Tin Tổng Hợp – 26/7/21
Bắc Kinh: Washington nên chấm dứt xem Trung Quốc là «kẻ ác»
Ngày 26/07/2021, cuộc gặp cấp cao thứ hai dưới thời chính quyền Joe Biden giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới diễn ra tại Thiên Tân, Trung Quốc. Thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ Wendy Sherman gặp đồng nhiệm Trung Quốc Tạ Phong trong bối cảnh đối đầu Mỹ – Trung ngày càng trở nên gay gắt.
Bà Wendy Sherman là lãnh đạo ngoại giao cao cấp nhất đầu tiên của Mỹ đến thăm Trung Quốc kể từ khi ông Biden nhậm chức tổng thống. Đây cũng là cuộc gặp cao cấp thứ hai giữa hai siêu cường hàng đầu thế giới, sau cuộc gặp tranh cãi nảy lửa tại Anchorage, Alaska hồi tháng 3/2021.
Tuy nhiên, vài giờ trước khi diễn ra cuộc họp, bộ Ngoại Giao Trung Quốc lớn tiếng cáo buộc Hoa Kỳ là nguồn cội làm cho quan hệ Mỹ – Trung rơi vào bế tắc. Bắc Kinh cho rằng Washington nên chấm dứt nói xấu, vu cáo Trung Quốc như «ác quỷ».
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stephane Lagarde giải thích:
«Một lần nữa, thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc, sáng hôm nay, thứ Hai, lại dùng lập luận về “kẻ thù tưởng tượng” . Lập luận này không có gì là mới cả. Cách nay vài hôm, khi Hoa Kỳ và châu Âu lên án các cuộc tấn công tin học được cho là do các tin tặc Trung Quốc thực hiện, Bắc Kinh đã khẳng định rằng Nhà Trắng nên ngừng cáo buộc Trung Quốc là “đế chế của những tin tặc”, hàm ý là « đế chế ma quỷ”.
Theo một bản báo cáo do bộ Ngoại Giao Trung Quốc đăng hôm nay trên mạng xã hội WeChat trước khi diễn ra cuộc gặp, ông Tại Phong dường như đã yêu cầu đồng nhiệm Mỹ nên thay đổi “tâm trạng lầm lẫn” và chính sách được cho là “nguy hiểm” do Nhà Trắng tiến hành.
Theo thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc, “về cơ bản, do Mỹ coi Trung Quốc như là một kẻ thù tưởng tượng”, nên quan hệ giữa hai nước bị bế tắc.
Quả thật mọi chuyện đã không có nhiều tiến triển kể từ cuộc gặp trong bầu không khí giá lạnh tại Anchorage, Alaska hồi tháng 03/2021. Ủy viên quốc vụ, ngoại trưởng Vương Nghị hồi cuối tuần rồi nhắc rằng Trung Quốc phải được đối xử bình đẳng. Điều mà Bắc Kinh không muốn chính là việc Washington rao giảng những bài học về những gì chế độ cộng sản xem đấy như là chuyện nội bộ, cụ thể là vấn đề nhân quyền ở Hồng Kông hay Tân Cương, tuân thủ luật biển tại những vùng Biển Hoa Đông, Biển Đông hay như vấn đề Đài Loan.
Cuộc họp cấp cao mới lần này, diễn ra cách Bắc Kinh hơn một giờ tầu TGV, sẽ phải là dịp để Washington nhắc lại một cách rõ ràng những lập trường của mình và những gì mỗi bên trông đợi trong mối quan hệ Mỹ – Trung. Bởi vì mục đích cuộc gặp lần này cũng là để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Tập Cận Bình – Joe Biden trong tương lai!»
Minh Anh
Tàu sân bay của Anh tiến gần Biển Đông, Trung Quốc phẫn nộ
Hải Quân Mỹ trên trang mạng USNI News ngày 25/07/2021 thông báo, căn cứ vào các tín hiệu qua vệ tinh cho thấy tàu sân bay của Hải Quân Hoàng Gia Anh tiến gần đến Biển Đông sau đợt tập trận với hải quân Ấn Độ tại vịnh Bengal vừa qua. Global Times của Trung Quốc cảnh cáo là cụm tàu sân bay này nên tránh thâm nhập khu vực 12 hải lý của Trung Quốc.
Tàu sân bay của Hải Quân MHS Anh Queen Elizabeth được sự hộ tống của khu trục hạm săn tàu ngầm HMS Richmond, khu trục hạm có trang bị tên lửa HMS Defender, tàu chở dầu Tidespring, tàu ngầm Artful, khu trục hạm của Mỹ USS Sulivan, khinh hạm của Hà Lan Evertsen.
Từ sáng Chủ Nhật 25/07/2021, tàu khu trục Defender đã cập cảng Brunei còn chiếc tàu chở dầu Tidesping thì đã rời cảng Singapore để tiến về Biển Đông. Tàu sân bay MHS Anh Queen Elizabeth chuẩn bị cập bến tại Singapore, đúng vào lúc bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, Austin Lloyd đang có mặt tại nước này trong chuyến công du ba nước Đông Nam Á.
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo trong ấn bản ngày Chủ Nhật 25/07/2020 đề cập đến sự kiện nói trên và cảnh báo : “Điều tàu chiến vào bên trong vùng 12 hải lý thuộc chủ quyền của Trung Quốc là một thách thức trực tiếp nhắm vào các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc” tại Biển Đông và đó là “một sai lầm” của Anh Quốc. Cũng Hoàn Cầu Thời Báo trích lời một chuyên gia thuộc đại học Bắc Kinh cho rằng “tới nay Anh Quốc luôn từ chối theo chân Mỹ và sẽ không dễ đối đầu với Trung Quốc hay trực tiếp khiêu khích Trung Quốc”, do vậy phía Trung Quốc chờ đợi là Hải Quân Anh sẽ “thận trọng, không bị Hoa Kỳ xúi giục và sẽ không tiến sâu vào vùng biển của Trung Quốc ở Biển Đông”.
Anh gạt Trung Quốc ra khỏi một dự án nhà máy điện hạt nhân
Thêm một dấu hiệu cho thấy quan hệ giữa Anh và Trung Quốc đang xấu đi : Nhật báo tài chính Anh Financial Times ngày 25/07/2021 tiết lộ Luân Đôn đang nghiên cứu khả năng loại đối tác CGN của Trung Quốc ra khỏi dự án nhà máy điện hạt nhân Sizewell. Đây là một dự án mà CGN hợp tác với nhiều tập đoàn khác, như EDF của Pháp, để cung cấp điện hạt nhân cho Anh. Trị giá toàn bộ hợp đồng lên tới hơn 20 tỷ bảng Anh.
Thanh Hà
Hãng Israel bị nghi tiếp tay công an Việt Nam xâm nhập điện thoại di động
Tại Israel, một luật sư nhân quyền tố cáo hãng Cellebrite bán công nghệ xâm nhập điện thoại cho công an Việt Nam, có thể được dùng để nhắm mục tiêu vào các nhà báo hoặc các nhà hoạt động, theo một phóng sự của báo Haaretz.
Từ Việt Nam, một cựu đại tá công an nói với VOA rằng việc Bộ Công an mua thiết bị của Israel là điều cần thiết, nhưng từ vị trí là công dân, ông cũng bày tỏ lo ngại về nguy cơ lạm quyền của công an. Một cựu tù nhân lương tâm có đồng quan điểm về mối lo này.
Bài báo được Haaretz đăng hôm 15/7 cho biết luật sư Eitay Mack mới tiến hành điều tra và thấy rằng Bộ Công an Việt Nam là một trong những khách hàng mua Phần mềm Trích xuất và Phân tích Dữ liệu Điện thoại (UFED) của hãng công nghệ Cellebrite.
Hãng này hoạt động với sự hậu thuẫn tích cực của chính phủ Israel, đặc biệt là Bộ Quốc phòng, Haaretz viết.
“Bộ Công an đã hợp tác với Israel để mua phần mềm này thì tôi cho đó là việc hợp lý, cần thiết bởi vì công nghệ càng ngày càng hiện đại, phương tiện thông tin quá dễ dàng.” Cựu đại tá Nguyễn Như Phong
Theo thông tin của Cellebrite, UFED – ở Việt Nam thường gọi là phần mềm phá khóa điện thoại – giúp nhà chức trách lấy ra dữ liệu từ máy điện thoại đã bị khóa.
Cellebrite vẫn thường tuyên bố rằng phần mềm nêu trên, sản phẩm chủ lực của hãng, chỉ được bán cho các cơ quan thực thi luật pháp hoặc quốc phòng chính danh để chống tội phạm, chẳng hạn như bọn ấu dâm hoặc khủng bố.
Cựu đại tá công an Nguyễn Như Phong, người cũng là một nhà văn-nhà báo được biết tiếng rộng rãi ở Việt Nam, đưa ra nhận xét với VOA về việc công an Việt Nam mua công nghệ của Israel:
“Một trong những biện pháp quan trọng của lực lượng công an là giám sát, theo dõi để phát hiện các đối tượng chống đối nhân dân, đảng, chính phủ. Bộ Công an đã hợp tác với Israel để mua phần mềm này thì tôi cho đó là việc hợp lý, cần thiết bởi vì công nghệ càng ngày càng hiện đại, phương tiện thông tin quá dễ dàng, thế mà không ít kẻ lợi dụng để làm những việc không tốt”.
Tuy nhiên, các cuộc điều tra của luật sư Mack và một số người khác cho thấy nhiều khách hàng của Cellebrite, trong đó có công an Việt Nam, sử dụng UFED cho cả các mục đích khác, chẳng hạn như nhắm mục tiêu vào các nhà báo hay các nhà hoạt động vì dân chủ, nhân quyền.
Cuộc điều tra của ông Mack về việc Cellebrite bán hàng cho Việt Nam là phần mới nhất trong một chuỗi các cuộc điều tra về việc hãng này đường đường chính chính bán các công cụ, thiết bị cho nhiều nước có chế độ áp bức và các tổ chức đang chịu lệnh trừng phạt quốc tế.
Đó là các ban điều tra hoặc các đơn vị cảnh sát ở Nga, Hong Kong, Bangladesh, Indonesia và các nước khác. Khi kết quả các cuộc điều tra được công bố, Cellebrite đã dừng bán cho Trung Quốc, Hong Kong, Nga và Belarus.
Về thương vụ giữa Cellebrite và Bộ Công an Việt Nam, luật sư Mack và hàng chục nhà hoạt động nhân quyền đã gửi các bức thư phản đối đến một tổng cục trưởng thuộc Bộ Quốc phòng Israel chuyên giám sát việc xuất khẩu các công nghệ trích xuất dữ liệu tương tự như UFED.
Trong thư của mình, ông Mack cung cấp nhiều bằng chứng cho thấy một số sản phẩm UFED đã được bán cho Bộ Công an và các đơn vị cấp dưới từ năm 2014. Ông cũng cho biết đại diện cho Cellebrite ở Việt Nam là Tập đoàn HTI.
Hiện HTI chào bán sản phẩm tiên tiến nhất của Cellebrite là UFED Premium, theo bài báo của Haaretz, dẫn lại cuộc điều tra của ông Mack.
“…người dân chả ai thích gì điện thoại của mình, máy tính của mình lại bị một lực lượng ở đâu đó giám sát. Không ai thích cái chuyện này.” Ông Nguyễn Như Phong
UFED Premium là dịch vụ phầm mềm cho phép người sử dụng xâm nhập vào các loại máy mới nhất, lợi dụng những lỗ hổng an ninh mà các nhà nghiên cứu và các nhà chế tạo điện thoại còn chưa phát hiện ra, nên không có cách nào phòng vệ lại khả năng hack của phần mềm này.
Ông Nguyễn Như Phong nói với VOA rằng mọi người dân không vi phạm luật pháp đều không có gì phải sợ các biện pháp nghiệp vụ của công an:
“Nếu như mình chẳng làm gì xâm hại quyền lợi, an ninh quốc gia, đến lợi ích chung, thì mình chả sợ gì cả, chả ngại gì cả. Thế nhưng tất nhiên người dân chả ai thích gì điện thoại của mình, máy tính của mình lại bị một lực lượng ở đâu đó giám sát. Không ai thích cái chuyện này”.
Bài báo của Haaretz điểm lại tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam trong những năm gần đây, bị quốc tế lên án, và trích dẫn thư của luật sư nhân quyền Eitay Mack nói rằng nhiều nhà hoạt động Việt Nam đã bị bắt bớ, đánh đập và bỏ tù vì chỉ trích chính quyền và chống tham nhũng.
Tuy nhiên, bài báo của Haaretz cho biết “Không như Nga hay Indonesia, trong trường hợp Việt Nam, không có bằng chứng trực tiếp về việc các thiết bị của Cellebrite được sử dụng chống lại các nhà hoạt động nhân quyền … Mặc dù vậy, điều này không làm thay đổi thực tế là các tổ chức mua công nghệ này đều có chức năng là cánh tay của chế độ”.
Báo Haaretz lưu ý rằng một trong những lý do không thể biết liệu thiết bị của Cellebrite có được sử dụng trong hoạt động của công an Việt Nam hay không là vì chính công an không tuân theo luật trong nước, theo đó, khi tiến hành xâm nhập máy điện thoại, phải có mặt người bị thẩm vấn và một nhân chứng, hoặc ít ra là có hai nhân chứng trong trường hợp chủ sở hữu máy không có mặt.
“Nếu người ta có quyền xâm nhập vào máy tính hoặc điện thoại mà không được phép của tôi, mà tôi lại không phải nằm trong số các đội tượng bị điều chỉnh theo pháp luật, thì rõ ràng như thế là vi phạm pháp luật.” Luật sư Lê Quốc Quân
Nhưng điều đó đã không diễn ra và tất cả những nhà hoạt động được Haaretz phỏng vấn đều kể rằng công an Việt Nam chỉ áp dụng một biện pháp nghiệp vụ.
Đó là khi người bị thẩm vấn không chịu mở khóa điện thoại hay máy tính của họ, các thiết bị đó bị thu giữ. Trong một số trường hợp, nhân viên công an đưa máy sang một phòng khác, ở đó, máy bị hack. Sau đó, có lúc công an trả lại máy cho chủ nhân, có lúc công an không trả lại, Haaretz tường thuật.
Là cán bộ kỳ cựu trong ngành công an, cựu đại tá Nguyễn Như Phong nói với VOA rằng ngành này phải tuân theo các quy định pháp luật chặt chẽ khi họ hoạt động nghiệp vụ, song ông cũng bày tỏ lo ngại về nguy cơ công an lạm quyền:
“Có một điều cần phải cảnh báo, đó là sự lạm dụng, lạm quyền của các cơ quan có trách nhiệm theo dõi, giám sát điện thoại của các đối tượng hoặc dùng các phần mềm để theo dõi. Nếu như quản lý không chặt, các cán bộ công an tạm gọi là loại biến chất thì chúng dùng cái này để phục vụ các mục đích không trong sáng của chúng”.
Chia sẻ về mối lo này, luật sư Lê Quốc Quân, một cựu tù nhân lương tâm, nói:
“Nếu người ta có quyền xâm nhập vào máy tính hoặc điện thoại mà không được phép của tôi, mà tôi lại không phải nằm trong số các đội tượng bị điều chỉnh theo pháp luật, thì rõ ràng như thế là vi phạm pháp luật, rất đáng lo ngại”.
“Nếu mà cứ tin 100% vào lực lượng công an, 100% vào lực lượng quân đội thì tôi cho là cũng chưa chắc đã là hay. Tin nhưng phải có giám sát.” Ông Nguyễn Như Phong
Ông Quân cho rằng khó có thể ngăn chặn một cách cơ bản sự lạm quyền của công an ở một nhà nước mà chỉ có duy nhất đảng cộng sản nắm toàn bộ quyền lực, với công an, quân đội là hai lực lượng được trao nhiều ưu tiên vì họ là trụ cột bảo vệ đảng.
Ở Việt Nam, nhiều hoạt động của công an, quân đội được xếp vào diện tuyệt mật mà ngay cả quốc hội cũng không thể tiếp cận, chất vấn.
Cựu đại tá Nguyễn Như Phong cũng đồng ý rằng đây là vấn đề khó giải quyết:
“Chúng ta chưa có cơ chế giám sát chặt chẽ các hoạt động nghiệp vụ của lực lượng công an. Không biết tới đây chính phủ, các bộ ngành có đặt ra vấn đề này không. Nếu mà cứ tin 100% vào lực lượng công an, 100% vào lực lượng quân đội thì tôi cho là cũng chưa chắc đã là hay. Tin nhưng phải có giám sát”.
VOA cố gắng liên lạc với đại diện Bộ Công an Việt Nam để tìm hiểu quan điểm của họ nhưng không kết nối được.
Báo Haaretz cho hay hãng Cellebrite từ chối đưa ra ý kiến khi báo thực hiện bài phóng sự. Về phần Bộ Quốc phòng Israel, trong một tuyên bố trả lời luật sư Mack, bộ nói họ “không cung cấp chi tiết về các giấy phép [bán hàng] cụ thể vì lý do an ninh, chính trị và chiến lược”.
Bộ nói thêm rằng họ “xem xét lại chính sách theo định kỳ hoặc tùy theo diễn biến, và áp dụng thẩm quyền của mình tùy theo nhu cầu”.
The Diplomat) – Tàu chở dầu Bắc Triều Tiên lần đầu tiên cập cảng Trung Quốc tính từ năm 2017, bất chấp lệnh trừng phạt của quốc tế. Trang mạng The Diplomat hôm 24/07/2021 cho biết hồi tháng 04 vừa qua, Bình Nhưỡng đã công khai điều một một tàu chở dầu đến Trung Quốc. Tàu Sin Phyong 2 mang cờ Bắc Triều Tiên đã đến cảng Long Khẩu của Trung Quốc và lưu lại đó vài ngày trước khi trở về Bắc Triều Tiên. Các hình ảnh vệ tinh cho thấy vị trí tàu Bắc Triều Tiên neo lại cách không xa một khu dự trữ dầu lửa tương đối lớn của Trung Quốc, vốn thường ghi nhận sự xuất hiện các tàu chở dầu. Việc xuất dầu sang Bắc Triều Tiên là vi phạm lệnh cấm của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, trừ khi định chế này được thông báo về lô hàng và tổng lượng dầu được chuyển cho Bình Nhưỡng nằm trong định mức quốc tế cho phép.
(France 24) – Khí hậu: Gần 200 quốc gia xem xét báo cáo thứ 6 của GIEC. Trong bối cảnh lũ lụt và hóa hoạn gia tăng trên toàn thế giới, 195 quốc gia từ hôm nay 26/07/2021 xem xét các dự báo mới mà GIEC, nhóm chuyên gia của Liên Hiệp Quốc về khí hậu, đệ trình, với tổng kết mới về tình trạng biến đổi khí hậu và các hành động cần tiến hành. Báo cáo của GIEC sẽ được công bố chính thức vào ngày 09/08/2021. Báo cáo thứ 5 GIEC đưa ra là cách nay 7 năm.
(France 24) – Covid-19: Pháp vượt ngưỡng 40 triệu người tiêm ít nhất là mũi đầu, sớm hơn 5 ngày so với chỉ tiêu ban đầu đề ra. Tính đến hôm nay, 26/07/2021, đã có hơn 60% dân Pháp được tiêm ít nhất một liều. Thông tin được tổng thống Pháp Macron đăng trên Twitter. Chỉ riêng trong 15 ngày trở lại đây, có hơn 4 triệu người được tiêm. Chính phủ Pháp đề ra mục tiêu đến cuối tháng 08/2021, ít nhất 50 triệu người trên tổng số dân khoảng 67 triệu được tiêm ít nhất 1 mũi.
(Le Monde) – Covid-19: Vùng Catalunya, Tây Ban Nha đối mặt với làn sóng thứ 5. Hiện giờ 90% số ca nhiễm mới ở Catalunya là do biến thể Delta. 84% những người trên 40 tuổi đã được tiêm phòng đầy đủ, nhưng tỉ lệ nhiễm virus corona trên 100.000 dân đã tăng gấp 10 lần chỉ sau 3 tuần, gia tăng áp lực lên các bệnh viện trong vùng. Các bệnh viện được yêu cầu hủy những cuộc hẹn khám bệnh và phẫu thuật không khẩn cấp.
(AFP) – TT Pháp lần đầu tiên đến thăm Polynesia. Đây là vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Pháp nằm ở Nam Thái Bình Dương. Biến đổi khí hậu, di chứng của những vụ thử hạt nhân là những quan tâm chính trong chuyến đi này của nguyên thủ Pháp. Tuy nhiên, theo giới quan sát, chuyến đi này còn nhằm mục đích củng cố sự hiện diện địa chính trị của Pháp ở Thái Bình Dương trước sự thèm thuồng Trung Quốc đối với các nguồn khoáng sản và tài nguyên biển của tại vùng đặc quyền kinh tế rộng đến hơn 4,8 triệu km².
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210726-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p