Tin Tổng Hợp – 20/9/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 20/9/21

Quân đội Trung Quốc lộ ‘tử huyệt’

Quân đội Trung Quốc đã vô tình để lộ “gót chân A-sin”- điểm yếu chết người của họ qua việc xây dựng các cơ sở phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới ở một vùng sa mạc nội lục và loạt nỗ lực nhằm tăng tỷ lệ sinh của đất nước, trang Nikkei cho hay. 

Ảnh chụp màn hình Soundofhope.

Trong gần 10 năm, Trung Quốc bận rộn ở Biển Đông để xây dựng các đảo nhân tạo, triển khai thiết bị radar và tên lửa để ngăn chặn máy bay và tàu quân sự nước ngoài tiếp cận khu vực này, và cuối cùng là triển khai tàu ngầm hạt nhân chiến lược có khả năng phóng tên lửa đạn đạo.

Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm là một loại vũ khí tối tân. Chúng cho phép các nước tránh bị đặt vào thế bất lợi vì tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm có thể ở lại vùng nước sâu, giữ chân kẻ thù cho đến phút cuối cùng.

Tại sao Trung Quốc lại gấp rút xây dựng các căn cứ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới ở các vùng sa mạc nội địa? Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân nằm ở chỗ mặc dù Trung Quốc đã quân sự hóa một số vùng biển tranh chấp ở Biển Đông và triển khai Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, nhưng Trung Quốc không còn tự tin có thể bảo vệ khu vực này nếu xung đột phát sinh. 

Vào tháng 1/2018, một tàu ngầm Trung Quốc đã có phen nhục nhã khi để lộ khiếm khuyết của nó. Chiếc tàu ngầm đang di chuyển dưới đáy biển ở khu vực tiếp giáp quần đảo Senkaku trên biển Hoa Đông đã nhanh chóng bị Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản phát hiện. Nó nhanh chóng nổi lên và không ngần ngại giương cao lá cờ Trung Quốc như một hành động giương cờ trắng đầu hàng, có thể do thủy thủ đoàn sợ rằng tàu của họ có thể bị tấn công bởi các bom chìm. Theo luật pháp quốc tế, phía Nhật Bản có thể coi tàu ngầm Trung Quốc này đã xâm nhập lãnh hải Nhật Bản và có thể có phản ứng thích đáng.

Các đời chính phủ ĐCSTQ đã dành một phần tư thế kỷ qua để tăng chi tiêu quân sự và tổ chức các cuộc duyệt binh. Nhưng tên lửa và xe tăng chỉ là một thành phần của sức mạnh quân sự. Ngoài ra còn có những yếu tố khác, trong đó có tinh thần của binh sĩ.

Trung Quốc đang thực hiện chương trình đóng tàu sân bay, nhưng một cựu quan chức Bộ quốc phòng Nhật Bản dự đoán hàng không mẫu hạm Trung Quốc sẽ không rời cảng quân sự trong các cuộc xung đột vì lo sợ chúng có thể bị tấn công và đánh chìm. Một số người tin rằng tinh thần thấp của binh lính Trung Quốc là do chính sách một con đã khiến quân đội nước này trở thành “đội quân con một” hàng đầu thế giới. 

Một nhà phân tích quân sự của Nhật Bản cho biết: Hơn 70% binh lính Trung Quốc là “con một” và phần còn lại là con thứ hai. Do đó, các bậc cha mẹ không muốn thấy con mình chết sớm hơn họ. Các bậc cha mẹ chỉ có một con càng cảm thấy điều đó rõ hơn nữa.

Vào ngày 1/8, Trung Quốc ban hành luật bảo vệ quyền và lợi ích của quân nhân. Nỗ lực tuyệt vọng nhằm cải thiện bề dày của sự nghiệp quân sự có thể là một dấu hiệu cho thấy quân đội đã không thể xoay chuyển các nỗ lực tuyển binh của mình, đặc biệt là trong bối cảnh tỷ lệ sinh đang giảm của đất nước. 

Trung Quốc đã tăng cường triển khai chiến hạm và máy bay chiến đấu từ vài năm trước, nhưng dường như họ không thể đào tạo đủ binh sĩ để bảo dưỡng và sửa chữa những vũ khí phần cứng công nghệ cao. Đây là một phần lý do tại sao quân đội Trung Quốc trong những năm gần đây đã phụ thuộc nhiều hơn vào máy bay không người lái và tên lửa đạn đạo. Số lượng tên lửa đạn đạo mà Trung Quốc triển khai đã tăng lên vài nghìn. 

Một trong những học thuyết quân sự của Quân đội Trung Quốc không được nhiều người biết đến, nói rằng: “Trong trận chiến ban đầu, hãy phóng một số lượng lớn tên lửa và sau đó ngay lập tức rời chiến tuyến”.

Trong vài năm qua, Trung Quốc đã gấp rút bổ sung thêm nhiều máy bay chiến đấu, tàu nổi và tàu ngầm, cũng như máy bay không người lái. Chiến lược này sẽ tiếp tục, đặc biệt là khi quân đội không thể đảm bảo đủ binh lính. 

Để bảo vệ mình trước các cuộc tấn công của Trung Quốc, các nước trong khu vực đã nghĩ đến việc tăng cường các biện pháp giảm thiểu thiệt hại, trong đó có việc phát triển pháo công nghệ phóng đạn với tốc độ cực cao, có thể chống lại dàn tên lửa của Trung Quốc.

Triệu Hằng

https://www.dkn.tv/the-gioi/quan-doi-trung-quoc-lo-tu-huyet.html

Liên minh AUKUS: Trung Quốc đổi kế hoạch dự Đại hội đồng LHQ

Theo thông báo của phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 20/09/2021, chủ tịch Tập Cận Bình sẽ phát biểu qua video trong ngày khai mạc Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc 21/09/2021, thay vì cử một giới chức cao cấp đến New York theo dự trù ban đầu. Theo giới phân tích, có lẽ liên minh quân sự Anh – Mỹ – Úc (AUKUS) đã khiến Trung Quốc thay đổi kế hoạch.

Thông tín viên đài RFI tại New York Carrie Nooten giải thích về tầm mức quan trọng của sự thay đổi vào giờ chót từ phía Bắc Kinh:

Một thành viên đội bảo vệ danh dự đi ngang qua tấm áp phích in hình chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, gần lối vào Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh, ngày 18/09/2021.
Một thành viên đội bảo vệ danh dự đi ngang qua tấm áp phích in hình chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, gần lối vào Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh, ngày 18/09/2021. AP – Mark Schiefelbein

«Lẽ ra Trung Quốc chỉ phát biểu vào Thứ Bảy tới đây trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, thế nhưng khi chọn giải pháp để chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu qua video, Bắc Kinh đốt cháy giai đoạn đến 4 ngày trong lịch làm việc của Liên Hiệp Quốc. Như vậy, lãnh đạo Trung Quốc sẽ phát biểu ngay trong ngày đầu tiên, tức là ngày mai.

Cần biết rằng, tại Liên Hiệp Quốc, thứ tự đại diện của 193 thành viên phát biểu được quy định tùy theo cấp bậc. Một vị nguyên thủ quốc gia được ưu tiên phát biểu trước một vị thủ tướng và thủ tướng thì được quyền phát biểu trước một vị bộ trưởng. Cho nên chủ tịch Tập Cận Bình sẽ lên tiếng cùng ngày với tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và như vậy có thể trực tiếp đáp lời lãnh đạo Nhà Trắng.

Có rất nhiều khả năng Bắc Kinh đã quyết định thay đổi chương trình để phản đối liên minh Anh – Mỹ – Úc (AUKUS). Chính hiệp ước an ninh này đang khiến Paris phẫn nộ. Đương nhiên, Trung Quốc không phản đối vì những lý do tương tự như Pháp. Rất có thể Bắc Kinh phản đối chiến lược của Hoa Kỳ trong vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương và lên án một khối gồm 3 nước phương Tây chống lại Trung Quốc. Qua hành động này, Bắc Kinh đưa công luận trở lại với vấn đề cơ bản, vào lúc mà từ nhiều ngày qua mọi người chỉ chú ý đến khủng hoảng giữa Pháp với Hoa Kỳ chung quanh hợp đồng bán tàu ngầm cho Úc».

Thanh Hà

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210920-li%C3%AAn-minh-aukus-trung-qu%E1%BB%91c-%C4%91%E1%BB%95i-k%E1%BA%BF-ho%E1%BA%A1ch-d%E1%BB%B1-%C4%91%E1%BA%A1i-h%E1%BB%99i-%C4%91%E1%BB%93ng-lhq

Người giàu nhất Tân Cương mua vạn ha đất trong căn cứ không quân Mỹ, các nhà lập pháp lo ngại

Ảnh tổng hợp.

Người giàu nhất Tân Cương và là một doanh nhân nổi tiếng của Trung Quốc, đã mua hàng vạn ha đất cạnh Căn cứ Không quân Hoa Kỳ ở Texas. Một số nhà lập pháp Hoa Kỳ lo ngại rằng điều này sẽ đe dọa an ninh quốc gia, theo tờ New York Post.

Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông Texas, Tôn Quảng Tín, “người giàu nhất Tân Cương” từng phục vụ trong quân đội Trung Quốc đã mua 140.000 ha đất ở khu vực The Devils của Texas kể từ năm 2016. Đây là nơi tọa lạc của Căn cứ Không quân Laughlin (Laughlin Air Force Base). Tạp chí Forbes ước tính giá trị thị trường của khu đất này vào khoảng 110 triệu đô-la Mỹ.

Trao đổi với CNBC, Thượng nghị sĩ bang Texas Donna Campbell cho rằng: “Điều này trông giống như một con ngựa thành Troy, nếu một quốc gia thù địch xâm phạm cơ sở hạ tầng của chúng tôi, thì đó có thể là thảm họa”.

Theo nhiều phương tiện truyền thông đưa tin, ông Tôn Quảng Tín sinh ra ở Urumqi, Tân Cương vào năm 1962. Ông hiện là chủ tịch của Tập đoàn đầu tư công nghiệp Guanghui. Ông tốt nghiệp trường Cao đẳng Lục quân Tây An và có bằng EMBA của Đại học Thiên Tân. Ông tham gia chiến tranh biên giới Trung-Việt năm 1979 và được thăng quân hàm đại úy. Ông ta hiện có nhiều chức danh trong ĐCSTQ.

Tạp chí Forbes gọi ông là “tỷ phú bí ẩn” với tài sản ròng ước tính 2,1 tỷ USD, đứng thứ 1.750 trên thế giới và thứ 293 ở Trung Quốc.

Những người đầu tiên chú ý đến việc mua lại là những người ủng hộ môi trường địa phương, họ lo ngại rằng dự án thu hồi đất và việc thành lập các trang trại gió sẽ có tác động tiêu cực đến sinh thái địa phương. Nó nhanh chóng mở rộng sang mối quan tâm về các vấn đề an ninh quốc gia tại Căn cứ Không quân và Lưới điện Texas. Sau đó, nó khơi dậy sự chú ý của giới chính trị.

Từ năm ngoái, các nhà lập pháp của bang Texas và liên bang đã bày tỏ quan điểm của mình với giới truyền thông, yêu cầu chính phủ điều tra dự án đầu tư. Họ lo lắng rằng các cơ sở năng lượng gió có thể “thu thập thông tin tình báo quân sự” và có thể phát động “các cuộc tấn công mạng” hoặc “cắt nguồn cung cấp điện” bằng cách kết nối với lưới điện Texas.

Thượng nghị sĩ Texas Ted Cruz từng viết thư cho cựu Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin để bày tỏ quan ngại của ông và yêu cầu Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS) điều tra “những rủi ro tiềm ẩn về an ninh quốc gia”. Cuối năm ngoái, dự án đã vượt qua cuộc điều tra của chính phủ liên bang và được chấp thuận.

Vào tháng 6 năm nay, khi Thống đốc Texas Greg Abbott ký Đạo luật Bảo vệ Cơ sở hạ tầng Lone Star, đạo luật này ngăn cản người nước ngoài từ “các quốc gia thù địch” như Trung Quốc, Nga, Triều Tiên và Iran  truy cập vào cơ sở hạ tầng quan trọng như lưới điện Texas. 

Thượng nghị sĩ Donna Campbell cho biết luật là một phản ứng trực tiếp đối với kế hoạch trang trại gió của Tôn Quảng Tín. Bất chấp phản ứng dữ dội, tỷ phú Tôn cho biết hiện ông có kế hoạch cho các công ty khác thuê đất của mình để họ có thể vận hành trang trại gió.

Thanh Hải

https://www.dkn.tv/the-gioi/nguoi-giau-nhat-tan-cuong-mua-van-ha-dat-trong-can-cu-khong-quan-my-cac-nha-lap-phap-lo-ngai.html

Mỹ sẽ cho nhập cảnh du khách quốc tế đã tiêm chủng

Reuters – Hoa Kỳ tháng 11 này sẽ tái mở cửa cho du khách đáp máy bay từ Trung Quốc, Ấn Độ, Anh và nhiều nước châu Âu khác đã chích ngừa đầy đủ chống COVID-19, Tòa Bạch Ốc loan báo ngày 20/9, rút lại những hạn chế khắc nghiệt về du hành liên quan đến đại dịch áp dụng từ đầu năm ngoái.

Điều phối viên đáp ứng COVID của Tòa Bạch Ốc, Jeff Zients,
Điều phối viên đáp ứng COVID của Tòa Bạch Ốc, Jeff Zients,

Quyết định do điều phối viên đáp ứng COVID của Tòa Bạch Ốc, Jeff Zients, loan báo đánh dấu một sự thay đổi thình lình về chính sách của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Mới tuần trước, Mỹ nói chưa tới lúc để gỡ bỏ bất cứ hạn chế nào. Những hạn chế này đã ngăn hàng chục ngàn người nước ngoài đến Mỹ để thăm thân nhân hay làm việc.

Lệnh cấm nhập cảnh những ai không phải là công dân Mỹ được áp đặt đầu tiên đối với các hành khách tới từ Trung Quốc hồi tháng 1/2020 bởi cựu Tổng thống Donald Trump và sau đó nới rộng sang các nước khác trong các tháng tiếp theo.

Hoa Kỳ sẽ cho nhập cảnh du khách đã tiêm chủng hoàn toàn từ 26 nước Schengen ở châu Âu gồm Pháp, Đức, Ý, Tân Ban Nha, Thụy Sĩ và Hy Lạp, cũng như Anh, Ireland, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, Iran và Brazil. Chính sách hiện hành cấm nhập cảnh những ai không phải công dân Mỹ có mặt tại những nước này trong vòng 14 ngày.

Ông Zients không cho biết chính xác thời điểm dỡ bỏ lệnh cấm cụ thể là ngày nào, chỉ nói là đầu tháng 11.

Chính sách mới được loan báo trước khi Mỹ tiếp các nhà lãnh đạo Anh, Ấn Độ, Nhật và Úc tại Tòa Bạch Ốc trong tuần này.

Người Mỹ từ nước ngoài trở về mà chưa tiêm chủng sẽ phải trưng bằng chứng xét nghiệm âm tính COVID-19 trong vòng một ngày lên đường và bằng chứng đã mua một bộ xét nghiệm virus để thử COVID khi đặt chân tới Mỹ.

Các nước trong đại dịch đã áp đặt nhiều biện pháp hạn chế và lệnh cấm du hành bằng đường hàng không để cản đà sự lây lan của COVID. Các chính sách này làm tổn hại ngành hàng không, du lịch khiến ngành hàng không cắt giảm hàng loạt các dịch vụ và cho nhân viên nghỉ việc.

Anh và Đức đã lên tiếng hoan nghênh quyết định nới lỏng của Mỹ mà họ nói là sẽ giúp phát huy giao tiếp giữa người với người và thúc đẩy kinh doanh xuyên biên giới.

Loại vaccine nào?

Tòa Bạch Ốc cho hay Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) sẽ quyết định loại vaccine nào đáp ứng yêu cầu nhập cảnh Mỹ, trong đó có việc liệu những ai đã tiêm các loại vaccine không được giới thẩm quyền y tế Mỹ chấp thuận thì có được nhập cảnh Mỹ hay không. Công dân nước ngoài sẽ phải trưng bằng chứng tiêm chủng trước khi lên máy bay và khi tới Mỹ sẽ không bị yêu cầu cách ly.

Sẽ có một số ngoại lệ về chính sách vaccine, các giới chức nói, bao gồm ngoại lệ cho trẻ em chưa đủ điều kiện tiêm chủng. Quy định mới chưa áp dụng cho du khách vào Mỹ theo đường bộ qua biên giới Mexico và Canada.

Một số nước châu Âu và các nước khác trên danh sách hạn chế đã được đến Mỹ bao gồm sinh viên, nhà báo và những người khác được phép của Bộ Ngoại giao.

Ông Zients cho hay Mỹ một lần nữa gia hạn những hạn chế cấm du hành không cần thiết cho đến ngày 21/10.

Những người chỉ trích cho rằng hạn chế du hành không còn ý nghĩa vì một số nước có tỉ lệ COVID cao không còn trong danh sách hạn chế trong khi một số nước trên danh sách đã kiểm soát được đại dịch.

Hiệp hội du hành Mỹ từng ước tính là các lệnh hạn chế nếu kéo dài đến cuối năm nay sẽ làm thiệt hại cho kinh tế Mỹ 325 tỉ đô la và làm mất 1,1 triệu việc làm.

Các hãng hàng không tích cực vận động Tòa Bạch Ốc gỡ bỏ những hạn chế, nhưng nỗ lực bất thành trong mùa du lịch hè. Tòa Bạch Ốc vào tháng 7 nói họ quan ngại về biến thể Delta lây nhiễm cao và số ca nhiễm COVID-19 gia tăng tại Mỹ.

Ông Zients cho biết hệ thống mới sẽ bao gồm thu thập dữ liệu truy vết tiếp xúc từ hành khách đến Mỹ.

Kể từ khi đại dịch COVID bùng ra, Trung Quốc và Mỹ đã lời qua tiếng lại về các dịch vụ hàng không.

Tổng thống Biden vào tháng 4 bổ sung các hạn chế du hành mới đối với Ấn Độ. Ông Biden cũng đảo ngược kế hoạch của ông Trump vào tháng Giêng gỡ bỏ những hạn chế đối với các nước châu Âu.

https://www.voatiengviet.com/a/my-se-cho-nhap-canh-du-khach-quoc-te-da-tiem-chung/6236896.html

(Reuters) – Ngoại trưởng Liên Âu họp bàn về khủng hoảng giữa Pháp và Úc. Ủy Ban Châu Âu ngày 20/09/2021 thông báo ngoại trưởng 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu họp lại trong ngày để xem xét những bước kế tiếp về kế hoạch thiết lập vùng tự do mậu dịch Âu-Úc. Đây là dư âm từ vụ Canberra hủy hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp. Vòng đàm phán sắp tới về hiệp định tự do mậu dịch Úc và Liên Âu dự trù diễn ra vào tháng 10/2021.

(AFP) – Nga: Thảm sát tại trường đại học, ít nhất 8 người chết. Một sinh viên đã bắn chết 8 người và làm ít nhất 28 người bị thương trong vụ xả súng hôm nay, 20/09/2021, tại trường đại học công Perm, thành phố Oural, miền trung nước Nga. Các hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy một thanh niên mặc đồ màu đen, đội nón, nổ súng vào những người xung quanh trong sân trường. Sau khi đấu súng với cảnh sát, thủ phạm bị thương và được đưa vào bệnh viện. Hiện chưa rõ động cơ của đương sự. 

(AFP) – Võ sĩ quyền Anh ứng cử tổng thống Philippines. Võ sĩ quyền Anh nổi tiếng Manny Pacquiao, 42 tuổi, hôm 19/09/2021 loan báo sẽ ra tranh cử trong kỳ bầu cử tổng thống Philippines tháng 5/2022. Là võ sĩ duy nhất giành được chức vô địch thế giới trong 8 hạng cân khác nhau, « Pac Man » là niềm hãnh diện của người Philippines. Từng là trẻ em bụi đời, Pacquiao trở thành tay đấm chuyên nghiệp từ tháng Giêng 1995 nhờ học bổng 1.000 peso (19 euro), và nay đã có tài sản lên đến trên 500 triệu đô la. Cho đến gần đây, võ sĩ này vẫn ủng hộ ông Duterte trong cuộc chiến chống ma túy.

(AFP) – Indonesia: Thủ lãnh một nhóm khủng bố liên quan đến IS bị tiêu diệt. Cảnh sát Indonesia hôm 19/09/2021 loan báo Ali Kalora, người đứng đầu nhóm thánh chiến MIT, đã bị bắn chết trong một khu rừng trên đảo Célèbes cùng với một thành viên khác. Nhóm này nằm trong số vài chục nhóm cực đoan tại Đông Nam Á tuyên thệ trung thành với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (IS, Daech). Quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới đã tung ra chiến dịch truy quét các nhóm thánh chiến sau một loạt vụ khủng bố, đặc biệt là vụ tấn công ở Bali năm 2002 làm hơn 200 người thiệt mạng.

(Reuters) – Bắc Triều Tiên “chê” tên lửa phóng đi từ tàu ngầm của Hàn Quốc. Một cơ quan tham vấn quân sự Bắc Triều Tiên ngày 20/09/2021 cho rằng tên lửa đạn đạo phóng đi từ tàu ngầm mà Hàn Quốc vừa thử nghiệm gần đây là loại vũ khí “vụng về” và “thô sơ”, nhưng cảnh báo sự phát triển của tên lửa đó sẽ khiến quan hệ Liên Triều thêm căng thẳng. Jang Chang Ha, giám đốc Học Viện Khoa Học Quốc Phòng, một trung tâm phát triển và mua sắm vũ khí của chế độ Bình Nhưỡng, cho rằng các bức ảnh được công bố về tên lửa mới nhất của Hàn Quốc cho thấy đó là một loại vũ khí “cẩu thả”, thậm chí không có hình dạng của tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM).

(AFP) – Thị trường tài chính Hồng Kông mất giá giá vì tập đoàn địa ốc Evergrande. Trong phiên giao dịch hôm 20/09/2021, chỉ số chứng khoán Hồng Kông giảm hơn 3 %, riêng cổ phiếu của Evergrand mất thêm 17 %. Đại tập đoàn địa ốc này đang ngồi trên một núi nợ hơn 300 tỷ đô la và có nguy cơ mất khả năng thanh toán.  

(AFP) – Vac-xin Pfizer/BioNTech hiệu quả cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Cơ quan dược phẩm của Đức hôm 20/09/2021 thông báo kết quả thử nghiệm cho thấy trẻ em từ 5 đến 11 tuổi “chịu” được vac-xin của Pfizer. Hiệu quả tương tự như đã được ghi nhận nơi các đối tượng trong độ tuổi từ 16 đến 25. Phizer/BioNTech cho biết đang đang chuẩn bị công bố kết quả nghiên cứu này “càng sớm càng tốt”.

(Reuters) – Canada bầu cử Quốc Hội trước thời hạn. Thủ tướng Trudeau có thể mất đa số tuyệt đối. Ngày 20/09/2022, khoảng 27 triệu cử tri Canada được kêu gọi bầu lại Quốc Hội. Theo các kết quả thăm dò, thủ tướng mãn nhiệm Justin Trudeau có hy vọng tái đắc cử, nhưng đảng Tự Do của ông sẽ mất đa số tuyệt đối. Đảng này đang bị đảng Bảo Thủ theo sát nút trong các thăm dò.

(AFP) – Chiến tranh Algeri: Tổng thống Macron xin lỗi và hứa đền bù cho các cựu chiến binh Algeri từng chiến đấu trong hàng ngũ quân đội Pháp. Tiếp khoảng 300 cựu chiến binh Algeri tại điện Elysée vào sáng nay 20/09/2021, nhân danh nước Pháp, Emmanuel Macron đã “bày tỏ sự biết ơn” đối với những người này và lên tiếng xin lỗi về trách nhiệm của nước Pháp đối với những người từng hỗ trợ quân đội Pháp trong cuộc chiến Algeri. Lời lẽ này được đưa ra vào lúc Paris chuẩn bị kỷ niệm 60 năm Algeri giành được độc lập. Trong cuộc chiến từ năm 1954-1962, số binh sĩ Algeri phục vụ quân đội Pháp (Harki), có lúc lên tới 200.000 người. Sau chiến tranh, một số người đã bị bỏ rơi tại Algeri và phải trả giá đắt ngay trên quê hương họ. 

(RFI) – Pháp tổ chức lại chiến dịch quân sự chống khủng bố tại Châu Phi. Bộ trưởng Quân Lực Pháp công du hai nước châu Phi Niger và Mali trong hai ngày 19 và 20/09/2021 chuẩn bị cho kế hoạch bố trí lại lực lượng chống khủng bố trong vùng sa mạc Sahara. Căng thẳng gia tăng do chính phủ lâm thời tại Mali có ý định tuyển dụng 1.000 lính đánh thuê từ tập đoàn bán quân sự Wagner của Nga. Bộ trưởng Parly nhấn mạnh « Pháp không cộng tác với lính đánh thuê ». Từ nay đến cuối năm, lính Pháp sẽ rút khỏi căn cứ quân sự Kidal, Tessalit và Tombouctou, miền bắc Mali, nhưng đổi lại, Paris dự trù tăng cường sự hiện diện của quân đội Pháp tại Niger trong những tháng tới, tiếp tục mục tiêu chống khủng bố tại châu Phi.

(AFP) – Núi lửa thức giấc, 5.000 dân Canaria sơ tán. Núi lửa tại đảo La Palma, thuộc quần đảo tự trị Canaria của Tây Ban Nha, sáng nay 20/09/2021 tiếp tục phun trào, dung nham phá hủy nhiều căn nhà và tràn dần ra phía biển. Chính quyền cho biết 5.000 người dân đã được sơ tán từ hôm Chủ nhật.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210920-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p