Tin tổng hợp – 19/04/2020
(AFP) – Trung Quốc: Phòng thí nghiệm P4 phủ nhận mọi trách nhiệm.
Giám đốc phòng nghiên cứu P4, tâm điểm của mọi tranh luận về nguồn gốc dịch bệnh virus corona, ngày 18/4/2020 đã bác bỏ mọi cáo buộc cho rằng virus gây bệnh Covid-19 xuất phát từ P4. Trong một bài viết cách đây vài hôm, Washington Post thuật rằng đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh sau nhiều lần thăm viện nghiên cứu từng báo động chính quyền Mỹ năm 2018 về việc thiếu những biện pháp an toàn tại phòng thí nghiệm nghiên cứu về các chủng virus bắt nguồn từ loài dơi.
(AFP) – Thủy thủ trên tầu sân bay Charles-de-Gaulle có thể nhiễm Covid-19 ở Brest.
Trên đài France Inter ngày 19/04/2020, tướng François Lecointre, tham mưu trưởng Quân đội Pháp cho rằng “virus corona có thể đã bị lây nhiễm khi tầu dừng ở Brest (phía đông nước Pháp) vào tháng Ba (từ 13-16/03)”. Gần hai phần ba thủy thủ trên tầu (1.046 trên tổng số 1.760 người) đã bị nhiễm virus corona, nhưng hiện nguồn gốc lây nhiễm vẫn là một ẩn số. Hai cuộc điều tra đang được tiến hành, về cách xử lý khủng hoảng và về quá trình lây nhiễm trên tầu.
(AFP) – Pháp: GDP giảm đến 8% vì Covid-19.
Theo thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp, mức độ sụt giảm trong năm 2020 còn tùy vào thời hạn phong tỏa cho đến khi khôi phục hoàn toàn hoạt động. Trong khi đó, người dân Paris sẽ có khẩu vào cuối tháng Tư, theo thông báo ngày 19/04/2020 của đô trưởng Paris Anne Hidalgo. Tổng cộng, Paris sẽ nhận được 500.000 chiếc. Đây là một trong những biện pháp của thành phố để chống dịch Covid-19, cũng như trong giai đoạn hậu phong tỏa từ ngày 11/05.
(AFP) – Ba Lan tạm ngưng gọi thầu dự án phát triển 5G.
Thông cáo của cơ quan điều phối UKE của Ba Lan ngày 18/04/2020 nêu rõ “tạm ngưng gọi thầu” cho bốn băng tần từ 3480MHz đến 3800MHz trong bối cảnh đất nước phải lo chống dịch bệnh.
http://www.rfi.fr/vi/t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p/20200419-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới sáng 19/4:
Nguồn tin ở Triều Tiên nói nước này có người nhiễm Covid-19
Băng Thanh
Mục Điểm tin thế giới sáng Chủ Nhật (19/4) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Nguồn tin ở Triều Tiên nói nước này có người nhiễm Covid-19
Reuters hôm 18/4 dẫn nguồn tin từ RFA cho biết, chính quyền Triều Tiên nói với công dân trong các cuộc diễn thuyết công khai rằng, đã có ca nhiễm virus Vũ Hán ở nước này vào cuối tháng 3, trái ngược với tuyên bố chính thức của Bình Nhưỡng là họ chưa có ca nhiễm Covid-19 nào.
RFA trích dẫn hai nguồn tin, một ở Bình Nhưỡng và một ở tỉnh Ryanggang cho biết, những người diễn thuyết nói với các tổ chức và các đội dân phòng rằng đã có ca nhiễm Covid-19 tại Triều Tiên nhưng những người này lại không đưa ra bất kỳ con số nào.
Những người diễn thuyết cho biết các ca nhiễm virus tại nước này là ở Bình Nhưỡng, tỉnh Nam Hwanghae và tỉnh Bắc Hamgyong.
Bình Nhưỡng trước đó đã tăng cường kiểm tra biên giới và yêu cầu người nước ngoài đến từ các quốc gia có người nhiễm Covid-19 dành 30 ngày để cách ly, đồng thời vào đầu tháng 3 đã yêu cầu hàng chục nhà ngoại giao rời khỏi nước này.
IS âm mưu phát khẩu trang bẩn
Theo Reuters, lực lượng an ninh Iraq cảnh báo IS âm mưu phát khẩu trang bẩn cho người dân nước này thông qua những tay súng ngụy trang bác sĩ.
“Những kẻ khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng muốn phân phối thiết bị y tế và khẩu trang tại một số ngôi làng và khu vực tranh chấp ở Iraq”, kênh truyền hình Arab al-Mayadeen có trụ sở tại Lebanon hôm 18/4 dẫn nguồn tin từ lực lượng an ninh Iraq cho hay, nói rằng đây là khẩu trang không đảm bảo vệ sinh.
Nguồn tin khuyến cáo người dân không nên nhận khẩu trang từ những cá nhân, nhóm người không xác định. Thông tin đưa ra trong bối cảnh Iraq đã ghi nhận 1.482 ca nhiễm, 81 ca tử vong do virus Vũ Hán.
Anh hủy bắn đại bác mừng sinh nhật Nữ hoàng
Theo Reuters, Nữ hoàng Elizabeth yêu cầu không bắn đại bác mừng sinh nhật 94 tuổi khi Anh đang chật vật đối phó Covid-19.
“Sẽ không có bắn đại bác”, cung điện Buckingham hôm 18/4 ra thông báo, cho biết Nữ hoàng “cảm thấy hoạt động này không phù hợp với hoàn cảnh hiện tại”. Đây là lần đầu tiên Nữ hoàng ra yêu cầu như vậy trong 68 năm cầm quyền.
Nữ hoàng sẽ bước sang tuổi 94 vào ngày 21/4. Thông thường, vào những dịp đặc biệt của hoàng gia như sinh nhật, nghi thức bắn đại bác được cử hành ở một số nơi trên khắp London.
Canada, Hoa Kỳ gia hạn hạn chế biên giới để kiểm soát Covid-19
Theo Reuters, Canada và Hoa Kỳ đã đồng ý gia hạn hạn chế biên giới thêm 30 ngày để kiểm soát sự lây lan của virus Vũ Hán, Thủ tướng Canada, Justin Trudeau cho biết hôm 18/4.
Trước đó, vào tháng 3, Washington và Ottawa đã đồng ý kiểm soát việc đi lại không cần thiết trong khi các hoạt động thương mại vẫn tiếp tục, trên biên giới giữa hai nước do dịch viêm phổi Vũ Hán.
Người qua đời vì virus Vũ Hán vẫn có thể truyền bệnh cho người sống
Các khoa học gia Thái Lan vừa báo cáo trường hợp lây nhiễm Covid-19 đầu tiên từ một bệnh nhân đã qua đời. Người bị nhiễm và sau đó thiệt mạng là một bác sĩ chuyên về giảo nghiệm tử thi.
Theo bản tin của ABC News hôm 17/4, các khoa học gia Thái Lan đi đến kết luận rằng vị bác sĩ này chết vì nhiễm virus Vũ Hán từ một người đã qua đời.
Theo cách suy nghĩ thường thấy cho tới nay, những người tiếp xúc “sau cùng” với bệnh nhân nhiễm Covid-19 ít có nguy cơ bị lây nhiễm hơn những người có tiếp xúc ngay lúc đầu tiên như các cảnh sát viên và nhân viên cấp cứu.
Do Covid-19 phần lớn lây lan qua các hạt nước nhỏ li ti mang theo vi khuẩn, được bắn ra khi bệnh nhân nói chuyện, ho, hoặc hắt hơi, việc lây từ xác chết sang cho người sống được coi là khó xảy ra, dù rằng nay thấy là vẫn có thể xảy ra.
Điểm tin thế giới chiều 19/4:
Châu Phi có thể hứng chịu kỷ lục 300.000 ca tử vong do Covid-19
Quý Khải
Mục Điểm tin thế giới chiều Chủ nhật (19/4) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Trong viễn cảnh tươi sáng nhất, Châu Phi vẫn có thể hứng chịu kỷ lục 300.000 ca tử vong do Covid-19
Một báo cáo mới cho biết có khả năng đại lục Châu Phi có thể sẽ hứng chịu 300.000 ca tử vong do Covid-19 trong năm nay dưới kịch bản tốt nhất, theo Daily Caller.
Ủy ban Kinh tế Châu Phi của Liên Hợp Quốc nhận định, trong trường hợp xấu nhất và không có sự can thiệp chống lại virus corona, Châu Phi có thể chứng kiến 3,3 triệu người chết và 1,2 tỷ người nhiễm bệnh, hãng tin Associated Press cho biết trong một bản tin hôm thứ Sáu (17/4).
Châu Phi có thể ghi nhận hơn 122 triệu ca nhiễm ngay cả khi áp dụng “biện pháp giãn cách xã hội tích cực” trong hoàn cảnh tốt nhất. Tuy nhiên, trong bất kỳ kịch bản nào, Covid-19 cũng sẽ mang đến gánh nặng rất lớn cho Châu Phi với hệ thống y tế mỏng manh và thiếu thốn. Trong kịch bản tốt nhất, sẽ cần đến 44 tỷ đô la để chi tiêu cho dụng cụ xét nghiệm, điều trị và đồ bảo hộ cá nhân, theo báo cáo. Còn trong trường hợp xấu nhất, châu lục này sẽ phải rút hầu bao đến 446 tỷ USD. Các chuyên gia cảnh báo chỉ vài tuần nữa tình hình ở châu Phi sẽ như ở châu Âu.
Tờ báo lớn nhất nước Đức gửi thông điệp đến Trung Quốc: ‘Các vị đang đẩy thế giới vào vòng nguy hiểm’
Tổng biên tập tờ Bild – tờ báo có lượng phát hành báo giấy lớn nhất nước Đức, và cả ở Châu Âu – vào hôm thứ Năm (16/4) đã phát động một cuộc tấn công trực diện vào chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bởi chính quyền nước này đã thất bại trong việc cung cấp thông tin minh bạch về sự bùng phát dịch Covid-19 tại nội địa Trung Quốc, bên cạnh các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
Julian Reichelt, tổng biên tập nổi tiếng của tờ Bild, trong bức thư ngỏ gửi cho ông Tập đã nói rằng:
“Đại sứ quán của các vị ở Berlin đã gửi một bức thư ngỏ cho tôi, sau khi chúng tôi đặt câu hỏi trên tờ Bild rằng liệu Trung Quốc có nên bồi thường cho các tổn hại kinh tế khổng lồ mà dịch Covid-19 gây ra trên toàn cầu hay không”.
Ông viết rằng, “Ông [ý chỉ Tập Cận Bình], chính phủ và các nhà khoa học của ông từ lâu đã biết rằng Covid-19 rất dễ lây nhiễm, nhưng lại để thế giới mù tịt về điều này. Các chuyên gia hàng đầu của ông đã không trả lời khi các nhà nghiên cứu phương Tây yêu cầu được biết những gì đang diễn ra ở Vũ Hán. Ôm giữ chủ nghĩa dân tộc, ông đã quá ngạo mạn để có thể nói ra sự thật, điều mà ông có thể cảm thấy là một sự ô nhục quốc gia”.
Tổng thống Trump muốn đánh giá lại mối quan hệ với Trung Quốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Bảy (18/4) đề nghị đánh giá lại mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc sau khi bùng phát dịch virus Vũ Hán, thường được gọi là virus corona chủng mới, theo tờ The Epoch Times.
“Mối quan hệ của chúng ta với Trung Quốc đã từng rất tốt cho đến khi họ làm điều này. Hãy nhìn xem, chúng ta vừa ký một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc trong đó họ sẽ mua 250 tỷ USD hàng hóa của chúng ta mỗi năm, bao gồm từ 40 đến 50 tỷ USD hàng nông sản từ nông dân Mỹ. Sau đó thì đột ngột xảy ra việc này”, ông nói với báo chí trong một cuộc họp báo của Lực lượng Đặc nhiệm Nhà Trắng Chống dịch Virus corona.
“Câu hỏi đặt ra là: Liệu chúng ta có nên tức giận với Trung Quốc không? Câu trả lời có thể rất rành mạch là ‘Có’”.
“Nhưng điều này còn tùy thuộc. Liệu đây có phải là một sai lầm ngoài ý muốn? Hay nó được thực hiện có chủ ý? Dù sao, trong cả hai trường hợp, họ vẫn nên cho chúng tôi đi vào Vũ Hán. Từ rất sớm chúng tôi đã yêu cầu được đi vào Vũ Hán để điều tra tình hình dịch bệnh nhưng họ lại không để chúng tôi vào”, ông Trump nói.
Chính quyền Trump muốn chuyển ngân sách của WHO cho các tổ chức tương tự như Hội Chữ thập đỏ
Văn phòng Ngân sách Nhà Trắng gần đây đã yêu cầu các cơ quan liên bang tái phân bổ ngân sách của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho các tổ chức khác có vai trò tương tự, như Hội Chữ thập đỏ hoặc Tổ chức Cứu trợ Quốc tế Samaritan’s Purse, một tổ chức truyền giáo nhằm giúp đỡ những người gặp khó khăn về thể chất, theo The BL.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố đình chỉ tài trợ cho WHO hồi đầu tuần vì sự quản lý yếu kém của tổ chức này đối với đại dịch Covid-19.
Mỹ là một trong những nước đóng góp lớn nhất cho WHO, tài trợ từ 400 triệu đến 500 triệu USD hàng năm, Tổng thống Trump cho biết trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 14/4. Một phần lớn trong những đóng góp đó là tự nguyện.
Mỹ và Anh lên án Hồng Kông bắt giữ người ủng hộ dân chủ
Mỹ và Anh đã lên án các vụ bắt giữ, ít nhất là 14 nhà hoạt động dân chủ kỳ cựu ở Hồng Kông, với cáo buộc tham gia các cuộc biểu tình chống chính phủ vào năm ngoái, theo AP.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo trong một tuyên bố đã lên án các vụ bắt giữ như sau:
“Bắc Kinh và các đại diện của họ tại Hồng Kông tiếp tục có những hành động không phù hợp với các cam kết được đưa ra theo Tuyên bố chung Trung-Anh bao gồm sự minh bạch, tính pháp quyền và sự đảm bảo Hồng Kông sẽ tiếp tục được ‘hưởng mức độ tự trị cao’”.
Nhận định về tình huống này, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr nói những sự kiện này đã cho thấy “các giá trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối nghịch như thế nào đối với những nền dân chủ tự do phương Tây. Những hành động này – cùng với các hoạt động gây ảnh hưởng ác độc và gián điệp công nghiệp tại Hoa Kỳ – một lần nữa chứng minh rằng ĐCSTQ là không thể tin tưởng được”.
Trong cùng diễn biến, Bộ Ngoại giao Anh cũng đã chỉ trích các vụ bắt giữ, và nói rằng “quyền được biểu tình ôn hòa là giá trị nền tảng ở Hồng Kông, điều này được bảo vệ trong cả Tuyên bố chung và Luật cơ bản”.