Tin Tổng Hợp – 20/11/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 20/11/21

Bị áp lực quốc tế, Trung Quốc để sao tennis Bành Súy “xuất hiện” trên mạng xã hội

Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ, Pháp, Hiệp hội Quần vợt Nữ (WTA) gần như cùng lúc lên tiếng về vụ tay vợt nữ Trung Quốc Bành Súy (Peng Shuai) « bặt vô âm tín » từ gần ba tuần nay sau khi tố cáo bị cựu phó thủ tướng Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli) ép quan hệ tình dục và làm người tình của ông. Như để trấn an công luận, truyền thông trực thuộc Nhà nước Trung Quốc bỗng liên tục đưa tin Bành Súy «an toàn»«sớm» trở lại với công chúng.

Trên Twitter ngày 19/11/2021, tài khoản Shen Shiwei, được Twitter gán nhãn «cơ quan truyền thông trực thuộc Nhà nước Trung Quốc», đăng bình luận «khoảnh khắc vừa được đăng trên tài khoản WeChat của Bành Súy với 3 bức ảnh mới nhất và nói «Cuối tuần vui vẻ». Bạn của cô đã chia sẻ ba bức ảnh và ảnh chụp màn hình các khoảnh khắc trên WeChat của Bành».

Tuy nhiên, cả ba bức ảnh tay vợt 35 tuổi tươi cười chụp với mèo cưng hay với thú bông không có thông tin ngày chụp. Còn theo Reuters, tổng biên tập Hồ Tích Tiến của Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times) khẳng định ngày 20/11 rằng Bành Súy ở nhà riêng «tự do» và sẽ «sớm» xuất hiện trước công chúng.

Những thông tin này như xác nhận việc Bành Súy đang bị «giam lỏng». Việc công bố ba tấm ảnh như nhằm xoa dịu công luận quốc tế và giới quần vợt nhà nghề lo ngại cho số phận của Bành Súy.

Cộng đồng quốc tế yêu cầu «bằng chứng thực» về sức khỏe của Bành Súy

Ngày 19/11, cả Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ đều yêu cầu Trung Quốc đưa ra «bằng chứng thực» về an toàn của nhà vô địch đánh đôi giải Wimbledon 2013. Cao Ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, thông qua phát ngôn viên Liz Throssell, nhấn mạnh rằng «có được bằng chứng về nơi Bành Súy đang sống và tình trạng sức khỏe của cô» là việc «quan trọng». Còn phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Hoa Kỳ «rất quan ngại» về số phận của tay vợt nữ Trung Quốc. 

Tương tự, bộ Ngoại Giao Pháp bày tỏ «quan ngại về việc thiếu thông tin về tình hình của tay vợt nữ Bành Súy». Bà Roxana Maracineanu, bộ trưởng Thể Thao, nhắc lại Pháp luôn chú tâm đến việc tôn trọng nhân quyền và theo dõi sát sao hồ sơ này «cùng với các tổ chức quần vợt có thẩm quyền và bộ Ngoại Giao».

Liên Hiệp Quốc còn yêu cầu «tiến hành một cuộc điều tra minh bạch về những cáo buộc tấn công tình dục». Trước đó, để phản đối Trung Quốc vi phạm nhân quyền, tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết đang «cân nhắc» việc tẩy chay về mặt ngoại giao Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh diễn ra vào tháng 02/2022.

Về phản ứng của giới quần vợt nhà nghề, ngày 18/11, ông Steve Simon, tổng giám đốc Hiệp hội Quần vợt Nữ (WTA) tuyên bố sẵn sàng hủy các trận thi đấu được tổ chức ở Trung Quốc nếu không tìm thấy Bành Súy và những cáo buộc của cô không được điều tra thích đáng. WTA «sẽ chấp nhập mọi hệ quả liên quan đến một quyết định như vậy» vì theo AFP, Trung Quốc là một trong những đối tác quan trọng của WTA trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.

Từ nhiều ngày nay, hasgtag WhereIsPengShuai (Bành Súy ở đâu) được phổ biến rộng rãi trên mạng xã hội. Trước khi «mất tích», Bành Súy tố cáo trên tài khoản Weibo ngày 02/11 là đã bị cựu phó thủ tướng Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli), một trong 7 chính trị gia có sức ảnh hưởng nhất Trung Quốc từ năm 2013-2018, cưỡng ép quan hệ tình dục và sau đó biến cô thành người tình. Tin nhắn đã bị xóa đi ngay lập tức, chỉ khoảng 30 phút sau đó.

Thu Hằng

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20211120-quoc-te-gay-ap-luc-voi-trung-quoc-ve-banh-suy

Điều tra của BBC về thảm cảnh 400 lao động VN do công ty TQ đưa sang Serbia

Khu ở của người Việt trong công ty của Trung Quốc ở Serbia
Chụp lại hình ảnh, Chỗ ở của công nhân Việt Nam trong công ty của Trung Quốc ở Serbia

BBC tiếng Serbia ngày 18/11 có bài phóng sự nói về “thảm cảnh” của hàng trăm lao động Việt Nam.

Hộ chiếu bị tịch thu, lạnh, giường không có đệm, căng thẳng và bầu không khí ngột ngạt. Đó là câu chuyện về điều kiện sống và làm việc của hàng trăm người Việt ở thành phố Zrenjanin, Serbia.

Nó đặt ra câu hỏi về quyền lợi của người lao động các nước, cũng như thái độ của các nhà đầu tư nước ngoài đối với người lao động trên đất nước Serbia.

Khoảng 400 công nhân Việt Nam đã đến Serbia vào mùa xuân để tham gia dự án xây dựng nhà máy mới sản xuất lốp ô tô của công ty Linglong thuộc Trung Quốc.

“Kể từ khi chúng tôi đến đây, không có gì tốt đẹp,” một trong số những công nhân Việt Nam nói với đài tuyền hình N1.

“Mọi thứ đều khác với trong hợp đồng chúng tôi đã ký ở Việt Nam – cuộc sống rất tồi tệ, đồ ăn thức uống, thuốc, mọi thứ đều rất tồi tệ,” người công nhân này nói thêm.

Từ đầu năm 2021, Serbia đã cấp hơn 18.000 giấy phép cho lao động nước ngoài do thiếu lao động trong nước, theo số liệu từ Dịch vụ Việc làm Quốc gia.

Hầu hết họ đến một cách có tổ chức, thông qua các cơ quan trung gian hoặc công ty tuyển dụng họ – nhưng do “khoảng cách pháp lý” và sự mâu thuẫn trong các quy định, việc kiểm soát điều kiện sống và làm việc của họ rất hiếm khi được thanh tra Serbia thực thi.

Điều kiện sinh sống của công nhân Việt Nam đã được âm thầm nói đến ở Zrenjanin trong những tháng gần đây, nhưng chỉ đến khi các nhà hoạt động của các tổ chức phi chính phủ “Astra”, “A1” và các nhà báo đến thăm khu trại nơi họ sinh sống, người ta mới nhận thức rõ rằng tình hình rất nghiêm trọng.

“Chỉ có hai nhà vệ sinh trong tòa nhà, giường không có đệm, và phân rơi vãi cách nơi ở khoảng chục mét,” thông báo của các tổ chức này cho hay.

Họ cũng cho biết hộ chiếu lao động bị tịch thu ngay khi đến Serbia, điều này “cho thấy khả năng buôn người vì mục đích bóc lột sức lao động.”

Sau đó, nhân viên an ninh tư nhân xuất hiện gần khu trại, chặn các nhà báo và nhà hoạt động tiếp cận công nhân.

Các nhà hoạt động đã cố gắng đưa một trong số những người tố giác ra khỏi nhà máy, nhưng bị các nhân viên an ninh ở đây ngăn chặn, vì vậy một sự cố đã xảy ra hôm thứ Tư (17/11).

Hristina Piskulidis của Astra, một tổ chức chống buôn người, nói với BBC: “Anh ấy hiện được chăm sóc, ở trong chỗ ở an toàn.”

Linglong phủ nhận mọi cáo buộc và nói rằng công nhân Việt Nam không phải do họ tuyển dụng mà là của nhà thầu.

Thủ tướng Serbia, Ana Brnabić, tuyên bố rằng công tác thanh tra lao động đang được tiến hành và đã ra lệnh chuyển công nhân ra khỏi chỗ này để họ có điều kiện tốt hơn.

Lao động Việt ở Serbia

Điều gì đang diễn ra ở Zrenjanin?

Một số phương tiện truyền thông Serbia đưa tin hôm thứ Tư (17/11) rằng các công nhân Việt Nam đã được di chuyển khỏi khu trại.

Tuy nhiên, các nhà hoạt động ngay lập tức lên tiếng phủ nhận.

Hristina Piskulidis, người của Astra, tổ chức chống buôn người nói rằng: “Tin giả đó và việc các cơ quan im lặng chỉ là hình thức câu giờ để đưa ra giải pháp thích hợp cho toàn bộ tình hình.”

Cô cũng không biết tình hình sẽ tiếp diễn như thế nào và liệu công nhân có được di dời sớm hay không.

Theo Cảnh sát Zrenjanin, có 402 công nhân Việt Nam trong khu trại, trong đó 35 người cư trú hợp pháp tại Serbia, theo tin của Deutsche Welle. Những người khác đến theo diện thị thực lao động.

Họ làm việc theo hợp đồng với China Energy Engineering Group Tianjin Electric Power Construction Co. LTD, chi nhánh tại Belgrade, do Linglong thuê.

Khi đến Serbia, họ phải giao hộ chiếu cho chủ vì họ được thông báo rằng đây là thông lệ đối với công dân nước ngoài, các nhà hoạt động cho biết.

Văn phòng Công tố cấp cao ở Zrenjanin nói với BBC tiếng Serbia rằng họ đã gửi yêu cầu cảnh sát thu thập thông tin về những nghi ngờ về việc “tồn tại bóc lột lao động và tiềm ẩn buôn người trong nhà máy Linglong”.

“Tôi e rằng mọi thứ đang chỉ dấu rằng có một thỏa thuận nào đó (giữa chính phủ Serbia và công ty), nhưng tôi mong chính phủ chứng minh điều đó là không đúng”, Danilo Ćurčić từ tổ chức “A1” nói với BBC tiếng Serbia.

Lao động Việt ở Serbia

Công nhân và công ty nói gì?

Phần lớn công nhân Việt Nam ở đây không biết tiếng Anh nên họ không trả lời phỏng vấn nhiều. Việt Nam hiện chưa có đại sứ quán tại Serbia.

Tuy nhiên, một trong số những người biết tiếng Anh đã nói với các phóng viên hôm thứ Tư.

Người này cho biết, anh đến Serbia cách đây bốn tháng, và mới chỉ được nhận lương một lần.

“Họ giữ hộ chiếu và thị thực của tôi, chúng tôi không thể thay đổi công việc hay đất nước của mình,” người công nhân này nói.

Phía công ty Linglong cho biết hộ chiếu của người lao động được giữ lại chỉ để xin tạm trú, giấy phép lao động và giấy tờ tiêm phòng Covid-19.

Công ty cho biết bất kỳ ai cũng có thể đến lấy lại hộ chiếu bất cứ lúc nào. “Không ai tịch thu hộ chiếu của bất kỳ ai,” họ tuyên bố.

Linglong cũng phủ nhận việc công nhân Việt Nam sống trong điều kiện thiếu thốn. Họ cũng chỉ ra rằng họ trả lương đúng hạn, phù hợp với số giờ làm việc.

Sự việc xảy ra như thế nào?

“Tránh xa chiếc xe ra, tránh xa chiếc xe ra,” một người phụ nữ cầm camera và hét to, trong một video đăng tải trên tài khoản Twitter của người này.

Người ngồi trong xe là một trong số các công nhân, người đã tố giác với báo giới về điều kiện sống của công nhân, đó là lý do tại sao anh ta bị sa thải, theo các nhà hoạt động.

Nhân viên an ninh của công ty chặn đường đi tới xe, và công nhân Việt Nam đang cố gắng đẩy họ để các nhà hoạt động có thể đưa người tố giác ra khỏi nhà máy.

Một trong những nhân viên an ninh hét lên: “Các người có quyền gì mà đưa công nhân đi.” Công nhân Việt Nam sau đó đã đẩy bảo vệ và cho xe đi qua.

Các nhà hoạt động cho biết người tố giác hiện đã an toàn và đang được giải quyết tình trạng pháp lý.

“Một điều hoàn toàn nghịch lý là các nhà hoạt động mang lương thực và viện trợ nhân đạo, cũng như nhà báo không thể tiếp cận mọi người,” Piskulidis nói.

Một người đàn ông không rõ danh tính sau đó đã chặn chiếc xe của đài truyền hình N1.

Ksenija Pavkov, phóng viên của đài N1 có mặt trên xe nói rằng một người đàn ông quốc tịch Trung Quốc ngồi sau tay lái của một chiếc xe khác. Anh ta quay phim và chụp ảnh biển số xe của họ.

Lao động Việt ở Serbia

Trong tuyên bố đầu tiên, các tổ chức phi chính phủ nói rằng, ngoài việc quyền lao động bị vi phạm nghiêm trọng, sức khỏe của người lao động cũng bị đe dọa.

Họ nói: “Trong những căn phòng quá đông người ở, có những chiếc giường tầng, không có đệm, nhưng được phủ một tấm chăn bông mỏng.”

“Không có cơ sở hạ tầng và hệ thống thoát nước đầy đủ nên phân tràn ra cách khu trại khoảng chục mét, vô cùng mất an toàn cho sức khỏe của công nhân”, họ nói thêm.

Ngoài ra, họ cũng chỉ ra rằng công nhân ở đây không được cung cấp sưởi, điện và nước uống.

Các nhà hoạt động cũng nói rằng không ai trong số người lao động được ghi ngày bắt đầu làm việc trong hợp đồng.

“Người lao động có nghĩa vụ làm việc 26 ngày một tháng, và nếu vắng mặt một ngày họ sẽ không được trả tiền lương của cả tháng đó,” họ cho biết thêm.

Phản ứng của EU

Viola von Cramon, người Đức, nghị sĩ trong Nghị viện châu Âu, đã phản ứng với tình hình ở Zrenjanin.

Bà nói: “Nếu đó là lao động cưỡng bức, chế độ nô lệ ở Tây Balkan, thì đó là điều bi thảm và chúng ta phải cố gắng ngăn chặn nó.”

“Tôi hy vọng rằng Chính phủ (Serbia) sẽ xem xét điều này một cách nghiêm túc”, bà nói thêm.

Piskulidis vui mừng trước phản ứng EU, cô nói:

“Thật tốt, bởi vì nếu sự việc tăng lên một cấp độ cao hơn thì khả năng cao là những người này sẽ được chăm sóc bằng cách nào đó.”

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-59347020

Mỹ và Đài Loan sẽ tổ chức vòng đối thoại kinh tế thứ hai tuần sau

Reuters – Mỹ và Đài Loan tuần sau sẽ tổ chức phiên thứ hai của một cuộc đối thoại kinh tế được khởi động vào năm ngoái trước sức ép ngày càng tăng đối với hòn đảo này từ Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hôm thứ Sáu.

Thông báo được đưa ra vài ngày sau hội nghị trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Sau cuộc gặp, ông Tập cảnh báo rằng những người ủng hộ Đài Loan độc lập ở Mỹ đang “đùa với lửa.”

Một thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Thứ trưởng Ngoại giao đặc trách tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường, Jose Fernandez, sẽ dẫn đầu Đối thoại Đối tác Kinh tế Thịnh vượng Hoa Kỳ-Đài Loan lần thứ hai vào ngày thứ Hai.

Thông cáo cho biết cuộc đối thoại sẽ được tiến hành dưới sự bảo trợ của Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT) và Văn phòng Đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc (TECRO) tại Mỹ. Hai cơ quan này hoạt động như là hai đại sứ quán không chính thức.

“Quan hệ đối tác của chúng tôi được xây dựng dựa trên thương mại và đầu tư hai chiều, quan hệ giữa nhân dân với nhân dân và để cùng bảo vệ tự do và các giá trị dân chủ chung,” thông cáo nói.

Bộ Ngoại giao Đài Loan nói phiên họp trực tuyến sẽ do Bộ trưởng Kinh tế Vương Mỹ Hoa và Bộ trưởng Khoa học và Kĩ thuật Ngô Chính Trung dẫn đầu.

Đài Loan hi vọng cuộc đối thoại cuối cùng có thể dẫn đến một thỏa thuận thương mại tự do với Mỹ và ca ngợi cuộc họp khởi sự vào năm ngoái là một bước tiến.

Đây là một phần trong nỗ lực của Mỹ tăng cường giao tiếp với Đài Bắc dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump mà chính quyền Biden đã tiếp tục, trước sự tức giận của Bắc Kinh, vốn tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của họ.

Hai bên đã tổ chức các cuộc đàm phán bị trì hoãn từ lâu về Hiệp định Khung về Thương mại và Đầu tư vào tháng 7, và Đài Loan cho biết họ hi vọng có thể kí một thỏa thuận thương mại tự do vào một ngày không xa.

Năm ngoái, chính phủ Đài Loan đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt heo có chứa chất phụ gia tăng độ nạc, ractopamine, loại bỏ một trở ngại lớn đối với thỏa thuận với Washington, nhưng sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề này vào tháng 12.

Đài Loan là nước sản xuất linh kiện bán dẫn lớn. Sự thiếu hụt mặt hàng này đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu và ảnh hưởng đến các nhà sản xuất xe hơi nói riêng, khiến Washington lo ngại và đã thúc giục Đài Loan tăng tốc sản xuất chip.

https://www.voatiengviet.com/a/my-va-dai-loan-se-to-chuc-vong-doi-thoai-kinh-te-thu-hai-tuan-sau/6321170.html

Quan chức Trung Quốc gọi Thượng nghị sĩ Mỹ là ‘rác rưởi chính trị’

Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ Tom Cotton (ảnh: Flickr/ Michael Vadon).

Lời kêu gọi tẩy chay Thế vận hội Mùa đông 2022 ở Bắc Kinh của Thượng nghị sĩ Cộng Hòa Tom Cotton đã thu hút phản ứng gay gắt từ các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc vào thứ Sáu (18/11), làm trầm trọng thêm căng thẳng Mỹ-Trung.

Fox News đưa tin, ông Hồ Tích Tiến, tổng biên tập của tờ Hoàn Cầu viết trên Twitter rằng “Theo quan điểm của tôi, vị thượng nghị sĩ này là một thứ rác rưởi chính trị. Ông ta dối trá, háo chiến, thiếu sự tự giác tối thiểu. Hy vọng ở Quốc hội Hoa Kỳ, không chỉ có thứ rác rưởi như ông ta.”

Dòng tweet của ông Hồ đính kèm một video về cuộc họp báo vào đầu tuần này, trong đó, thượng nghị sĩ Cotton kêu gọi một cuộc tẩy chay hoàn toàn với Thế vận hội mùa đông sắp được tổ chức tại Bắc Kinh.

Phát biểu của ông Cotton xuất hiện trong bối cảnh ngày càng có nhiều nghị sĩ và nhà hoạt động nhân quyền yêu cầu ĐCS Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về các hành vi vi phạm nhân quyền, bao gồm việc ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ tại các trại ở Tân Cương, đàn áp các học viên Pháp Luân Công và bức hại tín ngưỡng ở Trung Quốc.

Ông Cotton đã trích dẫn hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc, cũng như những lo ngại liên quan đến sự an toàn của các vận động viên Mỹ. Ông cho rằng các nhà chức trách sẽ không thể bảo vệ hoàn toàn các vận động viên Mỹ khỏi sự giám sát của Bắc Kinh.

Vị thượng nghị sĩ Cộng hòa nói “Vì những lý do này – sự an toàn và an ninh của các vận động viên của chúng ta và tội ác của Trung Quốc đối với thế giới, chúng ta nên phát động một cuộc tẩy chay toàn diện và hoàn toàn đối với Thế vận hội diệt chủng của Trung Quốc”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 18/11 cho biết ông đang cân nhắc “tẩy chay ngoại giao”, không cử quan chức đến tham dự Olympic Bắc Kinh nhằm thể hiện sự cứng rắn với Trung Quốc, nhưng vẫn để các vận động viên Mỹ dự sự kiện này. Tòa Bạch Ốc thông thường sẽ cử phái đoàn ngoại giao tới dự lễ khai mạc và bế mạc các kỳ Olympic.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó chỉ trích Mỹ đi ngược tinh thần Olympic, làm tổn hại lợi ích của vận động viên từ mọi quốc gia.

Ngọc Mai

https://www.dkn.tv/the-gioi/quan-chuc-trung-quoc-goi-thuong-nghi-si-my-la-rac-ruoi-chinh-tri.html

(NHK) – Hoa Kỳ kêu gọi bộ tứ QUAD tăng cường đoàn kết chống Trung Quốc. Kurt Campbell, điều phối viên khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tại Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, đã kêu gọi bốn quốc gia thành viên QUAD (Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc và Ấn Độ) đoàn kết hơn nữa để đối phó với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ Trung Quốc. Tại một sự kiện trực tuyến hôm 19/11/2021, ông Campbell nói thêm rằng Nhật Bản sẽ tổ chức một cuộc họp của bộ tứ vào năm 2022.

(Reuters) – Chưởng lý tòa hình sự quốc tế (CPI) tạm đình chỉ điều tra về cuộc chiến chống ma túy ở Philippines. Quyết định của chưởng lý Karim Khan được công bố ngày 19/11/2021. Cuộc điều tra về việc chính quyền Duterte vi phạm nhân quyền trong chiến dịch chống ma túy đã được các thẩm phán Tòa Hình sự Quốc tếcho phép tiến hành hồi đầu tháng 09. Tuy nhiên, theo chính quyền Duterte, CPI không có quyền điều tra về cái chết của những người mà Manila cho là đã bị tiêu diệt một cách hợp pháp. Manila nhiều lần nói rằng sẽ không hợp tác với CPI và đã đệ đơn yêu cầu CPI ngưng điều tra vào ngày 10/11. Manila cũng đã rút Philippines hỏi CPI nhưng tòa hình sự quốc tếcho rằng có thẩm quyền điều tra về các tội ác ở Philippines cho đến khi Manilla không còn là thành viên, tức là đến năm 2019.

(APF) – Mỹ: Dự thảo kế hoạch cải cách xã hội và môi trường Build Back Better được Hạ Viện thông qua ngày 19/11/2021. Tổng thống Mỹ Biden hoan nghênh và gọi đó là «một bước tiến khổng lồ» cho chương trình kinh tế của ông để tạo thêm việc làm, giảm chi phí và giúp nước Mỹ có khả năng cạnh tranh cao hơn. Văn bản sẽ còn phải được Thượng Viện thông qua, dự kiến vào tháng 12/2021 hoặc tháng 01/2022. Nhưng theo dự báo, sẽ rất khó để kế hoạch cải cách trị giá 1.800 tỉ đô la của tổng thống Mỹ Biden được Nghị Viện thông qua. 

(AFP) – Nicaragua chính thức rút khỏi Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS). Quyết định của chính quyền Ortega được đưa ra ngày 19/11/2021sau khi Nicaragua bị OAS chỉ trích về tính chính đáng của kỳ bầu cử ngày 07/11 với kết quả ông Daniel Ortega tái đắc cử nhiệm kỳ tổng thống thứ 4. Trên Twitter, ngoại trưởng Cuba ngay lập tức ủng hộ quyết định của Nicaragua, bởi theo ông đó là một lời đáp trả cứng rắn nhắm vào việc OAS đã cấu kết với Hoa Kỳ để can thiệp vào công việc nội bộ của Nicaragua.  Publicité

(Interenchères) – Một bức bình phong của Nguyễn Gia Trí được bán đấu giá ở Pháp. Phiên đấu giá diễn ra ngày 23/11/2021 tại thành phố Tarbes, tỉnh Hautes-Pyrénées, miền nam Pháp. Tác phẩm sơn mài phong cảnh Chùa Thầy, gồm 4 tấm, dài tổng cộng 198 cm, rộng 100 cm được thẩm định giá khởi điểm từ 120.000 đến 150.000 euro. Họa sĩ Nguyễn Gia Trí học trường Mỹ Thuật Đông Dương Hà Nội năm 1928. Tại đây, ông làm quen với nhiều họa sĩ nổi tiếng sau này như Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Cát Tường, Lê Phố, Mai Thứ… Nguyễn Gia Trí nằm trong bộ Tứ nổi tiếng «Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn».

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211120-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p