Tin tổng hợp – 26/07/2020
(AFP) – Bão Hanna đổ vào bang Texas, Mỹ.
Cơn bão đầu tiên trong năm 2020 tại Mỹ, phía bờ Đại Tây Dương, hôm nay 26/07/2020 đã suy yếu và chuyển thành bão nhiệt đới cấp 1 khi tràn vào bang Texas. Tuy nhiên, gió vẫn thổi mạnh với tốc độ 115 km/giờ, những con sóng ở các vùng ven biển vẫn có thể lên cao tới 2m. Hiện giờ chính quyền chưa ghi nhận thiệt hại nào nghiêm trọng.
(Reuters) – Một người biểu tình chống bạo lực cảnh sát bị bắn chết tại thành phố Austin-Texas.
Cảnh sát thành phố Austin hôm 25/07/2020 xác nhận nạn nhân đã qua đời. Nhiều phát súng đã bắn vào đám đông hàng trăm người tập hợp trên đường phố, biểu tình chống bạo lực của cảnh sát và các hành vi kỳ thị. Trước mắt chính quyền tại chỗ chưa công bố thêm nhiều chi tiết về cái chết nói trên.
(AFP) – Biểu tình tại Mỹ : Đụng độ nổ ra giữa người biểu tình và cảnh sát.
Bất chấp dịch bệnh, nhiều cuộc biểu tình chống kỳ thị sắc tộc và nạn bạo lực của cảnh sát vẫn tiếp diễn trong ngày hôm qua 25/07/2020 tại nhiều thành phố của Mỹ. Tại các thành phố Austin Louisville, New York, Omaha, Oakland, Los Angeles, Richmond, cảnh sát chống bạo động đã dùng ném đạn khói, hơi cay vào đám đông. Tại Seattle, bang Washington, đêm hôm qua cũng xảy ra bạo động, cảnh sát cho biết đã câu lưu 45 người.
(Reuters) – Anh Quốc sẽ tăng cường khả năng xử lý mối đe dọa không gian từ Nga, Trung Quốc.
Đâylà một phần của chính sách đối ngoại, an ninh và quốc phòng mà chính phủ Anh tiến hành. Bộ trưởng Quốc Phòng Anh, Ben Wallace, hôm qua 25/07/2020 thông báo như trên. Hôm thứ Năm 23/07, chính quyền Anh tỏ ý lo ngại về vụ thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh của Nga. Bộ trưởng Quốc Phòng Anh còn nói rằng Trung Quốc cũng là một mối đe dọa với Anh vì Bắc Kinh đang cho phát triển các loại vũ khí tấn công ; cả hai nước Nga – Trung đều nâng cấp khả năng tấn công của họ.
(Reuters) – Ba Lan chuẩn bị rút lui khỏi danh sách các nước cam kết chống bạo hành phụ nữ.
Bộ trưởng Tư Pháp Ba Lan Zbigniew Ziobro ngày 25/07/2020 giải thích thêm về quyết định này, ông cho rằng hiệp ước chống bạo hành phụ nữ của Liên Âu “đi ngược lại với quyền của các phụ huynh”. Số này không đồng ý để con em họ được nhà trường giáo dục về bình đẳng nam nữ. Các hiệp hội bảo vệ nữ quyền và nhân quyền Ba Lan đồng thanh lên án đảng bảo thủ cầm quyền Pháp luật và Công Lý muốn “đẩy nữ giới vào địa ngục”
(AFP) Tai nạn xe khách tại Việt Nam 13 người thiệt mạng, nhiều người bị thương.
Báo chí trong nước cho biết tai nạn xảy ra vào sáng nay khi xe trên đường đến Quảng Bình. Trên xe có 40 hành khách là một nhóm cựu học sinh gặp lại nhau 30 năm sau ngày rời xa nhà trường. Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới, tính từ đầu năm tới nay tại Việt Nam có 3.200 người tử vong vì tai nạn giao thông.
(AFP) – Đội bóng FC Barcelona thất thu 200 triệu euro vì Covid-19.
Chủ tịch câu lạc bộ bóng đá này, Josep Maria Bartomeu ngày hôm nay cho biết tính từ hôm 14/03/2020 khi Tây Ban Nha chính thức ban hành lệnh phong tỏa để chống dịch, “không thu thêm được một xu nào vào két”. Đội bóng huyền thoại này phải “đóng cửa nhiều cửa hiệu và cả bảo tàng” tập hợp những thành tích lẫy lừng của Barça. Doanh thu trong năm nay giảm đi ít nhất 30 % so với hồi 2019.
(Live Mint) – Covid-19: Ấn Độ lại có trên 45.000 ca nhiễm mới.
Tại Ấn Độ, số ca mới nhiễm Covid-19 trong ngày hôm nay 26/07/2020 lên đến gần 48.700 người. Đây là ngày thứ tư liên tiếp số ca mới nhiễm ở mức trên 45.000/ngày. Số ca tử vong trong vòng 24 giờ qua tại Ấn Độ là 705 người, nâng tổng số người chết từ đầu mùa dịch Covid-19 lên thành 32.063. Hiện giờ, Ấn Độ là quốc gia có nhiều ca tử vong thứ sáu thế giới vì virus corona, sau Mỹ, Brazil, Anh Quốc, Mêhicô và Ý.
(Yonhap) – Covid-19: Số ca nhiễm mới đã giảm bớt.
Theo Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh Hàn Quốc, số ca Covid-19 mới tại nước này hôm nay 26/07/2020 đã xuống còn 58 ca, so với số ca mới cao kỷ lục tính từ 4 tháng nay ghi nhận ngày hôm qua (113 ca). Trong số 58 ca mới nhiễm virus, có đến 46 người là lao động Hàn Quốc trở về từ ngoại quốc hoặc người nước ngoài đến Hàn Quốc. Đây là ngày thứ 30 Hàn Quốc ghi nhận trên 10 ca bệnh « nhập khẩu ». Tính từ ngày 03/01/2020, Hàn Quốc đã tiến hành gần 1.523.000 xét nghiệm tầm soát Covid-19.
(AFP) – Tổng thống Brazil Bolsonaro thông báo âm tính với virus corona sau 2 tuần nhiễm bệnh.
Tổng thống Bolsonaro cho biết kết quả xét nghiệm như trên trên mạng Twitter vào hôm qua 25/07/2020. Ngay sau đó, ông đã ngồi trên moto diễu phố ở Brasilia để chào những người ủng hộ ông. Theo một cuộc thăm dò ý kiến ở Brazil, điểm tín nhiệm tổng thống Bolsonaro đã tăng thêm 3 điểm so với cách nay hai tuần.
(AFP) – Covid-19: Tình hình châu Mỹ vẫn tồi tệ.
Đại học Johns Hopkins hôm 25/07/2020 cho biết có thêm 68.212 ca nhiễm và 1.067 người chết trong một ngày vì virus corona chủng mới trong vòng 24 giờ. Trong 12 ngày liên tiếp, tại Hoa Kỳ, mỗi ngày vẫn có thêm hơn 60 ngàn bệnh nhân. Chilê vượt ngưỡng 13.000 ca tử vong. Tại Brazil, dịch bệnh đã cướp đi mạng sống của hơn 85.000 người, lây nhiễm cho hơn 2,3 triệu dân mà vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm
(AFP) – Covid-19 : Châu Âu cố trấn an công luận.
Thủ tướng Jean Castex hôm qua tuyên bố tránh tối đa kịch bản “Pháp lại bị phong tỏa toàn bộ” như hồi tháng 3 vừa qua vì đây sẽ là môt tai họa về phương diện kinh tế, xã hội và kể cả về mặt y tế, do việc biện pháp này dẫn đến cảnh tượng nhiều người bị suy sụp về tinh thần. Tại Anh Quốc du khách Anh phẫn nộ vì chính phủ bất ngờ quy định những ai từ Tây Ban Nha trở về phải tự cách ly trong 2 tuần. Quyết định này của thủ tướng Boris Johnson khiến chính một số thành viên trong nội các Anh bất ngờ. Còn chính quyền tỉnh Campania ở miền nam nước Y hôm nay vừa quy định không đeo khẩu trang tại những nơi khép kín sẽ bị phạt tới 1000 euro. Tại hầu hết châu Âu số ca nhiễm Covid-19 tăng lên thêm trong những ngày qua.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200726-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới sáng 26/7:
Trùm địa ốc Trung Quốc bị khai trừ đảng
sau khi gọi ông Tập Cận Bình là ‘chú hề’
Băng Thanh
Mục Điểm tin thế giới sáng Chủ Nhật (26/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Trùm địa ốc Trung Quốc bị khai trừ đảng sau khi gọi ông Tập Cận Bình là ‘chú hề’
Vào hôm 23/7, chính quyền quận Tây Thành thuộc thành phố Bắc Kinh đã phát đi thông báo khai trừ đảng đối với ông Nhậm Chí Cường, với tội danh chính trị liên quan đến bài viết mà ông đăng trên mạng và tội tham ô.
Trước đó, vào tháng 3, ông Nhậm Chí Cường, 69 tuổi, cựu chủ tịch tập đoàn bất động sản nhà nước Huayuan được báo cáo đã biến mất sau khi ông viết bài chỉ trích gay gắt cách thức xử lý đại dịch viêm phổi Vũ Hán của ông Tập Cận Bình.
“Đứng đó không phải là một hoàng đế khoe quần áo mới mà là một chú hề cởi bỏ quần áo và khăng khăng muốn trở thành hoàng đế”, ông Nhậm viết, nhưng không nêu tên cụ thể đó là ông Tập Cận Bình, theo Fox News.
Theo Tạp chí Phố Wall, bạn bè của ông Nhậm cho biết, họ tin rằng cuộc điều tra chống lại ông có động cơ chính trị và bắt nguồn từ bài viết của ông. Ông Nhậm từ lâu đã được coi là một biểu tượng bất đồng ý kiến với ông Tập, thường xuyên nói lên ý kiến của mình về hoạt động của chính phủ và đảng, và một số người tin rằng hình phạt dành cho ông Nhậm đang được sử dụng như một ví dụ để cho những ai không trung thành với đảng thấy.
BBC đã từng gọi ông Nhậm là Donald Trump của Trung Quốc, còn cư dân mạng Trung Quốc thường gọi ông là “Khẩu Đại Bác”.
Triều Tiên báo cáo ca nghi nhiễm virus Vũ Hán
Theo AFP, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA đưa tin ca nghi nhiễm là một người từng vượt biên sang Hàn Quốc cách đây ba năm và trở về nước hôm 19/7. Người này được phát hiện ở thành phố Kaesong, gần biên giới với Hàn Quốc. Ca nghi nhiễm, những người tiếp xúc gần cùng những người từng đến Kaesong trong vòng 5 ngày qua đều đang được theo dõi sát sao và cách ly.
Nếu được xác nhận, đây sẽ là ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được chính quyền Triều Tiên công bố. Đến nay, Triều Tiên cho biết họ chưa ghi nhận ca nhiễm virus Vũ Hán nào. Tuy nhiên, một số người tỏ ra nghi ngờ việc dịch bệnh chưa xuất hiện ở Triều Tiên.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm 25/7 đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp với các thành viên bộ chính trị để thảo luận về “một tình huống nguy hiểm… có thể dẫn tới thảm họa chết chóc, hủy diệt”. Ông tuyên bố Triều Tiên sẽ áp dụng “một hệ thống ứng phó khẩn cấp tối đa và ra cảnh báo mức cao nhất” nhằm kiềm chế Covid-19.
Mỹ sẽ không tiếp nhận tân sinh viên quốc tế học online
Theo thông báo mới được Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) công bố hôm 24/7, các du học sinh chưa nộp đơn ghi danh trước ngày 9/3 sẽ không được cấp visa nếu dự định học các khóa hoàn toàn trực tuyến.
Quy định này chỉ ảnh hưởng đến những sinh viên đang có nguyện vọng vào học các trường đại học cung cấp 100% các lớp online do đại dịch Covid-19. Những sinh viên quốc tế đã ở Mỹ hoặc đang về nước và đã có visa vẫn được phép học online hoàn toàn.
Tổng thống Trump tiết lộ điều ông thường thấy hối tiếc
Trong bài trả lời phỏng vấn với Dave Portnoy – người sáng lập trang tin thể thao Barstool Sports – được đăng tải hôm 24/7, Tổng thống Trump cho biết ông thường thấy hối tiếc vì những dòng tweet và những bài chia sẻ lại trên Twitter.
“Nếu như thời ngày xưa, bạn thường viết một lá thư và bạn nói rằng ‘ồ lá thư này thật tệ’, bạn sẽ đặt nó lên bàn và hôm sau bạn cảm thấy ‘ồ, thật may là tôi không gửi nó’. Nhưng Twitter không có cơ chế như vậy. Chúng ta sẽ phát đi thông điệp ngay lập tức. Chúng ta cảm thấy tuyệt và rồi bạn bắt đầu nhận được điện thoại nói rằng ‘ông thực sự nói vậy sao?’ và tôi trả lời ‘Có gì không đúng sao?’ và bạn phát hiện được rất nhiều thứ”, ông Trump chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Trump cho rằng Twitter là công cụ truyền tải thông điệp mạnh mẽ và ông sử dụng mạng xã hội này để chống tin giả.
Cũng trong bài trả lời phỏng vấn, ông Trump nói rằng ông không cảm thấy hối tiếc vì bước chân vào con đường chính trị và ra tranh cử Tổng thống.
“Tôi thực sự vui mừng vì tôi đã làm việc đó”, ông Trump nói với ông Portnoy.
Tổng thống Brazil khỏi Covid-19
“Kết quả xét nghiệm: âm tính. Chào buổi sáng mọi người”, ông Jair Bolsonaro, Tổng thống Brazil đăng trên Facebook hôm 25/7, song không nói rõ ông làm xét nghiệm lần mới nhất khi nào. Theo kết quả hôm 22/7, ông vẫn dương tính với Covid-19.
Lãnh đạo 65 tuổi cũng đăng kèm bức ảnh ông đang mỉm cười và giơ một hộp thuốc chống sốt rét hydroxychloroquine, dù nó chưa được chứng minh có hiệu quả chống virus. Tổng thống Brazil trước đó nói rằng ông sử dụng hydroxychloroquine từ khi được xác định nhiễm nCoV hôm 7/7 và thuốc đã phát huy công hiệu.
Điểm tin thế giới tối 26/7:
Triều Tiên bất ngờ
phong tỏa thành phố sát biên giới Hàn Quốc
Quý Khải
Mục Điểm tin thế giới tối Chủ nhật (26/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Triều Tiên bất ngờ phong tỏa thành phố sát biên giới Hàn Quốc
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp kèm quyết định phong tỏa thị trấn Kaesong gần biên giới liên Triều, sau khi một người Triều Tiên đào thoát sang Hàn Quốc bị nghi nhiễm Covid-19 trở về nước thông qua con đường vượt biên trái phép, truyền thông nhà nước Triều Tiên KCNA cho biết hôm Chủ nhật (26/7).
Ông Kim đã triệu tập một cuộc họp khẩn của bộ chính trị để đáp trả cái mà ông gọi là một “tình huống nguy hiểm trong đó con virus độc hại có thể đã xâm nhập đất nước”, KCNA đưa tin.
Máy bay trinh sát Mỹ hiện diện kỷ lục trên biển Đông
Hoa Kỳ đã tăng cường trinh sát trên không ở mức tần suất kỷ lục ngoài khơi Trung Quốc và tại Biển Đông, tờ Bưu điện Nam Hoa buổi sáng (SCMP) dẫn thông tin từ Viện nghiên cứu Sáng kiến Tình hình Chiến lược Biển Đông (South China Sea Strategic Situation Probing Initiative – SCSPI) có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết.
“Hiện tại, quân đội Mỹ đang gửi ba đến năm máy bay trinh sát mỗi ngày tới khu vực Biển Đông”, SCSPI cho biết. “Trong nửa đầu năm 2020 – với tần suất cao hơn, khoảng cách gần hơn và nhiều chuyến trinh sát hơn – hoạt động trinh sát trên không của Hoa Kỳ ở Biển Đông đã bước sang một giai đoạn mới”.
SCSPI cho biết số liệu thống kê của họ cho thấy các chuyến bay của các máy bay Mỹ đến khu vực cách đất liền khoảng 50 đến 60 hải lý là “khá thường xuyên”. Đặc biệt trong 3 tuần đầu tháng 7, SCSPI đã ghi nhận kỷ lục 50 lần xuất kích của các trinh sát cơ – hoạt động gần các căn cứ quân sự trên đất liền của Mỹ trải dài đến Biển Đông – trùng khớp với thời điểm diễn ra các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc và Hoa Kỳ trong khu vực.
Anh quyết đối phó với Nga, Trung Quốc trong không gian
Anh sẽ tăng cường khả năng chống lại các mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga trong không gian, theo đề xuất từ một bản đánh giá quốc phòng toàn diện nhất kể từ sau thời Chiến tranh Lạnh, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết.
Viết trên tờ The Telegraph, vị Bộ trưởng Quốc phòng cảnh báo “Trung Quốc cũng đang phát triển vũ khí tấn công trong không gian” sau khi Anh và Mỹ cáo buộc Nga thử nghiệm một loại đạn giống vũ khí có thể nhắm đến các vệ tinh.
Ông Wallace cho biết bản đánh giá quốc phòng tổng hợp sẽ được trình lên Thủ tướng Johnson vào năm tới. Theo đề xuất từ bản đánh giá, Bộ Quốc phòng sẽ “chuyển hướng” sự tập trung ra khỏi lĩnh vực chiến tranh thông thường, khi Bộ này sẽ “được tái định hướng để hoạt động nhiều hơn trong các lĩnh vực mới nhất là không gian, không gian mạng và ngầm dưới biển”.
Apple bắt đầu sản xuất iPhone phiên bản cao cấp ở Ấn Độ
Nhà sản xuất Foxconn – đơn vị sản xuất iPhone chủ lực của Apple – đã bắt đầu thiết lập các đơn vị sản xuất iPhone 11 tại một cơ sở gần Chennai ở Ấn Độ, tờ TechCrunch đưa tin. Đây là lần đầu tiên Apple sản xuất một trong những dòng smartphone flagship của mình tại quốc gia Nam Á này.
Apple đã sản xuất các mẫu iPhone giá rẻ hơn ở Ấn Độ kể từ năm 2017, và đã từng cân nhắc chuyển dây chuyền sản xuất các mẫu cao cấp hơn đến đây.
Ấn Độ là thị trường smartphone lớn thứ hai thế giới vào năm 2019, vượt trên Mỹ và chỉ đứng sau Trung Quốc. Theo TechCrunch, Apple có kế hoạch gia tăng quy mô sản xuất ở Ấn Độ, điều này sẽ giúp giảm mức độ phụ thuộc vào Trung Quốc, nơi hầu hết iPhone hiện đang được sản xuất hiện nay.
EU chê vắc xin WHO cung cấp ‘mắc và chậm’, tự tìm hướng đi mới
Liên minh châu Âu EU hiện không hứng thú với việc mua trước các liều vắc-xin COVID-19 tiềm năng thông qua một sáng kiến do Tổ chức Y tế Thế giới thành lập, bởi họ cho rằng giải pháp này chậm mà lại có chi phí cao, hai nguồn tin của EU chia sẻ với Reuters. EU cũng đang đàm phán với các hãng dược phẩm để chế tạo các liều vắc-xin có mức giá rẻ hơn 40 USD.
Quan điểm này cho thấy EU chỉ ưu tiên một phần phương thức tiếp cận chung toàn cầu trong cuộc đua chế tạo vắc-xin COVID-19. Tuy EU ủng hộ các sáng kiến tiếp cận công bằng và đồng thời với vắc xin Covid-19 trên toàn cầu, họ vẫn sẽ ưu tiên các nguồn cung cho người dân EU.
Động thái này cũng có thể giáng một đòn mạnh vào sáng kiến COVAX do WHO dẫn đầu nhằm bảo đảm vắc-xin cho tất cả mọi người.
“Dựa vào COVAX sẽ dẫn đến giá cao hơn và nguồn cung chậm hơn”, một trong hai quan chức EU cho biết.
Theo cơ chế COVAX, EU có thể đặt hàng vắc-xin Covid-19 trước với mức giá ước tính 40 USD/một liều đối với các nước giàu, quan chức này cho biết, tuy nhiên EU có thể xoay sở để mua với mức giá rẻ hơn với kế hoạch của riêng mình.