Tin Tổng Hợp – 21/10/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 21/10/21

Biển Đông: Philippines lại phản đối các hành vi “khiêu khích” của Trung Quốc

Bộ Ngoại Giao Philippines ngày hôm qua, 20/10/2021 lên tiếng xác nhận đã gởi công hàm ngoại giao phản đối các hành động thách thức của tàu Trung Quốc nhắm vào tàu tuần tra của Philippines. 

Ảnh tư liệu chụp ngày 15/07/2017:  Tàu tuần duyên Trung quốc hoạt động trên Biển Đông.
Ảnh tư liệu chụp ngày 15/07/2017: Tàu tuần duyên Trung quốc hoạt động trên Biển Đông. REUTERS – Reuters Staff

Trong một tin nhắn Twitter, bộ Ngoại Giao Philippines cho biết là tàu Trung Quốc sử dụng một cách “phi pháp” còi hụ, loa phóng thanh và các liên lạc vô tuyến nhắm vào tàu của Philippines vốn đang tiến hành những cuộc tuần tra “chính đáng và thường kỳ” trên các vùng biển của mình.  

Bộ Ngoại Giao Philippines nói rõ: “Các hành động khiêu khích đó đe dọa hòa bình, trật tự và an ninh trên Biển Đông, đi ngược lại các nghĩa vụ của Trung Quốc theo luật pháp quốc tế”

Theo hãng tin Anh Reuters, bộ Ngoại Giao Philippines khẳng định là đã có hơn 200 vụ sách nhiễu như vậy, nhưng không cho biết là các vụ khiêu khích đó xẩy ra vào lúc nào.  

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, Manila đã liên tiếp lên tiếng báo động và phản đối Trung Quốc về việc có hàng trăm tàu của Trung Quốc tràn vào vùng Biển Đông tại những khu vực bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, mà nổi cộm nhất là vụ hơn 200 chiếc tàu Trung Quốc tràn ngập vùng Đá Ba Đầu ở Trường Sa vào tháng 3/2021.  

Manila tố cáo đó là tàu dân quân biển, trong lúc Bắc Kinh khẳng định đó chỉ là tàu đánh cá của ngư dân Trung Quốc. Mặt khác, Bắc Kinh tiếp tục cho rằng họ có chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông, bất chấp tuyên bố trái lại của Philippines cũng như Việt Nam, Malaysia hay Brunei. 

Theo Reuters, kể từ khi ông Duterte nhậm chức vào tháng 6/2016 đến nay, Philippines đã đệ trình hơn 80 công hàm ngoại giao để phản đối Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. 

Trọng Nghĩa

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20211021-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng-philippines-ph%E1%BA%A3n-%C4%91%E1%BB%91i-trung-qu%E1%BB%91c

Đại sứ Mỹ sắp tới tại Bắc Kinh: «Không nên tin vào Trung Quốc trên vấn đề Đài Loan»

Nicholas Burns tại Ủy ban Đối ngoại Thượng Viện Mỹ trong phiên họp để phê chuẩn bổ nhiệm ông làm đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, ngày 20/10/2021, Washington.
Nicholas Burns tại Ủy ban Đối ngoại Thượng Viện Mỹ trong phiên họp để phê chuẩn bổ nhiệm ông làm đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, ngày 20/10/2021, Washington. REUTERS – ELIZABETH FRANTZ

Trong cuộc điều trần hôm qua, 20/10/2021, trước Ủy ban Ngoại giao Thượng Viện Mỹ để chuẩn y việc bổ nhiệm ông làm tân đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh, Nicholas Burns cho rằng « không nên tin vào Trung Quốc trên vấn đề Đài Loan ». Ông lên án các vụ chiến đấu cơ Trung Quốc gần đây xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Đại sứ Mỹ được bổ nhiệm đề nghị Hoa Kỳ bán thêm vũ khí cho Đài Bắc để tăng cường khả năng phòng thủ của Đài Loan.

Trong cuộc điều trần hôm qua, ông Nicholas Burns, một nhà ngoại giao kỳ cựu, từng phục vụ dưới nhiều đời tổng thống Mỹ Cộng Hòa lẫn Dân Chủ, cũng tuyên bố Trung Quốc đã là một kẻ tấn công Ấn Độ tại vùng biên giới Hymalaya, tấn công Việt Nam, Philippines và các nước khác ở vùng Biển Đông và tấn công Nhật Bản ở vùng Biển Hoa Đông.

Ông còn lên án Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa về những hành động «diệt chủng» đối với người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, những hành động bạo lực tại Tây Tạng, đàn áp các quyền tự do ở Hồng Kông.

Tuy nhiên, ông Nicholas Burns cho rằng không nên đánh giá quá cao sức mạnh của Trung Quốc. Ông kết luận: «Trung Quốc có rất ít bạn và không có những đồng minh thật sự».

Biden quan ngại về tên lửa siêu thanh của Trung Quốc

Hôm qua, tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ quan ngại về các tên lửa siêu thanh của Trung Quốc sau khi cuối tuần qua nhật báo Anh Financial Times tiết lộ là trong tháng 8 vừa qua, Bắc Kinh đã bắn thử nghiệm một tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Trung Quốc đã bác bỏ thông tin của tờ Financial Times, khẳng định họ chỉ thử nghiệm công nghệ phi thuyền tái sử dụng. Nhưng theo hãng tin Kyodo, khi được các phóng viên hỏi trước khi ông lên chuyên cơ Air Force One để bay đến bang Pennsylvania là ông có quan ngại về các tên lửa của Trung Quốc hay không, tổng thống Biden đã trả lời: «Có».

Về phần phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki, bà nói với các phóng viên là bà không bình luận về các thông tin cụ thể, nhưng tuyên bố: «Nói chung, chúng tôi đã nói rõ mối quan ngại của chúng tôi (về việc Trung Quốc phát triển các vũ khí siêu thanh)»

Thanh Phương

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211021-%C4%91%E1%BA%A1i-s%E1%BB%A9-m%E1%BB%B9-kh%C3%B4ng-n%C3%AAn-tin-v%C3%A0o-trung-qu%E1%BB%91c-tr%C3%AAn-v%E1%BA%A5n-%C4%91%E1%BB%81-%C4%91%C3%A0i-loan

Cập nhật thông tin COVID toàn cầu

Xét nghiệm COVID-19 tại một trường học ở Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc.
Xét nghiệm COVID-19 tại một trường học ở Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc.

Reuters – VOA

Miền bắc Trung Quốc: Phong tỏa thêm vì COVID

Nhiều địa phương ở miền bắc Trung Quốc áp đặt thêm các biện pháp hạn chế vì COVID trong lúc một làn sóng lây nhiễm đang dấy lên quan ngại về một đợt dịch mới rộng lớn hơn. Ba khu vực buộc phải phong tỏa, một số trường ngưng các lớp học, và một công ty không gian hoãn một dự án tên lửa.

Trung Quốc ngày 20/10 báo cáo có 13 ca nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm lên 42, tính từ ngày 16/10, theo dữ liệu của Ủy ban Y tế Quốc gia.

EU sắp quyết định về mũi tăng cường của Moderna

Thẩm quyền dược phẩm EU tuần tới sẽ loan báo kết quả duyệt xét mũi tiêm tăng cường của vaccine Moderna và bắt đầu duyệt xét thuốc chống virus molnupiravir của Merck, một quan chức cao cấp cho biết hôm 21/10.

EU không thể quyết định về vaccine Nga trong năm nay

Cơ quan thẩm quyền thuốc men EU (EMA) có phần chắc sẽ không quyết định về việc chấp thuận cho vaccine Sputnik V của Nga trước quý 1 năm sau vì một số dữ liệu cần thiết để duyệt xét vẫn còn thiếu, một nguồn tin cho hay.

“Một quyết định của EMA vào cuối năm hiện tuyệt đối không thể nào có được,” nguồn tin này nói.

Anh bổ sung GBS là phản ứng phụ của vaccine AstraZeneca

Cơ quan thẩm quyền thuốc men của Vương quốc Anh đã đưa tình trạng rối loạn thần kinh gọi là hội chứng Guillain-Barré (GBS) vào danh sách các phản ứng phụ của vaccine AstraZeneca. Quyết định được đưa ra sau khi cơ quan thẩm quyền dược phẩm châu Âu hồi tháng trước bổ sung GBS là phản ứng phụ khả dĩ của vaccine AstraZeneca.

Thụy Điển tiếp tục đình chỉ vaccine Moderna nơi người trẻ

Thụy Điển gia hạn việc đình chỉ tiêm vaccine Moderna cho những người dưới 30 tuổi vì những phản ứng phụ hiếm thấy liên hệ đến tim, cơ quan y tế công cộng cho biết ngày 21/10. Trước đó, cơ quan này tuyên bố dữ liệu cho thấy có sự gia tăng viêm cơ tim và cơ vòng quanh tim trong số những người trẻ và những thanh niên được tiêm vaccine Spikevax của Moderna, và ngưng sử dụng đối với những người sinh sau năm 1991.

Israel: Vaccine Pfizer hữu hiệu chống Delta

Vaccine của Pfizer/BioNTech hiệu nghiệm cao trong việc ngừa nhiễm COVID và ngừa bị bệnh có triệu chứng do biến thể Delta gây ra nơi những người tuổi từ 12 đến 18 tuổi, nghiên cứu tại Israel cho thấy.

Phát hiện công bố trên Tạp chí Y khoa New England sẽ có thể cung cấp thêm những đảm bảo là vaccine hữu hiệu chống lại biến thể nơi người trẻ trong lúc giới thẩm quyền dược phẩm Mỹ đang cứu xét việc cho phép sử dụng vaccine cho trẻ em từ 5 tuổi.

Pfizer báo cáo mũi tiêm thứ 3 hiệu nghiệm cao

Công ty Pfizer và đối tác Đức BioNTech ngày 21/10 nói dữ liệu từ thử nghiệm Giai đoạn III chứng tỏ tính hiệu nghiệm cao của mũi tiêm Pfizer tăng cường, chống lại virus kể cả biến thể Delta. Pfizer nói một cuộc thử nghiệm trên 10.000 người tham dự từ 16 tuổi trở lên chứng tỏ 95,6% hiệu nghiệm chống COVID, trong giai đoạn mà biến thể Delta chiếm ngự.

https://www.voatiengviet.com/a/cap-nhat-thong-tin-covid-toan-cau/6281057.html

‘Bộ Tứ’ Trung Đông chống Trung Quốc bắt đầu thành hình?

Ngoại trưởng 4 nước Hoa Kỳ, Ấn Độ, Israel và UAE đã có cuộc họp trực tuyến hôm 18/10 (ảnh: Youtube/The Print).

Thế giới đã chứng kiến sự thành hình của một Liên minh An ninh Tứ giác hay Bộ Tứ (Quad) giữa Hoa Kỳ, Ấn Độ , Nhật Bản và Úc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Giờ đây, đã có tin đồn về một tập hợp Bộ Tứ ở khu vực Trung Đông giữa Hoa Kỳ, Ấn Độ, Israel và UAE.

Ngày 18/10, Ngoại trưởng 4 nước Hoa Kỳ, Ấn Độ, Israel và UAE đã tổ chức một cuộc họp “sơ bộ” không chính thức được tổ chức qua phương thức kết hợp trực tiếp và online.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, bốn Ngoại trưởng đã thảo luận về hợp tác chính trị và kinh tế ở Trung Đông và châu Á, bao gồm các vấn đề liên quan đến thương mại, biến đổi khí hậu, hợp tác năng lượng và an ninh hàng hải.

Trao đổi với tờ The Epoch Times, Seth J. Frantzman, một nhà phân tích Trung Đông nhận định: “Mối quan hệ chặt chẽ đang nổi lên giữa Hoa Kỳ, Israel, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ấn Độ, với tư cách là một nhóm ‘Bộ Tứ’ là rất quan trọng, vì nó gắn kết các mối quan hệ chính giữa các quốc gia chia sẻ lợi ích chung, và bao phủ một khu vực rộng lớn trên thế giới”.

Chuyên gia Frantzman mô tả đây là “cuộc họp sơ bộ và mang tính đột phá” và cho biết bốn nước vốn đã có quan hệ song phương chặt chẽ và diễn đàn mới sẽ giúp họ chia sẻ các chính sách quan trọng tiềm tàng.

“Điều này có thể thông qua lĩnh vực công nghệ và thương mại, nhưng cũng có thể liên quan đến an ninh và các lợi ích khác. Bởi vì các quốc gia này cũng có quan hệ đối tác khác trong khu vực, họ có thể giúp tạo ảnh hưởng đến một mạng lưới lớn hơn gồm các quốc gia đối tác từ Đông Địa Trung Hải đến Úc và châu Á”, ông nhận định.

Các chuyên gia cho biết liên minh mới sẽ giúp duy trì sự hiện diện của Mỹ ở Trung Đông và Nam Á, sau khi nước này rút quân khỏi Afghanistan, và cũng sẽ giúp tạo ra một sự cân bằng trong khu vực chống lại Nga và Trung Quốc. 

Esra Sarim, một nhà phân tích an ninh quốc tế có trụ sở tại Pháp, chia sẻ với tờ Epoch Times: “Đội hình này được thành lập đặc biệt ngay sau thỏa thuận quốc phòng AUKUS giữa 3 nước Úc, Anh và Hoa Kỳ. Bởi vì, thông qua các thỏa thuận & liên minh này, chính quyền Mỹ sau khi rời khỏi Afghanistan có thể củng cố trục của mình và áp dụng cách tiếp cận mạnh mẽ đối với cả Nga và Trung Quốc, để duy trì vị thế/sự hiện diện của họ ở khu vực Trung Đông và Nam Á”.

Aukus được nhiều người coi là một hiệp ước nhằm chống lại Trung Quốc khi Mỹ lần đầu tiên chia sẻ công nghệ đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Úc.

Trao đổi với tờ The Epoch Times, Hamid Bahrami, một nhà phân tích trung đông có trụ sở tại Glasgow cho biết, liên minh Bộ Tứ mới là một phần trong chiến lược của Hoa Kỳ và một chiến lược lớn hơn của phương Tây, nhằm hình thành một lực lượng trải dài và thống nhất chống lại Trung Quốc.

“Thật vậy, thế giới sẽ chứng kiến ​​một trật tự thế giới mới trong thập kỷ tiếp theo”, ông nhận định, đồng thời cho biết thêm rằng diễn đàn mới và các thỏa thuận song phương khác giữa các quốc gia này cũng có ý chống lại các chương trình nghị sự lớn hơn của Trung Quốc.

Trong một phân tích trước đó trên tờ Jerusalem Post, chuyên gia Frantzman đã bổ sung Hy Lạp, Pháp, Síp, Bahrain, Ai Cập và Jordan vào danh sách “các quốc gia cùng chí hướng” như một phần mở rộng của Bộ tứ mới.

Ông chia sẻ: “Hy Lạp và Síp không có vấn đề tiêu cực nào với Trung Quốc. Tuy nhiên, Hy Lạp và Síp ngày càng thân thiết hơn với Israel trên nhiều phương diện và cũng đang hợp tác chặt chẽ với Mỹ. Hy Lạp và Síp thì đang chia sẻ quan ngại về hành vi gây hấn của Thổ Nhĩ Kỳ. Có những lý do chính đáng để Hy Lạp và Síp sẽ muốn liên kết với Ấn Độ, và họ đã có quan hệ chặt chẽ với UAE”.

Chuyên gia Sarim nói rằng, để đáp lại các thỏa thuận này, có khả năng “Iran, Pakistan, Nga, Trung Quốc và thậm chí cả Afghanistan” sẽ xúc tiến nhiều thỏa thuận kinh tế và an ninh trong thời gian tới.

Thanh Hải

https://www.dkn.tv/the-gioi/bo-tu-trung-dong-chong-trung-quoc-bat-dau-thanh-hinh.html

(Reuters) – Nghị Viện Châu Âu thông qua nghị quyết nhằm tăng cường quan hệ với Đài Loan. Hôm nay 21/10/2021 với 580 phiếu thuận, 26 phiếu chống, Nghị Viện Châu Âu vừa thông qua văn bản mở đường cho việc Bruxelles đàm phán về một thỏa thuận đầu tư toàn diện với Đài Bắc tương tự như thỏa thuận đã đạt được với Trung Quốc cuối 2020. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc mạnh mẽ chỉ trích Nghị Viện Châu Âu phá hoại « chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc ». Từ 2015 Liên Âu xem Đài Loan là một trong số 15 đối tác của Bruxelles đế tiến tới một thỏa thuận đầu tư toàn diện. Nhưng từ đó tới nay hồ sơ này hoàn toàn không tiến triển.

(AFP) – Trump lập mạng xã hội riêng. Hôm qua, 20/10/2021, cựu tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo khai trương mạng xã hội của ông, « Truth Social », sau khi bị Twitter, Facebook và YouTube « cấm cửa » từ tháng 1/2021. Ông Trump bị cáo buộc đã sử dụng các mạng xã hội này để kích động những người ủng hộ ông tấn công tòa nhà Quốc Hội Hoa Kỳ ngày 06/01, khi các nghị sĩ đang chứng nhận chiến thắng của đối thủ Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

(Reuters) – Nga điều 2 chiến đấu cơ áp tải máy bay ném bom của Mỹ ra khỏi Hắc Hải. Bộ Quốc Phòng Nga ngày 20/10/2021 xác định hai máy bay siêu thanh của Mỹ B-1B. Sự cố xảy ra vào lúc bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ, Lloyd Austin đang viếng thăm Ukraina hôm Thứ Ba 19/10/2021. Lãnh đạo Lầu năm Góc chỉ trích Nga là « một trở ngại »  cho vãn hồi hòa bình tại miền Đông Ukraina và gây bất ổn ở Biển Đen. 

(AFP) – Matxcơva chuẩn bị đóng cửa trong 11 ngày những dịch vụ «không thiết yếu» với hy vọng ngăn chận Covid-19 lây lan. Tòa đô chính Matxcơva hôm nay loan báo biện pháp này sẽ được áp dụng kể từ ngày 28/10/2021 đến 07/11/2021. Trước đó, tổng thống Vladimir Putin ban hành lệnh cho nhân viên nghỉ việc trong một tuần vào đầu tháng 11/2021. Hôm nay, trên toàn quốc có thêm hơn 36.000 ca dương tính với virus corona, và trong 24 giờ qua đã có hơn 1.000 bệnh nhân tử vong vì Covid-19.

(AFP) –  Mỹ cho phép tiêm liều tăng cường bằng vac-xin khác. Hôm 20/10/2021, Cơ quan Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ FDA đã cho phép là khi chích liều tăng cường có thể sử dụng một loại vac-xin ngừa Covid khác với loại vac-xin được tiêm lúc đầu. Đây là phương pháp mà nhiều nước đã áp dụng. FDA cũng cho phép chích liều tăng cường cho những người từ 18 tuổi trở lên mà ban đầu đã được tiêm vac-xin của hãng dược phẩm Johnson&Johnson. 

(AFP) – Thử nghiệm thận heo trên người.  Các nhà khoa học Mỹ đã ghép và cho hoạt động thành công trên người thận heo đã được biến đổi gien để không bị cơ thể người đào thải. Đây là một bước đột phá quan trọng, một niềm hy vọng cho rất nhiều người đang chờ được ghép thận. Thật ra thì thận heo không được ghép thẳng trong cơ thể, mà được nối vào các mạch máu của một bệnh nhân chết lâm sàng, mà gia đình đã cho phép tiến hành thử nghiệm. Nếu thật sự đây là một thành công, trong tương lai có thể có những con heo được nuôi chỉ để nhằm cung cấp các cơ quan nội tạng (thận, phổi, tim…) cho những bệnh nhân đang cần.

(AFP) – Ấn Độ vượt ngưỡng 1 tỷ người được tiêm chủng chống Covid-19. New Delhi ngày 21/10/2021 thông báo 75 % các công dân Ấn Độ trên 18 tuổi đã được chích ngừa, 30 % được chích đủ hai mũi. Trong hai tháng 4 và 5/2021 dịch bệnh ở trên đỉnh cao. Mỗi ngày có thêm hơn 400.000 bệnh nhân và khoảng 4.000 ca tử vong. Hiện tại số ca nhiễm mới rơi xuống còn khoảng trên dưới 15.000 mỗi ngày và hầu hết các sinh hoạt đã trở lại bình thường. 

(RFI) – Tự điển Pháp về chiến tranh Đông Dương ra mắt công chúng. Ngày 21/10/2021 nhà xuất bản Perrin cùng với bộ Quân Lực Pháp cho phát hành cuốn La Guerre d’Indochine. Dictionnaire. Đây là một tập hợp khoảng 900 bài viết, hơn 40 tác giả đề cập đến nhiều khía cạnh, từ quân sự, kỹ thuật, đến chính trị, văn hóa hay địa chính trị, kinh tế, ngoại giao trong cuộc chiến từ 1945 cho đến ngày những người lính Pháp cuối cùng đi khỏi Đông Dương năm 1956. Tự điển về chiến tranh Đông Dương này do ba nhà sử học Ivan Cadeau, François Cochet và Rémy Porte điều phối. 

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211021-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p