Tin Tổng Hợp – 22/1/22
Covid-19: Thêm một biến thể mới của Omicron được theo dõi chặt chẽ
BA.2, được phát thiện cách đây vài tuần, là một chủng phụ của biến thể Omicron và hiện đang được các nhà khoa học theo dõi chặt chẽ. Tại Pháp, BA.2 được bộ trưởng Y Tế Olivier Véran nhắc đến lần đầu tiên trong buổi họp báo ngày 20/01/2022. Quảng cáo
BA.2 được phát hiện vào cuối tháng 12/2021 đến từ Ấn Độ và Nam Phi, là một nhánh của dòng chính của biến thể Omicron nên được gọi là «chủng phụ». Cần nhắc lại là biến thể Omicron (BA.1) cũng là một đột biến của biến thể Delta.
Các nhà dịch tễ học phát hiện nhiều chủng phụ khác, nhưng quan tâm đặc biệt đến BA.2, mang đến hơn 20 đột biến, « có những đặc điểm khác về khả năng lây nhiễm, thoát miễn dịch hay mức độ nghiêm trọng », theo thông cáo ngày 21/01 của Cơ quan Y Tế Pháp, được AFP trích dẫn.
Việc
ngày càng có nhiều ca nhiễm chủng phụ này cũng khiến giới y tế quan
tâm. Ví dụ tại Đan Mạch, biến thể BA.2 dần thay thế biến thể Omicron
(BA.1) và số ca nhiễm Covid-19 gia tăng trong những ngày gần đây. Pháp
cũng phát hiện biến thể BA.2 « nhưng ở mức rất thấp ». Biến thể này cũng xuất hiện ở Anh, Đức, Bỉ, Ý, cũng như Bắc Mỹ, châu Á và Úc.
Hiện tại, Tổ Chức Y Tế Thế Giới hiện chưa tách biệt BA.2 với Omicron. Theo giám đốc Viện Sức Khỏe Toàn Cầu ở Genève, hiện còn quá sớm để lo lắng, nhưng vẫn phải «cảnh giác». Có thể biến thể BA.2 «có mức độ nghiêm trọng như Omicron» nhưng vẫn còn thiếu dữ liệu, do đó «cần phải triển khai kỹ thuật sàng lọc để phát hiện BA.2 tốt hơn và sớm tìm ra được những đặc tính của chúng».
Thu Hằng
Phát hiện tàu nạo vét ngoài khơi căn cứ của Campuchia nơi TQ tài trợ thi công
Reuters – Các tàu nạo vét đã được phát hiện ở ngoài khơi căn cứ hải quân Ream của Campuchia, nơi Trung Quốc đang tài trợ các hoạt động thi công và sẽ cần có các cơ sở cảng nước sâu hơn để các tàu quân sự lớn hơn có thể cập cảng, một viện nghiên cứu của Mỹ cho biết ngày thứ Sáu.
Mỹ, nước đang tìm cách đẩy lùi các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ rộng lớn và sự bành trướng quân sự của Bắc Kinh ở Biển Đông, nhắc lại “những lo ngại nghiêm trọng” của họ về hoạt động thi công và sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại Ream.
“Những diễn biến này đe dọa lợi ích của Mỹ và các đối tác, an ninh
khu vực và chủ quyền của Campuchia,” một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ
nói.
Báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết
các tàu nạo vét có thể được nhìn thấy trong các bức ảnh do chính phủ
Campuchia công bố trong tháng này và trong hình ảnh vệ tinh thương mại.
“Việc nạo vét các cơ sở cảng nước sâu hơn sẽ là cần thiết để các tàu
quân sự lớn hơn cập cảng tại Ream và là một phần của thỏa thuận bí mật
giữa Trung Quốc và Campuchia mà các quan chức Mỹ báo cáo đã nhìn thấy
vào năm 2019,” Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) tại CSIS loan
tin.
Họ trích dẫn một bản tin của báo The Wall Street Journal năm 2019 cho
biết thỏa thuận cho phép quân đội Trung Quốc tiếp cận căn cứ và đổi lại
Campuchia nhận được tiền tài trợ cải tiến các cơ sở.
Tháng 6 năm ngoái, truyền thông Campuchia dẫn lời Bộ trưởng Quốc
phòng Tea Banh cho biết Trung Quốc sẽ giúp hiện đại hóa và mở rộng Ream,
nhưng sẽ không phải là quốc gia duy nhất được phép tiếp cận cơ sở này.
AMTI cho biết hình ảnh vệ tinh thương mại ngày 16 tháng 1 cho thấy
hai tàu nạo vét và sà lan thu gom cát đã được nạo vét. AMTI nói các hình
ảnh khác cho thấy cả hai tàu nạo vét đến từ ngày 13 tháng 1 đến ngày 15
tháng 1.
Những phương tiện này cũng được nhìn thấy trong một bức ảnh đăng trên trang Facebook của ông Tea Banh sau chuyến thăm Ream vào ngày 18 tháng 1 của ông, AMTI nói, nói thêm rằng công tác này “có thể đánh dấu một sự nâng cấp đáng kể về năng lực của căn cứ.”
“Vùng nước nông xung quanh Ream có nghĩa là nó hiện chỉ có thể tiếp
nhận các tàu tuần tra nhỏ. Một cảng nước sâu sẽ khiến nó trở nên hữu ích
hơn rất nhiều cho cả hải quân Campuchia và Trung Quốc.”
AMTI nói hoạt động thi công vẫn tiếp tục trên bờ, với việc giải phóng
mặt bằng ở một số địa điểm ở phía tây nam của căn cứ kể từ mùa thu năm
2021 và nói việc này và việc nạo vét “cho thấy căn cứ đang được chuẩn bị
cho những nâng cấp cơ sở hạ tầng đáng kể.”
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói Mỹ kêu gọi Campuchia “hoàn toàn
minh bạch về ý định, bản chất và phạm vi của dự án tại Ream và vai trò
của quân đội Trung Quốc trong việc thi công, khơi lên lo ngại về mục
đích sử dụng của cơ sở hải quân này.”
Năm ngoái, Washington đã chế tài hai quan chức Campuchia vì cáo buộc
tham nhũng tại Ream và áp đặt lệnh cấm vận vũ khí và hạn chế xuất khẩu
đối với Campuchia vì điều họ cho là ảnh hưởng ngày càng tăng của quân
đội Trung Quốc ở nước này, cũng như nhân quyền và tham nhũng.
Trung Quốc có thể làm gì nếu Putin tấn công Ukraine?
Trong
lúc Tổng thống Mỹ Joe Biden đối mặt với Tổng thống Nga Vladimir Putin
quanh khủng hoảng biên giới Ukraine, có thể lãnh tụ Trung Quốc Tập Cận
Bình thuộc số chính khách đang theo dõi sát sao nhất.
Giống như Putin, người mong muốn đưa Ukraine trở lại vòng ảnh hưởng của Moscow, ông Tập lo lắng hòn đảo Đài Loan, mà Bắc Kinh xem là tỉnh phản loạn, đang muốn gần gũi hơn với Hoa Kỳ và phương Tây.
Chuyên gia Michael Schuman,
viết trên The Atlantic ngày 13/1/2022, nói: “Cách ông Tập giải thích
(hoặc tệ hơn là diễn giải sai) kết quả của cuộc bế tắc ở Ukraine có thể
ảnh hưởng đến việc liệu Trung Quốc cố gắng thống nhất với Đài Loan, và
theo cách gì, và do đó có tác động đối với an ninh và ổn định của Đông
Á.”
Ông
nói: “Khi Tập, Putin và những lãnh đạo chuyên quyền khác tăng cường nỗ
lực nhằm giảm quyền lực của Mỹ, Mỹ đang đối mặt với thách thức gay gắt
nhất đối với vị thế thống trị toàn cầu của mình kể từ khi Liên Xô sụp
đổ.”
Nhưng tác giả này cho rằng tình hình Ukraine và Đài Loan sẽ khác trong tính toàn của Mỹ.
“Việc
giả sử rằng phản ứng của Hoa Kỳ đối với các cuộc khủng hoảng ở Đài Loan
và Ukraine có thể so sánh giống nhau, sẽ là sai – và thậm chí còn nguy
hiểm.”
Michael Schuman nhận định Hoa Kỳ sẽ có nhiều khả năng bảo vệ Đài Loan hơn là đánh nhau vì Ukraine.
“Mặc
dù một cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine có thể không được đảm bảo là
một thành công, nhưng Putin có thể đã tính toán rằng ông có thểc vượt
qua nước láng giềng của mình. Ngược lại, một cuộc tấn công quân sự của
Trung Quốc qua eo biển Đài Loan kiên cố có thể dễ dàng đẫm máu, kéo dài
và do đó đáng xấu hổ – và có thể là mối đe dọa đối với vị thế của ông
Tập và chế độ Cộng sản.”
Nhưng dĩ nhiên đồn đoán suy nghĩ của lãnh tụ Trung Quốc là điều bất khả.
“Ông
Tập có thể tính toán rằng việc cố gắng thống nhất Đài Loan một cách
cưỡng bức sẽ phục vụ lợi ích chính trị cá nhân của ông ta; nếu thành
công, ông sẽ củng cố vị trí của mình và khắc tên mình vào biên niên sử
của Cộng sản Trung Quốc. Hoặc ông có thể tính toán sai và cho rằng các
cuộc đấu tranh của Biden sẽ khiến Hoa Kỳ đứng ngoài cuộc — một nhận định
tai hại tiềm ẩn nhiều khả năng được đưa ra bởi môi trường chính trị
ngày càng chuyên quyền ở Bắc Kinh, có thể dễ dàng khiến các cố vấn của
ông Tập nói với ông những gì họ nghĩ ông muốn nghe.”
Còn Chris Miller, Giám đốc chương trình Á Âu của Foreign Policy Research Institute, nhận định:
“Nếu Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn với Nga, Trung Quốc sẽ không thể tránh những lựa chọn khó khăn.”
Nếu
Trung Quốc quyết định đứng về phía Nga trong lúc Mỹ trừng phạt Nga,
“Nga sẽ tìm thấy một người bạn giữa cuộc khủng hoảng – và phương Tây có
thể bị cuốn vào chiến tranh tài chính hai mặt trận.”
Viết
trên Bloomberg ngày 22/1, Alberto Nardelli và Evgenia Pismennaya cho
rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể có ảnh hưởng lớn nhất đến
Vladimir Putin.
Tổng thống Nga cho biết ông sẽ tham dự lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh vào ngày 4 tháng 2.
Bài báo đặt giả thiết liệu ông Tập có đề nghị Putin không đánh Ukraine trong thời gian diễn ra Olympics.
Điều chắc chắn hơn là Bắc Kinh sẽ theo dõi cuộc khủng hoảng Ukraine đi đến đâu để đánh giá quyết tâm và sức mạnh của Hoa Kỳ.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-60098646
Khảo sát: Đa số người Mỹ ủng hộ quân đội bảo vệ Đài Loan
Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy, đa số cử tri của tất cả các đảng phái đều tin rằng nếu Đài Loan bị Trung Quốc xâm lược, thì Hoa Kỳ nên giúp đỡ Đài Loan về mặt quân sự.
Khoảng 58% trong số 1.081 cử tri Mỹ được thăm dò ý kiến vào giữa
tháng 1 tin rằng chính quyền ông Biden nên sử dụng sức mạnh quân sự của
Mỹ để bảo vệ Đài Loan khỏi sự xâm lược từ Trung Quốc.
Cụ thể, 56,2% người ủng hộ đảng Dân chủ, 57,4% cử tri độc lập và
60,8% người ủng hộ đảng Cộng hòa mong muốn Hoa Kỳ hõ trợ quân sự cho Đài
Loan trong trường hợp quốc đảo bị Trung Quốc xâm lược.
Cuộc thăm dò được thực hiện bởi Nhóm Trafalgar có trụ sở tại Atlanta,
Georgia. Nhóm này trước đó đã dự đoán chính xác kết quả của cuộc bầu cử
tổng thống năm 2016.
Dữ liệu từ cuộc thăm dò cho thấy sự thay đổi đáng kể trong nhận thức của cử tri Mỹ về Đài Loan và Đảng Cộng sản Trung Quốc
Một cuộc thăm dò trước đây do Hội đồng Chicago vào tháng 8 năm 2021
cho thấy, gần một nửa số người Mỹ phản đối ngay cả việc bán thiết bị
quân sự cho Đài Loan.
Chủ tịch của Convention of States Action, ông Mark Meckler, nói rằng các nhà lãnh đạo của đất nước thường quên rằng người dân Mỹ rất nhanh nhạy trong việc nắm bắt bản chất của các mối đe dọa từ nước ngoài.
Phong Lan
Theo Epoch Times
https://www.dkn.tv/the-gioi/khao-sat-da-so-nguoi-my-ung-ho-quan-doi-bao-ve-dai-loan.html
Anh-Úc phản đối làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông
Các Bộ trưởng hai nước Anh-Úc gặp mặt tại Sydney ngày 21/1 – AFT
Hôm 21/1, các lãnh đạo Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng của hai nước Anh và Úc ra thông cáo chung thể hiện cam kết tăng cường quan hệ đối tác của Chính phủ hai nước này. Một trong những điểm nêu ra nhấn
mạnh tầm quan trọng của việc các quốc gia Đông Nam Á thực hiện Quyền Tự
do hàng hải ở Biển Đông, phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật
Biển (UNCLOS).
Thông cáo chung gồm 44 điều khoản được đăng trên trang web của Chính phủ Anh sau cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Peter Dutton của Úc với Ngoại trưởng Elizabeth Truss và Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace của Anh tại Sydney vào sáng 21/1.
Liên quan đến vấn đề Biển Đông và các nước
Đông Nam Á, hai quốc gia này bày tỏ quan điểm hoan nghênh việc tăng
cường mối quan hệ với ASEAN, bao gồm việc thiết lập Quan hệ Đối tác
Chiến lược Toàn diện (Comprehensive Strategic Partnership) giữa
ASEAN-Úc, và vị thế mới của Vương quốc Anh với tư cách là Đối tác Đối
thoại chính thức (official Dialogue Partner) của ASEAN.
Đồng thời, các vị bộ trưởng cũng nhấn mạnh
tầm quan trọng của việc các quốc gia Đông Nam Á thực hiện Quyền Tự do
hàng hải ở Biển Đông, phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển
(UNCLOS).
Cả hai quốc gia này một lần nữa phản đối
mạnh mẽ các hành động làm gia tăng căng thẳng, bao gồm quân sự hóa các
khu vực tranh chấp, sự nguy hiểm của việc sử dụng lực lượng dân quân
biển cũng như hành động ngăn cản khai thác tài nguyên ngoài khơi của các
nước khác.
Bản thông cáo nhắc lại phán quyết của Tòa
Trọng tài về Biển Đông năm 2016, và nhấn mạnh rằng mọi Quy tắc ứng xử
phải hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS, không
làm phương hại đến quyền hoặc lợi ích của các quốc gia khác theo luật
pháp quốc tế.
Các bộ trưởng yêu cầu Luật Hải cảnh và Luật An toàn Giao thông Hàng hải mà Trung Quốc áp dụng trong năm 2021 phải phù hợp với UNCLOS.
(Asia Nikkei) – 627.000 quan chức Trung Quốc bị kỷ luật trong năm 2021.
Cơ quan chống tham nhũng của Đảng Cộng Sản Trung Quốc ngày 21/01/2022
cho biết trong năm vừa qua đã có 627.000 quan chức ở các cấp, kể cả cấp
bộ, bị kỷ luật. Giới quan sát quốc tế ghi nhận đây là mức cao chưa từng
thấy dưới thời đại Tập Cận Bình và chiến dịch bài trừ tham nhũng « đả hổ
diệt ruồi » có chiều hướng gia tăng.
(RFI) – Litva kêu gọi tăng cường biên giới ngoài Liên Hiệp Châu Âu để chặn di dân bất hợp pháp. Theo
lời kêu gọi của Litva, bộ trưởng Nội Vụ của 16 nước thành viên Liên Âu
họp tại Vilnius ngày 21/01/2022 để bàn về việc bảo vệ đường biên giới
bên ngoài. Trong tuyên bố chung, các bên cho biết muốn dựng hàng rào
biên giới, lắp đặt thiết bị giám sát và xem xét lại quy định khối
Schengen sau khi thị sát hơn 40 km hàng rào kẽm gai cao 4 mét được Litva
dựng dọc biên giới với Belarus để ngăn di dân bất hợp pháp được chính
quyền Belarus cổ vũ và tạo điều kiện vượt biên vào Liên Hiệp Châu Âu.
(AFP) – Pháp và Hy Lạp ký kết lộ trình đẩy mạnh hợp tác quân sự. Tư lệnh quân đội hai nước hôm 21/01/2022 chính thức ký kết vào «lộ trình» quân sự nâng cao hợp tác song phương lên hàng «đối tác chiến lược». Đây là bước kế tiếp sau thỏa thuận đã được Paris và Athens đồng ý hồi tháng 9/2021 trong bối cảnh căng thẳng giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng. Athens tăng cường khả năng phòng thủ, mua 18 chiến đấu cơ Rafale và 3 chiến hạm của Pháp. Pháp, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ cùng là thành viên NATO.
(AFP) – Mỹ khẳng định lính đánh thuê Nga có mặt ở Mali. Trả
lời đài Tiếng nói Hoa Kỳ ngày 21/01/2021, tướng Stephen Townsend, thuộc
Bộ Chỉ huy Africom phụ trách châu Phi, cho biết lực lượng « Wagner có ở Mali. Họ có khoảng vài trăm người. Cả thế giới đều thấy và điều đó khiến chúng tôi bận tâm ». Wagner được máy bay của quân đội Nga hỗ trợ để triển khai, « hiếm có công ty tư nhân nào lại được máy bay lớn yểm trợ như vậy ». Ngược lại, Mali tiếp tục phủ nhận sự hiện diện của lực lượng đánh thuê Nga trên lãnh thổ ước này.
(RFI) – Chilê: Chính phủ mới với đa số là phụ nữ. Tân nội các (14 nữ, 10 nam) được tổng thống tân cử, sẽ nhậm chức ngày 11/03/2022, giới thiệu ngày 21/01 và gồm nhiều nhân vật từ đảng Cộng sản đến trung hữu. Lần đầu tiên trong lịch sử Chilê, một phụ nữ sẽ giữ chức bộ trưởng Nội Vụ, chức vụ quan trọng nhất của chính phủ.
(Reuters) – Vì Covid-19, Mỹ đình chỉ 44 tuyến bay tới Trung Quốc. Thông
báo được đưa ra hôm 21/01/2022 liên quan đến 4 hãng hàng không Trung
Quốc. Trong số các chuyến bay bị tạm ngưng hoạt động có tuyến đường nối
liền Los Angeles với Hạ Môn. Từ cuối tháng 12/2021, Trung Quốc cũng viện
cớ dịch tễ hủy 44 chuyến bay của các hãng hàng không Hoa Kỳ vào Hoa
Lục.
(RFI) – Tình hình dịch tại Pháp vẫn chưa thuyên giảm. Tối
21/01/2022, Hội Đồng Hiến Pháp bật đèn xanh cho việc bắt đầu áp dụng
giấy chứng nhận vac-xin. Kể từ ngày Thứ Hai 24/01, giấy chứng nhận
vac-xin (pass vaccinal) có hiệu lực và thay thế chứng nhận y tế (pass
sanitaire). Quyết định được đưa ra trong bối cảnh, cho đến tận hôm qua
21/01, trên toàn quốc vẫn có thêm 400.000 ca nhiễm Covid-19 trong vòng
24 giờ.
(AFP) – Yemen : Ít nhất 70 người thiệt mạng trong một vụ oanh kích nhắm sào huyệt của phe nổi dậy Houthi. Vụ tấn công hôm 21/01/2022 làm ít nhất 70 người thiệt mạng, gần 140 người bị thương. Mục tiêu vụ oanh kích là một nhà tù tại Sanada do phe nổi dậy kiểm soát. Yemen lâm vào nội chiến từ 2015. Phe nổi dậy Houthi được Iran yểm trợ hiện kiểm soát một phần lãnh thổ Yemen. Ả Rập Xê Út lãnh đạo liên minh quốc tế để tái lập ổn định tại Yemen nhưng cuộc nội chiến kéo dài.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220122-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p