Tin Tổng Hợp – 26/02/23: Nhiều nước láng giềng TC tăng vũ trang; Động đất 6,1 độ miền bắc Nhật Bản; Liên Âu bổ sung trừng phạt nhóm Wagner; Tự do báo chí ở ĐNA: Việt Nam “cá biệt trong nhóm cá biệt”
Chiến tranh Ukraina: Nhiều nước láng giềng Trung Quốc tăng tốc vũ trang
26/02/2023 – Thu Hằng –Cuộc chiến do Nga phát động từ tháng 02/20222 ở Ukraina dường như khiến các nước láng giềng của Trung Quốc gia tăng ngân sách quốc phòng. Báo mạng Hồng Kông South China Morning Post ngày 26/02/2023 trích một số chuyên gia Trung Quốc cho rằng chiến tranh ở châu Âu cũng đã làm thay đổi đáng kể tình hình an ninh ở châu Á.
Trong một bài báo đăng trên tạp chí Thái Bình Dương của đại học Nhân Dân Trung Quốc, nhóm nghiên cứu cho rằng «cuộc khủng hoảng ở Ukraina đã làm trầm trọng thêm căng thẳng xung quanh Trung Quốc, tạo ra một loạt thách thức mới về an ninh và khiến Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ ngả về phía Hoa Kỳ nhiều hơn».
Tuy nhiên, theo báo cáo thường niên của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm – SIPRI, «xu hướng gia tăng chi tiêu quân sự không ngừng này đã có ít nhất từ năm 1989». Trong đó đứng đầu là Trung Quốc, cường quốc quân sự thứ hai thế giới, chi 229,6 tỉ đô la cho quốc phòng năm 2022, tăng 7,1% so với năm trước.
Quy mô phát triển quốc phòng của Trung Quốc, cũng như những tranh chấp lãnh thổ và mối đe dọa an ninh, như vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên, khiến các nước láng giềng của Trung Quốc không ngừng tăng ngân sách quốc phòng. Ví dụ Nhật Bản tăng 26% cho năm 2023 và là mức tăng kỉ lục kể từ năm 1952. Chính quyền Tokyo dự kiến đến năm 2027 sẽ dành 2% GDP cho chi tiêu quân sự, thay vì 1,1% hiện nay.
Ấn Độ cũng dự kiến tăng ngân sách quốc phòng thêm 13% (72,6 tỉ đô la) cho năm 2023-2024 do những căng thẳng ở biên giới với Trung Quốc và Pakistan. Để đối phó với mối đe dọa hạt nhân từ Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc dành 42,1 tỉ đô la (tăng 4,6%) cho quốc phòng trong năm 2023 để hiện đại hóa hệ thống chống tên lửa, phát triển chiến đấu cơ, tầu ngầm và tăng lương cho quân nhân.
Cuối cùng, Đài Loan, bị Bắc Kinh coi là một tỉnh ly khai, đã dành 3,5 tỉ đô la cho «quỹ đặc biệt» từ tháng 08/2022 để mua vũ khí của Mỹ, đặc biệt là chiến đấu cơ F-16. Ngân sách quốc phòng năm 2023 của Đài Loan là 13,7 tỉ đô la, tăng 24% so với năm 2022.
Động đất mạnh 6,1 độ richter ở miền bắc Nhật Bản
26/02/2023 – Reuters
Một trận động đất mạnh 6,1 độ richter đã xảy ra ngoài khơi phía đông đảo Hokkaido nằm ở phía bắc Nhật Bản hôm thứ Bảy, chính quyền cho biết, và không có cảnh báo sóng thần nào được đưa ra.
Theo Viện Nghiên cứu Quốc gia về Khoa học Trái đất và Chống chịu Thảm
họa, trận động đất xảy ra ngoài khơi bán đảo Nemuro ở độ sâu 61 km.
Không có báo cáo ngay lập tức về thương tích hoặc thiệt hại.
Tại hai đô thị ở Hokkaido, trận động đất được ghi nhận “thấp hơn cấp 5” trên thang cường độ 7 điểm của Nhật Bản, vốn đo chuyển động của mặt đất.
Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, đó thường là mức mà các mặt hàng rơi ra khỏi kệ và đồ đạc không được cố định có thể di chuyển.
https://www.voatiengviet.com/a/6979491.html
Liên Âu bổ sung các trừng phạt nhóm Wagner vì vi phạm nhân quyền ở châu Phi
Đăng ngày: 26/02/2023 – Phan Minh
Liên Hiệp châu Âu (EU) hôm qua 25/02/2023 công bố các biện pháp trừng phạt bổ sung nhắm vào tổ chức lính đánh thuê Wagner của Nga vì “những vi phạm nhân quyền” tại Cộng hòa Trung Phi, Mali, Sudan và Ukraina.
Theo AFP, tuyên bố của Hội Đồng Châu Âu cho biết các biện pháp trừng phạt bổ sung mới nhất đã được thông qua sau khi xét đến “quy mô quốc tế và mức độ nghiêm trọng của các hoạt động của nhóm, cũng như tác động gây bất ổn của Wagner đối với các quốc gia nơi nhóm này hoạt động”. Tổng cộng 11 cá nhân và 7 thực thể dính líu đến nhóm bán quân sự đã được thêm vào danh sách bị EU phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh.
Hội đồng châu Âu cho biết 8 trong số 11 cá nhân nói trên và 7 thực thể được liệt kê hoạt động tại Cộng hòa Trung Phi và Sudan. Hai cá nhân khác là chỉ huy của lực lượng Wagner được cho là có liên quan đến vụ Nga đánh chiếm thị trấn Soledar của Ukraina hồi tháng Giêng vừa qua.
Ngoài ra, Liên Âu trong cùng ngày cũng đã công bố các biện pháp trừng phạt nhắm vào 121 cá nhân và tổ chức khác của Nga và các nhà sản xuất drone của Iran. Loạt trừng phạt mới này được ban hành một ngày sau khi Hoa Kỳ và Vương Quốc Anh tăng cường các trừng phạt nhắm vào Matxcơva.
Tự do báo chí khu vực ĐNA: Việt Nam “cá biệt trong nhóm cá biệt”
2023.02.24
Tự do báo chí ở tất cả các nước trong khu vực Đông Nam Á đồng loạt bị rớt hạng trên bảng xếp hạng về chỉ số Tự do báo chí trong suốt 20 năm qua. Riêng Việt Nam luôn “ổn định” ở vị trí áp chót, chỉ xếp trên Myanmar, quốc gia đang bị Chính quyền quân sự kiểm soát.
Thông tin trên được nêu trong bài viết có tên tạm dịch là “Con đường đến Tự do báo chí đầy chông gai ở khu vực Đông Nam Á” (The Rocky Road to Press Freedom in South East Asia) được đăng trên trang web của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch – HRW) hôm 22/2.
Việt Nam “ổn định” nhóm chót bảng
Có nhiều quốc gia bị giảm thứ hạng trầm trọng trong hai thập kỷ qua, như Indonesia từ hạng 57 xuống 117, Philippines từ 90 xuống 147, Campuchia từ 71 xuống 142, Thái Lan từ hạng 66 xuống 115…
Riêng Việt Nam rớt từ hạng 137 xuống 174 và là nước đứng áp chót trong khối ASEAN.
Từ nước Đức, luật sư Nguyễn Văn Đài khẳng định rằng ở Việt Nam, người dân chưa bao giờ được hưởng quyền tự do báo chí. Trong khi ở các quốc gia khác như Campuchia hay Indonesia, người dân trong một vài giai đoạn đã có được quyền lập và hoạt động báo chí tư nhân, độc lập. Luật sư Đài nói:
“Điều 25 Hiến pháp quy định là công dân Việt Nam có quyền tự do báo chí nhưng trong thực tế, 100% báo chí đều được thành lập và vận hành quản lý bởi các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam mà đứng đầu là ban Tuyên giáo Việt Nam….”
Trả lời RFA qua email, nhà báo, luật sư nhân quyền Trịnh Hữu Long cho rằng bất kỳ chính phủ nào trên thế giới cũng có những cách thức hay luật lệ nhằm hạn chế tự do báo chí ở những mức độ khác nhau và ít nhiều bị phê phán. Tuy nhiên, Việt Nam rơi vào nhóm “cá biệt của cá biệt”, tệ hơn cả Campuchia rất nhiều. Lý do ông Long phân tích là vì Việt Nam cấm hoàn toàn báo chí tư nhân trong khi hầu hết các nước khác ở Đông Nam Á – kể cả Campuchia, nhưng trừ Lào – đều cho phép.
Luật sư Long đồng thời cho rằng Việt Nam cũng kiểm soát Internet chặt chẽ hơn gần như tất cả các nước khác, không cho báo chí điện tử độc lập “ngóc đầu” lên. Và, đất nước độc đảng này cũng bắt bớ nhà báo vào hàng nhiều nhất thế giới. Ông Long nói tiếp:
“Tất cả những điều đó tạo ra một nền văn hoá tự kiểm duyệt cực kỳ nặng nề ở Việt Nam. Như vậy, chính quyền không những hạn chế, ngăn cản báo chí, mà còn tạo ra những điều kiện cần để các nhà báo và toà soạn tự bóp họng mình.”
Theo báo cáo thường niên năm 2022 của tổ chức Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (Committee to Protect Journalists – CPJ), Việt Nam là nhà tù lớn thứ ba ở Châu Á đối với nhà báo, sau Trung Quốc và Myanmar.
Cộng đồng ASEAN “dắt tay” đi xuống
Lý giải về bảng xếp hạng tự do báo chí ở các nước Đông Nam Á nhất là trong nhiều năm liên tiếp, nhiều quốc gia trong khối ASEAN cùng “dắt tay nhau” đi xuống, luật sư Nguyễn Văn Đài cho rằng:
“Khi mà các nước ở trong Đông Nam Á còn giữ quy định là “không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác” thì những quốc gia có nền tự do dân chủ lớn hơn không được phép can thiệp vào các quốc gia ở trong khối. Nó sẽ làm cho tự do báo chí thụt lùi, cùng đi xuống.
Các hiệp hội tự do báo chí ở các nước không có sự tương trợ lẫn nhau trong cộng đồng ASEAN đương nhiên là nó sẽ đi xuống thôi.”
Ở một khía cạnh khác, luật sư Trịnh Hữu Long phân tích thêm lý do vì các nước trong khối luôn có sự ảnh hưởng qua lại về mọi mặt, trong đó có cả nhân quyền nên các nước sẽ tìm cách gây ảnh hưởng đến nhau để duy trì được quyền lợi của mình. Ông nói tiếp:
“Chẳng hạn, Việt Nam sẽ không muốn Campuchia hay Lào trở thành các nước dân chủ, vì đó sẽ là mối đe doạ trực tiếp với quyền lực độc tài của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thậm chí, Việt Nam – với tiềm lực kinh tế vượt trội so với một số nước trong khu vực – còn xuất khẩu được mô hình quản trị vi phạm nhân quyền của mình sang các nước khác thông qua các khoản đầu tư chẳng hạn.
Ví như Viettel đang là nhà đầu tư lớn nhất của Mytel bên Myanmar – vốn là một công ty của các tướng lĩnh quân đội Myanmar, cung cấp rất nhiều tài lực cho các hoạt động xâm phạm nhân quyền của quân đội.”
Ngược lại, cũng theo ông Long, các quốc gia láng giềng khi có tiến triển về nhân quyền cũng tác động ít nhiều đến tình hình chung. Ông Long nêu dẫn chứng trước đây, các nước dân chủ tương đối như Philippines, Indonesia, Thái Lan – hay kể cả Myanmar thời kỳ đầu cải cách – đều truyền được cảm hứng dân chủ cho người Việt Nam.
“Chúng ta từng chuyền nhau những mẩu tin nức lòng về cải cách chính trị ở Myanmar, hay những cuộc bầu cử sôi động ở các nước khác trong khu vực.
Khi có một, hay một vài, nền dân chủ đủ mạnh trong khu vực, các nền dân chủ đó sẽ có xu hướng gây ảnh hưởng tới các nước láng giềng để xây dựng một cộng đồng dân chủ chia sẻ những giá trị chung. Từ đó không những tránh được xung đột khu vực mà còn thúc đẩy giao thương và giao lưu văn hoá.
Tiếc rằng điều này chưa trở thành thực tế ở Đông Nam Á. Khu vực chúng ta chưa bao giờ sản sinh ra một hình mẫu dân chủ nào đủ thuyết phục và có ảnh hưởng đủ mạnh tới các nước láng giềng.”
Xu hướng dân chủ thoái trào
Hiện nay, cả thế giới đang nằm trong xu hướng thoái trào chung về dân chủ và tự do báo chí thế giới kể từ vụ khủng bố 11/9/2001, theo phân tích của luật sư Trịnh Hữu Long, khi yếu tố chống khủng bố và an ninh quốc gia trở thành ưu tiên thì các nước có xu hướng thắt chặt các quyền tự do ở trong nước và vi phạm luật pháp quốc tế ở nước ngoài.
Trong bối cảnh chung như vậy, vẫn theo luật sư Long, Đông Nam Á lại vướng phải hai chuyện: trình độ kém phát triển dẫn đến sự nổi lên của các trào lưu chính trị dân tuý, cộng với sự ảnh hưởng ngày càng lớn hơn của Trung Quốc trong khu vực.
Luật sư Trịnh Hữu Long đưa ra ví dụ về Philippines. Ông nói rằng, đất nước này có tiếng là dân chủ và tự do về báo chí bậc nhất ở Đông Nam Á nhưng bế tắc trong bài toán phát triển kinh tế – xã hội, kinh tế nghèo nàn, tội phạm tràn lan, nạn tham nhũng đục khoét tận xương tuỷ bộ máy nhà nước. Điều đó dẫn đến sự nổi lên của các chính trị gia và đảng phái dân tuý như Duterte, vốn là những người muốn giành và giữ được quyền lực bằng cách “chuốc cho dân chúng say khướt trong những lời hứa nhăng hứa cuội cộng với phong cách lãnh đạo mạnh bạo, coi trọng sức mạnh hơn là lý lẽ”.
Cùng
lúc đó, ông cho rằng, Trung Quốc mạnh tay viện trợ và đầu tư vào
Philippines mà không đòi hỏi Philippines phải minh bạch hay tôn trọng
nhân quyền gì, rất khác với phương Tây. Nên kết quả là, ông Long nói: “Nền báo chí tự do của Philippines xuống dốc không phanh, chính trị gia tấn công báo chí như cơm bữa, nhà báo bị truy tố và bị giết ngày càng nhiều hơn”.
Trung Quốc cũng đang tìm cách đẩy mạnh tầm ảnh hưởng của mình đến toàn bộ khối ASEAN trên mọi mặt. Hồi tháng 11 năm ngoái, tại hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc, hai bên đã tuyên bố khởi động đàm phán nâng cấp ACFTA (Thoả thuận khung về Hợp tác Kinh tế toàn diện) lên phiên bản 3.0.
Vào ngày 7/2 vừa qua, vòng đám phán đầu tiên về ACFTA phiên bản 3.0 chính thức bắt đầu, các quan chức Trung Quốc và các nước ASEAN đã đi sâu thảo luận về trình tự, quy tắc, chương trình tiến hành đàm phán và kế hoạch công tác, tiến tới đề ra thời gian biểu và lộ trình cho cả quá trình đàm phán sau này.
(AFP) – Hai đạo diễn Pháp lớn tuổi được vinh danh tại Liên hoan phim quốc tế Berlin. Tại buổi lễ trao giải tối 25/02/2023, bộ phim tài liệu «Sur l’Addamant» (trên tầu Addamant) của đạo diễn người Pháp Nicolas Philibert 72 tuổi đã được trao giải Gấu vàng. Phim nói về con tầu tiếp nhận những người bị rối loạn tâm thần ở Paris. Giải Gấu bạc đạo diễn xuất sắc nhất được trao cho đạo diễn Pháp Philippe Garrel, 74 tuổi, trong phim «Le Grand Charriot» (tạm dịch: Chiếc xe đẩy lớn). Nữ diễn viên nhí 8 tuổi người Tây Ban Nha Sofia Otera được trao giải Gấu bạc cho nữ diễn viên xuất sắc nhất trong phim «20.000 loài ong».
(RFI) – Iran tìm cách «hạ sát» Donald Trump để trả thù cho cái chết của một viên tướng nước nhà. Một quan chức quân sự cấp cao của Iran cho biết hôm 24/02/2023 rằng Teheran đang tìm cách trả thù việc Washington hạ sát tướng Qassem Soleimani vào năm 2020, với hy vọng «có thể giết» cựu tổng thống Mỹ Donald Trump. Tướng Amirali Hajizadeh nói: «Chúng tôi hy vọng có thể tiêu diệt Trump, cựu ngoại trưởng Mike Pompeo và cựu lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân đội Mỹ ở Trung Đông Kenneth McKenzie cùng với các quan chức quân sự đã ra lệnh ám sát tướng Soleimani».
(NHK/Reuters) – Nga có thể đã hết drone do Iran cung cấp. Ngày 25/02/2023, bộ Quốc Phòng Anh cho biết là từ khoảng ngày 15/02, không thấy dấu hiệu nào cho thấy Nga tấn công Ukraina bằng drone do Iran sản xuất và cho rằng « Nga sẽ tìm cách bổ sung ». Trước những nhận định rằng kho vũ khí của Nga dần cạn kiệt, ngày 25/02, ông Dmitry Medvedev, phó chủ tịch Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Nga khẳng định các nhà máy trên khắp nước Nga đang làm việc suốt ngày đêm để đáp ứng các đơn đặt hàng của bộ Quốc Phòng, hiện tăng theo cấp số nhân.
(CBS) – CIA xác nhận khả năng Trung Quốc hỗ trợ vũ khí sát thương cho Nga. Trả lời phỏng vấn đài truyền hình CBS ngày 24/02/2023, giám đốc Cơ quan Tình báo Bill Burns cho biết rằng Mỹ «tin là các nhà lãnh đạo Trung Quốc dự kiến cung cấp thiết bị sát thương». Tuy nhiên, ông nhấn mạnh là Bắc Kinh chưa đưa ra quyết định chuyển giao và quá trình vận chuyển sau khi chính quyền Biden công bố những thông tin tình báo này.
(AFP) – Litva quyên góp được 14 triệu euro giúp Ukraina mua 14 radar phòng không. Ngày 24/02/2023, ngày cuối cùng trong chiến dịch quyên góp, trùng với dịp trong một năm Nga tấn công Ukraina, tổng thống Gitanas Nauseda khẳng định Litva «phải làm mọi điều có thể để bảo đảm sự ủng hộ với dân tộc Ukraina». Chiến dịch quyên góp tại nước có 2,8 triệu dân dựa chủ yếu vào các khoản quyên góp 5 euro qua điện thoại và sự ủng hộ của các doanh nghiệp. Litva từng tiếp đón khoảng 75.000 người tị nạn Ukraina.
(Reuters) – Các nhà lãnh đạo Liên Âu công du Trung Quốc. Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Châu Âu, được Hoàn Cầu Thời Báo trích dẫn ngày 26/02/2023, cho biết chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel có thể sẽ đến Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2023. Công việc chuẩn bị sắp được bắt đầu. Các nhà lãnh đạo Liên Âu vẫn chỉ trích Trung Quốc từ chối lên án cuộc chiến do Nga phát động ở Ukraina hoặc kêu gọi Matxcơva rút quân khỏi Ukraina.
(AFP) – Hơn 40 di dân chết do đắm thuyền ở gần Ý. Lực lượng tuần duyên Ý hôm 26/02/2023 cho biết, ít nhất 40 người di dân, trong đó có một bé sơ sinh vài tháng tuổi, đã chết sau vụ đắm thuyền vào sáng sớm nay không xa thành phố Crotone, ở vùng Calabria (miền Nam Ý). Đã có 80 người được cứu và đưa lên bờ và 43 thi thể được tìm thấy dọc bờ biển.
(Reuters) – Belarus có gần 1,5 triệu quân dự bị. Đó là tuyên bố của một quan chức cấp cao nước này hôm 25/02/2023. Belarus là đồng minh của Nga trong cuộc chiến chống lại Ukraina và tổng thống Alexander Lukashenko đã cho phép quân đội Nga sử dụng lãnh thổ Belarus làm căn cứ hậu phương điều quân sang tham chiến ở Ukraina và huấn luyện những lính Nga mới được động viên.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230226-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p