Tin Tổng Hợp – 23/9/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 23/9/21

Khủng hoảng tàu ngầm: Lãnh đạo Mỹ – Pháp cam kết khôi phục lòng tin

Sáu ngày kể từ khởi đầu «khủng hoảng tàu ngầm», tổng thống Hoa Kỳ và tổng thống Pháp đã có cuộc điện đàm hôm qua 22/09/2021. Thông cáo chung khẳng định « các tham vấn công khai giữa các đồng minh » có thể đã giúp tránh được cuộc khủng hoảng ngoại giao, được coi là nghiêm trọng nhất trong quan hệ song phương kể từ năm 2003, khi Pháp không tham gia vào cuộc chiến Irak do Mỹ khởi xướng.

Trong cuộc điện đàm nói trên, tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cũng thừa nhận « vai trò chiến lược » của Pháp và Liên Âu, và tầm quan trọng của một « nền quốc phòng Liên Âu », điều mà tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nỗ lực thúc đẩy trong thời gian qua. « Nền quốc phòng Liên Âu » vốn là vấn đề mà chính quyền Mỹ lâu nay vốn có thái độ không rõ ràng.

Thông tín viên Guillaume Naudin tường trình từ Washington :

« Cuộc đối thoại kéo dài khoảng nửa giờ được Nhà Trắng đánh giá là hữu nghị, và kết thúc cuộc điện đàm là một loạt đồng thuận. Sau một tuần lễ căng thẳng, đây đã là một thành quả. Hai vị nguyên thủ quốc gia đồng ý là việc tiến hành tham vấn công khai giữa các đồng minh có thể đã giúp tránh được các diễn biến vừa qua, nói một cách khác là tránh được khủng hoảng ngoại giao song phương. Rõ ràng là lãnh đạo hai nước đã quyết định chấm dứt cuộc khủng hoảng này.

Hai bên cũng nói đến việc khởi sự « các tham vấn sâu nhằm thiết lập các điều kiện cho sự tin tưởng lẫn nhau », nhưng không cho biết chi tiết. Điểm đồng thuận cụ thể hơn là hai tổng thống sẽ gặp nhau vào cuối tháng 10 và đại sứ Pháp sẽ trở lại Washingston vào tuần tới.

Nhìn chung, Hoa Kỳ thừa nhận vai trò chiến lược của nước Pháp và của Liên Hiệp Châu Âu tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và một nền quốc phòng châu Âu mạnh hơn và hiệu quả hơn sẽ đóng vai trò tích cực hơn vào an ninh xuyên Đại Tây Dương. Đây chính là điều mà nước Pháp đã bày tỏ từ nhiều tháng nay, trong khi tìm cách thuyết phục các đối tác châu Âu. Kể từ giờ, chính tổng thống Mỹ đã khẳng định điều này, nhưng với một điểm hơi khác biệt : Một nền quốc phòng như vậy của Liên Âu sẽ đóng vai trò bổ sung cho khối NATO ».

Tiếp theo cuộc điện đàm của nguyên thủ quốc gia hai nước, ngoại trưởng Pháp, Mỹ có kế hoạch gặp nhau hôm nay tại New York bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Nhận định về cuộc điện đàm giữa hai tổng thống Pháp, Mỹ, ông Benjamin Haddad, giám đốc phụ trách châu Âu của viện tư vấn Atlantic Council, chuyên về quan hệ Hoa Kỳ – Châu Âu, trụ sở tại Washington, nhận xét : Phía Mỹ đã hiểu rằng cuộc khủng hoảng tàu ngầm gây sốc với Paris « chủ yếu không phải về mặt thương mại mà vấn đề chính là sự tan vỡ niềm tin ». Đồng thời ông cảnh báo quan hệ song phương Pháp-Mỹ khó mà được khôi phục ngay sau một cuộc đối thoại như vậy.

Úc «kiên nhẫn» chờ đợi tái lập quan hệ với Pháp

Trong lúc Pháp, Mỹ quyết định bình thường hóa quan hệ với cuộc điện thoại Biden – Macron, không khí vẫn căng thẳng giữa Paris và Canberra. Tối hôm qua, tại Washington, bên lề diễn đàn Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, thủ tướng Úc Scott Morrison thông báo Caberra sẽ « kiên nhẫn » chờ đợi để tái lập quan hệ với Pháp.

Thủ tướng Úc cho biết cụ thể là đã cố gắng yêu cầu Pháp tổ chức một cuộc đối thoại với tổng thống Macron, nhưng cho đến chưa có sự chấp thuận từ Paris. Nếu như đại sứ Pháp sẽ trở lại Washington vào tuần tới, thì hiện tại chưa có thời điểm cụ thể cho quyết định tương tự với Úc.

Trọng Thành

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20210923-kh%E1%BB%A7ng-ho%E1%BA%A3ng-t%C3%A0u-ng%E1%BA%A7m-nguy%C3%AAn-th%E1%BB%A7-m%E1%BB%B9-ph%C3%A1p-cam-k%E1%BA%BFt-kh%C3%B4i-ph%E1%BB%A5c-l%C3%B2ng-tin

Tổng giám đốc Moderna: Đại dịch sẽ chấm dứt trong vòng một năm

Reuters – Tổng giám đốc Moderna, Stéphane Bancel, cho rằng đại dịch virus corona sẽ chấm dứt trong vòng một năm khi mà sản lượng vaccine gia tăng đảm bảo cung ứng toàn cầu.

Tổng giám đốc Moderna, Stéphane Bancel.
Tổng giám đốc Moderna, Stéphane Bancel.

Phát biểu với tờ báo Thụy Sĩ Neue Zuercher Zeitung, ông Bancel nói: “Nếu nhìn vào việc mở rộng khả năng sản xuất trên toàn lĩnh vực công nghiệp này trong 6 tháng qua, tới giữa năm sau sẽ có đủ số lượng vaccine để mọi người trên trái đất có thể được tiêm chủng. Các liều vaccine tăng cường cũng có thể khả dĩ, đáp ứng mức độ cần thiết.”

Việc tiêm chủng cũng sẽ sớm được thực hiện cho cả trẻ nhỏ, ông nói.

“Những người chưa tiêm chủng sẽ tự miễn dịch tự nhiên, vì biến thể Delta rất truyền nhiễm. Theo cách này, chúng ta cuối cùng sẽ gặp tình trạng tương tự như cúm. Bạn hoặc có thể chích ngừa và trải qua mùa đông an lành hoặc không chích ngừa và có nguy cơ bị nhiễm bệnh, có thể rốt cuộc vào bệnh viện.”

Đáp câu hỏi liệu điều này có nghĩa là vào nửa năm sau mọi chuyện sẽ trở lại bình thường hay chăng, ông nói: “Tại thời điểm này, tôi cho là, trong một năm.”

Ông Bancel nói ông hy vọng chính phủ chấp nhận cho tiêm liều tăng cường đối với những người đã tiêm chủng vì các bệnh nhân nguy cơ cao chích ngừa từ mùa thu trước dĩ nhiên cần tiêm nhắc lại.

Liều tăng cường của Moderna chỉ bằng một nửa liều nguyên thủy.

Thành phần của liều tăng cường vẫn tương tự như liều nguyên thủy trong năm nay vì Moderna chưa đủ thời gian để điều chỉnh.

“Chúng tôi hiện đang thử nghiệm lâm sàng biến thể Delta mạnh nhất. Những thử nghiệm này sẽ làm căn bản cho việc tiêm chủng tăng cường trong năm 2022. Chúng tôi cũng thử nghiệm Delta cộng Beta, đột biến kế tiếp mà các nhà khoa học tin là có thể xảy ra.”

Moderna có thể sử dụng dây chuyền sản xuất hiện nay để sản xuất vaccine cho biến thể mới như cho vaccine COVID nguyên thủy. Giá vaccine vẫn như cũ, CEO của công ty cho biết.

https://www.voatiengviet.com/a/tong-giam-doc-moderna-dai-dich-se-cham-dut-trong-vong-mot-nam/6243247.html

Bầu cử Đức: Châu Âu hồi hộp chờ người kế nhiệm Merkel

Nữ thủ tướng Đức Angela Merkel chuẩn bị chia tay chính trường sau 16 năm điều hành đất nước.
Nữ thủ tướng Đức Angela Merkel chuẩn bị chia tay chính trường sau 16 năm điều hành đất nước. Hauke-Christian Dittrich AFP

Châu Âu sẽ phải làm quen lại từ đầu với một nhà lãnh đạo mới của Đức. Thủ tướng Angela Merkel, 67 tuổi, quyết định rút khỏi chính trường, để lại « một khoảng trống » vô định cho các đối tác châu Âu, vì cho tới nay Đức vẫn đóng vai trò chủ đạo trong khối 27 nước.

Trong suốt « thời đại » 16 năm, các nhà lãnh đạo châu Âu đã quen với một thủ tướng Đức « giản dị », nhưng thể hiện « quyền lực rất lớn » và đại diện được cho các nhóm khác nhau trong Liên Hiệp Châu Âu. Đối với các nước Trung và Đông Âu, bà Merkel là cầu nối giữa tây và đông châu lục, vì bà sinh ra và lớn lên ở Đông Đức. Bốn nước theo « chủ trương khắc khổ » về ngân sách (Áo, Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch) cần đến sự ủng hộ của Berlin sau khi Anh rời khỏi Liên Âu. Còn Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ý lo một nước Đức « ích kỷ » và vô địch về « thắt lưng buộc bụng » tái xuất hiện sau thời Merkel. Riêng Paris sẽ mất đi một đối tác tạo nên cặp Đức-Pháp năng động trong nhiều hồ sơ lớn của châu Âu, như kế hoạch tái thiết 750 tỉ euro dựa trên cơ chế nợ chung của 27 nước.

Khó khăn đầu tiên mà Liên Hiệp Châu Âu sẽ phải đối mặt là thời gian Đức thành lập được chính phủ. Ông Sébastien Maillard, giám đốc Viện Jacques Delors, nhắc lại với nhật báo Le Monde (22/09) : « Năm 2017, phải mất đến 5 tháng, Đức mới thành lập được chính phủ liên minh (SPD và CDU-CSU). Trong suốt thời gian này, Đức là một đối tác « im hơi lặng tiếng » đối với các nước châu Âu ».

Tình hình dường như cũng không khả quan hơn trong kỳ bầu cử này. Theo thẩm định, chính phủ mới của Đức sẽ cần đến hai, thậm chí là ba đảng liên minh, trong khi các đảng này cũng bất đồng về nhiều chủ đề lớn như khí hậu, thuế khóa và đối ngoại. Mỗi đảng sẽ lại đặt điều kiện để tham gia liên minh và tìm cách chặn những dự án đối nghịch nhất, theo nhật báo kinh tế Pháp Les Echos.

Ngoài ra, hai trong số ba ứng viên « sáng giá », Armin Laschet của đảng CDU cầm quyền hiện nay và Annalena Baerbock thuộc đảng Xanh đều thiếu kinh nghiệm đối ngoại. Ông Armin Laschet là người ủng hộ nhiệt tình nhất chiến lược quốc phòng chung châu Âu ngoài khuôn khổ NATO, điều mà tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang dốc hết tâm sức bảo vệ. Ông cũng là người duy nhất yêu cầu tăng ngân sách quốc phòng lên mức tương đương với 2% GDP. Có thể nói ông sẽ là người « tiếp nối » chính sách của bà Merkel, nhưng vấn đề ở chỗ ông chỉ nhận được khoảng 12% ý định bỏ phiếu, bị đối thủ Olaf Scholz bỏ xa.

Ứng cử viên của đảng Xã Hội-Dân Chủ SPD là người duy nhất có kinh nghiệm trong bộ Tài Chính và nắm được bí quyết về đàm phán châu Âu. Pháp và các nước Nam Âu có thể trông cậy vào ông Olaf Scholz về việc triển hạn cơ chế « nợ chung » châu Âu.

Lo lắng tiếp theo của Bruxelles là không biết gì về chính sách đối ngoại, đặc biệt là với Liên Hiệp Châu Âu, của ba ứng cử viên chính. Chủ đề châu Âu không hề được nhắc đến một lần trong ba cuộc tranh luận trên truyền hình của ba ứng cử viên và gần như « vô hình » trong các cuộc vận động, mit-tinh. Đây là « một sai lầm », theo Thomas Gutschker trên nhật báo bảo thủ Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung, vì « rất nhiều hồ sơ phụ thuộc vào Đức ». Trong « bất kỳ hồ sơ chính trị nào, mọi ánh mắt đều hướng về Đức, quốc gia lớn nhất và mạnh nhất về kinh tế trong khối ».

Thực vậy, báo Le Point nhấn mạnh cử tri Đức không chỉ bầu ra một chính phủ, một thủ tướng, mà còn bầu ra một người đứng đầu Liên Hiệp Châu Âu trong tư cách chủ tịch luân phiên. Do đó, không thể bỏ qua những chủ đề của toàn khối như tái thiết kinh tế sau đại dịch, chống biến đổi khí hậu, phòng thủ chung châu Âu, chính sách nhập cư hay lập trường trước các cường quốc như Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Ông Piotr Buras, thuộc Hội Đồng Quan Hệ Quốc Tế Châu Âu (ECFR), nhận định với AFP « bà Angela Merkel đã khéo léo duy trì hiện trạng tại châu Âu trong những năm gần đây », tuy nhiên, trước những thách thức mà châu Âu phải đối mặt, « điều mà Liên Hiệp Châu Âu cần hiện nay là một nước Đức có tầm nhìn xa ». Thế nhưng, nếu nhìn vào chiến lược « ít chú ý đến châu Âu » của ba ứng cử viên chính, 26 nước sẽ mất một thời gian để làm quen với đối tác Đức mới.

Thu Hằng

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20210923-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD-%C4%91%E1%BB%A9c-ch%C3%A2u-%C3%A2u-h%E1%BB%93i-h%E1%BB%99p-ch%E1%BB%9D-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-k%E1%BA%BF-nhi%E1%BB%87m-merkel

Bộ Quốc phòng Litva kêu gọi người dân vứt điện thoại Xiaomi của Trung Quốc

Hình ảnh minh họa từ video của Xiaomi.

Mới đây, Bộ Quốc phòng Litva ở Đông Âu đã khuyến cáo người dân không nên mua điện thoại di động của thương hiệu Trung Quốc, đặc biệt là điện thoại Xiaomi vì lỗ hổng bảo mật thông tin. Theo Bộ Quốc phòng Litva, nếu đã lỡ mua điện thoại di động của Trung Quốc rồi thì cũng nên vứt đi.

Theo CNN, báo cáo mới nhất của Trung tâm Không gian mạng Quốc gia Litva cho biết, những chiếc điện thoại thông minh của gã khổng lồ Xiaomi bán ở châu Âu đã được tích hợp chức năng kiểm duyệt văn bản. Những cụm từ như “Tây Tạng Tự do”, “Đài Loan độc lập muôn năm” hoặc “Trào lưu Dân chủ” sẽ bị phát hiện và kiểm duyệt.

“Danh sách đen” kiểm duyệt của Xiaomi có khoảng 449 từ vựng tiếng Trung, và được cập nhật liên tục. Mặc dù tính năng này đã bị tắt ở Liên minh châu Âu, nhưng nó có thể được kích hoạt từ xa bất cứ lúc nào.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Litva nói với các phóng viên: “Khuyến nghị của chúng tôi là không mua điện thoại mới của Trung Quốc và [nên] vứt những chiếc điện thoại [Trung Quốc] đã mua càng nhanh càng tốt”. 

Ngoài ra, Xiaomi cũng truyền dữ liệu trong điện thoại di động của người dùng đến một máy chủ đặt tại Singapore. Trung tâm Không gian mạng Quốc gia Litva cảnh báo “Báo cáo này quan trọng không chỉ với Litva mà đối với tất cả các quốc gia sử dụng các thiết bị của Xiaomi”. 

Đối mặt với những cáo buộc của Litva, Huawei tuyên bố rằng điện thoại di động của họ sẽ không gửi thông tin người dùng ra bên ngoài.

Ngọc Mai

https://www.dkn.tv/khoa-hoc-cong-nghe/bo-quoc-phong-litva-keu-goi-nguoi-dan-vut-dien-thoai-xiaomi-cua-trung-quoc.html

(Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam) – Việt-Mỹ thảo luận về tầm nhìn chiến lược chung. Bên lề kỳ họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 76 tại New York, ngày 22/09/2021, thứ trưởng ngoại giảo Hoa Kỳ Wendy Sherman và ngoại trưởng Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã thảo luận tầm nhìn chiến lược chung của hai nước về an ninh khu vực, vai trò trung tâm của ASEAN và việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật pháp ở Biển Đông và khu vực Mêkông.

(SCMP) – Mỹ tăng tốc sản xuất máy bay ném bom B-21 « để đối đầu với Trung Quốc ». Phát biểu tại hội nghị của Hiệp hội Lực lượng Không Quân, Không Gian và Không Gian Mạng Hoa Kỳ tại Maryland ngày 20/09/2021, bộ trưởng Không Quân Hoa Kỳ Frank Kendall cho biết có đến 5 máy bay ném bom B-21 đang được sản xuất, thay vì 2 như thông báo ban đầu, tại nhà máy Air Force 42 ở Palmdale, bang California. Theo ông Kendall, trước thách thức từ Trung Quốc ngày càng lớn, lực lượng không quân phải kết hợp các loại máy bay, hệ thống và năng lực để thực hiện bất kỳ nhiệm vụ nào, ở bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào.

(AFP) – Năm thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đều muốn một nước Afghanistan hòa bình, ổn định. Trên đây là khẳng định của tổng thư ký Liên hiệp Quốc Antonio Guterres với một số nhà báo trong ngày 22/09/2021, sau cuộc họp với ngoại trưởng 5 nước Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Nga. Ông Guterres cũng nhấn mạnh mong muốn của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc là hàng cứu trợ quốc tế phải được phân phát cho người dân Afghanistan một cách thuận lợi và không có sự phân biệt đối xử.

(AFP) – Liên Hiệp Châu Âu muốn áp đặt sử dụng sạc chung. Quy định mà Ủy Ban Châu Âu đề xuất ngày 23/09/2021 có thể khiến tập đoàn Apple phản đối. Theo quy định, sẽ còn được đưa ra biểu quyết ở Nghị Viện Châu Âu và các nước thành viên, các loại điện thoại di động, máy tính bảng và nhiều thiết bị điện tử khác sẽ dùng chung một kiểu sạc để tránh lãng phí và thuận tiện cho người tiêu dùng.

(AFP) – Pháp chấp nhận chứng nhận tiêm phòng với vac-xin Trung Quốc. Tuy nhiên, theo một sắc lệnh đăng trên Công Báo ngày 23/09/2021, người đã được tiêm chủng bằng vac-xin Trung Quốc phải được tiêm thêm một liều Pfizer hoặc Moderna và 7 ngày sau khi tiêm, họ sẽ nhận được « chứng nhận y tế » tại Pháp.

(AFP) – Cuba: Doanh nghiệp tư nhân có lại cơ hội phát triển. Chính quyền Cuba công nhận trở lại sự tồn tại của các doanh nghiệp tư nhân, đồng thời tái khởi động các hợp tác xã ngoài ngành nông nghiệp, sau nhiều năm tạm ngưng. Ngay hôm thứ Hai 20/09, ngày luật có hiệu lực, 75 hồ sơ đã được đệ trình. Bộ trưởng Thương Mại Alejandro Gil nhận định đó là một khởi đầu tốt đẹp. Doanh nghiệp nhà nước hiện chiếm 85% kinh tế Cuba.

(AFP) – Pháp: 840 triệu euro đã được quyên góp để trùng tu Nhà Thờ Đức Bà Paris sau vụ hỏa hoạn hồi năm 2019. Thông báo được chủ tịch cơ quan chuyên trách việc tái thiết Notre Dame de Paris đưa ra hôm 22/09/2021. Theo mục tiêu đề ra, Nhà thờ Đức Bà sẽ được mở lại vào năm 2024. Giai đoạn gia cố an toàn cho công trình đã được hoàn thành với chi phí 165 triệu euro, thấp hơn ước tính ban đầu một chút. Nhưng thiên tai, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và việc khử độc chì khiến công tác trùng tu nhà thờ bị chậm lại và chi phí bị đẩy lên cao.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210923-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p