Tin Tổng Hợp – 22/3/22: Zelensky sẵn sàng nói chuyện với Putin; Lính Nga tự bắn vào chân để tránh chiến đấu; Ukraina chiêu mộ hơn 200 hãng, 300.000 hacker để ‘đấu’ với Nga

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 22/3/22: Zelensky sẵn sàng nói chuyện với Putin; Lính Nga tự bắn vào chân để tránh chiến đấu; Ukraina chiêu mộ hơn 200 hãng, 300.000 hacker để ‘đấu’ với Nga

Chiến tranh Ukraina: Zelensky sẵn sàng nói chuyện với Putin về Donbass và Crimée

Gần một tháng sau cuộc xâm lược của Nga, những thành phố lớn của Ukraina tiếp tục bị dội bom. Tổng thống Volodymyr Zelensky, trong bài trả lời phỏng vấn với báo chí trong nước được phát đi đêm qua, 21/03/2022, lần đầu tiên tuyên bố sẵn sàng nói chuyện với tổng thống Nga Vladimir Putin về một «thỏa hiệp» về vùng Donbass và Crimée, để «chấm dứt chiến tranh».

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky cho biết, nếu ông Putin chấp nhận thương lượng trực tiếp, ông sẽ sẵn sàng thảo luận với tổng thống Nga về tất cả các vấn đề dẫn đến xung đột giữa hai nước, kể cả vấn đề Crimée và Donbass, nhưng trước tiên phải có «bảo đảm về an ninh» cho Ukraina. Volodymyr Zelensky cũng cảnh báo Ukraina sẽ bị «phá hủy» trước khi phải đầu hàng.

Tổng thống Ukraina cũng thừa nhận «Crimée và Donbass là vấn đề khó đối với mọi người». Bán đảo Crimée đã bị Nga sáp nhập năm 2014. Vùng Donbass ở miền đông là nơi mà các lực lượng ly khai thân Nga đã lập ra hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lougang cũng từ năm 2014 và đã được Nga tuyên bố công nhận ngay trước khi đưa quân xâm lược Ukraina.

Volodymyr Zelensky cho rằng nếu không gặp trực tiếp với Vladimir Putin thì sẽ «không thể hiểu hết những gì có thể khiến Nga sẵn sàng dừng chiến tranh». Đồng thời tổng thống Ukraina nhấn mạnh, một thỏa thuận nếu có với Matxcơva về Donbass và Crimée sẽ phải được thông qua trưng cầu dân ý. Ông Zelensky cũng nhắc lại là Ukraina không thể «chấp nhận bất kỳ tối hậu thư nào của Nga».

Trong cuộc phỏng vấn trên, ông Zelensky cũng nhắc nhiều đến một vấn đề mấu chốt là quan hệ với NATO. Ông cho rằng đến lúc này cần phải bình tĩnh và tìm những bảo đảm an ninh khác cho Ukraina, chứ không nhất thiết phải là thành viên NATO.

Matxcova vẫn luôn đòi hỏi có bảo đảm trên văn bản rằng Ukraina sẽ không bao giờ gia nhập NATO, một yêu cầu vẫn chưa được phía Kiev đáp ứng.

Anh Vũ

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220322-chi%E1%BA%BFn-tranh-ukraina-zelensky-s%E1%BA%B5n-s%C3%A0ng-n%C3%B3i-chuy%E1%BB%87n-v%E1%BB%9Bi-putin-v%E1%BB%81-donbass-v%C3%A0-crim%C3%A9e

Lính Nga tự bắn vào chân bằng đạn của Ukraine để tránh phải chiến đấu

Ảnh dẫn theo newsmax

Tờ The Sun của Mỹ ngày 18/3 đưa tin – Lực lượng Nga đang trở nên mất tinh thần, họ đã tự bắn vào chân mình bằng đạn của Ukraine để tránh phải giao tranh thêm.

Cơ quan chức năng cho biết, quân đội Nga đang tìm kiếm các loại đạn của Ukraine để sử dụng,khiến họ có thể được điều trị y tế, mà không có vẻ như vết thương là do họ tự gây ra.

Theo The Sun, một cuộc trò chuyện giữa các binh sĩ Nga đã bị chặn bởi hãng truyền thông Belarus NEXTA. Một người lính Nga được cho là đã nói: “Họ đã bắn vào chúng tôi trong 14 ngày. Chúng tôi sợ hãi. Chúng tôi đang ăn cắp thực phẩm, đột nhập vào nhà dân. Chúng tôi đang giết hại dân thường”. “Các sĩ quan Nga tự bắn vào chân để về nhà. Có xác chết khắp nơi”.

NEXTA đã tweet vào ngày 17.3: “Một cuộc trò chuyện bị chặn khác, cho thấy đội quân xâm lược mất tinh thần và tan vỡ như thế nào. Những người chiếm đóng Nga tìm kiếm đạn dược Ukraine’ để tự bắn vào chân mình và đến bệnh viện”.

Trong một video được lan truyền cuối tháng trước, một người lính Nga kể: “Ban đầu, chúng tôi được nói là cử đi huấn luyện, rồi sau đó đã bị đưa lên chiến tuyến. Mọi người mất tinh thần và không muốn đi, nhưng cấp trên nói rằng chúng tôi sẽ trở thành kẻ thù của nhân dân. Chúng tôi không muốn cuộc chiến này. Chúng tôi chỉ muốn về nhà, và chúng tôi muốn hòa bình”.

Trần Phong | DKN

https://www.dkn.tv/the-gioi/linh-nga-tu-ban-vao-chan-bang-dan-cua-ukraine-de-tranh-phai-chien-dau.html

Balikatan 2022: Philippines và Mỹ sẽ tập trận chung ‘lớn chưa từng có

U.S. Marine Corps
Chụp lại hình ảnh, Phi
cơ quân sự Mỹ tới sân bay quốc tế Vịnh Subic (Subic Bay International
Airport) hôm 19/3, chuẩn bị cho việc tham dự cuộc tập trận Balikatan 22

Philippines và Hoa Kỳ sẽ bắt đầu cuộc tập trận chung lớn nhất từ ​​trước đến nay tại vùng biển của Philippines, các quan chức Mỹ nói hôm thứ Ba, nhằm thể hiện mối quan hệ quốc phòng mạnh mẽ giữa hai quốc gia trước sức ép khu vực của Trung Quốc.

Hãng tin AFP đưa tin sẽ có gần 9.000 quân nhân Philippines và Hoa Kỳ tham gia cuộc tập trận Balikatan 2022 kéo dài trong 12 ngày trên đảo lớn Luzon. Hoạt động tập trận chung là sự kiện lẽ ra được tổ chức hàng năm nhưng đã bị hủy hoặc hạn chế hai năm qua do đại dịch.

Cuộc tập trận bắt đầu từ ngày 28/3 đến 8/4, với 3.800 lính Philippines và 5.100 lính Mỹ, sẽ bao gồm nhiều nội dung, trong đó có chủ đề an ninh hàng hải, huấn luyện bắn đạn thật, chống khủng bố, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, Đại sứ quán Hoa Kỳ cho biết trong một thông cáo.

“(Hai bên) sẽ cùng nhau tập huấn để mở rộng và nâng cao các chiến thuật, kỹ thuật và quy trình chung, nhằm tăng cường khả năng ứng phó và sự sẵn sàng của chúng tôi trước các thách thức trong thế giới thực,” Thiếu tướng Jay Bargeron, chỉ huy Sư đoàn 3 Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ, nói.

Các cuộc tập trận gần đây giữa các đồng minh lâu năm tập trung vào cuộc xung đột tiềm tàng ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ vùng biển có vị trí chiến lược quan trọng này.

Trung Quốc đã phớt lờ phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực La Hay, theo đó bác bỏ các đòi hỏi của nước này ở Biển Đông.

Bắc Kinh đã củng cố lập trường của mình bằng cách xây đảo nhân tạo trên một số rạn san hô đang có tranh chấp và thiết lập vũ khí trên đó.

Philippines, Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền từng phần đối với vùng biển này.

Quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh đã trở nên cực kỳ căng thẳng trong tuần trước, sau khi Philippines chất vấn đại sứ Trung Quốc về việc một tàu hải quân Trung Quốc bị bắt gặp đã “nán lại” trái phép trong vùng biển thuộc Philippines.

Cuộc tập trận cũng diễn ra trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine, nơi Hoa Kỳ và các đồng minh đang cung cấp vũ khí phòng thủ cho Kyiv và áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Moscow.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-60834680

Ukraina chiêu mộ hơn 200 hãng công nghệ, 300.000 hacker để ‘đấu’ với Nga

Ukraine đang sử dụng các công cụ kỹ thuật số để giúp chống lại cuộc tấn công của Nga (Ảnh: Reuters)

Cuộc chiến tại Ukraine đang tiếp tục diễn ra căng thẳng không chỉ trên thực địa mà mở rộng sang cả thế giới công nghệ.

Theo Nikkei Asia, Bộ Chuyển đổi số Ukranie hiện đang đứng đầu cuộc phản công với Nga trong mặt trận công nghệ. Tính tới ngày 14/3, Bộ này đã yêu cầu sự hợp tác của hơn 200 công ty công nghệ với việc dừng hoạt động tại Nga nhằm gây tổn thương tinh thần của người dân nước này, đồng thời chặn đứng tin giả tại nguồn. Đây được xem là một trọng tâm trong chiến lược số của Bộ này.

Nền tảng chia sẻ video YouTube, thuộc sở hữu của Google, hôm 11/3 cho biết đã bắt đầu chặn các tài khoản “có liên quan tới hoạt động truyền thông do Chính phủ Nga tài trợ trên toàn cầu”.

Bộ Chuyển đổi số Ukraine trước đó cũng đã xây dựng một trang web để nhận quyên góp bằng tiền ảo và huy động được hơn 50 triệu đô la Mỹ trong vòng nửa ngày kêu gọi trên mạng xã hội Twitter.

Cũng nằm trong chiến lược này, nhiều người tấn công mạng (hacker) tình nguyện cũng được chiêu mộ. Hôm 26/2, hai ngày sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine, Bộ Chuyển đổi số đã thông báo thành lập “Đội quân IT của Ukraine”, gồm những người nhận phân công công việc hàng ngày qua ứng dụng nhắn tin Telegram. Gần 300.000 người trên khắp thế giới đã gia nhập nhóm này để thực hiện các cuộc tấn công mạng vào các ngân hàng và tổ chức khác của Nga.

Ông Oleksandr Bornyakov, Thứ trưởng Bộ Chuyển đổi số Ukraine, cho biết sự linh hoạt của Bộ này đã góp phần tăng cường chức chống chịu nằm ngoài mong đợi của Ukraine. Theo ông, nhờ đó mà thủ đô Kiev của nước này vẫn kiên cường bất chấp nhiều dự đoán rằng nó sẽ thất thủ chỉ vài ngày sau cuộc tấn công của Nga.

Peter Singer, giáo sư tại Trung tâm Tương lai Chiến tranh của Đại học bang Arizona (Mỹ), nhận xét trên tờ Politico rằng: “Ukraine đã thành công trong việc lật ngược tình thế trước một nước Nga được cho là bậc thầy về chiến tranh thông tin”

Trần Phong | DKN

https://www.dkn.tv/the-gioi/ukraina-chieu-mo-hon-200-hang-cong-nghe-300-000-hacker-de-dau-voi-nga.html

(AFP) – Tai nạn máy bay tại Trung Quốc: Chưa tìm ra nguyên nhân. Gần 24 giờ sau vụ rơi máy bay của hãng hàng không China Eastern Airlines gần Ngô Châu, cơ quan chức năng Trung Quốc vẫn chưa xác định được nguyên nhân của thảm họa. Hôm qua 21/3, hãng hàng không Trung Quốc đã chia buồn với gia đình các nạn nhân của vụ rơi máy bay, nhưng không nêu rõ số người chết. Công việc tìm kiếm rất phức tạp do địa hình hiểm trở và cây cối rậm rạp. Thi thể các hành khách có thể đã bị thiêu rụi hoàn toàn do máy bay bị nổ.

(HRW) – HRW kêu gọi trả tự do cho nhà báo Lê Văn Dũng. Hôm nay 22/3, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đã yêu cầu nhà chức trách Việt Nam hủy bỏ ngay lập tức các cáo buộc với nhà báo Lê Văn Dũng và trả tự do cho ông. Công an Việt Nam đã bắt ông Lê Văn Dũng vào ngày 30/06/2021 tại Hà Nội, với cáo buộc đã đăng những video “tuyên truyền chống nhà nước” trên Facebook và YouTube. Tòa án thành phố Hà Nội dự kiến xét xử ông vào ngày mai 23/03/2022. Nếu bị kết tội, ông có thể lãnh án tù lên tới 12 năm.

(AFP) – Nga tăng cường kiểm soát thông tin. Các nghị sĩ Nga hôm nay, 22/03/2022, đã thông qua dự luật cho phép trừng phạt nghiêm khắc những ai «thông tin dối trá» về hành động của Nga ở nước ngoài. Vũ khí trấn áp mới này cho phép Nga kiểm soát các luồng thông tin về cuộc tấn công của Nga vào Ukraina.

(AFP) – Nhà báo Nga bán đấu giá giải thưởng Nobel để gây quỹ giúp người tị nạn Ukraina. Dmitri Mouratov, đồng giải thưởng Nobel Hòa Bình 2021, hôm 22/03/2022 đề nghị đem bán đấu giá huy chương Nobel ông đã nhận được hồi tháng 11/2021. Dmitri Mouratov là tổng biên tập của báo Novaïa Gazet, một trong những tờ báo độc lập hiếm hoi còn hoạt động tại Nga. Một lần nữa, Novaïa Gazeta kêu gọi ngừng bắn «ngay lập tức» tại Ukraina.

(AFP) – Nhật Bản lo nguy cơ thiếu điện. Chính phủ Nhật Bản hôm nay, 22/03/2022, kêu gọi người dân hạn chế tiêu thụ điện năng, do lo ngại nhu cầu điện tăng vọt vì đợt giá lạnh. Lượng điện sản xuất từ các nhà máy nhiệt điện bị giảm bớt do những trận động đất xảy ra trong tuần rồi.

(AFP) – Sri Lanka triển khai quân đội tại các trạm xăng. Hôm nay, 22/3, quân đội được triển khai tại nhiều trạm bán nhiên liệu sau những cuộc biểu tình dữ dội. Hàng ngàn xe động cơ xếp hàng đổ nhiên liệu vào lúc đất nước Nam Á này đang trải qua một đợt khủng hoảng kinh tế và tài chính tồi tệ nhất kể từ khi giành độc lập. Hôm qua, chính quyền cũng đã thông báo hoãn những kỳ thi do bị khan hiếm giấy.

(AFP) – Thế Vận Hội Paris 2024: một nửa số vé được bán với giá 50 euro hoặc thấp hơn. Hôm nay 22/03/2022, các nhà tổ chức Thế Vận Hội Mùa hè Paris 2024 đã công bố chiến lược bán vé. Đáng chú ý là một nửa số vé sẽ được bán với giá 50 euro hoặc thấp hơn. Tổng cộng sẽ có hơn 13,4 triệu vé được bán : 10 triệu vé cho Thế Vận Hội và 3,4 triệu vé cho Thế Vận Hội dành cho người khuyết tật Paralympic.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220322-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p