Tin Tổng Hợp – 17/10/21
Đài Loan muốn Mỹ giao sớm 66 chiến đấu cơ F-16V
Chính quyền Đài Bắc dường như đang hối thúc Mỹ giao sớm 66 chiến đấu cơ F-16V. Đài Loan cũng hy vọng có được hơn 100 chiếc tên lửa tầm xa AGM-158 có khả năng bắn đến lãnh thổ Trung Quốc. Quảng cáo
Theo thông tin từ tờ Liberty Times ngày 16/10/2021, được Taiwan News dẫn lại thì nhiều quan chức Đài Loan đã liên hệ với Hoa Kỳ đề nghị bắt đầu cung cấp F-16V ngay từ năm 2022 và nhiều hơn hai chiếc như dự kiến ban đầu.
Đề nghị này được đưa vào lúc các nước Bahrein, Slovakia và Bulgari cũng đặt mua nhiều chiến đấu cơ mới. Tuy nhiên, Đài Bắc hiện đang đối mặt với một mối đe dọa tức thời, nên có nhiều khả năng được nhận chiến đấu cơ sớm hơn.
Ngoài ra, Đài Loan cũng đã khởi động đàm phán với Mỹ về việc mua tên lửa không đối địa AGM-158 (JASSM). Những chiếc tên lửa hành trình này có thể nhắm đến những mục tiêu cách xa 370 km, kể cả những cơ sở quân sự của Trung Quốc trên bờ biển nước này.
Đài Loan cho biết đã chuẩn bị sẵn một ngân sách 30 tỷ đô la Đài Loan (1,07 tỷ đô la Mỹ) để sắm 100 chiếc tên lửa hành trình này.
Năm 2019, Đài Bắc có ký một thỏa thuận mua chiến đấu cơ F-16V. Hoa Kỳ sẽ phải giao hai chiếc đầu tiên vào năm 2023 và đợt giao hàng cuối sẽ kết thúc vào năm 2026.
Tuy nhiên, những cuộc biểu dương sức mạnh gần đây của Trung Quốc, khi cho điều hàng chục chiến đấu cơ đi vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan đã thúc đẩy hòn đảo tự trị này khẩn cấp trang bị thêm những loại vũ khí mới.
Minh Anh
Tin nói giám đốc tình báo Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản sẽ họp bàn về Triều Tiên
17/10/2021 – Các giám đốc tình báo của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản dự kiến sẽ gặp nhau tại Seoul vào đầu tuần sau để họp kín về Triều Tiên, cùng những vấn đề khác, hãng tin Yonhap đưa tin, dẫn một nguồn tin từ chính phủ.
Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ Avril Haines sẽ gặp Park Jie-won, người đứng đầu Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) và Hiroaki Takizawa, Giám đốc tình báo nội các Nhật Bản, Yonhap cho biết, đánh dấu cuộc họp đầu tiên của ba người kể từ tháng 5.
Bản tin cho biết họ dự kiến sẽ tập trung vào các vấn đề xung quanh Triều Tiên.
Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận, Reuters nói.
Chuyên gia Hoa Kỳ cảnh báo: Trung Quốc có thể chiếm Đài Loan để đáp ứng nhu cầu chất bán dẫn
Các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ cảnh báo, lòng khao khát có được các vi mạch dẫn đầu thế giới có thể là động lực khiến Bắc Kinh muốn tiếp quản Đài Loan.
Trên thực tế, quốc gia độc lập Đài Loan là nơi có một số nhà máy bán dẫn lớn nhất và tiên tiến nhất thế giới, bao gồm nhà sản xuất vi mạch theo hợp đồng lớn nhất thế giới, Tập đoàn Sản xuất Bán dẫn Đài Loan (TSMC).
Công ty nghiên cứu IC Insights có trụ sở tại Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố: “Hiện tại, không có cơ sở sản xuất và năng lực vi mạch nào quan trọng hơn Đài Loan”.
“Trung Quốc có một vấn đề lớn, là không có khả năng sản xuất các thiết bị vi mạch tiên tiến hàng đầu cho nhu cầu hệ thống điện tử trong tương lai—một vấn đề mà họ tin rằng có thể được giải quyết thông qua việc thống nhất Đài Loan bằng bất cứ cách nào cần thiết”.
Đầu tháng này, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố sẽ thống nhất Đài Loan với Đại lục vì mục tiêu “bảo tồn chủ quyền”, dù thực tế ĐCSTQ chưa bao giờ kiểm soát được Đài Loan sau cuộc chiến với Quốc Dân đảng.
Các nhà nghiên cứu cho biết, Trung Quốc là nhà nhập cảng vi mạch lớn nhất thế giới, thế nên ĐCSTQ càng thèm khát khả năng sản xuất vi mạch máy tính hàng đầu thế giới của quốc đảo này.
IC Insights cho biết, năm ngoái, Hoa Kỳ đã đặt ra các hạn chế về xuất cảng đối với tập đoàn viễn thông khổng lồ Huawei, và nhà máy sản xuất vi mạch bản địa lớn nhất của Trung Quốc SMIC, “khiến Trung Quốc đặt câu hỏi về việc làm thế nào để có thể cạnh tranh trong các ngành công nghiệp vi mạch và điện tử trong tương lai”.
Theo phát hiện của các nhà nghiên cứu, “Kết hợp lại, Trung Quốc và Đài Loan sẽ nắm giữ khoảng 37% công suất vi mạch toàn cầu, gần gấp ba lần so với Bắc Mỹ”.
Dù là máy giặt, thiết bị điện tử, hay máy bay chiến đấu, hàng triệu sản phẩm ngày nay phụ thuộc vào vi mạch điện tử, còn được gọi là chất bán dẫn, để cung cấp năng lượng cho các thiết bị điện tử. Các vi mạch nhỏ hơn đi kèm với hiệu suất tốt hơn, nhưng đòi hỏi các công nghệ và thiết bị tiên tiến hơn để chế tạo.
Nghiên cứu của IC Insights cho thấy, Đài Loan và Hàn Quốc là hai quốc gia duy nhất có thể sản xuất vi mạch dưới 10 nanomet (nm), tức một phần trăm micromet. Dữ liệu cho thấy, bởi có TSMC dẫn đầu, Đài Loan cho đến nay đang nắm giữ thị phần lớn nhất (63%) về công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới, trong khi Samsung có trụ sở tại Hàn Quốc nắm giữ 37% còn lại.
Tình trạng thiếu vi mạch toàn cầu kéo dài do đại dịch COVID-19 gây ra đã làm nổi bật tầm quan trọng kinh tế và chiến lược của Đài Loan trong sản xuất vi mạch.
Theo báo cáo của IC Insights, các nhà máy sản xuất bán dẫn độc lập chuyên dụng của Đài Loan được dự báo sẽ đại diện cho gần 80% tổng thị trường sản xuất bán dẫn chuyên doanh trên toàn thế giới vào năm 2021.
TSMC gần đây đã công bố kế hoạch hôm 14/10 để mở một nhà máy mới tại Nhật Bản vào năm 2024 để đáp ứng nhu cầu lâu dài đối với vi mạch.
Thanh Hải
(AFP) – Nhật Bản: Tân thủ tướng gởi lễ vật đến đền Yasukuni. Địa điểm này luôn là tâm điểm của nhiều sự chỉ trích vì được xem như là biểu tượng của quá khứ quân sự Nhật Bản. Với tư cách là thủ tướng, ông Fumio Kishida hôm nay, 17/10/2021, đã gởi đến đền cây « makasaki » nhân dịp kỳ lễ được tổ chức hai lần trong năm, mùa xuân và mùa thu. Đền Yasukuni, tọa lạc ngay giữa trung tâm thủ đô Tokyo, tưởng nhớ gần 2,5 triệu binh sĩ Nhật tử trận trong những cuộc xung đột do Nhật Bản tiến hành từ cuối thế kỷ XIX cho đến năm 1945. Nhưng đền thờ cũng là nơi tưởng niệm nhiều sĩ quan cao cấp và nhân vật chính trị Nhật Bản bị Đồng Minh kết án vì tội ác chiến tranh kể từ khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc.
(Reuters) – Tầu chiến Mỹ và Canada đã đi qua eo biển Đài Loan. Quân đội Mỹ ngày 17/10/2021 đã cho biết như trên, vào thời điểm căng thẳng giữa Bắc Kinh và Đài Bắc. Khu trục hạm lớp Arleigh Burke USS Dewey và khinh hạm lớp Halifax của Hải Quân Hoàng Gia Canada, HMCS Winnipeg, đã quá cảnh eo biển Đài Loan trong hai ngày 14-15/10/2021. Quân đội Mỹ khẳng định « hành động đi qua eo biển này của Dewey và Winnipeg thể hiện cam kết của Hoa Kỳ và các đồng minh cũng như là các đối tác về một vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và mở rộng.»
(AFP) – Hạt nhân Iran: Đàm phán sẽ được nối lại ở Bruxelles. Một nghị sĩ Iran hôm nay, 17/10/2021, khẳng định Iran sẽ trở lại bàn đàm phán ở Bruxelles với 5 nước còn ở lại với thỏa thuận hạt nhân 2015. Những cuộc thương lượng này đã được khởi động hồi tháng Tư năm nay ở Vienna, bao gồm Iran, cùng với Pháp, Anh, Nga, Đức và Trung Quốc. Hoa Kỳ, đã rút ra khỏi thỏa thuận này năm 2018, dưới thời tổng thống Donald Trump, tham gia vào cuộc thương lượng Vienna một cách gián tiếp nhằm tìm cách cứu vãn hồ sơ này.
(Reuters) – Thổ Nhĩ Kỳ: Hoa Kỳ đề nghị bán F-16. Theo tuyên bố của tổng thống Recep Tayyip Erdogan hôm nay, 17/10/2021, Hoa Kỳ đã đề nghị bán chiến đấu cơ F-16 cho Ankara, thay thế cho chương trình đầu tư F-35, đã bị rút do việc Thổ Nhĩ Kỳ mua tên lửa S-400 của Nga. Hồi đầu tháng 10/2021, Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị mua 40 chiến đấu cơ F-16 do hãng Lockheed Martin của Mỹ sản xuất, cùng với gần 80 bộ linh kiện để hiện đại hóa đội bay hiện nay. Tuy nhiên, trước khi đáp máy bay đi Tây Phi, tổng thống Erdogan nhắc lại nguyện vọng tiếp tục chương trình mua F-35 và các cuộc thương lượng đang được tiến hành.
(Reuters) – Nga: Kỷ lục ca nhiễm mới Covid-19. Chủ Nhật, 17/10/2021, trong vòng 24 giờ, nước Nga ghi nhận có hơn 34.300 ca nhiễm mới Covid-19. Một kỷ lục kể từ đầu mùa dịch đến nay. Cùng ngày, chính quyền Nga cho biết thêm có 997 ca tử vong giảm nhẹ đôi chút cho với con số 1.002 người thiệt mạng hôm thứ Bảy. Bất chấp dịch bùng phát mạnh, nhưng vì lo lắng cho nền kinh tế, chính quyền Matxcơva không ban hành các biện pháp phong tỏa toàn quốc.
(AFP) – Pháp: Biểu tình chống giấy thông hành dịch tễ vẫn tiếp diễn. Tuy nhiên, làn sóng phản đối có dấu hiệu hụt hơi. Hôm qua, 16/10/2021, trên toàn quốc có khoảng 40 ngàn người xuống đường, ít hơn đến 5 lần so với đợt biểu tình đầu tiên hồi mùa hè năm nay.
(AFP) – Mỹ: Hàng ngàn người nước ngoài không được tham dự Marathon New York. Phần đông số người này là những công dân Liên Hiệp Châu Âu, Anh Quốc, Ấn Độ và Trung Quốc. Những người này sẽ không thể tham gia cuộc đua việt dã huyền thoại « Marathon New York » ngày 07/11/2021, một ngày trước khi Hoa Kỳ chính thức mở cửa khẩu cho du khách nước ngoài, bị đóng cửa từ một năm rưỡi nay.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211017-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p