Tin Tổng Hợp – 23/6/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 23/6/21

Hồng Kông: Phiên tòa đầu tiên không bồi thẩm đoàn, Apple Daily đình bản

Hôm nay 23/06/2021, phiên tòa đầu tiên theo luật an ninh mới không có bồi thẩm đoàn mở ra tại Hồng Kông – một bước ngoặt mới cho hệ thống tư pháp của trung tâm tài chính quốc tế này. Cũng trong hôm nay, ban quản trị tờ báo ủng hộ dân chủ Apple Daily xác nhận sẽ đình bản chậm nhất vào ngày 26/06, tức chưa đầy một tuần sau khi tài sản bị phong tỏa và năm nhà lãnh đạo bị bắt.

Từ Hồng Kông, thông tín viên Florence de Changy tường trình:

«Tất cả mọi người ở Hồng Kông đều nhớ lại hình ảnh đã được lan truyền rộng rãi hôm 01/07/2020, trong lúc đặc khu gặp cú sốc khi luật an ninh mới bắt đầu có hiệu lực vào lúc 23 giờ khuya hôm trước. Đường Anh Kiệt (Tong Ying Kit) đã dùng xe gắn máy lao về phía một nhóm cảnh sát, phía sau phấp phới một băng-rôn lớn màu đen với câu khẩu hiệu của cuộc nổi dậy mùa hè năm 2019: «Giải phóng Hồng Kông, cách mạng thời đại».

Đường Anh Kiệt nằm trong số những công dân Hồng Kông đầu tiên bị bắt và khởi tố theo luật an ninh mới, và hôm nay bị cáo bị buộc các tội khủng bố, xúi giục ly khai, gây thương tích nặng do điều khiển xe một cách nguy hiểm. Anh bị tạm giam từ một năm qua, mặc dù các luật sư đã có được lệnh Habeas corpus (lệnh bảo hộ nhân thân). 

Đường Anh Kiệt bị đưa ra xét xử mà không có bồi thẩm đoàn, theo quyết định của bộ Tư Pháp và kháng cáo của các luật sư bị bác. Nhưng một phiên tòa sơ thẩm không bồi thẩm đoàn bị coi là đi ngược lại với thủ tục tố tụng Hồng Kông. Ba thẩm phán quen thuộc với luật an ninh mới được trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga bổ nhiệm sẽ tuyên án sau phiên tòa kéo dài ít nhất ba tuần lễ.»

AFP cho biết trước tòa bị cáo 24 tuổi không nhận tội.

(Ảnh minh họa) - Nhà tranh đấu Đường Anh Kiệt (Tong Ying-Kit) bị áp giải tới một toà án ở Hồng Kông, ngày 06/07/2020.
(Ảnh minh họa) – Nhà tranh đấu Đường Anh Kiệt (Tong Ying-Kit) bị áp giải tới một toà án ở Hồng Kông, ngày 06/07/2020. AP – Vincent Yu

Trong suốt lịch sử 176 năm qua tại Hồng Kông, sự hiện diện của bồi thẩm đoàn là bắt buộc tại các phiên tòa xử những tội nặng như trên. Ngay trên trang web, Tư Pháp Hồng Kông cũng coi yêu cầu này là « một trong những phương diện quan trọng nhất » của hệ thống tư pháp đặc khu. Tuy nhiên luật an ninh mới, do Bắc Kinh áp đặt, quy định một số hồ sơ có thể chỉ cần ba thẩm phán xét xử. Đạo luật mơ hồ giúp đàn áp mọi tiếng nói phản biện đã đẩy đa số khuôn mặt nổi bật của phong trào dân chủ Hồng Kông vào tù.

Apple Daily sắp đình bản, thêm một bình luận viên bị bắt

Cũng với luật an ninh mới, tự do báo chí tiếp tục bị bóp nghẹt. Ban quản trị Next Digital, công ty mẹ của tờ báo ủng hộ dân chủ Hồng Kông Apple Daily, hôm nay xác nhận với AFP số báo cuối cùng sẽ ra mắt chậm nhất vào ngày thứ Bảy 26/06. Theo Reuters, cây bút bình luận chính của Apple Daily bị bắt hôm nay, cảnh sát chỉ cho biết «một người đàn ông 55 tuổi bị bắt giam theo luật an ninh quốc gia».

Bắc Kinh chưa bao giờ giấu diếm ý định dập tắt tiếng nói của tờ báo luôn hỗ trợ phong trào đấu tranh và thẳng thừng chỉ trích các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Hôm 17/06, khoảng 500 cảnh sát đã bố ráp tòa soạn, câu lưu năm nhà lãnh đạo, chính quyền phong tỏa tài sản của tờ báo do tỉ phú Lê Trí Anh (Jimmy Lai) thành lập từ năm 1995, khiến Apple Daily không thể trả lương cho nhân viên và thanh toán cho các nhà cung cấp. Tổng biên tập La Vĩ Quang (Ryan Law) và tổng giám đốc Trương Kiếm Hồng (Cheung Kim Hung) hôm 18/06 đã bị khởi tố và tạm giam.

Thụy My

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20210623-h%E1%BB%93ng-k%C3%B4ng-phi%C3%AAn-t%C3%B2a-%C4%91%E1%BA%A7u-ti%C3%AAn-kh%C3%B4ng-b%E1%BB%93i-th%E1%BA%A9m-%C4%91o%C3%A0n-apple-daily-%C4%91%C3%ACnh-b%E1%BA%A3n

Tàu chiến Mỹ lại đi qua eo biển Đài Loan, Trung Quốc lên án

Chiến hạm Mỹ USS Curtis Wilbur tiến hành hoạt động định kỳ ở Biển Đông hôm 22/6/2021, theo Hạm đội 7 của Mỹ.
Chiến hạm Mỹ USS Curtis Wilbur tiến hành hoạt động định kỳ ở Biển Đông hôm 22/6/2021, theo Hạm đội 7 của Mỹ.

Hôm thứ Tư 23/6, Trung Quốc lên án rằng Hoa Kỳ là “kẻ tạo ra rủi ro” an ninh lớn nhất trong khu vực sau khi một tàu chiến của Hoa Kỳ lại đi qua tuyến đường thủy nhạy cảm nằm giữa Đài Loan với Trung Quốc.

Hạm đội 7 của Hải quân Hoa Kỳ cho biết tàu khu trục USS Curtis Wilbur (lớp Arleigh Burke) mang tên lửa có điều hướng đã “đi qua eo biển Đài Loan như thường lệ” theo luật pháp quốc tế vào hôm 22/6.

“Việc con tàu đi qua eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Hoa Kỳ đối với một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, Hạm đội 7 nói.

Bộ Tư lệnh Chiến trường Miền đông của Giải phóng Quân Nhân dân Trung Hoa cho biết lực lượng của họ đã giám sát con tàu trong suốt hành trình của nó và đã cảnh cáo nó.

“Phía Hoa Kỳ đang cố ý chơi những thủ đoạn cũ như trước đây và tạo ra rắc rối cũng như gây xáo trộn mọi thứ ở eo biển Đài Loan”, Bộ Tư lệnh của Trung Quốc nói.

Họ nói tiếp rằng điều này “cho thấy một cách đầy đủ rằng Mỹ là kẻ tạo ra rủi ro lớn nhất cho an ninh khu vực, và chúng tôi [Trung Quốc] kiên quyết phản đối điều này”.

Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết con tàu Mỹ đã đi về phía bắc qua eo biển và tình hình “vẫn bình thường như mọi khi”.

Cũng chính con tàu đó đã đi qua eo biển một tháng trước, khiến Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ đe dọa hòa bình và ổn định.

Hải quân Hoa Kỳ lâu nay vẫn tiến hành các hoạt động như vậy ở eo biển Đài Loan với tần suất hàng tháng hoặc gần như vậy.

Giống như hầu hết các quốc gia khác, Hoa Kỳ không có quan hệ ngoại giao chính thức với đảo Đài Loan có chế độ dân chủ, nhưng Hoa Kỳ là nước ủng hộ quốc tế quan trọng nhất và là nước bán nhiều vũ khí cho Đài Loan.

https://www.voatiengviet.com/a/tau-chien-my-lai-di-qua-eo-bien-dai-loan-trung-quoc-len-an/5939520.html

Olympic Tokyo 2020: Nhiều hành vi bị cấm để ngăn ngừa COVID; đoàn Uganda có ca dương tính thứ hai

Biểu tượng Olympic bên ngoài Ủy ban Olympic Nhật Bản ở Tokyo, 23/6/2021.
Biểu tượng Olympic bên ngoài Ủy ban Olympic Nhật Bản ở Tokyo, 23/6/2021.

Ban tổ chức của Thế vận hội Tokyo 2020 sẽ cấm uống rượu bia, đập bàn tay và nói to đối với những người có vé vào trong các địa điểm của kỳ Olympic, cho dù số người đó cũng đã bị cắt giảm nhiều. Ban tổ chức xác nhận rằng “cảm xúc ăn mừng” sẽ bị hạn chế.

Thế vận hội này đã bị hoãn một năm do virus corona.

Các nhà tổ chức tiếp tục dấn tới với công tác chuẩn bị cho Thế vận hội, vẫn có tên là Olympic Tokyo 2020, bất chấp những lo ngại to lớn của công chúng Nhật Bản rằng việc đăng cai và đón tiếp các vận động viên đến từ khắp nơi trên thế giới có thể làm cho dịch COVID-19 bùng phát nhiều hơn nữa.

Mối lo này càng tăng thêm khi đoàn Uganda có thêm người thứ hai bị dương tính, đó là một vận động viên. Chỉ vài ngày trước, người này đã được xác nhận là có sức khỏe tốt khi vừa đặt chân đến Nhật Bản.

Trong tuần này, công chúng Nhật đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ khi báo chí đưa tin các nhà tổ chức đang cân nhắc cho phép uống rượu bia tại các địa điểm tổ chức Thế vận hội, giữa lúc việc bán rượu bia bị hạn chế ở Toyko và các vùng phụ cận vì có lo ngại rằng việc này sẽ làm tăng các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc trong các quán bar.

Thông điệp “Hãy hủy bỏ Thế vận hội” đã thu hút hàng chục nghìn lượt đăng lại trên Twitter, góp phần làm tăng thêm làn sóng phản đối trên mạng và trên đường phố trong những tháng qua.

Một tháng trước lễ khai mạc vào ngày 23/7, Chủ tịch Thế vận hội Tokyo Seiko Hashimoto nhắc lại rằng ban tổ chức muốn có một Thế vận hội an toàn và bảo đảm an ninh.

“Nếu các công dân của đất nước chúng ta lo ngại (về việc phục vụ rượu bia tại Thế vận hội), tôi nghĩ chúng tôi phải bỏ nó đi. Đó là lý do tại sao chúng tôi đã quyết định cấm bán rượu bia”, bà nói với các phóng viên.

Nhà tài trợ Asahi Breweries cho biết họ đồng ý với quyết định này và gọi động thái như vậy là điều tự nhiên.

Những người có vé cũng sẽ được yêu cầu là đi thẳng đến các địa điểm thi đấu và về thẳng nhà, hạn chế nói chuyện trên đường đi và không nên xin chữ ký của các vận động viên.

Người ta sẽ thực hiện một cuộc quay xổ số mới để chọn ra ai sẽ có vé, sau khi có giới hạn tối đa về khán giả trong nước là 10.000 người ở mỗi địa điểm thi đấu.

Thủ tướng Yoshihide Suga vẫn chưa loại trừ khả năng tổ chức Thế vận hội mà không có khán giả nếu như Tokyo lại bị đặt vào tình trạng khẩn cấp. Tokyo mới chỉ kết thúc tình trạng đó hôm 21/6.

Việc đoàn Uganda có hai người bị dương tính và các thành viên còn lại của đoàn bị cách ly càng cho thấy những thách thức ở phía trước đối với ban tổ chức về việc làm sao để bảo đảm cho Thế vận hội diễn ra an toàn.

Các vận động viên sẽ được xét nghiệm hàng ngày, và họ sẽ bị giới hạn về sinh hoạt trong các khu vực biệt lập và tách rời khỏi công chúng.

Nhiều người Nhật vẫn hoài nghi về khả năng tổ chức an toàn kỳ Olympic có quy mô bị cắt giảm giữa lúc đang có đại dịch, khi mà Tokyo ghi nhận 619 ca nhiễm mới hôm thứ Tư 23/6, tăng 118 ca so với một tuần trước.

https://www.voatiengviet.com/a/olympic-tokyo-2020-nhieu-hanh-vi-bi-cam-de-ngan-ngua-covid/5939775.html

(Reuters) – Chiến hạm Mỹ lại đi qua eo biển Đài Loan. Khu trục hạm tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur của Mỹ hôm qua lại đi qua eo biển Đài Loan, một tuần sau khi 28 chiến đấu cơ Trung Quốc đồng loạt xâm nhập vùng nhận diện phòng không của Đài Bắc. Quân đội Trung Quốc hôm nay 23/06/2021 « kiên quyết phản đối » chuyến hải hành này.

(AFP) – Quốc Hội Mỹ xem xét 5 dự luật nhắm vào các đại tập đoàn kỹ thuật số. Một ủy ban Quốc Hội Mỹ hôm nay 23/06/2021 bắt đầu thảo luận năm dự luật sẽ mở ra khả năng chia nhỏ Google, Facebook, Apple, Amazon (GAFA), bị cáo buộc là lạm dụng thế độc quyền. Nếu được Hạ Viện và Thượng Viện chấp thuận, các tập đoàn này sẽ không còn được dành nền tảng của mình cho các bên thứ ba đồng thời đưa ra dịch vụ tương tự, hoặc mua lại các công ty cạnh tranh. Các dự luật của phe Dân Chủ có nhiều hy vọng được thông qua ở Hạ Viện nhờ có sự ủng hộ của Cộng Hòa, nhưng ở Thượng Viện thì khó khăn hơn.

(AFP) – UNESCO muốn đưa Venise vào danh sách di sản thế giới đang bị đe dọa. Venise và Budapest có thể nằm trong di sản thế giới đang bị đe dọa, trong khi cảng thương mại Liverpool có thể bị loại khỏi danh sách này do phát triển quá nhanh. Các khuyến cáo trên đây của các tổ chức tư vấn UNESCO được đưa ra hôm 22/06/2021. Tác động của du lịch đại trà ở Venise, Ý là một trong các tiêu chí có thể đưa vào danh sách nguy cơ, còn tại Budapest, Hungary, việc phá hủy các công trình cũ để xây dựng các tòa nhà cao tầng hai bên bờ sông Danube làm ảnh hưởng đến cảnh quan.

(AFP) – Tướng Min Aung Hlaing cảm ơn Nga hỗ trợ quân đội Miến Điện. Đang công du Matxcơva, trong cuộc gặp với bộ trưởng Quốc Phòng Nga Serguei Choigu, lãnh đạo tập đoàn Miến Điện đã bày tỏ « nhờ có Nga, quân đội của chúng tôi đã trở thành một trong những đội quân mạnh nhất trong vùng ». Tướng Hlaing ca ngợi tình hữu nghị giữa hai nước cũng ngày càng bền chặt hơn. Vầ phần chủ nhà, bộ trưởng Quốc Phóng Nga Choigu nhấn mạnh Miến Điện là đối tác chiến lược của Nga và hợp tác quân sự là phần quan trọng trong quan hệ hai nước. Từ sau cuộc đảo chính quân sự hôm 01/02 lật đổ chính phủ của bà Aung San Suu Kyi, Nga đã dần dần khẳng định sự ủng hộ đối với giới quân sự Miến Điện.

(NHK) – Thế Vận Hội Tokyo 2020 ra thêm quy định hạn chế khán giả. Một tháng trước ngày khai mạc, hôm nay 23/06/2021, các nhà tổ chức Thế Vận Hội Tokyo đã công bố hướng dẫn về khán giả tham dự sự kiện nhằm ngăn virus corona lây lan trong thời gian diễn ra Olympic. Các hướng dẫn được đưa ra nhằm hạn chế hoạt động của khán giả tại các địa điểm diễn ra Thế Vận Hội. Động thái này thể theo quyết định của các nhà tổ chức là giảm số khán giả tại các địa điểm này.Theo hướng dẫn, khán giả phải luôn đeo khẩu trang, không được hô to cổ vũ các vận động viên, và không được ôm hay đập tay ăn mừng với nhau. Hướng dẫn cũng kêu gọi khán giả tránh tụ tập ăn uống đông người tại các khu vực như hành lang của địa điểm tổ chức sự kiện. Hướng dẫn viết rằng các địa điểm tổ chức Thế Vận Hội sẽ không bán đồ uống có cồn, và khán giả bị cấm uống đồ uống có cồn trong khuôn viên. Còn ở ngoài khuôn viên, khán giả được đề nghị đi thẳng từ nhà tới địa điểm tổ chức và ngược lại, chứ không ghé vào các nơi khác.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210623-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p