Tin Tổng Hợp – 20/1/22: Đảng Dân chủ không thể bãi bỏ filibuster, luật bỏ phiếu sụp đổ
Đảng Dân chủ không thể bãi bỏ filibuster, luật bỏ phiếu sụp đổ
AP – Dự luật về quyền bỏ phiếu – vốn được đảng Dân chủ và các nhà lãnh đạo dân quyền cho là rất quan trọng để bảo vệ nền dân chủ – đã bị chặn đường vào tối hôm 19/1 khi hai thượng nghị sĩ Dân chủ không chịu hòa cùng nỗ lực của đảng để thay đổi các quy tắc của Thượng viện nhằm vượt qua sự cản trở của Đảng Cộng hòa sau màn tranh luận thẳng thừng và đầy cảm xúc.
Kết quả này là thất bại cay đắng cho Tổng thống Joe Biden và đảng của
ông vào lúc năm đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông kết thúc với nhiều điều
không tích cực.
Đảng Dân chủ không thể thuyết phục hai Thượng nghị sĩ Kyrsten Sinema
của bang Arizona và Joe Manchin của West Virginia thay đổi quy tắc của
Thượng viện để cho phép chỉ có cần đa số tối thiểu để thông qua dự luật.
“Tôi thất vọng sâu sắc”, ông Biden phát biểu trong một tuyên bố sau cuộc bỏ phiếu.
Tuy nhiên, tổng thống nói ông sẽ ‘không nản lòng’ và cam kết sẽ ‘thử
mọi biện pháp và sử dụng mọi công cụ mà chúng tôi có để đứng lên đấu
tranh cho dân chủ’.
Phe vận động cho quyền bỏ phiếu cảnh báo rằng các tiểu bang do đảng
Cộng hòa lãnh đạo trên toàn quốc đang thông qua những đạo luật nhằm
khiến người Mỹ da đen và những người khác khó lòng thực hiện quyền bỏ
phiếu hơn bằng cách đặt ra thêm các quy định ở các địa điểm bỏ phiếu,
đòi hỏi một số loại giấy tờ tùy thân và một số thay đổi khác.
Phó Tổng thống Kamala Harris đã chủ trì phiên họp Thượng viện trong
một khoảng thời gian ngắn để có thể phá vỡ thế cân bằng nếu cần, nhưng
bà đã rời đi trước cuộc bỏ phiếu cuối cùng. Thượng viện đã bỏ phiếu
52-48 để bác bỏ việc thay đổi quy tắc filibuster (tức yêu cầu phải có đa
số 60 phiếu thuận mới chấm dứt tranh luận về một dự luật), với hai vị
Manchin và Sinema hòa cùng đảng Cộng hòa bỏ phiếu chống.
Cuộc bỏ phiếu này đã chặn đường dự luật ở thời điểm hiện tại. Dự luật
là ưu tiên hàng đầu của đảng Dân chủ kể từ khi họ giành quyền kiểm soát
lưỡng viện Quốc hội và Nhà Trắng.
Dự luật Tự do Bỏ phiếu John R. Lewis của Đảng Dân chủ quy định Ngày
bầu cử là ngày lễ toàn quốc, đảm bảo cho người dân được bỏ phiếu sớm và
bỏ phiếu qua thư – vốn đã trở nên hết sức phổ biến trong bối cảnh đại
dịch COVID-19 – và cho phép Bộ Tư pháp có tiếng nói ở các tiểu bang có
tiền sử can thiệp vào quyền của cử tri bên cạnh những thay đổi khác. Nó
đã được Hạ viện thông qua.
Cả ông Manchin và bà Sinema đều nói họ ủng hộ dự luật này, nhưng đảng
Dân chủ còn lâu mới hội đủ 60 lá phiếu cần thiết để đưa dự luật vượt
qua quy trình filibuster của đảng Cộng hòa. Nó đã không được thông qua
với tỷ lệ bỏ phiếu 51-49 theo lằn ranh đảng phái. Lãnh đạo đa số tại
Thượng viện, Thượng nghị sỹ Dân chủ Chuck Schumer, D-N.Y., đã bỏ phiếu
chống mang tính thủ tục để dự luật có thể được xem xét sau.
Thượng nghị sỹ Cộng hòa Mitch McConnell, vốn từng dẫn dắt đảng của
mình loại bỏ quy trình filibuster để thông qua các đề cử thẩm phán Tối
cao Pháp viện trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump, cảnh báo
không nên thay đổi quy tắc này một lần nữa.
Ông McConnell mỉa mai ‘sự khích động giả tạo’ của đảng Dân chủ về
luật bỏ phiếu mới của các bang và gọi dự luật của họ là sự can thiệp của
chính quyền liên bang vào hệ thống bầu cử. Ông chỉ trích đảng Dân chủ
trong một bài phát biểu nảy lửa và nói rằng việc loại bỏ các quy tắc
filibuster sẽ ‘phá vỡ Thượng viện’.
Ông Schumer nói rằng cuộc chiến vẫn chưa kết thúc và ông chế giễu tuyên bố của đảng Cộng hòa rằng luật bầu cử mới ở các bang sẽ không gây hại cho quyền đi bầu và số lượng cử tri đi bầu, ví nó như ‘lời nói dối khủng khiếp’ của cựu Tổng thống Donald Trump về cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Biển Đông: Mỹ lại cho chiến hạm áp sát Hoàng Sa
Hải Quân Mỹ vào hôm nay 20/01/2022 đã lại cho một chiến hạm đi vào tuần tra tại vùng quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông. Như thường lệ, Bắc Kinh cho biết là Hải Quân của họ đã đuổi được tàu Mỹ ra khỏi vùng biển mà họ cho là thuộc chủ quyền Trung Quốc.
Trong một thông cáo, Hạm Đội 7 của Hoa Kỳ cho
biết là khu trục hạm USS Benfold “đã thực hiện quyền tự do hàng hải
trong vùng lân cận quần đảo Hoàng Sa, phù hợp luật pháp quốc tế”.
Theo
bản thông cáo, chiến hạm Benfold đã khẳng định các quyền tự do hàng hải
và quyền sử dụng vùng biển được luật pháp quốc tế công nhận khi thách
thức các hạn chế về quyền quá cảnh vô hại… do Trung Quốc, Đài Loan và
Việt Nam áp đặt, cũng như các đường cơ sở thẳng mà Trung Quốc vẽ ra
quanh quần đảo Hoàng Sa.
Đối với Hạm đội 7, chiến dịch tự do hàng
hải do chiếc Benfold thực hiện nhằm thách thức các tuyên bố chủ quyền
phi pháp của Trung Quốc tại và xung quanh các đảo ở Biển Đông, khẳng
định Mỹ coi những yêu sách đó vi phạm luật pháp quốc tế và “đe dọa
nghiêm trọng đến tự do hàng hải”.
Đây là lần đầu tiên Mỹ triển
khai chiến dịch FONOP gần quần đảo Hoàng Sa trong năm nay. Hải quân Mỹ
cho biết hoạt động này còn nhằm tiếp nối hiện diện quân sự lâu dài của
họ tại khu vực. Quảng cáo
Như
thông lệ, Quân Đội Trung Quốc vào hôm nay đã cho biết là lực lượng của
họ đã bám theo và xua đuổi một tàu chiến Mỹ đi vào gần quần đảo Hoàng Sa
mà Bắc Kinh gọi là Tây Sa.
Trong một bản thông cáo, chiến khu miền Nam của Quân đội Trung Quốc đã lên tiếng kêu gọi phía Mỹ “dừng ngay lập tức” những hành động mà họ gọi là “khiêu khích”, đồng thời lên tiếng đe dọa Mỹ về những “hậu quả nghiêm trọng”.
Trọng Nghĩa
Chỉ thị chống dịch chồng chéo: dân phải tự lo phòng thân!
Một sư cô mang khẩu trang phòng tránh COVID-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày 18 tháng 4 năm 2020. REUTERS
Hôm 19 tháng 1, Thủ tướng Chính phủ ra công điện yêu cầu các
địa phương không đặt ra những biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trái
với quy định của Chính phủ và Bộ Y tế, gây khó khăn cho người dân về
quê ăn Tết. Thủ tướng nhấn mạnh, các biện pháp phòng chống dịch dứt
khoát phải được thực hiện thống nhất trên toàn quốc nhưng linh hoạt
trong phạm vi nhất định, các địa phương nếu áp dụng các biện pháp khác
hoặc cao hơn quy định chung thì phải báo cáo.
Theo truyền thông Nhà nước, tuy Chính phủ, Bộ Y tế đã có hướng dẫn
các quy định thích ứng an toàn và yêu cầu “địa phương không chống dịch
cao hơn quy định”, nhưng mỗi tỉnh thành đang đề ra biện pháp cách ly,
xét nghiệm khác nhau với người về quê ăn Tết. Chủ tịch Quốc hội Vương
Đình Huệ cũng cho rằng việc ứng xử của các tỉnh đối với người dân về quê
ăn Tết đang là vấn đề cần được quan tâm giải quyết.
Anh Nhân, chủ một cửa hàng buôn bán hàng nội thất cho RFA hay:
“Không phải địa phương nào cũng bị tình trạng đó. Em có anh thợ
mộc phải thu xếp về quê trước một tuần để kịp Tết vì còn cách ly. Về sát
ngày quá là không kịp Tết. Cách làm của họ làm cản trở người đi từ xa
về, đặc biệt là công nhân, bởi họ làm cho các công ty thì các công ty
đâu cho nghỉ sớm. Hiện một số các công ty ở Sài Gòn nương theo những quy
định đó mà khuyên công nhân nên ở lại thành phố. Cả chính quyền thành
phố cũng khuyên người dân nên ở lại ăn Tết chứ không nên về quê. Nhưng
cái Tết cổ truyền thì ai đi xa làm việc cũng mong cuối năm về nhà ăn sum
họp với gia đình.
Chủ trương của Chính phủ là bình thường trong điều kiện mới là
địa phương cản trở họ bằng những điều như cách ly thì không đúng.”
Anh Nhân phân tích thêm, ở Việt Nam, địa phương nào để dịch lây lan
thì chủ tịch tỉnh chịu trách nhiệm nên họ đẩy trách nhiệm xuống chủ tịch
huyện, huyện đẩy xuống chủ tịch xã. Mấy anh ở xã lại là mấy anh kém về
nhận thức và kém về hiểu biết cho nên để an toàn cho cái ghế của mình,
họ đặt ra những quy định ‘không giống ai’ làm khổ dân.
Trong đợt dịch COVID-19 năm ngoái, rất nhiều quy định được chính
quyền cấp dưới ban hành không theo chỉ đạo của cấp trên được người dân
gọi là ‘phép vua thua lệ làng’. Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về kết
quả phòng, chống dịch hôm 17 tháng 10 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ
Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc thực hiện “Nghị quyết 128 – Hướng đến
bình thường mới” phải nhất quán, thông suốt từ trung ương xuống địa
phương; cấp dưới phải phục tùng cấp trên.
Ông H. một người am hiểu tình hình nội bộ ĐCSVN ở Hà Nội sau đó nói với RFA rằng:
“Sở dĩ có chuyện ‘trên bảo dưới không nghe’ là vì cấp dưới chỉ lo
giữ ghế. Họ không làm vì trách nhiệm vừa chống dịch vừa không ngăn sống
cấm chợ, bất lợi cho dân hay ảnh hưởng đến kinh tế trong dài hạn. Do
đó, chuyện cấp dưới bất tuân cấp trên là chuyện có thật. Còn trách nhiệm
của ai thì phải mổ xẻ vấn đề mới nói được.”
Để ứng phó với tình trạng ‘mỗi nơi làm một kiểu’, ‘phép vua thua lệ
làng’, người dân thấp cổ bé miệng chỉ biết tự lo cho mình để có thể sum
họp với gia đình ngày Tết.
Cô Tuyết, công nhân tạm trú ở quận Bình Thạnh kể với RFA sáng 20 tháng 1:
“Ông Thủ tướng yêu cầu không làm khó dân khi về quê ăn tết nhưng
thực tế mỗi nơi một kiểu. Mấy ông ở địa phương đâu có nghe. Họ coi
thường lời ông Thủ tướng nói. Mấy ổng làm khó dân để kiếm tiền hoặc ở
bên trong nội bộ họ có gì đó mà họ không tin ông thủ tướng nữa. Mỗi nơi
chống dịch một kiểu nên người lao động tụi tui phải xin về quê sớm hơn
mọi năm để trừ hao cách ly. Mấy ổng chống dịch theo chỉ thị từ hồi đó
tới giờ mà, có theo khoa học đâu. Ai mà dám tin, mình lo thân mình thôi.
Như cái vụ bắt dân xét nghiệm mỗi tuần mấy lần, giờ lòi ra cái vụ
Việt Á mấy ổng bán kit test luôn. Bởi vậy cấp dưới không nghe cấp trên,
dân tụi tui không nghe lời mấy ổng luôn vì mấy ổng nói một đường làm
một nẻo.”
Trong đợt dịch thứ tư bùng phát vào tháng 4 năm 2021, Chính phủ bị
chỉ trích là chống dịch theo chỉ thị chứ không theo khoa học. Điều này
dường như được lập lại khi lãnh đạo một số thôn, xã mặc sức ra những quy
định vượt rào so với chỉ đạo của chính quyền cấp trên.
Báo Nhà nước đưa tin trường hợp gia đình anh Bình ở tỉnh Thái Bình bị
trưởng thôn khóa trái cửa nhốt trong nhà bảy ngày, từ ngày 9 tháng 1
đến ngày 16 tháng 1 do có người trong gia đình đến từ vùng đỏ. Chủ tịch
xã sau đó cho biết việc khóa cửa nhà dân là sai quy định, xã không chỉ
đạo thôn làm việc này. Còn ở Thanh Hóa, gần 30 hộ dân ở xã Thiệu Phú
được chính quyền địa phương vận động đã đồng ý cho chính quyền địa
phương khoá cổng nhà để phòng dịch COVID-19 do gia đình có người từ tỉnh
ngoài trở về.
Cách chống dịch của chính quyền lâu nay bị cho là cứng nhắc, không
theo khoa học mà chỉ theo chỉ thị dẫn đến số người tử vong đến nay là
hơn 36.000. Bác sĩ Võ Xuân Sơn từng bày tỏ với RFA:
“Có một sai lầm mà theo tôi là lớn nhất trong tất cả các sai lầm
gây ra số tử vong cao là do chính sách vĩ mô. Họ hoạch định chính sách
không đúng. Những người trong ban chỉ đạo phòng, chống dịch từ trên
xuống dưới không đánh giá đúng vai trò của ngành y trong việc chống
dịch.”
Bác sĩ Đinh Đức Long thì khẳng định, chính quyền đã đi sai hướng nên dịch bệnh bùng phát:
“Các nước chống dịch phải dựa vào các chuyên gia dịch tễ học lâm
sàng, tức là các nhà y học chuyên ngành về lâm sàng. Đằng này, Việt Nam,
cụ thể là thành phố Hồ Chí Minh lại chống dịch dựa vào các nhà chuyên
gia về hành chính công. Mà nói về luật hành chính, quan hệ hành chính là
quan hệ phục tùng. Nghĩa là cấp dưới phục tùng cấp trên.
Như vậy tư duy chống dịch của họ sai khi chống dịch bằng quan hệ
hành chính. Tư duy đó là tư duy trấn áp, mệnh lệnh. Không thể ra lệnh
cho con vi-rút không được phát triển. Theo tôi, cách chống dịch hiện nay
là ‘chống dịch theo định hướng xã hội chủ nghĩa’.”
Có lẽ rút kinh nghiệm từ đợt dịch thứ tư với hậu quả quá nặng nề, mới
đây, phát biểu kết luận hội nghị triển khai công tác y tế năm 2022, Thủ
tướng Phạm Minh Chính yêu cầu nghiên cứu việc tiêm vắc xin mũi thứ tư
phòng COVID-19 cho người dân, đồng thời tham khảo kinh nghiệm quốc tế về
tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi với quyết tâm mở cửa trường học an toàn trong
thời gian sớm nhất.
(AP) – Trung Quốc phản đối Slovenia dự định cải thiện quan hệ với Đài Loan. Phát
biểu ngày 19/01/2022, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu
Lập Kiên (Zhao Lijian) cho rằng tuyên bố của thủ tướng Slovenia Janez
Jansa hôm 17/01 là “nguy hiểm”, “đi ngược lại với nguyên tắc một nước
Trung Hoa duy nhất” và “ủng hộ Đài Loan độc lập”. Trước đó, Slovenia
theo bước Litva cho phép Đài Loan mở một văn phòng đại diện ở thủ đô
Ljibljanica mang tên “Đài Loan” thay vì “Đài Bắc Trung Hoa”.
(Reuters) – Mỹ sắp công bố “mục tiêu chung” về hợp tác kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương. Theo
bà Laura Rosenberger, cố vấn cấp cao của Mỹ về Trung Quốc, bà Laura
Rosenberger, vào hôm 19/01/2022, Washington dự kiến công bố “những mục
tiêu chung” về hợp tác kinh tế với các đối tác trong khu vực Ấn Độ –
Thái Bình Dương vào đầu năm 2022. Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh
Washington đang cố tìm cách hạn chế đà bành trướng ảnh hưởng của Bắc
Kinh.
(Reuters) – Quan chức trong ban tổ chức Thế Vận Hội Bắc Kinh 2022 cảnh báo về các hành vi vi phạm “tinh thần Olympic”. Một
quan chức của Thế Vận Hội Bắc Kinh 2022 nói hành vi của các vận động
viên vi phạm tinh thần Olympic hoặc các quy định của Trung Quốc có thể
bị trừng phạt. Phát biểu của quan chức này được đưa ra sau khi các nhóm
bảo vệ nhân quyền lên tiếng lo ngại về sự an toàn của các vận động viên
nếu họ tham gia biểu tình tại Thế Vận Hội vào tháng tới. Quy tắc 50 của
Hiến Chương Olympic quy định “không được phép biểu tình hoặc tuyên
truyền chính trị, tôn giáo hoặc chủng tộc ở bất kỳ địa điểm Olympic
nào”, mặc dù năm ngoái quy định này đã được nới lỏng để cho phép biểu lộ
thái độ trên sân đấu nếu không gây ra gián đoạn và thể hiện sự tôn
trọng đối với các đối thủ.
(AFP) – Covid – 19: Chính phủ Anh dỡ bỏ toàn bộ hạn chế trừ cách ly với ca dương tính. Thủ tướng Anh Boris Johnson, hôm 19/01, tuyên bố như trên. Kể từ 27/01, đeo khẩu trang sẽ không còn là bắt buộc về mặt pháp lý, dù được khuyến khích ở những nơi đông đúc và trong nhà. Giấy chứng nhận y tế sẽ không còn được áp dụng khi vào các hộp đêm, và một số cuộc tụ tập lớn. Làm việc từ xa không còn được chính thức khuyến khích.
(AFP) – Thái Lan miễn việc cách ly với các du khách đã tiêm vac-xin.
Hôm nay, 20/01, chính quyền Thái Lan thông báo, quyết định sẽ có hiệu
lực kể từ ngày 01/02. Kể từ ngày này, du khách đã tiêm vac-xin giờ đây
chỉ phải cung cấp kết quả xét nghiệm Covid âm tính được thực hiện tại
quốc gia xuất xứ, thực hiện lần thứ hai khi đến và kết quả cuối cùng vào
ngày thứ năm. Bộ Du Lịch Thái Lan hy vọng sẽ đón 5 triệu du khách
trong năm nay.
(Bộ Ngoại Giao Pháp) – Pháp – Nhật họp bộ trưởng Ngoại Giao – Quốc Phòng.
Hôm nay, 20/01/2022, ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian và bộ trưởng Quân
Lực Florence Parly họp trực tuyến với các đồng nhiệm Nhật Bản, ngoại
trưởng Yoshimasa Hayashi, và bộ trưởng Quốc Phòng Nobuo Kishi. Cuộc họp
theo công thức 2+2 lần thứ sáu Pháp – Nhật trao đổi về hàng loạt vấn đề
chiến lược, trong đó có chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương, các căng
thẳng khu vực như tại Iran, vùng Sahel (châu Phi), Afghanistan, Ukraina,
Biển Đông và Biển Hoa Đông và bán đảo Triều Tiên.
(Reuters) – Mỹ hoãn dỡ bỏ thuế đối với hàng tỉ đô la hàng nhập khẩu Trung Quốc. Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hôm thứ Tư 19/01, trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng, cho biết còn quá sớm để cam kết dỡ bỏ các khoản thuế quan do Washington áp dụng đối với hàng tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc, theo thỏa thuận thương mại «giai đoạn 1», mà Trung Quốc ký với chính quyền Trump. Tổng thống Biden cho biết trưởng đoàn đàm phán thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai đang thương lượng với Trung Quốc về vấn đề này.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220120-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p