Tin Tổng Hợp – 2/4/22
Ukraine tuyên bố đã ‘giải phóng’ khu vực quanh thủ đô Kyiv
Ukraine vào tối thứ Bảy 2/4 tuyên bố đã ‘giải phóng’ toàn bộ khu vực quanh thủ đô Kyiv, mặc dù Nga nói việc rút quân chỉ là thiện chí cho đàm phán.
Và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vừa có diễn văn mới nhất, rạng sáng ngày 3/4, nhấn mạnh chiến lược vừa đánh vừa đàm của ông.
“Chúng ta không nên ấp ủ những hy vọng trống rỗng rằng họ sẽ đơn giản rời bỏ mảnh đất của chúng ta. Chúng ta chỉ có thể đạt được hòa bình trong các trận chiến cam go và song song các cuộc đàm phán.”
Ông nói: “Chúng tôi đang tăng cường phòng thủ ở hướng đông và ở Donbas. Chúng tôi biết rằng quân địch có quân dự bị để gia tăng sức ép ở phía đông.”
“Mục tiêu của quân Nga là gì? Họ muốn chiếm cả Donbas và miền nam Ukraine. Mục tiêu của chúng ta là gì? Bảo vệ chúng ta, tự do của chúng ta, đất đai và con người của chúng ta.”
“Mariupol anh hùng của chúng ta tiếp tục kìm hãm một bộ phận đáng kể quân địch. Nhờ cuộc kháng chiến này, nhờ lòng dũng cảm và sự kiên cường của các thành phố khác, Ukraine đã có được thời gian vô giá. Thời gian cho phép chúng ta phá hoại chiến thuật của kẻ thù và làm suy yếu khả năng của chúng.”
“Thật không may, Ukraine vẫn chưa nhận được đủ các hệ thống chống tên lửa hiện đại của phương Tây. Chưa nhận được máy bay. Chưa nhận được những gì đối tác có thể cung cấp.”
“Tôi biết ơn tất cả những người xuống đường trong các thành phố bị tạm chiếm. Cảm ơn tất cả những ai không sợ hãi và đi ra đường. Tôi cũng biết ơn tất cả những ai sợ hãi nhưng vẫn bước ra.”
“Và khi mọi người phản đối – và càng nhiều người phản đối – thì những kẻ chiếm đóng càng khó tiêu diệt chúng ta, phá hủy tự do của chúng ta. Đây là cuộc đấu tranh chung! Và sẽ là chiến thắng chung của chúng ta.”
Trong diễn tiến mới, vào tối ngày 2/4, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Malyar đăng trên Facebook rằng lực lượng Ukraine đã giành lại quyền kiểm soát toàn bộ khu vực Kyiv.
“Irpin, Bucha, Gostomel và toàn bộ vùng Kyiv – được giải phóng khỏi kẻ xâm lược,” bà viết.
Nga đã mô tả việc rút quân khỏi Kyiv là một cử chỉ thiện chí trong các cuộc đàm phán hòa bình nhưng các nhà phân tích phương Tây cho rằng chiến dịch của Nga đã đình trệ.
Góc nhìn của Nga
Hầu hết báo chí phương Tây lúc này cho rằng Nga đã thất bại trong mục tiêu chiếm thủ đô Kyiv của Ukraine.
Theo diễn giải của chính phía Nga, hoàn toàn không phải như vậy.
Đầu tuần này, Nga tuyên bố sẽ “giảm mạnh” hoạt động tác chiến xung quanh thủ đô Kyiv và thành phố Chernihiv ở phía bắc, thay vào đó tập trung vào các khu vực phía đông Ukraine.
“Mục tiêu chính của chúng tôi”, ba tướng lĩnh Nga nói vào ngày 25 tháng 3, là “giải phóng Donbas” —hai tỉnh nói tiếng Nga ở phía đông Ukraine.
Trước cuộc xâm lược, quân ủy nhiệm của Nga ở hai “Cộng hòa Nhân dân” Donetsk và Luhansk đã chiếm khoảng một phần ba Donbas.
Quân đội Nga kể từ đó đã chiếm được nhiều đất hơn, bao gồm cả các phần của Mariupol, một cảng hiện đã đổ nát trên Biển Azov.
Và phía Nga nói điều này có nghĩa là “các nhiệm vụ chính của giai đoạn đầu tiên” đã được hoàn thành.
Theo cách nói của Nga, cuộc bao vây thủ đô Kyiv chỉ là một đòn tấn công nhằm đánh lạc hướng các lực lượng Ukraine khỏi chiến dịch thực sự ở Donbas.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói trong một cuộc phỏng vấn với kênh Belarus-1 hôm thứ Bảy rằng phi quân sự hóa của Ukraine đang được tiến hành và cơ sở hạ tầng quân sự của nước này đã bị phá hủy phần lớn.
“Phi quân sự hóa thực sự đang diễn ra mạnh mẽ. Tiềm lực quân sự và cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine đã bị phá hủy phần lớn trong chiến dịch đặc biệt của lực lượng vũ trang của chúng tôi. Đó thực sự là một trong những mục tiêu của chiến dịch này, một mục tiêu rất quan trọng,” Peskov nói.
Cũng hôm 2/4, Nga nói đã phá hủy 381 máy bay không người lái, 1.888 xe tăng và 205 bệ phóng tên lửa của Ukraine kể từ khi bắt đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt”.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov nói: “Nhìn chung, 125 máy bay và 88 máy bay trực thăng, 381 máy bay không người lái, 1.888 xe tăng và các phương tiện bọc thép chiến đấu khác, 205 hệ thống tên lửa, 793 súng pháo dã chiến và súng cối và 1.771 phương tiện cơ giới quân sự đặc biệt đã bị phá hủy.”
Vì sao Nga không chiếm được Kyiv?
Tuy vậy, theo cách kể của báo chí phương Tây, thì Nga thực sự muốn chiếm Kyiv nhưng đã thất bại.
Tạp chí The Economist ngày 2/4 phân tích: “Đến gần cuối tháng 3, quân đội Ukraine đã tiến hành một loạt các cuộc phản công ngày càng tham vọng và hiệu quả, cả về phía Kherson ở phía nam, thành phố lớn duy nhất mà người Nga hiện đang chiếm giữ.”
“Cuộc xâm lược lan rộng trên bốn vùng lãnh thổ riêng biệt – một ở phía nam từ Belarus đến Kyiv, một ra khỏi Nga về phía Sumy và Kharkiv ở phía đông bắc Ukraine, một từ xa hơn về phía đông đi vào Donbas và một ở phía bắc ra khỏi Crimea – sẽ luôn khiến quân Nga trải rộng quá mức. Họ đã phải trả một giá đắt.”
Theo báo The New York Times, diện tích Kyiv khoảng 325 dặm vuông, trong khi Mariupol, mà Nga vẫn chưa chiếm được, chỉ 65 dặm vuông.
Phân tích của tờ báo Mỹ này ngày 2/4 chỉ ra: “Chiến dịch đã diễn ra sai lầm vào Ngày 1, khi trực thăng Nga tấn công sân bay Hostomel ở ngoại ô Kyiv và vấp phải sự kháng cự gay gắt. Vì quân Nga không giữ được sân bay nên không thể nhanh chóng xây dựng lực lượng dù cần thiết để xâm lược thủ đô.”
Theo The New York Times, sau đó Nga chuyển sang quyết định bao vây thủ đô.
“Vòng ngoài sẽ chặn các vũ khí và vật tư quan trọng xâm nhập. Vòng trong sẽ phong tỏa các lực lượng kẻ thù và tạo cơ sở vững chắc cho một cuộc tấn công mạnh mẽ hơn.”
“Nhưng cuộc tấn công của Nga đã bị đình trệ mà không hoàn thành cả hai vòng, lại khiến bảo toàn các tuyến tiếp tế của Ukraine.”
Ngay cả nếu quân đội Nga định tiến vào phía đông của thành phố, một nguồn lực phòng thủ khác vẫn xuất hiện: sông Dnipro, chia cắt thành phố làm hai. Những cây cầu sẽ hạn chế bước tiến của Nga.
Sau khi vượt qua một trong những cây cầu, vẫn cần leo dốc để vào phía Tây, nơi đóng vai trò như lớp vỏ bọc tự nhiên cho trung tâm thủ đô.
“Người Ukraine đã hạn chế bước tiến của Nga bằng cách cho nổ tung các cây cầu và cố tình làm ngập lụt các khu vực phía bắc Kyiv,” báo The New York Times cho hay.
Hôm thứ Ba, Moscow tuyên bố sẽ giảm cường độ hoạt động quân sự xung quanh Kyiv, trên thực tế có lẽ thừa nhận rằng việc tiến về thủ đô đã bị đình trệ.
Hôm 2/4, các phóng viên cho hay quân đội Nga đang rút khỏi các khu vực ở phía bắc gần thủ đô Kyiv, để tập trung vào phía đông và nam.
Báo The New York Times dự đoán: “Cả hai bên đều chịu tổn thất nặng nề và cuộc chiến giành Kyiv vẫn có thể bắt đầu lại. Người Nga có thể tiến sâu vào, ngăn chặn các lực lượng Ukraine và bao vây thành phố. Các cuộc không kích có thể phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự và giết chết hàng nghìn người. Hoặc quân đội Nga có thể cố gắng tập hợp lực lượng để tấn công thủ đô một lần nữa.”
Ưu thế của Nga ở Donbas
Tuy nhiên, The Economist cho rằng Nga đã chính xác khi nói rằng họ đã đạt được tiến bộ ở Donbas, và có thể sẽ tập trung vào đây.
Khi nói về Donbas, Tổng thống Putin đề cập đến khu vực sản xuất than và thép lâu đời của Ukraine. Nhưng ông còn muốn nói về toàn bộ hai khu vực phía đông lớn, Luhansk và Donetsk, chạy từ bên ngoài Mariupol ở phía nam đến tận biên giới phía bắc.
Tuần trước, Nga tuyên bố đã nắm quyền kiểm soát 93% khu vực Luhansk và 54% Donetsk.
Nếu Nga chiếm được Donbass, Nga sẽ có một số lựa chọn.
The Economist phân tích: “Nếu Nga chiếm thế thượng phong tại đây, nước này có thể tiếp tục chiến tranh. Ngoài ra, Nga có thể sử dụng chiến thắng như một chiến lược rút lui. Với việc Donbas “được giải phóng”, Nga có thể tuyên bố “hoạt động đặc biệt” là một chiến thắng nổi tiếng.”
“Nếu các cuộc đàm phán thất bại, Nga có thể đồn trú quân đội ở Donbas trong nhiều năm, như đã từng làm trong “các cuộc xung đột đóng băng” ở Moldova và Gruzia.”
Nhận xét của phóng viên BBC Orla Guerin, đang ở Kyiv, ngày 1/4:
“Về mặt quân sự, cho đến nay, rất tốt cho Ukraine.
Họ đã gây bất ngờ cho Tổng thống Putin và thế giới, bằng sức đề kháng ngoan cường trước một đội quân lớn hơn, được trang bị tốt hơn. Tương tự, các lực lượng của Nga đã khiến cả thế giới phải ngạc nhiên bởi sự vô tổ chức và kém hiệu quả.
Chúng ta đã thấy một ví dụ về thành công của Ukraine trong trận chiến ở vị trí tiền tuyến bên ngoài Kyiv vào tuần trước. Các lực lượng Ukraine nói với chúng tôi rằng người Nga đã cố gắng đột phá bốn lần trong tháng qua, và mỗi lần đều bị kìm hãm. Bằng chứng là khoảng nửa tá xe tăng và thiết giáp chở quân của Nga bị cháy rụi.
Cuộc xâm lược của Nga hiện đã bước sang tuần thứ sáu và đã thất bại trên các mặt trận quan trọng – người Nga đã không thể tiến vào thủ đô Kyiv, lật đổ chính phủ hoặc chiếm bất kỳ thành phố lớn nào – ngoài Kherson ở phía nam. Nga đã phá hủy nhiều hơn những gì họ chiếm được.
Nhưng quá sớm để dự đoán kết quả ở đây.
Có thể bắt đầu một cuộc chiến lâu dài. Nga cho biết hiện họ sẽ tập trung vào khu vực Donbas ở miền đông Ukraine. Nga có thể có ít sự lựa chọn, không đạt được lợi ích ở những nơi khác. Nhưng trong tương lai, Nga có thể tiếp tục cố gắng chiếm thêm lãnh thổ ở những nơi khác.
Số phận của ông Putin có lẽ gắn liền với sự thành công hay thất bại của cuộc xâm lược. Ông ta có thể tiếp tục đổ quân, áo giáp và vũ khí hạng nặng trong thời gian dài hơn.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-60968064
Thượng đỉnh Âu – Trung: Bắc Kinh cam kết không «lách» trừng phạt Nga
Áp lực gia tăng với Trung Quốc tại thượng đỉnh Liên Âu – Trung Quốc hôm qua, 01/04/2022. Liên Hiệp Châu Âu kêu gọi Bắc Kinh phản ứng cứng rắn hơn về Matxcơva, để góp phần chấm dứt cuộc xâm lăng Ukraina của Nga, và đe dọa quan hệ thương mại song phương Âu – Trung, nếu Bắc Kinh tiếp tục hỗ trợ Nga.
Trung Quốc một lần nữa cam kết không lách trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga, nhưng mặt khác, lên án các trừng phạt «phản tác dụng». Trong một cuộc họp báo hôm nay, 02/2022, sau thượng đỉnh, một quan chức ngoại giao cao cấp của Trung Quốc nhấn mạnh là «Trung Quốc không phải là một bên trong khủng hoảng Ukraina (…) Do vậy, quan hệ thương mại Trung – Nga không thể bị (các trừng phạt) nhắm tới».
Bắc Kinh cũng kêu gọi «đừng đánh giá quá cao vai trò của Trung Quốc» trong các nỗ lực quốc tế nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh tại Ukraina.
Thông tín viên Stéphane Largde tường trình từ Bắc Kinh:
«Truyền thông của chính quyền Trung Quốc sáng nay lặp lại đánh giá các cuộc thảo luận là ‘‘thẳng thắn và cởi mở’’ (đã được các lãnh đạo Liên Âu đưa ra), để mô tả đối thoại Âu – Trung đêm qua. Từ Bắc Kinh, quan chức phụ trách châu Âu của bộ Ngoại Giao Trung Quốc khẳng định, nếu Bắc Kinh chia sẻ quyết tâm của Liên Âu chấm dứt điều mà đại diện Trung Quốc gọi là ‘‘cuộc khủng hoảng Ukraina’’, thì con đường đạt được mục tiêu là khác biệt.
Ông Vương Lỗ Đồng (Wang Lutong) tuyên bố : ”Trung Quốc và Liên Âu đều tôn trọng các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia”, và ‘‘tất cả chúng ta đều ủng hộ một giải pháp ngoại giao, nhưng bóng không chỉ ở bên sân Trung Quốc’’.
Ông Vương Lỗ Đồng cho biết thêm: ‘‘Chúng tôi ủng hộ việc ngừng bắn, chúng tôi đã góp phần cho nỗ lực lập lại hòa bình, nhưng chân thành mà nói, vai trò của Trung Quốc không thể nào được đánh giá quá cao, vì hành động quân sự là do một quyết định độc lập, do nước Nga quyết định. Chúng ta không thể chỉ nói là nước Nga hãy dừng cuộc chiến này lại, và Matxcơva sẽ chấm dứt cuộc chiến. Sự việc sẽ không diễn ra như vậy’’.
Cụm từ ‘‘chiến tranh’’, như vậy, đã được một quan chức cao cấp Trung Quốc sử dụng để nói về cuộc xâm lăng Ukraina của Nga, theo ghi nhận của một số phóng viên có mặt tại cuộc họp báo hôm nay.
Về phần còn lại, Bắc Kinh vẫn duy trì quan điểm, đặc biệt về vấn đề các trừng phạt. Trung Quốc cam kết không hỗ trợ Nga, lách các trừng phạt của Hoa Kỳ và các nước châu Âu. Tuy nhiên, vụ trưởng vụ châu Âu của bộ Ngoại Giao Trung Quốc cũng khẳng định các trừng phạt này là ‘‘phản tác dụng’’, với các hậu quả về tài chính – tiền tệ đối với phần còn lại của thế giới».
Mọi nỗ lực hỗ trợ Nga có nguy cơ làm chiến tranh kéo dài
Về phía Liên Âu, trong thượng đỉnh hôm qua, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen lưu ý Bắc Kinh, cuộc chiến tranh tại Ukraina là «một bước ngoặt», «sẽ không có gì giống với trước chiến tranh. Đây là lúc phải có một lập trường rõ ràng để hậu thuẫn và bảo vệ trật tự thế giới dựa trên luật pháp». Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel nhấn mạnh: «Mọi nỗ lực lách trừng phạt hay hỗ trợ nước Nga có nguy cơ làm kéo dài chiến tranh, làm gia tăng các tổn thất về người và hậu quả kinh tế».
Cũng trong thượng đỉnh hôm qua, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khắng định Bắc Kinh sẽ tạo áp lực cho hòa bình «theo cách riêng của mình», còn chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi Liên Âu đánh giá về Trung Quốc một cách «độc lập», ngụ ý không nên để bị ảnh hưởng bởi đồng minh Hoa Kỳ.
Trọng Thành
(EURACTIV) – Kazakhstan tuân thủ các trừng phạt của phương Tây đối với Matxcơva. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với báo chí châu Âu, đăng tải hôm 31/03/2022, chánh văn phòng của tổng thống Kazakhstan, ông Timur Suleimenov, nhấn mạnh là quốc gia này sẽ không mạo hiểm để bị đặt vào cùng một rọ với nước Nga, Kazakhstan “sẽ không làm công cụ” giúp cho việc lách các trừng phạt của phương Tây với Matxcơva, do Nga tấn công Ukraina, cho dù Kazakhstan mà một thành viên của cộng đồng kinh tế với Nga và Belarus, cùng một số quốc gia Liên Xô cũ khác. Kazakhstan là một trong hơn 30 quốc gia bỏ phiếu trắng về nghị quyết lên án Nga xâm lược Ukraina của Đại Hội Đồng LHQ.
(AFP) – Kyrgyzstan: Biểu tình phản đối cuộc xâm lăng Ukraina của Nga. Cảnh sát Kyrgyzstan hôm nay, 02/04, bắt giữ khoảng 20 người biểu tình ở thủ đô Bishkek xuống đường phản đối ông Putin, bất chấp lệnh cấm. Người biểu tình đã tố cáo quyết định này là vi hiến. Nhìn chung, biểu tình phản đối được khoan dung ở Kyrgyzstan, một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á, nơi đã trải qua ba cuộc cách mạng và nhiều bạo lực sắc tộc bùng phát, kể từ năm 2005.
(AFP) – Ấn Độ và Úc ký hiệp định tự do thương mại sơ bộ. Văn bản được ký kết hôm nay, 02/04/2022, cho phép cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa ước tính trị giá hàng tỷ đô la. Ấn Độ là đối tác thương mại thứ 7 của Úc trong năm 2020, chiếm khoảng 4% kim ngạch xuất khẩu của nước này. Thỏa thuận tạm thời cắt giảm thuế đối với hơn 85% hàng hóa xuất khẩu của Úc sang Ấn Độ. Năm 2021, tổng trao đổi mậu dịch giữa hai nước đạt 17 tỷ USD. Úc xuất khẩu thịt cừu, than đá và các mặt hàng khác, trong khi đó Ấn Độ chủ yếu cung cấp dịch vụ.
(Reuters) – Nga gắn liền việc hợp tác bình thường của Trạm vũ trụ Quốc tế với việc dỡ bỏ mọi trừng phạt phương Tây. Giám đốc cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos, ông Dmitry Rogozin, cho biết hoạt động của trạm ISS và các dự án hợp tác tiếp theo chỉ có thể được khi phương Tây dỡ bỏ mọi trừng phạt. Roscosmos cho biết sẽ sớm thông báo với chính quyền về đề xuất chấm dứt hợp tác trên ISS với các cơ quan vũ trụ của Hoa Kỳ, Canada, Liên Hiệp Châu Âu và Nhật Bản.
(AFP) – Will Smith từ nhiệm Viện Hàn Lâm Oscars. Trong thông cáo báo chí ngày 01/04/2022, Will Smith viết rằng «danh sách những người tôi đã làm tổn thương rất dài, trong đó có cả Chris, gia đình anh ấy, bạn bè và những người thân yêu của tôi, bất kể ai ở nơi công cộng hay ở nhà.» Thông cáo được đăng trên tạp chí Variety còn viết rằng «Tôi từ nhiệm thành viên của Viện Hàn Lâm Khoa Học và Nghệ Thuật Điện Ảnh, và sẽ chấp nhận bất kỳ hậu quả nào mà Hội Đồng Quản Trị cho là phù hợp». Thông báo này được đưa ra sau sự cố nam diễn viên 53 tuổi này đã tát diễn viên hài Chris Rock ngay giữa lễ trao giải Oscar 2022.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220402-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p