Tin Tổng Hợp – 17/02/23: Mỹ ‘giải mã’ xác khinh khí cầu TC; Hội nghị an ninh Munich khai mạc; Tin tặc Nga tấn công NATO tăng 300% năm 2022; Bắc Hàn lại đe dọa Nam Hàn
Hội nghị an ninh Munich khai mạc với trọng tâm là Ukraina và căng thẳng Mỹ – Trung
17/02/2023 – Thanh Phương
Chiến tranh Ukraina, kéo dài gần một năm, và căng thẳng Mỹ-Trung là những hồ sơ bao trùm Hội nghị Munich về an ninh, khai mạc hôm nay, 17/02/2023.
Năm nay, hơn 150 đại diện các chính phủ, trong đó có thủ tướng Đức Olaf Scholz và tổng thống Pháp Emmanuel Macron, sẽ tham dự hội nghị thường niên tại thành phố Munich của Đức bàn về các vấn đề an ninh quốc tế. Hội nghị Munich cũng quy tụ lãnh đạo ngành ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, phó tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, cũng như tổng thư ký khối NATO Jens Stoltenberg. Nhưng năm nay không có đại diện nào của Nga được mời đến hội nghị.
Theo hãng tin AFP, tại Munich, các lãnh đạo châu Âu sẽ tái khẳng định cam kết hỗ trợ Ukraina cho đến khi nào vẫn còn cần để đẩy lùi quân xâm lược Nga. Cho tới nay, các nước phương Tây vẫn yểm trợ Kiev bằng việc cung cấp vũ khí và ban hành các trừng phạt để làm suy yếu Nga. Chính quyền Ukraina hiện đang hối thúc các đồng minh cấp tốc viện trợ thêm vũ khí, đạn dược trong bối cảnh Matxcơva dường như đang chuẩn bị mở một cuộc tấn công quy mô lớn trong những ngày tới.
Yếu tố quan trọng nhất hiện nay chính là cung cấp đạn dược. Kể từ đầu cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina, trung bình quân Nga bắn mỗi ngày hơn 20.000 đạn pháo và phía Ukraina trung bình chỉ tiêu thụ gần 5.000 đạn. Nhưng vấn đề là lực lượng của Kiev sử dụng số lượng đạn nhiều hơn khả năng sản xuất của các nước NATO.
Hoa Kỳ đã cấp tốc gia tăng khả năng sản xuất đạn pháo 155 ly lên 90.000/tháng, nhưng cũng chỉ đủ để đáp ứng một phần nhu cầu của quân Ukraina. Pháp thì cũng chỉ sản xuất được vài chục ngàn đạn 155 ly mỗi năm và nay chỉ mới bắt đầu đẩy nhanh sản xuất.
Căng thẳng Mỹ – Trung
Hội nghị Munich năm nay cũng sẽ tập trung thảo luận về căng thẳng đang gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh do vụ khinh khí cầu Trung Quốc xâm phạm không phận Hoa Kỳ và bị bắn hạ. Bắc Kinh vẫn khẳng định đó là một khinh khí cầu sử dụng vào mục đích dân sự, chứ không phải do thám như cáo buộc của Mỹ, đồng thời tố cáo các khinh khí cầu của Mỹ đã nhiều lần bay trên bầu trời Trung Quốc.
Căng thẳng giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới gây khó khăn cho các nước châu Âu, đặc biệt là Pháp và Đức, hiện đang cố thuyết phục Trung Quốc, vẫn là đồng minh thân cận của Nga, gây áp lực lên tổng thống Putin để ông chấm dứt chiến tranh Ukraina.
Mỹ ‘giải mã’ xác khinh khí cầu Trung Quốc
18/02/2023 – Reuters
Hoa Kỳ ngày 17/2 loan báo kết thúc thành công các nỗ lực ngoài khơi South Carolina trục vớt một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bị một máy bay chiến đấu của Hoa Kỳ bắn hạ hôm 4/2, và các nhà điều tra đang bây giờ đang phân tích “ruột” của nó.
Mảnh vỡ cuối cùng của khinh khí cầu Trung Quốc bị phi đạn Sidewinder bắn rơi đang được chuyển đến phòng thí nghiệm của FBI ở Virginia để phân tích, Bộ Tư lệnh Phương Bắc của quân đội Mỹ cho biết trong một tuyên bố.
Phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby nói: “Đó là một lượng đáng kể (vật liệu được thu hồi), bao gồm khoang chứa cũng như một số thiết bị điện tử và quang học, và tất cả những thứ đó hiện đang ở phòng thí nghiệm của FBI ở Quantico”.
Ông Kirby cho biết Hoa Kỳ đã điều nghiên rất nhiều về khinh khí cầu bằng cách quan sát nó khi nó bay qua Hoa Kỳ.
Ông nói trong một cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc: “Chúng tôi tin rằng chúng tôi sẽ tìm hiểu nhiều hơn nữa bằng cách xem xét ruột bên trong nó và xem nó hoạt động như thế nào cũng như khả năng của nó”.
Quân đội Hoa Kỳ cho biết các tàu Hải quân và Tuần Duyên lùng sục trên biển trong gần hai tuần đã rời khỏi khu vực.
“Các vành đai an toàn hàng không và hàng hải đã được dỡ bỏ”, Bộ Tư lệnh Phương Bắc cho biết trong một tuyên bố.
Quân đội Hoa Kỳ cho biết họ tin rằng họ đã thu thập tất cả các cảm biến và thiết bị điện tử ưu tiên của khinh khí cầu Trung Quốc cũng như các phần lớn trong cấu trúc của nó, những yếu tố có thể giúp các quan chức phản gián xác định cách thức Bắc Kinh có thể đã thu thập và truyền thông tin do thám.
Khinh khí cầu của Trung Quốc, mà Bắc Kinh phủ nhận là khí cầu do thám
của chính phủ, đã bay một tuần qua Hoa Kỳ và Canada trước khi bị bắn hạ
ngoài khơi bờ biển Đại Tây Dương theo lệnh của Tổng thống Joe Biden.
Vụ việc đã gây náo động ở Washington và khiến quân đội Hoa Kỳ phải tìm kiếm trên bầu trời các vật thể khác không bị phát hiện trên radar. Bộ Tư lệnh phía Bắc của quân đội đã thực hiện ba vụ bắn hạ “vật thể” không xác định chưa từng có từ ngày 10/2 đến ngày 12/2 tuần trước.
Nhưng chính quyền của Biden vào 17/2 đã tìm cách xoa dịu những kỳ vọng về nỗ lực thu hồi đối với ba vật thể đó, những vật thể này đã rơi xuống địa hình đầy thách thức và trong một trường hợp là vùng nước rất sâu của Hồ Huron.
“Tất cả chúng ta phải chấp nhận khả năng là chúng ta không thể thu hồi chúng,” ông Kirby nói, đồng thời lưu ý rằng sẽ rất khó để xác định những vật thể đó nếu không tìm thấy các mảnh vỡ.
Sự cố khinh khí cầu của Trung Quốc khiến Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony
Blinken hoãn chuyến thăm dự kiến vào đầu tháng này tới Bắc Kinh và làm
căng thẳng thêm mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Washington và Bắc
Kinh.
Chuyến đi của ông Blinken đó sẽ là chuyến đi đầu tiên của một ngoại trưởng Hoa Kỳ tới Trung Quốc sau 5 năm và được cả hai bên coi là cơ hội để ổn định mối quan hệ ngày càng căng thẳng.
Kể từ đó, các quan chức Hoa Kỳ đã xem xét khả năng diễn ra cuộc gặp giữa ông Blinken và nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị bên lề Hội nghị An ninh Munich bắt đầu vào ngày 17/2.
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris, người cũng có mặt tại Munich để
tham dự hội nghị, đã bảo vệ cách xử lý của chính quyền đối với vụ khinh
khí cầu và việc bắn hạ ba vật thể khác.
Bà Harris nói với MSNBC: “Khinh khí cầu của Trung Quốc “cần phải bị bắn hạ vì chúng tôi tin rằng nó được Trung Quốc sử dụng để do thám người dân Mỹ”.
“Chúng tôi sẽ duy trì quan điểm mà chúng tôi có về mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ nên như thế nào,” bà nói.
https://www.voatiengviet.com/a/my-giai-ma-xac-khinh-khi-cau-trung-quoc/6968510.html
Tấn công tin tặc của Nga vào các nước NATO “tăng 300% trong năm 2022”
17/02/2023 – Thanh Phương
Theo một báo cáo của tập đoàn Mỹ Google, được hãng tin AFP trích dẫn hôm qua, 16/02/2023, các vụ tấn công tin tặc của Nga nhắm vào các quốc gia thành viên khối NATO đã tăng 300% trong năm 2022 so với năm 2020.
Báo cáo của công ty an ninh mạng Mandiant, gần đây được Google mua lại, ghi nhận là các cuộc tấn công tin học có sự hỗ trợ của chính phủ Nga đã gia tăng trong năm 2021, trước khi Matxcơva phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina ngày 24/02/2022.
Báo cáo cho biết, năm 2022, số vụ tấn công tin tặc của Nga vào những người sử dụng Internet ở Ukraina đã tăng 250% so với năm 2020. Trong cùng thời gian đó, số vụ tấn công tin tặc nhắm vào các quốc gia thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương đã tăng 300%.
Theo báo cáo của Google, tin tặc thân Matxcơva đã dùng các phần mềm độc hại để gây xáo trộn hoặc làm suy giảm khả năng của Ukraina về quân sự và về hoạt động của chính phủ. Con số các vụ tấn công như vậy trong bốn tháng đầu năm 2022 nhiều hơn tổng số vụ tấn công tin tặc nhắm Ukraina trong 8 năm trước đó.
Các chiến dịch của tin tặc thân Nga không chỉ nhằm ăn cắp dữ liệu, phá hoại, mà còn tham gia vào việc gây tác động lên dư luận, để hỗ trợ các hành động của tập đoàn bán quân sự Wagner và bảo vệ danh tiếng của tập đoàn này. Các tin tặc này còn tấn công vào các cơ sở hạ tầng dân sự để người dân Ukraina mất tin tưởng vào các cơ sở hạ tầng của quốc gia.
Báo cáo của Google nhấn mạnh là tấn công tin tặc sẽ đóng một vai trò trong các cuộc xung đột vũ trang tương lai, để yểm trợ cho các hình thức chiến tranh truyền thống.
Trí thức trong nước âm thầm tưởng niệm 44 năm chiến tranh biên giới Việt – Trung
17/02/2023 – VOA Tiếng Việt
Hôm 17/2, vì không được ra bên ngoài, một số trí thức Việt Nam tổ chức tưởng niệm tại nhà nhân dịp 44 năm ngày diễn ra chiến tranh biên giới phía Bắc chống Trung Quốc, một sự kiện mà họ cho rằng người dân Việt Nam không thể nào quên nhưng lại bị chính quyền “né tránh, lờ đi”. Trong số này một có trường hợp bị an ninh ngăn cản không cho thắp hương ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Trung Quốc phát động chiến tranh ở biên giới phía Bắc Việt Nam ngày 17/2/1979, khi ấy Bắc Kinh xua 60 vạn quân tấn công ào ạt trên 6 tỉnh biên giới của Việt Nam, nói rằng đó là “cuộc phản công tự vệ”.
Đến ngày 18/3/1979, phía Trung Quốc tuyên bố hoàn thành rút quân sau 1 tháng gây chiến. Dù chưa công bố chính thức về thiệt hại trong cuộc chiến này, phía Việt Nam cho biết có đến 30.000 cán bộ, chiến sĩ thương vong; hàng chục ngàn dân thường bị thiệt mạng.
Nhưng cuộc chiến vẫn còn kéo dài dai dẳng 10 năm – mãi đến năm 1989 thì tuyến biên giới các tỉnh phía Bắc mới ngưng tiếng súng.
Dịp này, các trí thức Việt Nam không chỉ gợi nhớ đến “cuộc xâm lược man rợ” của Trung Quốc mà còn nhắc nhở về hiểm họa lâu dài từ nước láng giềng phương bắc.
Từ Hà Nội, nhà văn Phạm Viết Đào, nêu nhận định với VOA hôm 17/2, khi
ông chia sẻ thông tin và cảm nghĩ của mình về cuộc chiến trên mạng xã
hội:
“Sự kiện này trong nhân dân thì người ta rất sục sôi, căm giận vì tội ác mà nhà cầm quyền Trung Quốc gây ra không chỉ trong cuộc chiến tranh này, mà còn gây ra trong suốt quá trình Việt Nam bị lệ thuộc vào Trung Quốc.
“Nhiều hậu họa mà người dân căm giận. Trong những ngày này, đáng lẽ chính quyền phải tìm cách khơi dậy tinh thần dân tộc, đoàn kết lại để bảo vệ đất nước, thì người ta tìm cách lờ đi. Đó là điều đau buồn trong ngày 17/2 này”.
Nhà văn Phạm Viết Đào cho biết thêm: “Đảng và nhà nước thì tìm cách né tránh lờ đi còn dân thì căm giận sục sôi trước tội ác quân xâm lược Trung Quốc gây ra cho đất nước, dân tộc; trước những tài sản đất đai của nhân dân bị Trung Quốc lừa chiếm…”
Từ thành phố Hồ Chí Minh, nhà thơ, nhà báo độc lập Hoàng Thụy Hưng, cho VOA biết vợ chồng ông bị an ninh ngăn cản không cho ra đền tưởng niệm Trần Hưng Đạo ở trung tâm thành phố để đốt hương tưởng niệm chiến sĩ hy sinh trong chiến tranh biên giới.
“Hôm nay theo thói quen, cũng ra đó để dâng hương. Nhà tôi có hai người em ruột hy sinh trong các cuộc chiến đấu như thế.
“Khi ra đến cổng chung cư thì tôi bị các anh an ninh ngăn lại. Các anh cũng lịch sự nói rằng: “Bác thông cảm. Hôm nay bác không đi đâu hết. Cả ngày hôm nay!”
“Tôi ra đó với ý định cũng tốt đẹp thôi, nhưng họ nói “Đây là lệnh chung” với lý do rằng sợ những cuộc tập hợp như vậy trong những ngày này sợ sẽ “có kẻ lợi dụng phá hoại”.
“Vì họ nói như thế nên chúng tôi cũng không làm sao ra được, nên đành phải trở về nhà thắp hương tưởng niệm trong nhà”.
Ông Hưng cho biết thêm rằng khoảng chừng 4-5 năm gần đây, chính quyền thường xuyên ngăn chặn những cuộc tụ tập như thế. Ông dẫn lời nhà chức trách lấy lý do cho rằng những sự kiện này có thể bị “lợi dụng” để làm xấu hình ảnh đất nước.
VOA đã liên lạc Công an Quận 7 và Công an Tp. HCM, nơi ông Hưng cư trú, và đề nghị họ cho ý kiến về việc vợ chồng ông bị ngăn chặn, nhưng chưa được phản hồi.
Hôm 17/2, tạp chí The Diplomat đăng một bài của tác giả Christelle Nguyen, một nhà nghiên cứu ở Đông Nam Á, với tựa “Cuộc chiến biên giới Việt – Trung bị quên lãng có chủ ý như thế nào”, trong đó nhận định rằng Trung Quốc thời gian qua đã tìm cách củng cố quan điểm lấy Trung Quốc làm trung tâm của mình về thế giới, coi các quốc gia nhỏ ở ngoại vi của Trung Quốc, bao gồm cả Việt Nam, là thấp kém hơn và nằm trong quỹ đạo chính đáng trong ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Tác giả nhận định rằng dưới con mắt của chính quyền Việt Nam, việc người dân tưởng niệm cuộc chiến biên giới có thể bất lợi cho Hà Nội, những người đang muốn cải thiện quan hệ với Bắc Kinh vì các lý do kinh tế và các lý do khác. Chính vì vậy, chính quyền Việt Nam chưa bao giờ tổ chức kỷ niệm đánh dấu chiến thắng việc đẩy lùi quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) bằng sự phô trương, không giống như các lễ kỷ niệm mừng chiến thắng trước quân đội Hoa Kỳ và Pháp.
Tác giả nói rằng cuộc chiến này hoàn toàn không được nhắc đến trong sách giáo khoa Trung Quốc đã đành, nhưng trong khi sách giáo khoa cuối năm lớp 12 của Việt Nam thì cũng đề cập rất ít ỏi.
Gần nửa thế kỷ sau, cả hai bên vẫn đàn áp các lễ kỷ niệm chính thức về cuộc chiến đã gây ra cái chết của hàng chục nghìn binh sĩ của cả hai phía. Tác giả viết: “Sự im lặng chính thức về Chiến tranh Trung-Việt bắt nguồn từ nỗ lực của cả hai chính phủ nhằm kiểm soát ký ức tập thể chống lại với nỗ lực của người dân khi họ lý giải những bất công”.
Hôm 17/2, trang VietnamNet có bài viết về chiến tranh biên giới phía Bắc, nói rằng: “Chúng ta gác lại quá khứ, hướng tới tương lai vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển” và đưa ra thông điệp “không phải kích động hận thù”.
(AFP) – Bắc Triều Tiên lại đe dọa Hàn Quốc. Hôm 17/02/2023, Bắc Triều Tiên đã dọa sẽ phản ứng với một sức mạnh “chưa từng có” sau khi có thông báo về các đợt tập trận chung Mỹ-Hàn mới. Hai đồng minh sẽ mở các cuộc thao dượt chung vào tuần tới tại thủ đô Washington. Nhân dịp này, Hoa Kỳ và Hàn Quốc sẽ thảo luận về cách đối phó trong trường hợp Bình Nhưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân. Đối với Bắc Triều Tiên, cuộc tập trận Mỹ-Hàn chính là nhằm chuẩn bị cho chiến tranh.
(Reuters) – Bắc Kinh tuyên bố giành được một “bàn thắng quyết định” trong cuộc chiến chống Covid. Bộ chính trị Trung Quốc trong phiên họp hôm 16/02/2023 khẳng định nhờ những “nỗ lực không ngơi nghỉ và các biện pháp kiểm soát được ban hành từ tháng 12/2022”, hơn 200 triệu người được điều trị chu đáo nên Trung Quốc là quốc gia “có tỷ lệ tử vong vì Covid” thấp nhất trên thế giới. Bắc Kinh đã giành được một “thắng lợi quyết định”. Cũng trong cuộc họp này, bộ chính trị Trung Quốc đưa ra nhiều con số để minh họa cho thành tích nói trên.
(AFP) – Một tỷ phú Trung Quốc mất tích. Cổ phiếu của tập đoàn China Renaissance mất giá 30% trong phiên giao dịch hôm 17/02/2023 trên thị trường Hồng Kông do ông Bao Phàm (Bao Fan), 53 tuổi mất tích từ nhiều ngày qua. Báo chí Bắc Kinh cho biết từ đầu tuần không thể liên lạc được với ông Bao Phàm. Ngân hàng China Renaissance chuyên đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, bảo đảm công việc làm cho 700 nhân viên và có nhiều chi nhánh trên thế giới, trong đó có cơ sở tại Mỹ và Singapore.
(AFP) – Ngày cuối cùng Quốc Hội Pháp thảo luận về dự luật cải tổ hưu bổng. Vào lúc 12 giờ đêm nay 17/02/23 chính thức khép lại các cuộc tranh luận tại Quốc Hội về các điều khoản trong dự luật kéo dài tuổi lao động thêm 2 năm. Bước kế tiếp văn bản này được trình lên Thượng Viện. Từ nay đến nửa đêm, các dân biểu tại Hạ Viện Pháp phải thảo luận trên 3.000 điều khoản sửa đổi trước khi đạt đến điều khoản thứ 7 trong dự luật. Chính điều khoản này quy định nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 hiện nay lên thành 64.
(AFP) – Tổng thống Mỹ tiếp thủ tướng Đức tại Washington đầu tháng 3/2023. Nhà Trắng hôm 16/02/2023 thông báo trọng tâm đối thoại giữa hai nhà lãnh đạo Joe Biden và Olaf Scholz liên quan đến việc “hỗ trợ Kiev đối mặt với cuộc xâm lược Nga đang tiến hành”. Washington và Berlin đồng ý đòi Nga phải trả giá trước hành động nói trên. Mỹ và Đức đồng thời sẽ thảo luận về các phương tiện tăng cường an ninh giữa hai bờ Đại Tây Dương.
(AFP) – Vladimir Putin tố cáo phương Tây can thiệp trực tiếp ngăn cản Gazprom phát triển. Phát biểu qua cầu truyền hình nhân kỷ niệm Gazprom tròn 30 tuổi, tổng thống Nga lên án phương Tây gây trở ngại cho đà phát triển của tập đoàn dầu khí số 1 của Nga. Từ khi chiến tranh Ukraina khai mào, châu Âu và Mỹ cùng với Canada, Nhật Bản, Úc liên tục ban hành các biện pháp cấm vận dầu hỏa của Nga. Châu Âu giảm thiểu lượng nhập khẩu khí đốt của Nga. Doanh thu của Gazprom sụt giảm. Xuất khẩu khí đốt của tập đoàn này cho cả năm 2022 giảm 25%.
(AFP) – Auchan bị tố tham gia nỗ lực chiến tranh của Nga. Nhật báo Pháp Le Monde hôm 17/02/2023 tố cáo tập đoàn siêu thị Auchan, vốn vẫn duy trì hoạt động ở Nga sau khi chiến tranh Ukraina nổ ra, “dường như tham gia vào nỗ lực chiến tranh của Nga”. Ban lãnh đạo tập đoàn Auchan cho biết họ “rất ngạc nhiên” về cáo buộc của báo Le Monde.
(AFP) – Anh kết án tù nặng một cựu nhân viên an ninh đại sứ quán. David Ballantyne Smith, 58 tuổi, hôm 17/02/2023, đã bị tòa án Luân Đôn kết án 13 năm 2 tháng tù giam vì hoạt động gián điệp cho Nga. Từ là nhân viên an ninh đại sứ quán Anh tại Berlin, người này đã bị bắt quả tang đang trao nhiều tài liệu nhajy cảm cho đại sứ quán Nga ở thủ đô Đức.
(AFP) – Bộ Ngoại Giao Mỹ: Cựu thành viên đặc nhiệm Ai Cập ở Iran là tân thủ lĩnh của Al Qaida. Bộ Ngoại Giao Mỹ hôm 15/02/2023, cho biết Seïf al-Adl, một cựu thành viên ddawjc nhiệm Ai Cập đóng tại Iran đã được chọn làm thủ lĩnh của Al Qaida, thay Ayman al-Zawahiri, đã bị giết trong mùa hè 2022. Ngày 16/02, chính quyền Teheran đã có phản ứng, tố cáo thông tin này là “sai lệch” và “nực cười” khi “liên hệ thủ lĩnh Al Qaida với Iran”. Ngoại trưởng Iran còn cho rằng “những người sáng tạo ra Al Qaida và nhóm Tổ chức Nhà nước Hồi Giáo là bên phải chịu trách nhiệm cho sự gia tăng phe khủng bố trên thế giới”.
(AFP) – Vỏ băng ở Nam Cực lại tan chảy ở mức kỷ lục. Theo báo cáo của Trung tâm Dữ liệu Băng tuyết Quốc gia của Mỹ, được công bố hôm 16/02/23, trong năm thứ hai liên tiếp, vỏ băng tại Nam Cực lại tan chảy ở mức kỷ lục, ngay cả trước khi bắt đầu mùa hè. Cụ thể là đến ngày 13/02, diện tích lớp băng trên vùng biển bao quanh Nam Cực đã giảm xuống còn 1,91 triệu km vuông, mức thấp nhất kể từ khi vệ tinh nhân tạo bắt đầu đo đạc các dữ liệu này.
(AFP) – Bruce Willis bị bệnh suy giảm trí nhớ. Theo thông báo của những người thân hôm 16/02/2022, kết quả chẩn đoán mới cho thấy bệnh tình của nam diễn viên Mỹ Bruce Willis trầm trọng thêm và nay ông bị một dạng bệnh suy giảm trí nhớ không thể chữa được. Năm nay 67 tuổi, Bruce Willis đã ngưng đóng phim từ mùa xuân năm ngoái.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230217-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p