Tin Tổng Hợp – 17/11/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 17/11/21

Một năm cầm quyền, Joe Biden đã xóa được «bóng» của Donald Trump?

Ngày 03/11/2021 là tròn đúng một năm Joe Biden đắc cử tổng thống. Nhưng món quà mừng một năm cầm quyền là kết quả thất bại của đảng Dân Chủ trong cuộc bầu cử thống đốc bang Virginia, nơi cách nay một năm, cử tri dồn phiếu cho Joe Biden để đánh bại Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống. Một cú tát như trời giáng. Một lời cảnh báo cho phe Dân Chủ trong cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ năm 2022. Chiếc bóng của Trump vẫn còn đó ?

Christophe Le Boucher, nhà báo và đồng tác giả tập sách « Ảo ảnh bị mất của nước Mỹ phe Dân Chủ », trên đài BFMTV nhắc lại, Joe Biden được bầu chọn dựa trên hai lời hứa : Trở lại với sự bình thường sau những năm lộn xộn của Trump, của đại dịch Covid-19, cái chết của George Floyd và Khôi phục lại vị thế nước Mỹ.

Nhưng sau một năm cầm quyền, những cam kết này của ông dường như vẫn khó được thực hiện. Ở trong nước, tỷ lệ được lòng dân của Joe Biden tụt giảm thê thảm. Có đến 51% số người được hỏi (thăm dò của Politico/Morning Consult), thậm chí là 54% (NBC News hồi tháng 10/2021) cho biết không tán đồng cách điều hành của chủ nhân Nhà Trắng hiện nay.

Những khó khăn của Biden

Kết quả cuộc bầu cử tại bang Virginia, hôm 03/11/2021 là một minh chứng hiển nhiên. Ứng viên đảng Cộng Hòa Glenn Youngkin, 54 tuổi, đã giành thắng lợi trước đại diện đảng Dân Chủ, Terry McAuliffe, 64 tuổi, bất chấp việc đích thân tổng thống Joe Biden, cựu tổng thống Barak Obama và phó tổng thống Kamala Harris đến cổ vũ vận động.

Tổng thống Mỹ biện giải cho thất bại này là do đất nước đang trong một bối cảnh tế nhị : « Người dân tức giận và sống trong nỗi lo bất định. Có nhiều nguyên nhân để giải thích : Covid, giáo dục, thị trường lao động hay như còn có khủng hoảng nhiên liệu nữa

Tuy nhiên, giới phân tích tại Pháp cho rằng thất bại bầu cử ở Virginia ít nhiều phản ảnh những khó khăn mà ông Biden đang trải qua, bắt đầu từ cuộc khủng hoảng di dân lớn chưa từng có hồi tháng 4/2021 để rồi phải đi đến quyết định duy trì hạn ngạch nhập cư do Trump thiết lập, chương trình tiêm ngừa cũng bị một bộ phận người dân phản đối, hay như việc thông qua hai kế hoạch chấn hưng kinh tế…

Gerard Araud, cựu đại sứ Pháp tại ở Mỹ (2014-2019) trên đài truyền hình Arte, cho rằng đó còn là do sự chia rẽ trong nội bộ đảng Dân Chủ, gây khó khăn cho những chương trình cải cách mà Biden muốn thực hiện như cam kết trong cuộc vận động tranh cử.

« Tại một đất nước thật sự đang bị chia rẽ sâu sắc, với một đảng Cộng Hòa vẫn còn chịu sự ảnh hưởng của Donald Trump và luôn từ chối hợp tác với chính quyền hiện hành. Trong một hệ thống tổng thống mà ở đó không có điều gì có thể thực hiện được nếu như cả hai đảng không muốn làm việc chung với nhau.

Rồi người ta còn có một đảng Dân chủ đang bị chia rẽ giữa một bên ôn hòa và bên kia là một cánh tả mỗi lúc một tả, thì ông Biden, một người thuộc cánh trung khó thể nào mà thực thi các chương trình của mình.

Có hai kế hoạch tái khởi động : Một dành cho cơ sở hạ tầng và một chủ yếu để cho các vấn đề xã hội. Từ nhiều tháng qua, ông ấy cố gắng cho thông qua, nhưng đảng Dân Chủ đã không tài nào có được sự đồng thuận giữa hai phe. »

Nỗi thất vọng của cử tri Virginia

Đối với nhà chính trị học Marie-Christine Bonzom, trên tờ HuffingtonPost, cử tri Virginia đã biến cuộc bầu cử này như là một « cuộc trưng cầu dân ý để chống lại chính quyền Biden ». Phải chăng đó là vì có bóng dáng Trump trong cuộc bầu cử ? Giới phân tích tại Pháp tin rằng « Không ». Ông Gérard Olivier, nhà nghiên cứu Viện Triển vọng và An ninh tại châu Âu, trên đài Arte nhắc rằng ứng viên đảng Cộng Hòa, ông Glenn Youngkin, khi tranh cử đã luôn tìm cách tỏ ra giữ khoảng cách với Trump.

« Trên thực tế, lần này, cử tri lắng nghe Youngkin bởi vì ông ấy chỉ nói với họ về cuộc sống thường nhật, về lạm phát, về giá xăng dầu đã tăng gấp đôi trong vòng có 10 tháng, về giáo dục và nhiều chủ đề khác nữa. Chính vì vậy mà họ bỏ phiếu cho Youngkin. Ở đây không chỉ có những cử tri ủng hộ đảng Cộng Hòa, mà còn có rất nhiều người thân đảng Dân Chủ và cử tri độc lập, những người từng bỏ phiếu cho Biden cách nay một năm và nay họ đã bỏ phiếu cho Youngkin. »

Nếu như chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19, lĩnh vực hiếm hoi duy nhất mà Joe Biden vẫn còn được đa số người dân ủng hộ và thể hiện rõ sự khác biệt với người tiền nhiệm trong cách xử lý dịch bệnh, thì bà Charlotte Recoquillon, chuyên gia về Hoa Kỳ, Viện Địa chính trị Pháp, cũng trên đài Arte, nhận thấy rằng Joe Biden đang trả giá cho những hứa hẹn cải cách cho đến giờ vẫn chưa được thực hiện.

« Ở đây còn có việc tổng thống Biden đã không thể nào cho thông qua được các cải cách như ngành cảnh sát, xóa nợ cho sinh viên, nghỉ phép bệnh hay như nghỉ hộ sản và nhất là vấn đề giữ trẻ nhỏ vẫn luôn là câu hỏi lớn.

Đó là những chủ đề tranh cử mà nhờ đó ông ấy đã huy động được cử tri cánh tả, những người cấp tiến, và phe dân chủ xã hội cũng như là phong trào Black Live Matter. Những người này giờ cảm thấy rất thất vọng.

Về cuộc bầu cử giữa kỳ, tôi tin rằng mối tương quan lực lượng đang được tái tổ chức một lần nữa để làm cho ông Biden hiểu rằng nỗi sợ tỏ ra quá cấp tiến có nguy cơ buộc ông trả giá rất đắt ».

Afghanistan: Vết đen khó phai

Còn trên bình diện đối ngoại thì sao? Về điểm này, rõ ràng là có một sự đoạn tuyệt với thời kỳ Donald Trump : Không còn những dòng tweet thô lỗ, không còn chuyện thay đổi quay ngoắt bất thình lình trong đối ngoại, cũng không còn những lời chửi rủa ngoài mong đợi nhắm vào các đồng minh hay xích lại gần với những chính phủ chuyên chế. Thời kỳ của những « bức thư tình » với Kim Jong Un và những lời dọa dẫm cho « Little Rocket Man » đã qua.

Thay vào đó, theo nhận định của ông Jeff Hawkins, cựu đại sứ Mỹ và là nhà nghiên cứu của Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS), nguyên thủ Mỹ tìm cách nối lại với chính sách của Obama, bất kể là trong việc nối lại đàm phán hạt nhân với Iran, hay việc Hoa Kỳ trở lại với Thỏa thuận Paris về khí hậu.

Dù vậy, cựu đại sứ Mỹ cũng nhận thấy đôi khi có một sự tiếp nối đáng kinh ngạc với chính sách đối ngoại của Trump, mà hồ sơ Afghanistan là một ví dụ điển hình. Một quan điểm cũng được cựu đại sứ Pháp ở Mỹ, ông Gerard Araud đồng chia sẻ trên đài Arte.

« Trên thực tế, rõ ràng là có một hình thức tiếp nối từ Obama sang Trump, rồi từ Trump sang Biden. Cả ba nhân vật này đều hiểu rằng người dân Mỹ đã ngán ngẩm với những cuộc can thiệp bên ngoài. Nước Mỹ không còn muốn là hiến binh của thế giới và cả ba vị tổng thống này, mỗi người với một phương pháp riêng, một cách tự nhiên lại đi về cùng một hướng.

Ở Kabul, tôi không bàn về cách thức thực hiện, nhưng rõ ràng là ông Biden đang thực thi một chính sách của Trump, mà chính sách này vốn dĩ đã có từ thời Obama. Vào thời đó, ông Obama đã từng thông báo ý định thoái lui của Hoa Kỳ. »

Chỉ có điều, khi bất chấp những ý kiến của giới tướng lĩnh và các đồng minh trong khối NATO, Biden vẫn duy trì đường hướng của Trump. Cuộc triệt thoái diễn ra trong hỗn loạn ở Kabul và hình ảnh hàng ngàn người Afghanistan tìm cách chạy trốn quân Taliban trong nỗi tuyệt vọng tại sân bay, vô hình chung đã tạo nên một vết đen khó phai và có thể sẽ đeo bám Joe Biden cho đến cuối nhiệm kỳ.

Hồ sơ Afghanistan cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thắng lợi của đảng Cộng Hòa tại bang Virginia. Bởi vì, đây chính là nơi sinh sống của nhiều gia đình quân nhân và trú đóng nhiều căn cứ quân sự Mỹ, theo như lưu ý của nhà chính trị học Marie-Christine Bonzom trên trang mạng HuffingtonPost.

Chống Trung Quốc: Một chính sách tiếp nối với Trump?

Ngoài ra, còn có một điểm khác cũng được hầu hết giới quan sát tại Pháp cùng đồng tình : Giống như dưới thời Donald Trump, cuộc đọ sức Mỹ – Trung vẫn sẽ tiếp diễn, từ Trump, Biden và thậm chí cho đến « 5 đời tổng thống sau đó », như phân tích của ông Gerard Araud. Theo đó, « cuộc đối đầu toàn diện đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ kiến tạo nên các mối quan hệ quốc tế trong những thập niên sắp tới. ».

Trong cuộc đọ sức này, châu Âu sẽ người ngoài cuộc. Vì sao ? Chuyên gia Gerard Olivier đưa ra các giải thích :

« Bởi vì hai cường quốc lớn này đang tranh giành thế bá quyền ở thế kỷ 21. Đương nhiên, châu Âu thoái lui là điều không thể tránh khỏi. Nhìn từ phía Hoa Kỳ, có một sự thất vọng đối với Trung Quốc. Nghĩa là, kế hoạch của Mỹ để Trung Quốc tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới chính là để Trung Quốc mở cửa rộng hơn, và Hoa Kỳ như vậy có thể làm ăn với Trung Quốc nhiều hơn như là họ đã làm với nhiều nước khác. Và quan hệ giao thương sẽ dẫn đến những thay đổi trong quan hệ chính trị.

Thế nhưng, đó không phải là tất cả những gì người ta nhìn thấy ở Trung Quốc. Ngược lại, người ta chỉ thấy chế độ mỗi lúc một cứng rắn hơn, Tập Cận Bình là chủ tịch mãn đời. Rồi còn có các vấn đề về người Duy Ngô Nhĩ, Hồng Kông và giờ là Đài Loan nữa. Và thế là Hoa Kỳ cũng thế, trở nên cứng rắn hơn trước một Trung Quốc ngày một chuyên chế. »

Cuối cùng, nếu như khác với Trump, tổng thống Biden nhấn mạnh nhiều đến tầm quan trọng và sự trường tồn của các mối quan hệ đồng minh, điều đó cũng không ngăn cản được Biden phản bội lại đồng minh lâu đời nhất của Mỹ là nước Pháp, trong vụ hợp đồng của tầu ngầm của Úc và thành lập liên minh quân sự AUKUS, khiến mối quan hệ đồng minh bị sứt mẻ.

Nói một cách khác, mức độ khó đoán khó lường của Joe Biden có lẽ cũng không kém gì Trump. Sự việc dẫn đến một cuộc khủng hoảng ngoại giao chưa từng có và khiến người ta không khỏi tự hỏi : Sau một năm cầm quyền, liệu Biden có đã xóa được dấu vết Donald Trump hay chưa?

11/11/2021 – Minh Anh

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-ti%C3%AAu-%C4%91i%E1%BB%83m/20211111-cam-quyen-joe-biden-donald-trump-hoa-ky

Mỹ – Trung tranh đấu, Biden có bỏ quên nhân quyền ở Việt Nam?

Vietnamese Political Detainees: Pham Doan Trang; Can Thi Theu and her sons Trinh Ba Phuong and Trinh Ba Tu; Dinh Thi Thu Thuy; Pham Chi Dung; Nguyen Tuong Thuy; Le Huu Minh Tuan; Tran Duc Thach
Chụp lại hình ảnh, Các tù nhân chính trị VN (từ trái qua): Phạm Chí Dũng,, Phạm Đoan Trang, Lê Hữu Minh Tuấn, Cấn Thị Thêu, Trần Đức Thạch, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, Đinh Thị Thuy Thủy, Nguyễn Tường Thụy.

Từ khi nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ đầu năm 2021, ông Joe Biden đã nhấn mạnh cam kết bảo vệ nhân quyền trên thế giới, tương tự như giai đoạn tranh cử khi ông đã nói sẽ “chống tham nhũng, bảo vệ trước chủ nghĩa độc đoán, và thúc đẩy nhân quyền”.

Mặt khác, để giải quyết các vấn đề chiến lược lớn hơn với Trung Quốc, chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam, đất nước mà Amnesty International nói “các vụ bắt giữ và truy tố tùy tiện những người bảo vệ nhân quyền tăng lên đáng kể trong năm 2020”.

BBC News Tiếng Việt hỏi một số nhà hoạt động nhân quyền và nhà nghiên cứu để nghe nhận định của họ về chính sách nhân quyền của chính phủ Joe Biden với Việt Nam.

Đối thoại Nhân quyền Hoa Kỳ – Việt Nam lần thứ 25 vừa được tổ chức ngày 9 tháng 11 năm 2021 tại thủ đô Washington.

Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Dân chủ, nhân quyền và lao động Lisa Peterson và Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao kiêm Vụ trưởng Vụ Tổ chức quốc tế Đỗ Hùng Việt dẫn đầu hai đoàn đối thoại phía Hoa Kỳ và Việt Nam.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói: “Đối thoại lần này tập trung vào thảo luận các vấn đề nhân quyền thuộc nhiều chủ đề, bao gồm tự do biểu đạt, tự do tôn giáo và tín ngưỡng, quyền lao động, pháp quyền và cải cách tư pháp, hợp tác đa phương về nhân quyền, và một số vụ việc cụ thể được quan tâm. Đối thoại cũng bàn về nhân quyền của những cá nhân với những hoàn cảnh dễ bị tổn thưởng, chẳng hạn các nhóm người dân tộc thiểu số, người đồng tính, song tính, chuyển giới, liên giới tính hay giới tính không rõ ràng, và người khuyết tật.”

Hoa Kỳ nói: “Cam kết thúc đẩy tôn trọng nhân quyền của Hoa Kỳ là nền tảng của quốc gia chúng tôi và cũng là một trụ cột trong chính sách đối ngoại. Việc thúc đẩy và bảo vệ sự tôn trọng nhân quyền ở Việt Nam tiếp tục là một ưu tiên của chính quyền Biden-Harris và trong mối quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam.”

Việt - Mỹ
Chụp lại hình ảnh, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nâng ly chúc mừng trước khi dùng bữa trưa với Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 07/7/2015 tại Washington

‘Không đủ’

Tuy vậy, nói với BBC News Tiếng Việt, ông Phil Robertson, phó giám đốc Human Rights Watch phụ trách châu Á, cho rằng cuộc họp như vậy là không đủ.

“Nếu chính quyền Joe Biden thực sự muốn cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam, họ cần nâng tầm lên xa hơn cuộc đối thoại này.”

“Các cuộc đàm phán song phương này đã trở nên quá thuận tiện, cho phép các vấn đề về nhân quyền được hoãn lại, dành riêng trong cuộc đối thoại hàng năm thay vì được lồng ghép trong mối quan hệ song phương, và được nêu ra thường xuyên trong quan hệ hàng ngày giữa Washington và Hà Nội,” ông Phil Robertson bình luận.

Từ tổ chức nhân quyền Amnesty International, Carolyn Nash, phụ trách châu Á, bày tỏ ý kiến tương tự.

“Chính phủ Việt Nam đã liên tục đàn áp không ngừng đối với quyền tự do ngôn luận và bất đồng chính kiến. Họ không khoan dung đối với bất kỳ phê bình nào đối với Nhà nước.”

“Hồ sơ vi phạm như vậy cần có tác động để chính phủ Biden nói chuyện với Việt Nam trong tương lai, vượt ra khỏi khuôn khổ đối thoại nhân quyền,” Carolyn Nash nói.

Việt Nam đã nhanh chóng trở thành đối tác quan trọng của Hoa Kỳ trong khoảng 10 năm qua.

Người đi xem bóng đá ở Hà Nội
Chụp lại hình ảnh, Người đi xem bóng đá ở Hà Nội

Đối tác lớn

Mối quan hệ song phương được định hướng bởi Quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ – Việt Nam ký kết năm 2013, và 25 năm quan hệ ngoại giao được kỷ niệm vào năm 2020.

Thương mại song phương đã tăng trưởng từ 451 triệu USD vào năm 1995 lên hơn 90 tỷ USD vào năm 2020.

Hoa Kỳ có nhiều dự án hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực như ứng phó với biến đổi khí hậu, xử lý dioxin, nâng cao chất lượng hệ thống y tế và giáo dục của Việt Nam.

Từ tháng 5 năm 2016, Hoa Kỳ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương đối với Việt Nam và tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về an ninh hàng hải – bao gồm thông qua Sáng kiến An ninh Hàng hải, chương trình Hợp tác Giảm thiểu Đe dọa và quỹ Hỗ trợ tài chính Quân sự Đối ngoại.

Joshua Kurlantzick, nhà nghiên cứu về Đông Nam Á ở Council on Foreign Relations (CFR), Washington, DC, nói với BBC News Tiếng Việt rằng tầm nhìn chiến lược đang là ưu tiên hàng đầu.

“Mặc dù chính quyền Hoa Kỳ, ở một mức độ nào đó, sẽ tập trung vào nhân quyền, nhưng tôi không nghĩ đó sẽ là ưu tiên trong quan hệ với Việt Nam, bởi vì các khía cạnh chiến lược của mối quan hệ Việt – Mỹ ở thời điểm này vượt trội hơn hầu hết các vấn đề khác, bao gồm cả vấn đề nhân quyền.”

Phil Robertson, từ Human Rights Watch, cũng cho rằng căng thẳng Mỹ – Trung có tác động tới cách Hoa Kỳ và Việt Nam giao thiệp.

“Khi quan hệ kiểu chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng xấu đi, Việt Nam đang chơi một trò chơi khôn ngoan bằng cách thu hút tăng cường đảm bảo an ninh từ Mỹ, đồng thời gạt bỏ những chỉ trích của chính phủ Mỹ về nhân quyền.”

“Hoa Kỳ cần khẩn trương hành động để đảo ngược xu hướng này, và cần nói rằng nên có những cải thiện nghiêm túc đối với nhân quyền, dân chủ và quản trị tốt ngay từ bây giờ để giúp cho cả nhà nước Việt Nam và người dân Việt Nam,” ông Phil Robertson cho biết quan điểm.

Hình chụp ở Hà Nội ngày 20/10/2021
Chụp lại hình ảnh, Hình chụp ở Hà Nội ngày 20/10/2021

Tương lai?

Báo cáo nhân quyền Việt Nam 2020, do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố tháng Ba 2021, nói Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là “một nhà nước độc tài do một đảng duy nhất – Đảng Cộng sản Việt Nam – cầm quyền”.

Báo cáo này nói những vấn đề lớn về quyền con người ở Việt Nam bao gồm “việc tước đoạt sinh mạng trái luật hoặc tùy tiện của chính quyền; tra tấn bởi các nhân viên chính phủ; bắt và giam giữ người tùy tiện của chính quyền; tù nhân chính trị; những vấn đề lớn về tính độc lập của tư pháp; sự can thiệp tùy tiện hoặc trái luật vào đời sống riêng tư; hạn chế nghiêm trọng tự do biểu đạt, tự do báo chí, tự do Internet…”

Bộ Ngoại giao Việt Nam khi đó nói: “Việt Nam ghi nhận việc Báo cáo nhân quyền thường niên năm 2020 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã nêu các tiến triển tích cực của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người.

“Tuy nhiên, Báo cáo vẫn đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam.

Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi thẳng thắn, cởi mở và trên tinh thần xây dựng với Hoa Kỳ về những vấn đề còn có sự khác biệt, để tăng cường hiểu biết và đóng góp vào sự phát triển của quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước.”

Mặt khác, một tài liệu đăng trên trang Sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội nói: “Một ưu tiên của Hoa Kỳ là giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của Việt Nam thành một xã hội dân chủ được cai trị tốt hơn với nền kinh tế dựa trên thị trường. Các chương trình trợ giúp của Mỹ sẽ tăng cường tính pháp trị, tư pháp độc lập và thúc đẩy cho xã hội dân sự trở nên sống động hơn.”

Văn bản này nói: “Hoa Kỳ cũng sẽ hỗ trợ xây dựng năng lực cho ngành y tế Việt Nam để có thể ngăn ngừa, chăm sóc và điều trị các bệnh HIV/AIDS, cúm gia cầm và đại dịch cúm. Hoa Kỳ sẽ giúp cải thiện các dịch vụ xã hội cho đối tượng dân số dễ bị tổn thương và phát triển giáo dục đại học. Hoa Kỳ cũng đẩy mạnh hợp tác song phương trong việc khắc phục hậu quả dioxin, giải quyết những khó khăn về biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường khác. Cuối cùng, các chương trình hỗ trợ sẽ tăng cường hợp tác quân sự, an ninh biên giới, hợp tác chống khủng bố và xóa bỏ vật liệu nổ còn sót lại của chiến tranh, chống ma túy và nạn buôn người.”

Giáo sư về quan hệ quốc tế Robert Sutter, từ Elliott School of International Affairs, Đại học George Washington, Hoa Kỳ, nói với BBC News Tiếng Việt rằng nhân quyền vẫn là quan tâm của chính phủ Joe Biden.

“Ông Biden và đảng Dân chủ của ông rất quan tâm đến nhân quyền và dân chủ. Tuy nhiên, ông Biden cũng muốn mối quan hệ với Việt Nam tiến xa hơn vì họ có nhiều điểm chung. Vấn đề nhân quyền là quan trọng đối với chính quyền hiện nay nhưng nó không phải là trở ngại lớn để tăng cường quan hệ với Việt Nam.”

Trong sự nghiệp làm cho chính phủ Hoa Kỳ (1968-2001), ông Sutter từng là giám đốc phân ban Trung Quốc tại Phòng Tình báo và Nghiên cứu, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Theo ông Robert Sutter, nhìn chung, Hoa Kỳ sẽ vẫn cố gắng thúc đẩy các giá trị mà nước này được cho là đại diện.

“Xu hướng ngả về các chính phủ độc đoán trên thế giới, bao gồm cả ở Trung Quốc, là mối quan tâm của đảng Dân chủ. Chính quyền Biden muốn chống lại xu hướng đó. Họ không muốn lật đổ các chính phủ đó nhưng Hoa Kỳ sẽ thúc đẩy các giá trị dân chủ và quản trị tốt hơn.”

Từ tổ chức nhân quyền Amnesty International, Carolyn Nash bày tỏ quan điểm: “Chính phủ lạm dụng công nghệ giám sát, phá bỏ các phương tiện truyền thông độc lập, nhắm vào các nhà hoạt động và bảo vệ nhân quyền – đây là những vũ khí quen thuộc của các chính phủ đàn áp trên thế giới. Nếu Hoa Kỳ không lên tiếng mạnh mẽ và nhất quán về những vụ này ở Việt Nam, thì làm sao chính quyền Biden có thể được coi trọng khi chỉ trích những hành vi tương tự ở Trung Quốc?”

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-59319609

(The Hindu/SCMP) – Thượng nghị sĩ Mỹ: “Trung Quốc tham gia chiến tranh biên giới với Ấn Độ”. Ngày 16/11/2021, phát biểu trước Thượng Viện Mỹ sau chuyến công du New Delhi và Đông Nam Á để tìm hiểu về những thách thức mà các nước trong vùng phải đối mặt, thượng nghị sĩ Cộng Hòa John Cornyn còn cảnh báo rằng Trung Quốc đang đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng trong vùng. Trước đó, quân đội Trung Quốc điều máy bay ném bom chiến lược H-6K đến vùng Himalaya biên giới với Ấn Độ ngày 11/11 nhân kỷ niệm 72 năm thành lập lực lượng không quân. Theo giới phân tích, hành động này còn nhằm cảnh cáo New Delhi về nguy cơ leo thang quân sự trong mùa đông.

(BFM/RFI) – Nhiều cuộc tập hợp dự kiến tại Pháp kỉ niệm 3 năm phong trào Áo Vàng. Tuy nhiên, phong trào bị suy yếu dù « tình hình không thay đổi », thậm chí giá xăng dầu còn tăng hơn, thêm vào đó là khó khăn tài chính do dịch gây ra. Cách đây tròn ba năm, ngày 17/11/2018, nhiều người dân Pháp tập hợp lần đầu tiên tại nhiều địa phương, chủ yếu là ở các vòng xuyến, ngã tư, để phản đối tình trạng xăng dầu tăng giá, sau đó trở thành phong trào lớn trên toàn quốc khiến chính phủ phải hoãn một số cải cách và trợ cấp đặc biệt cho các gia đình khó khăn. Tổng cộng phong trào Áo Vàng đã huy động gần 3 triệu người từ cuối năm 2018 đến đầu 2019.

(AFP) – Nhà báo Danny Fenster về tới Hoa Kỳ. Được tập đoàn quân sự Miến Điện trả tự do ngày 15/11/2021 sau 6 tháng cầm tù, nhà báo Mỹ đã đoàn tụ với gia đình tại New York ngày 16/11. Danny Fenster xuất hiện cùng với nhà cựu ngoại giao Bill Richardson, người vận động để ông được trả tự do. Phát biểu trong buổi họp báo ở sân bay, ông Bill Richardson khẳng định « không làm việc cho chính phủ Mỹ » và « không phải là đặc sứ » của Washington.

(AP) – Lụt ở Canada khiến một người chết và hai người mất tích. Ngày 16/11/2021, các cơ quan chức năng Canada thông báo đã trục vớt được thi thể của một phụ nữ sau những trận đất lở do lượng mưa lớn gây ra ở tỉnh British Columbia, thuộc bờ biển Thái Bình Dương. Cảnh sát cho biết các nhân viên tìm kiếm và cứu hộ đang tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân khác. Publicité

(AFP) – Armenia thông báo ngưng bắn sau một ngày đụng độ với Azerbaidjan. Cuộc xung đột vũ trang giữa Armenia và Azerbaidjan hôm qua 16/11/2021, tại vùng biên giới khu vực Thượng Karabakh không kéo dài. Ngay trong ngày Armenia đã thông báo đạt được thỏa thuận ngừng bắn với phía Azerbaidjan qua «  trung gian » của Nga. Cụ thể bộ trưởng Quốc Phòng Nga Sergueï Choïgou đã gọi điện thoại cho hai bên xung đột. Tuy nhiên, Azerbaidjan cho biết 7 binh sĩ của họ thiệt mạng. Phía Armenia đưa ra con số 1 người thiệt mạng, 24 người mất tích và 13 người bị bắt làm tù binh. Cuộc chiến tranh 44 ngày giữa hai nước hồi 2020 tại Thượng Karabakh đã làm 6500 người thiệt mạng ở cả hai bên.  

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211117-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p