Tin Tổng Hợp – 26/6/22
G7 muốn gây thêm sức ép với Nga và tăng hỗ trợ cho Ukraina
26/6/22 – Thu Hằng – Tối 25/06/2022, nguyên thủ các nước nhóm G7 đã đến lâu đài Elmau, dưới chân núi Alpes ở bang Bayern của Đức để tham dự cuộc họp thượng đỉnh từ ngày 26/06, với trọng tâm là chiến tranh Ukraina, khủng hoảng lương thực toàn cầu và khí hậu.
Theo AFP, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết thượng đỉnh G7 sẽ đưa ra «một loạt đề xuất cụ thể để gia tăng sức ép đối với Nga và chứng tỏ sự ủng hộ tập thể của chúng tôi (G7) đối với Ukraina».
Đặc phái viên RFI Daniel Vallot tường thuật tình hình tại chỗ:
«Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelenski cũng được mời tham dự thượng đỉnh. Ông sẽ phát biểu trực tuyến vào thứ Hai (27/06) và chắc chắn như thông lệ, ông Zelensky sẽ lại yêu cầu cung cấp thêm vũ khí cho quân đội Ukraina và gia tăng trừng phạt Nga.
Trước đó, chính quyền Mỹ cho biết là muốn nhân thượng đỉnh G7 lần này để gia tăng sức ép đối với Matxcơva nhưng không nêu chi tiết các biện pháp có thể được thông qua. Tại Paris, điện Elysée cũng cho biết là thượng đỉnh G7 không phải là nơi để quyết định các biện pháp trừng phạt mà là để phối hợp chúng và bảo đảm là các biện pháp trừng phạt sẽ không bị lách.
Ngoài vũ khí hay các biện pháp trừng phạt mới, vấn đề tài trợ cho Ukraina cũng có thể được thông báo. Trong tuần qua, thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đề cập đến một «kế hoạch Marshall» cho Ukraina».
G7 dự kiến cấm nhập khẩu vàng của Nga
Một trong các biện pháp được G7 dự kiến thông qua để gia tăng sức ép đối với chính quyền của tổng thống Putin là cấm nhập khẩu vàng của Nga. Theo tổng thống Mỹ Joe Biden, đây là «một nguồn xuất khẩu quan trọng» và như vậy «sẽ khiến Nga mất nhiều tỉ đô la». Chính phủ Anh thẩm định khối lượng vàng xuất khẩu trong năm 2021 đã mang về cho Nga gần 15 tỉ đô la.
Trước khi được G7 thống nhất thông qua, bốn nước Anh, Mỹ, Canada và Nhật Bản đã thông báo cấm nhập khẩu vàng của Nga. Luân Đôn cho rằng việc cấm giao dịch vàng trên thị trường Anh sẽ «tác động mạnh đến khả năng tài chính của Putin» và tránh để giới nhà giầu Nga lách trừng phạt của phương Tây bằng cách tích trữ vàng. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ nhắm vào vàng được khai thác sau khi Nga bị cấm vận vì gây chiến ở Ukraina.
Phát biểu tối 25/06, thủ tướng Anh Boris Johnson cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo G7 không «bỏ rơi Ukraina», cảnh báo nguy cơ «mệt mỏi» trong việc hỗ trợ chính quyền Kiev, đồng thời thông báo Anh sẽ hỗ trợ thêm về kinh tế cho Ukraina.
Ngoài Ukraina, G7 còn mời 5 nước khác tham dự, gồm Indonesia, Ấn Độ, Senegal, Nam Phi và Achentina.
Hàng nghìn người ở Madrid phản đối hội nghị thượng đỉnh NATO
27/6/2022 – Reuters – Hàng nghìn người hôm Chủ nhật đã biểu tình ở Madrid để phản đối hội nghị thượng đỉnh NATO sẽ diễn ra ở thủ đô của Tây Ban Nha trong tuần này.
Trong bối cảnh an ninh được thắt chặt, các nhà lãnh đạo của các nước thành viên sẽ gặp nhau tại Madrid từ ngày 29 tới 30 tháng 6 khi liên minh này đối mặt với thách thức chưa từng có vì cuộc xâm lược Ukraine của Nga.
NATO dự kiến sẽ cân nhắc đơn xin gia nhập tổ chức của Phần Lan và Thụy Điển, vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ – thành viên của liên minh phản đối.
Các quốc gia Bắc Âu này đã nộp đơn sau cuộc tấn công của Nga vào Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi cuộc chiến là một hoạt động quân sự đặc biệt mà theo ông một phần là phản ứng với việc gia nhập NATO của các quốc gia khác gần biên giới nước Nga thời hậu Xô Viết kể từ những năm 1990.
“Tôi chán ngấy (với) việc kinh doanh vũ khí và giết người này. Giải pháp mà họ đề xuất là tăng thêm vũ khí và chiến tranh và chúng tôi luôn phải trả giá cho điều đó”, Concha Hoyos, một cư dân Madrid đã nghỉ hưu, nói với Reuters.
Một người biểu tình khác, Jaled, 29 tuổi, cho rằng NATO không phải là giải pháp cho cuộc chiến ở Ukraine.
Các nhà tổ chức tuyên bố có 5.000 người tham gia tuần hành, nhưng chính quyền Madrid đưa ra con số là 2.200 người.
Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha Jose Manuel Albares cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên một tờ báo được công bố hôm Chủ nhật rằng hội nghị thượng đỉnh cũng sẽ tập trung vào mối đe dọa từ sườn phía nam của châu Âu ở châu Phi, trong đó ông nói rằng Nga là một mối đe dọa đối với châu Âu.
https://www.voatiengviet.com/a/6633864.html
Chiến tranh Ukraina: Nổ lớn ở Kiev, Severodonetsk thất thủ
26/6/2022 – Thu Hằng – Sáng Chủ Nhật 26/06/2022, quân Nga đã oanh kích một khu dân cư gần trung tâm thủ đô Kiev của Ukraina; Vụ tấn công chỉ diễn ra vài giờ trước khi nhóm G7 họp thượng đỉnh để bàn về tình hình chiến tranh ở Ukraina. Trước đó, Nga đã chiếm được hoàn toàn thành phố Severodonetsk ở vùng Lugank, miền đông Ukraina.
Theo AFP, có bốn vụ nổ vào khoảng 6 giờ 30 sáng (giờ địa phương) gây hỏa hoạn tại một chung cư 9 tầng. Một tên lửa đã bị hệ thống phòng không Ukraina bắn chặn ở vùng Kiev và mảnh vỡ rơi xuống một ngôi làng. Còn theo nghị sĩ Oleksiï Gontcharenko, quân Nga bắn tổng cộng 14 tên lửa về phía Kiev và vùng phụ cận trong buổi sáng hôm nay 26/06.
Trên mạng Telegram, đô trưởng Kiev Vitaly Klitschko cho biết có ít nhất hai người bị thương đã được nhập viện, rất nhiều người vẫn bị kẹt dưới đống đổ nát nên hậu quả có thể còn nghiêm trọng hơn. Trong buổi họp báo tại hiện trường, đô trưởng Kiev tố cáo Nga «hăm dọa người dân Ukraina trước thềm thượng đỉnh NATO», diễn ra từ ngày 28 đến 30/06 ở Madrid, Tây Ban Nha.
Ngày 25/06, thành phố Severodonetsk đã bị quân Nga chiếm đóng hoàn toàn. Hơn 800 thường dân Ukraina trú ẩn từ nhiều tuần qua trong nhà máy hóa chất Azot đã được quân đội Nga và phe ly khai thân Nga sơ tán. Tối cùng ngày, người phát ngôn bộ Quốc Phòng Nga xác nhận đã «giải phóng hoàn toàn» thành phố có vị trí chiến lược và ba địa phương lân cận: Borivske, Voronove và Syrotyne. Như vậy, «toàn bộ lãnh thổ nằm bên tả ngạn sông Donets, đường ranh giới của vùng Lugansk, hoàn toàn nằm trong vòng kiểm soát» của quân Nga và lực lượng ly khai Ukraina thân Nga.
Ngay sau chiến thắng ở Severodonetsk, bộ trưởng Quốc Phòng Nga Serguei Choigu đã đến Ukraina thị sát tình hình, «nghe báo cáo của bộ chỉ huy về chiến sự và các chiến dịch đang được quân đội Nga tiến hành trong các khu vực chính». Tuy nhiên, địa điểm và thời gian cụ thể không được nêu trong thông báo ngày 26/06 của bộ Quốc Phòng Nga.
Trước thất bại ở Severodonetsk, dù Kiev khẳng định «rút lui chiến lược» để bảo vệ Lysychansk, và loạt oanh kích sáng 26/06, chính quyền Ukraina một lần nữa yêu cầu phương Tây cung cấp thêm vũ khí, gia tăng trừng phạt Matxcơva để «đánh bại chủ nghĩa đế quốc bệnh hoạn» Nga.
(Reuters) – Trung Quốc tố cáo máy bay Mỹ đe dọa hòa bình ở eo biển Đài Loan. Quân đội Trung Quốc hôm qua, 25/06/2022 đã tố cáo một phi vụ gần đây của một máy bay của Hải Quân Mỹ, bay qua eo biển Đài Loan. Theo phát ngôn của bộ tư lệnh Quân Khu phía Đông của Quân Đội Trung Quốc, Mỹ đã cố tình làm gián đoạn tình hình khu vực và gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định.
(AFP) – Nhiều doanh nghiệp Mỹ sẽ thanh toán chi phi đi lại cho nhân viên muốn phá thai. Sau quyết định gây bất bình của Tòa Án Tối Cao Mỹ ngày 24/6/22 để các bang tự quyết định về việc cấm phá thai, các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn trên cả nước. Bẩy bang đã chính thức đưa ra lệnh cấm và có thể lên thành 13 bang vào tuần tới. Nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ (Disney, Netflix, Meta, JPMorgan, Yelp, Microsoft, Tesla, Apple) thông báo đài thọ chi phi đi lại cho nhân viên nữ phải đi phá thai ở bang khác.
(AFP) – Pháp: Chính phủ sẽ ủng hộ một dự luật nhằm đưa quyền phá thai vào Hiến Pháp. Nữ dân biểu Aurore Bergé, chủ tịch của nhóm nghị sĩ Renaissance (tên mới của đảng Cộng Hòa Tiến Bước) tại Quốc Hội Pháp hôm 25/6/22 cho biết đã đệ trình một dự luật ghi việc «tôn trọng quyền phá thai trong Hiến Pháp» nước Pháp, sau quyết định của Tòa Án Tối Cao Hoa Kỳ hủy bỏ quyền này trong Hiến Pháp Mỹ. Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne đã lên tiếng ủng hộ đề xuất của bà Aurore Bergé, trong lúc liên minh đối lập cánh tả Nupes cũng đệ trình một văn bản tương tự.
(AFP) – Ba nhà cung cấp năng lượng lớn của Pháp kêu gọi người dân giảm sử dụng năng lượng. Lãnh đạo của ba tập đoàn TotalEnergies, EDF và Engie ký chung một diễn đàn đăng trên báo Journal du Dimanche ngày 26/06/2022 kêu gọi «nỗ lực tập thể, ngay lập tức và trên diện rộng» của người dân Pháp để giảm tiêu thụ xăng dầu, điện và khí đốt do nguy cơ khan hiếm và tăng giá đang đe dọa «sự gắn kết xã hội» trong mùa đông tới.
(RFI) – Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ vẫn phản đối Thụy Điển, Phần Lan gia nhập NATO. Phát biểu sau cuộc điện đàm ngày 25/06/2022 với tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và thủ tướng Thụy Điển, ông Erdogan cho biết vẫn không có tiến triển trong bối cảnh thượng đỉnh NATO diễn ra trong tuần tới ở Madrid (Tây Ban Nha). Thổ Nhĩ Kỳ giữ vững lập trường trừ khi Stockholm và Helsinki nhân nhượng các yêu cầu của Ankara: dỡ bỏ cấm vận vũ khí và ngừng ủng hộ đảng PKK.
(AFP) – Bệnh đậu mùa khỉ chưa ở mức khẩn cấp dịch tễ thế giới. Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới ngày 25/06/2022, với hơn 3.200 ca nhiễm và một ca tử vong tại khoảng 50 nước trên thế giới (ngoài khu vực châu Phi), bệnh đậu mùa khỉ chưa ở mức tình trạng khẩn cấp trên quy mô thế giới trong năm 2022. Còn tại châu Phi, từ đầu năm 2022, có gần 1.500 ca nghi nhiễm và khoảng 70 ca tử vong vì bệnh đậu mùa khỉ, chủ yếu ở các nước Congo, Trung Phi và Cameroun.
(AFP) – Ecuador : Nghị Viện thảo luận về thủ tục truất phế tổng thống. Các dân biểu Ecuador ngày 25/06/2022 đã bắt đầu thảo luận qua hình thức trực tuyến, một thủ tục được phe đối lập đệ trình đòi truất phế tổng thống Guillermo Lasso. Ngay buổi tối, tổng thống Lasso đã hủy bỏ tình trạng khẩn cấp được ban hành cách đây một tuần để đối phó với các cuộc biểu tình liên tục của thổ dân từ hai tuần nay, để phản đối vật giá leo thang.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220626-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p