còn nêu ra viễn cảnh Hàn Quốc xây dựng kho vũ khí hạt nhân của riêng mình, gợi ý rằng Seoul có thể “triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật”.

Ý nghĩ về việc bán đảo Triều Tiên có nhiều vũ khí hạt nhân hơn nữa là điều mà các nhà lãnh đạo Mỹ hết sức lo ngại, ngay cả khi những vũ khí đó thuộc về một đồng minh.

Phát triển vũ khí hạt nhân cũng đồng nghĩa với việc Hàn Quốc đánh mất một số “nền tảng đạo đức” mà nước này đã đạt được khi tuân thủ tuyên bố chung vào năm 1992 về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên mà Bình Nhưỡng đã nhiều lần vi phạm.

Vì vậy, để bảo đảm an toàn cho đồng minh của mình, Hoa Kỳ đã khẳng định rằng sự hậu thuẫn của Washington đối với Seoul “chắc như đinh đóng cột” và tất cả các thiết bị quân sự của Hoa Kỳ đều sẵn sàng để bảo vệ Hàn Quốc.

Đô đốc Mike Gilday, tư lệnh hải quân Mỹ, hôm 12/01 đã phát biểu trong một diễn đàn trực tuyến của viện Nghiên cứu Triều Tiên-Mỹ (ICAS) rằng Washington sẽ không ngần ngại thực hiện cam kết răn đe mở rộng của mình đối với (Hàn Quốc) bằng cách sử dụng toàn bộ khả năng phòng thủ của Mỹ và khả năng đó mở rộng sang phòng thủ hạt nhân, quy ước và sử dụng cả tên lửa. Ông Gilday nêu một ví dụ về sự hỗ trợ của Washington với Seoul là chuyến thăm của một tàu sân bay Mỹ tới cảng Busan của Hàn Quốc vào năm ngoái.

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20230126-ch%E1%BA%A1y-%C4%91ua-v%C5%A9-trang-%E1%BB%9F-ch%C3%A2u-%C3%A1-c%C3%B3-th%E1%BB%83-v%C6%B0%E1%BB%A3t-kh%E1%BB%8Fi-t%E1%BA%A7m-ki%E1%BB%83m-so%C3%A1t

Kỹ sư Trung Quốc lãnh 8 năm tù ở Mỹ về tội gián điệp

27/01/2023 – AFP

Bộ trưởng Tư Pháp Mỹ Merrick Garland loan báo kết quả những hoạt động chống lại các nỗ lực bị cáo buộc của Trung Quốc nhằm đánh cắp công nghệ Mỹ, tại Bộ Tư pháp ở Washington, ngày 24/10/2022.
Bộ trưởng Tư Pháp Mỹ Merrick Garland loan báo kết quả những hoạt động chống lại các nỗ lực bị cáo buộc của Trung Quốc nhằm đánh cắp công nghệ Mỹ, tại Bộ Tư pháp ở Washington, ngày 24/10/2022.

Một kỹ sư Trung Quốc ngày 25/1 bị kết án 8 năm tù giam ở Hoa Kỳ vì đã
cung cấp cho Bắc Kinh thông tin về các mục tiêu tuyển dụng tiềm năng.

Ông Ji Chaoqun đến Mỹ bằng visa du học vào năm 2013 và sau đó đăng ký gia nhập Lục quân Trừ bị. Ông bị buộc tội là chỉ ra các nhà khoa học và kỹ sư Mỹ mà Cục An ninh Quốc gia tỉnh Giang Tô có thể tuyển dụng.

Cơ quan này là một đơn vị tình báo chủ chốt của Trung Quốc tham gia vào nhiều kế hoạch nhằm ăn cắp trái phép các bí mật công nghiệp và thương mại của Hoa Kỳ.

Ông Ji bị bắt vào tháng 9 năm 2018 với cáo buộc cung cấp cho tình báo Trung Quốc thông tin tiểu sử của khoảng 8 người, tất cả đều là công dân Mỹ gốc Trung Quốc hoặc Đài Loan, một số người trong số họ là nhân viên khế ước quốc phòng của Hoa Kỳ.

Ông Ji, khoảng 31 tuổi, bị kết tội vào tháng 9 vì hành động bất hợp pháp với tư cách là đặc vụ của chính phủ nước ngoài và khai man sau phiên tòa kéo dài hai tuần ở Chicago.

Theo Bộ Tư pháp, ông Ji đã hành động theo chỉ đạo của ông Xu Yanjun, phó giám đốc bộ phận của đơn vị Giang Tô.

Trường hợp của ông Ji dường như có liên quan đến những nỗ lực của Trung Quốc trong nhiều năm nhằm đánh cắp bí mật thương mại từ GE Aviation có trụ sở tại Ohio, một trong những nhà sản xuất động cơ máy bay hàng đầu thế giới, và các công ty hàng không khác, bao gồm cả các nhà cung cấp quân sự của Hoa Kỳ.

Ông Xu là nhân vật chủ chốt trong nỗ lực đó. Bị bắt ở Bỉ vào năm 2018, ông ta bị dẫn độ sang Hoa Kỳ để hầu tòa.

Ông này bị kết tội vào tháng 11 năm 2021 về tội gián điệp kinh tế và âm mưu đánh cắp bí mật thương mại.

Vào tháng 11 năm ngoái, ông Xu bị kết án 20 năm tù.

https://www.voatiengviet.com/a/ky-su-trung-quoc-lanh-8-nam-tu-ve-toi-gian-diep/6935803.html

Philippines có ý định tuần tra Biển Đông cùng với Mỹ và ASEAN

25/01/2023 – Phan Minh

Thượng nghị sĩ Philippines Francis Tolentino hôm nay 25/01/2023 cho biết, Manila có thể sẽ tiến hành các cuộc tuần tra hàng hải chung ở Biển Đông với Hoa Kỳ hoặc với các quốc gia thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Theo nhật báo Philippines Inquirer, ông Tolentino đã tán thành việc tổ chức các cuộc tuần tra chung giữa cảnh sát biển của Mỹ-Philippines, và thậm chí có thể mở rộng hoạt động này thành cuộc tuần tra đa phương bao gồm các quốc gia thuộc khối ASEAN để bảo đảm tự do hàng hải, thực hiện quyền đánh bắt cá và những hoạt động khác… Thượng nghị sĩ Tolentino cho rằng Philippines sẽ không thể đơn độc tổ chức các cuộc tuần tra này, và cần sự tham gia của các quốc gia khác quan tâm đến việc duy trì tự do hàng hải trong khu vực.

Trước đó không lâu, lực lượng tuần duyên Philippines cho biết một chiếc tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã xua đuổi một tàu đánh cá Philippines ở bãi cạn Ayungin (tên quốc tế là Second Thomas Shoal, tên tiếng Việt là Bãi Cỏ Mây), cách Palawan 315 km về phía tây.

Vụ việc này xảy ra sau khi tổng thống Ferdinand Marcos Jr. thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước tới Bắc Kinh, trong đó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết tìm những giải pháp giúp đỡ các ngư dân gặp khó khăn ở Biển Đông mà Manila gọi là biển Tây Philippines.

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20230125-philippines-c%C3%B3-%C3%BD-%C4%91%E1%BB%8Bnh-tu%E1%BA%A7n-tra-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng-c%C3%B9ng-v%E1%BB%9Bi-m%E1%BB%B9-v%C3%A0-asean

(AFP) – Washington gia hạn lệnh cấm trục xuất người Hồng Kông lánh nạn Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 26/01/2023 đã ra lệnh gia hạn thêm hai năm chương trình cho phép người Hồng Kông cư trú tại Hoa Kỳ, được ở lại Mỹ quá thời hạn mà thị thực của họ cho phép. Nhiều người Hồng Kông trong số này vốn đã chạy sang Mỹ để cố thoát khỏi sự đàn áp của Trung Quốc.

(AFP) – Liên Hiệp Châu Âu muốn có biện pháp mạnh đối với các nước thứ ba không hợp tác trong vấn đề di dân. Trong cuộc họp vào hôm qua, 26/01/2023, bộ trưởng Nội Vụ các nước Liên Hiệp Châu Âu đã thảo luận về cách tăng số các vụ trục xuất người di cư bất hợp pháp trở về nước xuất xứ của họ, bao gồm cả việc hạn chế hơn nữa việc cấp thị thực cho công dân của các quốc gia “không hợp tác” trong lãnh vực này. Trong số khoảng 340.500 quyết định “hoàn trả” được ban hành vào năm 2021 ở các nước châu Âu, chỉ có 21% là đã được thực hiện trên thực tế, theo dữ liệu của cơ quan thống kê châu Âu Eurostat.

(AFP) – Hoa Kỳ: Năm nhân viên cảnh sát bị truy tố về tội sát nhân sau cái chết của một người Mỹ da đen. Theo công tố viên Steve Mulroy thành phố Memphis, bang Tennessee ngày 26/01/2023, năm cảnh sát này đã bị đã bị truy tố và tống giam về tội giết người sau cái chết của một người Mỹ gốc Phi vào đầu tháng Giêng, vài ngày sau một vụ bắt giữ bị cho là “kinh khủng” ở miền nam Hoa Kỳ. Họ bị buộc vào nhiều tội danh, từ bắt cóc, hành hung cho đến sát nhân. Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi mở một “cuộc điều tra nhanh chóng, đầy đủ và minh bạch” về thảm kịch.

(AFP) – Nga lên án Liên Âu thúc đẩy “đối đầu địa chính trị” khi cử phái bộ đến giám sát vùng biên giới Armenia – Azerbaidjan. Bộ Ngoại Giao Nga đưa ra cáo buộc nói trên nhắm vào Liên Âu (EU) hôm qua, 26/01/2023. Theo Matxcơva, hành động của EU làm thổi bùng lên các mâu thuẫn hiện tại. Matxcơva vốn là bên trung gian truyền thống giúp dàn hòa các tranh chấp giữa Armenia – Azerbaidjan, nhưng từ nhiều tuần nay, Armenia đã chỉ trích việc Nga không nỗ lực trong hồ sơ này.

(AFP) – Chiến tranh Ukraina: Hội Đồng Toàn Châu Âu yêu cầu lập tòa án quốc tế xét xử các lãnh đạo Nga, Belarus. Hôm 26/01/2023, Nghị viện của Hội Đồng Toàn Châu Âu gồm 46 quốc gia thành viên đã bỏ phiếu với 100% phiếu thuận, thông qua nghị quyết về lập toà án quốc tế xử các lãnh đạo dân sự và quân sự, đã “lập kế hoạch, chuẩn bị và tiến hành cuộc chiến xâm lăng” chống Ukraina. Hồi tuần trước, Nghị Viện Châu Âu với 27 quốc gia thành viên đã bỏ phiếu thông qua một nghị quyết tương tự.

(AFP) – Pháp và Irak ký kết “đối tác chiến lược”. Lễ ký kết được tổ chức tại Paris tối 26/01/2023 với sự có mặt của tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Irak Mohamed Chia al-Soudani. Năng lượng là một nội dung chính của hợp tác. Thủ tướng Irak hy vọng nhận được sự hỗ trợ của Pháp về đào tạo và phát triển năng lực của các lực lượng an ninh, và trong việc mua sắm vũ khí.

(AFP) – Azerbaidjian thông báo di tản sứ quán tại Iran sau một vụ tấn công khủng bố. Quốc gia Trung Á Azerbaidjian hôm 27/01/2023 cáo buộc Iran là thủ phạm một vụ tấn công khủng bố, khiến một người chết, và thông báo di chuyển toàn bộ nhân viên đại sứ quán ra khỏi thủ đô Teheran.

(AFP) – Cảnh sát và quân đội Peru sẽ giải tỏa các tuyến đường đang bị người biểu tình phong tỏa. Bộ Quốc Phòng và bộ Nội Vụ Peru hôm 26/01/2023 ra thông cáo chung cho biết, toàn bộ các xa lộ của mạng lưới đường bộ quốc gia sẽ được giải tỏa. Chính quyền thống kê được 88 điểm phong tỏa trên 8 trong số 25 vùng trên toàn quốc. Người biểu tình phản đối việc nữ tổng thống Dina Boluarte bị buộc phải từ chức ngày 07/12/2022.

(Reuters) – Doanh thu của tập đoàn hàng xa xỉ Pháp LVMH tăng 9% trong quý 4. Tập đoàn hàng xa xỉ số một thế giớibán được tổng cộng 22,7 tỉ euro hàng trong ba tháng cuối năm, một giai đoạn quan trọng trong việc kinh doanh của hãng, với nhiều dịp nghỉ lễ cuối năm.Tăng trưởng cao hơn so với mức 7% dự kiến.

(AFP) – Ukraina đòi giải Quần Vợt Mở Rộng Úc cấm cha của Djokovic. Đại sứ Ukraina tại Úc ngày 27/01/2023 đã kêu gọi các quan chức quần vợt cấm cha của tuyển thủ Serbia Novak Djokovic vào xem giải Quần Vợt Mở Rộng nước Úc. Lý do là nhân vật này bị phát hiện đứng chung với những người hâm mộ cầm cờ Nga, bên trên có chân dung tổng thống Nga Puitin, và nói “Nước Nga muôn năm”. Trước các phản ứng dữ dội, cha của Djokovic cho biết sẽ không đến dự trận bán kết của con trai mình ngày 27/01, và khẳng định rằng ông “chỉ mong muốn hòa bình”.

(AFP) – Quốc Hội Đức lần đầu tiên tưởng niệm các nạn nhân đồng tính của chế độ Đức Quốc Xã. Buổi tưởng niệm diễn ra ngày 27/01/2023, tại Hạ Viện Đức nhân dịp ngày quốc tế về các nạn nhân của Holocaust. Kể từ ngày 27 tháng 1 năm 1996, hàng năm, các dân biểu Đức đều tổ chức một buổi lễ trọng thể để kỷ niệm ngày giải phóng trại tử thần Auschwitz-Birkenau. Nhưng năm nay là lần đầu tiên số phận các nạn nhân đồng tính LGBTQ được nhắc đến.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230127-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

(AFP) – Pháp triệu hồi đại sứ tại Burkina Faso về nước. Bộ Ngoại Giao Pháp ngày 26/1/23 thông báo quyết định triệu hồi đại sứ Pháp tại Burkina Faso về nước để “tham vấn”, một hôm sau khi loan báo triệt thoái lực lượng đặc biệt của Pháp ra khỏi quốc gia châu Phi này trong vòng “một tháng”. Đại sứ Pháp Luc Hallade đã nhậm chức ở Ouagadougou từ mùa hè năm 2019. Hôm 23/1/23, chính phủ Burkina Faso đã tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận năm 2018 về quy chế của lực lượng Pháp hiện diện tại quốc gia mà các nhóm thánh chiến đang hoành hành.

(Reuters) – Zelensky kêu gọi LHQ chống chính sách “lưu đày” người Ukraina mà Nga đang áp dụng. Nói chuyện với Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc Filippo Grandi ngày 25/01/2023, tổng thống Ukraina đã yêu cầu định chế quốc tế này giúp tìm giải pháp cho việc Nga cưỡng bức lưu đày hàng nghìn người lớn và trẻ em Ukraina sang Nga. Theo ông Zelensky, cần phải có một cơ chế để bảo vệ những người này và đưa họ hồi hương, đồng thời buộc tất cả những người dính líu đến các vụ cưỡng bức lưu đày này phải chịu trách nhiệm.

(AFP) – Tài khoản mạng Facebook và Instagram của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ được khôi phục. Tập đoàn Meta hôm 25/01/2023 thông báo sẽ ngưng phong tỏa tài khoản mạng xã hội Facebook và Instagram trong những tuần tới đây. Hai tài khoản của ông Trump trên mạng Facebook và Instagram đã bị Meta khóa lại sau vụ các ủng hộ viên của ông Trump tấn công điện Capitol hôm 06/01/2021. Hồi cuối tháng 06/2021, Facebook đã quyết định phong tỏa thêm 2 năm tài khoản của ông Trump và tỉ phú Mỹ chỉ có thể dùng lại Facebook nếu các mối nguy đối với an ninh chung không còn nữa.

(AFP) – Anh Quốc: Tin tặc Iran và Nga tích cực nhắm tới các nhà báo và chính trị gia nổi tiếng. Trung tâm An ninh mạng Quốc gia của Anh, thuộc cơ quan tình báo và an ninh của Anh, hôm nay, 26/01/2023, cảnh báo ngày càng có nhiều vụ tấn công tin học được tiến hành từ những cơ sở ở Iran và Nga nhắm vào các cá nhân và tổ chức của Anh, nhằm xâm nhập vào các hệ thống thông tin nhạy cảm. Trung tâm An ninh mạng Quốc gia của Anh nêu đích danh các nhóm SEABORGIUM tại Nga và TA453 tại Iran, có liên hệ với lực lượng Vệ binh Cộng Hòa. Hai nhóm này sử dụng những kỹ thuật giống nhau và nhắm đến cùng nhóm đối tượng.

(AFP) – Iran thông qua các biện pháp trừng phạt châu Âu và Anh Quốc. Để đáp trả các biện pháp trừng phạt hôm thứ Hai 23/01 của Liên Hiệp Châu Âu và Anh Quốc, Teheran hôm 25/01/2023 thông báo trừng phạt 25 cá nhân và thực thể của Liên Âu bị cáo buộc” ủng hộ khủng bố và các nhóm khủng bố, cổ vũ bạo lực nhắm vào nhân dân Iran, phát tán thông tin sai lệch về Iran”. Trong số 10 cá nhân và thực thể của Pháp bị Iran nhắm tới, có đô trưởng Paris. Các biện pháp của Teheran gồm trừng phạt về tài chính và cấm nhập cảnh vào Iran.

(AFP) – Vụ chìm tàu hàng ngoài khơi Nhật Bản: Trong số 8 người chết, có 6 người Trung Quốc. Đây là số liệu được thông báo trên truyền hình Nhà nước Trung Quốc hôm nay, 26/01/2023. «Jin Tian» là một tàu hàng treo cờ Hồng Kông, thủy thủ đoàn là người Trung Quốc và Miến Điện. Tàu đã gửi tín hiệu cấp cứu vào tối khuya thứ Ba 24/01, khi ở ngoài khơi Nhật Bản 110 km, cách đảo Jeju của Hàn Quốc 150km. Nhiều tàu và máy bay của lực lượng hải cảnh Nhật và Hàn đã tham gia cứu hộ, tìm thấy 13 trong số 22 thành viên thủy thủ đoàn. Trong số 13 người đó, có 8 người được xác nhận đã chết. Nhật Bản chưa xác nhận thông tin của Trung Quốc, chỉ nói rằng vẫn còn 9 người mất tích.

(AFP) – Ukraina đặt cả nước trong tình trạng báo động đối phó với tên lửa của Nga. Chính quyền Kiev sáng nay 26/01/2023 đặt cả nước trong tình trạng báo động trước một đợt oanh kích của Nga. Đô trưởng Kiev cho biết đợt tấn công nhắm vào thủ đô Ukraina sáng nay làm ít nhất một người thiệt mạng và hai người bị thương. Quân đội Ukraina đã chận được hơn một chục tên lửa hành trình và 24 tên lửa nhắm vào thủ đô Kiev. Ngoài ra, Vinnytsia ở miền trung đất nước cùng với Odessa và Mykolaiv tại miền nam Ukraina cũng là mục tiêu tấn công của các đợt oanh kích sáng nay.

(AFP) – Ngoại trưởng Pháp công du Odessa vào lúc thành phố này bị trúng tên lửa của Nga. Từ thành phố cảng Odessa, miền nam Ukraina tối qua, 25/01/2023 ngoại trưởng Pháp gửi đi tin nhắn «đến Odessa thể hiện tình đoàn kết và sự ủng hộ chủ quyền của Ukraina». Cùng với đồng cấp Ukraina, bà Catherine Colonna đã thẩm định «nhu cầu cấp bách của quân đội và dân sự Ukraina». Cũng trong ngày 25/01, khu phố cổ ở trung tâm Odessa vừa được UNESCO ghi nhận là «một di sản văn hóa thế giới bị đe dọa». Sau Odessa, lãnh đạo ngoại giao Pháp công du Moldova thôm nay, 26/01/2023.

(AP) – Tân đại sứ Mỹ tại Nga đến Matxcơva trong bối cảnh căng thẳng. Lynne Tracy vừa đặt chân đến Matxcơva trong ngày 26/01/2023, thay thế đại sứ John Sullivan. Ông Sullivan đã từ chức hồi tháng 9/2022. Bà Tracy nguyên là đại sứ Mỹ tại Armenia trong giai đoạn 2014-2017. Hiện chưa biết khi nào bà Lynne Trace chính thức bắt đầu nhiệm kỳ.  

(AFP) – Berlin xác định xe tăng Leopard 2 của Đức sẽ được chuyển tới Ukraina vào cuối tháng 3- đầu tháng 4/2023. Bộ trưởng Quốc Phòng Đức Boris Pistorius thông báo tin trên vào hôm nay nhân chuyến thị sát tại một căn cứ quân sự thuộc bang Saxe-Anhalt, miền đông nước Đức. Ông nói thêm công tác đào tạo cho binh sĩ Ukraina sử dụng xe tăng của Đức sẽ «chóng được tiến hành». Hôm qua, Berlin vừa thông báo sẽ giao 14 chiếc xe tăng chiến đấu hạng nặng Leopard 2 cho Ukraina.

(AFP) – Ouzbekistan dự trù nhập khẩu khí đốt của Nga. Tuy giàu tài nguyên thiên nhiên nhưng từ nhiều tháng qua quốc gia Trung Á này thiếu hụt năng lượng. Hôm nay, 26/01/2023 Tashkent thông báo đạt được một thỏa thuận về khí đốt với Gazprom. Hợp đồng có hiệu lực kể từ ngày 01/03/2023. Đây là lần đầu tiên Ouzbekistan phải nhập khẩu khí đốt của Nga.  

(AFP) – Tấn công bằng dao nhắm vào hai nhà thờ Thiên Chúa giáo tại Tây Ban Nha: một người thiệt mạng và một người bị thương. Vụ tấn công xảy ra hôm 25/01/2023 tại Algésiras, một thành phố ở miền nam Tây Ban Nha. Hai nhà thờ cách nhau vài trăm mét. Hung thủ là một thanh niên người Maroc đang bị trục xuất về nước.

(AFP) – Liên hoan truyện tranh quốc tế Angoulême tròn 50 tuổi. Giải thưởng lớn 2023 được trao cho họa sĩ Riad Sattouff với tập truyện «l’Arabe du futur». Nhưng mọi chú ý đã hướng về ông vua Manga người Nhật Hajime Isayama. Mới 36 tuổi, Hajim được độc giả Pháp mến mộ nhờ tập truyện L’attaque des Titans. Festival Angoulême năm nay (26-29/1/2023) tổ chức một cuộc triển lãm đặc biệt dành cho họa sĩ Nhật Bản Hajime Isayama.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230126-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

(Reuters) – Hoa Kỳ: Nhiều công ty Trung Quốc hỗ trợ Nga chống Ukraina. Theo một nguồn tin ẩn danh, chính quyền Biden đang theo dõi sát việc nhiều công ty Trung Quốc cung cấp các loại vũ khí không sát thương và hỗ trợ kinh tế, nhưng « chưa đến mức lẩn tránh toàn bộ các biện pháp trừng phạt». Ned Price, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ phát biểu trước báo giới rằng Hoa Kỳ lấy làm quan ngại, « không những chính phủ Trung Quốc can dự vào việc hậu thuẫn mà cả các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang làm điều này.»  

(AFP) – Na Uy: Quỹ Nhà Nước gạt hai tập đoàn Trung Quốc và Ấn Độ. Ngân hàng Trung ương Na Uy hôm nay, 25/1/23, thông báo, Quỹ Nhà Nước Na Uy, quỹ tài chính lớn nhất thế giới với tổng trị giá tài sản hơn 1.200 tỷ euro, đã quyết định rút vốn khỏi hai tập đoàn, một của Trung Quốc là hãng AviChina Industry & Technology và một của Ấn Độ, hãng Bharat Electronics, vì hai hãng này đã cung cấp vũ khí cho Miến Điện trong năm 2021. Quyết định thoái vốn của Ngân hàng Na Uy được thực hiện theo khuyến nghị của Hội Đồng Đạo Đức (mang tính chất tham vấn).

(Yonhap) – Tin tặc Trung Quốc tấn công 12 học viện Hàn Quốc. Cơ quan An ninh Mạng của Hàn Quốc (KISA) hôm nay, 25/01/2023, cho biết rõ, trong số các học viện bị tấn công mạng, có trường đại học Jeju, trường đại học Sư phạm Quốc gia (KNUE) và Viện Nghiên cứu về các chính sách xây dựng (RICON). Phần lớn các trang mạng trên đều không thể truy cập được vào 10 giờ sáng nay. Nhóm tin tặc được xác định là Cyber Security Team còn khẳng định đã làm tê liệt các hệ thống mạng tin học tại 70 định chế Hàn Quốc, có liên quan đến ngành giáo dục trong những ngày Tết Nguyên Đán, kéo dài từ thứ Bảy 21/01 đến thứ Ba, 24/01.

(AFP) – New Zealand: Chris Hipkins, chính thức thay thế thủ tướng từ nhiệm Jacinda Ardern. Chris Hipskin, 44 tuổi, bộ trưởng đảm trách chống dịch bệnh Covid-19, hôm nay, 25/1, đã tuyên thệ nhậm chức tại Wellington, thủ đô New Zealand. Ông Chris Hipskin lên cầm quyền vào thời điểm uy tín của đảng Lao Động (trung tả) cầm quyền bị sụt giảm mạnh. Bà Jacinda Ardern, 42 tuổi, tuần trước đã gây bất ngờ khi thông báo từ nhiệm, vì «không còn đủ sức lực» để tiếp tục đảm nhiệm vai trò sau năm năm lãnh đạo đất nước với nhiều cuộc khủng hoảng: Dịch bệnh, núi lửa, và cuộc khủng bố tệ hại nhất chưa từng có.

(AFP) – Pháp: Giao thông bị gián đoạn ở Gare de l’Est (Paris). Công ty Đường sắt Quốc gia Pháp SNCF hôm nay, 25/01/2023, cho biết, hoạt động giao thông đã được nối lại nhưng vẫn bị xáo trộn cho các chuyến đi và đến tại Gare de l’Est. Nguyên nhân là do một cáp tín hiệu đã bị đốt cháy tại Vaires-sur-Marne (Seine-et-Marne), vùng ngoại ô Paris. SNCF đã đệ đơn kiện lên viện công tố Meaux về hành vi «cố ý phá hoại» và gây nguy hiếm đến tính mạng người khác.

(Reuters) – Bulgari tổ chức bầu cử Nghị Viện trước thời hạn. Tổng thống Bulgari Rumen Radev, hôm qua, 24/1/23, thông báo tổ chức cuộc bầu cử Nghị Viện vào ngày 2/4/23. Đây là đợt bỏ phiếu thứ năm trong vòng hai năm. Cuộc bầu cử diễn ra hồi tháng 10/2022 vẫn chưa cho phép có được một đa số trong chính phủ.

(Reuters) – Iran dọa trả đũa các đòn trừng phạt mới của EU và Anh. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Iran, Nasser Kanaani, hôm qua, 24/01/2023, tuyên bố, Teheran «sẽ có những biện pháp trừng phạt mới nhắm vào những người vi phạm nhân quyền của Liên Hiệp Châu Âu và Anh Quốc.» Phát biểu này được đưa ra một ngày sau khi Bruxelles và Luân Đôn thông báo trừng phạt mới nhắm vào khoảng 30 cá thể hay chủ thể Iran, đa phần thuộc lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Hồi Giáo.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230125-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p