Tin Tổng Hợp – 21/9/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 21/9/21

Khủng hoảng ngoại giao Pháp – Mỹ: Thế cô lập của Paris

Paris có thể trông cậy vào những đối tác nào để vượt qua «cuộc khủng hoảng niềm tin nghiêm trọng giữa Pháp và các nước đồng minh truyền thống» Anh, Mỹ và Úc ? Sau khi Paris triệu hồi đại sứ tại Washington và Canberra để phán đối việc Úc hủy hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp, rồi hủy cuộc họp với bộ trưởng Quốc Phòng Anh, giới phân tích nói đến «thế cô lập» của Paris trên bàn cờ quan hệ quốc tế. 

Tổng thống Pháp Macron (T) và đồng nhiệm Mỹ Biden trước cuộc họp của NATO, Bruxelles, ngày 14/06/2021.
Tổng thống Pháp Macron (T) và đồng nhiệm Mỹ Biden trước cuộc họp của NATO, Bruxelles, ngày 14/06/2021. © BRENDAN SMIALOWSKI / AFP

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ không đến New York tham dự cuộc họp của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc khai mạc ngày mai 21/09/2021, mà chỉ cử ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian đại diện, trong bối cảnh căng thẳng giữa Pháp và các đồng minh truyền thống phương Tây, sau quyết định Anh, Mỹ và Úc thành lập liên minh quân sự trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương (AUKUS) và Canberra hủy hợp đồng mùa tàu ngầm của Pháp. Hiện giờ ngoại trưởng Pháp không dự trù các buổi làm việc bên lề khóa họp của Liên Hiệp Quốc lần này với các đồng sự trong liên minh AUKUS.

Trả lời AFP, Bertrand Badie, giáo sư quan hệ quốc tế trường Khoa Học Chính Trị Paris Sciences Po, lưu ý Pháp cần phải « tìm ra một lối thoát », bởi vì sau quyết định triệu hồi đại sứ tại Canberra và Washington, sớm muộn gì các vị đại sứ này cũng phải quay lại nhiệm sở. Cái khó ở đây, theo giáo sư Badie, là làm thế nào hàn gắn sự đổ vỡ mà « tránh tạo cảm tưởng là Pháp phải nhượng bộ và tránh để bị mất mặt ». Do vậy, thái độ cứng rắn của Paris hiện nay với Washington bị xem là một nước cờ « đầy rủi ro».

Ngoại trưởng Le Drian mạnh mẽ chỉ trích các đồng minh « dối trá », xem thường Paris và nhất là đã ngấm ngầm đàm phán về một quyết định chiến lược trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương … Nhưng các đối tác thân thiết nhất của Pháp trong Liên Âu đã hoàn toàn im lặng. Một tuần lễ trước ngày bầu cử Quốc Hội, chuẩn bị sang trang 16 năm dưới thời thủ tướng Merkel, Đức đã kiệm lời với tuyên bố tối thiểu là « ghi nhận » khủng hoảng Pháp-Mỹ.

Chuyên gia về quan hệ quốc tế Célia Belin, Viện nghiên cứu Brookings Institutions, trụ sở tại Washington, phân tích : Trong một cuộc khủng hoảng với tầm mức nghiêm trọng như lần này, hơn bao giờ hết « Pháp cần tập trung vào châu Âu, cần bảo đảm là được các nước trong Liên Âu yểm trợ ». Vấn đề là« Liên Hiệp Châu Âu đang bị chia rẽ hơn bao giờ hết trong chính sách đối ngoại », đặc biệt là đối với Hoa Kỳ, như đánh giá của giáo sư trường Khoa Học Chính Trị Paris Bertrand Badie.  

Hợp đồng tàu ngầm Pháp – Úc không liên quan đến các thành viên khác trong Liên Âu và trong khối này, Pháp là quốc gia duy nhất có quyền lợi và trọng lượng trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương. Trong khi đó, như giáo sư Badie ghi nhận, các nước Đông Âu cần dựa vào Mỹ trước mối đe dọa tiềm tàng là Nga. Bản thân nước Đức cũng không muốn làm phật lòng Hoa Kỳ. Tất cả những điều đó đi ngược lại với tham vọng của Pháp : Liên Âu tự chủ về chiến lược.

Bài toán càng thêm nan giải vào lúc Paris chuẩn bị giữ chức chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu kể từ đầu tháng Giêng 2022 và tổng thống Emmanuel Macron chuẩn bị tái tranh cử thêm một nhiệm kỳ.

Thanh Hà

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20210920-kh%E1%BB%A7ng-ho%E1%BA%A3ng-ngo%E1%BA%A1i-giao-ph%C3%A1p-m%E1%BB%B9-th%E1%BA%BF-c%C3%B4-l%E1%BA%ADp-c%E1%BB%A7a-paris

Nhật Bản kêu gọi châu Âu chống lại sự bành trướng của Trung Quốc

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi (ảnh: Youtube/Bloomberg Politics).

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi kêu gọi các nước châu Âu chống lại sự bành trướng của Trung Quốc.

Trong cuộc phỏng vấn với báo Guardian (Anh) đăng tải ngày 20/9, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi khẳng định Trung Quốc ngày càng hùng mạnh về chính trị, kinh tế, quân sự, và “cố gắng dùng sức mạnh để đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và biển Hoa Đông”.

Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế phải tăng cường các nỗ lực răn đe chống lại việc Bắc Kinh mở rộng lãnh thổ và quân sự.

Bình luận của ông Kishi được đăng vào thời điểm một số chuyên gia an ninh lo ngại về nguy cơ xung đột, sau khi Úc, Anh và Mỹ vừa ký hợp tác an ninh tăng cường ba bên có tên AUKUS. Thỏa thuận về quốc phòng này được cho nhắm tới Trung Quốc, dù trên văn bản không ai đề cập cụ thể.

Bài phỏng vấn của ông Kishi với báo Guardian được thực hiện trước khi AUKUS được công bố hồi tuần qua. Ông cho biết phía Nhật Bản cũng nhận thức được hiện nay có nhiều khuôn khổ hợp tác trong khu vực, song nhấn mạnh rằng các bên cần làm nhiều hơn nữa nếu muốn ứng phó Trung Quốc.

Tuần qua, một báo cáo chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mới cũng cho thấy Trung Quốc là trung tâm trong các lo ngại của phía EU, nhưng EU vẫn lựa chọn cách tiếp cận thận trọng.

Trong những tháng gần đây, Nhật Bản đã trở nên mạnh mẽ hơn trong khu vực, Tokyo đã kêu gọi Mỹ và các bên khác chống lại cái mà họ gọi là chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc. Tuần này, thủ tướng sắp mãn nhiệm Yoshihide Suga sẽ đến Washington để tham dự hội nghị thượng đỉnh trực tiếp Đối thoại an ninh Tứ giác (Quad) với Mỹ, Ấn Độ và Úc.

Thanh Hải

https://www.dkn.tv/the-gioi/nhat-ban-keu-goi-chau-au-chong-lai-su-banh-truong-cua-trung-quoc.html

Đội tàu chiến Úc cập cảng Cam Ranh

Ba tàu hải quân Hoàng gia Úc thuộc Nhóm Tác chiến Nỗ lực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương 2021 (IPE21) cập Cảng quốc tế Cam Ranh ở Khánh Hoà hôm 20/9.
Ba tàu hải quân Hoàng gia Úc thuộc Nhóm Tác chiến Nỗ lực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương 2021 (IPE21) cập Cảng quốc tế Cam Ranh ở Khánh Hoà hôm 20/9.

Ba tàu hải quân Hoàng gia Úc đang thăm cảng Cam Ranh ở miền Trung Việt Nam trong khuôn khổ nỗ lực của Canberra nhằm tăng cường hợp tác an ninh trong khu vực với các đối tác ở Đông Nam Á.

Truyền thông trong nước cho biết Nhóm Tác chiến Nỗ lực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương 2021 của Úc (IPE21), gồm 3 tàu kể trên cùng 700 sĩ quan, đã cập cảng Cam Ranh ở Khánh Hoà hôm 20/9 để bắt đầu chuyến thăm 4 ngày.

Chuyến thăm diễn ra giữa lúc Bộ Ngoại giao Úc đang tìm cách trấn an khu vực rằng hiệp ước an ninh mới mà Canberra ký kết với Mỹ và Anh, vừa được công bố vào tuần trước, sẽ không đẩy các quốc gia Đông Nam Á ra ngoài và sẽ không thúc đẩy cho việc phổ biến vũ khí hạt nhân.

Nhóm đặc nhiệm hàng hải của Úc cập cảng Cam Ranh gồm tàu tấn công đổ bộ HMAS Canberra, tàu hộ vệ tên lửa HMAS Anzac và tàu tiếp dầu HMAS Sirius, theo thông cáo của Đại sứ quán Australia tại Hà Nội được Quân đội Nhân dân trích dẫn.

Thông cáo cho biết rằng Nỗ lực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là hoạt động hợp tác quan trọng hàng đầu của Úc trong khu vực, với sự tham gia của nhóm tác chiến gồm đại diện các quân binh chủng lực lượng vũ trang và cơ quan chính phủ Australia, cũng như đại diện hải quân từ các nước đối tác.

Các tàu của Úc tới Việt Nam sau khi thăm Brunei, Singapore, Malaysia và Thái Lan, theo kênh tin tức của Malaysia BernaNews.

Truyền thông trong nước cho biết rằng nhóm tàu của Hải quân Hoàng gia Úc và các đối tác Việt Nam có các chuỗi hoạt động hợp tác song phương tại Cam Ranh, gồm trao đổi về các chủ đề trong đó có hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm hoạ, và an ninh biển nhằm “tăng cường khả năng hiệp đồng tác chiến giữa các lực lượng an ninh trong khu vực.”

Quan hệ hợp tác quốc phòng song phương Việt Nam-Australia được tăng cường trong những năm gần đây với các chuyến thăm chính thức và đối thoại cấp cao cùng các hợp tác trong nhiều lĩnh vực từ quân sự cho đến an ninh biển và chống khủng bố. Theo thông cáo của ĐSQ Úc được VnExpress trích dẫn, hợp tác quốc phòng là trụ cột quan trọng trong quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước.

Chuẩn tướng Mal Wise, chỉ huy của IPE21, được truyền thông trong nước trích lời nói rằng việc Việt Nam tiếp đón nhóm tác chiến trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp là “minh chứng cho quan hệ quốc phòng sâu rộng giữa Việt Nam và Australia.”

Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân Quân của Việt Nam đã đón đoàn Úc tại cảng Cam Ranh trong khi một buổi lễ chào xã giao được tổ chức qua mạng sau đó trong ngày 20/9, theo Quân đội Nhân dân.

Chỉ vài ngày trước đó, chính phủ Úc công bố rằng hải quân của nước này sẽ mua 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân theo một hiệp ước đối tác an ninh 3 bên mới với Mỹ và Anh, gọi tắt là AUKUS. Hiệp ước này được xem là nhằm ngăn chặn sự ảnh hưởng quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt là ở Biển Đông, nơi các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh chồng lấn với các nước trong khu vực gồm cả Việt Nam.

Trung Quốc phản đối hiệp ước này trong khi các quốc gia Đông Nam Á phản ứng một cách thận trọng, trong đó Malaysia và Indonesia lên tiếng lo ngại rằng Úc có thể gây ra một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Tuy nhiên Đại sứ Úc tại ASEAN, Will Nankervis, đã bác bỏ những lo ngại này hôm 20/9.

Hoạt động của Hải quân Úc ở khu vực trong Nỗ lực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương 2021 bắt đầu từ cuối tháng 8 nhằm “tạo cơ hội cho Australia tham gia với các đối tác Đông Nam Á ngoài các hoạt động quân sự truyền thống,” theo Bộ Quốc phòng Úc.

Bắt đầu từ năm 2017, Nỗ lực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là sự kiện thường niên nhằm “tăng cường sự tham gia và quan hệ đối tác của Australia với các lực lượng an ninh trong khu vực” nhưng sự kiện này đã không diễn ra vào năm ngoái vì đại dịch COVID-19.

https://www.voatiengviet.com/a/doi-tau-chien-hoang-gia-uc-cap-cang-cam-ranh/6237397.html

Chính quyền Lithuania khuyên dân không dùng điện thoại Trung Quốc

VILNIUS, Lithuania (NV) – Bộ Quốc Phòng Lithuania mới đây đề nghị dân chúng quốc gia này tránh mua điện thoại di động do công ty Trung Quốc chế tạo, và cũng nói người tiêu dùng nên liệng bỏ các điện thoại Trung Quốc mà họ đang có, sau khi có bản báo cáo của chính phủ cho biết các điện thoại này được cài hệ thống tự kiểm duyệt.

Theo bản tin của hãng thông tấn Reuters hôm Thứ Ba, 21 Tháng Chín, các điện thoại di động thông dụng do đại công ty Trung Quốc Xiaomi Corp bán ở Âu Châu có cài đặt hệ thống tự phát giác và kiểm duyệt các từ ngữ như “Tự Do cho Tây Tạng,” “Đài Loan Độc Lập” hay “Phong Trào Dân Chủ,” theo cơ quan an ninh mạng của chính phủ Lithuania.

Cửa tiệm Xiaomi ở Bắc Kinh. (Hình: Greg Baker/AFP via Getty Images)

Trong bản báo cáo, cơ quan An Ninh Mạng Quốc Gia của Bộ Quốc Phòng Lithuania nói rằng nhu liệu cài đặt trong điện thoại Mi 10T 5G của Xiaomi được đóng lại cho vùng EU, nhưng có thể được mở ra từ xa, bất cứ khi nào.

“Chúng tôi đề nghị là không mua điện thoại mới do Trung Quốc chế tạo, và liệng bỏ những điện thoại đang sử dụng, càng sớm càng tốt,” theo lời ông Margiris Abukevicus, thứ trưởng Quốc Phòng Lithuania, nói với báo chí khi đưa ra bản báo cáo.

Mối giao thiệp giữa Lithuania và Trung Quốc trở nên căng thẳng mới gần đây. Hồi tháng qua Trung Quốc đòi Lithuania triệu hồi đại sứ của họ ở Bắc Kinh và cũng nói sẽ rút đại sứ của họ ở Vilnius về nước, sau khi Đài Loan thông báo rằng phái bộ của họ ở Lithuania sẽ được gọi là Văn Phòng Đại Diện Đài Loan.

Phái bộ Đài Loan ở Âu Châu và ở Mỹ dùng tên Đài Bắc (Taipei) để tránh đề cập đến Đài Loan, vốn Trung Quốc vẫn coi là phần lãnh thổ của họ.

Quảng cáo bán điện thoại Xiaomi ở Âu Châu. (Hình minh họa: Luis Gene/AFP via Getty Images)

Ông Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, hồi tuần qua đã nói chuyện với bà Ingrida Simonyte, thủ tướng Lithuania, và bày tỏ sự ủng hộ cho quốc gia này trước đe dọa của Trung Quốc.

Bộ Quốc Phòng Lithuania cũng nói rằng điện thoại Xiaomi gửi các dữ kiện về một máy chủ, thấy đặt ở Singapore. Bản báo cáo cũng nói rằng danh sách những từ ngữ bị kiểm duyệt thường xuyên được cập nhật. (V.Giang) [qd]

https://www.nguoi-viet.com/the-gioi/chinh-quyen-lithuania-khuyen-dan-khong-dung-dien-thoai-trung-quoc/

(AFP) – Thị trường thế giới chao đảo trước nguy cơ Evergrande phá sản. Tập đoàn địa ốc Trung Quốc Evergrande (Hằng Đại) đang gánh món nợ 260 tỉ euro, có nguy cơ mất khả năng thanh toán. Trước nỗi lo xảy ra một vụ « Lehman Brothers Trung Quốc », thị trường chứng khoán từ Âu sang Mỹ bị sụt giảm từ 1 đến 2%, giá dầu thô giảm hơn 2%, còn tiền ảo bitcoin mất giá 8,45% (còn 43.578 đô la).

(AFP) – Miến Điện: Aung San Suu Kyi bị xét xử tội «kích động gây rối loạn trật tự». Một trong số các luật sư bào chữa hôm nay, 21/09/2021 đã thông báo tin nói trên.  Tại tòa, bà Aung San Suu Kyi, đã tuyên bố « vô tội ». Từ nhiều tháng nay, cựu lãnh đạo Miến Điện, năm nay 76 tuổi, bị quân đội lật đổ hồi tháng 2/2021, đã từng bị xét xử với nhiều tội danh khác nhau, như vi phạm các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19, nhập khẩu trái phép các bộ điện đàm, và phản loạn. Kể từ ngày 01/10/2021, bà sẽ còn phải ra hầu tòa vì tội «tham nhũng».

(AFP) – Afghanistan: Taliban cho phép nữ sinh trở lại trường học. Taliban hôm nay, 21/09/2021, cam kết sẽ để các nữ sinh cấp 2 và 3 trở lại trường học « nhanh nhất có thể ». Tuyên bố này được đưa ra sau một loạt các thông báo các hạn chế nghiêm ngặt đối với phụ nữ, làm dấy lên những lo lắng các em gái sẽ lại bị cấm đến trường học. Trước đó, Taliban cũng thông báo cho phép phụ nữ được tiếp tục các chương trình đại học. Đây là một tiến bộ, trái với những gì đã diễn ra khi phe này cầm quyền trong giai đoạn 1996-2001, nghiêm cấm phụ nữ đi học và đi làm.

(AFP) – Anh Quốc: Danh tính 250 thông dịch viên Afghanistan bị tiết lộ. Bộ Quốc Phòng Anh hôm qua, 20/09/2021, thông báo mở cuộc điều tra sau vụ phát tán nhầm các dữ liệu cá nhân những người Afghanistan làm thông dịch viên cho quân đội Anh và hiện đang tìm cách đến định cư ở Anh. Nhiều chính khách ngay lập tức chỉ trích chính phủ về sự cố này, nhấn mạnh đến rủi ro tiềm tàng cho số người trên. Lãnh đạo Công Đảng đối lập còn yêu cầu chính phủ « tăng cường các nỗ lực khẩn cấp để đưa số cộng tác viên này đến Vương Quốc Anh an toàn».

(AFP) – Vụ ám sát Litvinenko ở Anh năm 2006: Nga phải chịu trách nhiệm. Đây là phán xét của Tòa án Nhân quyền châu Âu (CEDH) đưa ra hôm nay, 21/09/2021. Năm 2006, cựu điệp viên người Nga Alexandre Litvinenko đã bị đầu độc bằng polonium 210 tại Vương Quốc Anh. Tòa án cho rằng có «rất nhiều tình tiết củng cố giả thuyết» rằng thủ phạm của vụ đầu độc, theo điều tra của giới chức Anh Quốc, «đã hành động với tư cách là đặc vụ của Nhà Nước Nga». Tòa nhấn mạnh rằng Matxcơva đã không cung cấp được một lời giải thích thay thế nào «thỏa đáng và thuyết phục», «cũng như là bác bỏ được những kết luận của cuộc điều tra công khai của Anh».

(AFP) – Covid-19: Việt Nam mua đến 10 triệu liều vac-xin của Cuba. Thỏa thuận này đã được ký kết ngày hôm qua, 20/09/2021. Thỏa thuận ban đầu chỉ liên quan đến 5 triệu liều, tuy nhiên, theo truyền thông Cuba, chính quyền Hà Nội cuối cùng đề nghị Cuba cung cấp 10 triệu liều Abdala. Thỏa thuận được ký kết nhân chuyến công du La Habana ba ngày của chủ tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. 

(AFP) – Covid-19: Hơn 4 triệu dân Paris không được chăm sóc sức khỏe. Chương trình điều trị bị hoãn hay bị hủy, hơn một phần ba trong số 12 triệu dân Paris đã không được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe kể từ đầu mùa dịch đến nay, theo một nghiên cứu do Viện Paris công bố hôm nay, 21/09/2021. Những chương trình bị hoãn liên quan chủ yếu đến việc chăm sóc răng, khám phụ khoa, khám bệnh tổng quát, hay khám mắt. Thời hạn lấy hẹn quá lâu và nỗi lo bị nhiễm Covid-19 là những nguyên nhân chính.

(AFP) – Covid giết nhiều người Mỹ hơn cả cúm «Tây Ban Nha». Đại dịch Covid-19 nay đã sát hại nhiều người Mỹ hơn cả trận dịch cúm năm 1918-1919 được gọi là cúm «Tây Ban Nha», theo dữ liệu được trường đại học Johns Hopkins công bố hôm 20/09/2021. Trên 675.700 người bị nhiễm Covid đã thiệt mạng tại Hoa Kỳ, trong khi cúm «Tây Ban Nha» đã làm 50 triệu người chết trên thế giới, trong đó 675.000 tại Mỹ. Như vậy Covid-19 đã trở thành đại dịch trầm trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210921-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p