Tin Tổng Hợp – 19/03/23: Ukraine và Hoa Kỳ điện đàm về viện trợ quân sự; Biểu tình phản đối TC và VC nhân 35 năm hải chiến Gạc Ma; Putin đối mặt lệnh truy nã quốc tế; Bằng hữu của Nga ngày càng ít; Giấc mơ Mỹ, giấc mơ Việt
Quan chức quốc phòng Ukraine và Hoa Kỳ điện đàm về viện trợ quân sự
19/03/2023 – Reuters – Chánh văn phòng của Tổng thống Volodymyr Zelenskyy hôm thứ Bảy cho biết rằng ba quan chức an ninh cấp cao của Hoa Kỳ đã có một cuộc gọi qua video với một nhóm những người đồng cấp Ukraine để thảo luận về viện trợ quân sự cho Kyiv.
“Chúng tôi đã thảo luận về việc cung cấp thêm các hỗ trợ cần thiết cho đất nước chúng tôi, đặc biệt là xe, vũ khí và đạn dược”, ông Andriy Yermak viết trên ứng dụng nhắn tin Telegram.
Ông Yermak cho biết ông, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov, tướng hàng đầu Valeriy Zaluzhnyi, cùng một số chỉ huy và quan chức cấp cao khác đã tham dự cuộc họp hôm thứ Sáu.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin, chỉ huy quân sự hàng đầu Mark Milley và cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan đại diện cho phía Hoa Kỳ.
“Các quan chức Ukraine đã cung cấp thông tin cập nhật về tình hình chiến trường và bày tỏ sự đánh giá cao đối với việc Hoa Kỳ tiếp tục cung cấp hỗ trợ an ninh,” theo một tuyên bố của Nhà Trắng công bố hôm thứ Sáu.
Ông Yermak không đưa ra chi tiết về các yêu cầu cụ thể đối với phía Hoa Kỳ.
Cuộc họp diễn ra khi Kyiv đang tìm cách thu thập đủ nguồn cung cấp vũ khí từ các nước phương Tây hậu thuẫn Ukraine, trong đó Mỹ là đáng kể nhất, để tiến hành một cuộc phản công và cố gắng giành lại lãnh thổ bị Moscow chiếm giữ vào năm ngoái.
Ông Yermak nói thêm rằng ông Zelenskyy đã tham gia vào cuối cuộc họp để đưa ra quan điểm của mình về việc giải phóng các lãnh thổ Ukraine bị Nga chiếm đóng kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu gần 13 tháng trước.
“Chúng tôi đã thông báo chi tiết cho các đồng minh về tình hình hiện tại trên chiến trường, các hoạt động chiến đấu ở những khu vực khó khăn nhất, cũng như các nhu cầu cấp thiết của quân đội Ukraine”, ông Yermak nói.
Các lực lượng Ukraine hôm thứ Sáu tiếp tục chống lại các cuộc tấn công của Nga vào thành phố bị đổ nát vì giao tranh là Bakhmut, tâm điểm trong tám tháng nỗ lực của Nga nhằm tiến qua khu vực công nghiệp Donetsk ở miền đông Ukraine giáp Nga.
Biểu tình phản đối Trung Quốc và Việt Nam nhân 35 năm hải chiến Gạc Ma
19/03/2023 – Sáng ngày 18/03, cộng đồng người Việt hải ngoại khoảng hơn 100 người từ các tiểu bang khác nhau ở Hoa Kỳ và Cannada đã tổ chức một cuộc biểu tình trước 2 cơ quan ngoại giao của Trung Quốc và Việt Nam tại thủ đô Washington DC.
https://www.voatiengviet.com/a/7011444.html
Putin đối mặt lệnh truy nã quốc tế, trong lúc bằng hữu của Nga ngày càng ít
18/03/2023 – Thụy My – Sự kiện Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC theo tiếng Anh hay CPI theo tiếng Pháp) vào cuối giờ chiều thứ Sáu 17/03/2023 ra lệnh bắt giữ tổng thống Nga Vladimir Putin vì tội ác chiến tranh, được các báo hết sức chú ý, dù chưa kịp đưa lên báo giấy. Cú đòn choáng váng này được đưa ra vào lúc chỉ vài ngày nữa Tập Cận Bình thăm Matxcơva, trong bối cảnh số nước «bạn bè» của Nga vốn hỗn tạp, đang giảm xuống.
Định chế quốc tế duy nhất có thể truy nã Putin đã ra tay
Trang web Le Figaro nêu ra câu hỏi «Putin có thể bị xét xử hay không?». Đây là lần đầu tiên đối với một nguyên thủ đương nhiệm, ngoài châu Phi. Cũng với cáo buộc tội phạm chiến tranh, cựu tổng thống Bờ biển Ngà Laurent Gbagbo là nguyên thủ đầu tiên bị ICC tống giam vì các vụ thảm sát năm 2002. Đến 2009, lệnh bắt giữ lần đầu được đưa ra cho một tổng thống đương nhiệm là Omar el-Béchir của Sudan, vì tội ác chiến tranh, tội ác chống nhân loại và diệt chủng ở Darfour.
Theo tờ báo, tin này là một đòn sấm sét, tạo uy tín lớn cho Tòa án Hình sự Quốc tế. Ngay từ tháng 3/2022, Tòa đã mở điều tra trong thời gian kỷ lục, sau khi Nga oanh kích vào thường dân Ukraina. Công tố viên người Anh Karim Khan đã chủ động, vì Ukraina chưa phê chuẩn quy chế Roma. Mọi việc diễn tiến rất nhanh từ hôm 03/04 sau khi phát hiện các hố chôn người tập thể ở Bucha, 39 quốc gia thành viên ICC bật đèn xanh cho cuộc điều tra quy mô.
Theo giáo sư Julia Grignon, đại học Laval ở Canada, việc Tòa án phát lệnh bắt cho thấy đã có đủ những yếu tố để truy tố Vladimir Putin. Nhưng do Nga không chấp nhận quy chế Roma, cơ hội điệu được ông chủ điện Kremlin ra trước tòa hết sức mỏng manh. ICC không thể gởi một đơn vị đặc nhiệm để áp giải ông ta sang La Haye, cũng không có việc Putin tự nộp mình hay cảnh sát Nga đưa sang, hoặc một nước thứ ba giải giao. Mọi việc còn tùy thuộc vào diễn biến cuộc chiến, và sự hợp tác của các Nhà nước khác. Tuy nhiên bà Grignon lưu ý, trừng phạt quốc tế hiện nay cũng đã cản trở Vladimir Putin ra khỏi nước Nga.
Luật sư Clémence Bectarte của Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) nhấn mạnh trên Libération cuối tuần: «Tòa án Hình sự Quốc tế là định chế tư pháp duy nhất có thể khởi tố Vladimir Putin», thế nên việc tổ chức này ra lệnh bắt giữ là sự kiện vô cùng quan trọng. Là nguyên thủ đương nhiệm, Putin có được quyền đặc miễn trước tất cả những tòa án quốc tế khác. Điều này được chờ đợi bởi tất cả những người kêu gọi đặt lên hàng đầu cuộc đấu tranh chống lại tình trạng kẻ xâm lăng ại được thoát tội.
«Trung lập mang màu sắc Trung Hoa»
Trong bối cảnh đó, mọi cặp mắt đều đổ dồn vào chuyến thăm Matxcơva của chủ tịch Trung Quốc từ 20 đến 22/03. L’Express cho rằng phía sau bề ngoài «trung lập», Bắc Kinh vẫn tiếp tục hỗ trợ Nga, đối tác quan trọng trong việc đối địch với Mỹ. Courrier International nhận thấy phương Tây lo ngại về thái độ của «nhà hòa giải» Tập Cận Bình.
Libération cuối tuần mỉa mai, «Nga-Trung bước vào ‘kỷ nguyên mới’, đâm sau lưng Ukraina». Tháng 12/2022 Tập Cận Bình và Vladimir Putin đã trao đổi rất lâu qua video, và ba tháng trước đó đã gặp gỡ nhân thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Uzbekistan. Cũng đừng quên chuyến thăm Bắc Kinh của Putin trong dịp Thế vận hội mùa đông, tháng 2/2022, chỉ vài ngày trước khi tổng thống Nga khởi động «chiến dịch quân sự đặc biệt».
Phải chăng theo yêu cầu của Tập, Putin đã chờ đợi đến khi Olympic kết thúc mới tung ra đoàn xe tăng và máy bay tấn công Kiev ? Hết chuyến thăm cấp Nhà nước đến những thỏa thuận chung, điện đàm với nhau thường xuyên, trong khi một cuộc điện thoại với nạn nhân bị xâm lược là Ukraina cũng không có, phải chăng đây là sự «trung lập mang màu sắc Trung Hoa»?
Nhà nghiên cứu Triệu Thông (Zhao Tong) trên L’Express cảnh báo cộng đồng quốc tế không nên chờ đợi có sự thay đổi nào trong quan điểm của Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ không bỏ rơi Nga để cải thiện quan hệ với phương Tây, đơn giản vì coi Matxcơva là đồng đội để chống lại Hoa Kỳ. Tập Cận Bình cho rằng phương Tây sử dụng cuộc chiến tranh Ukraina để làm Nga yếu đi, và sợ rằng một khi Nga bị đánh bại, đến lượt Trung Quốc sẽ chịu áp lực. Rất thực dụng, Bắc Kinh khai thác tình thế hiện nay – một nước Nga yếu kém sẽ ngày càng lệ thuộc Trung Quốc, và phe dân tộc chủ nghĩa Hoa lục đã nghĩ đến việc đòi lại những vùng đất ở Viễn Đông.
Quân Nga đã đuối sức ở Bakhmut?
Về tình hình chiến sự Ukraina, Courrier International dự báo tại Bakhmut, gió có thể đổi chiều thuận lợi cho Kiev. L’Express nhận định chiến thuật mới của Nga tại đây là con dao hai lưỡi, còn La Croix cuối tuần nhấn mạnh đến sự đoàn kết cao độ và tinh thần bất khuất của người Ukraina.
Đã có những tiếng nói tố cáo cái giá quá cao của việc bảo vệ thành phố nhỏ bé này, nhưng từ vài ngày qua, giọng điệu đã thay đổi. Theo trang TSN, nhịp độ tấn công của quân Nga đã giảm hẳn, do thiệt hại quá nhiều nhân mạng cũng như thiết bị; còn trang Fokus cho rằng lính đánh thuê Wagner không còn đủ sức chiếm Bakhmut. Quân Nga chuyển sang chiến thuật dùng những đơn vị nhỏ từ 12 đến 15 binh sĩ để tấn công trực diện nên gặm nhấm được một ít đất, nhưng quá rủi ro cho những người lính xung kích.
Về phía Ukraina, người dân đồng tâm nhất trí phía sau những tấm gương anh hùng. Những hình ảnh trên mạng xã hội: hai cha con cùng chết vì pháo trong cùng một chiến hào, một tù binh hiên ngang hô «Vinh quang cho Ukraina» và bị bắn thẳng vào đầu… càng làm sôi sục tinh thần ái quốc.
Đã sai lầm với Vladimir Putin, cần tỉnh táo trước Tập Cận Bình
Trên bình diện địa chính trị, Le Point giới thiệu cuốn sách của nhà kinh tế kiêm nhà sử học Nicolas Baverez «Dân chủ chống lại các đế chế toàn trị». Thế giới sẽ đi về đâu, khi Nga tìm lại sự ngạo mạn độc tài xưa kia, còn Trung Quốc cảm thấy mọc thêm đôi cánh đế quốc? Bị hai bạo chúa khổng lồ đe dọa, liệu về lâu về dài, các nền dân chủ còn tiếp tục trăn trở với chủ nghĩa cá nhân cao độ, mất đi ý thức về lợi ích chung? Tự do và dân chủ không phải là thủ đắc vĩnh viễn, mà là những cuộc chiến đấu thường xuyên.
Tin rằng phương Tây đang suy tàn, Trung Quốc và Nga muốn chèn ép «những đứa trẻ được nuông chiều» này. Phải chăng Bắc Kinh đang biến Matxcơva thành chư hầu? Cuộc xâm lăng Ukraina bộc lộ sự cố kết Nga-Trung, cũng như sự yếu kém về quân sự của châu Âu. Đã đành phương Tây đã phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ một cách bất ngờ trước cuộc chiến của Putin, nhưng chưa đủ. Châu Âu, người khổng lồ kinh tế nhưng là chú lùn về chính trị và quân sự, chỉ có thể trông cậy vào NATO và sự bảo vệ của Mỹ.
Sau khi bị lừa dối, bị mù quáng về bản chất của Vladimir Putin, Nicolas Baverez cho rằng không nên lặp lại sai lầm tương tự với Tập Cận Bình. Ông Tập đã thẳng thừng đòi hỏi vị trí lãnh đạo thế giới về kinh tế cũng như quân sự từ nay đến 2049, đồng thời đang nắm quyền lực tuyệt đối, với chính sách tôn sùng lãnh tụ như thời Mao Trạch Đông – tội phạm lớn nhất trong lịch sử loài người với 70 triệu người chết. Liệu trong đầu ông Tập có điều gì tốt đẹp cho nhân loại? Tác giả cho rằng yếu tố thiếu vắng nơi phương Tây là sự sáng suốt, kêu gọi «tái vũ trang» về kinh tế, quân sự và nhất là tinh thần: khát vọng tự do của con người làm nên sức mạnh cho phe dân chủ.
Bắc Kinh làm châu Âu bừng tỉnh giấc mộng 20 năm
Le Point cũng nhận thấy «Sự tách biệt rạch ròi giữa châu Âu và Trung Quốc». Các nước châu Âu lần lượt đứng vào một «liên minh chống Bắc Kinh» dưới sự lãnh đạo của Mỹ. Tờ báo nhắc lại năm 2003, ngỡ rằng mở cửa kinh tế sẽ dẫn đến tự do hóa chính trị, châu Âu mong muốn trở thành «đối tác chiến lược toàn diện» với Trung Quốc. Hai mươi năm sau, đảng cộng sản Trung Quốc bóp nghẹt mọi ý hướng tự do và nhất quyết chống phương Tây, khiến quan hệ đang ở mức thấp nhất.
Trong lúc Pháp đang loay hoay, các nước thành viên khác của Liên Hiệp Châu Âu (EU) dần dà tỏ rõ thái độ. Đức vừa có quyết định chiến lược: xem lại việc sử dụng các thiết bị 5G Trung Quốc (Huawei, ZTE) trong mạng viễn thông. Hà Lan, vốn chủ trương tự do mậu dịch, đã buộc tập đoàn ASML không bán cho Bắc Kinh máy công cụ để sản xuất chip bán dẫn. Một động thái đầy ý nghĩa nữa là các định chế châu Âu ra lệnh cho viên chức phải xóa ứng dụng TikTok trên điện thoại.
Khi ủng hộ Matxcơva về mặt chính trị trong cuộc xâm lăng Ukraina, Tập Cận Bình chứng tỏ tham vọng của ông ta không phải là hợp tác, mà nhằm chế ngự thế giới dân chủ. Còn nước Mỹ với việc dẫn đầu về viện trợ quân sự cho Kiev, cho thấy vẫn là người bảo đảm an ninh cho châu lục. Thực tế này thúc đẩy các quốc gia dân chủ châu Âu siết chặt hàng ngũ xung quanh Washington, và Trung Âu tuy đang bị dẫn dụ trước «Con đường tơ lụa mới», đã cắt đứt với Bắc Kinh. Một trong những động thái đầu tiên của tân tổng thống Cộng hòa Sec, Petr Pavel sau khi đắc cử là gọi điện cho tổng thống Đài Loan bày tỏ sự ủng hộ.
Liên Hiệp Châu Âu giờ đây hoàn toàn đồng tình với Hoa Kỳ trong việc ngăn chặn Bắc Kinh, không cho tiếp cận những công nghệ tiên tiến nhất về bán dẫn và tin học lượng tử. Lâu nay Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vẫn dựa vào trọng lượng kinh tế để ép châu Âu không đứng về phía Mỹ, nhưng đã tự hại mình bằng chính sách ngoại giao chiến lang hung hăng. Theo thăm dò của Pew Research, hình ảnh Bắc Kinh đang vô cùng xấu xí: có đến 74% người Đức không ưa Trung Quốc, tỉ lệ này ở Anh là 69%, Pháp 68%.
«Bạn bè» của Nga còn những ai?
Nhìn chung, The Economist trong bài «Ngoại giao Potemkin» nhận định những người bạn của Nga là một nhóm hỗn tạp, và số lượng đang giảm sút. Trên lý thuyết, trọng lượng địa chính trị của Matxcơva rất đáng kể : Nga có quân đội và lính đánh thuê đóng tại ít nhất 16 nước. Có nơi nhằm hỗ trợ các nhà độc tài cánh hẩu như Mali và Syria; nơi khác để duy trì những cuộc «xung đột đóng băng» như ở Gruzia nhằm chận con đường đến NATO của nước này.
Trong thập niên qua, Nga chiếm hơn phân nửa trong số vũ khí xuất khẩu sang 22 nước, kể cả những nước lớn như Trung Quốc và Ấn Độ; là nhà cung cấp khí đốt chính cho hơn một chục nước. Tại Liên Hiệp Quốc, Matxcơva được khoảng vài chục quốc gia hoặc bỏ phiếu ủng hộ, hoặc vắng mặt có lợi cho Nga. Tuần báo Anh đã xem xét theo 11 tiêu chí để phân những «bạn bè» của Nga làm ba nhóm: «liên minh những kẻ thất bại», «nhóm hoài niệm Liên Xô» và «trục cơ hội».
Trước hết là «những kẻ thất bại». Trên giấy tờ, Matxcơva có năm đồng minh chính thức trong Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (OTSC) gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tadjikistan. Tuy liên kết bằng hiệp ước hỗ tương nhưng chẳng có thành viên nào đưa quân đến giúp Nga tấn công Ukraina, ngoài Belarus cho mượn đất. Matxcơva hầu như hoàn toàn bị cô lập, chỉ có vỏn vẹn bốn nước (Bắc Triều Tiên, Syria, Belarus, Nicaragua) là luôn bỏ phiếu chống các nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Liên minh này có điểm chung là phi dân chủ, một số như Erythrea thì bản thân bị thế giới coi như «hủi».
Khoảng 30 nước khác có xu hướng vắng mặt trong các cuộc bỏ phiếu của Liên Hiệp Quốc về Ukraina. Trong nhóm không chịu «Goodbye Lênin» này, một số có cảm tình với Nga nhờ mối liên hệ với Liên Xô trong quá khứ, nhưng chừng như họ quên rằng Ukraina cũng từng là một bộ phận của Liên bang Xô viết. Số khác ở châu Phi, đảng cầm quyền hoặc chính khách cần Nga tài trợ hay ủng hộ tranh cử. Nhóm thứ ba là những nước cơ hội, coi trừng phạt của phương Tây là dịp để kiếm những món lợi béo bở khi buôn bán với Nga: Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ nhảy vào thay thế hàng hóa của châu Âu và Mỹ, Ấn Độ tranh thủ mua dầu giá rẻ…
AUKUS, mô hình cho đồng minh phương Tây
Tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, The Economist đánh giá «Hiệp ước AUKUS là hình mẫu cho các đồng minh phương Tây»: Tập trung nhân tài và nguồn lực là phương cách duy nhất để đối phó với sức nặng của Trung Quốc.
Trong nhiều thập niên, các thủy thủ Anh và Úc vẫn thường xuyên thăm các tàu ngầm Mỹ. Tuy là đồng minh thân thiết nhưng họ không thể bước qua một cánh cửa của phòng máy, vì tại đây che giấu công nghệ bất khả xâm phạm của Hoa Kỳ : động cơ phản lực nguyên tử, mà Mỹ chỉ bắt đầu chia sẻ cho Anh kể từ 1958. Giờ đây AUKUS đã mở cánh cửa này cho Úc, đồng thời khởi đầu một giai đoạn mới trong sự cạnh tranh với Trung Quốc. Ba nhà lãnh đạo Mỹ, Anh, Úc và những người kế nhiệm của họ cam kết lâu dài là sẽ không khoanh tay ngồi nhìn Bắc Kinh thống trị Á châu. Ngân sách quân sự Trung Quốc nay đã cao hơn cả Úc, Ấn Độ và Nhật Bản họp lại.
Mỹ phải san sẻ những bí mật quý giá nhất về nguyên tử, nhưng được Úc đầu tư lớn vào kỹ nghệ, có thêm cảng biển ở Thái Bình Dương và hỏa lực lớn của đồng minh tại châu Á. Úc có được công nghệ hàng hải đẳng cấp thế giới, kỹ nghệ Anh cũng hưởng lợi. Không chỉ về tàu ngầm, cột trụ thứ hai của AUKUS còn liên quan đến công nghệ cao như trí thông minh nhân tạo, lượng tử và hỏa tiễn siêu thanh.
Trung Quốc: Không có công lý cho những nạn nhân của Mao
Nhìn lại lịch sử, The Economist lý giải «Vì sao những nạn nhân của Mao không tìm được công lý». Đối với tất cả những chế độ quyết tâm xóa nhòa những tội ác khủng khiếp trong quá khứ, những nạn nhân cuối cùng còn sống sót là nhóm người gây phiền hà. Trường hợp ông Wang Kangfu, thầy giáo dạy môn Văn của một trường tiểu học vùng quê thuộc tỉnh Giang Tây là một ví dụ.
Lúc Cách mạng Văn hóa nổ ra, thầy giáo họ Vương mới 24 tuổi bị bắt ngay trong lớp học, bị buộc tội chống Mao và cưỡng hiếp các nữ sinh, bị cải tạo lao động 10 năm. Vài năm sau khi Mao Trạch Đông chết, tình hình tương đối cởi mở hơn, Vương tìm được 10/12 «nhân chứng», người nói rằng hoàn toàn không biết về vụ án, người thú nhận đã bị buộc khai man. Nhưng tư pháp từ chối mở lại hồ sơ.
Cuộc đấu tranh đòi công lý đã cướp đi nhiều thời gian và sức lực của gia đình ông Vương. Đối với nhà cầm quyền, sự kiên trì này gây rắc rối, nhưng thời gian đứng về phía họ. Ông Vương qua đời vào năm ngoái, thọ 80 tuổi. Chẳng bao lâu nữa thế hệ tương lai chỉ còn biết đến Cách mạng Văn hóa qua sử sách, và lịch sử thì do đảng viết ra.
Tựa chính các tuần san Pháp
Trang bìa các tuần báo Pháp kỳ này chủ yếu đề cập đến nội tình trong nước. Le Point chạy tựa «Xì-căng-đan thực sự về nước», phê phán những người lý tưởng và cực đoan ngăn trở những giải pháp cho khí hậu. L’Obs dành hồ sơ cho vấn đề an tử và trợ tử, một câu hỏi luôn nhức nhối và đầy phức tạp. L’Express đăng hình tổng thống Pháp được vẽ theo bức tượng «Người suy tư» với dòng tít lớn «Emmanuel Macron, những tham vọng cho năm 2027». Courrier International đưa tít «Hưu trí: Nước Cộng hòa (Pháp) bị chia thành nhiều mảnh vụn», nhận định việc chính phủ mạnh tay thông qua cải cách sẽ đè nặng lên giai đoạn cuối nhiệm kỳ của tổng thống Emmanuel Macron. Riêng The Economist đặt vấn đề «Điều gì sai lầm đối với các ngân hàng» sau một loạt vụ phá sản gần đây.
Giấc mơ Mỹ, giấc mơ Việt
Blogger Tuấn Khanh – 2023.03.19
Diễn viên Quan Kế Huy và tượng vàng giải thưởng Oscar lần thứ 95 hôm 12/3/2023 – Reuters
Câu chuyện thành công của diễn viên Quan Kế Huy khơi lại một cách sống động về hình ảnh của “giấc mơ Mỹ” – giấc mơ đã nuôi dưỡng hàng triệu người và bao thế hệ cập bến đất nước Hợp Chủng Quốc từ trước Thế chiến II, đặc biệt với người Việt Nam sau ngày 30 Tháng Tư 1975. Đó là điểm đến chung của nhiều con người, nhiều thành phần, và kể cả giấc mơ Mỹ có nhiều tầng nấc khác nhau.
Nhắc lại chuyện này, Thompson Nguyễn, thành viên Hội đồng của Forbes, cũng là một người xuất thân từ gia đình tỵ nạn sau 1975 và chạm được đến “giấc mơ Mỹ” của mình, tự nhận định rằng “Đối với những người nhập cư, giấc mơ này là được tự do làm việc ở bất cứ đâu họ muốn, mang lại một tương lai tốt đẹp hơn cho con cái họ, hoặc đơn giản là được an toàn trong cuộc sống hàng ngày của họ”.
Tự do, tương lai và an toàn – có thể đó là một tóm tắt khá đầy đủ, và mang tính chân lý của một phần nhân loại trên địa cầu này khi quyết định từ bỏ nơi sinh ra, và đi về nơi là họ tin rằng sẽ tìm thấy những điều tốt đẹp hơn. Nghe có vẻ xưa cũ như những người từ thời lập quốc Hoa Kỳ, viễn du tìm vàng hay chọn đất đai cư trú, nhưng thật ra, những con người mang giấc mơ Mỹ đó, mang theo sự cống hiến và đóng góp cho ước nguyện của họ cho quê hương mới.
Với ông Quan Kế Huy, ông đã sống, theo đuổi sự nghiệp với tài năng nghệ thuật của mình và được nhìn nhận, trở thành những tầng lớp ưu tú nhất của nước Mỹ, bất chấp ông từ đâu đến, màu da nào và thậm chí giọng nói tiếng Anh của ông luôn cho thấy ông là người nhập cư.
Loại trừ những giá trị của thuyết định mệnh, người ta nhìn thấy giấc mơ Mỹ được chia sẻ cho các nỗ lực và tư duy lớn. Thompson Nguyễn bộc bạch rằng “Điều mà cha mẹ tôi dạy tôi, là mọi người nên cảm thấy được trao quyền để theo đuổi ước mơ của mình. Tôi biết không ai dám chắc chắn với hành trình đến với giấc mơ Mỹ của mình, nhưng đằng sau những người dấn tới đều là sự gan góc và quyết tâm để thành đạt”.
Tôi có một anh bạn đang sống ở Lancaster, Pennsylvania, xuất thân từ Kiến Hòa (giờ là Bến Tre). Sau 1975, học dở dang Bách Khoa Phú Thọ, anh lên tàu đi tìm cuộc sống khác, mà cũng không hình dung giấc mơ Mỹ là gì. Mọi thứ chỉ bắt đầu với suy nghĩ tự do, tương lai và an toàn. Mất mấy năm mang mặc cảm là người nhập cư, và chỉ mong kiếm sống bằng nghề học sửa xe, thế rồi, một ngày qua cuộc trò chuyện với ông chủ người Mỹ, anh nhận ra rằng đến nước Mỹ luôn có hai thành phần thị dân: kiếm sống và yên ổn sống bên lề của đời sống Mỹ, hoặc là dấn tới, tham gia vào mạch chính của đời sống Mỹ. Muốn có được giấc mơ đó, phải dấn tới.
Anh bạn đó kiên tâm đi học tiếng Anh để có thể học cao hơn ngành mà mình theo đuổi là hóa học và khoáng sản tự nhiên. Không cần diễn tả, cũng có thể biết được bao nhiêu là khó khăn và kể cả mặc cảm và những thách thức hội nhập. Những ngày ông thầy giảng nhanh, anh bàng hoàng không hiểu, phải vào thư viện mượn sách tự học lại.
Cảm giác sợ bị tụt hậu ám ảnh anh đến mức có lúc muốn khóc. Thế rồi, anh tốt nghiệp và được tuyển dụng trở thành chuyên viên nghiên cứu cấp cao của tập đoàn Alcoa – tập đoàn sản xuất nhôm toàn cầu tiên tiến nhất thế giới. Với hơn 12,000 nhân công của Alcoa, tên của anh bạn là một điểm sáng đặc biệt cho đến khi anh về hưu.
Những trường hợp như anh bạn Việt Nam đó có vô số trong những dòng người tỵ nạn từ Việt Nam, rách rưới, đói khát cập bến ở mọi nơi trên thế giới sau biến động ở quê hương mình. Có những người tỏa sáng trên truyền thông, nhưng cũng có những người im lặng biến mình thành những điểm tựa hãnh diện của thế hệ chọn ra đi khỏi thực địa hôm qua, và mang quê hương không thay đổi của mình trong trái tim, tìm về một cuộc sống mới tự quyết.
Một thống kê năm 2019 của Viện Gallup, cho thấy có đến 70% người trưởng thành ở Hoa Kỳ – thuộc các chủng tộc, giới tính, đảng chính trị và thu nhập – đều nhìn nhận rằng giấc mơ Mỹ là điều có thật, và có thể đạt được.
Bên cạnh đó, có đến 80% triệu phú tự lập là người nhập cư lẫn người Mỹ gốc. Trong danh sách 500 công ty thành công (Fortune 500), người ta tìm thấy có ít nhất một người sáng lập là người nhập cư hoặc con của người nhập cư, theo số liệu thống kê từ New American Economy. Và cho đến ngày hôm nay, Hoa Kỳ vẫn là điểm đến hàng đầu cho những người nhập cư có ước mơ lớn. HIện có 20% người nhập cư trên thế giới đang ở Mỹ.
Giấc mơ Mỹ hôm nay rất dễ tìm thấy riêng trong cộng đồng Việt Nam hải ngoại, với đủ mọi ngành nghề để tạo nên sự an cư, thịnh vượng với suy nghĩ tự quyết của mình, bao gồm cả những người Việt nhọc nhằn khởi đầu cuộc đời trên đất Mỹ với nghề nail, mà vốn luôn bị sỉ nhục từ hệ thống tuyên truyền thân nhà cầm quyền.
Trong con số hơn $19 tỷ kiều hối về Việt Nam năm 2022, chắc chắn có không ít tiền từ “nail tộc” – một loại ngôn từ miệt thị vô cớ quen thuộc. Thậm chí là tiền dư dả của người nghỉ hưu, do không có ai trong số họ bị đánh thuế 10% tiền thất nghiệp hay về hưu như những người công nhân nghèo khổ ở quê nhà.
Giấc mơ Mỹ, như Quan Kế Huy hay Thompson Nguyễn, có nghĩa là có mơ ước và nỗ lực đúng hướng, bạn sẽ làm được mà không bị một rào cản nào về thân phận, chính trị hay tôn giáo. Điểm đến là một lựa chọn của bản thân mà không bị định hướng hay thao túng bởi bất kỳ quyền lực nào, mà chỉ là ý chí cá nhân tuyệt đối.
Trong một chuyến đi xe ôm thời công nghệ mới ở Sài Gòn, tôi nghe anh lái xe kể về cuộc sống chật vật nhưng đầy ước mơ của anh, là làm sao để mở được một cái trường nhỏ dành riêng các đứa nhỏ bị sứt môi đã được chữa lành. “Hoặc là một chỗ sinh hoạt chung cho những đứa như vậy”, anh nói. Giấc mơ đó xuất phát từ việc con anh bị sứt môi, dù được giải phẫu nhưng những vết tích nhỏ còn lại khiến nó luôn bị bạn bè đồng lứa chọc ghẹo. “Những đứa nhỏ cùng hoàn cảnh, tìm thấy nhau sẽ tự tin và trở thành người có tâm hồn tự nhiên mạnh mẽ trong xã hội”, người chạy xe ôm mà tôi không còn nhớ tên, nói.
Lúc chia tay, tôi hỏi anh là liệu khi nào anh làm được. Người đàn ông nhỏ tuổi hơn tôi, sạm nắng và tóc đã bạc, thú thật là anh không biết khi nào mới làm được nhưng mỗi khi nhìn con, anh cứ ước mơ vậy. “Thì mình cứ mơ thôi”, anh cười, và chạy xe đi.
Có một loại giấc mơ Việt được gọi tên ngay trên đất nước mình, nhưng đích đến sao nghe xa xôi quá. Khi nghe tin thời sự thông báo nghề chạy xe ôm công nghệ bị đánh thuế hàng ngày 30%, rồi cuối năm lại có thể bị đánh thuế thu nhập thêm 10%, tôi càng hiểu ước mơ của anh xa vời hơn bao giờ hết, khi bữa cơm hàng ngày bị cắt xén tàn tệ đến vậy. Giấc mơ Việt hôm qua ắt giờ đã đổi chiều, chỉ mong sao cho gia đình không thiếu hụt bữa cơm hàng ngày.
Một nghiên cứu của Đại học Princeton tìm thấy ngay cả con cái của những người nhập cư nghèo nhất của Hoa Kỳ rồi cũng trở thành tầng lớp trung lưu sau một hay hai thập niên. Còn trên báo Lao Động tháng tư 2021, bài của tác giả Đào Tuấn có ghi là “Giấc mơ ngôi nhà và những đứa trẻ của công nhân, của dân nghèo trở nên ngày càng xa vời, khi nhà ở xã hội lọt tay những cán bộ đi xe tiền tỉ. Và khi giá nhà đất ngày càng cao, người lao động phải mất 28-30 năm tích lũy mới mua được”.
Thôi thì hãy để giấc mơ Mỹ và những câu chuyện thành đạt thần tiên xa vời đến và đi qua. Hãy nói đến giấc mơ Việt đầy thực tế vậy. Tôi nghĩ đến anh xe ôm với ước mơ thơm lành cho thế hệ mới, và chỉ biết cầu chúc cho anh – cũng như hàng triệu người Việt khác không đảng phái đang mơ – rằng có được tấm lòng tử tế với dân tộc mình, thì cũng là một giấc mơ Việt cao quý, dẫu tự do, tương lai và an toàn là những điều vẫn phải kiếm tìm ở hiện thực, có khi đến hết cả đời người.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/american-dream-and-vn-dream-03192023094808.html