Tin Tổng Hợp – 25/6/21
Thượng đỉnh Mỹ – Afghanistan trước nguy cơ quân Taliban quay trở lại nắm quyền
Chiều ngày 25/06/2021, tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp đồng nhiệm Afghanistan Ashraf Ghani tại Nhà Trắng. Cuộc tiếp xúc lần này diễn ra trong bối cảnh hơn 50 % lính Mỹ đã rời khỏi Afghanistan, quân Taliban lợi dụng tình thế, tăng cường hiện diện tại quốc gia Nam Á này.
Tương lai Afghanistan một khi không còn sự hiện diện của liên quân quốc tế là hồ sơ chính trong cuộc đối thoại đầu tiên giữa tổng thống Joe Biden với đồng nhiệm Ashraf Ghani, cùng trưởng đoàn đàm phán giữa chính quyền Kabul với Taliban là ông Abdullah Abdullah.
Nhà Trắng chủ trương phối hợp chặt chẽ với chính quyền Kabul để bảo đảm rằng « Afghanistan không rơi trở lại vào tay các nhóm khủng bố », một « mối đe dọa đối với Hoa Kỳ ». Tuy nhiên theo giới phân tích, mối lo ngại lớn nhất hiện nay là quân Hồi giáo cực đoan Taliban có thể chiếm đóng thủ đô Kabul một khi liên quân quốc tế hoàn toàn rời khỏi Afghanistan. Mối lo thứ hai là an ninh của các nhà ngoại giao phương Tây tại quốc gia nam Á này, cũng như số phận của hàng ngàn người Afghanistan từng cộng tác với liên quân quốc tế.
Tháng 4/2021, tổng thống Biden đơn phương quyết định đưa khoảng 2.500 lính Mỹ trở về nước sau 20 năm can thiệp quân sự tại Afghanistan.
Thượng đỉnh Biden- Ghani diễn ra trong lúc Hoa Kỳ đang rút quân khỏi Afghanistan, quân Taliban khẳng định kiểm soát 80 trong tổng số 420 quận huyện trên toàn quốc. Trong tuần, lực lượng Hồi giáo cực đoàn này cho biết đã chiếm được nhiều đồn lính ở khu vực biên giới phía bắc sát với Tadjikistan. Đây được xem là một cửa ngõ quan trọng mở ra Trung Á.
Về mặt chính trị, tổng thống Ghani đang bị cô lập hơn bao giờ hết. Ông hy vọng thuyết phục được phe nổi dậy buông súng, tham gia thành phần chính phủ lâm thời, mở đường cho một cuộc bầu cử. Trước mắt đề xuất của tổng thống Ashraf Ghani bị một phần các chính khách Afghanistan phản đối. Riêng phe Taliban không tỏ thiện chí muốn đàm phán với chính quyền Kabul.
Thanh Hà
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210625-thuong-dinh-my-afghanistan-taliban
Iran: Những đường nét đối ngoại chính của tân tổng thống Ebrahim Raissi
Việc ông Ebrahim Raissi, một người có chủ trương bảo thủ cứng rắn đắc cử tổng thống Iran trong cuộc bỏ phiếu ngày 18/06/2021, dường như sẽ không dẫn đến những thay đổi cơ bản trong chính sách đối ngoại của Iran. Ngược lại, việc ông đắc cử rất có thể sẽ thúc đẩy nhanh hơn nữa các cuộc thương lượng về hạt nhân nhằm cứu vãn thỏa thuận đã được ký kết 2015 trước ngày nhân vật cực kỳ bảo thủ này nhậm chức. Quảng cáo
Ebrahim Raissi, một người thân cận của lãnh tụ tối cao Ali Khamenei sẽ chính thức nhậm chức vào đầu tháng 8 này. Nước Cộng hòa Hồi giáo sẽ có một diện mạo mới trên trường quốc tế. Theo giới quan sát, dưới sự lãnh đạo của nhân vật mang tư tưởng tôn giáo truyền thống, nổi tiếng hà khắc, giọng điệu của Teheran đối với phương Tây có thể sẽ cứng rắn hơn.
Theo các nhà phân tích phương Tây cũng như nhiều quan chức Iran, việc ông Ebrahim Raissi lên cầm quyền ít có khả năng làm thay đổi lập trường của Iran trong các cuộc đàm phán nhằm tái khởi động thỏa thuận hạt nhân Iran 2015. Trong cuộc họp báo ngày 18/06/2021, ngay sau khi có kết quả thắng cử, ông Ebrahim Raissi một mặt kêu gọi các cuộc đàm phán có hiệu quả, nhưng mặt khác cảnh báo là ông không cho phép tiến hành « đàm phán chỉ đề cho vui ».
Đài France 24 lưu ý, chính sách đối ngoại của Iran là do Hội đồng An ninh Tối cao hoạch định. Dù rằng cơ quan này là do tổng thống điều hành, nhưng chính lãnh tụ tối cao mới là người thông qua các quyết định của Hội đồng. Tuy nhiên, tổng thống Iran cũng có một phạm vi hành động nhất định, có thể tác động đến quá trình đàm phán với phương Tây.
Kết thúc đàm phán trước khi Raissi nhậm chức?
Việc thay đổi tổng thống diễn ra vào một thời điểm mấu chốt cho các cuộc đàm phán về hạt nhân. Các cuộc thương lượng bước vào giai đoạn quyết định mùa hè này. Vòng thương lượng gián tiếp thứ sáu vừa kết thúc hôm Chủ Nhật 20/6 giữa Teheran và Washington. Các phái đoàn đến họp tại Vienna đã lần lượt trở về nước để tham vấn, các nhà đàm phán vẫn chưa san bằng được các điểm bất đồng. Theo nhiều nhà ngoại giao Iran và châu Âu, thời gian tạm ngừng trong các cuộc thương lượng có lẽ sẽ phải kéo dài trong vòng mười ngày.
David Rigoulet-Roze, tổng biên tập tạp chí Chiến lược Phương đông (Orients Stratégiques), chuyên gia về vùng Trung Đông cho rằng, tình thế rất tế nhị.
Ông giải thích : « Họ đang đi vào những vấn đề chính, khó khăn của các cuộc thương lượng. Cho đến lúc này, Hoa Kỳ cùng với châu Âu – bên trung gian hòa giải – đã đàm phán với một phái đoàn Iran mà họ đã biết rõ từ lâu. Hoặc họ sẽ tìm cách thúc đẩy nhanh hơn nữa cuộc đàm phán do e ngại gặp cản trở từ nhóm các nhà đàm phán mới ít hòa giải hơn, hoặc quá trình đàm phán còn vấp phải nhiều điểm cản trở như chương trình tên lửa đạn đạo Iran và tầm ảnh hưởng của nước này trong khu vực. Ngần ấy điểm đủ để tạo thành những “lằn ranh đỏ“ đối với chính quyền Iran dù rằng họ vẫn luôn bày tỏ mong muốn theo đuổi các cuộc đàm phán đang diễn ra ».
Về điểm này, Vincent Eiffling, nhà nghiên cứu về Iran, Trung tâm Nghiên cứu về các cuộc khủng hoảng và xung đột quốc tế cũng có cùng một cách nhìn. « Phía phương Tây trước đây từng có hy vọng có thể mở rộng các cuộc thương lượng với Iran sang nhiều chủ đề khác như vấn đề tên lửa đạn đạo, sự hậu thuẫn của Iran với các phe dân quân tự vệ của nước này trên khắp vùng Trung Đông. Nhưng những chủ đề này sẽ khó thể mà thương lượng với một vị tổng thống như ông Ebrahim Raissi ».
Về phía Iran, một số quan chức không loại trừ khả năng Teheran có thể sẽ có lợi khi nhanh chóng đúc kết một thỏa thuận trước khi ông Hassan Rohani chính thức kết thúc nhiệm kỳ. Điều đó rất có thể sẽ cho phép ông Ebrahim Raissi quy trách nhiệm về những nhượng bộ nếu có đối với phương Tây cho người tiền nhiệm, theo như giải thích của một vị quan chức cao cấp Iran với Reuters bên lề cuộc họp hôm Chủ Nhật 20/6.
« Một mũi tên trúng hai đích », một khi thỏa thuận được chính quyền Rohani ký kết, chính tân chính quyền sẽ được hưởng thành quả : Việc dỡ bỏ lệnh cấm vận và phục hưng kinh tế Iran. Đương nhiên, Hoa Kỳ ý thức được điều đó. Theo nguồn tin của New York Times, đối với các nhà ngoại giao Mỹ, quãng thời gian sáu tuần sắp tới, trước khi ông Ebrahim Raissi nhậm chức, là một « cơ hội duy nhất » để đúc kết thỏa thuận.
Chính sách kinh tế, đối ngoại nào của tân chính quyền?
Mang nặng chủ trương « Nhà nước quản lý tất cả », Ebrahim Raissi có lẽ sẽ không mở rộng cửa nền kinh tế Iran cho các nhà đầu tư nước ngoài trong trường hợp lệnh cấm vận được dỡ bỏ. Thierry Coville, nhà kinh tế học và chuyên gia về Iran cho rằng tân tổng thống sẽ ưu tiên cho các «quỹ tôn giáo mà ông ấy biết rõ và Vệ Binh Cách Mạng – hiện nắm giữ nhiều doanh nghiệp».
Nhiều nhà nghiên cứu đánh giá rằng các tác nhân bán Nhà nước (para-étatique) chiếm đến hơn 50% nền kinh tế Iran. Tuy nhiên, các nhà quan sát khó có thể đưa ra con số chính xác do các thực thể này không để lại nhiều dấu vết nguồn gốc và phát triển trong « mạng lưới quen biết ».
Không chỉ thân cận với lãnh đạo tối cao, Ebrahim Raissi còn gần gũi với Vệ Binh Cách Mạng hơn là Hassan Rohani mà ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif từng là « đối thủ », theo như đánh giá của nhà nghiên cứu David Rigoulet-Roze.
Điều này có thể đi đến lập trường « bất di bất dịch » từ phía tân tổng thống về chương trình tên lửa đạn đạo Iran hay như sự dấn thân quân sự của Iran tại Irak, Syria và Liban. Trong suốt chiến dịch vận động tranh cử, ông không hề che giấu ý định cho rằng sự tương tác giữa Cộng hòa Hồi giáo với các nước láng giềng sẽ là ưu tiên của ông.
Thế nên, thắng lợi của ông Ebrahim Raissi đã được các đồng minh trong khu vực nhanh chóng chúc mừng. Dù vậy, ông Raissi cẩn trọng trong chính sách đối ngoại, khi khẳng định trong cuộc họp báo hôm 21/6 rằng chẳng có gì cản trở Iran nối lại quan hệ song phương giữa Ả Rập Xê Út, vương quốc Hồi giáo hệ phái sunni, bị đoạn tuyệt từ năm 2016 và cũng là đối thủ của Cộng hòa Hồi giáo hệ phái Shia trong khu vực.
Minh Anh
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210625-iran-doi-ngoai-tong-thong-raissi
(Reuters) – Nhật Bản sẽ gửi thêm 2 triệu liều vac-xin AstraZeneca cho Việt Nam và Đài Loan. Trong tháng 06/2021, Tokyo đã tặng 1,24 triệu liều cho Đài Loan và 1 triệu liều cho Việt Nam. Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines mỗi nước cũng sẽ nhận được 1 triệu liều vac-xin AstraZeneca từ Tokyo. Ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi hôm nay 25/06/2021 thông báo như trên. Tokyo cũng dự kiến đến giữa tháng 07 sẽ cung cấp 11 triệu liều vac-xin cho cho các nước Đông Nam Á, Tây Á và các đảo ở Thái Bình Dương trong khuôn khổ chương trình chia sẻ vac-xin Covax.
(RFI) – Covid-19 : Bồ Đào Nha lo ngại về sự lây lan của biến thể Delta. Ngày 24/06/2021, Bồ Đào Nha ghi nhận 1.500 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ, mức cao nhất tính từ hồi cuối tháng 02/2021. Thông tín viên RFI Marie-Line Darcy từ Lisboa cho biết biến thể Delta hiện giờ chiếm 70% số ca nhiễm mới ở thành phố Lisboa và khu vực lân cận. Trong bối cảnh này, chính quyền Bồ Đào Nhà ngưng dỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng dịch và siết chặt các biện pháp phòng dịch ở vùng Lisboa, nhất là trong những ngày nghỉ cuối tuần. Tại thủ đô và khu tắm biển Albufeira ở vùng Algarve, các quán cà phê, nhà hàng, và cửa hàng sẽ phải hạn chế thời gian hoạt động và khả năng đón khách. Việc di chuyển giữa vùng Lisboa và phần còn lại của Bồ Đào Nha bị cấm, ngoại trừ những ai có chứng nhận y tế châu Âu và được Bồ Đào Nha công nhận, cũng như là những người có kết quả xét nghiệm âm tính.
(AFP) – Giáo chủ Khamenei chích ngừa Covid-19 với thuốc của Iran. Teheran ngày 25/06/2021 cho biết lãnh tụ tôn giáo tối cao, giáo chủ Khamenei, 82 tuổi đã được tiêm mũi đầu tiên. Đó là vac-xin do Iran bào chế và sản xuất. Loại thuốc này chưa được cơ quan y tế Iran công nhận và cấp giấy phép cho sử dụng. Vac-xin Iran mang tên COVIranBarékat. Hiện tại Iran dùng vac-xin của Nga Sputnik V và Sinopharm của Trung Quốc.
(Reuters) – Trung Quốc đề bạt quan chức an ninh vào những vị trí cấp cao ở Hồng Kông. Ngày 25/06/2021, ông John Lee, thư ký an ninh Hồng Kông được bổ nhiệm làm tổng thư ký an ninh đặc khu hành chính, còn ông Chris Tang sẽ thay thế vị trí của ông John Lee. Đây là lần đầu tiên một một cựu trợ lý thanh tra cảnh sát được bổ nhiệm vào vị trí số hai của đặc khu. Theo một số chuyên gia, sự thay đổi nhân sự này cho thấy Bắc Kinh quyết tâm siết chặt hơn an ninh ở trung tâm tài chính toàn cầu, cũng như tăng cường kiểm soát và khống chế các quyền tự do và biến thuộc địa cũ của Anh thành một đặc khu « cảnh sát trị ». Cả hai ông John Lee và Chris Tang nằm trong số 11 quan chức Hồng Kông bị chính phủ Mỹ trừng phạt vào tháng 08/2020.
(AFP) – Trung Quốc kiện Úc lên Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Trong thông báo ngày 24/06/2021, Bắc Kinh cho biết đệ đơn kiện những biện pháp thuế quan của Canberra đối với ba mặt hàng của Trung Quốc : bánh tầu hỏa, tua-bin động cơ điện gió và chậu rửa bằng thép không gỉ. Đây là biện pháp đáp trả của Bắc Kinh vì vào ngày 19/06, Úc cũng kiện Trung Quốc lên Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) về mức thuế mà Bắc Kinh áp dụng đối với rượu vang và lúa mạch Úc.
(AFP) – Mỹ lên án « cưỡng bức lao động tại Tân Cương », Bắc Kinh phản công. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm nay 25/06/2021 lên án Hoa Kỳ hành xử như những tay « anh chị » sau đợt trừng phạt mới nhắm vào một số công ty Trung Quốc. Hôm qua, Washington đưa thêm 5 công ty Trung Quốc vào danh sách trừng phạt. Trong số này có hãng Hoshine Silocon Industry chuyên sản xuất pin mặt trời. Phía Bắc Kinh coi đợt trừng phạt mới này là « cung cách làm ăn của những tay anh chị, cướp tài sản của người khác » và nạn nhân của biện pháp đó « rốt cuộc lại là những người ở Tân Cương ». Trung Quốc cho rằng số này bị mất việc làm vì lệnh trừng phạt của Mỹ.
(RFI) – Pháp kết thúc chiến dịch vận động tranh cử cấp vùng vòng hai. Vào 12 giờ đêm nay (25/06/2021) chiến dịch vận động chính thức kết thúc. Cử tri Pháp được kêu gọi bầu lại lãnh đạo 13 vùng và cấp tỉnh thành vào Chủ Nhật 27/06/2021. Ở vòng một tuần trước 2/3 cử tri không đi bầu. Đây là một tỷ lệ vắng mặt cao kỷ lục.
(AFP) – Tổng thống Biden : Thượng Viện Mỹ chấp nhận kế hoạch tái thiết đất nước. Kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá hơn 550 tỷ đô la, sau nhiều tháng thương lượng gay gắt, hôm 24/06/2021, đã được một nhóm thượng nghị sĩ thuộc hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đồng ý thông qua. Theo giới phân tích đây là một thắng lợi quan trọng đối với tổng thống Biden về mặt chính trị.
(AFP) – Các nghị sĩ Mỹ tấn công trực diện vào GAFA. Trong hai ngày 23-24/06/2021, một ủy ban Quốc Hội Mỹ đã thông qua hàng loạt dự luật nhắm trực tiếp vào các tập đoàn công nghệ Google, Apple, Facebook và Amazon. Khi có hiệu lực, các luật này có thể sẽ làm thay đổi hoạt động trên mạng internet, xây dựng một nền kinh tế kỹ thuật số mạnh mẽ và công bằng hơn. Sau phiên họp kéo dài 24 giờ đồng hồ, các dân biểu đã đề xuất 6 biện pháp với Hạ viện, từ quyền sở hữu dữ liệu người dùng đến các phương tiện hỗ trợ cạnh tranh. Trên Twitter, David Cicilline, chủ tịch tiểu ban về chống độc quyền của đảng Dân Chủ gọi đó là một chiến thắng lớn cho người tiêu dùng, người lao động và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
(AFP) – Viên cảnh sát gây ra cái chết cho người Mỹ da đen George Floyd đợi bản án. Trên nguyên tắc, trong ngày 25/06/2021, tư pháp Hoa Kỳ sẽ tuyên án nhắm vào viên cảnh sát Dereck Chauvin. Ông này có thể bị phạt 12, 20 hay 30 năm tù giam. Luật sư của Chauvin báo trước sẽ đệ đơn kháng án. Ngày 25/05/2020 tại Mionneapolis, George Floyd đã bị Chauvin ghì cổ đến chết. Toàn cảnh đã được ghi hình, phát tán trên mạng xã hội. Vụ việc đã làm chấn động công luận Mỹ và thế giới.
(AFP) – Sập một chung cư gần thành phố Miami – bang Florida. Thị trưởng khu vực Miami ngày 24/06/2021, cho biết hiện vẫn chưa có tin tức của 99 người. Gần 1/3 trong số này là người gốc nước ngoài. Tòa nhà 12 tầng Champlain Towers South tại thị trấn Surfside bị sập vào lúc 1 giờ sáng hôm qua. Giới điều tra chưa xác định được nguyên nhân gây ra thảm họa.
(AFP) – Canada lại phát hiện thêm 750 ngôi mộ vô danh. Điểm phát hiện từng là trường nội trú cho học sinh bản địa. Tiết lộ vào hôm qua 24/06/2021 của cộng đồng thổ dân ở miền tây Canada đã gây chấn động dư luận trong bối cảnh chỉ mới cách nay khoảng một tháng, hài cốt của 215 trẻ em gần nơi cũng từng là trường nội trú cho học sinh bản địa được phát hiện. Theo nhà chức trách, đó không phải là hố chôn tập thể mà là 751 ngôi mộ vô danh. Đa phần nạn nhân là trẻ em. Con số cụ thể nạn nhân sẽ được công bố sau vài tuần nữa vì có thể có những ngôi mộ chứa nhiều hài cốt. Phát hiện lần này một lần nữa làm dấy lên những ký ức kinh hoàng về đồng hóa thổ dân tại Canada cho đến trước những năm 1990.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210625-tin-tong-hop