Tin Khắp Nơi – 16/5/21
- Sau khi Thủ tướng… truyền… lệnh tấn công… COVID-19
- Tào lao hơn cả… ‘tào lao’!
- Vụ khủng bố ký giả Lương Trân: nỗi sợ hãi của ĐCSTQ trước sự phục hưng của tinh thần sĩ phu
- Nhà máy hạt nhân Chernobyl có thể phát nổ lần nữa
- Các nhà khoa học NASA trồng thành công rau sạch trong không gian
Sau khi Thủ tướng… truyền… lệnh tấn công… COVID-19
14/05/2021 – Thiên Hạ Luận
Tuy tân Thủ tướng Việt Nam – ông Phạm Minh Chính… truyền… lệnh… tấn công COVID-19 từ cuối tuần trước nhưng tuần này, công chúng vẫn còn rôm rả luận bàn về việc: Chúng ta phải có cách tiếp cận mới, tư tưởng, quan điểm chỉ đạo mới, chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công, song phải hài hòa giữa phòng ngự và tấn công, bảo đảm hiệu quả cao nhất (1)…
Sau khi ông Chính phát lệnh vừa đề cập, có những facebooker như Lê Đình Thắng thử phác họa về phương thức thực thi như thế này…
- Truyền, tấn công COVID, tấn!
- Dà, phải tấn. Tấn *** nó luôn á chớ. Mà… tấn sao a?
- Ai béc. Việc của chú là phải tấn nó.
- Tấn chớ tấn chớ. Tấn *** nó a. Để về sai tụi nhỏ nó tấn. Phải tấn, bằng mọi giá. Dù có đốt cháy dãy…
- Ờ. Tấn!
- Dạ. Tấn!
Đó, sợ chưa, thằng COVID (2)!
Hoặc có những facebooker như Nhật Minh thắc mắc: Liệu chính phủ đã tự hỏi: Chúng ta có đủ khả năng test kết quả nhiễm virus cho toàn dân và đã đủ năng lực nhập cũng như sản xuất vaccine cho ít nhất 70% dân số để có thể chuyển trạng thái chống dịch từ phòng ngự sang tấn công? Giống như nhiều người, facebooker này tin rằng: Bây giờ, cách tốt nhất vẫn phải là phòng ngự chặt. Phải tăng thêm nhiều “K” khác nữa. Không còn là 5K (Khẩu trang. Khử khuẩn. Khoảng cách. Không tập trung. Khai báo y tế) mà phải là 7K. Trong đó 5K cho người dân và 2K cho chính phủ, thêm Khu cách ly và Khóa/Kiểm soát chặt biên giới (3)…
Và có những facebooker như Nguyễn Thông bỏ công phân tích sâu hơn về những “lời vàng ngọc của thủ tướng”: Từ hôm ổng lập ngôn tới nay, chỉ thấy báo chí khen khen khen, chứ chưa ai dám chỉ ra điều cần chê. Báo chí truyền thông quốc doanh mậu dịch đương nhiên phải bốc lên rồi, không bàn làm gì nhưng ngay cả những người tử tế, kiến thức không đến nỗi nào, cũng cứ im lìm như đêm trừ tịch. Có nhẽ do ngại đụng chạm tới quan chức, nhất đây lại là thủ tướng. Tránh voi chả xấu mặt nào, tâm lý an phận thường an ủi con người ta như vậy. Không ai lên tiếng thì không có nghĩa không có ai…
Ông Chính vốn con nhà võ, từng ngồi ghế Thứ trưởng Công an thì cách nói đanh thép, máu lửa, võ biền vậy cũng chẳng lạ gì. Ngay cả nhiều ông bà gốc quan văn, cứ mở mồm ra là nháo nhào những chiến dịch, ra quân, xung kích, công phá, thế lực thù địch, đấu tranh không khoan nhượng, ai thắng ai, một mất một còn… Tư duy chiến tranh không biết còn ám ảnh vào bộ não những nhà cai trị xứ này đến bao giờ. Chịu, chả biết được. Đến hòa bình mà họ còn sợ, bằng chứng là luôn kêu gọi chống “diễn biến hòa bình” thì chiến tranh ngấm vào tế bào rồi, khó chữa lắm.
Ông Chính “dạy” chống dịch lúc này phải chuyển từ thế phòng ngự sang chủ động tấn công. Tôi dám chắc ổng không hiểu “phòng ngự” và “tấn công” là gì, mặc dù ổng xuất thân quan võ. Tôi chỉ cào vài điều cho ông ấy và đám báo chí mậu dịch thông tỏ.
“Phòng ngự” và “tấn công” đều là những từ gốc Hán Việt. Phòng nghĩa là con đê, bờ đê, bờ chắn, là sự giữ gìn, ngừa trước. Phòng chống lụt bão tức là chuẩn bị sẵn vật chất và tinh thần để đối phó với bão, gió, lụt lội, ngay cả khi nó chưa đến. Phòng bệnh là ngừa trước bệnh tật. Phòng kẻ gian là khi kẻ gian chưa ra tay thì mình phải khóa khoáy cửa nẻo cẩn thận, đừng để mất bò mới lo làm chuồng. Phòng thân là có cách giữ gìn thân thể mình, chẳng hạn cô gái đừng đi chơi quá khuya nơi vắng vẻ với bạn trai mới quen. “Ngự” là ở vị trí sẵn sàng chống lại, địch lại. Ngự địch là chờ địch kéo tới thì đánh lại. Chế ngự là ngăn ngừa ai đó, bắt phải theo. Ngự hàn là ngăn cái lạnh buốt của thời tiết… Phòng ngự nghĩa là ngăn ngừa và sẵn sàng chống lại, đánh trả. Thời đánh Pháp, gần như ai cũng thuộc lòng bài “Ba giai đoạn”, rằng cuộc kháng chiến của ta có ba giai đoạn: Phòng ngự, Cầm cự, Tổng phản công. Bài này về sau tôi tìm hiểu thì mới biết do thày Tàu dạy. Nó cứ muốn kéo dài cuộc chiến tranh bằng hai giai đoạn phòng ngự và cầm cự để thằng em dại chịu sự khống chế của nó, vừa tiêu hao sinh lực em, vừa làm mệt bọn Pháp, nó vừa có thời gian yên ổn xây dựng đất nước. Nói chung, chơi với Tàu, chỉ có đi từ thiệt tới thiệt, chứ không phải từ thắng lợi này tới thắng lợi khác. Lạ là biết tỏng thế rồi mà vẫn cứ chơi thắm thiết.
Phòng ngự là biện pháp có thể áp dụng đối với cả kẻ thù hữu hình hoặc vô hình, với bọn xâm lược, với đám người bằng xương bằng thịt, cũng như với những thế lực vô hình như dịch bệnh, với con virus mắt thường không nhìn thấy lan truyền qua không khí. Khác với tấn công, chỉ có thể tấn công kẻ thù cụ thể, chứ xưa nay chả ai tấn công được kẻ thù vô hình, như dịch bệnh, bao giờ…
Trong số cả ngàn người bày tỏ sự tán thành nhận định của Nguyễn Thông, có người như OK Lah bình thêm: Khổ, nói chỉ để mà nói, chả nhẽ không có chỉ đạo gì mà chỉ đạo không lẽ vẫn như Thủ tướng cũ. Phải nghĩ ra cái gì nó khác người một tí, tỏ ra nguy hiểm một tí cho nó oai! Có người như Nguyễn Quang Triều tin rằng tấn công theo lệnh Thủ tướng là… tấn công bằng… niềm tin!
Tuy nhiên cũng có những người như Nguyệt Hoa, huỵch toẹt: Toàn là hậu duệ của Vệ quốc Đoàn ôm bom ba càng và anh hùng cưa bom thời chống Mỹ nên nổ hơi bị nhiều! Hoặc thẳng tưng như Anh Mai Ngọc: Căn bệnh dốt hay nói chữ đã có từ thời mới tuyên ngôn rồi, càng ngày càng nặng! Hay cảm thán như Gia Thien Loc Tran: Hèn chi nhiều người gọi các vị lãnh đạo CSVN là đỉnh cao trí… tệ, quả không sai chút nào!
Bên cạnh đó, cũng có những facebooker nói… đỡ cho tân Thủ tướng như Nguyễn Đức Long: Chắc bác nói quá lên chút để xuống tới binh sĩ thất thoát là vừa! Hoặc giả định về cách thức thi hành lệnh tấn công dịch COVID-19 như Võ Thị Nữ: Đem hóa chất phun khắp không gian. bề mặt của nước Việt là tấn công được virus! Hay như Tuan Le Anh: Virus không thể nhìn thấy bằng mắt thường nên ý Thủ tướng là ai dính virus thì bắn bỏ như kiểu Bắc Triều Tiên ấy!
Khác với Tuan Le Anh, Nguyen Nhat nêu giả định về một giải pháp độc đáo hơn: Phát cho cán bộ từ cấp phường trở lên mỗi ông một cái búa, nếu đảng viên thì phát thêm cái liềm để họ ra đứng tại các ngả đường đập loạn xạ tấn công bọn COVID-19. Khi nào hết dịch ta thu quân về báo công với Thủ tướng!
Dựa trên lệnh chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công, có những facebooker như Nghệ Thanh phỏng đoán: Có khả năng vào mùa bão lụt năm nay, Thủ tướng sẽ chỉ đạo… tấn công bão lụt! Lan Molah nhắc: Phải “hài hoà giữa tấn công và phòng ngự” nữa. Ha Nguyen-Manh thì rất vui bởi: Giờ đã hiểu nghĩa của hai từ…CHÉM GIÓ!
Chú thích
(1) https://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Chuyen-trang-thai-phong-chong-dich-tu-phong-ngu-sang-chu-dong-tan-cong/430291.vgp
(2) https://www.facebook.com/dthangtt/posts/4561246867224715
(3) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=480859673032379&id=100033250510565
(4) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=953359778831415&id=100024722048900
16×9 Image
Thiên Hạ Luận
Tự kể điều mình biết, tự nói điều mình nghĩ với hàng triệu người đã trở thành chuyện đơn giản và bình thường. Khi một người nói, nhiều người có thể cùng nghe, bất kể người nói là ai, làm gì, ở đâu thì vai trò, vị trí của cá nhân trong tương tác với xã hội đã khác trước và chắc chắn sẽ càng ngày càng khác.
Đó cũng là lý do để dù muốn hay không, hệ thống truyền thông chính thống phải tự thay đổi. Ban Việt ngữ VOA cũng thấy phải tự thay đổi…
Trước mặt bạn là “Thiên hạ luận” – chuyên mục mới của Ban Việt ngữ VOA. Tuy nhiên đây chỉ là bước đầu tiên – tập hợp thông tin, ý kiến của nhiều người sử dụng mạng xã hội bằng Việt ngữ về những sự kiện, vấn đề đang được nhiều người quan tâm và có thể là mọi người nên biết, nên bàn thêm – của một tiến trình.
Liệu “Thiên hạ luận” có thể trở thành nơi mà độc giả chủ động đóng góp mọi thứ (thông tin, ý kiến, hình ảnh) về những sự kiện, vấn đề mà theo họ, mọi người cần biết, cần bàn hay không sẽ do các bạn quyết định.
Các bài viết của Thiên Hạ Luận là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.
Tào lao hơn cả… ‘tào lao’!
13/05/2021 – Trân Văn
Ông Nguyễn Xuân Phúc nói: “…nếu dân chủ tào lao, không có kỷ cương phép nước thì đất nước sẽ loạn.”
Trước nay, diện mạo và sắc thái của dân chủ ở Việt Nam vốn luôn rất khác với thiên hạ. Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam vẫn lý giải, nguyên do nằm ở chỗ dân chủ ở Việt Nam là… dân chủ xã hội chủ nghĩa (XHCN).
Chưa rõ tại sao ông Nguyễn Xuân Phúc, tân Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam miệt thị diện mạo, sắc thái dân chủ không phải… dân chủ XHXN là… dân chủ tào lao nhưng ông và đảng của ông vẫn đeo đuổi, tận tình tán tỉnh… lũ… “tào lao” ấy?
Ở Hội nghị tiếp xúc cử tri Đơn vị bầu cử số 10 của TP.HCM (bao gồm hai huyện Hóc Môn và Củ Chi), trong vai Ứng cử viên Đại biểu Quốc hội tại đơn vị bầu cử này, ông Phúc tuyên bố: Chúng ta mà mất dân chủ, đất nước sẽ không còn mạnh. Dân chủ cần được đề cao. Đảng, nhà nước luôn xem trọng những ý kiến đóng góp của nhân dân. Tuy nhiên, nếu “dân chủ tào lao”, không có kỷ cương phép nước thì đất nước sẽ loạn (1).
Dẫu ông Phúc – Thủ tướng và ông Phúc – Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, vẫn là… một người nhưng nhận thức và hành vi lại rất khác, thậm chí mâu thuẫn nhau hết sức gay gắt.
Singapore không có dân chủ XHCN và theo quan điểm của ông Phúc – Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, có thể suy ra Singapore cũng thuộc nhóm… dân chủ tào lao! Vậy thì tại sao thuở còn làm Thủ tướng, ông Phúc lại hâm mộ quốc gia… dân chủ tào lao ấy một cách đặc biệt? Năm 2016, ông Phúc – Thủ tướng từng yêu cầu chính quyền tỉnh Quảng Ninh phải thử nghiệm những mô hình tăng trưởng mới, phải xây dựng Đặc khu Vân Đồn không thua kém… Singapore (2). Năm sau (2017), ông Phúc – Thủ tướng đòi Đà Nẵng phải trở thành thành phố nổi trội hơn những thành phố khác ở Việt Nam để có thể cạnh tranh với… Singapore (3). Đến 2019, ông Phúc – Thủ tướng tiếp tục yêu cầu chính quyền Hải Phòng phải cố gắng để Hải Phòng phát triển như… Singapore (4). Vì sao miệt thị… dân chủ tào lao nhưng lại lấy… “tào lao” làm mẫu mực để phấn đấu?
Không phải chỉ có ông Phúc tỏ ra mâu thuẫn như thế. Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam cũng mâu thuẫn y hệt như vậy. Rất khó lý giải tại sao các cá nhân lãnh đạo những hệ thống này vừa vỗ ngực tự hào vì dân chủ ở Việt Nam cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản (5), lại vừa tha thiết bày tỏ khát vọng… làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với ai (6)?
Năm 2018, tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc, ông Phúc – Thủ tướng khoe với cộng đồng quốc tế rằng Việt Nam đang nỗ lực phấn đấu hơn nữa cho công bằng, bảo vệ tốt môi trường cũng như đảm bảo quyền cho mọi người dân. Giờ, ông Phúc công khai bày tỏ với dân chúng Việt Nam sự khinh bỉ dân chủ tư sản, dân chủ phi XHCN là… dân chủ tào lao. Ông Phúc đã thay đổi, từ khi nào?
Nếu đối chiếu với sự tự hào vốn hết sức nhất quán về chuyện dân chủ của “ta” gấp vạn lần dân chủ tư sản thì sự miệt thị đó chính là… nhận thức chung của lãnh đạo đảng “ta”, quốc hội “ta”, nhà nước “ta”, chính phủ “ta” chứ không chỉ riêng ông Phúc.
Lấn cấn duy nhất là “ta” vừa khinh bỉ nhận thức, nỗ lực bảo vệ, thực thi dân chủ của thiên hạ, xem đó là… “tào lao”, vừa cam kết với thiên hạ sẽ tự chuyển hóa để dân chủ ở “ta” thăng tiến theo… tiêu chuẩn… “tào lao” ấy!
Tháng trước nhiều cơ quan truyền thông chính thức của “ta”, chỉ trích kịch liệt những nơi, những người cho rằng Việt Nam không xứng đáng tham dự Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025 (8).
Nếu đặt những chỉ trích này bên cạnh sự miệt thị… dân chủ tào lao của ông Phúc, chẳng riêng thiên hạ mà đa số nhân dân ta đều hoang mang. Đã xem là… “tào lao” thì vận động ứng cử, kiếm cho bằng được một ghế trong những định chế… “tào lao” ấy làm gì? Đó chẳng phải là làm chuyện… tào lao hơn cả… “tào lao” sao? Khi nhận thức và hành động về… tào lao lộn xộn như vậy thì ai, thứ nào mới đích thực là… tào lao?
Trân Văn
Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Các bài viết của Trân Văn là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.
Vụ khủng bố ký giả Lương Trân: nỗi sợ hãi của ĐCSTQ trước sự phục hưng của tinh thần sĩ phu
Sarah Liang – nữ ký giả bị ĐCSTQ khủng bố thuộc tờ báo The Epoch Times Hong Kong (Ảnh: The Epoch Times)
Vụ khủng bố của ĐCSTQ đối với ký giả Lương Trân và tòa soạn báo The Epoch Times Hong Kong liệu có phải đơn thuần là hành động chống lại tự do báo chí, hay sâu xa đằng sau nó là một câu chuyện còn nghiêm trọng hơn nữa?
Một buổi trưa vắng vẻ, trên vỉa hè một con đường ở Hong Kong, một người đàn ông trung niên dạo bước thong thả sau bữa ăn trưa. Phía vỉa hè bên kia cũng vắng người, chỉ có một người phụ nữ trí thức mảnh dẻ đang bước đi.
Bỗng bên kia đường, một chiếc xe Mercedes-Benz đỗ xịch đến. Cửa xe mở tung, một người đàn ông to lớn lao ra ngoài, tay cầm cây gậy bóng chày. Rồi từ vỉa hè bên này, người đàn ông trung niên nghe thấy tiếng kêu cứu lớn: “Cứu với, tôi bị đánh” của người phụ nữ. Ông nhanh chân chạy sang bên kia đường. Người đàn ông cầm cây gậy bóng chày vội quay trở về chiếc xe hơi và lủi đi mất, chỉ còn lại người phụ nữ với đôi chân sưng vù, bầm tím, ngã trên vỉa hè.
Đó là hiện trường vụ án hành hung nữ phóng viên Lương Trân (Sarah Liang) của The Epoch Times Hong Kong vào trưa ngày 11/5/2021. Người đàn ông trung niên là nhân chứng được gọi là ông Lý đã mô tả lại việc trên. Ông Lý cho biết chiếc xe Mercedes-Benz của hung thủ mang biển số TV3851, ông cũng sẵn sàng ra làm chứng cho sự việc này.
Cuộc tấn công cô Lương là một kế hoạch được chuẩn bị kỹ càng từ trước đó. Cô Lương cho biết, cô đã bị một người đàn ông tới nhà quấy rối vào ngày 24/4. Đến ngày 26/4, cô bị một người đàn ông lạ mặt theo dõi và ông ta bỏ chạy khi cô hỏi liệu ông ta có phải là người của Đại Công Báo. Rồi đến ngày 8/5, đã có một vụ tấn công bằng gậy nhằm vào cô nhưng bất thành. Trước đó, vào ngày 3/5, cô Lương và đại diện các học viên Pháp Luân Công ở Hong Kong đã kháng nghị tại trụ sở chính của tờ Đại Công Báo (Ta Kung Pao) ở Aberdeen. Họ cực lực lên án tờ báo này vì đã xuất bản các bài báo phỉ báng Pháp Luân Công, họ yêu cầu gỡ bỏ các bài báo vu khống trên và xin lỗi công khai.
Đại Công Báo là một kênh truyền thông trực thuộc Văn phòng Liên lạc của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại Hong Kong. Gần đây, tờ báo này đã đăng các bài báo công kích The Epoch Times và môn tu luyện Pháp Luân Công.
Cô Lương nói: “Ta Kung Pao là cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ” và “Hoàn toàn có thể nhìn ra nó (Ta Kung Pao) là tổ chức gián điệp của ĐCSTQ, tất cả phóng viên của tờ báo đó đều là đặc vụ của ĐCSTQ”.
Thực tế thì không chỉ Lương Trân bị tấn công, mà tòa soạn báo The Epoch Times chi nhánh Hong Kong của cô cũng đã bị phá hoại đến lần thứ 5 kể từ khi thành lập vào năm 2004. Trong cuộc tấn công ngày 12/4/2021 nhằm vào nhà in, những kẻ xâm nhập đã đập phá thiết bị bằng búa tạ, đổ các mảnh vỡ bê tông lên máy móc nhạy cảm và lấy cắp một ổ cứng máy tính. Sự việc khiến hoạt động báo chí gián đoạn trong một vài ngày.
Trước đó là một vụ phóng hỏa vào tháng 11/2009.
June Guo, giám đốc của The Epoch Times Hong Kong, nói rằng Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang lợi dụng thế giới ngầm để tấn công tòa soạn.
Các hành động chống lại The Epoch Times là một phần của chiến dịch đe dọa, tấn công bạo lực, bắt giữ bất hợp pháp và bêu xấu do các quan chức ĐCSTQ phát động. Chiến dịch này cũng được thúc đẩy trên các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ nhằm chống lại tự do báo chí ở Hong Kong.
Vì lý do gì Lương Trân và tòa soạn The Epoch Times Hong Kong bị khủng bố?
Kể từ khi được thành lập bởi một nhóm người Mỹ gốc Hoa tại Hoa Kỳ, The Epoch Times luôn tập trung tin tức vạch trần cuộc đàn áp của chính quyền Trung Quốc đối với người dân Trung Quốc và các dân tộc thiểu số, bác bỏ chương trình nghị sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và phơi bày sự xâm nhập của chính quyền Trung Quốc vào Hoa Kỳ.
The Epoch Times Hong Kong là chi nhánh tại Hong Kong của tờ The Epoch Times – một tờ báo do các học viên Pháp Luân Công điều hành. The Epoch Times tự mô tả rằng tờ báo không đại diện cho tiếng nói của phong trào Pháp Luân Công, một phong trào tín ngưỡng bị ĐCSTQ và chính quyền Trung Quốc đàn áp khốc liệt từ năm 1999 đến nay. Tuy vậy, với tôn chỉ đưa tin trung thực và khách quan về tình hình Trung Quốc trong bối cảnh báo chí ở đại lục, thậm chí là cả nhiều tập đoàn truyền thông lớn của thế giới đều bị ĐCSTQ kiểm duyệt, The Epoch Times luôn là mục tiêu phá hoại của ĐCSTQ.
Chi nhánh Hong Kong lại là nơi nằm gần nhất trong sự kiểm soát của ĐCSTQ.
Với riêng Lương Trân, trong hai mươi năm qua, chương trình của cô mang tên “Cherished Words, True Words” (Những lời được trân trọng, những lời nói chân chính) đã thu hút một lượng khán giả trung thành và tôn trọng những thông báo trung thực ấy.
Những cuộc khủng bố phi pháp nhắm vào tòa soạn của The Epoch Times và phóng viên của họ càng chứng tỏ rằng: ĐCSTQ thừa nhận và hết sức sợ hãi trước những tin tức và thông báo trung thực của tờ báo này, và phải sử dụng đến những phương thức côn đồ và bất xứng với một chính quyền để đàn áp sự thật.
Song, các phóng viên của The Epoch Times hình như không phải là những người chịu chùn bước trước đàn áp của ĐCSTQ. Trong khía cạnh là một người tu luyện Pháp Luân Công, họ tuân thủ tôn chỉ “Chân – Thiện – Nhẫn” của môn tu luyện, trong đó “Chân” hàm nghĩa sự phản ánh trung thực. Với tư cách một nhà báo, họ tuân thủ đạo đức nghề nghiệp báo chí, cũng là nói lên sự thật. Và với tư cách một trí thức theo văn hóa truyền thống – giá trị mà pháp môn của họ luôn đề cao – thì vai trò của họ là ghi lại trung thực sự thật lịch sử như những gì giới sĩ phu Trung Hoa xưa vẫn thường làm – điều mà ĐCSTQ cố gắng xóa bỏ hay bôi nhọ – cũng là điều làm nó sợ hãi và căm ghét nhất.
Thôi Trữ giết vua – câu chuyện về tấm gương trung liệt của anh em sử quan Thái Sử Bá và giá trị quan về đạo đức của trí thức xưa
Trong sách Đông Chu Liệt Quốc của tác giả Phùng Mộng Long có chép câu chuyện sau đây. Thời Xuân Thu, đại thần Thôi Trữ nước Tề giết vua của mình là Tề Trang Công. Thôi Trữ truyền cho quan Thái Sử Bá chép sử rằng, cần phải chép là Tề Trang Công bị sốt rét mà chết. Thái sử Bá không nghe, chép vào thẻ rằng:
“Ngày Ất Hợi, tháng Năm, mùa hạ, Thôi Trữ giết vua là Quang”.
Thôi Trữ nổi giận, giết Thái sử Bá. Thái sử Bá có ba người em là Trọng, Thúc, Quý. Trọng thay anh, lại chép như cũ. Thôi Trữ lại giết. Đến Thúc cũng như vậy và lại bị giết. Cuối cùng đến Quý vẫn chép như trước. Thôi Trữ cầm lấy cái thẻ mà bảo Quý rằng:
“Ba anh mày đều chết cả, còn mày không sợ chết à? Nếu mày chịu chép khác đi thì ta tha chết cho”
Quý nói:
“Chép sự thực là chức phận của người làm sử, nếu trái chức phận mà sống thì chẳng thà chết còn hơn! Ngày xưa Triệu Xuyên giết Tần Linh Công, quan thái sử là Đổng Hồ cho rằng Triệu Thuẫn là chính khanh mà không biết trị tội quân giặc, bèn chép rằng: “Triệu Thuẫn giết vua là Di Cao”, thế mà Triệu Thuẫn không lấy làm quái. Thế thì biết chức phận của người làm sử không thể bỏ được! Nếu tôi không chép, trong thiên hạ tất cũng có người khác chép. Tôi không chép cũng không có thể che được sự xấu của quan tướng quốc, mà lại để cho thức giả chê cười, nên tôi liều chết mà chép, xin quan tướng quốc tùy ý định đoạt!”
Thôi Trữ đành từ bỏ ý định, ném trả cái thẻ cho Thái sử Quý chép như cũ. Quý cầm cái thẻ đi ra, sắp đến cửa sử quán lại gặp Nam Sử Thị. Quý hỏi đi đâu, Nam Sử Thị nói:
“Ta nghe nói anh em nhà ngươi đều chết cả, sợ bỏ mất cái việc ngày Ất Hợi, tháng Năm, mùa hạ mới rồi, vậy nên ta cầm thẻ đến để chép”.
Quý đưa cái thẻ mình chép cho Nam Sử Thị xem, lúc ấy Nam Sử Thị mới cáo từ mà về.
Thôi Trữ về sau bị giết cả họ bởi kẻ đồng mưu giết vua với mình là Khánh Phong, nên đành tự vẫn chết.
“Uy vũ bất năng khuất – quyền lực không khuất phục được”: cốt cách của giới sĩ phu trong văn hóa truyền thống
Câu chuyện trên để lại nhiều bài học cho chúng ta suy ngẫm. Trước hết là sự tiết tháo của giới sĩ phu – ngày nay tạm gọi là người trí thức, sau đó là sự báo ứng bất di bất dịch với kẻ thủ ác. Thời đại Xuân Thu, Chiến Quốc có rất nhiều xáo trộn lịch sử, trên vũ đài chính trị cũng có nhiều cảnh kẻ tranh người đoạt. Song, đó là câu chuyện của những cá nhân trong giới quyền quý, còn nền tảng đạo đức của xã hội vẫn tương đối vững vàng, chính tà vẫn phân minh, thiện ác là sáng tỏ. Do vậy người ta chia sẻ và đồng thuận với nhau những nguyên tắc đạo đức làm người và đạo đức nghề nghiệp, đó là lối sống trung thực và cương trực, là tinh thần không bẻ cong ngòi bút trước bất kỳ sức mạnh bạo chính nào.Anh em Thái sử Bá xứng đáng là những trí thức đúng nghĩa, những kẻ đại trượng phu vậy. (Epoch Times)
Như đức Mạnh tử sống trong thời ấy đã từng viết: “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất, thử chi vị đại trượng phu”, tạm hiểu là: “giàu sang mà không hoang dâm, nghèo túng mà không đổi chí, quyền lực cũng không khuất phục được, ai làm được mới xứng là đại trượng phu”.
Anh em Thái Sử Bá xứng đáng là những trí thức đúng nghĩa, là những kẻ đại trượng phu vậy.
“Mèo trắng” hay “mèo đen”, miễn “ngoan” là được
Ngày nay, sau hơn 70 năm ĐCSTQ nắm quyền cai trị Trung Quốc, thông qua tuyên truyền giả dối xuyên tạc và đàn áp tàn bạo, ĐCSTQ đã gần như xóa sạch văn hóa truyền thống trên mảnh đất Thần Châu và thay thế vào đó là một bộ những thứ văn hóa đảng biến dị. Đồng thời ĐCSTQ mang lợi ích vật chất ra làm mồi nhử, khiến con người trở nên tham lam, đắm mình trong dục vọng và sa đọa.
Đặng Tiểu Bình, lãnh tụ ĐCSTQ nổi tiếng với câu nói: “mèo trắng hay mèo đen không phân biệt, miễn là bắt được chuột” – khuyến khích người dân làm giàu và tránh xa chính trị; nhưng đồng thời cũng có tuyên bố rùng rợn cho ngày tắm máu sinh viên ở Thiên An Môn: “Giết 200 nghìn người, giữ gìn ổn định cho 20 năm”… Đó là điển hình của chính sách “cây gậy và củ cà rốt”, nô dịch con người bằng hai chữ “tham” và “sợ”, khiến cho người dân Trung Quốc đánh mất tiết tháo, coi rẻ đạo đức, từ đó ĐCSTQ dễ dàng bẻ gãy sức mạnh tinh thần của thiên hạ Trung Hoa xưa, để dần biến thành một xã hội Trung Quốc như ngày nay.Người trí thức tay không tấc sắt đối diện với binh đoàn sắt thép trong sự kiện Lục Tứ tại quảng trường Thiên An Môn ngày 4/6/1989 (Ảnh ghép bởi The Epoch Times)
Muốn làm được điều ấy, trước hết cần phải loại bỏ, hoặc làm cho hủ hóa những người nắm giữ tinh thần, đạo đức và khí cốt của xã hội – chính là giới sĩ phu hay trí thức theo văn hóa truyền thống.
Thái độ của ĐCSTQ đối với trí thức được thể hiện qua câu nói đầy hằn học của Mao Trạch Đông: “trí thức chỉ là cục phân”; qua những cuộc vận động “chống cánh hữu”, “tam phản”, “tân tam phản”, “ngũ phản”, “chống cánh hữu” hay “Trăm hoa đua nở”, “Đại Cách mạng Văn Hóa”… để đàn áp trí thức; gần đây nhất là qua sự kiện Lục Tứ ngày 4/6/1989 trên quảng trường Thiên An Môn – nấm mồ lớn chôn sinh viên trí thức.
ĐCSTQ đã cho thấy nó sợ hãi người trí thức truyền thống như thế nào và nó đã hăm hở ra sao để đè bẹp khí tiết của sĩ phu. Ngày nay ở Trung Quốc, hầu như không còn tinh thần sĩ phu, đa phần chỉ là những kẻ nắm được chuyên môn và ngoan ngoãn cúi đầu thần phục, hoặc tệ hơn – làm nanh vuốt cho ĐCSTQ để đàn áp nhân dân Trung Quốc, để đổi lại địa vị và lợi ích mà ĐCSTQ cướp của nhân dân và trao cho họ.
Hóa ra, điều ĐCSTQ cần nhất ở người dân Trung Quốc và đặc biệt là giới trí thức, đó là sự vâng lời hay tuân phục vô điều kiện với những đảo điên từ thái cực này sang thái cực khác của nó nhanh như tắc kè hoa biến sắc. Nói cách khác, cái mà ĐCSTQ cần ở giới trí thức, không phải là “mèo trắng” hay “mèo đen” – vì “trắng” hôm nay có thể là “đen” của ngày mai – thế nên phải là “mèo ngoan” với ĐCSTQ, dù là vờ vĩnh nhắm mắt cho xong. Nói cách khác, đó là một dạng của chủ nghĩa “khuyển nho” kiểu Trung Quốc.
Từ những văn nhân trong thời kỳ ĐCSTQ “mới lên ngôi” như Lỗ Tấn, Quách Mạt Nhược, Phùng Hữu Lan… cho đến Hà Tộ Hưu vài chục năm về trước, đến tầng lớp trí thức trẻ ngày nay, bản chất sự việc chưa hề thay đổi.
Những ngày gần đây, xã hội Trung Quốc dậy sóng vì câu chuyện tỷ phú Vương Hưng của tập đoàn Meituan – một trí thức từng học tại đại học Thanh Hoa danh giá – đã mất đến 2,5 tỷ USD vì đã đăng lên mạng xã hội một bài thơ Đường. Thi phẩm có tên Phần Thư Khanh của thi sĩ Chương Kiệt chỉ trích Tần Thủy Hoàng, lên án tội ác diệt trí thức của ông ta dẫn đến triều đại Tần sụp đổ.
Nội dung của nó như sau (bản dịch của Đông A):
Sách vở khói bay, nghiệp đế tan
Quan hà khôn bọc đất Tần hoàng
Hố tro chưa nguội, Sơn Đông loạn
Đốt sách Hạng, Lưu vốn chẳng màng
Thi phẩm khiến giới đầu tư nước này “ngửi” thấy mùi nguy hiểm vì cho rằng nó có tính chất ám chỉ bóng gió xa xôi tới giới lãnh đạo đương thời của ĐCSTQ. Vụ việc khiến họ nhớ tới tấm gương “tày liếp” của tỷ phú Jack Ma mới đây, nên nhiều nhà đầu tư đã vội vã từ bỏ cổ phiếu của Meituan. Sự việc đã khiến cho giá trị cổ phiếu của Meituan sụt 14%, bản thân Vương Hưng mất 2,5 tỷ USD và nằm trong tầm soi chiếu của các cơ quan quản lý, dù sau đó anh này đã rút bài thơ xuống và có lời giải thích ôn hòa.
Pháp Luân Công – nỗi sợ hãi, The Epoch Times – cái gai trong mắt… của ĐCSTQ
Một bài thơ có mối liên tưởng mờ nhạt chỉ như gió thổi cỏ lay đã làm ĐCSTQ cảm thấy “nhột nhạt” đến vậy, nói gì đến những sự thật kinh khiếp mà nó bị phơi bày suốt những năm qua bởi những phóng viên dũng cảm của tờ The Epoch Times. Và điều khiến ĐCSTQ còn lo ngại hơn nữa, đó chính là những người này đang làm sống dậy văn hóa truyền thống của Trung Hoa xưa cùng với tinh thần sĩ phu chân chính. Nó càng lo ngại hơn vì tôn chỉ “Chân – Thiện – Nhẫn” của phong trào Pháp Luân Công, mà The Epoch Times là một bộ phận, chính là hình ảnh tương phản với bản chất “Giả – Ác – Đấu” – con quái vật mà ĐCSTQ nuôi dưỡng cho xã hội Trung Quốc từ hơn 70 năm nay.
Nếu người ta có lòng tham, ĐCSTQ có thể đem quyền lợi, danh vọng, địa vị ra nhử. Nếu họ có nỗi sợ, ĐCSTQ có thể dùng bạo lực trấn áp, dùng tuyên truyền dối trá để bôi nhọ, vu khống. Nhưng nếu họ không tham, không sợ thì lấy gì để khống chế? Nói cách khác, cả “cây gậy” và “củ cà rốt” đều vô tác dụng.
Đó là lý do mà ĐCSTQ sợ hãi những người không ham muốn lợi ích thế tục, chỉ muốn tu dưỡng để làm người tốt và tốt hơn nữa… và trong suốt hơn hai mươi năm nay, nó đã dùng hết tất cả những biện pháp khủng bố tàn ác chưa từng có trong lịch sử nhân loại mà chưa từng đạt được mục đích “xóa sổ Pháp Luân Công trong vòng 3 tháng” như lời “đảng trưởng” Giang Trạch Dân.
Vụ hành hung ký giả Lương Trân và phá hoại tòa soạn của The Epoch Times Hong Kong chỉ là tiếp tục lối ứng xử vừa thô bạo vừa tuyệt vọng đó.
Gió đã đổi chiều
Kể từ cuộc tấn công, The Epoch Times ở Hong Kong đã nhận được sự ủng hộ đông đảo của người dân Hong Kong. Họ đã coi hãng tin là biểu tượng tự do và hy vọng của Hong Kong.
Và đến nay tiếng nói phản đối ĐCSTQ của cộng đồng thế giới cũng càng ngày càng mạnh.
“Cuộc tấn công này có khả năng là một ví dụ nghiêm trọng khác về việc ĐCSTQ sử dụng bạo lực để bịt miệng những người chỉ trích họ và những người tìm cách bắt họ phải chịu trách nhiệm về những vi phạm và áp bức nhân quyền ở Hong Kong”, Hạ nghị sĩ Đảng Cộng Hòa là Greg Steube nói trong một email gửi tới The Epoch Times.Hạ nghị sĩ Greg Steube phát biểu trước Ủy ban Tư pháp Hạ viện trên Đồi Capitol, ở Washington, vào ngày 4 tháng 12 năm 2019. (Hình ảnh Saul Loeb-Pool / Getty)
“Cuộc tấn công hèn nhát này nhằm vào nữ nhà báo Sarah Liang nên càng khiến chúng tôi quyết tâm bảo vệ những quyền tự do như trong Điều 19 của Tuyên ngôn Nhân quyền Toàn cầu,” chính trị gia người Anh là Lord Alton tuyên bố.
Ông Benedict Rogers – giám đốc điều hành và người sáng lập của Hong Kong Watch, là người đồng sáng lập Ủy ban Nhân quyền của Đảng Bảo thủ ở Vương quốc Anh… cũng tuyên bố rằng vụ tấn công là “gây sốc và thái quá”.
“Tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng và yêu cầu đưa kẻ tấn công ra trước ánh sáng của công lý,” ông Rogers viết.
Ủy ban Bảo vệ Nhà báo ngày 11/5 yêu cầu lực lượng cảnh sát Hong Kong tiến hành điều tra nhanh chóng và kỹ lưỡng về vụ tấn công và bắt giữ những kẻ chịu trách nhiệm.
Điều phối viên chương trình Châu Á của CPJ, Steven Butler, tại Washington DC, cho biết: “Cảnh sát Hong Kong không thể cho phép vụ tấn công trơ trẽn và vô luật pháp nhắm vào nhà báo Sarah Liang của The Epoch Times, và phải đảm bảo an toàn cho tất cả các nhà báo làm việc tại Hong Kong”.
Đặc biệt mới đây Hoa Kỳ còn trừng phạt quan chức của ĐCSTQ, một cựu lãnh đạo của phòng 610 vì đóng vai trò trong cuộc bức hại tàn ác với Pháp Luân Công.
Còn The Epoch Times chính thức tuyên bố rằng: “họ sẽ không lùi bước và sẽ tiếp tục đưa tin trung thực để phục vụ cho lợi ích tốt đẹp nhất của Hong Kong”.
The Epoch Times kêu gọi các tổ chức tự do báo chí và nhân quyền, các chính phủ tự do và người dân tự do khắp nơi trên thế giới biểu tình để bảo vệ tự do báo chí ở Hong Kong.
Những anh em “Thái sử Bá” trong The Epoch Times, bằng sự trung thực và kiên định của mình, cuối cùng đã lay động được cảm tình và sự ủng hộ của nhân dân và chính giới nhiều nước.
Một khi nhân loại thức tỉnh, thì chính là lúc kẻ gây tội ác gấp vạn lần Thôi Trữ kia – chính là ĐCSTQ, phải chịu nhận hậu quả kinh khiếp của luật Trời báo ứng.
(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm riêng của tác giả Nguyên Vũ, không nhất thiết là quan điểm của trang mạng NTDVN)
Nhà máy hạt nhân Chernobyl có thể phát nổ lần nữa
Phan Anh• Chủ Nhật, 16/05/2021
Nhà máy hạt nhân Chernobyl có thể phát nổ lần nữa
Hàng tấn nhiên liệu trong tầng hầm của nhà máy hạt nhân Chernobyl đã bắt đầu phản ứng một lần nữa và hiện không có dấu hiệu dừng lại, qua đó làm dấy lên mối lo ngại về một vụ thảm họa hạt nhân tiếp theo có thể xảy ra tại Ukraina.
(Ảnh minh họa: Par Roberts Vicups/Shutterstock)
Các phản ứng hạt nhân đã bắt đầu “âm ỉ” trở lại trong một tầng hầm khó tiếp cận của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Ukraina, theo Live Science.
Các nhà nghiên cứu theo dõi nhà máy, nơi xảy ra thảm họa nổ hạt nhân chết người năm 1986, đã phát hiện ra sự tăng vọt ổn định về số lượng neutron trong một căn phòng dưới lòng đất có tên 305/2. Căn phòng đầy đống đổ nát ẩn chứa một hỗn hợp phóng xạ gồm uranium, zirconium, graphite và cát chảy vào tầng hầm của nhà máy như dung nham, trước khi đông cứng lại thành hình dạng gọi là vật liệu chứa nhiên liệu (FCM).
Mức neutron tăng lên cho thấy những FCM này đang trải qua các phản ứng phân hạch mới, khi neutron tấn công và chia tách hạt nhân của các nguyên tử uranium, từ đó tạo ra năng lượng.
Neil Hyatt, nhà hóa học vật liệu hạt nhân tại Đại học Sheffield (Vương quốc Anh) cho biết trên tạp chí Science rằng: “Chất thải phóng xạ này hiện đang âm ỉ như ‘than hồng trong lò nướng thịt’. Tuy nhiên, những cục than hồng đó có thể bốc cháy hoàn toàn nếu để lâu không bị xáo trộn, qua đó dẫn đến một vụ nổ khác”.
Theo Maxim Saveliev, nhà nghiên cứu cao cấp của Viện Các vấn đề An toàn Năng lượng Hạt nhân (ISPNPP) ở Kiev, Ukraina, vụ nổ tiềm tàng này sẽ không có sức tàn phá khủng khiếp như vụ nổ phá hủy nhà máy Chernobyl diễn ra vào năm 1986, khiến hàng nghìn người thiệt mạng và phun ra một đám mây phóng xạ bao phủ khắp châu Âu. Nếu vật liệu hạt nhân bốc cháy trở lại, vụ nổ sẽ xảy ra phần lớn trong lồng thép và bê tông có tên là Shelter, được các quan chức xây dựng xung quanh lò phản ứng Số 4 (Unit Four reactor) đổ nát của nhà máy 1 năm sau vụ tai nạn.
Tuy nhiên, ngay cả một vụ nổ được kiểm soát cũng sẽ khiến nhiệm vụ lâu dài là loại bỏ các FCM của nhà máy trở nên khó khăn hơn nhiều, Saveliev cho hay. Shelter đã cũ và có thể dễ dàng vỡ vụn do tác động của một vụ nổ, lấp đầy khu vực với các mảnh vỡ nặng và bụi phóng xạ. Bản thân Shelter cũng được bảo vệ trong một cấu trúc thép lớn hơn được hoàn thành vào năm 2018, có tên là New Safe Confinement.
Saveliev cho biết rằng nồng độ neutron trong phòng 305/2 đã tăng đều đặn trong 4 năm, và có thể tiếp tục tăng trong vài năm nữa mà không xảy ra sự cố. Có thể những hạt nhân này sẽ tự biến mất trong thời gian đó. Nhưng nếu mức neutron tiếp tục tăng, thì các nhà khoa học sẽ phải can thiệp.
Tất nhiên, nói thì dễ hơn làm; các nhà quản lý nhà máy vẫn chưa tìm ra cách tiếp cận hàng tấn chất phóng xạ bị chôn vùi bên dưới lớp bê tông dày của căn phòng. Theo ISPNPP, mức độ bức xạ quá cao đối với con người, nhưng các robot chống bức xạ có thể khoan xuyên qua đống đổ nát và lắp đặt các thanh điều khiển hấp thụ neutron vào phòng.
Ukraina hy vọng sẽ trình bày một kế hoạch chi tiết việc loại bỏ các FCM vẫn còn “âm ỉ” ở Chernobyl vào tháng 9/2021, theo Science.
Theo Live Science,
Phan Anh – https://trithucvn.org/khoa-hoc/tin-kh-cn/nha-may-hat-nhan-chernobyl-co-nguy-co-phat-no-lan-nua.html
Các nhà khoa học NASA trồng thành công rau sạch trong không gian
Vũ Phi, •Thứ Tư, 12/05/2021
Các phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế gần đây được ăn các loại rau lá xanh tươi. Một phần lớn là nhờ kỹ sư bay Michael Hopkins trong Đội thám hiểm của NASA.
Ngày 26/3/2021, các phi hành gia NASA và Kỹ sư bay Hopkins của Đội thám hiểm số 64 đã ngửi thấy mùi bắp cải “siêu lùn” đang sinh trưởng trên Trạm Vũ trụ Quốc tế. Những cây này được trồng để nghiên cứu về hệ thống sản xuất rau (Veggie), khám phá nông nghiệp trong không gian, nhằm thực hiện sứ mệnh của các phi hành gia khi bay lên Mặt Trăng hoặc Sao Hỏa trong tương lai. (Ảnh: Trang web chính thức của NASA)
Theo trang web chính thức của NASA, chỉ huy sứ mệnh phi hành đoàn Số 1 của SpaceX đã dẫn đầu 4 thí nghiệm về hệ thống sản xuất rau (Veggie). Sau đợt thu hoạch ngày 13/4, hai thí nghiệm cuối cùng đã hoàn tất và cả hai đều thành công.
VEG-03K và VEG-03L đã thử nghiệm một giống cây trồng không gian mới có tên rau mù tạt “Amara”, và cải bắp “siêu lùn” (Extra Dwarf) được trồng trước đây. Hai loại cây này đã trồng được 64 ngày và là loại rau ăn lá phát triển lâu nhất trên trạm vũ trụ.
Là một phần của thí nghiệm VEG-03K và VEG-03L, cây mù tạt “Amara” và cải bắp “Extra Dwarf” (siêu lùn) đã phát triển trong 64 ngày, đã trở thành những cây có lá xanh tươi lâu nhất trên trạm vũ trụ. (Ảnh: Trang web chính thức của NASA)
Sau khi nói chuyện với ông Matt Romeyn, nhà khoa học của dự án sản xuất cây trồng không gian, kiêm trưởng nhóm khoa học về 4 thí nghiệm thực vật, ông Hopkins đã quyết định sử dụng một cây bút vẽ nhỏ thụ phấn cho hoa của cây. Họ đã thảo luận về các phương án khác nhau, gồm cả việc cho phép hoa tự thụ phấn.
Ông Romeyn cho biết: “Ông ấy chọn phương pháp này để đảm bảo rằng cây sẽ được thụ phấn hoàn toàn. Tôi không ngạc nhiên vì ông ấy vẫn luôn mong muốn được tham gia. Sau khi ông ấy dùng cây bút vẽ nhỏ, chúng tôi đã thấy năng suất của hạt giống khá cao.”
Thí nghiệm này rất quan trọng, bởi cây ăn quả cần được thụ phấn. Nhân viên công tác cũng cần hiểu quá trình thụ phấn hoạt động như thế nào trong điều kiện vi trọng lực, và cuối cùng là trong điều kiện trọng lực thấp. Là một phần của thí nghiệm VEG-04, Trung tâm Vũ trụ Kennedy sẽ gửi hạt ớt lên trạm vũ trụ vào cuối năm nay, và trái cây cũng sẽ sớm được gửi đến Trạm vũ trụ quốc tế.
GMT090_13_07_Michael Hopkins_31 Mar 21_Veg03L Blooms_Polinate
Những hạt ớt này sẽ bay đi với sứ mệnh tiếp tế thương mại thứ 22 của SpaceX và sinh trưởng trong môi trường sống của các loài thực vật tiên tiến. Veggie cũng có kế hoạch tiến hành thử nghiệm VEG-05 với cà chua lùn vào năm tới.
Nhiều lần thu hoạch trong cuộc thí nghiệm mới nhất đã mang lại một vụ bội thu các sản phẩm nông nghiệp do ông Hopkins trồng. Phi hành đoàn đã sử dụng những loại rau này giúp bàn ăn trở nên đa dạng hơn. Ông Hopkins ăn bắp cải như một món phụ, lá của chúng được nhúng trong một túi bánh ngô rỗng. Ông ấy thêm xì dầu và tỏi, sau đó cho vào một lò hâm nóng thức ăn nhỏ khoảng 20 đến 30 phút.
Ông Hopkins giải thích rằng các phi hành gia luôn thích các loại rau mù tạt “Amara” như rau diếp, cùng với một ít thịt gà, nước tương và giấm thơm.
Sau khi nếm thử loại mù tạt “Amara” được trồng trong không gian, ông Hopkins đã viết trong hồ sơ thí nghiệm rằng: “Vị rất ngon, và rất giòn.”
Ông Soichi Noguchi, phi hành gia của Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản, kiêm kỹ sư bay của đội thám hiểm số 64, chụp ảnh với cây bắp cải “siêu lùn” mọc trên Trạm Vũ trụ Quốc tế. (Ảnh: Trang web chính thức của NASA)
Ông Romeyn cho biết: “Với chúng tôi mà nói, nhiệm vụ này đã hoàn tất… Việc liên tục sản xuất cây trồng trên trạm vũ trụ là một minh chứng quan trọng cho những sứ mệnh tương lai bên ngoài quỹ đạo gần của trái đất. Mọi thứ chúng tôi học được trên trạm vũ trụ và mặt trăng, cuối cùng đều sẽ có thể thực hiện trên đường đến sao Hỏa vào một ngày không xa.”
Mặc dù thực phẩm đóng gói sẵn cho các phi hành gia rất đa dạng và bổ dưỡng, nhưng các loại cây trồng tươi lại cung cấp một nguồn bổ sung hấp dẫn. Ông Hopkins nói rằng những cây này đại diện cho sự “kết nối với trái đất”.
Bà Gioia Massa, một nhà khoa học thực vật tại Trường Khoa học Đời sống Kennedy, cho biết: “Thành công của thí nghiệm này đồng nghĩa với việc chúng ta có thể trồng cây mới mà không cần lấy hạt giống từ trái đất. Điều này rất quan trọng với sứ mệnh bay dài hạn lên sao Hỏa và mặt trăng.”
Trương Vũ Phi, Epoch Times