Tin Tổng Hợp – 17/9/21
‘‘Khủng hoảng tầu ngầm’’: Paris nổi giận, Washington xoa dịu
Hai ngày sau thông báo thành lập Liên minh Mỹ-Anh-Úc tại Ấn Độ – Thái Bình Dương, khiến hợp đồng tầu ngầm Pháp – Úc bị hủy bỏ, Paris vẫn không nguôi giận. Sứ quán Pháp tại Hoa Kỳ thông báo hủy bỏ dạ tiệc dự kiến được tổ chức tại Washington hôm nay, 17/09/2021, để kỷ niệm 240 năm một chiến thắng hải quân quan trọng thời Chiến tranh giành độc lập của Mỹ, chiến thắng vốn được coi như một biểu tượng của quan hệ đồng minh lâu đời Pháp – Mỹ.
Trước sự giận dữ của Pháp, ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hôm qua 16/09 lên tiếng tái khẳng định tầm quan trọng của hợp tác Washington – Paris. Tuy nhiên, hành động được ví như «một cú đâm sau lưng» của Mỹ và Úc, theo diễn đạt của ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, khiến Paris rất thất vọng.
Thông tín viên RFI Guillaume Naudin tường trình từ Washington:
«Ngay vào lúc thông báo về liên minh Mỹ – Anh – Úc tại Ấn Độ – Thái Bình Dương (gọi tắt là AUKUS), chính tổng thống Joe Biden đã nhấn mạnh đến vai trò đặc biệt quan trọng của nước Pháp tại khu vực này. Trên thực tế, Pháp đúng là cường quốc châu Âu duy nhất có một sự hiện diện đáng kể ở khu vực với một số lãnh thổ và lực lượng quân sự có mặt tại chỗ.
Hôm qua, ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken nhắc lại rằng các quan chức Pháp đã được thông báo về một thỏa thuận như vậy, trước khi thông tin được đưa ra chính thức. Theo New York Times, chính Úc, với tư cách là bên ký hợp đồng, đã được giao phó nhiệm vụ nói về vấn đề tầu ngầm, nhưng dường như Canberra chỉ thực hiện điều này vào giờ chót.
Paris, thông qua các bộ trưởng liên quan đến hồ sơ này, đã không giấu nỗi giận dữ. Để tỏ thái độ, đại sứ quán Pháp ở Washington đã quyết định thu hẹp tầm mức của nhiều hoạt động dự kiến tổ chức hôm nay, thứ Sáu 17/09, để kỷ niệm 240 năm một cuộc hải chiến, trong đó hạm đội Pháp đã giúp nước Mỹ trong cuộc Chiến tranh giành độc lập chống lại Anh Quốc.
Theo các nhà ngoại giao Pháp, được New York Times trích dẫn, không có chuyện làm như thể là mọi thứ vẫn ổn thỏa giữa hai nước. Nỗi thất vọng rất là lớn, và phải nhấn mạnh đến điều đó».
Sau thông báo của Nhà Trắng hôm thứ Tư về việc «nhiều giới chức cao cấp của chính quyền Mỹ đã có các tiếp xúc với các đồng nhiệm Pháp để thảo luận về liên minh AUKUS, kể cả trước khi chính thức thông báo», trả lời AFP, người phát ngôn của đại sứ quán Pháp tại Washington, Pascal Confavreux, khẳng định đã không hề được báo về dự án này trước khi được đọc các thông tin đầu tiên mà truyền thông Mỹ và Úc đăng tải, ít giờ trước tuyên bố chính thức của tổng thống Joe Biden.
Trọng Thành
Tổng thống Biden phủ nhận bị Chủ tịch Tập Cận Bình từ chối gặp mặt
Reuters – Tổng Mỹ Joe Biden hôm 14/9 phủ nhận thông tin được truyền thông loan tải rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tuần trước từ chối lời đề nghị gặp mặt trực tiếp của ông.
Tờ Financial Times trích dẫn nhiều người được thông báo về cuộc điện đàm kéo dài 90 phút giữa hai nhà lãnh đạo vào tuần trước nói rằng ông Tập không chấp nhận lời đề nghị của ông Biden và thay vào đó nhấn mạnh rằng Washington nên áp dụng một giọng điệu bớt cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh.
“Đó không phải là sự thật,” Tổng thống Biden nói khi được các phóng viên hỏi rằng liệu ông có thất vọng về việc ông Tập không muốn gặp mặt hay không.
Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Biden, ông Jake Sullivan, cho biết trong một tuyên bố trước đó vào hôm 14/9 rằng bản tin (của Financial Times) “không mô tả chính xác về cuộc điện đàm.”
Một nguồn tin có mặt trong số những người được thông báo về cuộc điện đàm xác nhận với Reuters rằng thông tin trên bài báo là chính xác.
“Ông Tập rõ ràng cho rằng giọng điệu và bầu không khí của mối quan hệ trước tiên cần phải được cải thiện,” nguồn tin này nói với Reuters.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã không ngay lập tức trả lời khi được yêu cầu bình luận.
Tờ Financial Times dẫn lời một trong những nguồn tin của họ cho biết rằng Tổng thống Biden xem cuộc họp thượng đỉnh như là một trong số những khả năng cho cuộc tiếp xúc tiếp theo với ông Tập, và ông không mong đợi một phản ứng ngay tức thì.
Bài báo trích dẫn một quan chức Hoa Kỳ nói rằng mặc dù ông Tập không mặn mà với ý tưởng về một hội nghị thượng đỉnh, nhưng Nhà Trắng tin rằng một phần là do lo ngại về COVID-19.
Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Ý vào tháng 10 được xem như một địa điểm khả dĩ cho một cuộc gặp mặt trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo, nhưng ông Tập chưa ra khỏi Trung Quốc kể từ khi đại dịch bùng phát vào đầu năm ngoái.
Ông Sullivan nói trong tuyên bố rằng: “Như chúng tôi đã nói, Tổng thống [Biden] và Chủ tịch [Tập] đã thảo luận về tầm quan trọng của việc có thể có các cuộc họp riêng giữa hai nhà lãnh đạo và chúng tôi trông mong điều đó.”
Cuộc điện đàm giữa ông Biden và ông Tập là cuộc gọi đầu tiên giữa họ trong vòng 7 tháng qua và hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về sự cần thiết phải đảm bảo rằng sự cạnh tranh giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới không trở thành xung đột.
Một cuộc họp của các giới chức Mỹ trước cuộc điện đàm đã gọi đây là một phép thử xem liệu sự gắn kết trực tiếp ở cấp cao nhất có thể chấm dứt những gì đã trở thành bế tắc trong mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh, vốn đang ở mức tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua hay không.
Nhà Trắng sau đó cho biết rằng họ dự định giữ các kênh liên lạc mở, nhưng cũng thông báo rằng không có kế hoạch cho các cuộc tiếp xúc tiếp theo.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết ông Tập nói với ông Biden rằng chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc gây “khó khăn nghiêm trọng” cho mối quan hệ, nhưng nói thêm rằng cả hai bên đồng ý duy trì liên lạc thường xuyên và yêu cầu các nhóm làm việc tăng cường liên lạc.
Chuyên gia: Điều gì khiến ông Tập Cận Bình không muốn gặp ông Joe Biden?
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm kéo dài 90 phút. Báo cáo nói rằng ông Biden đã đề xuất tổ chức Hội nghị thượng đỉnh hai người và gặp mặt trực tiếp với ông Tập, nhưng đề nghị này đã bị ông Tập từ chối, theo trang NTDTV.
Một người quen thuộc với vấn đề này nói với tờ Financial Times rằng ông Tập nhấn mạnh rằng Washington không nên áp dụng một giọng điệu cứng rắn như vậy đối với Bắc Kinh. Một người khác quen thuộc với vấn đề này nói rằng Tổng thống Mỹ sử dụng Hội nghị thượng đỉnh như một trong nhiều khả năng để tiếp xúc với ông Tập, nhưng ông Biden không nhận được phản hồi ngay lập tức. Một quan chức Mỹ khác nói rằng Toà Bạch Ốc thì tin rằng ông Tập không có ý định tham gia Hội nghị thượng đỉnh, một phần vì lo ngại dịch bệnh. Kể từ khi đại dịch bùng phát vào đầu năm ngoái, ông Tập đã không rời Trung Quốc.
Về tin tức này, ông Biden đã lên tiếng phủ nhận vào ngày hôm đó. Một phóng viên hỏi ông có thất vọng khi Tập Cận Bình không muốn gặp ông không? Ông Biden nói: “Điều này không chính xác”.
Trước đó cùng ngày, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan trong một tuyên bố lưu ý báo cáo trên Financial Times “không phải là mô tả chính xác về cuộc gọi”. Tuyên bố nói thêm, “Như chúng tôi đã nói, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về tầm quan trọng của việc liên lạc riêng giữa hai bên và chúng tôi sẽ tôn trọng điều này”.
Tuy nhiên, một nguồn tin khác quen thuộc với cuộc điện đàm cũng xác nhận với Reuters rằng báo cáo trước đó là chính xác. Ông nói: “Tập Cận Bình rõ ràng ám chỉ rằng giọng điệu và bầu không khí của mối quan hệ giữa hai nước trước tiên cần được cải thiện”.
Cho đến nay, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington chưa trả lời yêu cầu bình luận của giới truyền thông. Tuy nhiên, ông Dương Khiết Trì, Giám đốc Văn phòng Ủy ban Đối ngoại của Ủy ban Trung ương CPC, đã lên tiếng phát biểu vào ngày 15/9. Ông Dương Khiết Trì tuyên bố ông hy vọng chính phủ Hoa Kỳ “nhanh chóng sửa chữa chính sách sai lầm đối với Trung Quốc” và đưa quan hệ Trung-Mỹ trở lại ổn định càng sớm càng tốt.
Nó có nghĩa là gì? Nhà bình luận thời sự Đường Tĩnh Viễn nói rằng ông Tập Cận Bình từ chối gặp mặt, vì Hoa Kỳ vẫn áp dụng giọng điệu cứng rắn và đây không phải điều Trung Quốc muốn, nhà ngoài giao hàng đầu của Bắc Kinh Dương Khiết Trì đã yêu cầu Washington”sửa chữa những sai lầm”, nhưng cuộc điện đàm mới nhất giữa hai nhà lãnh đạo không phải để sửa chữa nó mà để thiết lập ranh giới đỏ.
Về những lý do có thể khiến ông Tập không được tôn sùng, ông Đường phân tích hai yếu tố: Thứ nhất, điều ông Tập Cận Bình muốn là ông Joe Biden từ bỏ đối đầu và quay trở lại con đường hai bên cùng có lợi, đây là cuộc gặp mà ông ấy muốn. Ý định của ông Biden thì ngược lại, Tổng thống Mỹ muốn nói rõ: “Chúng ta có thể công khai đối đầu cạnh tranh, chỉ cần tránh chạm vào lằn ranh đỏ của xung đột quân sự.” Đây không phải là điều mà ông Tập muốn. Thứ hai, cuộc họp tái tranh cử của Tập Cận Bình sắp diễn ra, ông ấy không muốn ra nước ngoài vì có thể có nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Thanh Hải
“Vụ tàu ngầm Úc’’: Nhiều mâu thuẫn Pháp – Mỹ không thể dung hòa
Tối 15/09/2021, một biến cố bất ngờ khiến quan hệ Pháp–Mỹ rơi vào khủng hoảng. Washington thông báo thành lập liên minh «chiến lược» Mỹ-Úc-Anh tại Ấn Độ-Thái Bình Dương, đồng thời chuyển giao công nghệ tầu ngầm hạt nhân cho Úc, đồng nghĩa với việc hợp đồng tầu ngầm Pháp–Úc trị giá 56 tỉ euro ký năm 2016 bị hủy. Paris lên án «đòn đánh sau lưng» của «đồng minh». Trên thực tế, vụ này phơi bày nhiều mâu thuẫn Pháp–Mỹ không thể dung hòa.
Khủng hoảng đúng là rất nghiêm trọng. Chính phủ Pháp không giấu nỗi giận dữ. Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian, người từng thương lượng về hợp đồng chế tạo 12 tàu ngầm cho Úc,= khi còn là bộ trưởng Quốc Phòng, lên án cách hành xử «đơn phương, độc đoán, không dự kiến trước, rất giống với điều mà ông Trump làm trước đây», và đây là «chuyện không nên để xảy ra giữa các đồng minh». Sứ quán Pháp tại Washington quyết định hủy một buổi dạ tiệc long trọng kỷ niệm trận hải chiến lịch sử tại vịnh Chesapeake năm 1781, nơi hải quân Pháp đánh bại một hạm đội Anh, một chiến thắng được coi như có vai trò quyết định trong thắng lợi của liên quân Mỹ – Pháp. Sự kiện được coi như là một biểu tượng quan trọng cho mối quan hệ đồng minh bền chặt Mỹ – Pháp ngay từ thời Hoa Kỳ lập quốc.
Những lời êm ái không trấn an được ai
Chính quyền Biden trấn an Paris, với tuyên bố của ngoại trưởng Antony Blinken, khẳng định «Pháp là một đối tác trọng yếu» tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và «trong nhiều lĩnh vực khác», và «đây là điều đã diễn ra từ lâu, và sẽ tiếp tục như vậy trong tương lai». Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng khẳng định trước đó là Hoa Kỳ sẽ «tiếp tục cộng tác mật thiết với Pháp», «đồng minh chủ chốt» tại khu vực chiến lược này.
Tuy nhiên, những lời lẽ êm ái nói trên không trấn an được ai tại Paris. Chính phủ Pháp ngay lập tức bác bỏ khẳng định của Washington rằng đã có nhiều tiếp xúc khác với Pháp để thông tin về dự án liên minh này, trước khi thông báo chính thức. Trên thực tế, khủng hoảng về vụ hợp đồng tầu ngầm Úc đã phơi bày nhiều mâu thuẫn không thể dung hòa giữa Pháp và Mỹ, cũng như giữa Liên Âu với Hoa Kỳ.
«Cạnh tranh quyền lãnh đạo»
«Đòn đánh» có tính toán nhắm vào Pháp trong một cuộc « cạnh tranh giành quyền lãnh đạo », theo nhận định của bà Anne Cizel, chuyên gia về chính sách đối ngoại Mỹ tại Đại học Sorbonne, Paris. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từ nhiều năm nay tự khẳng định là người đi đầu trong sáng kiến xây dựng nền quốc phòng « tự chủ » và sự tự trị về chiến lược của châu Âu. Một nền quốc phòng tự chủ của châu Âu đồng nghĩa với vị thế của Mỹ tại châu Âu sụt giảm.
Cạnh tranh và xung khắc là điều khó tránh khỏi trong quan hệ Pháp – Mỹ, Âu – Mỹ, một khi Liên Âu với sự thúc đẩy của cặp Đức – Pháp vươn lên tìm cách khẳng định vị trí của một thế lực địa – chính trị. Bốn năm dưới thời tổng thống Donald Trump khiến các hợp tác giữa hai bờ Đại Tây Dương suy giảm, nhưng « cũng mang lại một cơ hội cho Pháp và cặp Pháp – Đức khẳng định vị thế lãnh đạo » tại châu Âu, như ghi nhận của chuyên gia Anne Cizel.
Ngày 15/09, ít giờ trước khi Mỹ công bố Liên minh chiến lược AUKUS đối đầu với Trung Quốc tại Ấn Độ – Thái Bình Dương, trong bài Diễn văn thường niên về tình hình Liên Hiệp đọc tại Nghị Viện Châu Âu, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen đặc biệt nhấn mạnh đã đến lúc Liên Âu phải khẳng định năng lực quốc phòng tự chủ, sẵn sàng hành động « nơi nào mà NATO và Liên Hiệp Quốc không có mặt ». Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu ủng hộ mạnh mẽ sáng kiến của Paris tổ chức hội nghị về quốc phòng Liên Âu, dự kiến đầu năm tới, trong thời gian Pháp làm chủ tịch luân phiên của khối này.
Bắc Kinh trong tầm ngắm: Pháp, Mỹ xung khắc nhưng không là đối thủ
Pháp – Mỹ xung khắc nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc Paris và Washington trở thành đối thủ. Theo chuyên gia về châu Á Walter Lohman, giám đốc nghiên cứu Á châu tại quỹ Heritage, «thách thức Trung Quốc» đòi hỏi quyết tâm từ nhiều phía. Theo chuyên gia này, việc nước Úc được trang bị tầu ngầm hạt nhân là một bước tiến «rất quan trọng», cho dù phải trả một cái giá trong quan hệ Mỹ – Pháp. Đối với Washington, Paris vẫn có một vị trí quan trọng trong chiến lược của Mỹ tại khu vực.
Về phía Liên Âu, lãnh đạo ngoại giao châu Âu Josep Borrell «thông cảm với nỗi thất vọng của nước Pháp», đồng thời nhấn mạnh là thỏa thuận AUKUS (Mỹ-Anh-Úc) một lần nữa buộc Liên Âu phải tiếp tục suy nghĩ về việc «phát triển năng lực tự chủ chiến lược của Liên Hiệp Châu Âu», trong đó có chiến lược riêng của Liên Âu tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, trọng tâm của nền kinh tế toàn cầu. Các định hướng của Liên Âu có thể trùng khớp, nhưng chắc chắn sẽ có nhiều điểm khác với Hoa Kỳ.
Trọng Thành
(AFP) – Đang thiếu tiền, Afghanistan bất ngờ tìm được hơn chục triệu đô la Mỹ. Ngân hàng trung ương Afghanistan thông báo tìm thấy 12,3 triệu đô la tại nhà của nhiều quan chức chế độ cũ, cũng như tại văn phòng của một số lãnh đạo các cơ quan an ninh. Số tiền nói trên được chuyển vào ngân quỹ nhà nước. Thông báo được đưa ra ngày 15/09/2021 trong bối cảnh Afghanistan đang thiếu tiền. Hiện nay, những ai có tài tiền trong tài khoản ngân hàng cũng chỉ được rút tối đa 200 đô la/tuần, để tránh sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng.
(AFP) – Nghị sĩ châu Âu kêu gọi lập chương trình visa đặc biệt cho phụ nữ Afghanistan. Trong một dự thảo được thông qua ngày 16/09/2021 với 536 phiếu thuận, các nghị sĩ kêu gọi “Liên Hiệp Châu Âu và các nước thành viên đồng phối hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho việc di tản công dân Liên Hiệp Châu Âu và Afghanistan gặp nguy hiểm”, cũng như “cấp visa nhân đạo và một chương trình visa đặc biệt cho những phụ nữ Afghanistan tìm cách thoát khỏi chế độ Taliban”.
(Le Figaro) – Nhật Bản: Cuộc đua vào chức lãnh đạo đảng cầm quyền chính thức bắt đầu ngày 16/09/2021. Có bốn ứng viên cho vị trí lãnh đạo đảng thay cho ông Yoshihide Suga. Cuộc bỏ phiếu trong đảng cầm quyền PLD sẽ diễn ra vào ngày 29/09. Do đảng này đang thống trị chính trường Nhật Bản, nên người chiến thắng gần như chắc chắn sẽ được bổ nhiệm làm thủ tướng, sau khi được Quốc Hội thông qua vào đầu tháng 10.
(Le Figaro) – SpaceX: Bốn du khách Mỹ “khỏe mạnh, vui vẻ và đang nghỉ ngơi an tâm thoải mái” trên tàu vũ trụ. Công ty SpaceX hôm qua, 16/09/2021, cho biết như trên khi phi thuyền đang ở điểm dừng đầu tiên kể từ khi cất cánh vào hôm trước. Phi hành đoàn đã “bay quanh Trái đất 5,5 vòng, thực hiện loạt nghiên cứu khoa học đầu tiên và ăn vài bữa” trước khi đi ngủ. Elon Musk, chủ nhân của SpaceX, viết trên Twitter là ông đã nói chuyện với bốn du khách và “mọi việc đều ổn”.
(AP) – Để không khí ô nhiễm nghiêm trọng tại thủ đô Jakarta, tổng thống Indonesia bị một tòa án buộc tội. Một tòa án Indonesia hôm qua, 16/09/2921, ra phán quyết buộc tội tổng thống Joko Widodo, cùng ba bộ trưởng và ba tỉnh trưởng ở đảo Java đã có các hành động “bất hợp pháp”, khi không tôn trọng các chuẩn mực về môi trường. Tòa án ra lệnh cho các bị cáo phải thi hành các biện pháp để cải thiện chất lượng không khí tại thủ đô. Phiên tòa hôm qua được mở ra để xét đơn của 32 công dân kiện tổng thống và nhiều quan chức cao cấp. Theo một nghiên cứu năm 2019, mức độ ô nhiễm của Jakarta thường xuyên vượt từ 4 đến 5 lần tiêu chuẩn mà Tổ Chức Y Tế Thế Giới khuyến cáo.
(AFP) – Tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (FMI) bị điều tra. Một cuộc điều tra độc lập do chính FMI ủy quyền đã công bố kết luận ngày 16/09/2021 rằng bà Kristalina Georgieva “đã gây sức ép” vào năm 2017 để thay đổi một bản báo cáo (năm 2018), theo hướng có lợi cho Trung Quốc về xếp hạng các nước theo tiêu chí thuận lợi cho hoạt động kinh tế và kinh doanh của Ngân Hàng Thế Giới, nơi bà làm việc lúc đó. Tổng giám đốc FMI Kristalina Georgieva cho biết “không đồng ý” với những kết luận của cuộc điều tra này. Những tiết lộ trên đã khiến Ngân Hàng Thế Giới ngừng công bố báo cáo hàng năm Doing Business và đang nghiên cứu “một cách tiếp cận mới để đánh giá môi trường kinh doanh và đầu tư”.
(AFP) – Vac-xin ngừa Covid-19 dạng xịt mũi được hy vọng ngăn lây nhiễm virus. Nhiều thử nghiệm loại vac-xin mới này được cho là có kết quả khả quan. Đầu tháng 09/2021, Viện nghiên cứu INRAE và đại học Tours ở Pháp đã nộp bằng sáng chế một loại vac-xin dạng xịt mũi đang được thử nghiệm trên động vật. Theo một bài báo trên tạp chí Science (Khoa học) tháng Bẩy, vac-xin xịt mũi tạo thêm hai lớp bảo vệ : Lớp thứ nhất được gọi là IgA, dạng kháng thể đóng vai trò quan trọng trong chức năng miễn dịch của màng nhầy. Lớp thứ hai tạo ra các tế bào B và T “ghi nhớ” nằm trong màng nhầy hô hấp và tạo thành lớp chắn chống lại sự lây nhiễm ở khu vực này.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210917-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p