Tin Tổng Hợp – 22/10/22: Vatican gia hạn thỏa thuận bổ nhiệm giám mục với TC; Người già ở Việt Nam được tạo mọi điều kiện trên giấy
Vatican xác nhận gia hạn thỏa thuận gây tranh cãi với TQ về bổ nhiệm giám mục
23/10/2022 – Reuters – Vatican ngày thứ Bảy cho biết họ và Trung Quốc đã gia hạn một thỏa thuận bí mật và gây tranh cãi về việc bổ nhiệm các giám mục Công giáo Roma ở quốc gia cộng sản này.
Đây là lần thứ hai thỏa thuận, vẫn mang tính tạm thời, được gia hạn thêm hai năm kể từ lần đầu tiên đạt được vào năm 2018.
Thỏa thuận này là một nỗ lực nhằm xoa dịu sự chia rẽ lâu đời khắp Trung Quốc đại lục giữa những tín hữu ngầm trung thành với giáo hoàng và một giáo hội chính thức được nhà nước hậu thuẫn. Lần đầu tiên kể từ những năm 1950, cả hai bên đều công nhận giáo hoàng là nhà lãnh đạo tối cao của Giáo hội Công giáo.
Những người chỉ trích, bao gồm Hồng y Joseph Zen, 90 tuổi, cựu tổng giám mục Hong Kong, lên án thỏa thuận là sự bán đứng cho nhà cầm quyền cộng sản. Ông Zen hiện đang bị xét xử về việc sử dụng quỹ từ thiện dành cho những người biểu tình ủng hộ dân chủ và những người chỉ trích cáo buộc Vatican làm chưa đủ để bênh vực ông trước công chúng. Ông Zen tuyên bố không có tội.
Thỏa thuận Vatican-Trung Quốc tập trung vào việc hợp tác trong việc bổ nhiệm các giám mục, cho giáo hoàng có tiếng nói cuối cùng mang tính quyết định.
Chỉ có sáu giám mục mới được bổ nhiệm kể từ khi thỏa thuận đạt được,
điều mà những người chống đối nói rằng chứng tỏ nó không mang lại hiệu
quả như mong muốn. Họ cũng chỉ ra những hạn chế gia tăng đối với quyền
tự do tôn giáo ở Trung Quốc cho những người theo Thiên chúa giáo và các
dân tộc thiểu số khác.
Trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 7 với Reuters, Giáo hoàng thừa nhận rằng thỏa thuận này “đang diễn tiến chậm chạp” nhưng Giáo hội cần có cái nhìn lâu dài ở Trung Quốc và rằng một cuộc đối thoại không hoàn hảo tốt hơn là không có liên lạc nào cả.
Vatican nhấn mạnh thỏa thuận này chỉ giới hạn về cơ cấu Giáo hội ở Trung Quốc và bản thân nó không phải là tiền đề để thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Bắc Kinh, một điều đòi hỏi Tòa thánh phải cắt đứt quan hệ với Đài Loan.
Vatican là nhà nước cuối cùng ở Châu Âu công nhận Đài Loan, nơi mà
Trung Quốc coi là lãnh thổ của riêng mình mà sẽ phải bị khuất phục bằng
vũ lực nếu cần thiết.
Thỏa thuận Vatican-Bắc Kinh được gia hạn trong bối cảnh Đảng Cộng sản
Trung Quốc bế mạc đại hội diễn ra năm năm một lần vào ngày thứ Bảy,
thông qua các sửa đổi bổ sung củng cố quyền lực của Chủ tịch Tập Cận
Bình đối với đảng.
Tháng trước, Vatican đã cố gắng dàn xếp một cuộc gặp giữa ông Tập, 69 tuổi và Giáo hoàng, 85 tuổi, trong khi cả hai nhà lãnh đạo đều ở Kazakhstan, nhưng Trung Quốc khước từ.
Người già ở Việt Nam: Được tạo mọi điều kiện trên giấy!
Song May – Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ Sài Gòn – 22 tháng 10 2022
Những điều đẹp đẽ cho quyền lợi người già chỉ có trong luật và trên giấy, so với thực tế thì khác xa một trời một vực.
“Tại Điều 2 Luật người cao tuổi năm 2009, người cao tuổi được xác định là công dân Việt Nam đủ 60 tuổi trở lên. Người cao tuổi được bảo đảm các nhu cầu thiết yếu từ ăn, mặc, chỗ ở, đi lại hay dịch vụ chăm sóc sức khỏe”.
“Được bảo đảm các nhu cầu thiết yếu”….là những điều đẹp đẽ chỉ có trong luật và trên giấy, thực tế khác xa.
Nhà nước quan tâm người già thế nào?
Ngày người cao tuổi 1/10 vừa qua, cha tôi (88 tuổi, không có lương hưu, ở ngoại ô) nói chính quyền xã không cho quà, nhưng từ lúc ông 80 tuổi thì được cho thẻ bảo hiểm y tế và hằng tháng nhận 380.000 đồng. Khoảng một năm nay, tăng thêm 100.000 đồng, thành 480.000 đồng (gần 20 USD), không đủ mua thuốc hằng tháng cho ông.
Cậu tôi (77 tuổi, có lương hưu, ở trung tâm thành phố) bảo phường chỉ tặng quà người già nhân sinh nhật năm chẵn 70-75-80-85-90-95-100. Vì chưa được 80 – tuổi không phải xếp hàng ở các bệnh viện – nên mỗi tháng cậu đến bệnh viện khám định kỳ, ông vẫn chờ đợi cả nửa buổi. Do mắt ông kém, mợ tôi phải đi theo và hai người già phải tự thuê xe gần nhà đến bệnh viện.
Một người chị hơn 60 của tôi nói: Đợi đến năm 80 tuổi mới được nhà nước cho thẻ bảo hiểm y tế thì cũng mệt mỏi quá. Làm nghề tự do, từ năm 60 tuổi chị tôi phải mua thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện, giá hơn 800.000 đồng/năm (hơn 30 USD).
Anh bạn 70 tuổi kể mới được tổ trưởng dân phố đến nhà kêu anh đưa giấy photo hộ khẩu và photo căn cước công dân để nhà nước tặng 500 ngàn đồng (20 USD) mừng thọ nhân sinh nhật 70. Anh hài hước: “Tui già không đều. Nghỉ làm vì già từ 60, nhưng 70 tuổi mới có quà mừng thọ và lên xe buýt được miễn phí, còn đi khám bệnh thì chờ 80 tuổi mới được ưu tiên”.
Các bạn anh cho biết thêm: chính quyền mừng thọ 500 ngàn đồng (20 USD) cho người có sinh nhật 70 và 75; mừng thọ 1 triệu đồng (40 USD) cho người có sinh nhật 80 và 85. Từ năm 80 tuổi, nếu không có lương hưu, mỗi tháng chính quyền trợ cấp 480.000 đồng (gần 20 USD) và cho thẻ bảo hiểm y tế.
Người cao tuổi ở Việt Nam đa số tự bươn chải
Ngày 2/6/2022, trả lời báo Lao Động, bà Lý Hoàng Minh – Phó trưởng phòng hưu trí, Ban thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, hiện cơ quan này đang trả lương hưu cho gần 2,7 triệu người. Mức lương hưu trung bình hiện nay khoảng 5,4 triệu đồng/tháng (khoảng hơn 200USD) và bà Minh so sánh mức lương hưu trung bình hiện còn cao hơn thu nhập trung bình của người dân năm 2021 (chỉ có 4,2 triệu đồng/tháng, khoảng 168USD).
Theo Tổng cục thống kê, số người từ 60 tuổi trở lên ở Việt Nam năm 2019 là 11,41 triệu người (chiếm 11,8% dân số). Như vậy, số người già không được hưởng lương hưu ở Việt Nam lên đến gần 9 triệu người (chiếm 76%). Số người già đó đang làm gì để sống?
Ở Singapore và Nhật Bản, tôi thấy người già làm việc tại sân bay, bệnh viện, các cửa hàng, lái xe taxi và xe du lịch … còn ở Việt Nam, các công ty tuyển dụng nhân sự toàn thời gian giới hạn độ tuổi từ 22-35; còn các công việc bán thời gian như phụ bếp, bán hàng, chăm sóc khách hàng, lau chùi dọn dẹp…thì độ tuổi tối đa được tuyển chỉ từ 40-45.
Vì thế, người già ở Việt Nam nếu không nương tựa được con hay cháu thì thường phải bán vé số, lượm ve chai, bán hàng rong, giữ trẻ em cho nhà khá giả. Khá hơn thì họ có xe bán bánh mì, bán đồ ăn sáng, hoặc bán chè, cháo, đồ ăn vặt…vào chiều tối.
Cuối năm 2019, trước khi có dịch Covid-19, tôi gặp một người phụ nữ nhỏ bé bán vé số ở công viên 30 tháng Tư (quận 1). Chị đúng 60 tuổi, kể với tôi từ Đak Nông vào Sài Gòn khám bệnh sau đó ở lại bán vé số mong kiếm được chút tiền rồi về quê. Cầm 270 ngàn đồng chị mua được 30 tờ vé số, lời 30 ngàn đồng, nửa ngày bán hết chị lại mua thêm 30 tờ nữa để bán. Kiếm được 60 ngàn đồng (gần 3 USD) là chị mãn nguyện, vì thuê chỗ ngủ trong nhà trọ gần bệnh viện 40 ngàn đồng (gần 2 USD). Ăn uống thì chị vào bệnh viện xin cơm/cháo của các đoàn từ thiện.
Gần nhà tôi có một dì 70 tuổi quê Quảng Nam vào Sài Gòn giữ trẻ ba năm nay. Bà có hai người con ngoài quê nhưng họ nghèo không lo được cho mẹ. Tuy đôi vợ chồng trẻ chỉ nhờ bà trông con, còn việc nhà thuê người khác, trông bà vẫn buồn và cam chịu. Đứa bé trai lại quá hiếu động nên khi cha mẹ bé đi vắng, bà có vẻ đuối khi phải đi theo trông chừng bé. Cuối năm nhà tôi soạn quần áo cũ và đồ dùng cũ bỏ đi thì bà thường xin đem về quê cho con.
Thỉnh thoảng gọi xe công nghệ Be hay Gojek, tôi gặp tài xế nam tuổi trên 60. Họ kể với tôi hãng Grab chỉ thuê tài xế cao nhất 45 tuổi, còn hãng Be hay Gojek không giới hạn độ tuổi. Tài xế trên 60 tuổi thường chạy xe cẩn thận. Chịu khó hỏi thì mỗi người một câu chuyện đời. Có người chạy xe với mục đích kiếm thêm tiền đóng cho đủ số năm lao động theo quy định để nhận lương hưu; có người từ quê miền trung vào Saigon chạy xe kiếm tiền để dành làm đám giỗ và sửa nhà sau khi bão lũ; lại có người chạy xe để có tiền sống mỗi ngày, khỏi nhờ con/cháu.
Không
chỉ người độc thân mới tự bươn chải khi về già, ngay cả những người già
có con/cháu vẫn phải mưu sinh, vì đa phần người trẻ nếu có đi làm thì
cũng không đủ nuôi thân (mức lương trung bình 5 – 6 triệu đồng/tháng,
trên dưới 200 USD) lấy đâu ra mà cưu mang cha mẹ già?
Trong một lần đi theo một chương trình phẫu thuật mắt bị đục thủy tinh thể miễn phí cho người già nghèo, hỏi chuyện nhiều cụ thì hầu như ai cũng có vài người con nhưng vẫn phải tự kiếm sống và khi bệnh chỉ trông vào các đoàn từ thiện.
Người cao tuổi ở Saigon có mặt tại các điểm bán/phát cơm từ thiện
Ở Sài Gòn vào buổi trưa có những điểm bán cơm chỉ 2.000 đồng (0.08 USD) do nhiều tổ chức tư nhân hoặc hội đoàn tôn giáo tài trợ. Cứ đến đó là gặp rất nhiều người già, trên dưới 70. Một buổi trưa ở sân nhà thờ giáo xứ Vườn Xoài (413 Lê Văn Sỹ, quận 3) tôi gặp hai anh em trên 70 tuổi nhà ở đường Kỳ Đồng. Cô em chia sẻ với tôi: hai anh em chị có nhà cha mẹ để lại, đều độc thân, người anh chạy xe ôm, người em bán cà phê vỉa hè. Tình cờ chạy ngang qua Lê Văn Sỹ thấy cơm giá rẻ nên hai anh em vào ăn.
Ngồi cạnh tôi là một chị bán vé số tuổi trên 60. Chị bảo với tôi từ hôm nhà thờ mở bán đến nay ngày nào chị cũng đến. “Giá rẻ mà ngon” – chị khen rồi lấy trong túi một cái bọc đựng miếng bánh mì ăn dở, bỏ cái đùi gà trên khay vào đó gói lại. Thấy tôi nhìn, chị bỏ nhỏ: “Gà ngon, đem về cho thằng con”. “Con trai chị đâu?”. “Nó đi làm đến tối mới về”. Từ một tỉnh phía bắc, chị theo con trai vào nam xin việc và thuê phòng trọ khoảng 10m2 với giá 2 triệu đồng một tháng. Ban ngày con trai đi làm công nhân xây dựng, còn chị đi bán vé số.
Đối diện với tôi là một ông già trên 70, khi thấy tôi hỏi ông chỉ nhìn chứ không trả lời. Chị nói nhỏ: “Ông ấy câm, sống có một mình ở gần đây nè, lúc trước làm thợ hồ, giờ già rồi không ai mướn”. Cả chị lẫn ông đều là khách quen mỗi ngày của quán cơm nhà thờ, dù chả ai theo đạo Công giáo.
Bên cạnh những người mua cơm đa số là người lớn tuổi thì phía những người phục vụ (bếp, bàn ăn, nơi rửa chén…) cũng đều là người lớn tuổi, nữ đông hơn nam. Họ là tình nguyện viên của nhà thờ và cũng ăn phần cơm giống như đã bán. Cũng là người già, một bên có thời gian tình nguyện phục vụ người khác như một niềm vui, còn một bên vẫn phải mưu sinh và dè sẻn từng đồng, phòng khi bệnh đổ đến.
Bên cạnh các quán cơm giá rẻ, còn có những nơi phát phần cơm miễn phí theo định kỳ.
Hơn 10 năm nay, nhà thờ Thánh Phan-xi-cô ở phường Đa Kao quận 1 cũng phát cơm miễn phí 2 buổi trưa thứ ba và thứ năm hằng tuần, mỗi lần hơn 300 phần, theo danh sách đã duyệt trước, với điều kiện từ 60 tuổi trở lên, sống đơn thân và có chứng nhận nhà nghèo.
10 giờ trưa một ngày đầu tháng 10, tôi gặp hai người chờ nhận đồ ăn miễn phí ở sân nhà thờ, họ đều là người ngoại đạo. Một ông già gần 70, nhà ở quận 10 đạp cái xe cũ kỹ đến, kể với tôi nhà ông tuốt trong hẻm sâu không buôn bán gì được, có giữ cháu cho hai con gái thì chỉ được chu cấpgạo và gia vị hằng tháng. Vì thuộc nhà nghèo, các cháu được học bổng của phường, còn ông bà ngoại chưa đủ chuẩn 80 để nhận trợ cấp hằng tháng. Ông hỏi thẳng tôi: Cô có tiền cho tụi tui một ít được không?
Một bà trên 70 tuổi chống gậy đi lại khó nhọc kể bà không có ai thân thích, sống nhờ trong sân một ngôi đình gần đó, bảo 5 năm nay được ăn cơm miễn phí 2 lần một tuần, những ngày còn lại ai cho gì bà cũng nhận.
Bao giờ có bảo hiểm xã hội tự nguyện và tạo việc làm cho người già?
Ngày 3/8/2022, trả lời Vnexpess, bác sĩ Mai Xuân Phương – Phó vụ trưởng Truyền thông Giáo dục, Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, cho biết số người trên 60 tuổi ở Việt Nam đang tăng lên rất nhanh, dự báo năm 2030 có 18 triệu người (chiếm 17,5% dân số). Trong khi các nước phát triển mất nhiều thập niên, thậm chí hàng thế kỷ mới chuyển sang giai đoạn già hóa dân số như Pháp 115 năm, Australia 73 năm…, còn Việt Nam chỉ khoảng 26 năm. Đã vậy, 67,2% người già Việt Nam đều không khỏe mạnh, bình quân mỗi người già có ba bệnh, chi phí điều trị lớn, trong khi hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa đáp ứng.
Bên cạnh đó, bác sĩ Phương cho rằng người già gia tăng sẽ là gánh nặng phụ thuộc đối với người lao động vì hơn 70% không có lương hưu. Năm 2014, cứ 100 người trong độ tuổi lao động, tương ứng có 15 người già nhưng đến giữa thế kỷ 21, cứ 100 người trong độ tuổi lao động sẽ có tới 43 người già!
Ông Phương đề nghị chính phủ Việt Nam cần mở loại hình bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người lao động tự do ngay từ khi họ còn trẻ để về già họ có lương hưu giống người đi làm. Mặt khác, các nhà hoạch định chính sách cần tạo cơ hội làm việc cho người già còn khỏe mạnh, có chuyên môn, có kinh nghiệm và có kiến thức.
Những điều bác sĩ Phương nói đều hợp lý, nhưng bao giờ những điều này trở thành hiện thực?
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-63355492
(AFP) – Ukraina cáo buộc Nga chặn khoảng 150 tàu chở ngũ cốc. Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm 21/10/22 tố cáo Nga “cố tình” trì hoãn hành trình của các tàu chở ngũ cốc Ukraina, nguồn cung cấp thiết yếu cho nhiều quốc gia ở châu Phi và châu Á. Trong một video, ông khẳng định: “Hơn 150 chiếc tàu đang xếp hàng để thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng để cung cấp các sản phẩm nông nghiệp của Ukraina. Đây là một hiện tượng xếp hàng giả tạo, xẩy ra chỉ vì Nga cố tình trì hoãn việc lưu thông của các tàu”.
(AFP) – Pháp rút khỏi Hiệp Ước về Hiến Chương Năng Lượng bị coi là quá thuận lợi cho nhiên liệu hóa thạch. Sau Tây Ban Nha và Hà Lan, hôm qua, 21/10/2022, đến lượt Pháp tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Hiến chương Năng Lượng có từ cách nay 30 năm. Phát biểu bên lề hội nghị thượng đỉnh châu Âu ở Bruxelles, tổng thống Pháp Macron tuyên bố: “Pháp đã quyết định rút khỏi Hiệp Ước Hiến Chương Năng lượng (…) Điều này phù hợp với chiến lược khí hậu châu Âu”.
(AFP) – Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý tiếp thủ tướng Thụy Điển, bàn về việc kết nạp Stockholm vào NATO. Ngày 21/11/2022 Recep Tayyip Erdogan cho biết sẵn sàng tiếp thủ tướng Ulf Kristersson. Ankara do dự việc để Thụy Điển và Phần Lan tham gia Liên Minh Bắc Đại Tây Dương do lo ngại hai nước này ủng hộ các lực lượng của người Kurdistan đòi ly khai với Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện tại 28 trong số 30 thành viên NATO đã đồng ý mở rộng liên minh quân sự này đến Thụy Điển và Phần Lan. Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary chưa phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của hai quốc gia Bắc Âu nói trên.
(AFP) – Tòa thánh Vatican triển hạn thỏa thuận tạm thời với Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục. Trong thông cáo ngày 22/10/2022 đức hồng y Parolin, nhân vật số 2 của Tòa thánh nhắc lại thỏa thuận với Bắc Kinh được ký kết lần đầu năm 2018. Văn bản mang tính tạm thời này đã được triển hạn thêm hai năm vào năm 2020 và đây là lần thứ nhì. Nhẽ ra thỏa thuận đã được triển hạn vào tháng 5/2022 nhưng việc chính quyền Hồng Kông bắt giữ hồng y Giuse Trần Nhật Quân đã gây trở ngại trong đối thoại giữa Vatican với chính quyền Bắc Kinh.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20221022-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p