Tin Tổng Hợp – 19/12/21
Nga cho oanh tạc cơ chiến lược hạt nhân tuần tra trên không phận Belarus
Trong bối cảnh quan hệ với phương Tây vẫn rất căng thẳng, vào hôm qua, 18/12/2021, Nga đã phái hai oanh tạc cơ tầm xa có khả năng mang vũ khí hạt nhân tuần tra trên bầu trời Belarus, một động thái được cho là nhằm phô trương quan hệ quốc phòng chặt chẽ giữa hai đồng minh.
Theo hãng tin Mỹ AP, 2 máy bay ném bom của Nga đã xuất hiện trên bầu trời Belarus vào ngày hôm qua. Bộ Quốc Phòng Nga thông báo là hai oanh tạc cơ chiến lược Tu-22M3 đã “thực hiện các nhiệm vụ chung với lực lượng phòng không và không quân Belarus”. Hai phi cơ Nga đã được chiến đấu cơ Su-30 mà Nga cung cấp cho Belarus hộ tống.
Cuộc tuần tra, kéo dài 4 tiếng đồng hồ, đánh dấu lần tuần tra thứ ba của Nga tại Belarus kể từ tháng 11/2021, và diễn ra trong bối cảnh phương Tây lo ngại về việc quân đội Nga tăng cường gần biên giới Ukraina. Một số quan chức Ukraina đã lên tiếng lo ngại rằng Nga có thể sử dụng Belarus làm căn cứ để tấn công đất nước của họ từ phía bắc.
Matxcơva đã
phủ nhận cáo buộc Nga có kế hoạch xâm lược Ukraina, đồng thời gia tăng
áp lực đòi Mỹ đưa ra những đảm bảo an ninh theo đó Liên Minh Bắc Đại Tây
Dương NATO không kết nạp Ukraina làm thành viên hoặc không triển khai
vũ khí ở đó, những yêu sách gần như chắc chắn sẽ bị Mỹ và đồng minh từ
chối.
Trong bối cảnh căng thẳng với Liên Hiệp Châu Âu, tổng thống Belarus Alexander Loukachenko vào tháng 11 cho biết đất nước ông sẽ sẵn sàng tiếp nhận vũ khí hạt nhân của Nga. Nhà lãnh đạo Belarus không nói rõ Belarus sẽ sẵn sàng trang bị những loại vũ khí nào của Nga, nhưng lưu ý rằng Belarus đã bảo quản cẩn thận các cơ sở hạ tầng quân sự cần thiết có từ thời Liên Xô. Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov đã mô tả lời đề nghị của ông Loukachenko là một “lời cảnh báo nghiêm túc xuất phát từ chính sách liều lĩnh của phương Tây”.
Liên Hiêp Châu Âu đã cáo buộc nhà độc tài Loukachenko khuyến khích di dân và người tị nạn sử dụng đất nước của ông như một cửa hậu để thâm nhập vào các quốc gia thành viên EU là Ba Lan, Litva và Latvia một cách bất hợp pháp.
Trọng Nghĩa
Mỹ cam kết nâng giao tiếp với ASEAN lên mức ‘chưa từng có’
Reuters – Tổng thống Joe Biden cam kết nâng cao giao tiếp của Mỹ với Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tới mức “chưa từng có trước đây”, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về châu Á tuyên bố ngày 8/12, trước chuyến thăm Đông Nam Á của Ngoại trưởng Antony Blinken.
Ông Blinken sẽ thăm Indonesia, Malaysia và Thái Lan từ ngày 9 đến ngày 17/12.
Ông Daniel Kritenbrink, trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á-Thái Bình Dương Sự vụ, cho biết khía cạnh an ninh trong chuyến đi của ông Blinken sẽ chú trọng củng cố hạ tầng cơ sở an ninh trong khu vực để đáp ứng với việc “bắt nạt” của Trung Quốc tại Biển Đông.
Ông Kritenbrink nói Mỹ không yêu cầu các nước trong vùng phải chọn phe, nhưng muốn đảm bảo là các nước này có khả năng tự quyết định.
“Chúng tôi chọn viễn kiến về một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ trong đó tất cả các nước, lớn hay nhỏ, đều hành xử theo luật lệ.”
Ông Kritenbrink cho hay Ngoại trưởng Blinken sẽ thảo luận những kế hoạch cho một “khung làm việc kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.” Hồi tháng 10, Tổng thống Biden đã nói với các lãnh đạo châu Á rằng Mỹ sẽ mở các cuộc thảo luận về việc này.
Những người chỉ trích cho rằng chiến lược châu Á của ông Biden đối đầu với ảnh hưởng và sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc thiếu yếu tố quan trọng này kể từ khi người tiền nhiệm Donald Trump từ bỏ hiệp ước thương mại khu vực.
Ông Kritenbrink cho hay khung làm việc đó sẽ tăng cường hợp tác kinh tế với các nước Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trên một loạt các lĩnh vực khác nhau, bao gồm tạo điều kiện dễ dàng cho thương mại, kinh tế kỹ thuật số, hạ tầng cơ sở, hạ giảm khí các-bon, năng lượng sạch và những tiêu chuẩn về lao động.
https://www.voatiengviet.com/a/my-cam-ket-nang-giao-tiep-voi-asean-len-muc-chua-tung-co/6345384.html
Người Việt biểu tình ở Prague đòi ‘Nhân quyền cho VN’ sau các vụ xử bất đồng chính kiến
Một nhóm người Việt chiều 19/12 tiến hành biểu tình tại thủ đô Prague của Cộng hòa Czech, phản đối những bản án nặng được liên tiếp đưa ra đối với các nhà hoạt động ở Việt Nam.
Viết bằng ba thứ tiếng, Việt Nam, Anh và Czech trên trang web và trang Facebook của nhóm, những người tổ chức nói: “Để phản đối sự vi phạm nhân quyền đang xảy ra tại Việt Nam, nhóm Văn Lang kêu gọi một cuộc biểu tình trước Cơ quan ngoại giao, đại diện cho Việt Nam tại Cộng hòa Czech là Đại sứ quán Việt Nam tại Prague.”
Chỉ
trong vòng ba ngày của trung tuần tháng 12, tòa án tại Việt Nam đã ra
phán quyết với tổng mức 35 năm tù giam dành cho bốn nhà hoạt động sau ba
phiên tòa riêng rẽ.
Bà Phạm Đoan Trang bị án 9 năm, ông Trịnh Bá Phương, 10 năm, bà Nguyễn Thị Tâm, 6 năm, và ông Đỗ Nam Trung, 10 năm, đều với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”.
Những mức án nặng nề này ngay lập tức đã bị Liên Hiệp Quốc cùng nhiều nước và các tổ chức nhân quyền quốc tế mạnh mẽ lên tiếng phản đối.
‘Hãy thực hiện quyền được lên tiếng của mình’
Từ Prague, ông Nguyễn Cường, thành viên Ban điều hành nhóm Văn Lang, nói với BBC News Tiếng Việt:
“Điều chúng tôi mong muốn nhất, là hành động của chúng tôi sẽ để cho người Việt mình thấy rằng việc thực hiện quyền lên tiếng, quyền trình bày quan điểm của mình không phải là tội lỗi. Đó là quyền tự nhiên, không cần phải lo lắng khi thực hiện quyền đó. Đó không phải là hành vi phạm tội, không phải là việc phạm luật.”
Ông cũng cho biết thêm là sau việc tổ chức biểu tình, nhóm dự kiến sẽ viết thư gửi Bộ Ngoại giao Czech và cơ quan đại diện của EU tại Czech.
“Chúng tôi quyết định tổ chức biểu tình vì muốn bày tỏ sự phản đối trước vụ xử các nhà hoạt động ở Việt Nam trong tuần qua.
“Hơn nữa, trong tuần này, Cộng hòa Czech đang kỷ niệm 10 năm ngày mất của ông Václav Havel, tổng thống đầu tiên của nước Tiệp Khắc tự do.
“Chính phủ mới của Czech vừa mới thành lập, họ sẽ còn nhiều việc phải lo, có lẽ chưa thể quan tâm ngay tới chuyện đang diễn ra tại Việt Nam. Nhưng chúng tôi tin là chính phủ mới sẽ đề cao những giá trị nhân quyền, những giá trị mà ông Václav Havel đã theo đuổi.
“Chúng tôi sống ở Tiệp Khắc trải qua mấy chục năm, từ 1989, sau Cách mạng Nhung đến giờ, nên chúng tôi quan tâm vấn đề nhân quyền.
“Quyền tự do lên tiếng, quyền tự do biểu đạt, đó là quyền của công dân, không chỉ công dân EU hay ở Tiệp mà của cả công dân Việt Nam ở Việt Nam. Đó là quyền có sẵn trong Hiến pháp. Không có lý do gì mà người Việt Nam ở Việt Nam lại không được quyền nói trong khi người Việt Nam sống ở Prague lại được quyền nói.”
Tin cho hay cuộc biểu tình diễn ra với sự tham dự của vài chục người.
“Lúc này là thời gian gần tới dịp lễ Giáng sinh, mọi người đều khá bận rộn với công việc, trong lúc tình hình dịch bệnh Covid tương đối căng, nên sự tham dự của mọi người có phần bị hạn chế,” ông Nguyễn Cường nói.
“Nhiều người ở Đức, Ba Lan và cả Việt Nam có nhắn tin cho chúng tôi, nói họ không tới trực tiếp tham dự được, nhưng sẽ theo dõi, ủng hộ từ xa. Chúng tôi rất vui về điều đó.
“Việc yêu cầu chính quyền Việt Nam thả những người vừa bị xử án thì rất khó. Nhưng việc cần lên tiếng thì chúng ta cứ lên tiếng.”
Nhóm Văn Lang là một nhóm xã hội dân sự được thành lập 10 năm về trước, sau sự kiện bộ phim ‘Hoàng Sa – Việt Nam: Nỗi đau mất mát’ của tác giả người Pháp, ông Menras André Marcel, người lấy tên tiếng Việt là Hồ Cương Quyết, bị cấm chiếu ở Việt Nam, tuy sau đó vài năm, phim đã được phép lưu hành trong nước.
“Chúng tôi thấy đó là bộ phim nói về vấn đề rất sát sườn, gần với vận mệnh đất nước mình, nhưng chính quyền Việt Nam lại cấm chiếu. Do đó, chúng tôi phối hợp tổ chức một đợt chiếu phim, tổ chức ở Prague, cả ở Đức, Pháp, Ba Lan,” ông Nguyễn Cường nói.
Trên thực tế, các hoạt động biểu tình phản đối của các cộng đồng người Việt trước các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài diễn ra ở khắp nơi trên thế giới, nhưng quy mô tổ chức và mức độ quan tâm của cộng đồng tại các nước Đông Âu thuộc khối XHCN cũ như Tiệp Khắc, Ba Lan, Nga thường khiêm tốn hơn so với ở các nước phương Tây.
Tuy nhiên, nhóm Văn Lang tin rằng tuy chỉ là một nhóm nhỏ, tiếng nói phản đối của họ vẫn đến được tai chính quyền trong nước, và bất kể việc tạo được tác động lớn hay nhỏ, nhóm sẽ vẫn kiên trì với hoạt động của mình.
“Quan điểm của chúng tôi là việc mỗi một người lên tiếng không phải là vì để trông đợi sự ủng hộ từ bên ngoài, hay để mong đem đến sự thay đổi của chính quyền Việt Nam, mà là để thực hiện quyền lên tiếng của mình, cho dù việc đó có đem lại tác động nhiều hay không,” ông Nguyễn Cường cho biết.
“Tôi nghĩ là họ rất quan tâm đến hoạt động của chúng tôi.
“Trong nhóm chúng tôi có ba, bốn người bị Sứ quán cấm không cho về. Có người lên Sứ quán Việt Nam ở Prague để xin visa nhanh về chịu tang người thân đã không được cấp. Thậm chí có những người về để tang cha, mẹ, đã về đến sân bay ở Việt Nam mà còn bị họ cấm, không cho vào mà bắt phải quay lại Czech.”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-59719498
Ứng viên độc lập vạch trần ‘Dân chủ kiểu ĐCSTQ’
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) luôn tự nhận rằng họ đã xây
dựng được “một nền dân chủ theo quy trình đầy đủ”. Tuy nhiên, lời hùng
biện này hoàn toàn trái ngược với các cáo buộc của một số ứng cử viên
chính trị độc lập ở thành phố Trùng Khánh trong năm nay, theo Epoch Times.
“ĐCSTQ luôn tôn trọng và bảo vệ nhân quyền”, Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập
Cận Bình cho biết tại một diễn đàn nhân quyền vào ngày 8/12, một ngày
trước Hội nghị Thượng đỉnh Dân chủ do Hoa Kỳ tổ chức.
Hội ngị dân chủ năm nay Hoa Kỳ tiếp tục không mời chính quyền Trung
Quốc tham dự. Thay vào đó Washington mời Đài Loan, một biểu tượng dân
chủ ở khu vực châu Á.
Phản ứng trước động thái của Mỹ, Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, Tần
Cương, viết trên Twitter vào ngày 4/12: “Những gì Trung Quốc có là nền
dân chủ toàn dân: từ nhân dân, đến nhân dân, vì nhân dân”.
Trong nội dung tweet của mình, Tần đã dùng lại các câu nói nổi tiếng
“từ nhân dân đến nhân dân, vì nhân dân” trong diễn văn Gettysburg của
cựu Tổng thống Abraham Lincoln.
Nói về dân chủ kiểu ĐCSTQ, Tang Jingzhou, một cư dân Trùng Khánh,
trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times vào ngày 6/12 cho biết
chính quyền địa phương đã dựng lên một loạt các chướng ngại để cuối cùng
cô không thể tranh cử.
Tang nói rằng, vào giữa tháng 11 cô bắt đầu chiến dịch tranh cử của
mình. Cô đã nhận được hơn 20 lời giới thiệu từ khu dân cư ở quận Du
Trung, thành phố Trùng Khánh, trong vòng nửa giờ. Yêu cầu tối thiểu để
ứng cử là 10 đề cử.
Tuy nhiên, chính quyền địa phương lập tức can thiệp. Tang kể rằng,
“Chính quyền địa phương đã gọi điện tới những người giới thiệu tôi [ra
ứng cử] và ép họ rút lại đề cử đối với tôi, đặc biệt là [ép] những người
làm việc trong các cơ quan nhà nước và những người mà họ nghĩ sẽ bị ảnh
hưởng bởi áp lực từ người sử dụng lao động. Họ lấy lý do là [do] tính
của tôi không tốt [nên không thể ra ứng cử]”.
Vào tối ngày 17/11, cô nhận được một cuộc gọi cho biết rằng cô chỉ có
8 đề cử hợp lệ, do đó không đáp ứng được yêu cầu tối thiểu. Chính quyền
giải thích rằng một số người ủng hộ cô đã rút lại đề xuất trong khi
những người khác bị mất tư cách vì gia đình của họ không thuộc khu vực
cô sinh sống.
Tang nói với The Epoch Times: “Đó là chiến lược của họ để loại bạn ra khỏi tư cách ứng viên”.
Tại thành phố Trùng Khánh, ngoài Tang, 3 ứng cử viên độc lập khác cũng gặp phải chông gai trên con đường ứng cử.
Ứng cử viên độc lập là những người không được ĐCSTQ giới thiệu ra ứng cử.
Han Liang, cũng ở quận Du Trung, đã bị chính quyền địa phương ngăn
cấm rời khỏi nhà một cách vô cớ khi anh đang tìm kiếm người ủng hộ để ra
tranh cử vào cuối tháng 11.
Xiao Zhen ở quận Liangjiang New Area đã bị loại vì không chính quyền nói ông không đủ tư cách ra ứng cử.
Hiện chỉ duy nhất một ứng cử viên độc lập là Wang Chengkang ở quận Danba, nhưng Wang cũng đang gặp muôn trùng khó khăn trên con đường tranh cử của mình. Wang cho biết: “Bất cứ nơi nào chúng tôi đến, luôn có camera an ninh nhắm vào chúng tôi. Chỉ cần tôi nói điều gì đó, sẽ có người nhanh chóng liên hệ với tôi ‘nói chuyện’”.
Viễn Triết
https://www.dkn.tv/the-gioi/ung-vien-doc-lap-vach-tran-dan-chu-kieu-dcstq.html
(AFP) – Tân bộ trưởng Quốc Phòng Đức đến Litva trong chuyến thăm nước ngoài đầu tiên.
Bà Christine Lambrecht tới Litva vào hôm nay 19/12/2021 trong bối cảnh
Litva và các quốc gia Baltic khác là Estonia và Latvia đang lo lắng về
tình hình an ninh khu vực sau khi Nga triển khai hàng chục nghìn binh sĩ
gần biên giới với Ukraina. Tại Litva, bộ trưởng Quốc Phòng Đức sẽ gặp
người đồng cấp Litva Arvydas Anusauskas để thảo luận về tình hình an
ninh cũng như các mối quan hệ song phương. Hiện có khoảng 550 lính Đức
đóng tại căn cứ quân sự Litva ở Rukla, vào lúc Đức nắm quyền chỉ huy lực
lượng đa quốc gia ở nước này.
(Reuters) – Một cựu chính khách Nhật Bản kêu gọi Tokyo công nhận chế độ quân phiệt Miến Điện.
Ông Hideo Watanabe, 87 tuổi, một cựu bộ trưởng Nhật, đang vận động
doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư hàng tỷ đô la vào Miến Điện, và kêu gọi
Tokyo tán thành chế độ quân sự tại Naypyidaw. Chính khách Nhật không
ngần ngại xem nhà lãnh đạo cuộc đảo chính tại Miến Điện là “một con
người tuyệt vời”, và ca ngợi những “những nỗ lực dân chủ hóa” của nhân
vật này.
(Reuters/AFP) – Thượng Viện Hoa Kỳ phê chuẩn hai đại sứ Mỹ tại Pháp và Nhật Bản.
Trong cuộc họp ngày hôm qua, 18/12/2021, Thượng Viện Mỹ đã tán đồng đề
nghị của tổng thống Joe Biden cử ông Rahm Emanuel, cựu thị trưởng thành
phố Chicago làm đại sứ Mỹ tại Nhật Bản. Cùng ngày, Thượng Viện Mỹ cũng
chuẩn y đề nghị cử bà Denise Campbell Bauer, một nhà ngoại giao kỳ cựu,
làm đại sứ Hoa Kỳ tại Pháp. Năm nay 57 tuổi, bà Campbell Bauer từng đứng
đầu đại sứ quán Hoa Kỳ tại Bruxelles từ năm 2013 đến năm 2017.
(AFP) – Chống người nhập cư, bang Texas xây tường ở biên giới Mêhicô.
Thống đốc Greg Abbott hôm 18/12/2021 mạnh mẽ chỉ trích chính quyền liên
bang nhu nhược trong việc ban hành các biện pháp ngăn chận người nhập
cư tràn vào lãnh thổ Mỹ. Do vậy, bang Texas tự ý « xây tường tự vệ và
bảo vệ chủ quyền của Hoa Kỳ ». Ông nói thêm bức tường sắp được dựng lên
là phiên bản của kế hoạch từng được cựu tổng thống Donald Trump khởi
xướng.
(AFP) – Bangladesh đóng cửa trường học với người tị nạn Rohingya.
Đặc sứ Liên Hiệp Quốc về nhân quyền Tom Andrews hôm 19/12/2021 chỉ
trích một quyết định có nguy cơ « đẩy cả một thế hệ ra bên lề hệ thống
giáo dục ». Trong tuần Bangladesh ra lệnh đóng cửa tất cả các trường học
không được cấp giấy phép hoạt động tại các trại tị nạn, nơi đang đón
nhận đến 850.000 người tị nạn Rohingya từ Miến Điện sang tạm trú.
(AFP) – Bóng ném: Pháp đấu với Na Uy tranh chức vô địch thế giới. Thắng đội tuyển Đan Mạch trong được tơ kẽ tóc với tỷ số 23-22, tối nay 19/12/2021 đội bóng ném nữ quốc gia của Pháp đương đầu với Na Uy giành chức vô địch thế giới. Trận đấu diễn ra tại Granollers, Tây Ban Nha, gần thành phố Barcelonna. Công chúng kỳ vọng đội bóng nữ của Pháp đạt kỳ công với hai giải vô địch Olympic và thế giới trong cùng một năm. Mùa hè vừa qua, đội bóng Pháp đoạt huy chương vàng tại Thế Vận hội mùa hè Tokyo.
(AFP) – Kiến trúc sư người Anh, Richard Roger, tác giả công trình xây dựng trung tâm văn hóa Pompidou – Paris, qua đời hôm 18/12/2021, thọ 88 tuổi. Ông từng đoạt giải Pritzker năm 2007. Đây là giải thưởng cao quý nhất trong ngành kiến trúc. Năm 1971, ông đã thiết kế trung tâm Pompidou với những đường nét rất hiện đại, tiêu biểu cho sức mạnh công nghiệp của Pháp với những đường ống hiện rõ bề ngoài các công trình xây dựng. Richard Rogers còn là tác giả của nhiều quần thể kiến trúc nổi tiếng khác như trụ sở tòa án Nhân quyền châu Âu tại thành phố Strasbourg, một góc phi trường quốc tế Barajas tại thủ đô Madrid hay mái vòm thiên niên kỷ Millenium Dome tại thủ đô Luân Đôn.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211219-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p