Tin Tổng Hợp – 19/10/22

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 19/10/22

Bắc Triều Tiên tiếp tục nã đạn pháo vào vùng đệm trên biển khiêu khích Hàn Quốc

19/10/2022 – Trần Công – Bắc Triều Tiên đã bắn khoảng 350 quả đạn pháo về phía vùng đệm trên biển Hoàng hải và biển Nhật Bản từ đêm 18/10 đến trưa ngày 19/10/2022. Mặc dù không có quả đạn pháo nào rơi sang khu vực biển của Hàn Quốc nhưng vụ việc này được xem như là đã vi phạm thỏa thuận giữa hai miền Nam-Bắc Triều Tiên ký ngày 18/09/2018 nhằm giảm căng thẳng trên bán đảo.

Vụ việc này được Bình Nhưỡng giải thích là để đáp trả cho hành động bắn đạn pháo của phía Hàn Quốc vào ngày 18/10 vừa qua tại huyện Cheorwon tỉnh Gangwon. Bắc Triều Tiên cũng yêu cầu Hàn Quốc phải dừng ngay các hành vi kích động liều lĩnh leo thang căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên.

Phía Hàn Quốc cho biết rằng các hành động bắn đạn pháo của họ nằm trong quy mô của cuộc tập trận “Vệ quốc”, và được thực hiện ở các khu vực nằm trong lãnh thổ của nước này. Cuộc tập trận “Vệ quốc” bao gồm cả các cuộc tập trận chung với Mỹ và Nhật Bản từ ngày 17 đến ngày 22 tháng 10. Tham mưu trưởng liên quân Mỹ-Hàn lên án hành vi bắn pháo vào vùng đệm trên biển và tuyên bố rằng đây là hành vi vi phạm thỏa thuận 18/09/2018.

Hiện tại Bình Nhưỡng đang liên tục đổ lỗi cho Hàn Quốc và Hoa Kỳ về vấn đề leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Văn phòng tổng thống Hàn Quốc cũng đang được đặt ở chế độ sẵn sàng 24/7 trong bối cảnh Bắc Triều  Tiên sẽ tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 7 bất kỳ lúc nào sau khi Đại Hội đảng Cộng Sản Trung Quốc kết thúc.

Một số nhà phân tích cho rằng, việc bắn pháo không vi phạm nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, không nghiệm trọng như bắn tên lửa đạn đạo hay thử hạt nhân. Việc Bắc Triều Tiên bắn pháo không làm ảnh hưởng đến tiếng nói của Bắc Kinh với quốc tế trong thời gian nước này đang tổ chức Đại Hội Đảng.

Ông Yang Moo-jin thuộc viện nghiên cứu Bắc Triều Tiên cho biết “việc liên minh Mỹ-Hàn tập trận trong thời gian này giống như đang chọc tức Bắc Triều Tiên, nhưng vì hiện tại là thời điểm nhạy cảm nên chính quyền Bình Nhưỡng cần kiềm chế việc bắn tên lửa hay thử hạt nhân, vì vậy vụ bắn pháo này đã được cân nhắc rất kỹ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng”.

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20221019-b%E1%BA%AFc-tri%E1%BB%81u-ti%C3%AAn-ti%E1%BA%BFp-t%E1%BB%A5c-n%C3%A3-%C4%91%E1%BA%A1n-ph%C3%A1o-v%C3%A0o-v%C3%B9ng-%C4%91%E1%BB%87m-tr%C3%AAn-bi%E1%BB%83n-khi%C3%AAu-kh%C3%ADch-h%C3%A0n-qu%E1%BB%91c

Bầu cử giữa kỳ: Người Mỹ gốc Việt trên con đường tham gia vào chính trị

19 tháng 10 2022 – Song Chi –Gửi bài cho BBC từ Leeds, Anh Quốc

Janet Nguyễn
Chụp lại hình ảnh, Bà Janet Nguyễn (áo xanh, đứng) thuộc đảng Cộng hòa, cựu Thượng nghị sĩ tiểu bang, cựu Giám sát viên Quận Cam, và cựu Nghị viên thành phố Garden Grove sẽ ra tranh cử trong cuộc bầu cử giữa kỳ 2022 ở Mỹ

Chỉ còn mấy tuần nữa, vào thứ Ba 8/11 tới là cuộc bầu cử giữa kỳ 2022 (Midterm Elections 2022) ở Mỹ sẽ diễn ra để bầu chọn lại tất cả 435 ghế trong Hạ viện Hoa Kỳ, và 35 trong số 100 ghế trong Thượng viện. Ngoài ra, ba mươi chín cuộc bầu cử Thống đốc bang và vùng lãnh thổ, cũng như nhiều cuộc bầu cử cấp bang và địa phương khác, cũng sẽ được tổ chức.

Những gương mặt tranh cử vào các vị trí cao hơn có ông Hùng Cao, tranh cử chức vụ Dân biểu Liên bang tại địa hạt 10 của tiểu bang Virginia. Ông Hùng Cao là cựu Hải Quân đại tá Hoa Kỳ, chuyên viên lặn biển sâu và xử lý vật liệu nổ của Hải quân và là ứng cử viên đảng Cộng Hòa. Quan điểm của ông Hùng Cao khá gần với những người da trắng bảo thủ, ủng hộ Tổng thống Donald Trump.

Người viết bài có cơ hội phỏng vấn một vài người Mỹ gốc Việt ra tranh cử lần này như ông Tạ Trung, kỹ sư, từng làm việc trong ngành Quốc phòng và Không gian Hoa Kỳ tại các hãng Hughes Aircraft, Boeing và Raytheon trong gần 40 năm. Ông cũng được biết trong cộng đồng người Việt tại Nam California là nhà giáo dục và nhà lãnh đạo cộng đồng. Kỹ sư Tạ Trung ra ứng cử vào chức vụ Nghị viên Hội đồng Thành phố Garden Grove, California. Hay kỹ sư Tuấn Nguyễn, từng làm việc cho những công ty lớn như Ericsson Research Canada, HP (trước đây là Tandem Telecom) và AMDOCS, trước khi trở thành Điều phối viên Gắn kết Cộng đồng cho tổ chức Boat People SOS (BPSOS) từ năm 2017. Ông Tuấn “TQ” Nguyễn ra tranh cử vào Thượng viện Hoa Kỳ đại diện cho Florida, với tư cách là một ứng cử viên độc lập.

Tạ Trung
Chụp lại hình ảnh, Kỹ sư Tạ Trung từng làm việc trong ngành Quốc phòng và Không gian Hoa Kỳ tại các hãng Hughes Aircraft, Boeing và Raytheon

Trả lời câu hỏi tại sao ông quyết định ra ứng cử với tư cách là một ứng viên độc lập, ông Tuấn Nguyễn trả lời: “Chính trị Mỹ ngày hôm nay có một sự tranh cãi rất là gay gắt giữa hai đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ, đến mức độ đôi lúc có những dự luật đúng đắn cho đất nước, nhưng vì cái tính đảng tranh đưa đến tình trạng các đảng viên bên này biết là dự luật bên kia đưa ra là đúng nhưng họ vẫn không ủng hộ. Trong khi đó, nếu được trở thành một Thượng nghị sĩ độc lập, tôi có thể cũng đưa những dự luật đó ra nhưng vì tôi không thuộc bên nào cả, thành ra hai bên đều có thể nói tôi bầu cho dự luật này nhưng tôi không phải đi theo đối thủ vì người này đứng ở giữa”. Ông Tuấn Nguyễn khẳng định ông ra tranh cử không phải để đưa ra một đường lối thứ ba, mà để giúp cho hai đảng Cộng hòa, Dân chủ có thể đạt được nhiều thỏa thuận hơn và có thể thông qua những dự luật cần thiết cho người dân Mỹ. Nhưng ông cũng thừa nhận cơ hội thắng cử của các ứng cử viên độc lập là không cao.

Khi được hỏi về thử thách nội bộ lớn nhất của Hoa Kỳ hiện nay, cả hai ông Tuấn Nguyễn và Tạ Trung đều cho rằng đó là tình trạng chia rẽ sâu sắc giữa hai đảng và trong xã hội Mỹ, sự xuống cấp về mặt đạo đức chính trị so với 10, 15, 20 năm trước. Theo ông Tạ Trung: “Nguyên nhân một phần cũng do tin giả, thông tin sai lệch rồi thuyết âm mưu…đã tạo nên sự chia rẽ, phân hóa không những trong các đảng với nhau, trong chính trường, mà ngay cả trong các gia đình. Chúng ta thấy trong gia đình nhiều người Việt cũng bị tan nát rất nhiều”.

Ông Tuấn Nguyễn nói thêm: “Ở Mỹ hiện tại đang có một sự xuống cấp về văn hóa thấy rõ, đưa đến nhận thức chính trị cũng đi xuống. Nước Mỹ bây giờ vẫn là siêu cường số 1 trên thế giới, nhưng nếu chúng ta nhìn vào học sinh ra trường ở cấp trung học chẳng hạn và vốn kiến thức thực sự tại học đường phổ thông của các em thì phải nói là thua xa những học sinh phổ thông trung học ở Âu châu, thậm chí thua Nam Hàn, Nhật Bản là chuyện bình thường. Khi kiến thức đi xuống và nhận thức chỉ giới hạn thôi thì dễ bị các chính trị gia lung lay bởi những lời mỵ dân của họ”. Ông Tuấn Nguyễn cho biết, chính vì vậy, một trong những ưu tiên hàng đầu của ông khi ra tranh cử là phải đầu tư vào học đường, vào giáo dục của Hoa Kỳ.

Dự đoán về kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới, liệu đảng Dân chủ có bị mất đa số ở Hạ viện, hoặc Thượng viện, hoặc cả hai, các ông Tuấn Nguyễn, Tạ Trung và ông Nguyễn Đình Minh Quốc từ Houston, Texas, Giáo sư, đồng thời là một trong những diễn giả trên Nguoi-Viet Channel, đều cho rằng khả năng đảng Dân chủ giữ lại được Thượng viện cao hơn là giữ được Hạ viện hoặc cả hai. Và nếu như vậy thì cũng đã là ngoại lệ, vì thông thường cuộc bầu cử giữa kỳ thì đảng của Tổng thống đương nhiệm hay bị mất ít nhất một Viện, đôi khi hai Viện.

Tuan Nguyen
Chụp lại hình ảnh, Ông Tuấn Nguyễn khẳng định ra tranh cử để giúp cho đảng Cộng hòa và Dân chủ có thể đạt được nhiều thỏa thuận hơn và có thể thông qua những dự luật cần thiết cho người dân Mỹ.

Bao giờ thì có một Tổng thống người Mỹ gốc Việt?

Về viễn ảnh liệu trong tương lai gần có một Tổng thống người Mỹ gốc Việt, cả ba ông đều cho rằng khả năng đó không thể sớm xảy ra. Theo kỹ sư Tạ Trung, ngay cả so với một vài cộng đổng gốc Á khác như người Mỹ gốc Ấn, gốc Hoa, gốc Nhật thì họ cũng đều đã đến nước Mỹ trước cộng đồng người Việt từ rất lâu, và họ có sự đầu tư rất nhiều cho người của họ vào các chức vụ khác nhau trong hệ thống chính trị Mỹ, ví dụ như Thứ trưởng, Bộ trưởng… Người Việt mình chưa có, trước đây chỉ có ông Đinh Việt (Đinh Đồng Phụng Việt) dưới thời của Tổng thống Bush là Thứ trưởng của Bộ tư pháp. Mặc dù người Việt cũng có nhiều người rất giỏi, nhưng chưa có khả năng để đầu tư lớn như vậy, nên mặc dù rất mong muốn, tôi nghĩ những cộng đồng khác sẽ có Tổng thống Mỹ trước mình.

Ông Tuấn Nguyễn nhận xét, người Việt mình thường cho con đi học những ngành như bác sĩ, kỹ sư, nhưng ít cho con đi học về chính trị, văn chương hay truyền thông, mà truyền thông là cánh cửa rất lớn để chúng ta đem tiếng nói của cộng đồng mình ra bên ngoài. Nói chung chúng ta hơi chú trọng một vài điểm nhọn thay vì phát triển đều, toàn diện hơn.

Còn theo GS Nguyễn Đình Minh Quốc, nếu nhìn vào lịch sử của nước Mỹ thì cộng đồng người Mỹ da đen đóng góp rất nhiều, từ chiến tranh cho tới văn hóa, thể thao, vậy mà mấy trăm năm nay rồi, trải qua bao nhiêu sự đấu tranh họ chỉ mới có được một tổng thống thôi, huống hồ tổng thống gốc Tàu, gốc Nhật cho tới gốc Việt. Nhất là ở cái thời điểm này, nạn kỳ thị, phân biệt chủng tộc sau một thời gian chìm lắng dường như lại bùng phát trở lại trong xã hội Mỹ. 

Điểm qua những khuôn mặt chính khách nổi bật của người Mỹ gốc Việt từ trước đến nay, GS Nguyễn Đình Minh Quốc nhắc đến ông Cao Quang Ánh tức Joseph Cao, đảng Cộng hòa, đại diện cho khu bầu cử quốc hội số 2 của tiểu bang Louisiana từ năm 2009 đến năm 2011, một người thực sự có lòng, thực hiện đúng vai trò của một người dân biểu người Mỹ gốc Việt, tức là bảo vệ cho cộng đồng Việt đồng thời quan tâm đến những vấn đề của Việt Nam.

Người thứ hai là bà Stephanie Murphy, đảng Dân chủ, là phụ nữ gốc Việt đầu tiên và là người gốc Việt thứ hai trúng cử Dân biểu Liên bang Hoa Kỳ, đại diện cho Ðịa Hạt 7 tại Florida từ năm 2017, đã được bà Nancy Pelosi lựa chọn vào Ủy ban điều tra vụ bạo loạn 6/1/2021 để bảo vệ nền dân chủ của Hoa Kỳ.

Hoặc bà Bee Nguyễn, đảng Dân chủ, sẽ ra tranh cử cho vị trí ứng viên Secretary of State (tạm dịch Bộ trưởng Nội vụ) tiểu bang Georgia. Tiểu bang Georgia hiện đã thông qua một số dự luật nhằm hạn chế, thắt chặt quyền bầu cử, và do đó sẽ gây thiệt thòi cho người da đen (chiếm tới 23% dân số ở đây, đông nhất trên toàn nước Mỹ), các dân tộc thiểu số và người nhập cư. Nếu đắc cử, là một người tích cực ủng hộ quyền bầu cử, bà Bee Nguyễn mong muốn sẽ giúp cho những cuộc bầu cử được công bằng.

Stephanie Murphy
Chụp lại hình ảnh, Bà Stephanie Murphy (thứ 4 từ phải sang) được bà Nancy Pelosi lựa chọn vào Ủy ban điều tra vụ bạo loạn 6/1/2021

Sự thành công của người nhập cư – những câu chuyện chỉ có ở nước Mỹ

Mặc dù tỷ lệ tham gia và giữ những chức vụ cao trong chính trường của người Mỹ gốc Việt vẫn còn khiêm tốn so với nhiều cộng đồng nhập cư khác, nhưng so với chính cộng đồng người Việt tại các quốc gia khác thì vẫn là một sự thành công. Nhiều người Mỹ gốc Việt là Thẩm phán, Chánh án tại các Tòa thượng thẩm địa phương, là dân biểu, hay tướng tá trong quân đội như Thiếu tướng lục quân Lương Xuân Việt, vị tướng người Mỹ gốc Việt có quân hàm cao nhất trong quân đội Hoa Kỳ, Nguyễn Từ Tuấn, Chuẩn tướng Hải quân, phó đề đốc người Mỹ gốc Việt đầu tiên tại Hoa Kỳ…

Hầu hết họ là thuyền nhân, người tỵ nạn buộc phải chạy trốn chế độ cộng sản trước và sau biến cố 30/4/1975, hoặc là con em trong những gia đình như vậy, rời Việt Nam khi mới là đứa trẻ, vậy mà chỉ vài chục năm sau họ đã vươn lên, đạt được những thành tựu như vậy. Nguyên do chính là từ môi trường tự do, nhiều cơ hội của nước Mỹ, và do số lượng người Việt đến Mỹ tỵ nạn nhiều hơn các quốc gia khác, trong đó có những thành phần ưu tú từng làm việc trong bộ máy chính quyền Sài Gòn hoặc giữ những chức vụ cao trong xã hội, nên bản thân họ hay con cái họ nhanh chóng hội nhập vào xã hội Mỹ. Phần khác, do ảnh hưởng quan điểm chính trị từ gia đình, những người Mỹ gốc Việt cũng thích tham gia vào quân đội hay chính trường để nối nghiệp cha mẹ hoặc để phục vụ cho nước Mỹ.

Người Mỹ gốc Việt và những suy tư về quê nhà

Với người Mỹ gốc Việt thế hệ thứ nhất hoặc thế hệ một rưỡi, dù sống trên đất Mỹ nhưng luôn nặng lòng nghĩ về nơi chôn nhau cắt rốn cho tới bây giờ vẫn chưa phồn thịnh, vẫn chưa có tự do dân chủ, đồng bào đa số vẫn phải chịu nhiều nhọc nhằn, thiệt thòi, bất công. Họ thường tâm niệm làm được điều gì là để trả ơn cho quê hương thứ hai, giúp đỡ cho cộng đồng người Việt trên đất Mỹ, nhưng nếu hỗ trợ được thêm cho Việt Nam thì cũng đều sẵn lòng, thậm chí những hoạt động hay số tiền từ thiện họ đóng góp cho Việt Nam còn nhiều hơn cho chính nước Mỹ.

Nhưng từ thế hệ thứ hai, thứ ba trở đi, mọi chuyện sẽ nhạt nhòa hơn nhiều. Đa số các em không sử dụng được tiếng Việt, không biết nhiều về lịch sử văn hóa Việt Nam nên cũng không chia sẻ được những tâm tư của thế hệ đi trước.

Theo ông Nguyễn Tuấn, nếu Việt Nam là một nước dân chủ, hoặc thay đổi chuyển hóa thành một nước dân chủ thì vấn đề sẽ khác. Nhà nước Việt Nam sẽ được sự ủng hộ rất lớn từ cộng đồng hải ngoại. Hiện tại Việt Nam vẫn nhận được kiều hối gửi về rất nhiều, nhưng chỉ là tiền, nhà nước kệu gọi rất nhiều nhưng có bao nhiêu người ở nước ngoài về làm việc tại VN đâu. Tại vì người Việt ở bên ngoài biết chính sách ở VN không tự do cởi mở, cung cách làm việc không tôn trọng dân chủ, không tôn trọng nguyên tắc luật lệ, những điều hay đóng góp sẽ bị gạt ra ngoài thì về làm gì, hoặc chì về vui chơi rồi đi. Nhưng nếu nhà nước Việt Nam nhìn ra vấn đề và trở thành một nhà nước dân chủ thì lúc đó không phải là tài lực, mà tất cả chất xám hoặc đầu tư ở nước ngoài sẽ tràn về, ngay cả thế hệ các em sau này cũng cảm thấy muốn về đóng góp. Nhà nước Việt Nam sẽ được một nguồn giúp đỡ kinh khủng trong khi bây giờ họ vẫn mướn một số người ngoại quốc về làm việc. Và đó là một điều đáng tiếc.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà báo tự do Song Chi.

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c145we9r2pqo

Tù nhân chính trị Nguyễn Ngọc Ánh tuyệt thực vì bị “khủng bố” trong trại giam Xuân Lộc

2022.10.19 – Ông Nguyễn Ngọc Ánh, người đang thụ án sáu năm tù giam với tội danh “Phát tán tài liệu nhằm chống Nhà nước” thông báo với gia đình, ông đang tuyệt thực trong trại giam Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai để yêu cầu cải thiện điều kiện giam giữ.

Tù nhân chính trị Nguyễn Ngọc Ánh tuyệt thực vì bị "khủng bố" trong trại giam Xuân Lộc

Kỹ sư Nguyễn Ngọc Ánh (giữa) tại phiên tòa ở Bến Tre hôm 6/6/2019 – AFP

Bà Nguyễn Thị Châu, vợ ông Ánh, cho biết bà nhận được cuộc điện thoại từ chồng mình báo tin hôm 18/10.

Trước đó, vào ngày 10/10, bà Tuyết thăm gặp ông Ánh và được ông kể là đã viết đơn xin chuyển phòng nhiều tháng trước nhưng không được phía trại giam chấp nhận.

Đây không phải là lần đầu tiên ông xin chuyển phòng giam vì trước đó dù được chuyển phòng nhưng điều kiện giam giữ vẫn không được cải thiện.

Trả lời phỏng vấn của Đài Á Châu Tự Do, bà Nguyễn Thị Châu kể lại:

Chiều hôm qua thấy điện thoại reo, tôi bắt máy lên anh nói luôn nhờ tôi cầu xin cộng đồng mạng với các đài báo lên tiếng bảo vệ sức khỏe và tính mạng.

Anh đã tuyệt thực ngày 17/10 tới khi nào trại giam chấp nhận lời yêu cầu mới ngưng tuyệt thực.

Anh nói lý do là bên trại giam hứa đổi phòng cho anh nhưng không thực hiện, phòng quá chật hẹp, ẩm ướt, ban đêm lại tắt điện làm bệnh càng ngày càng nặng.”

Bà Châu cho biết, người ở cùng ông Ánh cũng mang án chính trị. Buổi tối ông này có hiện tượng mộng du đá ông Ánh, khạc nhổ và dùng ca múc nước gõ suốt đêm khiến sức khỏe của ông Ánh suy yếu trầm trọng.

Buồng giam hiện tại của ông Ánh có diện tích bốn mét vuông, buổi tối trại giam cúp cầu dao, không cho quạt máy, phòng ẩm ướt cộng với việc thông gió kém làm trầm trọng hơn chứng bệnh viêm xoang của ông Ánh.

Tù nhân lương tâm này làm đơn xin chuyển buồng giam từ 2-3 tháng nay nhưng chưa được trại giam chấp thuận.

Bà Châu cũng được chồng mình cho biết, mặc dù trại giam còn một dãy
phòng mới xây, rộng và sạch sẽ hơn nhưng lại để trống, thay vào đó phía
trại giam sử dụng dãy phòng giam cũ chật hẹp, ẩm ướt ngay sườn núi để
giam các tù nhân.

Phóng viên của Đài Á châu Tự do gọi vào số điện thoại công khai của Trại giam Xuân Lộc để xác minh thông tin, nhưng không ai bắt máy.

Hồi năm 2019, kỹ sư thủy sản Nguyễn Ngọc Ánh (42 tuổi), một người hoạt động vì môi trường, bị Tòa án tỉnh Bến Tre kết án sáu năm tù giam và năm năm quản chế vì “Làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền, thông tin tài liệu nhằm chống Nhà nước” theo Điều 117, Bộ luật Hình sự.

Tuy nhiên, theo Human Rights Watch, các bài viết của ông Nguyễn Ngọc
Ánh phản ánh vấn đề môi trường biển do Formosa gây nên, tình trạng thiếu
tự do trong bầu cử, hay các quan ngại về điều kiện sống của các tù nhân
chính trị.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/prisoner-of-concern-nguyen-ngoc-anh-goes-on-hunger-strike-10192022090508.html

VOA phỏng vấn chủ tịch đảng Việt Tân

Ông Lý Thái Hùng, Chủ tịch đảng Việt Tân nhiệm kỳ 2022 – 2025, trả lời phỏng vấn của VOA Tiếng Việt. Ông Hùng là tân lãnh đạo của Việt Tân.

https://www.voatiengviet.com/a/6797069.html

(AFP) – Miến Điện: Ít nhất 8 người chết và 18 người bị thương trong 2 vụ nổ trước nhà tù Insein Rangoon. Theo thông cáo của tập đoàn quân sự cầm quyền ở Miến Điện, hai quả bom phát nổ trong khi nhiều người xếp hàng gửi đồ tiếp tế cho người thân. Đây là nơi giam giữ hàng trăm tù nhân chính trị kể từ vụ đảo chính mà quân đội tiến hành hồi tháng 02/2021. Trong số các nạn nhân thiệt mạng, có 3 nhân viên nhà tù và một bé gái 10 tuổi. Lực lượng an ninh còn phát hiện một trái mìn tự tạo khác trong khu vực. Hiện chưa có nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ đánh bom.

(AFP) – NATO tập trận răn đe hạt nhân trên không phận Anh, Bỉ và Biển Bắc. Cuộc tập trận thường niên mang tên “Steadfast Noon” đã mở ra từ ngày 17/10/2022 và sẽ kéo dài đến 30/10, huy động tới 60 máy bay, bao gồm cả oanh tạc cơ tầm xa B-52 của Mỹ, với sự tham gia của 14 trong số 30 thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. Theo NATO, cuộc tập trận, vốn đã được lên kế hoạch trước khi quân đội Nga xâm lược Ukraina, nhằm kiểm tra khả năng răn đe hạt nhân của NATO ở châu Âu.

(AFP) – Chiến tranh Ukraina: Kiev tố cáo Hội Chữ Thập Đỏ Quốc Tế «thụ động» trong việc giải cứu tù binh Ukraina. Quan chức chuyên trách nhân quyền của Ukraina, Dmytro Loubinets, hôm 18/10/2022 lấy làm tiếc là trong mỗi cuộc trao đổi, Kiev đều nhận thấy Hội Chữ Thập Đỏ Quốc Tế thiếu hành động, khiến các tù binh chiến tranh và các con tin là dân thường hàng ngày vẫn bị tra tấn bằng sốc điện hoặc bị quân Nga bỏ đói. Kiev cũng tố cáo Hội Chữ Thập Đỏ Quốc Tế đã không tìm cách đến thăm các tù bình và tù nhân là thường dân trong các vùng có xung đột.

(AFP) – Quan hệ ngoại giao với phương Tây «không còn ý nghĩa» đối với Nga. Hôm qua 18/10/2022, ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết việc duy trì sự hiện diện ngoại giao ở phương Tây “không còn ý nghĩa”. Thay vào đó, Matxcơva sẽ tập trung vào châu Á và châu Phi. Ông Lavrov cho biết : “Các nhà ngoại giao Nga làm việc ở phương Tây trong những điều kiện khó có thể được mô tả là nhân đạo khi chúng tôi liên tục bị chỉ trích là gây nhiều vấn đề cho họ hay đe dọa họ.

(AFP) – Biến đổi khí hậu có thể gây ra nguy cơ lây lan virus từ Bắc Cực. Theo một báo cáo của nhà khoa học Canada được công bố hôm 18/10/2022 trên tạp chí nghiên cứu sinh học «Proceedings B», tình trạng trái đất bị hâm nóng có thể khiến băng vĩnh cửu ở Bắc Cực tan chảy mạnh, khiến các virus ẩn sâu trong lớp băng lan ra môi trường bên ngoài, tương tác với các vật chủ mà trước đây virus chưa từng tiếp xúc. Khả năng lây lan virus là không thể lường hết được, có thể là vô hại, những cũng có thể gây ra một đại dịch mới.

(AFP) – Biến đổi khí hậu đe dọa tương lai và các quyền cơ bản của 1 tỉ em nhỏ trên toàn cầu. Tổ chức phi chính phủ của Hà Lan, Kidsrights, hôm nay còn cho biết mức sống của trẻ em trên thế giới đã không được cải thiện trong thập niên qua. Báo cáo thường niên của Kidsrights căn cứ vào dữ liệu của Liên Hiệp Quốc và xếp hạng 185 nước theo tiêu chí tôn trọng Thỏa ước quốc tế về bảo vệ trẻ em. Đứng đầu bảng xếp hạng 2022 là Iceland, Thụy Điển, Phần Lan và Hà Lan, đứng cuối bảng là CH Trung Phi, Sierra Leone, Afghanistan và CH Tchat.

(AFP) – Anh Quốc: Lạm phát 10,1%, cao nhất từ 40 năm nay. Lạm phát trong tháng 9 tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2021 cũng là mức lạm phát cao nhất trong nhóm G7. Nhà phân tích Victoria Scholar của Interative Investor hôm nay 19/10/2022 nhận định lạm phát hiện nay là vấn đề kinh tế lớn nhất đối với Ngân hàng trung ương và chính phủ Anh. Giá khí đốt tăng vì tác động của chiến tranh Ukraina đã tác hại nặng nề đến kinh tế Anh, thêm vào đó là nạn khan hiếm nhân công. Sáng hôm nay, sau khi tỉ lệ lạm phát trong tháng 9 được công bố, đồng bảng Anh đã sụt giá 0,42% so với đồng đô la Mỹ.

(AFP) – Mỹ hỗ trợ Cuba 2 triệu đô la. Hôm qua 18/10/2022, Hoa Kỳ thông báo viện trợ khẩn cấp 2 triệu đô la cho Cuba sau khi nước này phải hứng chịu cơn bão Ian. Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez đã bày tỏ lòng biết ơn thông qua một dòng tweet.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20221019-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p