Tin Tổng Hợp – 24/8/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 24/8/21

Đánh mất chủ quyền – Chính làm điều bất chính

Chiều Thứ Ba 24/8, chỉ vài giờ trước khi bà Phó tổng thống Mỹ đến VN và hoàn toàn không được thông báo gì từ trước, ông Thủ tướng CSVN Phạm Minh Chính xin họp với Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, ông Hùng Ba (Xiong Bo) để khẳng định rằng “Việt Nam không liên minh liên kết với nước này để chống lại nước khác” (BBC 24/8).

CSVN khi tiếp các lãnh đạo cấp cao của TQ thì không bao giờ xin họp với Đại sứ Mỹ ở VN để thanh minh thanh nga về lập trường 4 không đã được công bố và cả thế giới đều biết.

Sự kiện này trùng với chuyến bay của bà Harris bất ngờ bị hoãn 3 giờ (lý do mặt nổi là “một sự cố sức khỏe bất thường”, thuật ngữ thường dùng để mô tả Hội chứng Havana).

Hội chứng Havana với các triệu chứng như chóng mặt, buồn nôn, đau nửa đầu và suy giảm trí nhớ, được đặt tên như vậy vì lần đầu tiên xảy ra ở Đại sứ quán Mỹ ở Cuba vào năm 2016. Có khoảng 100 sỹ quan CIA và thành viên gia đình họ nằm trong số 200 quan chức Mỹ và thân nhân bị Hội chứng Havana (VOA 24/8).

Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ vào tháng 12/2020 cho rằng một giả thuyết hợp lý là các chùm “năng lượng định hướng” đã gây ra hội chứng này, có nghĩa là một đại cường nào đó đã dùng công nghệ cao để chơi bẩn.

Một giả thuyết được đặt ra là TQ đã can thiệp quá sâu vào chủ quyền của VN, hăm doạ phá hoại chuyến viếng thăm của bà Harris.

Vì CSVN đã đánh mất chủ quyền đất nước vào tay TQ nên ông Thủ tướng phải hạ mình năn nỉ và phải yêu cầu bà Harris chậm lại chuyến đi để ông năn nỉ cho xong đã.

Sự đi dây của CSVN đã bắt đầu đi vào thời kỳ sóng gió.

FB Lê Minh Nguyên – 24/8/21

Diễn đàn Crimée: Nga bị coi là Nhà nước chiếm đóng

Diễn đàn Crimée khai mạc tại Kiev, Ukraina, ngày 23/08/2021.
Diễn đàn Crimée khai mạc tại Kiev, Ukraina, ngày 23/08/2021. AP

Ukraina và 46 quốc gia tham dự « Diễn đàn Crimée » hôm 23/08/2021 đã ra thông cáo chung lên án việc Nga dùng vũ lực sáp nhập Crimée cách đây bảy năm, vi phạm nhân quyền và quân sự hóa vùng đất bị xâm chiếm. Đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên được tổ chức tại Kiev, với mục tiêu vận động chấm dứt việc Nga chiếm đóng Crimée. Sáng kiến này tất nhiên khiến Matxcơva tức giận.

Khoảng 15 tổng thống, thủ tướng các nước châu Âu (như Ba Lan, Thụy Điển…) đã tham dự Diễn đàn. Các nước khác như Đức, Pháp, Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ gởi các bộ trưởng hay chủ tịch Quốc Hội đến tham gia. Sự kiện này diễn ra sau nhiều tháng Kiev không ngừng phàn nàn các đối tác do dự về việc Ukraina gia nhập NATO, duy trì thỏa thuận khí đốt với Nga hay từ chối bán vũ khí cho Ukraina.

Thông tín viên Stéphane Siohan tại Kiev tường trình:

«Từ năm 2014, việc Crimée bị sáp nhập bị lu mờ phía sau cuộc chiến ở Donbass, cứ như cộng đồng quốc tế coi việc chiếm đóng bán đảo này là chuyện đã rồi. Nhân dịp kỷ niệm 30 năm độc lập, Kiev muốn thúc đẩy một cơ chế ngoại giao để giúp Crimée trở lại với Ukraina.

Khi khai mạc hội nghị thượng đỉnh, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã kêu gọi các đối tác giúp làm thay đổi tình hình.

Ông Zelensky nói: «Lần đầu tiên ở tầm quốc tế, Nga bị coi là một nhà nước chiếm đóng, và theo luật nhân đạo quốc tế, Matxcơva phải chấm dứt vi phạm nhân quyền tại Crimée, cho phép các tổ chức nhân đạo quốc tế được vào không giới hạn».

Vấn đề Crimée vẫn chưa được giải quyết. Tuy nhiên điện Kremlin tố cáo Diễn đàn Crimée là một sáng kiến thù địch, chống Nga, trong khi từ ba năm qua, Nga tăng cường quân sự và kinh tế trên bán đảo bị sáp nhập. Trong bối cảnh đó, viễn cảnh có tiến bộ ngoại giao về hồ sơ Crimée chừng như hết sức bất định.»

Tuy nhấn mạnh đang chờ đợi việc bán đảo Crimée được trao trả cho Ukraina, các quốc gia ký tên trong thông cáo vẫn không loan báo những biện pháp cụ thể.

AFP cho biết, trước khi Diễn đàn khai mạc, chính quyền và báo chí Ukraina đã tố cáo Nga gây áp lực để các nước khác không tham gia. Thứ Sáu tuần trước, Matxcơva ban hành trừng phạt đối với ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kouleba, một biện pháp được cho là để trả đũa việc tổ chức «Diễn đàn Crimée».

Thụy My

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210824-di%E1%BB%85n-%C4%91%C3%A0n-crim%C3%A9e-nga-b%E1%BB%8B-coi-l%C3%A0-nh%C3%A0-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-chi%E1%BA%BFm-%C4%91%C3%B3ng

Bắc Kinh dùng chiến lược bán vũ khí làm bàn đạp tiến vào Đại Tây Dương

Một máy bay chiến đấu J-16 biểu diễn trên bầu trời trong Ngày khai mạc Hàng không của Lực lượng Không quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc ở Trường Xuân thuộc tỉnh Cát Lâm, đông bắc Trung Quốc, để kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Lực lượng Không quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, vào ngày 17 tháng 10, 2019. (Ảnh chụp màn hình từ Epoch Times)

Các nhà lãnh đạo quân sự Hoa Kỳ lo lắng rằng Trung Quốc có thể lấy được tấm vé bước vào căn cứ quân sự Đại Tây Dương thông qua chiến lược bán vũ khí với mục đích mở rộng quan hệ quân sự để đạt được mưu đồ. Dưới đây là bài viế của ông Rick Fisher, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Quốc tế Hoa Kỳ được đăng trên trang Epoch Times.

Nếu Trung Quốc thực hiện thành công mục đích này, nó có thể buộc Hoa Kỳ phải dịch chuyển sự chú ý về chính trị và quân sự, không thể bảo vệ bạn bè và đồng minh của mình ở châu Á, trong bối cảnh các nước đồng minh của Hoa Kỳ tại châu Á đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa quân sự ngày càng tăng từ Bắc Kinh.

Ngày 22/4 vừa qua, Tướng Stephen Townsend, Tư lệnh Bộ Chỉ huy châu Phi của Hoa Kỳ (AFRICOM) đã tham gia nghị viện của Ủy ban quân sự, ông có đưa ra cảnh báo của mình dựa trên những căn cứ chính xác. Với dã tâm muốn làm bá chủ toàn cầu, ĐCSTQ đã xây dựng “một mạng lưới căn cứ quân sự toàn cầu dọc theo bờ biển Đại Tây Dương của châu Phi”. 

Mục tiêu cho thấy sự hiện diện rõ ràng của Trung Quốc ở Đại Tây Dương là thông qua Nigeria, một đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc ở châu Phi.

Đầu tháng 6/2018, Trung Quốc đã cử tàu hộ vệ tên lửa Type 054A Diêm Thành tham gia cuộc tập trận hải quân đa phương do Hải quân Nigeria đăng cai. Trung tướng Thẩm Kim Long, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc đã tham gia cuộc tập trận, đồng thời cử hành hội nghị. 

Trong những năm gần đây, Nigeria đã mua nhiều vũ khí của Trung Quốc, bao gồm máy bay chiến đấu phản lực hạng nhẹ F-7 của Tập đoàn Công nghiệp Máy bay Thành Đô và máy bay chiến đấu không người lái (UCAV) Rainbow-3 (CH-3) của Tập đoàn Công nghiệp và Khoa học Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASIC). 

Cũng trong năm 2018, Trung Quốc lần đầu tiên bán máy bay chiến đấu hạng nhẹ FC-1 (Fierce Dragon) (được gọi là JF-17 Thunderbolt ở Pakistan) do Tập đoàn Công nghiệp Máy bay Thành Đô thiết kế và công ty công nghiệp hàng không Pakistan liên kết sản xuất nhằm tiêu thụ tại châu Phi. Hiện tại chiếc máy bay này đã được bàn giao cho Nigeria trong tháng 4 năm nay.

Ban đầu Nigeria chỉ đặt mua 3 chiếc máy bay. Tuy nhiên, theo như một báo cáo vào ngày 7/11/2020 của trang web tin tức quân sự Defense World.net tiết lộ rằng: “Theo các báo cáo chưa được xác nhận trên phương tiện truyền thông xã hội, Nigeria đã chính thức đồng ý đặt mua thêm 40 chiếc nữa”.

Mặc dù giá của mỗi chiếc máy bay chiến đấu không đắt, chỉ khoảng 30 triệu đến 35 triệu USD, chiếc JF-17 Block III phiên bản mới nhất, trên thực tế đây là chiếc máy bay chiến đấu vượt trên cả máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4. Chiếc phi cơ này có gắn hệ thống quét nhận dạng (AESA), sắp tới nó còn được trang bị thêm tên lửa không đối không tầm ngắn (AAM) thế hệ thứ 5 Luoyang PL-10 có tích hợp hệ thống ngắm màn hình (HMD). 

JF-17 Block III còn có thể tích hợp thêm Luoyang PL-15. Dự đoán nó là một loại vũ khí có tầm bắn xa tới 200km có gắn đạn đạo không đối không tự động chỉ đường. Như vậy thì tầm bắn của nó có thể vượt trên cả đạn đạo không đối không tầm xa hiện nay của Mỹ và châu Âu.

JF-17 đời đầu có thể mang theo tên lửa siêu âm (hoặc siêu thanh) CASIC CM400 với tầm bắn 400km để tấn công trên mặt đất. CM400 mà Không quân Trung Quốc sử dụng là tên lửa chống hạm có hệ thống dẫn đường thụ động, trước mắt nó vẫn còn khá khó khăn để chống đỡ các đòn công kích của tàu chiến Mỹ. 

Trong tương lai, quân đội Trung Quốc sẽ tiến vào chiếm giữ các căn cứ quân sự của Nigeria, sớm muộn nó cũng tiến vào chiếm giữ các căn cứ quân sự của Argentina.

Từ năm 2010 đến năm 2015, dưới sự lãnh đạo của cựu Tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner, Argentina đã mua một lượng lớn vũ khí chiến đấu của Trung Quốc, trong đó có 24 chiếc JF-17 và tới 5 chiếc tàu khu trục nhỏ và ước khoảng 100 chiếc xe bọc thép có khả năng lội nước thuộc dòng VN-1 của Công ty công nghiệp phương Bắc. Chỉ sau khi bà Fernández từ chức vào năm 2015, các giao dịch này mới chấm dứt.

Tuy nhiên, bà Fernández đã trở lại nắm quyền vào tháng 12/2017 với tư cách là phó tổng thống Argentina. Đến thời điểm giữa năm 2020, có nguồn tin cho rằng Argentina đang lại rất quan tâm đến các loại vũ khí của Trung Quốc như máy bay chiến đấu JF-17.

Trong mười năm qua, có thể do hạn chế về tài chính hoặc sự phản đối chính trị từ Vương quốc Anh, Argentina đã không thành công trong việc mua máy bay chiến đấu thế hệ mới. Hơn nữa, vào năm 1982 Argentina đã thua một cách bi thảm trong trận đánh ngắn ngủi trên quần đảo Falkland.

Vào ngày 6/5 năm nay, trên trang web tình báo quân sự Tây Ban Nha, Infodefensa có đưa tin, một phái đoàn của Tổng công ty Xuất nhập khẩu Công nghệ Hàng không Trung Quốc (CATIC) đang thảo luận về việc mua bán và tài trợ máy bay chiến đấu JF-17 với Argentina.

Vào ngày 14/5, thông tin trong một bài báo của trang mạng tin tức quân sự Defense World.net đã chỉ ra rằng, “Nghe nói rằng phái đoàn Trung Quốc đã thảo luận về việc bán 12 chiếc JF-17, đồng thời họ cũng đi tham quan cơ sở chế tạo và mua bán máy bay của Argentina FADEA (Fabrica Argentina de Aviones) để xem xét khả năng hợp tác trong việc lắp ráp máy bay chiến đấu trong tương lai hoặc các dịch vụ liên quan”. 

Tại Triển lãm Hàng không Paris 2013, các quan chức của FADEA ở Argentina đã nói với các nhà phân tích của phái đoàn Trung Quốc rằng, họ hy vọng sẽ cùng sản xuất và bán máy bay chiến đấu JF-17 ở Mỹ Latinh. Một khi Argentina mua JF-17, các vụ mua bán vũ khí khác từng thương lượng qua với Trung Quốc đều có thể được khởi động lại.

Giống như thời điểm đầu năm 2010, hiện tại Argentina vẫn thiếu vốn để đầu tư cũng như hợp tác sản xuất loại thiết bị này, cho nên họ cần Trung Quốc tài trợ lượng rất lớn về vốn. Do đó, việc mở rộng quan hệ quân sự với Argentina sẽ làm tăng mức ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Argentina đã cho Trung Quốc thuê đất trong 50 năm để lắp đặt các thiết bị radar theo dõi và điều khiển. Điều này cho thấy, dã tâm trong việc mở rộng lãnh thổ quân sự và dân sự của Trung Quốc là vô cùng lớn.

Vì vậy, trong khi quân đội Trung Quốc đang nhanh chóng tăng cường khả năng triển khai quân sự của mình – bao gồm tàu ​​sân bay, tàu tiếp tế lớn trên không, đội tàu đổ bộ lớn, máy bay vận tải quân sự và tàu chở dầu – thì họ cũng đang tìm cách tạo ra các cơ hội chiến lược lớn hơn tiến vào chiếm giữ Đại Tây Dương.

Nếu Trung Quốc thành công trong việc chiếm giữ các căn cứ quân sự, không khó để tưởng tượng rằng máy bay tiếp dầu Y-20U của Không quân Trung Quốc cùng bay chiến đấu JF-17 cung cấp cho Argentina và Nigeria sẽ hình thành cuộc tập trận quân sự trên cả hai bờ Đại Tây Dương.

Cùng với nhóm tác chiến tàu sân bay của Hải quân PLA, máy bay tiếp dầu Y-20U của Không quân Trung Quốc cùng với JF-17 của Nigeria và Argentina sẽ cho phép Trung Quốc-Argentina-Nigeria khởi động một chiến dịch quân sự cưỡng ép buộc London phải xem xét thực hiện cuộc đàm phán về việc trả lại quần đảo Falkland cho Argentina.

Không giống như năm 1982, hiện tại các nước láng giềng cũng có thể ủng hộ Argentina trong việc sử dụng áp lực quân sự do Trung Quốc phát động để giành lại Quần đảo Falkland, qua đó cô lập London và Washington.

Venezuela có thể sẽ cho phép Argentina không kích vào nhóm tác chiến tàu sân bay quá cảnh của Anh. Vì vậy, để ngăn chặn cuộc tấn công bằng tên lửa CM400 của quân đội Trung Quốc, máy bay chiến đấu F-35B của Anh có thể phải đối mặt với những thách thức.

Khi một cuộc đối đầu quân sự xảy ra, nó sẽ làm tăng mức ảnh hưởng của Trung Quốc ở các nước thuộc Mỹ Latinh. Mà việc Anh đầu hàng đối phương trong các cuộc đàm phán, điều này được xem như Trung Quốc đã thắng lợi. 

Quân đội Trung Quốc đã bắt đầu đóng quân ở Tây Bán cầu, buộc Washington phải chuyển hướng chú ý cùng các nguồn lực sang các khu vực khác.

San San

https://www.dkn.tv/the-gioi/bac-kinh-dung-chien-luoc-ban-vu-khi-lam-ban-dap-tien-vao-dai-tay-duong.html

(AFP) – Ukraina chận nhiều trang web thông tin của Nga. Ukraina hôm 23/08/2021 ra lệnh chặn nhiều trang tin tức của Nga, trong khuôn khổ một loạt trừng phạt đối với Matxcơva. Khoảng 12 tập đoàn báo chí Nga là mục tiêu, trong đó có công ty sở hữu nhật báo kinh tế Vedomosti, một thời được ưa thích tại Nga trước khi bị các đại gia thân cận ông Putin mua lại, và nhật báo nổi tiếng Moskovski Komsomolets. Phát ngôn viên điện Kremlin tố cáo Ukraina « bóp nghẹt tự do ngôn luận ». Tuy nhiên từ nhiều tháng qua nhiều trang web độc lập và đối lập tại Nga cũng đã bị Matxcơva chặn lại.

(NHK) – Thế vận hội người khuyết tật khai mạc tại Tokyo. Thế vận hội dành cho người khuyết tật chính thức khai mạc hôm nay 24/08/2021 tại Tokyo, trong bối cảnh đầy lo lắng vì đại dịch Covid-19. Trong 13 ngày, sẽ diễn ra 539 cuộc tranh tài thuộc 22 môn thể thao. Đối với các nhà tổ chức, an toàn của các vận động viên hết sức quan trọng, một số có nguy cơ bị Covid nặng nếu nhiễm virus corona.

(AFP) – Covid : Y tế Pháp khuyến cáo tiêm liều thứ ba cho người 65 tuổi trở lên. Cơ quan Y tế Cao cấp của Pháp (HAS) hôm nay 24/08/2021 khuyến cáo tiêm nhắc thêm liều vac-xin ARN thông tin (Pfizer, Moderna) thứ ba cho những người từ 65 tuổi trở lên, và những người mang bệnh nền có nguy cơ bị Covid-19 thể nặng. HAS cũng cổ vũ những người đã tiêm vac-xin Janssen với một liều duy nhất, nên tiêm thêm một liều vac-xin ARN thông tin.

(NDTV) – Ấn Độ và Philippines tập trận chung ở Biển Đông. Năm ngày sau cuộc diễn tập với Hải Quân Việt Nam, hai tầu chiến Ấn Độ ( tầu khu trục tên lửa dẫn đường INS Ranvijay và tầu hộ tống tên lửa dẫn đường INS Kora ) tập trận với quân đội Philippines ngày 23/08/2021 ở Biển Tây Philippines (tên gọi Biển Đông của Philippines). Theo người phát ngôn của Hải Quân Ấn Độ, cuộc tập trận nhằm mục đích “củng cố khả năng tương tác” và “Hải Quân hai nước quyết tâm tăng cường hợp tác song phương trong lĩnh vực hàng hải, vì mục đích chung bảo đảm vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương ổn định, hoà bình và thịnh vượng”.  

(AFP) – Duterte sẽ tranh chức phó tổng thống sau nhiệm kỳ tổng thống Philippines. Đảng của tổng thống Duterte hôm nay 24/08/2021 khẳng định như trên, cho dù ông Duterte chưa ra thông báo chính thức. Tại Philippines, tổng thống và phó tổng thống được được bầu cử riêng rẽ. Bà Sara, con gái tổng thống Duterte, có thể sẽ ra tranh cử tổng thống Philippines trong kỳ bầu cử tới.

(VnExpress) – Boeing mở văn phòng đại diện tại Hà Nội. Cùng với một văn phòng mới khác ở Jakarta (Indonesia), văn phòng tại Hà Nội sẽ đi vào hoạt động trong tuần này và “sẽ hỗ trợ các mục tiêu tăng trưởng của công ty trong mảng kinh doanh máy bay thương mại, quốc phòng và dịch vụ”, theo thông cáo ngày 23/08 của tập đoàn sản xuất máy bay Mỹ. Boeing đã đăng ký thành lập Công ty TNHH Boeing Việt Nam (Boeing Vietnam Compagny Limited) tại Việt Nam vào tháng 08/2018. 

(AFP) – Covid-19 : Mỹ cấp phép đầy đủ cho sử dụng vac-xin Pfizer. Từ tháng 12/2020 đến nay, vac-xin Pfizer mới chỉ được cấp phép sử dụng khẩn cấp. Quyết định được loan báo vào hôm qua 23/08/2021. Washington hy vọng quyết định này sẽ giúp thuyết phục được thêm nhiều người còn đang ngần ngại tiêm ngừa, đồng thời thúc đẩy các cơ chế áp đặt việc tiêm chủng bắt buộc, trong bối cảnh biến thể Delta đang lây lan mạnh. Ngay sau đó, Lầu Năm Góc thông báo tất cả thành viên của quân đội đều phải tiêm phòng. Thành phố New York cũng ra quy định bắt buộc giáo viên, nhân viên của các trường công tiêm ngừa Covid-19.

(AFP) – Airbnb đề xuất chỗ ở miễn phí cho 20.000 di dân Afghanistan tại nhiều nước trên thế giới. Ông Brian Chesky, người đồng sáng lập Airbnb, hôm nay, 24/08/2021, thông báo sẽ trả tiền thuê nhà cho chủ nhà, nhưng kêu gọi lòng hảo tâm của những người có nhà cho thuê trên trang Airbnb. Từ năm 2012, với nền tảng « Open Homes », Airbnb đã giúp kết nối để nhiều chủ nhà cho di dân và người tị nạn ở miễn phí.   

(Reuters) – Iran lại xuất khẩu chất đốt sang Afghanistan theo đề nghị của Taliban. Nghiệp đoàn các nhà xuất khẩu dầu lửa, khí đốt và sản phẩm hóa dầu của Iran hôm qua 23/08/2021 thông báo Iran đã tái khởi động việc xuất nhiên liệu sang Afghanistan từ cách nay vài ngày. Trước đó, các nhà sản xuất Iran tỏ ra thận trọng vì lo ngại các vấn đề an ninh. Từ tháng 05/2020 đến tháng 05/2021, Iran đã xuất khoảng 400.000 tấn nhiên liệu sang Afghanistan.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210824-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p