Tin Tổng Hợp – 17/21/21
Đài Loan chặn chuyển giao công nghệ cao cho Trung Quốc
Kể từ đầu năm 2022, Đài Bắc rất có thể cấm các doanh nghiệp bán lại các chi nhánh hay tài sản của mình cho Trung Quốc. Theo Nikkei Asia ngày 15/12/2021, động thái mới nhất này của Đài Loan nhằm ngăn chặn việc rò rỉ các công nghệ nhậy cảm vào Hoa Lục, bao gồm cả các mạch bán dẫn.
Theo giải thích của Ủy Ban Đầu Tư với nhật báo kinh tế Nhật Bản, những quy định mới này, sẽ có hiệu lực «sớm nhất là trước cuối năm hay vào tháng Giêng năm tới». Văn bản này sẽ siết chặt thêm các quy định hiện hành, theo đó các doanh nghiệp Đài Loan kể từ giờ sẽ phải xin phép «nếu những doanh nghiệp này dự trù bán hay chuyển nhượng các tài sản, chi nhánh hay nhà xưởng ở Trung Quốc», cho các doanh nghiệp Trung Quốc, hay những hoạt động có thể dẫn đến «việc chuyển giao công nghệ nhậy cảm».
Theo nhận định của tờ báo kinh tế Nhật Bản, chính quyền Đài Bắc sẽ «triển khai nhiều quy định mới nhằm ngăn chặn các ngành công nghiệp phát tán bí mật thương mại và công nghệ mũi nhọn», bất kể đó là Trung Quốc, Hồng Kông hay Macao, trong một «nỗ lực rộng lớn để cản trở bất kỳ ai làm việc với những doanh nghiệp bên kia eo biển».
Nikkei Asia ghi nhận từ vài năm gần đây, «nhiều doanh nghiệp công nghệ Đài Loan đã bán lại các cơ sở của mình ở Trung Quốc». Đây chính là trường hợp trong lĩnh vực năng lượng Lite-On. Doanh nghiệp này đã bán 51% cổ phần nhà xưởng về ổ cứng ở Suzhou cho tập đoàn Tsinghua Unigroup của Trung Quốc hồi năm 2017, và sau đó đã nhượng hết phần còn lại cho một hãng đầu tư Trung Quốc vào tháng 6/2021.
Thời gian gần đây, căng thẳng giữa Đài Loan và Trung Quốc mỗi lúc gia tăng. Việc Bắc Kinh luôn xem hòn đảo này «như là một phần của lãnh thổ» và không loại trừ khả năng «chiếm lại bằng vũ lực» đang đẩy Đài Loan thực hiện mọi biện pháp để bảo vệ «vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng thế giới về con chip điện tử». Đây là những linh kiện thiết yếu trong phần lớn các sản phẩm điện tử, xe hơi, và trò chơi điện tử. Tình trạng khan hiếm đang gây khó khăn cho việc tái phục hồi nền kinh tế trong những tháng qua.
Minh Anh
EU kêu gọi Việt Nam phóng thích bà Phạm Đoan Trang
Liên minh châu Âu (EU) hôm 16/12 ra thông cáo, kêu gọi Việt Nam phóng thích ký giả tự do Phạm Đoan Trang.
Trong tuyên bố đăng trên trang web của tổ chức này, phát ngôn viên về Quan hệ Đối ngoại và Chính sách An ninh nói: “Liên minh châu Âu kêu gọi trả tự do cho nhà báo và blogger Việt Nam Phạm Đoan Trang, người đã bị kết án chín năm tù tại Tòa án Nhân dân Hà Nội vào ngày 14 tháng 12 với tội danh mơ hồ là ‘tuyên truyền chống nhà nước’”.
Thông cáo cũng nói thêm rằng việc kết án bà Trang “trên cơ sở hoạt động báo chí sâu rộng và ôn hòa nhằm bảo vệ các quyền dân sự và chính trị là [hành động] vi phạm các nghĩa vụ quốc tế về quyền con người của Việt Nam, đặc biệt là Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, mà Việt Nam tham gia kể từ năm 1982”.
Trong tuyên bố được đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti đăng tải lại trên Twitter, phát ngôn viên của EU cũng nêu trường hợp “ba nhà vận động nhân quyền khác cũng đã bị kết án với lý do tương tự”, gồm ông Trịnh Bá Phương, bà Nguyễn Thị Tâm và ông Đỗ Nam Trung.
Người phát ngôn của EU nói thêm rằng “Liên minh Châu Âu mạnh mẽ cam
kết bảo vệ những người bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam và trên toàn thế
giới”.
“Nhiều vụ bắt giữ tùy tiện những người biểu tình ôn hòa và các nhà
báo là điều trái ngược trực tiếp với luật nhân quyền quốc tế. Liên minh
châu Âu kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho tất cả những người
bảo vệ nhân quyền bị bắt giữ tùy tiện và bảo đảm quyền được xét xử công
bằng cho mọi cá nhân. Liên minh Châu Âu sẽ tiếp tục theo dõi tình hình
nhân quyền ở Việt Nam và làm việc với chính quyền nhằm cải thiện tình
hình nhân quyền ở Việt Nam”, người phát ngôn của EU nói, theo thông cáo.
Trước EU, một trong các đối tác thương mại lớn khác của Việt Nam là Hoa Kỳ cũng đã “lên án” việc Việt Nam kết án bà Trang.
Phát ngôn viên Ned Price nói trong thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ
rằng bà Trang “không làm gì ngoài bày tỏ ý kiến một cách ôn hoà” cũng
như “kêu gọi chính phủ Việt Nam phóng thích bà Trang” và “cho phép mọi
người ở Việt Nam tự do bày tỏ quan điểm mà không phải sợ bị trả thù”.
Tới tối ngày 16/12, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu
Hằng chưa có phản ứng về tuyên bố của EU và Mỹ về vụ kết án bà Trang.
Tuy nhiên, hồi tháng Sáu năm nay, phản hồi về phúc trình nhân quyền và dân chủ của EU, trong đó bày tỏ “đặc biệt lo ngại” về các vụ kết án liên quan đến quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam, bà Hằng nói rằng “báo cáo vẫn còn một số nội dung chưa khách quan dựa trên những thông tin không phản ánh đúng thực tế tại Việt Nam” và rằng “tại Việt Nam, không ai bị bắt giữ, xét xử chỉ vì ‘bày tỏ chính kiến’, ‘bảo vệ nhân quyền’”.
“Việt Nam coi trọng quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện với EU. Việt Nam sẵn sàng trao đổi, hợp tác với EU trong vấn đề quyền con người trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thông qua cơ chế đối thoại nhân quyền thường niên và các khuôn khổ trao đổi song phương khác”, bà Hằng nói tại cuộc họp báo hôm 24/6, theo nội dung đăng tải trên trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Quốc hội Mỹ cấm hàng hóa từ Tân Cương vì lo ngại lao động cưỡng bức
Quốc hội Hoa Kỳ vừa thông qua dự luật yêu cầu các công ty phải chứng minh rằng hàng hóa nhập khẩu từ vùng Tân Cương của Trung Quốc không được sản xuất bởi lao động bị cưỡng bức.
Hoa Kỳ cáo buộc Trung Quốc diệt chủng khi đàn áp nhóm thiểu số người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo ở đó – cáo buộc mà Trung Quốc nhiều lần bác bỏ.
Dự luật bị các công ty lớn làm ăn tại khu vực này, bao gồm Coca-Cola, Nike và Apple, phê phán.
Thượng viện Mỹ thông qua dự luật hôm thứ Năm, với hầu hết thành viên bỏ phiếu, chỉ trừ một người.
Đạo
luật Chống Lao động Cưỡng bức với người Uyghur (Uyghur Forced Labor
Prevention Act), hiện đang được chuyển đến bàn của Tổng thống Joe Biden
để được ký thành luật.
Trong
nhiều tháng, Nhà Trắng tránh đưa ra lập trường về dự luật, nhưng đầu
tuần này thư ký báo chí Jen Psaki cho biết ông Biden sẽ ký thông qua.
Hoa Kỳ cáo buộc Trung Quốc sử dụng lao động nô lệ và diệt chủng ở khu vực giàu tài nguyên phía tây của Trung Quốc.
Các tập đoàn Hoa Kỳ và tập đoàn đa quốc gia, vốn đang phải đối mặt với sự thiếu hụt trong vấn đề chuỗi cung ứng, đã vận động hành lang để chống lại dự luật do lo ngại sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ.
“Nhiều công ty đã có những bước đi để làm sạch chuỗi cung ứng của họ. Và thành thật mà nói, họ không nên lo lắng về luật này,” Thượng nghị sỹ Marco Rubio của Florida nói, sau khi dự luật được Thượng viện thông qua.
“Đối với những ai không thực hiện điều đó, họ sẽ không còn có thể tiếp tục khiến người Mỹ – mỗi người trong chúng ta, thành thật mà nói – vô tình trở thành đồng phạm của những hành động tàn bạo, trong chế độ diệt chủng.”
Các nhà lập pháp của cả hai viện đã đạt được đồng thuận trong tuần này về văn bản cuối cùng của dự luật sau khi bản dự thảo trước đó đã được Hạ viện và Thượng viện thông qua.
Biện pháp này cũng loại bỏ sự phong tỏa của Đảng Cộng hòa nhằm tìm cách ngăn cản việc Nicholas Burns trở thành đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc.
Hôm thứ Năm, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố các lệnh trừng phạt đối với hơn 30 công ty công nghệ và viện nghiên cứu của Trung Quốc bị cáo buộc là làm việc hỗ trợ cho quân đội Trung Quốc.
Lệnh mới nhất cấm công ty Mỹ bán hàng hóa cho các công ty và tổ chức bị trừng phạt mà không có giấy phép đặc biệt.
Bộ này cũng cáo buộc Viện Khoa học Quân y Trung Quốc sử dụng công nghệ sinh học “để hỗ trợ các mục đích quân sự cuối cùng của Trung Quốc”, bao gồm “vũ khí điều khiển bằng não”.
Trung Quốc “đang lựa chọn sử dụng những công nghệ này để theo đuổi việc kiểm soát người dân và đàn áp các thành viên của các nhóm thiểu số dân tộc và tôn giáo”, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo nói trong một tuyên bố.
Cũng trong ngày thứ Năm, Bộ Tài chính Hoa Kỳ công bố danh sách đen đầu tư gồm 8 công ty Trung Quốc bị cáo buộc thực hiện giám sát sinh trắc học và theo dõi người Uyghur – bao gồm cả DJI, nhà sản xuất lớn nhất thế giới chuyên về máy bay không người lái cỡ nhỏ, thường được những người chơi nghiệp dư sử dụng.
Trong buổi họp báo hôm thứ Tư, khi được hỏi về khả năng các lệnh trừng phạt mới của Mỹ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Bắc Kinh Triệu Lập Kiên trả lời: “Bằng cách phóng đại khái niệm an ninh quốc gia, một số chính trị gia Hoa Kỳ nhất định đã chính trị hóa và sử dụng các vấn đề khoa học, công nghệ, kinh tế và thương mại như một công cụ dựa trên ý thức hệ.”
“Điều này trái với nguyên tắc kinh tế thị trường và cạnh tranh bình đẳng. Nó sẽ chỉ đe dọa và làm tổn hại đến an ninh của công nghiệp toàn cầu và các chuỗi cung ứng, đồng thời làm xói mòn các quy tắc thương mại quốc tế.”
Các động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và một số quốc gia, chủ yếu là phương Tây.
Anh, Úc, Mỹ và Canada đã thông báo rằng họ sẽ không cử quan chức ngoại giao tới Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022 – dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 2/2022 – để phản đối cáo buộc lạm dụng nhân quyền của Trung Quốc.
Ngày 9/12, tại London, một phiên tòa độc lập mang tên Uyghur Tribunal, do thẩm phán Anh, Geoffrey Nice, chủ trì, đã kết luận Trung Quốc phạm tội diệt chủng chống lại người Uyghur ở Tân Cương.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-59700441
(Bộ Ngoại Giao Pháp) – Pháp lấy làm tiếc về bản án đối với Phạm Đoan Trang. Trong thông cáo ngày 15/12/2021, bộ Ngoại Giao Pháp kêu gọi trả tự do cho bà Phạm Đoan Trang và tái khẳng định Paris luôn đề cao quyền tự do ngôn luận và tự do ý kiến. Những quyền tự do này nằm trong Công ước Quốc tế về Quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam tham gia. Vì vậy, Pháp kêu goi Việt Nam tôn trọng những cam kết quốc tế mà Việt Nam tự nguyện ký kết. Sau phiên xử nhà báo Phạm Đoan Trang, trong hai phiên tòa khác nhau, ba người khác cũng bị kết án vì tội chống phá Nhà nước theo điều 117 : Đỗ Nam Trung 10 tù, Trịnh Bá Phương 10 tù với 5 năm quản chế và Nguyễn Thị Tâm bị 6 năm tù với 3 năm quản chế.
(Nippon/Taiwan News) –
Trung Quốc điều tầu hải cảnh vào vùng biển Nhật Bản và chiến đấu cơ
thâm nhập vùng nhận dang phòng không Đài Loan. Bốn tầu hải cảnh
Trung Quốc đã hoạt động trong vùng biển Nhật Bản, gần quần đảo
Senkaku/Điếu Ngư ngày 17/12/2021 là lần thâm nhập thứ 31 trong năm.
Trước đó một ngày, 4 chiến đấu cơ Trung Quốc, trong đó có chiếc J-16, đã
thâm nhập vùng ADIZ của Đài Loan. Đây là lần thâm nhập thứ 14 chỉ trong
vòng tháng 12.
(NHK) – Các nhà tổ chức Olympic Mùa Đông Bắc Kinh 2022 thận trọng đối với biến thể Omicron. 50
ngày trước lễ khai mạc Olympic 2022, các nhà tổ chức Thế Vận Hội tổ
chức họp báo ngày 16/12/2021 tại Bắc Kinh. Một quan chức phụ trách
truyền thông cho biết việc quản lý virus corona gây bệnh Covid-19 là một
thách thức cho Thế Vận Hội và theo dõi chặt chẽ biến thể Omicron. Các
vận động viên và phái đoàn các nước sẽ sống trong không gian khép kín,
tránh mọi liên lạc với bên ngoài. Trong tuần này, Trung Quốc phát hiện
hai trường hợp nhiễm biến thể này đã được phát hiện ở thành phố Thiên
Tân và Quảng Châu trong tuần này.
(Reuters) – Nga phạt Twitter, Meta (công ty mẹ của Facebook) và Tiktok. Theo
thông báo ngày 16/12/2021 của một tòa án ở Matxcơva, ba mạng xã hội này
bị cáo buộc đã không xóa những nội dung bị chính quyền coi là « bất hợp pháp ». Meta
Platforms bị phạt tổng cộng hơn 13 triệu rúp cho ba hồ sơ khác biệt,
Twitter phải trả 10 triệu rúp trong hai vụ khác nhau và TikTok là 4
triệu rúp.
(Reuters) – Ít nhất 27 người chết trong một vụ hỏa hoạn ở Nhật Bản. Tai
nạn xảy ra ngày 17/12/2021 tại một bệnh viện tâm thần tư nhân ở Osaka,
miền nam Nhật Bản. Cảnh sát vẫn đang điều tra nguyên nhân nhưng nghi ngờ
động cơ tội phạm. Theo nhật báo Yomiuri, một người đàn ông mang một túi
chứa chất lỏng gây cháy có thể là thủ phạm.
(AFP) – Airbus lại ký thêm được hợp đồng lớn. Sau hợp đồng với Qantas, ngày 06/12/2021, Airbus thông báo tập đoàn AirFrance-KLM đặt mua 100 máy bay A320neo với để trang bị cho hãng hàng không KLM và Transavia, công ty giá rẻ của tập đoàn. Đây là một cú cho tập đoàn Mỹ Boeing, cho đến nay vẫn là nhà cung cấp máy bay một hành lang cho các hãng hàng không trên. Tùy theo cách bố trí, máy bay A320neo có thể chứa từ 150 đến 180 hành khách.
(RFI) – Ca sĩ Bruce Springsteen bán bản quyền cho Sony nửa tỉ đô la. Hợp đồng được ký ngày 16/12/2021 của ca sĩ nhạc rock được cho là hợp đồng lớn nhất trong loại hình này, bao gồm hơn 300 bài hát do nhạc sĩ sáng tác cho bản thân và cho những ca sĩ khác. Bản quyền đối với nhiều album, với hơn 120 triệu đĩa đã được bán. HIện tại, cả Bruce Springsteen và hãng đĩa Sony vẫn chưa đưa ra bình luận. Đại dịch Covid-19 đã làm tê liệt các chương trình biểu diễn, là nguồn thu quan trọng nhất của giới nghệ sĩ.
(AFP) – Đại sứ Afghanistan tại Liên Hiệp Quốc rời nhiệm sở. Liên Hiệp Quốc thông báo hôm qua 16/12/2021 đại sứ Afghanistan tại Liên Hiệp Quốc, Ghulam Isaczai, được bổ nhiệm bởi Tổng thống bị lật đổ Ashraf Ghani và đã bị lực lượng Taliban cách chức, đã rời nhiệm sở vào hôm 15/12/2021. Phái đoàn Afghanistan tại Liên Hiệp Quốc từ chối bình luận về vấn đề này.
(Reuters) – Đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran tạm ngưng vài ngày. Liên Hiệp Châu Âu và Iran hôm nay, 17/12/2021, họp lại tại Vienna, Áo, rồi sau đó, tạm ngưng vài ngày trước khi nối lại các cuộc thương lượng, có thể vào ngày 27/12. Phía Iran cho biết đàm phán đã đạt được một số tiến bộ trong thời gian qua. Từ cuối tháng 11 vừa qua, Iran và các cường quốc đã nối lại vòng đàm phán nhằm đưa Iran trở lại thỏa thuận «Kế hoạch hành động toàn diện chung» (JCPOA) được ký vào năm 2015.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211217-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p