Tin Tổng Hợp – 19/7/21
Bộ Tài chính Mỹ và NHNN Việt Nam đạt thoả thuận về các hành vi tiền tệ của Hà Nội
Bộ Tài chính Mỹ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam hôm 19/7 đạt được một thoả thuận để giải quyết những lo ngại của Washington về các hành vi tiền tệ của Hà Nội, giữa lúc có những thông tin về việc Chính quyền Biden xem xét đánh thuế lên hàng hoá từ quốc gia Đông Nam Á vì những tranh chấp thương mại.
Một thông cáo của Bộ Tài chính Mỹ đưa ra hôm 19/7 cho biết người đứng đầu Bộ này, bà Janet Yellen, đã gặp mặt trực tuyến với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trong ngày và đi đến một thoả thuận kể trên sau một cuộc thảo luận “mang tính xây dựng” giữa hai bên.
Bộ Tài chính, dưới thời Chính quyền Trump, hồi năm ngoái đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ, một “nhãn mác” mà Chính quyền Biden hồi tháng 4 năm nay đã tháo bỏ khi cho rằng không có đủ bằng chứng để kết luận Việt Nam thao túng tiền tệ mặc dù đã “vượt ngưỡng” được coi là có thể định giá thấp tiền đồng. Bộ này lúc đó cho biết rằng cần tăng cường phân tích thêm về vấn đề này trong các cuộc hội đàm song phương tiếp theo với Việt Nam.
Trong tuyên bố chung đưa ra hôm 19/7, Bộ trưởng Yellen và Thống đốc Hồng nói rằng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tái khẳng định trọng tâm của khuôn khổ chính sách tiền tệ của Hà Nội là “thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.”
Bộ Tài chính Mỹ và NHNN Việt Nam trong những tháng gần đây đã có “những cuộc thảo luận mang tính xây dựng thông qua quá trình tăng cường cam kết,” hai nữ lãnh đạo cho biết trong tuyên bố chung, và nói rằng họ đã “đạt được thoả thuận để giải quyết những lo ngại của Bộ Tài chính Mỹ về các hành vi tiền tệ của Việt Nam như được mô tả trong Báo cáo của Bộ Tài chính trước Quốc hội (Mỹ) về Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các Đối tác Thương mại lớn của Hoa Kỳ.”
Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ ban hành hồi tháng 12/2020, dưới thời Tổng thống Trump, lần đầu tiên đưa Việt Nam, cùng với Thuỵ Sỹ, vào danh sách “các nước thao túng tiền tệ.”
Trong tuyên bố chung với Bộ Tài chính Mỹ hôm 19/7, NHNN Việt Nam cam kết tuân theo các điều khoản của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong việc tránh thao túng tỷ giá hối đoái của mình nhằm ngăn chặn việc điều chỉnh cán cân thanh toán một cách có hiệu quả hoặc để đạt được lợi thế cạnh tranh không công bằng cũng như sẽ không để xảy ra bất kỳ sự phá giá cạnh tranh nào của tiền đồng Việt Nam. Theo tuyên bố này, NHNN cũng đang nỗ lực không ngừng để tiếp tục hiện đại hoá và minh bạch hơn trong chính sách tiền tệ và khuôn khổ tỷ giá hối đoái của mình.
NHNN Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục cung cấp thông tin cần thiết để Bộ Tài chính Mỹ tiến hành phân tích kỹ lưỡng và báo cáo về hoạt động của NHNN trên thị trường ngoại hối trong Báo cáo định kỳ 6 tháng của Bộ này trước Quốc hội, theo tuyên bố chung.
Cuộc gặp mặt giữa người đứng đầu Bộ Tài chính Mỹ và NHNN Việt Nam diễn ra giữa lúc có những lo ngại về việc Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) có thể sắp ban hành một danh sách các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam mà Chính quyền Biden sẽ đề xuất để đánh thuế theo Mục 301 theo sau các cuộc điều tra của Chính quyền Trump về hành vi “thao túng tiền tệ” và sử dụng “gỗ lậu” của Hà Nội. Chính quyền Biden có thời hạn cho đến tháng 10 để quyết định xem có áp thuế hay không, thời điểm đánh dấu 1 năm kể từ khi USTR khởi xướng các cuộc điều tra theo đề nghị của Tổng thống Donald Trump hồi đầu tháng 10 năm ngoái.
“Tôi hoanh nghênh cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về chính sách tiền tệ và sự hiểu biết lẫn nhau mà chúng ta đã đạt được,” Bộ trưởng Yellen nói trong tuyên bố chung. “Tôi tin rằng sự quan tâm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với những vấn đề này theo thời gian không chỉ sẽ giải quyết các mối quan tâm của Bộ Tài chính mà còn hỗ trợ sự phát triển hơn nữa của thị trường tài chính Việt Nam và nâng cao khả năng phục hồi tài chính cũng như kinh tế vĩ mô của họ.”
“Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục điều chỉnh chính sách tỷ giá hối đoái trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung nhằm bảo đảm sự vận hành tốt của thị trường tiền tệ và ngoại hối, thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, không tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế,” Thống đốc Hồng nói trong tuyên bố chung.
Hoan nghênh tuyên bố chung của Bộ trưởng Yellen và Thống đốc Hồng về các hành vi tiền tệ của Việt Nam, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cùng ngày 19/7 nói rằng “các quốc gia không thể thao túng tỷ giá hối đoái của mình để giành được lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế.” Bà Tai, người được Tổng thống Biden bổ nhiệm dẫn đầu USTR hồi đầu năm nay, khen ngợi Việt Nam vì đã cam kết trong việc “giải quyết các mối quan ngại” của Hoa Kỳ.
“Việt Nam có thể trở thành một ví dụ quan trọng cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bằng việc cho phép các tỷ giá hối đoái của mình được lưu thông phù hợp với các nguyên tắc kinh tế cơ bản,” bà Tai nói trong một thông cáo được USTR đưa ra hôm 19/7.
USTR sẽ phối hợp với Bộ Tài chính Mỹ trong việc giám sát việc Việt Nam thực hiện các cam kết, cũng như làm việc với Việt nam để đảm bảo rằng quốc gia Đông Nam Á giải quyết các hành vi và chính sách liên quan đến việc định giá tiền tệ mà cuộc điều tra theo Mục 301 của cơ quan này hồi tháng 1 năm nay kết luận là “không hợp lý” và “hạn chế thương mại của Mỹ.”
Bộ trưởng Yellen và Thống đốc Hồng cam kết duy trì sự hợp tác chặt chẽ giữa Bộ Tài chính Mỹ và NHNN Việt Nam, đồng thời bày tỏ mong muốn giải quyết những thách thức chung khác, như hỗ trợ phục hồi từ đại dịch COVID-19.
(Có phần cập nhật phát biểu của Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai về thoả thuận vừa đạt được)
Tin TG 19/7: Chỉ 17 ngày, Indonesia đã có 114 bác sĩ tử vong vì COVID-19; Singapore đóng cửa nhiều chợ hải sản sau khi phát hiện ca nhiễm
Chỉ 17 ngày, Indonesia đã có 114 bác sĩ tử vong vì COVID-19
The Straitstimes – Giới chức Indonesia ghi nhận 114 bác sĩ qua đời từ ngày 1 đến 17/7 do nhiễm virus corona. Con số này chiếm hơn 20% tổng số bác sĩ tử vong kể từ đầu đại dịch.
Nguyên nhân số trường hợp bác sĩ tử vong tăng mạnh trong nửa đầu tháng 7 được cho là do sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta, các quan chức thuộc Hiệp hội Bác sĩ Indonesia (IDI) cho biết trong một cuộc họp báo trực tuyến ngày 18/7, theo Reuters.
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020, Indonesia có 545 bác sĩ tử vong do COVID-19.
Mahesa Paranadipa, một lãnh đạo hiệp hội, nói trong buổi họp báo rằng: “Đây mới là dữ liệu chúng tôi ghi nhận được. Còn nhiều trường hợp có thể chưa được thống kê”.
Số bác sĩ tử vong vì COVID-19 ở Indonesia tiếp tục tăng bất chấp tỷ lệ tiêm chủng với nhân viên y tế ở nước này là 95%, chủ yếu sử dụng là vắc-xin Sinovac của Trung Quốc.
Thực tế này khiến chính phủ Indonesia buộc phải sử dụng một lô vắc-xin Moderna của Mỹ tiêm mũi tăng cường thứ ba cho các nhân viên y tế.
Vào ngày 15/7, Indonesia ghi nhận 56.757 trường hợp dương tính với COVID-19, qua đó vượt Brazil và trở thành quốc gia có số ca nhiễm mới nhiều nhất thế giới.
Các chuyên gia y tế đang gọi nước này là tâm chấn mới của đại dịch. Indonesia báo cáo 44.721 ca nhiễm và 1.093 trường hợp tử vong mới do virus vào Chủ nhật (18/7). Nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên hơn 2,8 triệu, và 73.582 người đã tử vong. Số trường hợp hồi phục mới chỉ hơn 2,2 triệu người.
Phát hiện ca nhiễm ở cảng cá, Singapore đóng cửa nhiều chợ hải sản
The Straitstimes – Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore (NEA) ngày 18/7 yêu cầu các sạp bán hải sản tươi sống phải tạm đóng cửa, trong bối cảnh phát hiện 37 ca nhiễm mới được cho là có liên quan đến các hoạt động tại cảng cá Lâm Thố.
Bộ Y tế Singapore cho biết trong số các ca nhiễm COVID-19 mới có 4 người trên 70 tuổi, chưa được tiêm vắc-xin và có nguy cơ biến chứng cao.
Chủ các gian hàng hải sản sẽ nhận được cảnh báo từ Bộ Y tế Singapore qua tin nhắn SMS, yêu cầu họ tham gia xét nghiệm PCR tại các điểm kiểm tra được chỉ định.
Theo một thông cáo chung của NEA và Bộ Y tế Singapore, chủ các sạp hải sản bị ngưng hoạt động được yêu cầu cách ly tại nhà cho đến khi có kết quả xét nghiệm âm tính với virus. Những người được xác định không nhiễm có thể lập tức trở lại kinh doanh.
Bên cạnh đó, mỗi chủ gian hàng hải sản sẽ được cấp một bộ dụng cụ tự xét nghiệm nhanh kháng nguyên COVID-19 và được yêu cầu tự kiểm tra vào ngày thứ bảy kể từ lần tiếp xúc với các trường hợp có khả năng nhiễm virus Corona. Đến ngày thứ 14, những người này sẽ phải tham gia xét nghiệm PCR.
Bộ Y tế Singapore ngày 17/7 thông báo họ đang kiểm tra máy đánh bắt cá từ tất cả chợ trong thành phố, sau khi phát hiện các cụm dịch mới ở Trung tâm Thực phẩm Hong Lim và cảng cá Lâm Thố.
Những du khách đã đến cảng Lâm Thố từ ngày 3-16/7 cũng được yêu cầu xét nghiệm COVID-19.
Cả Trung tâm Thực phẩm Hong Lim và cảng cá Lâm Thố đều đã đóng cửa đến ngày 31/7 để tiến hành khử trùng.
Singapore ngày 18/7 ghi nhận thêm 92 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này là 63.073 ca, trong đó 36 ca đã tử vong, và đã hơn 62.000 ca hồi phục.
Cảnh sát Thái Lan bắt giữ 13 người trong đám đông phản đối việc xử lý kém cỏi trước COVID-19
Nikkei – Cảnh sát đã sử dụng hơi cay, vòi rồng và đạn cao su để giải tán những người biểu tình đang cố gắng tuần hành hướng về văn phòng của Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha hôm Chủ nhật 18/7 để yêu cầu ông từ chức vì xử lý đại dịch COVID-19 một cách yếu kém.
Một số người biểu tình đã tấn công cảnh sát, 8 cảnh sát và ít nhất 1 phóng viên bị thương trong cuộc đụng độ, cảnh sát cho biết.
Cảnh sát không cho biết có người biểu tình nào bị thương hay không, nhưng cho biết 13 người biểu tình đã bị bắt.
Những người tổ chức biểu tình kêu gọi cuộc biểu tình kết thúc sau 6 giờ chiều, nhưng cuộc biểu tình giữa cảnh sát và hàng trăm người biểu tình tiếp tục kéo dài thêm vài giờ trước khi cảnh sát giải tán đám đông ngay trước khi bắt đầu lệnh giới nghiêm 9 giờ tối đang có hiệu lực ở thủ đô Thái Lan.
Hơn 1.000 người đã tham gia cuộc biểu tình.
Cảnh sát đã can thiệp bằng vũ lực sau khi một số người biểu tình cố gắng tháo dỡ hàng rào thép gai và rào chắn kim loại do chính quyền dựng lên để chặn các con đường từ Tượng đài Dân chủ đến Tòa nhà Chính phủ, nơi thủ tướng làm việc.
Phó phát ngôn viên cảnh sát Kissana Phathanacharoen cho biết những người biểu tình đã tấn công cảnh sát bằng “bom bóng bàn, súng cao su và pháo”.
Các cuộc biểu tình trên đường phố chống lại thủ tướng đã được tổ chức trong những tuần gần đây bởi một số nhóm, bao gồm cả các đồng minh chính trị cũ của ông Prayuth, khi sự thất vọng ngày càng tăng về tình trạng nhiễm COVID-19 ngày càng gia tăng và thiệt hại mà đại dịch đã gây ra cho nền kinh tế.
Nhiều người biểu tình hôm Chủ nhật đã mang theo những chiếc túi đựng thi thể giả để tượng trưng cho những cái chết do virus.
Thủ tướng Anh Boris Johnson phải tự cách ly sau khi tiếp xúc với người bị COVID-19
The Times of Israel– Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ dành 10 ngày để tự cách ly sau khi tiếp xúc với 1 trường hợp nhiễm virus Corona đã được xác nhận, văn phòng của ông cho biết hôm Chủ nhật, trước đó có thông báo rằng ông sẽ không phải cách ly.
Văn phòng số 10 phố Downing của Johnson cho biết hôm Chủ nhật 18/7 rằng thủ tướng và Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak đều đã được thông báo qua đêm bằng ứng dụng điện thoại kiểm tra và theo dõi của Anh. Ông đã có một cuộc họp vào thứ Sáu với Bộ trưởng Y tế Sajid Javid, người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 vào thứ Bảy. Ông Javid, người đã được tiêm phòng đầy đủ, cho biết đang gặp phải các triệu chứng nhẹ.
Những người được thông báo qua ứng dụng phải tự cô lập, mặc dù đó không phải là yêu cầu pháp lý. Những người tiếp xúc với các trường hợp dương tính thường được khuyên nên tự cách ly trong 10 ngày.
Nhưng văn phòng của ông Johnson ban đầu cho biết thủ tướng và ông Sunak thay vào đó sẽ thực hiện xét nghiệm virus corona hàng ngày như một phần của hệ thống thay thế đang được thí điểm ở một số nơi làm việc, bao gồm cả văn phòng chính phủ.
Kế hoạch đó đã bị đảo ngược chưa đầy ba giờ sau đó, sau một làn sóng phản đối kịch liệt vì đối xử đặc biệt rõ ràng dành cho các chính trị gia. Văn phòng của thủ tướng cho biết ông Johnson và ông Sunak sẽ tự cô lập tại nơi ở của mình.
Ông Johnson đã từng bị COVID-19 vào tháng 4/ 2020 và phải nằm viện ba đêm trong sự chăm sóc đặc biệt.
Trong một tình huống trớ trêu, ông đã phải tự cô lập khi chính phủ của ông chuẩn bị dỡ bỏ các biện pháp đóng cửa còn lại ở nước Anh vào thứ Hai 19/7.
Bà Kamala Harris sẽ không cách ly sau khi tiếp xúc với hai đảng viên Đảng Dân chủ nhiễm COVID-19
RT – Mặc dù đã tiếp xúc khi không đeo khẩu trang với hai thành viên Đảng Dân chủ Hạ viện Texas có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19, nhưng Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris không có kế hoạch tự cô lập mình, phụ tá của bà nói với giới truyền thông.
Người phát ngôn của bà Harris, Symone Sanders xác nhận trong một tuyên bố vào cuối tuần rằng bà Harris đã gặp các thành viên của cơ quan lập pháp tiểu bang Texas trong tuần này sau khi họ ‘chạy trốn’ đến Washington, DC để tránh bỏ phiếu về dự luật toàn vẹn bầu cử ở tiểu bang quê hương của họ. 3 người trong số đó đã có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 và sẽ phải cách ly trong 10 ngày. Hình ảnh bà Harris nói chuyện với các đảng viên Dân chủ trong một khung cảnh cho thấy dường như không có ai đeo khẩu trang.
Sanders cho biết phó tổng thống không có “tiếp xúc gần” với những thành viên đảng dân chủ này và chỉ gặp hai trong số ba người bị nhiễm bệnh.
Bà Harris đã gặp gỡ nhóm vào thứ Ba. Kết quả xét nghiệm dương tính đầu tiên đến vào tối thứ Sáu và lần thứ hai là vào thứ Bảy. Các chính trị gia Texas đã bị chế giễu nặng nề trên mạng xã hội sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính, vì trước đó khi đi trên chiếc máy bay riêng để tới Washington, họ đã bị phê phán khi bức hình chụp họ lan truyền cho thấy không ai trong số họ đang đeo khẩu trang.
Tương tự như trường hợp của bà Harris, Thủ tướng Vương quốc Anh Boris Johnson, cùng với Bộ trưởng tài chính Rishi Sunak, sau khi tiếp xúc với Bộ trưởng Y tế, người có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 đã phải xác nhận sẽ tự cách ly 10 ngày.
Hải quân Mỹ tiếp tục gây nổ như động đất để thử sức chịu đựng của hàng không mẫu hạm
RT – Hải quân Mỹ lần thứ hai kích hoạt khối thuốc nổ ngay cạnh hàng không mẫu hạm USS Gerald R. Ford để kiểm tra sức chống chịu của chiến hạm.
Cuộc thử nghiệm thứ hai được hải quân Mỹ tiến hành hôm 16/7. Khối thuốc nổ được kích hoạt dưới lòng biển gần tàu nhằm kiểm tra khả năng duy trì sức chiến đấu sau khi hứng chịu chấn động từ các vụ nổ dưới nước ở khoảng cách gần.
Vụ nổ diễn ra cách bờ biển bang Florida khoảng 160 km. Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) thông báo cuộc thử nghiệm đã tạo chấn động mạnh ngang động đất 3,9 độ.
Ngũ Giác Đài cho biết USS Gerald R. Ford đang chạy nghiệm thu trên Đại Tây Dương và chuẩn bị cho cuộc thử nghiệm FSST thứ ba, dự kiến diễn ra vào cuối tháng này. Cuộc thử nghiệm đầu tiên đã diễn ra vào ngày 18 tháng 6, cũng tại vùng biển gần tiểu bang Florida.
Hàng không mẫu hạm USS Gerald R. Ford được khởi đóng năm 2009, hạ thủy 4 năm sau đó và bàn giao cho hải quân Mỹ tháng 5/2017. Chi phí hàng không mẫu hạm này khi đó là 12,6 tỷ USD, vượt ngân sách dự kiến ban đầu 2,4 tỷ USD và đắt nhất trong lịch sử.
(RFI) – Covid-19: Israel đi đầu thế giới về tiêm chủng, nhưng vẫn phải trở lại với các biện pháp hạn chế. Trong những ngày qua, số ca nhiễm mới tăng dần và Israel đã vượt ngưỡng 1.000 ca nhiễm thường nhật. Hôm 18/07/2021 cho biết chính phủ Israel dự kiến thông báo lệnh cách ly 5 ngày bắt buộc đối với tất cả những ai nhập cảnh, tiếp theo có thể là « gần như đóng cửa » sân bay quốc tế tại Israel. Từ hôm 16/07, Israel đã thêm Tây Ban Nha vào danh sách các nước người dân Israel không được đến, vốn gồm Nga, Brazil và Nam Phi. Chứng nhận y tế cũng có thể được áp dụng trở lại.
(AFP) – Úc: Melbourne sẽ tiếp tục bị phong tỏa sau giai đoạn đầu kéo dài 5 ngày. Nhà chức trách bang Victoria mà Melbourne là thủ phủ, hôm 19/07/2021, thông báo như trên. Tuy nhiên, chính quyền không nói rõ Melbourne, thành phố lớn thứ hai cuả Úc, sẽ bị phong tỏa thêm bao nhiêu ngày, kể từ sau ngày mai 20/07/2021. Tốc độ tiêm chủng của Úc hiện rất chậm : mới chỉ có chưa đến 10% dân số được chích ngừa Covid-19.
(AFP) – Olympic Tokyo 2020: Lo ngại về một ổ dịch lớn ngay trong Làng Thế vận. Hôm 18/07/2021, ban tổ chức Thế vận hội Tokyo 2020 thông báo có 3 ca nhiễm Covid 19 trong Làng Thế Vận, đó là 2 cầu thủ đội tuyển bóng đá Nam Phi và 1 lãnh đạo của đoàn. Các ca nhiễm này gây lo ngại về một ổ dịch lớn, 5 ngày trước buổi khai mạc Olympic. Đây hoàn toàn không phải là các ca nhiễm đầu tiên liên quan đến Thế Vận hội. Theo Ủy ban Thế vận Quốc tế, tính đến ngày chủ nhật 18/7, đã có đến 55 ca dương tính trong số 30.000 xét nghiệm được thực hiện trên tổng số 18.000 vận động viên.
(Yonhap) – Hàn Quốc: Lần đầu tiên, nhà máy Reneault Samsung, ở Busan phải tạm ngừng sản xuất 2 ngày 19-20/07/2021.,Lý do: thiếu chất bán dẫn, trong khi các đối thủ cạnh tranh như Hyundai, Kia, GM Korea đã phải ngưng hoặc giảm sản xuất trong năm 2021.Publicité
(AFP) – 70 % khách sạn độc lập ở Paris có thể phải đóng cửa trong tháng 8/2021. Do những khó khăn vì các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, 70 % các khách sạn độc lập ở Paris có thể phải đóng cửa trong tháng 8. Đó là dự báo do ông Pascal Mousset, chủ tịch một tổ chức các khách sạn và nhà hàng độc lập vùng Paris, đưa ra hôm nay, 19/07/2021. Do sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta, mùa hè này, các khạch sạn của Paris sẽ càng phải hứng chịu khó khăn nặng nề vì thiếu khách du lịch và cả khách đến làm việc, do việc di chuyển ngay cả trong Liên Hiệp Châu Âu cũng bị hạn chế trở lại.
(AFP) – Nga: Một nhóm luật sư tự giải thể để tránh bị truy tố. Komanda 29, ê-kíp luật sư bào chữa cho nhà đối lập Nga Alexei Navalny, hôm 18/07/2021 thông báo như trên. Trong một thông cáo trên Telegram, Komanda 29 khẳng định các luật sư và luật gia của họ sẽ tiếp tục xử lý hồ sơ của các khách hàng nhưng một cách độc lập. Komanda 29 cho biết trang mạng của họ đã bị cơ quan giám sát viễn thông Nga chặn vào hôm thức Sáu 16/07/2021, bởi Viện Công tố cáo buộc Komanda 29 liên kết với một tổ chức của CH Séc mà chính quyền Nga xếp vào diện « không mong muốn ».
(RFI) – Quốc vương Jordanie, lãnh đạo Ả Rập đầu tiên được TT Mỹ Joe Biden tiếp đón. Trong chuyến công du Mỹ kéo dài 3 tuần, nhà vua Abdullah của Jordanie hôm nay 19/07/2021 được tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp đón tại Nhà Trắng. Vua Abdullah như vậy là nhà lãnh đạo Ả Rập đầu tiên được tổng thống Mỹ đón tiếp từ khi ông Biden nhậm chức hồi tháng Giêng 2021. Nhà Trắng giới thiệu Jordanie như một « đối tác an ninh then chốt và một đồng minh của Mỹ », một đồng minh mà Mỹ có ý định « cưng chiều » hơn nước quân chủ khác trong vùng Vịnh.
(AFP) – Các nước xuất khẩu dầu hỏa thống nhất tăng sản lượng. Tại Vienna, Áo, hôm 18/07/2021, nhóm OPEP +, quy tụ các thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu hỏa và 10 thành viên liên kết đã đồng ý tiếp tục giảm nhẹ sản lượng kể từ tháng 8 năm nay, sau khi đã không đạt thỏa thuận hồi đầu tháng. Các nước nói trên dự kiến tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng kể từ tháng 8/2021 nhằm đóng góp cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu, trong khi đại dịch đang suy giảm. Sản lượng hiện nay vẫn còn thấp hơn 5,8 triệu thùng/ngày so với mức trước khi bùng phát Covid 19. Giá dầu lửa, vốn đã bị giảm do các lo ngại về kinh tế toàn cầu, lại càng sụt giảm mạnh hồi tháng 4/2020 do đại dịch Covid 19 ảnh hưởng đến các chuỗi tiêu thụ, vận tải và cung ứng.
(AFP) – Áo tuyển thủ của Zidane được bán đấu giá hơn 100.000 đôla. Tại Los Angeles hôm 18/07/2021, một trong những áo tuyển thủ được may cho ngôi sao bóng đá Pháp Zidane để đá trong trận chung kết Cúp bóng đá thế giới 1998, đã được bán với giá hơn 100.000 đôla trong một cuộc bán đấu giá. Nhưng công ty bán đấu giá không thể xác định là Zidane có đã mặc chiếc áo này hay không khi đấu trận chung kết với Brazil, với kết quả là tuyển Pháp đoạt chức vô địch thế giới.