Tin Tổng Hợp – 1/5/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 1/5/21

* Vận động viên bơi lội Myanmar từ bỏ giấc mơ Olympic để phản đối quân đội
* Bác sĩ Trương Hữu Khanh: ‘Không dám tưởng tượng nếu có ca COVID-19 trong biển người ở Vũng Tàu’
* Chính quyền Biden có thể hỗ trợ Đài Loan như thế nào?
* 620,000 người kêu gọi chấm dứt ‘Sự xâm lược Văn hóa’ của Trung Cộng ở Nam Hàn
* Số phận 3,5 tỷ USD hàng hóa trên siêu tàu bị bắt giữ vì “bít” kênh đào Suez

Vận động viên bơi lội Myanmar từ bỏ giấc mơ Olympic để phản đối quân đội
Ngân Hà• Thứ Sáu, 30/04/2021

Một vận động viên bơi lội người Myanmar đã từ bỏ giấc mơ tranh tài tại Thế vận hội Tokyo để phản đối chính quyền quân sự đang cai trị quê hương anh, nói rằng việc anh tham gia Olympic sẽ chỉ góp phần “tuyên truyền” cho chế độ

VĐV bơi lội người Myanmar Win Htet Oo (Ảnh: Facebook nhân vật)
Win Htet Oo là một trong những vận động viên bơi lội hàng đầu của Myanmar. Hồi đầu tháng 4, vận động viên 26 tuổi này cho biết anh không còn hứng thú với việc tới Tokyo nữa.

Anh viết trong một tuyên bố trên Facebook: “Việc chấp nhận MOC (Ủy ban Olympic Myanmar) như nó đang được lãnh đạo hiện nay chính là [gián tiếp] công nhận tính hợp pháp của một chế độ giết người.”

“Tôi sẽ không tham gia trong màn diễu hành của các quốc gia (lễ khai mạc) dưới lá cờ thấm đẫm máu của nhân dân tôi,” anh nói tiếp.

Myanmar đã rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng kể từ khi quân đội lật đổ nhà lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi trong cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2 và sau đó phải đối mặt với sự phản đối dữ dội từ người dân.

Theo nhóm giám sát AAPP, các lực lượng an ninh đã đàn áp bằng vũ khí giết người để dẹp bỏ các cuộc biểu tình, gây ra cái chết cho hơn 750 thường dân.

Bên cạnh các cuộc biểu tình trên đường phố, phong trào bất tuân dân sự cũng diễn ra trên toàn quốc và đã khiến phần lớn nền kinh tế của đất nước đi vào đình trệ. Hàng loạt công chức và công nhân từ chối đi làm phục vụ chế độ quân sự.

Vận động viên Win Htet Oo cho biết việc quay lưng lại với đội Olympic Myanmar là cách anh tham gia phong trào này.

“Tôi muốn cho người dân Myanmar thấy rằng các vận động viên có thể tham gia vào phong trào bất tuân dân sự”, anh nói với AFP từ Melbourne, Australia.

“Hình ảnh tôi đi sau lá cờ trong Lễ diễu hành của các quốc gia và mỉm cười – giả vờ rằng mọi thứ đều ổn – thẳng thắn mà nói, nó khiến tôi cảm thấy kinh tởm.”

“Đó sẽ là một bài tập tuyên truyền, một cách nào đó để [quân đội] nói với thế giới rằng mọi thứ ở Myanmar đều ổn.”

“Hủy hoại các giá trị Olympics”
Phần lớn cộng đồng quốc tế đã lên án quân đội về cuộc đảo chính và việc sử dụng bạo lực đối với dân thường không có vũ khí.

Các cường quốc phương Tây – bao gồm Mỹ, EU và Anh – đã áp đặt lệnh trừng phạt nhắm vào các lãnh đạo hàng đầu trong quân đội và những lợi ích kinh doanh của họ.

Win Htet Oo đã vượt qua tiêu chuẩn tuyển chọn cho Olympic ở đường đua 50m tự do tại  Đại hội thể thao Đông Nam Á 2019, cho phép anh có 1 vé tới Tokyo.

Anh nói rằng anh đã viết thư cho Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) vào tháng 3, nêu lên tình trạng bạo lực đang diễn ra ở Myanmar và yêu cầu được thi đấu với tư cách là một Vận động viên Olympic Độc lập.

Nhưng yêu cầu của anh đã bị từ chối. IOC nói với AFP rằng “theo những gì chúng tôi biết, Win Htet Oo đã không được chọn vào đội tuyển Myanmar.”

“Tôi đang cố gắng để IOC biết và mọi người biết rằng MOC không phải là một ủy ban Olympic hợp pháp và họ làm suy yếu các giá trị của Olympic,” anh nói.

Bơi lội tại Thế vận hội đã là một tham vọng từ khi còn nhỏ đối với Win Htet Oo, người đã chuyển đến Melbourne vào năm 2017 để đẩy nhanh quá trình tập luyện của mình.

Hiện tại, anh đang làm nhân viên cứu hộ tại một cơ sở thể thao, nơi anh theo dõi các vận động viên Úc tập luyện cho Thế vận hội, và thực hiện việc luyện tập giữa các ca làm việc của mình.

Win Htet Oo nói rằng anh “không hối tiếc” về việc quay lưng lại với Thế vận hội.

Anh nói: “Đối với tôi, ước mơ được đến Thế vận hội chỉ là của một người, nhưng ở Myanmar, hàng triệu thanh niên đã chứng kiến ​​ước mơ và khát vọng của họ biến mất”.

Một trong những giấc mơ ngoài Olympic của anh là mang các môn thể thao thanh thiếu niên đến các khu vực xung đột của Myanmar, để giúp hòa giải các cộng đồng bị chia rẽ.

“Ngay sau khi các hạn chế đi lại được dỡ bỏ, tôi muốn đến Myanmar để tiếp tục cuộc đấu tranh – nếu có thể,” anh nói. “Đó là những gì tôi nghĩ về mỗi ngày.”

Ngân Hà (theo AFP)

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: ‘Không dám tưởng tượng nếu có ca COVID-19 trong biển người ở Vũng Tàu’

Hiểu Minh | DKN 2 giờ tới

Bác sĩ Trương Hữu Khanh (trái) (ảnh tổng hợp).

Hiện con sóng thần COVID-19 ở Ấn Độ vẫn đang hoành hoành và cả thế giới vẫn đang bàng hoàng bởi sự tang thương khi có quá nhiều người chết đến hỏa táng không kịp, nguồn cơn đó cũng được các chuyên gia nhận định khi là do chủ quan khi 3,4 triệu người dân nước này làm lễ tại Sông Hằng không đeo khẩu trang…, thì tại Việt Nam dịch COVID-19 lại bắt đầu bùng phát.

Mới đây Bộ Y tế Việt Nam đã phát hiện siêu virus biến thể gây tang thương ở Ấn Độ đã xuất hiện khiến không ít người dân lo lắng, và lo hơn khi chúng ta lướt mạng xã hội và thấy các hình ảnh tại các bãi biển Vũng Tàu, Sầm Sơn, Cửa Lò… vv, đều đông nghịt người nghỉ lễ 30/4-1/5, và không một ai đeo khẩu trang khiến ta liên tưởng đến bài học từ việc tắm Sông Hằng của đất nước Ấn Độ đang còn đó.

Trước sự chủ quan trên của người dân, bác sĩ Trương Hữu Khanh chia sẻ với Zing rằng “Nhìn hình ảnh biển người tại nhiều nơi như Vũng Tàu, Đà Lạt trong ngày đầu nghỉ lễ, tôi quá lo”.

‘Không dám tưởng tượng nếu có ca COVID-19 trong biển người ở Vũng Tàu’

Bác sĩ Khanh cho Zing biết, thời điểm này là lúc người dân cần cảnh giác và tuân thủ tuyệt đối thông điệp 5K của Bộ Y tế gồm khẩu trang – khử khuẩn – khoảng cách – khai báo y tế – không tập trung.

“Với sự đông đúc như vậy, thông điệp 5K hoàn toàn không thể đảm bảo. Một số tỉnh như Hà Nam, Hà Nội, Hưng Yên và xa hơn là TP.HCM đã ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng mà ca chỉ điểm lại chưa rõ ràng nguồn lây. Nhìn những ảnh này, tôi vô cùng lo lắng, không dám tưởng tượng nếu có ca mắc Covid-19 trong biển người ở Vũng Tàu, Đà Lạt hay các điểm du lịch khác. Chỉ một ca nhiễm thôi cũng khiến ngành y tế và cả hệ thống lao đao”, bác sĩ Khanh nhận định.

Ảnh chụp màn hình Zing.

Chuyên gia này cho biết đến nay hai con đường lây nhiễm chính của SARS-CoV-2 là hô hấp thông qua tiếp xúc giọt bắn từ người mang virus và tiếp xúc virus bám trên các bề mặt hoặc lơ lửng trong không gian kín, chật hẹp.

Sau hơn một năm SARS-CoV-2 xuất hiện và gây đại dịch khắp thế giới, bản chất lây nhiễm của chúng không thay đổi dù có hàng loạt biến chủng. Do đó, chỉ cần xuất hiện một người mang virus trong cộng đồng không được phát hiện, virus có thể được phát tán khắp nơi, lây nhiễm cho hàng loạt người tiếp xúc.

Bác sĩ Khanh cho biết các địa phương cần thận trọng với người mới đi tắm biển hoặc đến những địa điểm du lịch đông đúc. Khi dịch bệnh lây lan trong cộng đồng chưa rõ nguồn gốc, những người đến các khu vực tập trung đông đúc đều có thể là nhóm nguy cơ cao hàng đầu.

Bài học từ Ấn Độ khiến Việt Nam chúng ta không thể chủ quan

Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Trần Nam, Phó giám đốc kiêm Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho hay, vừa qua, người dân Việt Nam trải qua dịp lễ lớn trong năm như Tết của người Khmer, Giỗ tổ Hùng Vương và hiện tại là kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5. Những kế hoạch đi chơi trong 4 ngày nghỉ cùng các điểm tập trung đông đúc trở thành khu vực có nguy cơ rất cao.

“Bằng chứng cho sự lây nhiễm cộng đồng từ việc tập trung đông đúc là đợt bùng phát dịch Covid-19 nghiêm trọng ở Ấn Độ hiện tại. Nhiều chuyên gia cho rằng sự cố này một phần xuất phát từ lễ hội tắm sông Hằng của hàng triệu người. Sau đó, Ấn Độ bùng dịch và đến nay, số lượng bệnh nhân ở đất nước này gần như vượt quá sự chịu đựng của ngành y tế. Bài học này khiến Việt Nam chúng ta không thể chủ quan”, bác sĩ Nam nhận định.

Theo ghi nhận của PV VietNamNet, từ 16h chiều 30/4 tại các bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An), khách du lịch vẫn đổ về bãi biển rất nhiều để tắm mát, bất chấp tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp (ảnh chụp màn hình Vietnamnet).

Chuyên gia này chia sẻ với Zing vấn đề rất đáng báo động hiện nay là người dân chủ quan hơn giai đoạn trước rất nhiều. “Đi trên đường, tôi hầu như không thấy mọi người đeo khẩu trang ở các khu vực công cộng”, bác sĩ Nam nói thêm.

Các chuyên gia nhấn mạnh người dân cần chấn chỉnh lại ngay việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng và tiếp xúc. Tuân thủ thông điệp 5K là biện pháp đơn giản, hiệu quả, tiết kiệm nhất, trong đó quan trọng nhất là khẩu trang và không tập trung.

“Hiện tại, vaccine chưa phải là tất cả để đẩy lùi dịch. 5K vẫn là biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tốt nhất”, bác sĩ Nam nói.

Theo VnExpress, sau hơn một tháng không xuất hiện ca nhiễm mới trong cộng đồng, ngày 29/4 Việt Nam ghi nhận chuỗi lây nhiễm nội địa mới. Đến nay, 13 ca lây nhiễm được ghi nhận, khởi đầu từ “bệnh nhân 2899” – người phát hiện dương tính sau rời khu cách ly. Chỉ vài ngày, người này đã lây cho 6 người Hà Nam, 2 người Hưng Yên, 3 Hà Nội, một ở TP.HCM.

Ấn Độ hiện ghi nhận hơn 18,3 triệu ca nhiễm và gần 205.000 ca tử vong do nCoV, là vùng dịch lớn thứ hai thế giới.Sau gần một tuần liên tiếp ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, vùng dịch thứ hai thế giới đang rơi vào thảm cảnh khi các bệnh viện đều quá tải và những lò hỏa táng không đủ củi để thiêu người chết.

Dịch virus Vũ Hán khởi phát từ Vũ Hán (Trung Quốc) vào đầu tháng 12/2019. Chính quyền Bắc Kinh đã che giấu thông tin khiến dịch bệnh nhanh chóng lan khắp Trung Quốc và thế giới rồi biến thể và đổi tên thành COVID-19, SARS-CoV-2… Đến nay, các biến thể virus Vũ Hán đã truyền trên 200 quốc gia, khiến hơn 151.970.438 ca nhiễm làm 3.192.119 ca tử vong.

https://www.dkn.tv/thoi-su/bac-si-truong-huu-khanh-khong-dam-tuong-tuong-neu-co-ca-covid-19-trong-bien-nguoi-o-vung-tau.html

Chính quyền Biden có thể hỗ trợ Đài Loan như thế nào?

Hải Lam | DKN 7 giờ tới

Ông Joe Biden (ảnh: Shutterstock).

Mục lục bài viết

Các tác giả Chip Gregson, Russell Hsiao, và Stephen Young trong một bài viết trên The Diplomat đã đề xuất cách chính quyền Biden có thể hỗ trợ Đài Loan như thế nào trước một Bắc Kinh ngày càng hiếu chiến.

Dưới đây là phần chuyển ngữ nội dung chính của bài viết:

Chính quyền Biden nhậm chức ở một thời điểm quan trọng đối với Hoa Kỳ. Trật tự thế giới và đặc biệt là khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương đang trải qua sự thay đổi mạnh mẽ với sự trỗi dậy của chính quyền Trung Quốc và sự thay đổi địa chính trị đang diễn ra đối với châu Á. Chính quyền mới của Mỹ đã bắt đầu đưa ra chương trình nghị sự của mình để giải quyết các vấn đề nhằm bảo đảm lợi ích của Hoa Kỳ ở khu vực quan trọng này.

Eo biển Đài Loan ngày càng trở thành một tiêu điểm quân sự quan trọng. Căng thẳng đang gia tăng khi Trung Quốc tăng cường sức ép chính trị, kinh tế và quân sự đối với Đài Loan và các nước láng giềng khác. Có những dấu hiệu cảnh báo rằng Bắc Kinh có thể đang đẩy nhanh kế hoạch chiếm Đài Loan bằng vũ lực. Đô đốc Philip Davidson, tư lệnh Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương hồi tháng 3/2021 nói rằng Trung Quốc có thể tấn công Đài Loan trong vòng 6 năm nữa.

Dự đoán thời điểm về cuộc xâm lược Đài Loan có thể xảy ra là điều khó khăn và gây tranh cãi. Nhưng điều không thể chối cãi là mối đe dọa, bằng cả “quyền lực sắc và quyền lực cứng”, của Bắc Kinh đối với an ninh của Đài Loan, cũng như hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương đang ngày càng gia tăng. Hoa Kỳ cùng với các đồng minh và đối tác của mình cần phải đáp trả. Giảm thiểu mối đe dọa đối với Đài Loan là bước quan trọng đầu tiên.

Quyền lực sắc (Sharp power)

Chính quyền Trung Quốc đã vận dụng quyền lực sắc, tức loại quyền lực dựa trên việc gây sức ép và bắt nạt, bao gồm việc điều lực lượng quân sự, để ép Đài Loan có lập trường mềm mỏng hơn trước Bắc Kinh. Đáng chú ý là Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực và trên thực tế đã thực hiện các bước cụ thể để tăng cường khả năng chinh phục hòn đảo bằng quân sự như một biện pháp cuối cùng. Điều này liên quan đến “quyền lực cứng” mà chúng ta sẽ phân tích sau. Tuy nhiên, về mặt lý thuyết, Bắc Kinh muốn thuyết phục hoặc ép buộc Đài Loan chấp nhận đầu hàng mà không sử dụng vũ lực; do đó họ sử dụng các chiêu trò của “quyền lực sắc”.

Bắc Kinh và nhà lãnh đạo ngày càng chuyên quyền Tập Cận Bình muốn loại bỏ tất cả các phương án để Đài Loan chấp nhận đầu hàng và đạt được mục tiêu của mình một cách hòa bình. Nhưng trong vài năm qua, chính chính quyền Trung Quốc đã tự hủy hoại các biện pháp ôn hòa để đạt được mục tiêu này. Việc nghiền nát những dấu tích cuối cùng về quyền tự trị của Hồng Kông theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ” có thể đã thỏa mãn các mục tiêu ngắn hạn của giới lãnh đạo Bắc Kinh, nhưng nó đã làm xói mòn sâu sắc hy vọng rằng những người dân chủ của Đài Loan sẽ sẵn sàng chấp nhận quyền bá chủ của chính quyền Trung Quốc. Không chỉ vậy, cuộc sống của người dân Trung Quốc là bằng chứng cho thấy “mô hình Bắc Kinh” không mang lại giá trị gì cho 23 triệu công dân Đài Loan.

Tại sao ông Tập lại quyết định đi theo con đường này là một điều khó hiểu. Có lẽ ông ta cảm thấy quyền cai trị chuyên quyền của mình sẽ được củng cố bằng cách nghiền nát một mô hình phát triển rất khác của Trung Quốc ngay bên kia eo biển. Nếu vậy, ông ta đã tính toán sai lầm. Trên thực tế, tất cả các dấu hiệu cho thấy người Đài Loan ngày càng quyết tâm chống lại mọi nỗ lực thống nhất của Bắc Kinh.

Đảng Dân Tiến của Tổng thống Thái Anh Văn đã phát triển mạnh mẽ hơn ở Đài Loan, đảng này chiếm đa số trong cơ quan lập pháp và ở hầu hết các chính quyền địa phương. Điều này bảo đảm cho bà Thái có một đất nước vững chắc khi phải đối mặt với những nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh nhằm bắt nạt bà trong một số thỏa thuận. Còn ba năm nữa trong nhiệm kỳ của bà Thái, căng thẳng giữa Trung-Đài sẽ không giảm bớt.

Quyền lực cứng (Hard Power)

Kho vũ khí ngày càng tăng của Trung Quốc dùng để chống lại Đài Loan là điều đáng lưu tâm.
Tiềm năng hủy diệt của các lực lượng quân đội Trung Quốc được hiển thị một cách công khai. Họ không giấu giếm các cuộc tập trận dàn xếp cách thức tấn công vào tòa nhà chính phủ Đài Loan. Tên lửa thường xuyên được tung ra với mục đích răn đe. Hải quân Trung Quốc phản ứng gay gắt với các hoạt động hợp pháp của lực lượng hải quân các quốc gia khác, trong đó có cả lực lượng hải quân Hoa Kỳ.

Ngoài ra, Bắc Kinh còn xâm phạm không phận của các quốc gia khác, và ngư dân của các quốc gia này bị lực lượng tuần duyên và các tàu dân quân hàng hải Trung Quốc bắt nạt. Tuy nhiên, một trong những mục tiêu mà những biểu hiện của quyền lực cứng này nhắm đến là để chống lại bất kỳ phản ứng tiềm tàng nào của Hoa Kỳ đối với sự xâm lược của Trung Quốc.

Để chống lại sự bành trướng của Bắc Kinh và tăng cường khả năng bảo vệ Đài Loan, Hoa Kỳ, phải thiết lập và duy trì sức mạnh để chắc chắn giành ưu thế trước các nỗ lực vũ trang từ Trung Quốc. Ý định và khả năng của Hoa Kỳ đối với việc bảo vệ Đài Loan phải rõ ràng.

Khái niệm Phòng thủ Tổng thể của Đài Loan (ODC) là một bước tiến lớn và nó thể hiện một cái nhìn rất thực tế về những thách thức mà Đài Loan phải đối mặt. ODC mô tả mối đe dọa chính là chiến lược của Trung Quốc, kết hợp giữa cưỡng bức, dụ dỗ các thị trường quốc tế, cô lập khỏi các tổ chức quốc tế và chèn ép Đài Loan.

Rõ ràng, Hoa Kỳ có lợi ích lớn nếu Đài Loan đứng vững trước các chiến lược gây áp lực của chính quyền Trung Quốc. Hơn nữa, Hoa Kỳ và Đài Loan hiện cùng phải đối mặt với việc làm thế nào để bảo đảm ưu thế trên biển và trên không. Không chỉ thế, tất cả các quốc gia châu Á có biển cũng đang cùng đối mặt với thách thức này. Do vậy, tất cả phải đồng lòng để vượt qua thách thức.

Kết luận

Một số nhà quan sát bày tỏ lo ngại rằng chính quyền Biden có thể mang lại cơ hội cho Bắc Kinh tấn công quân sự qua eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, các nhà phân tích của Diplomat không nghĩ vậy. Chính quyền Trump và Biden liên tục có những động thái nhằm ngăn chặn bất kỳ nỗ lực nào nhằm ép buộc hoặc đe dọa Đài Loan. Những nỗ lực từ Quốc hội Hoa Kỳ cho thấy điều này. Quân đội Hoa Kỳ thường xuyên huấn luyện để bảo vệ bạn bè và đồng minh trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Lực lượng Hoa Kỳ ở Okinawa và phần còn lại của Nhật Bản, cũng như các căn cứ khác ở Thái Bình Dương, sẵn sàng di chuyển khẩn cấp bất cứ khi nào cần thiết.

Ông Tập nên tỉnh táo suy nghĩ về mặt trái của bất kỳ chủ nghĩa phiêu lưu nào hiện tại hoặc trong tương lai. Nền kinh tế Trung Quốc sụt giảm nghiêm trọng trong đợt suy thoái toàn cầu gần đây nhất. Bất chấp những lời tuyên truyền có vẻ hoa mỹ, nhiều công dân Trung Quốc biết rằng giới lãnh đạo ở Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về tình trạng này. Họ đã đến Đài Loan đủ nhiều để hiểu được sự khác biệt đáng kể giữa hai bờ eo biển, và có lẽ đã nuôi dưỡng một số thiện cảm đối với xã hội tự do và dân chủ bên kia eo biển.

Phản ánh mối quan hệ song phương ngày càng phát triển, Hoa Kỳ và Đài Loan nên thực hiện các bước tiếp theo để tăng cường “các mối quan hệ thương mại, văn hóa và các mối quan hệ khác sâu rộng, gần gũi và thân thiện”. Điều này sẽ phù hợp với ngôn ngữ của Đạo luật Quan hệ Đài Loan cũng như Đạo luật Du lịch Đài Loan, Đạo luật Sáng kiến ​​Tái bảo hiểm Châu Á (ARIA).

Ngoài ra, cần phải xem xét lại chính sách, cùng với việc tăng cường khả năng răn đe thông thường. Đạo luật Quan hệ Đài Loan dựa trên giải pháp hòa bình. Các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ phải nói rõ rằng chúng tôi tận tâm với đề xuất đó.

Đài Loan phải bảo đảm khả năng tích hợp các nỗ lực an ninh, trong đó có việc ngăn chặn “quyền lực cứng”, trên tất cả các yếu tố bị đe dọa và phản ứng tốt hơn với “quyền lực cứng” của Trung Quốc, cũng như bảo vệ các giá trị tự do và thể chế dân chủ của Đài Loan.

Lực lượng tác chiến trên mặt đất của Đài Loan phải được tích hợp trong cuộc chiến giành ưu thế trên không và trên biển, từ đó dẫn đến việc cần phải trang bị những loại vũ khí cần thiết.

Hợp tác với Hoa Kỳ và các quốc gia khác trong khu vực có cùng mối đe dọa là điều cần thiết. Một Liên minh các nền dân chủ trong khu vực và hơn thế nữa phải được cung cấp năng lượng để hỗ trợ các lý tưởng dân chủ và thể hiện sự hấp dẫn của chính phủ đại diện đối với tất cả những người bị giam cầm ở Trung Quốc và khu vực.

Hoa Kỳ cùng với các đồng minh của mình, đặc biệt là Nhật Bản, với sự tham vấn chặt chẽ với Đài Loan, nên phát triển một chiến dịch liên lạc phối hợp để chống lại sự ép buộc và tăng cường răn đe.

Một cách tiếp cận toàn diện để tăng cường khả năng của Đài Loan phải bao gồm các biện pháp kinh tế. Đây là một yếu tố then chốt để chống lại chiến lược tạo ra sự phụ thuộc kinh tế của Bắc Kinh. Chính quyền Biden nên tích cực xem xét việc theo đuổi một hiệp định thương mại song phương với Đài Loan.

Ngoài ra, việc chính quyền Biden cần rõ ràng hơn đối với cam kết bảo vệ Đài Loan là rất quan trọng cho các mục đích răn đe và ổn định.

Chính quyền Biden, với sự tham vấn chặt chẽ của Quốc hội Hoa Kỳ, nên xem xét lại chính sách hiện tại đối với Đài Loan nhằm tăng cường phạm vi và bề rộng của mối quan hệ hợp tác – về kinh tế, chính trị và quân sự. Điều này sẽ bao gồm một tín hiệu sớm rằng Hoa Kỳ sẽ không dung thứ cho các mối đe dọa hoặc hành động nhằm đe dọa hoặc tấn công Đài Loan. Washington cũng nên tiếp tục theo dõi chặt chẽ sự gia tăng của các mối đe dọa của quân đội Trung Quốc đối với hòn đảo và gửi một cảnh báo chính xác rằng Hoa Kỳ sẽ thực hiện các cam kết của mình với người dân Đài Loan và chính phủ của họ.

https://www.dkn.tv/the-gioi/chinh-quyen-biden-co-the-ho-tro-dai-loan-nhu-the-nao.html

620,000 người kêu gọi chấm dứt ‘Sự xâm lược Văn hóa’ của Trung Cộng ở Nam Hàn

  • Thứ bảy, 01/05/2021

Tinh thần chống Trung Cộng trong người dân Nam Hàn đang dâng cao.

Hơn 627,000 người dân Nam Hàn đã ký một bản kiến nghị yêu cầu chính phủ hủy bỏ dự án “Khu phố Tàu” ở thành phố nghỉ dưỡng Gangwon tiếp sau sự cố “Hán phục so với trang phục truyền thống hanbok” và “Kim chi” hồi năm ngoái.

Sự xâm lược Văn hóa của Trung Cộng
Một cặp đôi đeo khẩu trang giúp bảo vệ khỏi sự lây lan của virus Trung Cộng đi bộ dưới trời mưa tại Cung điện Gyeongbok, cung điện hoàng gia chính của triều đại Joseon, ở Seoul, Nam Hàn, hôm 17/04/2020 (Ảnh: Ahn Young-joon/AP Photo )

Hôm 29/03, một bản kiến nghị đã được đăng ký trên trang web của chính phủ Nam Hàn yêu cầu tỉnh Gangwon hủy bỏ dự án “Khu phố Tàu.”

“Tại sao chúng ta lại muốn xây dựng một Trung Quốc thu nhỏ ở Nam Hàn?” bản kiến nghị chất vấn. “Công chúng không hiểu tại sao chúng ta lại muốn bày ra trải nghiệm văn hóa Trung Quốc trên chính xứ sở của mình. Chúng tôi kiên quyết phản đối.”

Tính đến sáng sớm ngày 21/04, bản kiến nghị đã nhận được 627,000 chữ ký – số chữ ký cao nhất mà Nhà Xanh từng nhận được.

Hôm 16/04, Nhà Xanh cũng nhận được một bản kiến nghị khác kêu gọi đàn hặc Thống đốc tỉnh Gangwon, ông Choi Moon-soon, về vai trò ủng hộ Bắc Kinh của ông trong dự án “Khu phố Tàu” (“Chinatown.”)

Sáng kiến Vành đai và Con đường bị lên án là một cuộc xâm lược văn hóa

Tờ Nhân dân Nhật báo – cơ quan ngôn luận của Trung Cộng – đưa tin dự án “China Town” ở Gangwon là một thỏa thuận được ký kết vào năm 2019 giữa chính phủ tỉnh Gangwon và Trung Quốc. Theo thỏa thuận này, Trung Quốc và Nam Hàn sẽ xây dựng một “làng văn hóa phức hợp Trung Quốc” giữa tỉnh Hongcheon và Chuncheon, thành phố thủ phủ của tỉnh Gangwon. Trải dài trên 296 mẫu Anh, dự án này có quy mô gấp 10 lần Khu phố Tàu của thành phố Incheon.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Nhân dân Nhật báo vào tháng 12/2019, ông Choi đã mô tả dự án được đề xuất “Thành phố Văn hóa Trung Quốc” như một “Vành đai và Con đường về văn hóa.” Truyền thông Nam Hàn đưa tin rằng tên chính thức của dự án này là “Thành phố Văn hóa Trung Quốc-Nam Hàn.”

Dự án được lên kế hoạch hoàn thành vào năm 2022. Tuy nhiên, dự án đã làm dấy lên sự phẫn nộ mạnh mẽ trong người dân Nam Hàn, họ tin rằng Trung Cộng đang thực thi chủ nghĩa đế quốc văn hóa ở Nam Hàn để bành trướng ảnh hưởng chính trị của nhà cầm quyền này.

Đơn kiến nghị viết: “Chúng tôi phản đối việc xây dựng một khách sạn cho khách du lịch Trung Quốc ở tỉnh Gangwon, đây là di tích lịch sử lớn nhất thế giới với lượng lớn các cuộc khai quật. Người dân đang rối loạn vì đánh mất nền văn hóa của mình. Chúng ta phải đứng lên chống lại Trung Quốc, đang cố gắng đánh cắp những nét văn hóa độc nhất của chúng ta như kim chi và hanbok.”

Tranh chấp về Kimchi, Hanbok

Tranh chấp về “kim chi” đã được khuấy động bởi Thời báo Hoàn Cầu, cơ quan ngôn luận của Trung Cộng ở ngoại quốc. Thời báo Hoàn Cầu tuyên bố rằng Trung Cộng chịu trách nhiệm thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế cho ngành công nghiệp “rau dưa chua” và địa vị “quốc gia bá chủ kim chi” của Nam Hàn chỉ tồn tại “trên danh nghĩa.”

Những bình luận này đã dẫn đến sự phản đối tức thì từ những người dân Nam Hàn, những người coi kim chi là món ăn thiêng liêng có mặt trong hầu hết các bữa ăn. Chính phủ Nam Hàn trả lời rằng tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế của Trung Quốc chỉ giới hạn cho dưa chua Tứ Xuyên, và không liên quan gì đến kim chi của Nam Hàn.

Vào tháng 11/2020, dưa chua Tứ Xuyên của Trung Quốc đã được Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) chứng nhận.

Cuộc tranh cãi đã kéo theo cuộc tranh luận sôi nổi về mối liên hệ giữa trang phục người Hán và trang phục truyền thống hanbok giữa các cư dân mạng của hai nước. Blogger truyện tranh “Old Xian” từ Trung Quốc đại lục đã tạo nên một seri phim hoạt hình về Hán phục. Cư dân mạng Nam Hàn đặt nghi vấn liệu trang phục trong phim này có sao chép các yếu tố của hanbok của Nam Hàn hay không. Tuy nhiên, cư dân mạng Trung Quốc nói rằng phong cách này đã tồn tại ở Trung Quốc từ thời nhà Minh và bản thân hanbok “bắt nguồn từ Hán phục.”

Ngoài ra, bộ phim truyền hình Nam Hàn “Phù thủy Joseon” đã bị cáo buộc xuyên tạc lịch sử Nam Hàn. Việc bao gồm các yếu tố Trung Quốc, chẳng hạn như bánh bao, bánh trung thu và đàn tranh Trung Quốc, đã khơi dậy các cuộc biểu tình phản đối ở Nam Hàn. Các nhà biên kịch đã bị chỉ trích vì thân Trung Cộng, và cuối cùng chương trình này đã bị ngừng phát sóng.

Chỉ số được lòng dân chúng của TT Moon Jae-in tụt dốc giữa bối cảnh tinh thần chống Trung Cộng dâng cao

Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, những người dân Nam Hàn có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc – do nền chính trị của Bắc Kinh – đã tăng từ 37% vào năm 2015 lên 75% vào năm 2020. Chỉ số ủng hộ của Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi ông nhậm chức.

Theo dữ liệu do các nhà thăm dò ý kiến của Nam Hàn công bố hôm 12/04, mới đây nhất chỉ số ủng hộ của ông Moon chỉ là 33.4%.

Sau khi virus Trung Cộng bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc, vào đầu năm 2020, hơn 500,000 người dân Nam Hàn đã ký một đơn kiến nghị yêu cầu chính phủ ông Moon từ chối cho công dân Trung Quốc nhập cảnh để ngăn chặn đại dịch. Trong khi đó, 1.45 triệu người, không hài lòng với các chính sách thân Trung Cộng của ông Moon, đã đưa ra một bản kiến nghị đàn hặc ông.

Bản kiến nghị đàn hặc cho biết, “Chính sách của Tổng thống Moon Jae-in đối với virus corona chủng mới cho thấy ông ta giống chủ tịch Trung Quốc hơn là tổng thống Nam Hàn.”

Trung Cộng đã giúp bầu chọn ông Moon Jae-in

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2017, ông Moon đã công khai ủng hộ Trung Cộng. Năm 2019, chiến dịch chống Dự luật Dẫn độ (ELAB) ủng hộ dân chủ của Hồng Kông đã giành được sự ủng hộ từ nhiều quốc gia dân chủ, nhưng Nam Hàn không nằm trong số đó.

Ngay cả dưới làn sóng phản ứng dữ dội toàn cầu hiện nay chống Trung Cộng, dẫn đầu bởi các chính sách thương mại công bằng của Hoa Kỳ, Nam Hàn vẫn ở thế trung lập, thể hiện qua việc nước này không sẵn lòng tham gia “Đối thoại An ninh Tứ giác” với Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc chống lại sự xâm lược ngày càng tăng của Trung Cộng ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Vào tháng 02/2019, một cựu binh mạng của Trung Cộng và là thành viên của tổ chức bất vụ lợi Nam Hàn “Turn Right” đã viết một bài báo nói rằng Trung Cộng đã thao túng dư luận để giúp ông Moon Jae-in giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, với mục đích biến Nam Hàn trở thành đồng minh của Trung Cộng để cạnh tranh với Hoa Kỳ.

Theo các tài liệu nội bộ mà The Epoch Times có được vào tháng 10/2020, sau khi lên nắm quyền, ông Moon đã thiết lập các chính sách kinh tế thân Trung Cộng, nâng “Đập ngăn sóng Saemangeum” lên thành một dự án có tầm quan trọng chính trị quốc gia, và hợp nhất dự án này trở thành “Trung tâm Kinh tế Đông Bắc Á” hợp tác với Trung Cộng để tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại giữa Nam Hàn và Trung Quốc. Mặt khác, Trung Cộng sử dụng mối quan hệ đối tác để tạo ảnh hưởng và kiểm soát đối với chính phủ của ông Moon.

Ông Lý Yến Minh (Li Yanming), nhà bình luận tại Hoa Kỳ, cho biết, “Vào thời điểm căng thẳng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Hoa Kỳ đang hành động cùng các đồng minh và đối tác của mình để kiềm chế Trung Cộng. Nam Hàn từng là đồng minh của Hoa Kỳ, nhưng chính phủ của ông Moon bị Trung Cộng kiểm soát và phải thực hiện những gì Bắc Kinh nói.”

“Giờ đây, tinh thần chống Trung Cộng trong người dân Nam Hàn đang dâng cao. Họ công khai phản đối hành vi ủng hộ Trung Cộng của chính phủ ông Moon Jae-in. Nỗ lực xâm nhập vào Nam Hàn của Trung Cộng đã vấp phải một rào cản nghiêm trọng.”

Do Winnie Han thực hiện – Nguyễn Lê biên dịch

https://etviet.com/620000-nguoi-keu-goi-cham-dut-su-xam-luoc-van-hoa-cua-trung-cong-o-nam-han_207420.html

Số phận 3,5 tỷ USD hàng hóa trên siêu tàu bị bắt giữ vì “bít” kênh đào Suez

Siêu tàu Ever 

Given cùng với hàng nghìn container hàng hóa bị giữ lại ở kênh Suez khi các bên tiếp tục đàm phán về khoản bồi thường lên tới gần 1 tỷ USD sau sự cố tàu bít kênh gần một tuần.

Số phận 3,5 tỷ USD hàng hóa trên siêu tàu bị bắt giữ vì bít kênh đào Suez - 1
Tàu vận tải Ever Given mắc kẹt ở kênh Suez sáng 23/3. Chủ hãng tàu nói rằng, gió mạnh khiến con tàu mất lái và xoay ngang, bít kênh đào (Ảnh: AFP).

Reuters cho biết, một tòa án ở Ai Cập đã chính thức ra phán quyết yêu tạm giữ tàu Ever Given trong lúc giới chức các bên thỏa thuận về điều khoản bồi thường thiệt hại.

Theo phán quyết của tòa án, chủ tàu, công ty Shoei Kisen của Nhật Bản, phải bồi thường 916 triệu USD cho Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez (SCA). Khoản bồi thường này gồm chi phí bảo dưỡng, chi phí giải cứu và thiệt hại mà Ai Cập phải gánh do thất thu gần 1 tuần ở kênh Suez.

Công ty Shoei Kisen cho biết, các công ty bảo hiểm và luật sư đang thảo luận về yêu cầu bồi thường của Ai Cập, nhưng từ chối cung cấp thêm chi tiết.

Phản hồi đề nghị bồi thường của Ai Cập, UK Club – công ty bảo hiểm bồi thường và bảo vệ cho tàu Ever Given – nói: “SCA không giải thích chi tiết cho yêu cầu đặc biệt lớn này, gồm yêu cầu 300 triệu USD cho chi phí cứu hộ và 300 triệu USD cho tổn thất danh tiếng. Việc mắc cạn không gây ra ô nhiễm và không gây thương vong. Con tàu tái nổi sau 6 ngày và kênh Suez đã nhanh chóng nối lại hoạt động thương mại”.

Mịt mờ số phận lô hàng

Trong lúc các cuộc thương thảo về điều khoản bồi thường giữa SCA và chủ tàu Ever Given đã bước vào tuần thứ 3, chủ sở hữu hàng nghìn lô hàng trên siêu tàu vẫn không biết chắc khi nào và ở đâu họ có thể nhận được hàng hay liệu họ sẽ được bồi thường ra sao. Hôm qua, một lãnh đạo của Shoei Kisen cho biết, giới chức Ai Cập yêu cầu con tàu chưa được rời đi cho đến khi các cuộc điều tra hoàn tất cả các bên đạt được thỏa thuận bồi thường. Theo nguồn tin của SCA, cuộc điều tra dự kiến hoàn tất vào cuối tuần này.

Jai Sharma, một luật sư tại công ty Clyde & Co, cho rằng quyết định bắt giữ con tàu có thể ảnh hưởng đến các lô hàng trên tàu Ever Given. Một luật sư về vận tải biển cho biết, thông thường, chủ tàu sẽ đưa ra cam kết để con tàu và thủy thủ đoàn tiếp tục hành trình và giao hàng, trong khi các tranh cãi pháp lý được giải quyết sau.

Tàu Ever Given thuộc sở hữu của công ty Nhật Bản Shoei Kisen và được vận hành bởi công ty Ever Green có trụ sở tại Đài Loan. Con tàu chở hơn 18.000 container hàng hóa với trị giá ước tính khoảng 3,5 tỷ USD bất ngờ mất kiểm soát và chắn ngang kênh Suez sáng 23/3. Sự cố “bít” kênh Suez khiến hàng trăm tàu bị nghẽn ở cửa ngõ Suez, làm gián đoạn nguồn cung hàng hóa toàn cầu. Ai Cập cho biết, sự cố khiến họ thiệt hại khoảng 12-14 triệu USD/ngày từ nguồn thu phí thông quan tàu hàng.

Công ty Shoei Kisen đã lên tiếng xin lỗi và giải thích sự cố trên là do gió thổi mạnh. Tuy nhiên, các nhà điều tra Ai Cập cho rằng, sự cố không đơn thuần là do gió, mà có thể do lỗi con người.Phát Video01:38Nỗ lực giải cứu tàu khổng lồ mắc kẹt tại kênh đào Suez

Minh Phương – Theo Reuter