Tin Tổng Hợp – 21/8/21
Di tản khỏi Afghanistan: TT Biden không chắc “kết quả cuối cùng” cho chiến dịch lớn nhất lịch sử
Hoa Kỳ dự kiến sơ tán hơn 30.000 công dân Mỹ và cộng sự khỏi Afghanistan và đã đưa được hơn 13.000 người từ ngày 14/08/2021 thông qua các căn cứ ở Koweit và Qatar. Hoạt động di tản vẫn diễn ra trong điều kiện khó khăn vì hỗn loạn ở Kabul.
Trước những hình ảnh thương tâm ở sân bay Kabul và những lời chỉ trích từ mọi phía, tổng thống Joe Biden lại phát biểu ngày 20/08 để tóm lược tình hình.
Thông tín viên Loubna Anaki tường trình từ New York:
« Ông Joe Biden ý thức được việc này : Tình hình ở Afghanistan hẳn là cuộc khủng hoảng thực sự đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của ông. Vì vậy, lần thứ ba trong vòng một tuần, ông lại lên tiếng phát biểu. Lần này, đứng cạnh ông còn có phó tổng thống, ngoại trưởng và bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ. Đây là cách để chứng tỏ ông không đơn độc và ông được chính phủ ủng hộ.
Trước các nhà báo, một lần nữa chủ nhân Nhà Trắng khẳng định quyết tâm tôn trọng những cam kết của Hoa Kỳ. Ông hứa là mọi công dân Mỹ sẽ được hồi hương, cũng như những cộng sự người Afghanistan dù phải lùi hạn chót 31/08.
Nhưng cũng lần đầu tiên, ông Joe Biden thừa nhận nhiệm vụ là khó khăn. Ông phát biểu: «Đây là chiến dịch di tản lớn nhất trong lịch sử. Đó là một chiến dịch nguy hiểm và tôi không thể bảo đảm được kết quả cuối cùng».
Lần này, tổng thống Mỹ trả lời một vài câu hỏi. Ông trấn an rằng Hoa Kỳ liên lạc thường trực với Taliban để đốc thúc lực lượng này giữ cam kết và không ngăn cản các đợt tản cư. Hiện giờ, ông Joe Biden loại trừ khả năng lính Mỹ thiết lập một vành đai rộng hơn bên ngoài sân bay Kabul».
Cựu tổng thống Trump cảnh báo làn sóng tị nạn Afghanistan ở Mỹ
Trên nguyên tắc, lực lượng đặc nhiệm Hoa Kỳ chỉ bảo đảm an ninh quanh sân bay Kabul. Tuy nhiên, lần đầu tiên từ khi Taliban chiếm chính quyền, quân đội Mỹ đã rời khỏi khu vực này ngày 20/08 khi điều ba máy báy trực thăng sơ tán 169 người Mỹ trú tại một khách sạn ở thủ đô không thể đến được sân bay.
Theo AFP, hiện còn rất nhiều người vẫn bị kẹt giữa các trạm kiểm soát của Taliban và những hàng rào thép gai được quân đội Mỹ dựng lên bảo vệ sân bay trong vô vọng chờ được sơ tán. Chiến dịch này đã bị ngừng trong vài tiếng ngày 20/08 do các căn cứ quân sự của Mỹ ở vùng Vịnh bị quá tải. Berlin đã đồng ý cho Hoa Kỳ đưa một số người di tản đến Đức, nơi Mỹ có nhiều căn cứ quân sự, trong đó có căn cứ Ramstein lớn nhất và một bệnh viện quân y lớn.
Cựu tổng thống Donald Trump từng chỉ trích chính quyền Biden để quân nhân rút trước khi di tản công dân Mỹ và những người đã phục vụ Hoa Kỳ đã thay đổi thái độ, khi thấy hình ảnh hơn 800 người Afghanistan chen chúc nhau trong một máy bay vận tải được Mỹ điều đến sơ tán khẩn cấp ngày 15/08. Trong thông cáo ngày 18/08, ông viết : « Máy bay đó lẽ ra phải chở đầy người Mỹ. Hoa Kỳ trước tiên!».
Về phía Pháp, chuyến bay thứ tư được điều đến Afghanistan chở 99 người Afghanistan và 4 người Pháp đã hạ cánh xuống Paris tối 20/08. Bộ Ngoại Giao Pháp ra một thông cáo cho biết: «Những người Afghanistan muốn ở lại lâu dài trên lãnh thổ (Pháp) sẽ được hỗ trợ về vật chất và hành chính trong quá trình xin tị nạn».
Còn theo Reuters, phái bộ ngoại giao của Indonesia ở Kabul đã được chuyển sang Pakistan. Ngày 21/08, ngoại trưởng Retno Marsudi cho biết « tạm thời, nhiệm vụ ngoại giao ở Kabul sẽ được thực hiện từ Islamabad ». Trước đó, khi Taliban chiếm chính quyền, Jakarta cũng đã sơ tán hàng chục công dân.
Thu Hằng
Afghanistan: Taliban tuyên bố sẽ điều tra về các vụ trả thù nhắm vào thường dân
Trong một động thái nhằm trấn an cộng đồng quốc tế đang càng lúc càng lo ngại trước các thông tin ngày càng nhiều về những vụ truy lùng, thậm chí sát hại những người Afghanistan đã làm việc cho Mỹ và các nước NATO, một quan chức Taliban vào hôm nay 21/08/2021, đã cho biết là họ sẽ chịu trách nhiệm về các hành động của mình và sẽ điều tra về các vụ trả đũa và hành vi tàn bạo khác mà lực lượng Taliban bị tố cáo là đã tiến hành.
Trả lời hãng tin Anh Reuters, quan chức xin giấu tên này xác nhận rằng họ có nghe nói “về một số vụ bạo hành và gây tội ác đối với dân thường”. Theo nhân vật này: “Nếu Talibs – tức là các thành viên của phong trào Taliban – đang thực hiện những vấn đề liên quan đến luật pháp và trật tự này, họ sẽ bị điều tra”.
Nhân vật này đã tiếp tục trấn an: “Chúng tôi rất hiểu sự hoảng loạn, căng thẳng và lo lắng. Mọi người cho rằng chúng tôi sẽ phủi bỏ trách nhiệm, nhưng điều đó sẽ không xảy ra”.
Theo Reuters, từ sau khi tiến vào Kabul hôm 15/08 mà không tốn một viên đạn, Taliban đã hứa sẽ không trả thù những ai đã làm việc cho Mỹ hay liên quân quốc tế dưới sự lãnh đạo của NATO trước đây.
Tuy nhiên, trong những ngày qua, một số người Afghanistan và các nhóm vận động và viện trợ quốc tế đã cho biết là đã có những vụ trả đũa dữ dội nhắm vào những cuộc biểu tình, và những người từng giữ chức vụ trong chính phủ cũ, đã chỉ trích Taliban hoặc làm việc với người Mỹ.
Một số cựu quan chức Afghanistan đã nói đến việc họ phải lẩn trốn Taliban trong những ngày gần đây khi các tay súng đi hết nhà này đến nhà khác. Một gia đình gồm 16 người đã chạy vào phòng tắm, tắt đèn và bịt miệng lũ trẻ vì lo sợ cho tính mạng của chúng.
Theo một phát ngôn viên của Taliban, lực lượng này dự kiến công bố cơ cấu chính phủ mới cho Afghanistan trong vài tuần lễ sắp tới. Điểm rõ rệt, theo nhân vật này, là khuôn khổ mới để quản lý đất nước sẽ không phải là một nền dân chủ theo kiểu phương Tây, nhưng sẽ bảo vệ quyền của tất cả mọi người.
Trọng Nghĩa
Mỹ, Đức khuyến cáo công dân chớ đến sân bay Kabul vì rủi ro an ninh
Mỹ và Đức ngày thứ Bảy yêu cầu công dân của họ ở Afghanistan tránh đến sân bay Kabul, lấy lý do là rủi ro an ninh khi hàng ngàn người tuyệt vọng tụ tập ở đây tìm đường tháo chạy một tuần sau khi các phần tử Hồi giáo bảo thủ Taliban nắm quyền kiểm soát.
Người đồng sáng lập Taliban, Mullah Baradar, đến thủ đô Afghanistan hội đàm với các nhà lãnh đạo khác vào ngày thứ Bảy, Reuters đưa tin. Nhóm này đang cố gắng thành lập một chính phủ mới sau khi lực lượng của họ càn quét khắp đất nước khi các lực lượng do Mỹ dẫn đầu rút đi, với sự sụp đổ của chính phủ và quân đội do phương Tây hậu thuẫn.
Trong tuần qua, đám đông đã tụ tập đông hơn tại sân bay giữa nắng nóng và cát bụi, cản trở các hoạt động trong khi Mỹ và các quốc gia khác cố gắng di tản hàng ngàn nhà ngoại giao và thường dân cũng như nhiều người Afghanistan.
Taliban kêu gọi những người không có giấy thông hành hãy về nhà. Ít nhất 12 người đã thiệt mạng trong và xung quanh cơ trường với một đường băng duy nhất kể từ Chủ nhật, khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan, các quan chức NATO và Taliban cho biết.
“Vì các mối đe dọa an ninh tiềm ẩn bên ngoài các cổng tại sân bay Kabul, chúng tôi khuyến cáo công dân Mỹ tránh đến sân bay và tránh các cổng sân bay vào thời điểm này trừ phi bạn nhận được những chỉ dẫn riêng từ một đại diện chính phủ Mỹ,” một khuyến cáo của Đại sứ quán Mỹ cho biết.
Đại sứ quán Đức cũng khuyến cáo công dân không đến sân bay, đồng thời cảnh báo trong một email rằng lực lượng Taliban đang tiến hành kiểm soát ngày càng chặt trong khu vực lân cận.
Các khuyến cáo nhấn mạnh tình hình an ninh vẫn còn hết sức bất ổn. Reuters cho biết một quan chức Mỹ, phát biểu với điều kiện ẩn danh, nói quân đội Mỹ đang cân nhắc các tuyến đường thay thế để mọi người đến được sân bay vì mối đe dọa từ các nhóm chủ chiến như al Qaeda và Nhà nước Hồi giáo.
Thiếu tướng Lục quân William Taylor, thuộc Bộ Tham mưu Liên quân của quân đội Mỹ, nói trong một buổi cung cấp thông tin của Lầu Năm Góc rằng 5.800 binh sĩ Mỹ vẫn ở sân bay và rằng cơ sở này “vẫn an toàn.” Ông Taylor cho biết một số cổng vào sân bay đã tạm thời đóng và đã mở lại qua ngày để tạo điều kiện cho dòng người di tản an toàn.
Một quan chức Taliban nói với Reuters rằng không thể loại trừ rủi ro an ninh nhưng nhóm này “nhắm mục tiêu cải thiện tình hình và giúp việc ra đi suôn sẻ” cho những người cố gắng rời đi trong những ngày cuối tuần. Việc Taliban nắm quyền đã khơi lên lo sợ trả thù và sự trở lại của phiên bản khắc nghiệt của luật Hồi giáo mà Taliban đã thực thi khi họ nắm quyền hai thập niên trước.
Ông Taylor nói Mỹ trong tuần qua đã di tản 17.000 người, trong đó có 2.500 người Mỹ, khỏi Kabul. Ông cho biết trong ngày qua 3.800 người đã được di tản trên các chuyến bay thuê mướn của quân đội và của Mỹ.
Phát biểu một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden hứa sẽ di tản “bất kỳ người Mỹ nào muốn về nước,” phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby nói ông không có “con số chính xác” bao nhiêu công dân Mỹ hiện đang ở Kabul và rộng hơn là Afghanistan, dù các quan chức nói có thể là hàng ngàn.
(New York Times) – Người Hàn ghét Trung Quốc hơn Nhật Bản. Tâm lý chống Trung Quốc mỗi ngày mỗi trỗi dậy tại Hàn Quốc, đặc biệt ở cử tri trẻ. Theo kết quả thăm dò do Hankook Research và tạp chí SisaIN thực hiện và được báo New York Times trích ngày 20/08/2021, hơn 58% trên tổng số 1.000 người được thăm dò cho rằng Trung Quốc « gần với cái xấu », trong khi chỉ có 4,5% cho là « gần với cái tốt ». Trung Quốc cũng trở thành chủ đề vận động tranh cử tổng thống của nhiều chính trị gia bảo thủ, cùng với những vấn nạn khác như giá thuê nhà tăng, dịch bệnh, Bắc Triều Tiên và bất bình đẳng giới.
(RFI) – Ngoại trưởng Anh bị trỉ chích vì thiếu trách nhiệm xử lý khủng hoảng ở Afghanistan. Lý do là ông Dominic Raab đang nghỉ hè ở đảo Crète, trong một khách sạn 5 sao và « từ chối nhận mọi liên lạc vì bất kỳ lý do gì ». Báo chí Anh ngày 20/08/2021 phác họa ông Raab là một ngoại trưởng « xoàng », « lạnh lùng », « thiếu nghiêm túc » trong khi đội ngũ của ông thất vọng vì không tài nào nhận được sự ủng hộ, thậm chí là sự chú ý của ông. Một đồng nghiệp cho rằng « việc không về sớm hơn là sai lầm lớn nhất của ông ấy ». Phe đối lập yêu cầu ngoại trưởng Anh từ chức.
(AFP) – Một tuần sau động đất, Haiti phải đối mặt với những thách thức khẩn cấp. Số người thiệt mạng vì động đất đã lên đến 2.200 người. Người dân vùng bị nạ vẫn phải chiến đấu hàng ngày để có nước dùng và thực phẩm. Ngày 20/08/2021, nhiều điểm phân phát không chính thức đã được lập nên ở Cayes, thành phố lớn thứ ba của Haiti. Tình trạng cướp hàng cứu trợ đã xảy ra : Hai xe tải chở hàng đã bị cướp trước khi cảnh sát đến can thiệp.
(AFP) – Úc: Biểu tình chống phong tỏa, hơn 200 người bị bắt. Biểu tình tại nhiều nơi, ở Sydney và Melbourne, chống quy chế phong tỏa chống dịch hôm 21/08/2021. Các vụ bắt giữ xảy ra sau khi nổ ra nhiều đụng độ dữ dội giữa người biểu tình và cảnh sát. Biểu tình bùng nổ sau khi chính quyền quyết định triển hạn phong tỏa đến cuối tháng 9. Riêng tại Melbourne có hàng nghìn người biểu tình. Cảnh sát đã dùng hơi cay giải tán. Bảy cảnh sát bị thương trong các đụng độ. Chính sánh « Không Covid » của chính quyền Úc đi liền với phong tỏa kéo dài tại các thành phố lớn gây căng thẳng xã hội. Nhiều người cũng chỉ trích chính quyền chậm tiến hành tiêm chủng.
(AFP) – Pháp: Biểu tình tuần thứ sáu chống «giấy thông hành y tế». Hôm nay, thứ Bảy 21/08/2021 là thứ Bảy lần thứ sáu liên tục, phe chống giấy thông hành y tế tiếp tục xuống đường. Dự kiến sẽ có hơn 200 cuộc biểu tình trên khắp nước Pháp. Riêng tại Paris, dự kiến sẽ có 12.000 đến 20.000 người tham gia biểu tình, theo dự kiến của cảnh sát. Giấy thông hành y tế tiếp tục gây nhiều tranh cãi trong xã hội Pháp. Người phản đối giấy thông hành y tế cũng lên án chủ trương mở rộng tiêm chủng cho trẻ em dưới 12 tuổi. Hôm thứ Năm 19/08, bộ trưởng Giáo Dục cho biết biện pháp này sẽ không được áp dụng tại Pháp. Riêng lứa tuổi từ 12 đến 17, đã có khoảng 55% tiêm ít nhất một liều.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210821-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p