Tin Tổng Hợp – 21/7/21
Chuyên gia: Tập Cận Bình đang vận động Trung Quốc tham chiến
Trong những tuần gần đây, Trung Quốc đã gửi hàng chục ngàn binh sĩ tới biên giới đang tranh chấp với Ấn Độ ở Ladakh, nằm trên cao của dãy Himalaya, Bắc Kinh dường như đang chuẩn bị cho một cuộc xâm lược toàn diện vào lãnh thổ Ấn Độ. Về điều này, Chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc Gordon Chang, một viện sĩ cao cấp ưu tú tại Viện Gatestone, ông cho rằng ông Tập Cận Bình đang vận động Trung Quốc tham chiến.
Theo lời của Nhật báo Trung Quốc, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, việc khai triển này diễn ra trong khi lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có một “bài diễn văn ủng hộ hòa bình, ủng hộ phát triển, và ủng hộ hợp tác” để kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng.
“Người dân Trung Quốc chưa bao giờ bắt nạt, áp bức, hay nô dịch người dân của bất kỳ quốc gia nào khác, và chúng ta sẽ không bao giờ làm như vậy”, ông Tập cho biết hôm 01/07.
Hồi tháng Năm năm ngoái, Quân đội Giải phóng Nhân dân đã chuyển quân xuống phía nam Đường Kiểm soát Thực tế ở Ladakh, nói cách khác là, tiến vào lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát. Một tháng sau, vào đêm ngày 15/06, binh lính Trung Quốc đã phát động một cuộc tấn công bất ngờ và làm thiệt mạng 20 binh sĩ Ấn Độ.
Ấn Độ đáp trả bằng cách tăng cường lực lượng và mở một cuộc phản công vào tháng 08/2020. Sau đó, Trung Quốc đã bổ sung quân số, tăng số lượng binh lính từ 15,000 của một năm trước lên thành 50,000 vào thời điểm hiện tại. Bắc Kinh cũng đã mang các vũ khí tối tân tới khu vực này và bắt đầu xây dựng các căn cứ.
Ladakh không phải là điểm nóng duy nhất trên dãy Himalaya, Trung Quốc còn xâm chiếm ở Sikkim của Ấn Độ cũng như những cuộc xâm lược ở các nước láng giềng Bhutan và Nepal.
Chiến dịch chống Ấn Độ của Bắc Kinh là đa phương diện. Bà Cleo Paskal thuộc Tổ chức Bảo vệ các Nền Dân Chủ nói với Viện Gatestone rằng, “Kể từ tháng Sáu năm ngoái, có một cuộc tấn công được cho là của Trung Quốc vào lưới điện Mumbai, những kẻ khủng bố theo chủ nghĩa Mao có liên hệ với Trung Quốc đã sát hại 20 thành viên lực lượng an ninh khác của Ấn Độ, và chúng ta đã chứng kiến một cuộc tấn công hủy diệt vào một nhà máy sản xuất linh kiện iPhone mà trông giống như một phần của một hoạt động chiến tranh chính trị của Bắc Kinh nhằm ngăn cản việc chuyển dịch các chuỗi cung ứng sang Ấn Độ”.
Do đó, nhiều người ở Ấn Độ hiện đang nhìn Trung Quốc với quan niệm xấu nhất có thể. Như bà Paskal giải thích rằng, “Bề rộng và chiều sâu của cuộc chiến tranh xâm lược không hạn chế của Đảng Cộng sản này đối với Ấn Độ khiến người ta nghĩ rằng không có rào cản nào đối với hành vi xấu xa của Bắc Kinh”.
Người dân Ấn Độ có lý khi lo ngại. Trung Quốc đã thay đổi định nghĩa về “chiến tranh,” và một trong những công cụ của họ là bệnh dịch. Nếu SARS-CoV-2, mầm bệnh gây ra COVID-19, không khởi điểm là một vũ khí sinh học, thì giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đã biến nó thành một loại vũ khí, bằng cách nói dối về sự lây lan [của căn bệnh] và gây áp lực buộc các quốc gia khác phải tiếp nhận những người bị nhiễm bệnh đến từ Trung Quốc.
Bà Paskal lưu ý rằng, “Không có gì ngạc nhiên khi nhiều người Ấn Độ nghĩ rằng làn sóng virus corona thứ hai của họ là do Trung Quốc cố ý phát tán để làm suy yếu họ hơn nữa”.
Có vẻ như Bắc Kinh thậm chí đang nghĩ đến việc sử dụng vũ khí nguyên tử để chiến đấu trong cuộc chiến tiếp theo.
Tờ Washington Post đã báo cáo rằng trong một khu vực bao phủ hơn 700 dặm vuông ở sa mạc Gansu, Trung Quốc có vẻ đang xây dựng 119 hầm chứa hỏa tiễn dành cho hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa với 10 đầu đạn DF-41. Khi cộng thêm 26 hầm chứa nữa mà quân đội Trung Quốc đang xây dựng ở nơi khác, thì từ những khu vực cố định này Trung Quốc có thể sớm có được sức mạnh hỏa lực ngang với kho vũ khí nguyên tử hiện có của Hoa Kỳ. Khi mà hỏa tiễn của Trung Quốc được mang trên các bệ phóng di động và cộng thêm các tàu ngầm, thì những đầu đạn của Trung Quốc có thể vượt quá cả của Hoa Kỳ.
Bởi vì Bắc Kinh đã có đủ số lượng vũ khí nguyên tử để răn đe những quốc gia khác rồi—Trung Quốc từ lâu đã có đủ vũ khí cho cái gọi là “sức uy hiếp răn đe tối thiểu”—có vẻ như các nhà hoạch định quân sự Trung Quốc đang nghĩ đến việc sử dụng vũ khí nguyên tử cho khả năng tấn công. Các sĩ quan chỉ huy và giới lãnh đạo chính trị của Trung Quốc đã công khai đe dọa sử dụng kho vũ khí của họ theo cách này.
Trong bất kỳ trường hợp nào, ông Tập Cận Bình trong bài diễn văn hiếu chiến hôm 01/07 của mình đã hứa sẽ “làm nứt đầu và đổ máu” những kẻ đang cản đường những gì, về bản chất, là các kế hoạch của ông ta nhằm giành lấy lãnh thổ đang nằm trong sự kiểm soát của quốc gia khác.
Đáng chú ý hơn, ông ta đe dọa sẽ hạ bệ hệ thống các quốc gia có chủ quyền quốc tế Westphalia hiện thời, được thành lập vào năm 1648. “Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc, với sự dũng cảm và ngoan cường của mình, long trọng tuyên bố với thế giới rằng nhân dân Trung Quốc không chỉ giỏi trong việc phá hủy thế giới cũ, mà còn giỏi trong việc xây dựng một thế giới mới”, ông Tập nói.
Một thế giới mới ư? Trong suốt thế kỷ này, ông Tập đã đề cập gián tiếp đến thiên hạ (tianxia), hay “toàn bộ dưới gầm Trời.” Trong hai thiên niên kỷ, những vị hoàng đế Trung Hoa đều tin rằng họ vừa có Thiên Mệnh trị vì thiên hạ vừa có nghĩa vụ phải làm như vậy.
Gần đây, những lời đề cập của ông Tập trong các tuyên bố công khai đã trở nên có thể nhận ra rõ ràng, và những cấp dưới của ông ta cũng rõ ràng việc ông Tập tin rằng tất cả mọi người bên ngoài Trung Quốc đều phải phục tùng ông ta.
Theo chuyên gia Gordon Chang, trong lúc tuôn ra lời nói như thiên hạ và những lời lẽ hiếu chiến, thì ông Tập đã đang chuẩn bị cho người dân Trung Quốc sẵn sàng chiến tranh. Hôm 1/07, ông Tập nói về việc những người ngoại quốc đang đụng phải một “bức tường thép được xây bằng thịt và máu của 1,4 tỷ người Trung Quốc”.
Ngoài ra, ông ta đang có những chuẩn bị để sử dụng đội quân sáng bóng của mình. Các sửa đổi đối với Luật Quốc phòng của Trung Quốc, có hiệu lực vào đầu năm nay, chuyển quyền lực từ các quan chức dân sự sang quan chức quân sự.
Các sửa đổi đó làm giảm vai trò của Quốc vụ Viện của chính quyền trung ương và chuyển giao quyền lực cho Quân ủy Trung ương của Đảng Cộng sản. Cụ thể, Quốc Vụ viện sẽ không còn giám sát việc huy động Quân đội Giải phóng Nhân dân nữa. Nhiều nhất là chính quyền trung ương chỉ đơn thuần sẽ thực hiện các chỉ thị của Đảng.
Thực ra thì bộ luật này có thể chẳng qua là làm điệu bộ thôi-Đảng Cộng sản luôn nắm quyền kiểm soát – nhưng dù sao thì tín hiệu này cũng là đáng ngại. Xét cho cùng, bộ luật mới này dự tính việc vận động quần chúng nhân dân cho chiến tranh.
Những thay đổi đó báo hiệu sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Quân đội Nhân dân bên trong Đảng và làm nổi bật việc quân sự hóa các mối quan hệ ngoại giao của quốc gia này. Trung Quốc đang nhanh chóng trở thành một quốc gia quân sự.
Ông Chang nhận định, hôm 01/07, ông Tập Cận Bình đã nói với thế giới những gì ông ta sẽ làm. Chúng ta rất có khả năng đang ở trong những thời khắc cuối cùng của nền hòa bình.
Thanh Hải
https://www.dkn.tv/the-gioi/chuyen-gia-tap-can-binh-dang-van-dong-trung-quoc-tham-chien.html
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ sắp thăm Trung Quốc giữa căng thẳng Mỹ-Trung
Reuters – Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman sẽ ghé thăm Trung Quốc ngày 25-26/7, Bộ Ngoại giao Mỹ loan báo hôm 21/7.
Bà Sherman sẽ gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và các giới chức khác tại thành phố Thiên Tân.
Chặng dừng chân tại Trung Quốc của bà Sherman sẽ diễn ra vào cuối các chuyến thăm Nhật, Hàn, và Mông Cổ trong chuyến công du Châu Á lần thứ hai trong vòng chưa tới hai tháng. Sau Trung Quốc, bà Sheman cũng ghé thăm Oman vào ngày 27/7.
Các cuộc thảo luận tại Trung Quốc nằm trong các nỗ lực tiếp diễn của Mỹ “nhằm có những trao đổi thẳng thắn…để thăng tiến các lợi ích và giá trị của Mỹ và xử lý mối quan hệ một cách có trách nhiệm,” Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Thông cáo của Bộ cũng nói thêm rằng Thứ trưởng Ngoại giao Sherman sẽ thảo luận về các lĩnh vực mà Mỹ ‘quan ngại sâu sắc liên quan tới các hành động của Trung Quốc và các lĩnh vực phù hợp với lợi ích của chúng ta.’
Chuyến thăm của bà Sherman có thể đặt nền tảng cho những trao đổi sâu sắc hơn giữa hai nước và một cuộc gặp khả dĩ giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong năm nay, có thể bên lề thượng đỉnh G20 ở Italy vào cuối tháng 10.
Tân Hoa xã dẫn lời một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh sẽ ‘có thái độ cứng rắn trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh và các lợi ích phát triển của mình.’
“Trung Quốc sẽ yêu cầu phía Mỹ ngưng can thiệp chuyện nội bộ của Trung Quốc và gây hại cho các lợi ích của Trung Quốc,” Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn này.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price tuyên bố tại cuộc họp báo hôm 21/7 rằng cần đối thoại xây dựng với Bắc Kinh và rằng Mỹ muốn bảo đảm cạnh tranh không trở thành xung đột.
Biến thể Lambda được xác nhận ở bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện Texas
Một bệnh viện ở Texas đã báo cáo trường hợp đầu tiên về biến thể Lambda của bệnh nguyên COVID-19, theo nhiều hãng thông tấn.
Theo một phát ngôn viên của bệnh viện được KHOU11 đưa tin, tính đến sáng ngày 19/07, ít nhất một bệnh nhân tại Bệnh viện Houston Methodist đã được xác nhận là bị nhiễm biến thể Lambda.
Giám đốc điều hành Bệnh viện Houston Methodist Marc Bloom đã viết trong một email gửi nhân viên, được Houston Chronicle thu được, nói rằng tính đến ngày 19/07, bệnh viện đang điều trị cho 184 bệnh nhân COVID-19, với khoảng 85% trong số họ bị nhiễm biến thể Delta.
Biến thể Lambda, được gọi là C.37, được xác định lần đầu tiên ở Peru vào năm ngoái trước khi lan rộng ra nhiều quốc gia ở Nam Mỹ. Nó đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) coi là một “biến thể được quan tâm,” trong một báo cáo gần đây đã chỉ ra rằng 81% các trường hợp COVID-19 xảy ra ở Peru kể từ tháng 04/2021 có liên quan đến Lambda.
Cho đến nay, tại Hoa Kỳ, biến thể Lambda đã lây nhiễm cho ít hơn 700 người, và một số chuyên gia tin rằng nó ít gây ra mối đe dọa hơn so với biến thể Delta, điều mà các quan chức y tế Hoa Kỳ đã lên tiếng cảnh báo.
Tiến sĩ Rochelle Walensky, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), đã nói trước một phiên điều trần của Thượng viện về phản ứng của liên bang đối với đại dịch rằng biến thể Delta đang trở nên phổ biến hơn và hiện chiếm khoảng 83% tổng số ca mắc mới theo kết quả giải trình tự gen tại Hoa Kỳ.
“Ở một số khu vực, tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn, đặc biệt là ở những khu vực có tỷ lệ chích ngừa thấp,” bà Walensky nói và cho biết thêm rằng các khu vực có “độ bao phủ vaccine hạn chế đang cho phép bùng phát và lây lan nhanh chóng của biến thể Delta vốn có khả năng lây nhiễm cao.”
Bình luận về biến thể Lambda, ông S. Wesley Long, giám đốc y tế về vi sinh chẩn đoán tại bệnh viện Houston Methodist, nói với The Washington Post rằng biến thể Lambda “không đáng lo ngại như biến thể Delta, vốn là động cơ thúc đẩy sự gia tăng ca nhiễm ở Hoa Kỳ.”
Trong khi đó CDC không đưa Lambda vào danh sách theo dõi các đột biến virus Trung Cộng, cơ quan này cho rằng Delta là một “biến thể đáng lo ngại,” và nó dễ lây truyền hơn cũng như có khả năng kháng vaccine cao hơn.
Cho đến nay, không có đột biến virus Trung Cộng nào được chỉ định là “biến thể gây hậu quả nặng nề,” thuật ngữ chỉ những biến thể có bằng chứng rõ ràng rằng các biện pháp đối phó y tế có hiệu quả giảm đáng kể so với các biến thể lưu hành trước đó.
Theo Tiến sĩ Seshadri Vasan, một nhà khoa học và trưởng dự án COVID-19 tại Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung của Úc (CSIRO), một cơ quan chính phủ, biến thể Lambda “có một tập hợp các đột biến, nhiều đột biến trong số đó dường như là đột biến trốn tránh miễn dịch—nghĩa là, cho phép virus né tránh phản ứng miễn dịch của một người.”
Ông Vasan nói thêm rằng, “Ở giai đoạn này, biến thể Lambda chắc chắn được quan tâm về cấu trúc, nhưng sẽ cần thêm bằng chứng dịch tễ học và các nghiên cứu được bình duyệt về khả năng lây nhiễm và tác động lên vaccine để xác định xem nó có phải là một biến thể đáng lo ngại hay không.”
Do Tom Ozimak thực hiện
Thu Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
(AFP) – Mưa lũ tại Trung Quốc, ít nhất 16 người chết. Các trận mưa lũ “cực kỳ nghiêm trọng” (theo lời chủ tịch Tập Cận Bình) đã khiến ít nhất 16 người chết tại Trung Quốc, đa số thiệt mạng hôm qua, 20/07/2021, trong đường hầm metro ở thành phố Trịnh Châu, cách Bắc Kinh 700 km về phía nam. Tại thành phố này lượng mưa trong ba ngày qua gần tương đương với lượng mưa bình thường của cả một năm. Trịnh Châu hiện được đặt trong tình trạng báo động đỏ, mức báo động cao nhất về khí tượng ở Trung Quốc.
(AFP) – Đức chuyển những khoản hỗ trợ tài chính đầu tiên đến nạn nhân lũ lụt. Gói cứu trợ đầu tiên, vài trăm triệu euro, đã được chính phủ của thủ tướng Merkel giải ngân ngày 21/07/2021 để giảm bớt gánh nặng cho người dân vùng bị thiên tai ở miền tây và tây nam Đức. Quá trình tái xây dựng khu vực này được cho là sẽ kéo dài và tốn kém. Đợt lũ lụt chưa từng có trong nhiều thập niên qua tại Đức đã làm ít nhất 170 người thiệt mạng, theo thống kê ngày 21/07. Nước láng giềng Bỉ cũng có hơn 31 người chết.
(AFP) – Liên Hiệp Châu Âu tăng cường chống rửa tiền. Ủy Ban Châu Âu đề xuất một quy định tập trung tất cả những hướng dẫn hiện hành, mang tính bắt buộc đối với 27 nước thành viên và lập một cơ quan giám sát châu Âu, để thay thế khung pháp chế hiện hành. Theo Ủy Ban Châu Âu, có 23 nước thành viên không áp dụng đúng đắn quy định về chống rửa tiền, để mạng lưới tội phạm lợi dụng nhiều lỗ hổng trong hệ thống, như nhiều tai tiếng gần đây liên quan đến một số ngân hàng (Danske Bank của Đan Mạch, Deutsche Bank của Đức, ING của Hà Lan hay Pilatus Bank của Malta). Còn theo Europol, số tiền bẩn lên tới 130 tỉ euro, chiếm 1% GDP của Liên Hiệp Châu Âu.
(Reuters) – Pháp và Anh tăng cường hợp tác chống nhập cư bất hợp pháp ở biên giới chung. Trên Twitter, bộ trưởng Nội Vụ Pháp Gérald Darmanin hoan nghênh một “thỏa thuận lịch sử” sau buổi họp trực tuyến với đồng nhiệm Anh Priti Patel ngày 20/07/2021. Phía Luân Đôn cam kết chi 62,7 triệu euro để chống nạn nhập cư bất hợp pháp xuyên biển Manche. Trước đó một ngày, bộ Nội Vụ Anh thông báo con số kỉ lục về số người nhập cư vượt biển Manche trong vòng một ngày, với ít nhất 430 trong ngày 19/07.
(Times of India) – Ngoại trưởng Mỹ sẽ đến Ấn Độ vào tuần tới. Trong chuyến công du hai ngày, 27 và 28/07/2021, ông Blinken có thể sẽ gặp thủ tướng Modi. Đây là chuyến thăm cấp cao nhất của Mỹ tại Ấn Độ dưới thời chính quyền Joe Biden.
(NHK) – Thế Vận Hội Tokyo 2020 bắt đầu với trận thi đấu bóng mềm và đá bóng. Hai ngày trước lễ khai mạc Thế Vận Hội Tokyo 23/07/2021, đội tuyển bóng mềm nữ của Nhật Bản đã thắng đội tuyển Úc, còn đội tuyển bóng đã nữ Trung Quốc đọ sức với đội tuyển Brazil tại Miyagi, một trong những tỉnh hiếm hoi cho phép khán giả vào sân. Theo thông báo của hoàng gia Nhật Bản ngày 20/07, chỉ một mình Nhật hoàng Naruhito đại diện hoàng gia tham dự lễ khai mạc Thế Vận Hội vào ngày 23/07. Bà Hashimoto Seiko, đứng đầu Ủy ban tổ chức Thế Vận Nhật Bản, tiếp tục khẳng định muốn tổ chức thành công Thế Vận Hội Tokyo 2020.
(Reuters) – Nhà Trắng có nhiều ca nhiễm dù đã được tiêm chủng đủ. Theo thông báo ngày 20/07 của người phát ngôn của Nhà Trắng Jen Psaki, trong số này có một quan chức cấp cao nhưng không nêu danh tính. Biến thể Delta hiện chiếm đến 80% ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ. Tuy nhiên, trong phiên điều trần ngày 20/07 tại Thượng Viện, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Anthony Fauci khẳng định các loại vac-xin được phép sử dụng tại Mỹ mang lại hiệu quả hơn 90% để tránh nhập viện phòng và ngừa trường hợp tử vong.
(Global Times) – Trung Quốc rầm rộ tập trận để dọa Mỹ. Tờ báo của đảng Cộng Sản Trung Quốc hôm nay 21/07/2021 loan tin quân đội nước này tập trận ở “tất cả các vùng biển chính của Trung Quốc”, trong bối cảnh “Mỹ liên tiếp có các hành động khiêu khích quân sự”. Tại cửa sông Châu Giang và quần đảo Vạn Sơn (Wanshan) thuộc tỉnh Quảng Đông, đã tập trận bắn đạn thật hôm thứ Ba. Thứ Sáu tuần trước, ở ngoài khơi tỉnh Chiết Giang, Phúc Kiến có cuộc tập trận đổ bộ phối hợp giữa bộ binh và hải quân ; đến Chủ nhật diễn ra cuộc tập trận đối đầu trên Biển Đông với nhiều loại chiến đấu cơ, tàu chiến, tàu ngầm và hỏa tiễn địa-không. Các cuộc tập trận cũng sẽ diễn ra tại eo biển Bột Hải và Hoàng Hải cho đến ngày 1 tháng 8. Việc giương oai diễu võ này được tờ báo cho là vì Mỹ đang đi vào “lằn ranh đỏ” của Trung Quốc.
(AFP) – Nhà đối lập Tikhanovskaia đề nghị Mỹ mạnh tay trừng phạt Belarus. Thủ lãnh đối lập Belarus đang lưu vong, bà Svetlana đề nghị Hoa Kỳ trừng phạt mạnh mẽ hơn các công ty Nhà nước Belarus, nhằm buộc tổng thống Alexandre Loukachenko phải ra đi. Đến Washington, nhà đối lập tự cho là đã thắng cử nhưng bị Loukachenko gian lận, gặp gỡ một loạt chính khách và giới thiệu cho ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken một danh sách các công ty quốc doanh trong lãnh vực dầu khí, gỗ và thép cần bị trừng phạt.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210721-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p