Tin Tổng Hợp – 17/7/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 17/7/21

Black Lives Matter đổ lỗi các cuộc biểu tình chết người ở Cuba lên chính phủ Hoa Kỳ, bênh vực chế độ cộng sản

Black Lives Matter (BLM) đang đổ lỗi tình hình bất ổn hiện nay ở Cuba cho lệnh cấm vận kinh tế “tàn nhẫn và vô nhân đạo” của chính phủ Hoa Kỳ, đồng thời ca ngợi chế độ cộng sản này vì tình “đoàn kết” của nó trong việc cấp quyền tị nạn cho “các nhà cách mạng người Mỹ gốc Phi Châu.”

Tổ chức Marxist này đã phải đối mặt với sự chỉ trích mạnh mẽ kể từ khi đăng một tuyên bố hôm 14/07 để đáp lại các cuộc biểu tình nổ ra ở nhiều thành phố trên khắp Cuba, nơi những người biểu tình đang kêu gọi cho những quyền tự do lớn hơn và chấm dứt chế độ độc tài của lãnh đạo Miguel Díaz-Canel.

Trong ghi chú được đăng lên các trang mạng xã hội của mình, nhóm này đã lên án lệnh cấm vận kể từ năm 1962 của Hoa Kỳ, tuyên bố rằng lệnh cấm này được thiết lập với “ý định rõ ràng” nhằm gây bất ổn cho Cuba và “làm suy yếu quyền của người dân Cuba để lựa chọn chính phủ của chính họ.”

Nhóm này viết, “Black Lives Matter lên án cách đối xử vô nhân đạo của chính phủ liên bang Hoa Kỳ đối với người dân Cuba và kêu gọi chính phủ lập tức dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế này. Chính sách tàn nhẫn và vô nhân đạo này, vốn được thiết lập với ý định rõ ràng là gây bất ổn cho đất nước Cuba và làm suy yếu quyền của người dân Cuba để lựa chọn chính phủ của chính họ, là trọng tâm của cuộc khủng hoảng hiện nay của Cuba.”

Cuộc biểu tình lớn nhất mà đất nước do cộng sản kiểm soát này từng chứng kiến ​​trong nhiều thập kỷ đã nổ ra vào cuối tuần qua sau khi người dân tập trung lại đòi quyền tự do.

Ngoại trưởng Antony Blinken đã bác bỏ tuyên bố Hoa Kỳ là nguyên nhân gây ra tình trạng bất ổn của Cuba. Ông nói hôm 12/07 rằng yếu tố chính khiến người dân xuống đường nằm ở nền kinh tế được quản lý một cách sai lầm của quốc gia này và sự thất bại của chế độ cộng sản trong việc cung cấp cho người dân của mình những nhu cầu cơ bản.

Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hoà-Florida) cùng với những quan chức khác cũng đã phản đối về tuyên bố của nhóm này.

Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida) trình bày trong phiên điều trần xác nhận của Ủy ban Thượng viện về Thương mại, Khoa học và Giao thông Vận tải trên Đồi Capitol ở Hoa Thịnh Đốn, vào ngày 21/04/2021. (Ảnh: Graeme Jennings/AFP/Getty Images)

“Băng nhóm cướp bóc được gọi là tổ chức Black Lives Matter này hôm nay đã tạm nghỉ đập phá các tập đoàn để [kiếm] hàng triệu [dollar] và đang tự mua những biệt thự cho mình để chia sẻ sự ủng hộ của họ đối với chế độ Cộng sản ở Cuba,” vị thượng nghị sĩ Florida này nói trên mạng xã hội.

Trong một bài diễn văn trên truyền hình hôm 14/07, lãnh đạo Cuba Díaz-Canel đã thừa nhận rằng những thiếu sót của chính phủ trong việc xử lý tình trạng thiếu hụt và các vấn đề khác [cũng] đóng một vai trò trong các cuộc biểu tình, đồng thời kêu gọi người dân Cuba không hành động với thái độ thù hận.

Trước tuyên bố nói trên của ông, chế độ Cuba chỉ đổ lỗi cho mạng xã hội và chính phủ Hoa Kỳ về các cuộc biểu tình, vốn là những cuộc biểu tình lớn nhất ở Cuba kể từ một phần tư thế kỷ trở lại đây.

Tuyên bố của BLM—được đăng vào khoảng cùng thời điểm khi ông Díaz-Canel nhận xét về cuộc nổi dậy—đã nhanh chóng bị đưa ra tranh cãi trực tuyến [bởi người dùng Internet], bao gồm cả chính những người theo dõi của nhóm này, nhằm kêu gọi họ gỡ bài đăng xuống.

Một người viết, “tuyên bố rất đáng thất vọng và thiếu hiểu biết.” Một người khác cho hay quan điểm của BLM về tình hình của Cuba là “một sự xuyên tạc khủng khiếp về những gì đang diễn ra.”

Người dân biểu tình trước Tòa nhà Quốc hội ở Havana hôm 11/07/2021 (Ảnh: Ramon Espinosa/AP Photo)

Trong ghi chú, BLM cũng ca ngợi chế độ cộng sản vì đã “thể hiện tình đoàn kết trong lịch sử với các dân tộc gốc Phi bị áp bức” và “bảo vệ các nhà cách mạng người Mỹ gốc Phi Châu” như bà Assata Shakur, còn được gọi là JoAnne Chesimard, một cựu thành viên của Black Liberation Army (Giải Phóng Quân người Mỹ gốc Phi Châu), kẻ đã trốn tù vào năm 1979 khi đang thụ án chung thân vì tội sát hại một người lính của tiểu bang New Jersey theo kiểu hành quyết. Bà này đã được cựu lãnh đạo Cuba Fidel Castro cho phép tị nạn. Bà ta vẫn là một trong Những Kẻ Khủng Bố bị Truy Nã Gắt Gao Nhất của FBI.

BLM, được biết đến với việc tổ chức các cuộc biểu tình chống lại sự tàn bạo của cảnh sát ở Hoa Kỳ, đã không đề cập đến những lời kêu gọi về “quyền tự do” chống lại một chế độ áp bức và các báo cáo phổ biến về sự tàn bạo của cảnh sát của người dân Cuba, làm dấy lên tranh cãi.

“Đáng khinh! Bất chấp việc chế độ độc tài Cuba sát hại và đánh đập những người biểu tình (nhiều người trong số họ là người gốc Phi Châu), tuyên bố của BLM về Cuba… lên án Hoa Kỳ, ca ngợi chế độ Castro và không đề cập đến những hành động tàn bạo do chế độ độc tài này gây ra,” ông Giancarlo Sopo, một chiến lược gia truyền thông từng làm việc trong chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Donald Trump, cho biết.

Do Lorenz Duchamps của NTD News thực hiện
Thiện Lan biên dịch
Quý vị tham khảo
bản gốc từ The Epoch Times

https://etviet.com/black-lives-matter-do-loi-cac-cuoc-bieu-tinh-chet-nguoi-o-cuba-len-chinh-phu-hoa-ky-bao-ve-che-do-cong-san_225033.html

Pháp mở cửa cho du khách đã tiêm ngừa, hạn chế những người khác

Reuters – Pháp sẽ tăng cường các hạn chế đối với du khách chưa được tiêm ngừa từ một loạt quốc gia để chống lại một đợt gia tăng các ca COVID-19, trong khi mở cửa chào đón những người đã tiêm đầy đủ vaccine, Thủ tướng Jean Castex cho biết ngày thứ Bảy.

Bước đi này được loan báo trong bối cảnh Pháp đang đối mặt với một đợt gia tăng nhanh chóng các ca nhiễm virus corona mới và Tổng thống Emmanuel Macron cố gắng thuyết phục người dân Pháp chấp nhận tiêm vaccine mà ông nói là cách duy nhất để ngăn chặn virus và đưa đất nước trở lại bình thường.

TƯ LIỆU: Một người đeo khẩu trang bước đi trên quảng trường Trocadero gần Tháp Eiffel ở Paris, Pháp, ngày 22 tháng 1, 2021.
TƯ LIỆU: Một người đeo khẩu trang bước đi trên quảng trường Trocadero gần Tháp Eiffel ở Paris, Pháp, ngày 22 tháng 1, 2021.

Kể từ Chủ nhật ngày 18 tháng 7, những người không tiêm ngừa đến từ Vương quốc Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, đảo Síp, Hà Lan và Hy Lạp sẽ phải xuất trình xét nghiệm COVID-19 có thời hạn dưới 24 giờ trước khi đi du hành để nhập cảnh Pháp.

Hiện tại các xét nghiệm có thể có thời hạn 48 giờ đối với du khách từ Vương quốc Anh và 72 giờ đối với các quốc gia khác được liệt kê.

Thông báo của ông Castex được đưa ra sau quyết định của Anh vào thứ Sáu giữ nguyên các quy định cách ly đối với du khách từ Pháp, lẽ ra sẽ được nới lỏng vào ngày thứ Hai.

Những du khách đã được tiêm ngừa đầy đủ từ bất cứ quốc gia nào sẽ có thể vào Pháp mà không cần xét nghiệm từ ngày thứ Bảy, ông Castex nói trong một phát biểu.

“Bởi vì vaccine hữu hiệu với virus, và đặc biệt là biến thể Delta của nó, những ràng buộc áp đặt lên những du khách đã được tiêm chủng đầy đủ với một loại vaccine được Cơ quan Dược phẩm Châu Âu công nhận (Pfizer, Moderna, AstraZeneca hoặc Janssen) sẽ được dỡ bỏ từ ngày thứ Bảy này, 17 tháng 7, không phân biệt quốc gia xuất xứ,” ông nói.

Những người du hành từ Tunisia, Mozambique, Cuba và Indonesia cũng cần giải trình họ tới Pháp làm gì, chứng minh họ đã xét nghiệm âm tính với COVID-19 trước khi khởi hành và sau đó cách ly trong 10 ngày sau khi đến. Họ nằm trong “danh sách đỏ” các quốc gia vốn đang chịu các quy định tương tự.

Sau khi giảm từ hơn 42.000 ca mỗi ngày vào giữa tháng 4 xuống dưới 2.000 ca mỗi ngày vào cuối tháng 6, số ca nhiễm mới trung bình ở Pháp đã tăng nhanh trở lại, hiện ở mức gần 11.000 ca mỗi ngày.

https://www.voatiengviet.com/a/phap-mo-cua-cho-du-khach-da-tiem-ngua-han-che-nhung-nguoi-khac/5969415.html

Mỹ trừng phạt thêm 7 quan chức Trung Quốc vì đàn áp dân chủ Hồng Kông

Ảnh minh họa: Văn Phòng Liên Lạc Trung Quốc ở Hồng Kông ngày 01/06/2020. Ngày 16/07/2021, Mỹ loan báo lệnh trừng phạt nhắm vào toàn bộ 7 phó giám đốc cơ quan đại diện của Bắc Kinh tại Hồng Kông.
Ảnh minh họa: Văn Phòng Liên Lạc Trung Quốc ở Hồng Kông ngày 01/06/2020. Ngày 16/07/2021, Mỹ loan báo lệnh trừng phạt nhắm vào toàn bộ 7 phó giám đốc cơ quan đại diện của Bắc Kinh tại Hồng Kông. AP – Vincent Yu

Hoa Kỳ hôm 16/07/2021 đã áp đặt trừng phạt lên bảy quan chức Trung Quốc do Bắc Kinh đàn áp phong trào dân chủ tại Hồng Kông. Đây là nỗ lực mới nhất của Washington nhằm buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về sự xói mòn Nhà nước pháp quyền tại đặc khu, và tất nhiên là phía Trung Quốc đã phản đối.

Trừng phạt của bộ Tài Chính Hoa Kỳ nhắm vào bảy quan chức Trung Quốc là phó giám đốc Văn phòng liên lạc ở Hồng Kông, gồm Trần Đông (Chen Dong), Hà Tĩnh (He Jing), Lư Tân Ninh (Lu Xinning), Cừu Hồng (Qiu Hong), Đàm Thiết Ngưu (Tan Tienui), Dương Kiến Bình (Yang Jianping), và Doãn Tông Hoa (Yin Zonghua).

Reuters dẫn lời ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, theo đó trong những năm qua, các quan chức Trung Quốc đã « phá hoại một cách có hệ thống » các định chế dân chủ Hồng Kông, trì hoãn các cuộc bầu cử, cách chức các dân biểu được bầu, bắt giam hàng ngàn người bất đồng chính kiến. Ông Blinken tuyên bố, do Bắc Kinh kìm hãm khát vọng dân chủ của Hồng Kông nên Washington phải hành động, và đây là thông điệp cho thấy Hoa Kỳ kiên quyết đứng về phía người dân Hồng Kông.

Bộ Tài Chính cùng với các bộ Ngoại Giao, Thương Mại, Nội An trong một thông cáo khác đã nhấn mạnh mối quan ngại của chính phủ Hoa Kỳ về tác động của luật an ninh áp đặt trên Hồng Kông, đối với các công ty quốc tế. Họ có nguy cơ bị giám sát mà không cần có sự cho phép của tòa án, và phải giao nộp các dữ liệu khách hàng cho chính quyền.

Phía Mỹ cũng cảnh báo các cá nhân và doanh nghiệp nên lưu ý đến hậu quả nếu giao dịch với các đối tượng bị trừng phạt. Trước đó Hoa Kỳ đã trừng phạt một số quan chức cao cấp trong đó có trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam).

Tổng thống Joe Biden trong cuộc họp báo hôm thứ Năm 15/07 tố cáo Trung Quốc đã phá vỡ những cam kết khi Hồng Kông được trao trả năm 1997, theo đó đặc khu có quyền tự trị rộng rãi. Từ sau luật an ninh, những người đấu tranh dân chủ bị quy tội nổi dậy, ly khai, khủng bố, thông đồng với thế lực nước ngoài, nhiều nhà hoạt động đã bị tống giam, nhật báo Apple Daily bị bức tử sau 26 năm đồng hành với người dân.

Tối qua người phát ngôn của Văn phòng ủy viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc tại Hồng Kông nói rằng lệnh trừng phạt mới của Mỹ là «hết sức thô bạo», «vô cùng phi lý».

Reuters cho biết thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman đang chuẩn bị chuyến công du châu Á tuần tới, sẽ đi thăm Nhật Bản, Hàn Quốc và Mông Cổ, nhưng không đến Trung Quốc. Một viên chức ngoại giao Mỹ nói rằng Washington còn đang thảo luận với Bắc Kinh về khả năng bà Sherman thăm Trung Quốc.

Mỹ sẵn sàng đối thoại với Trung Quốc?

Một quan chức cao cấp của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ hôm 16/07/2021 cho biết Washington để ngỏ khả năng đối thoại ở cấp cao nhất với Trung Quốc. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh thứ trưởng Ngoại Giao, bà Wendy Sherman chuẩn bị một vòng công du châu Á.

Kể từ Chủ Nhật 18/07/2021 bà Sherman bắt đầu chuyến công tác ba nước châu Á, gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Mông Cổ. Trái với mọi đồn đoán, Washington cho biết Trung Quốc không nằm trong chương trình nghị sự của bà Wendy Sherman. Tuy nhiên một quan chức của bộ Ngoại Giao Mỹ được hãng tin AFP trích dẫn ghi nhận Washington « đã nghiên cứu và tiếp tục thăm dò những cơ hội để trao đổi với phía Trung Quốc ở cấp cao nhất, vì lợi ích của nước Mỹ ».

Theo các nhà quan sát ít có khả năng Mỹ và Trung Quốc nhanh chóng nối lại đối thoại trong bối cảnh hôm 16/07/2021 chính quyền Biden cảnh báo nhiều tập đoàn Mỹ về «rủi ro ngày càng lớn» tại Hồng Kông. Nhà Trắng giải thích những rủi ro đó bắt nguồn từ việc Bắc Kinh siết chặt các biện pháp kiểm duyệt và các quyền tự do cơ bản của Hồng Kông. Trước đó, hôm 15/07/2021 Thượng Viện Mỹ biểu quyết dự luật cấm vận tất cả những sản phẩm xuất xứ từ Tân Cương. Đây là hành động nhằm lên án chính quyền Bắc Kinh cưỡng bức lao động người Duy Ngô Nhĩ tại vùng tự trị này.

Thụy My

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210717-m%E1%BB%B9-tr%E1%BB%ABng-ph%E1%BA%A1t-th%C3%AAm-7-quan-ch%E1%BB%A9c-trung-qu%E1%BB%91c-v%C3%AC-%C4%91%C3%A0n-%C3%A1p-d%C3%A2n-ch%E1%BB%A7-h%E1%BB%93ng-k%C3%B4ng

(AFP) – Bắc Kinh «mạnh mẽ lên án» vụ nổ một chiếc xe ca tại khu vực tây bắc Pakistan. Vụ nổ hôm 14/07/2021 làm 12 người chết trong đó có 9 công dân Trung Quốc. Bắc Kinh gọi đây là một vụ « khủng bố ». Trên chiếc xe bị nạn có khoảng 40 hành khách, tất cả làm việc cho một tập đoàn Trung Quốc trong dự án xây dựng đập thủy điện Dasu, tỉnh Khuber Pakhtunkhwa.

(AFP) – Lãnh đạo APEC cam kết hợp tác sản xuất vac-xin chống Covid-19. Sau cuộc họp bất thường qua cầu truyền hình hôm 16/07/2021, lãnh đạo 21 thành viên Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á Thái Bình Dương tuyên bố đẩy mạnh hợp tác trong các khâu sản xuất và phân phối vac-xin. Theo giới quan sát, các bên tránh nêu ra những con số cụ thể, cho dù chủ tịch Tập Cận Bình hứa hẹn một khoản viện trợ 3 tỷ đô la cho các nước nghèo đối mặt với đại dịch Covid-19 và Bắc Kinh cho biết đã cung cấp cho các nước chậm phát triển 500 triệu liều vac-xin. Đây cũng là khối lượng mà Mỹ đã cung cấp cho các nước nghèo trên thế giới. Tổng thống Biden nhấn mạnh đây là một khoản viện trợ không hoàn lại.

(AFP – Sự cố ngoại giao giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Seoul hôm 17/07/2021 triệu đại sứ Nhật lên để khiển trách về những lời lẽ kém ngoại giao của một quan chức trong tòa đại sứ Nhật liên quan đến tổng thống Moon Jae In. Đài truyền hình tư nhân Hàn Quốc JTCB cho biết đại sứ Nhật tại Seoul nhìn nhận một trong những cộng tác viên thân cận của ông là Hirohisa Soma đã có lời lẽ khiếm nhã châm biếm tổng thống Hàn Quốc và chỉ trích đề nghị của Seoul họp thượng đỉnh Nhật Hàn bên lề Thế Vận Hội Tokyo mở ra vào cuối tuần tới. Seoul và Tokyo vốn đã có hiềm khích về quá khứ lịch sử và cùng tranh chấp chủ quyền biển đảo. Nhưng Nhật Bản và Hàn Quốc cùng là đồng minh của Mỹ và lệ thuộc vào lẫn nhau về mặt kinh tế.

(CNN) – Đối phó Trung Quốc, Mỹ điều ít nhất 25 F-22 tập trận ở Thái Bình Dương. Không Quân Hoa Kỳ hôm 16/07/2021 dự tính đưa khoảng 25 phi cơ tiêm kích tàng hình F-22 Raptor đến tập trận tại Thái Bình Dương trong tháng Bảy, nhằm gởi một thông điệp mạnh mẽ đến Trung Quốc. Tướng Ken Wilsbach, chỉ huy lực lượng Không Quân Mỹ ở Thái Bình Dương cho biết chưa bao giờ điều cùng lúc nhiều chiếc Raptor như vậy đến khu vực này. F-22 là chiến đấu cơ thế hệ thứ năm hiện đại nhất thế giới, có thể tránh được radar. CNN dẫn lời chuyên gia Carl Schuster ở Hawai nhận định Không Quân Mỹ muốn chứng tỏ Hoa Kỳ có thể triển khai đồng thời nhiều chiến đấu cơ thế hệ thứ năm hơn là số lượng Trung Quốc đang sở hữu (được ước tính từ 20 đến 40 chiếc).Publicité

(AFP) – Hoa Kỳ cảnh báo đại dịch Covid tấn công người không tiêm chủng. Cơ quan y tế Mỹ hôm 16/07/2021 khẩn thiết kêu gọi chích ngừa Covid-19, nhấn mạnh rằng đại dịch lại gia tăng tại những vùng có ít người được tiêm chủng, và « chúng ta bắt đầu chứng kiến một đại dịch đối với những người không chích ngừa ». Dịch Covid gia tăng do biến chủng Delta hiện chiếm đến 80% các ca dương tính mới. Trong bảy ngày qua, tại Mỹ đã có 2.790 người phải nhập viện (tăng 36%) và 211 tử vong (tăng 26%), trong đó hầu hết bệnh nhân là những người chưa hề tiêm chủng.

(AFP) – Trung Quốc: Trao đổi e-yuan đạt trên 5 tỉ đô la. Theo Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc hôm qua 16/07/2021, thử nghiệm về đồng nhân dân tệ kỹ thuật số đã « hầu như kết thúc », mốc 5 tỉ đô la trao đổi đã vượt qua. Bắc Kinh đã có dự tính từ năm 2014, tuy nhiên chỉ mới tăng tốc trong vài tháng gần đây. Ngân hàng Trung Quốc hiện chưa có lịch trình chính thức phát hành, nhưng đồng nhân dân tệ ảo sẽ được trình làng vào đầu năm 2022 nhân Thế Vận Hội mùa đông ở Bắc Kinh. Cho đến nay, chỉ mới có quần đảo Bahamas là chính thức có đồng tiền kỹ thuật số quốc gia.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210717-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

Tin TG 17/7: Indonesia bên bờ vực thảm họa; WHO đề nghị Trung Quốc cung cấp dữ liệu thô nguồn gốc COVID-19

Ảnh tổng hợp.

Indonesia bên bờ vực thảm họa

Straitstimes – Biến chủng Delta đang đẩy Indonesia đến gần bờ vực thảm họa hơn khi số ca nhiễm và số ca tử vong vì virus corona liên tục lập kỷ lục.

Bộ Y tế Indonesia ngày 16/7 báo cáo thêm 1.205 ca tử vong vì COVID-19. Đây là số ca tử vong trong ngày cao nhất từ trước đến nay ở Indonesia.

Ngoài ra nước này cũng ghi nhận thêm 54.000 ca nhiễm mới. Với con số này, Indonesia vượt Brazil trở thành quốc gia có số ca nhiễm trong ngày cao nhất thế giới. Hiện nước này đã có tổng cộng hơn 2,78 triệu ca nhiễm, trong đó 71.397 người đã tử vong.

Indonesia hiện đang chật vật đối phó với làn sóng COVID-19 nghiêm trọng chưa từng có, nguyên nhân được cho là do sự xuất hiện của biến chủng Delta dễ lây lan hơn và một phần do các lễ hội tập trung đông người. 

Ông Yaqut Cholil Qoumas, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề tôn giáo Indonesia, cho biết chính phủ nước này sẽ cấm các lễ cầu nguyện tụ tập đông người vào dịp lễ Idul Adha vào đầu tuần tới ở tất cả các khu vực nằm trong “vùng đỏ” và “vùng cam”.

Số ca nhiễm tăng nhanh khiến các bệnh viện ở Indonesia quá tải, nhiều bệnh nhân tử vong tại nhà vì không thể nhập viện điều trị. Theo số liệu của tổ chức Lapor, ít nhất 625 bệnh nhân COVID-19, chủ yếu ở Java, đã chết ngoài bệnh viện kể từ tháng 6 đến nay, trong đó chủ yếu là người tự cách ly tại nhà.

Ngoài ra, tình trạng quá tải bệnh nhân, khiến các bệnh viện thiếu trầm trọng nguồn cung ôxy y tế. Để khắc phục tình trạng này, chính phủ Indonesia đã yêu cầu tăng năng suất ngành sản xuất ôxy nội địa, đồng thời tăng cường tìm kiếm các nguồn nhập khẩu từ nhiều nơi trên thế giới.

WHO đề nghị cung cấp dữ liệu thô nguồn gốc COVID-19, Trung Quốc đáp trả

Channel News Asia – Trung Quốc ngày 16/7 đã lên tiếng đáp trả đề nghị của WHO về việc cung cấp dữ liệu thô nguồn gốc COVID-19.

Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết: “Phía Trung Quốc nắm được kế hoạch của Tổng giám đốc WHO Tedros, Trung Quốc đang xem xét vấn đề này. Truy tìm nguồn gốc là một vấn đề khoa học. Tất cả các bên nên tôn trọng ý kiến của các nhà khoa học và tránh chính trị hóa”.

Bình luận trên được đưa ra sau khi Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 15/7 nói với các phóng viên rằng một trong những thách thức chính trong giai đoạn đầu của cuộc điều tra là “dữ liệu thô không được chia sẻ”, đồng thời kêu gọi Trung Quốc “minh bạch, cởi mở và hợp tác” trong giai đoạn thứ hai của cuộc điều tra.

Tuy nhiên, ông Triệu cho biết: “Trung Quốc đã cho nhóm chuyên gia (do WHO dẫn đầu) xem dữ liệu thô cần xem xét. Các chuyên gia cũng nhiều lần tuyên bố rõ ràng rằng họ đã tiếp cận được một lượng lớn dữ liệu và thông tin. Họ cũng thừa hiểu rằng một số thông tin liên quan đến quyền riêng tư cá nhân không thể sao chép hay đem ra khỏi Trung Quốc”.

Ông Triệu cũng bác bỏ nhận định của ông Tedros cho rằng đang có “sự thúc đẩy quá sớm” để loại bỏ giả thuyết virus gây ra đại dịch COVID-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Ông Triệu trích dẫn báo cáo hồi tháng 3 của nhóm chuyên gia do WHO nói rằng, các nhà điều tra đã đồng tình quan điểm giả thuyết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm là “rất khó xảy ra”.

Hiện một số nước trong đó có Mỹ vẫn để ngỏ nghi vấn virus corona mới thoát ra từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Bắc Kinh bác bỏ nghi vấn này và phản đối mở rộng điều tra ở Trung Quốc, đồng thời kêu gọi chuyển hướng điều tra sang những nơi khác trên thế giới.

Hôm 15/7, Tổng giám đốc WHO, ông Tedros nhấn mạnh cần phải điều tra thêm trước khi có thể loại trừ hoàn toàn các giả thuyết.

Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc kêu gọi chính phủ Cuba trả tự do cho người biểu tình

Aljazeera – Cao ủy nhân quyền Liên Hợp Quốc Michelle Bachelet ngày 16/7 đã kêu gọi chính quyền Cuba trả tự do cho những người dân và một số nhà báo bị bắt trong cuộc biểu tình vừa qua.

Người dân Cuba đã xuống đường biểu tình từ Chủ nhật tuần trước để phản đối tình trạng thiếu hàng hóa cơ bản, hạn chế quyền tự do dân sự và việc chính phủ xử lý đại dịch COVID-19. Ít nhất một người đã thiệt mạng và 100 người đã bị bắt kể từ khi các cuộc biểu tình lớn bắt đầu vào Chủ nhật.

Trong một tuyên bố hôm thứ Sáu, bà Bachelet nói rằng: “Điều đặc biệt đáng lo ngại là những người này bao gồm cả các cá nhân bị cáo buộc có hành vi phạm pháp hiện không rõ tung tích. Tất cả những người bị giam giữ vì thực hiện quyền của họ phải được trả tự do ngay lập tức”.

Bà Bachelet cũng lên án việc nhân viên an ninh sử dụng vũ lực quá mức, kêu gọi “một cuộc điều tra độc lập, minh bạch, hiệu quả” về người biểu tình đã thiệt mạng, yêu cầu những bên liên quan phải chịu trách nhiệm.

Bà còn kêu gọi các nhà chức trách Cuba bảo đảm Internet được khôi phục hoàn toàn sau khi Internet bị cắt trong vài ngày đầu tuần này.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ có thể thăm Trung Quốc bàn về vấn đề Triều Tiên

Reuters – Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Sáu cho biết, Mỹ sẽ phải làm việc với Trung Quốc để đạt được tiến bộ đối với Triều Tiên.

Thông tin này được đưa ra trước chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman tới khu vực châu Á. Bà Sherman sẽ thăm Nhật Bản, Hàn Quốc và Mông Cổ vào tuần tới, bà có thể thêm Trung Quốc vào hành trình để làm việc về vấn đề Triều Tiên

Washington muốn làm việc với Trung Quốc về một số lĩnh vực có lợi ích chồng chéo, bất chấp mối quan hệ căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới về các vấn đề bao gồm thương mại và nhân quyền.

Washington muốn kiềm chế chương trình hạt nhân của Triều Tiên, nhưng những nỗ lực thiết lập liên lạc ngoại giao kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức hồi đầu năm đã không nhận được phản hồi.

Quan chức cấp cao cho biết “chắc chắn rằng bất kỳ con đường nào để tiến tới” với Triều Tiên, sẽ cần đến sự giúp đỡ của Trung Quốc, cũng như các đồng minh khu vực của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản.

Vị quan chức nói: “CHDCND Triều Tiên là một khu vực mà chúng tôi có thể làm việc với (Trung Quốc) vì không thể đưa ra giải pháp (nếu không có họ)”. Vị quan chức  giải thích rằng Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Triều Tiên. 

Các nghị sĩ Anh bỏ phiếu kêu gọi chính phủ tẩy chay Olympic Bắc Kinh

Nikkei – Các nghị sĩ Anh hôm thứ Năm đã bỏ phiếu ủng hộ một động thái kêu gọi chính phủ tẩy chay ngoại giao Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh vào năm 2022 trừ khi những cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương được chấm dứt và chính quyền Trung Quốc phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với các công dân và thực thể của Vương quốc Anh.

Mặc dù các động thái này không có tính ràng buộc pháp lý, nhưng các hành động thể hiện mối quan tâm ngày càng tăng của các nhà lập pháp ở phương Tây đối với cáo buộc vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh ở Tân Cương và cuộc đàn áp ở Hồng Kông. Hành động này này diễn ra sau một động thái tương tự của nghị viện châu Âu vào tuần trước.

Cuộc tranh luận ở Vương quốc Anh do ông Tim Loughton, một thành viên đảng Bảo thủ của quốc hội dẫn đầu. Ông Loughton là một trong số các nhà lập pháp Anh bị Bắc Kinh trừng phạt vào tháng Ba.

Sau cuộc tranh luận, ông cho biết: “Anh và các quốc gia dân chủ trên toàn thế giới phải gửi một thông điệp rõ ràng tới Bắc Kinh: chúng tôi sẽ không làm ngơ trước những vụ lạm dụng ở khu vực có người Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng và Hồng Kông”.

Đảng Lao động đối lập cũng đã yêu cầu tẩy chay Thế vận hội trừ khi các nhà điều tra của Liên hợp quốc được phép vào Tân Cương. Ủy ban liên đảng gồm các nhà lập pháp chuyên xem xét chính sách đối ngoại cũng khuyến nghị các chức sắc tẩy chay, cũng như không khuyến khích các doanh nghiệp Anh tài trợ hoặc quảng cáo tại Thế vận hội.

Vũ Dương

https://www.dkn.tv/the-gioi/tin-tg-trua-17-7-indonesia-ben-bo-vuc-tham-hoa-who-de-nghi-trung-quoc-cung-cap-du-lieu-tho-nguon-goc-covid-19.html