Tin Tổng Hợp – 25/7/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 25/7/21

Mỹ không muốn cạnh tranh biến thành xung đột với Trung Quốc

Thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ Wendy Sherman trong chuyến công du Hàn Quốc ngày 23/07/2021.
Thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ Wendy Sherman trong chuyến công du Hàn Quốc ngày 23/07/2021. AP

Hoa Kỳ sẵn sàng cạnh tranh với Trung Quốc, nhưng cần phải có những luật chơi công bằng và những bảo đảm để tránh cho cạnh tranh biến thành xung đột giữa hai nước

Đó là điều mà thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ Wendy Sherman sẽ nhấn mạnh trong cuộc gặp với ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại thành phố Thiên Tân (Tiajin) ngày mai, 26/07/2021, theo lời các quan chức cao cấp của Hoa Kỳ với hãng tin Reuters hôm qua.

Trong cuộc họp báo trước cuộc gặp ở Thiên Tân, các quan chức cao cấp của Mỹ cũng tuyên bố Hoa Kỳ không có ý định thiết lập một liên minh chống Trung Quốc, cho dù hai nước có những bất đồng về nhiều vấn đề. Trong cuộc gặp với ngoại trưởng Vương Nghị, thứ trưởng Ngoại Giao Wendy Sherman sẽ bày tỏ những quan ngại về những hành động của Trung Quốc mà Hoa Kỳ cho là vi phạm các cam kết và các chuẩn mực quốc tế, trong đó có những vi phạm nhân quyền ở Hồng Kông và Tân Cương.

Cuộc họp tại Thiên Tân giữa bà Wendy Sherman và ông Vương Nghị là sự tiếp nối cuộc họp ngoại giao cao cấp đầu tiên giữa hai nước dưới chính quyền Joe Biden vào tháng 3/2021 tại Alaska. Cuộc họp đó đã diễn ra trong bầu không khí căng thẳng, các đại diện của Trung Quốc đã công khai cáo buộc Washington là có đầu óc bá quyền, còn phía Mỹ thì chỉ trích Bắc Kinh là mị dân.

Theo hãng tin Reuters, nếu diễn ra tốt đẹp, cuộc họp tại Thiên Tân ngày mai có thể sẽ mở đường cho cuộc gặp giữa chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trong năm nay, có thể là bên lề thượng đỉnh nhóm G20 tại Ý vào cuối tháng 10.

Ngoài chuyến đi của thứ trưởng Ngoại Giao Wendy Sherman đến Trung Quốc, trong tuần này, bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin cũng sẽ công du Singapore, Việt Nam và Philippines, còn ngoại trưởng Antony Blinken sẽ đến thăm Ấn Độ. Những chuyến đi này phản ánh nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm kềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Thanh Phương

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210725-hoa-ky-trung-quoc-xung-dot-canh-tranh

Tổng thống Pháp và thủ tướng Nhật Bản gặp gỡ bên lề Olympic Tokyo 2020

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga (P), và tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong buổi gặp gỡ bên lề Thế Vận Hội Olympic Tokyo 2020, ngày 24/07/2021.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga (P), và tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong buổi gặp gỡ bên lề Thế Vận Hội Olympic Tokyo 2020, ngày 24/07/2021. AP – Franck Robichon

Đến Tokyo dự lễ khai mạc Olympic 2020, tổng thống Pháp Emmnanuel Macron hôm qua 24/07 đã có buổi trao đổi với thủ tướng Nhật Bản, Yoshihide Suga và gặp gỡ một số chủ doanh nghiệp lớn của Nhật, trong đó có Nissan.

Trên mạng xã hội Twitter, tổng thống Pháp Emmanuel Macron ca ngợi mối quan hệ đối tác « đặc biệt » đã gắn kết hai nước Pháp và Nhật : « Quan hệ đối tác này là một sức mạnh ». Trong một thông cáo chung được AFP trích dẫn, sau cuộc gặp, tổng thống Macron và thủ tướng Suga đã nhắc lại về tầm quan trọng của việc đạt được một vùng « Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở », « dựa trên Nhà nước pháp quyền », trong bối cảnh tham vọng của Trung Quốc trong khu vực đang gây ra lo ngại cho cả Nhật Bản và các cường quốc phương Tây. 

Hai nhà lãnh đạo cũng đề cập đến quan hệ hợp tác Pháp-Nhật trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, coi biến đổi khí hậu không phải một điều ràng buộc mà là sự thúc đẩy những sáng kiến, đổi mới và tạo công ăn việc làm, đồng thời mong muốn củng cố, tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước. 

Còn trong cuộc gặp với một số chủ doanh nghiệp lớn tại Nhật, trong đó giám đốc điều hành của tập đoàn Nissan, Makoto Uchida, tổng thống Macron đã ca ngợi sức hấp dẫn về kinh tế của Pháp. 

Tổng thống Pháp Macron là một trong số hiếm hoi nhà lãnh đạo trên thế giới đến dự lễ khai mạc Thế Vận Hội Tokyo 2020 trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Ông Macron đã đến xem 2 trận thi đấu của các vận động viên Pháp.

Thùy Dương

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210725-tt-macron-tt-suga-phap-nhat-tokyo-2020

Báo Đức: Trận lũ ở Hà Nam vạch trần thói đạo đức giả của ĐCSTQ

Ôtô chất đống ở cửa đường hầm Kinh-Quảng sau khi nước rút (ảnh chụp video).

Những ngày qua, mưa lớn kéo dài đã khiến hàng chục người thiệt mạng, đường phố ngập ứ nước, các phương tiện bị cuốn trôi ở Hà Nam, một tỉnh miền Trung Trung Quốc. 

Gần đây, tờ Taz của Đức đã xuất bản bài báo “Biến đổi Khí hậu không kiểm duyệt” chỉ ra rằng, trong khi Trung Quốc bị mưa lớn, gây thiệt hại nặng nề, nhưng các phương tiện truyền thông nhà nước của Bắc Kinh lại chỉ thích đưa ra những hình ảnh tích cực. 

Bài báo chỉ ra: “Bất cứ ai đã xem những đoạn video gây sốc trên mạng xã hội của Trung Quốc đều chỉ có thể ngạc nhiên khi nhà chức trách [của ĐCSTQ] cho đến nay chỉ xác nhận có 25 người chết. Tại thành phố Trịnh Châu, miền trung Trung Quốc, đường sá biến thành sông, toàn bộ các quận bị cắt điện, thậm chí cả bệnh viện cũng bị ảnh hưởng. Một đoàn tàu nằm trên đường ray suốt 40 giờ và không thể di chuyển. Trên tàu thiếu đồ ăn thức uống. 

Những cảnh bi thảm nhất xảy ra dưới lòng đất. Vào tối thứ Ba, lượng mưa kỷ lục lần đầu tiên làm ngập một nhà ga ngầm ở phía tây bắc của thành phố 5 triệu dân – và một lát sau đó, một số chuyến tàu trên Tuyến số 5 bị ngập, nước dâng đến ngực của hành khách”. 

Một người sống sót mô tả trên mạng xã hội Weibo: “Nước tràn vào qua các vết nứt trên cửa. Đó là lần đầu tiên tôi cảm thấy cận kề cái chết. Một số hành khách đã ngất đi do thiếu oxy. Cuối cùng, tôi gửi cho mẹ tôi một tin nhắn [thông báo] rằng tôi sẽ chết”. Bài đăng này đã nhanh chóng bị kiểm duyệt và bị xóa vài giờ sau đó.

Tờ Taz chỉ ra, bắt đầu từ tối thứ Bảy tuần trước, nhiều khu vực của tỉnh Hà Nam bắt đầu hứng chịu lượng mưa lớn nhất kể từ thời điểm ghi chép khí tượng hiện đại. Lượng mưa trong ba ngày tương đương với lượng mưa hàng năm. Hơn 140.000 người đã được sơ tán. Quân Giải phóng và lực lượng cảnh sát vũ trang đã được điều động tới các khu vực thiên tai để tham gia cứu hộ và cứu trợ thảm họa. 

Tờ báo cho biết, bỏ qua những nguy cơ của biến đổi khí hậu, thảm họa nhân đạo ở Hà Nam còn đang vạch trần sự mờ ám của cơ quan kiểm duyệt của ĐCSTQ, vốn đang xóa bỏ những bình luận của những người sống sót. Ngay cả Tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ thậm chí còn không đề cập đến cơn lũ trên trang nhất của mình hôm thứ Tư.

Truyền thông Đức chỉ ra: Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là một số phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc thậm chí đã sử dụng sự cố lũ lụt xảy ra gần đây ở Tây Đức để giễu cợt ác ý. Hồ Tích Tiến, tổng biên tập tờ Hoàn Cầu từng viết trên Weibo chỉ trích phương Tây “vô nhân đạo”:

Hồ Tích Tiến viết: “Từ sự sụp đổ của [tòa nhà ở] Miami [nước Mỹ] đến lũ lụt ở Đức, chủ nghĩa phản nhân văn của phương Tây đã thể hiện chính nó”. Ông tuyên bố nếu những sai sót tương tự xảy ra ở Trung Quốc, các quan chức chính phủ có trách nhiệm đã bị trừng phạt từ lâu.

Tờ báo nhận định, hiển nhiên điều này là đạo đức giả. Tuy nhiên giọng điệu của ông Hồ Tích Tiến khiến nhiều người Trung Quốc nghe theo một cách thích thú, vì họ không có quyền truy cập thông tin miễn phí do [môi trường Internet ở Trung Quốc] đã bị ĐCSTQ kiểm duyệt toàn diện.

Ngọc Mai

https://www.dkn.tv/the-gioi/bao-duc-tran-lu-o-ha-nam-vach-tran-thoi-dao-duc-gia-cua-dcstq.html

Anh Quốc sẽ bố trí thường trực hai tàu hải quân tại vùng biển Châu Á và đi qua Biển Đông

RFA – Bộ trưởng Quốc phòng Anh, Ben Wallace, vào ngày 20/7, công bố kế hoạch của London cho triển khai thường trực hai tàu hải quân tại Châu Á vào cuối năm nay.

Kế hoạch này sẽ được tiến hành sau khi hàng không mẫu hạm Queen Elizabeth và các hộ tống hạm vào tháng chín tới đây sẽ đi qua Biển Đông trên đường đến Xứ Phù Tang.

Anh Quốc sẽ bố trí thường trực hai tàu hải quân tại vùng biển Châu Á và đi qua Biển Đông

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga tại cuộc gặp ở Tokyo hôm 20/7/2021 Reuters

Thông tin vừa nêu được đưa ra trong thông cáo chung tại Tokyo giữa Bộ trưởng Quốc Phòng Anh Ben Wallace và người đồng cấp Nhật Bản Kishi Nobuo.

Reuters ngày 20/7 loan tin cho biết chuyến thăm của nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Queen Elizabeth được lên kế hoạch vào khi London tăng cường mối quan hệ an ninh với Tokyo. Nhật Bản trong những tháng gần đây đã lên tiếng  báo động về tham vọng thống trị của Trung Quốc tại khu vực này. Bắc Kinh đang cố tranh giành ảnh hưởng đối với Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật, Kishi Nuobo, được dẫn lời rằng sau khi nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Queen Elizabeth đến Đất nước Mặt Trời Mọc, các chiến hạm trong nhóm sẽ chia nhau đến thăm các căn cứ quân sự của Nhật Bản và Hoa Kỳ đặt ở Xứ Hoa Anh Đào.

Riêng hàng không mẫu hạm Queen Elizabeth với những chiến đấu cơ tàng hình F-35B trên boong sẽ neo tại Yokosuka. Đây là nơi Bộ Chỉ huy Hạm đội của Nhật đóng bản doanh và cũng là nơi hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ USS Ronald Reagan đang hiện diện. 

Nhật Bản là một đồng minh thân cận của Hoa Kỳ và đang là nơi đóng quân của lực lượng Mỹ đông nhất ngoài lãnh thổ Xứ Cờ Hoa. Lực lượng của Mỹ tại Nhật gồm tàu chiến, máy bay và hằng ngàn binh sĩ thủy quân lục chiến.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/scs-britain-to-permanently-deploy-two-warships-in-asia-waters-07212021074329.html

(RFI) – Olympic Tokyo 2020: Một kênh truyền hình Hàn Quốc phải xin lỗi. MBC, cơ quan phát thanh – truyền hình lâu đời nhất Hàn Quốc, hôm qua 24/07/2021 có lời xin lỗi sau khi hứng chịu làn sóng chỉ trích dữ dội của cư dân mạng. Khi truyền hình lễ khai mạc Olympic, đài MBC đã dùng hình ảnh nhóm người nổi dậy làm ảnh đại diện cho đoàn vận động viên Haiti, ảnh nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đại diện cho phái đoàn Ukraina, giới thiệu Syria là quốc gia mà nội chiến đã kéo dài 10 năm, còn đảo quốc Marshall từng là nơi Mỹ thử nghiệm hạt nhân… Chưa hài lòng, nhiều cư dân mạng đòi ban giám đốc đài MBC phải gửi lời xin lỗi bằng tất cả các ngôn ngữ tới từng nước có liên quan. 

(The Korea Herald) – Nhiều nhà ngoại giao nước ngoài rời Bình Nhưỡng. Nguyên nhân là do điều kiện sống quá khắc nghiệt. Các biện pháp hạn chế để chống dịch COVID-19 kéo dài khiến 40 nhà ngoại giao nước ngoài và gia đình họ, trong đó có của Indonesia và Bulgari, hôm thứ Sáu 23/07 đã rời Bình Nhưỡng đến thành phố biên giới Đan Đông của Trung Quốc. Bộ Ngoại Giao Indonesia xác nhận rằng các nhà ngoại giao của nước này ở Bình Nhưỡng đã rời khỏi Bắc Triều Tiên và họ đã thảo luận về việc hồi hương tạm thời nhân viên ngoại giao với nhà chức trách Bắc Triều Triều Tiên từ cuối năm 2020.

(RFI) – Pháp: Một đám cháy lớn tàn phá 500 hecta đất nông trang. Vụ hỏa hoạn bắt đầu xảy ra vào hôm qua 24/07/2021 ở vùng núi Alaric, tỉnh Aude. Khoảng 120 người dân phải đi sơ tán sang tỉnh khác. Và 500 lính cứu hỏa được điều đến hiện trường đã phải làm việc trong điều kiện rất khó khăn : đất khô hạn và gió lớn. Nguyên nhân vụ hỏa hoạn hiện chưa được làm rõ. Đây là vụ cháy lớn nhất trong vùng tính từ đầu mùa hè năm nay. 

(RFI) – Hungary: Tuần hành phản đối dự luật chống giới LGBT. Tại Budapest hôm qua 24/07/2021, nhiều ngàn người đã xuống đường tuần hành để bày tỏ tình đoàn kết với cộng đồng LBGT và đặc biệt là để phản đối dự luật của chính quyền Orban cấm sử dụng những nội dung sách giáo khoa mà nhà chức trách Hung cho là quảng bá cho người đồng tính và việc chuyển giới… Những lá cờ bảy sắc cầu vồng tượng trưng cho cộng đồng LGBT được treo trên balcon nhiều tòa nhà ở thủ đô Hung.

(AFP) – Dân Brazil lại biểu tình đòi truất phế tổng thống. Hôm qua, 24/07/2021, hàng chục ngàn người dân Brazil lại xuống đường đòi truất phế tổng thống Jair Bolsonaro về cách xử lý đại dịch Covid-19, vào lúc mà số ca tử vong ở nước này vượt quá nửa triệu người. Đây là ngày biểu tình thứ tư do các đảng cánh tả và các công đoàn chống tổng thống Bolsonaro tổ chức kể từ cuối tháng 5/2021.

(AFP) – Khí hậu: Họp trù bị cho COP26. Hôm nay, 25/07/2021, bộ trưởng Môi Trường của 51 quốc gia mở cuộc họp hai ngày tại Luân Đôn với các cuộc thảo luận mang tính chất quyết định cho thành công của hội nghị thượng đỉnh thế giới về khí hậu ở Glasgow vào tháng 11 tới. Theo thông cáo của chính phủ Anh, cuộc họp tại Luân Đôn, trong đó có sự tham gia của Hoa Kỳ, Trung Quốc và Ấn Độ, nhằm bàn về những vấn đề mấu chốt cần được giải quyết tại thượng đỉnh Glasgow.

(AFP) – Các thành phố nước khoáng, di sản thế giới. Hôm qua, 24/07/2021, tổ chức UNESCO thông báo xếp các thành phố nước khoáng lớn của châu Âu vào danh mục di sản thế giới. Trong số 11 thành phố đã phát triển chung quanh các nguồn nước khoáng, nay được UNESCO công nhận là di sản thế giới, có thành phố Vichy của Pháp.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210725-tin-tong-hop