Tin tổng hợp – 16/08/2020
(Reuters) – TT Mỹ xem xét khả năng ân xá cho Edward Snowden.
Chủ nhân Nhà Trắng thông báo như trên vào hôm qua 15/08/2020. Snowden là người tiết lộ chương trình nghe lén của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) hồi năm 2013 và bị chính quyền Mỹ buộc tội làm gián điệp. Hiện giờ, Snowden đang sống tị nạn tại Nga. Luật sư của Snowden, Anatoly Kucherena, tuyên bố với hãng tin Nga RIA là đúng ra thì Mỹ phải từ bỏ việc buộc tội Snowden chứ không phải là ân xá cho thân chủ của bà. Theo luật sư người Nga, Snowden đã hành động không chỉ vì lợi ích của dân Mỹ, mà là vì cả nhân loại.
(AFP – Le Monde) Xung đột Afghanistan: Chính quyền Kabul và phe Taliban mở đầu cuộc đối thoại tìm giải pháp hoà bình.
Hôm nay, 16/08/2020, chính quyền và quân nổi dậy Taliban khai mạc cuộc đàm phán tại Doha, 6 tháng sau khi Hoa Kỳ và Taliban ký kết một thỏa thuận sơ bộ, nhằm một mặt triệt thoái quân đội Mỹ, mặt khác bảo đảm tương lai hoà bình cho Afghanistan. Việc Kaboul và Taliban trực tiếp đàm phán là một sự kiện lịch sử, bởi trước đó Taliban coi chính quyền thân Mỹ Kaboul là kẻ thù không đội trời chung. Cách đây 19 năm, chế độ Taliban bị lật đổ, liên quân quốc tế, chủ yếu là Mỹ, can thiệp tại Afghanistan. Kể từ đó đến nay, xung đột gần như chưa lúc nào nguôi.
(AFP) – Covid-19 : Hơn 778.000 nạn nhân trên thế giới đã chết vì siêu vi corona chủng mới.
Theo số liệu của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, đại dịch Covid-19 giết chết 18.000 bệnh nhân trong 24 giờ qua, nâng tổng số thiệt hại nhân mạng tính đến ngày 16/08/2020 là 778.009 người. Hoa Kỳ, Brazil, Mêhicô, Ấn Độ và Anh Quốc vẫn đứng đầu bảng tổng kết. Riêng tại Mỹ, thêm 56.729 ca lây nhiễm và 1.229 người chết được ghi nhận trong vòng một ngày.
(Bộ Y Tế Việt Nam) – Việt Nam ghi nhận thêm 1 ca tử vong vì virus corona.
Bệnh nhân là nữ, 82 tuổi, ở Đà Nẵng, có tiền sử viêm màng não. Tổng cộng, theo số liệu được công bố lúc 9 giờ sáng ngày 16/08/2020, số ca tử vong vì virus corona ở Việt Nam là 24 người. Hôm nay, bộ Y Tế cũng xác nhận thêm 1 ca nhiễm mới nhập cảnh. Người này là nam giới, 27 tuổi, trở về từ Guinea Xích Đạo. Ca bệnh thứ 951 đã được cách ly ngay sau khi về nước.
(AFP) – Mỹ – Hàn : Corona xen vào cuộc tập trận chung.
Theo Yonhap, quân đội Mỹ và Hàn Quốc quyết định tiến hành cuộc tập trận chung mỗi mùa hè bắt đầu vào thứ Ba tuần tới kéo dài 10 ngày cho đến 28/08/2020. Trong bối cảnh đại dịch, lực lượng Mỹ không đến Hàn Quốc, cuộc tập trận giới hạn trong gian ảo. Kế hoạch cũng bị chậm ba ngày, vì một quân nhân Hàn Quốc bị nhiễm siêu vi corona.
(AFP) – Mỹ: Em trai út của tổng thống Donald Trump từ trần.
Doanh nhân Robert Trump, sinh năm 1948, từ trần hôm thứ Bảy 15/08/2020, trong một bệnh viện tại NewYork. Tweet của tổng thống Donald Trump do Nhà Trắng công bố loan báo tin buồn. Hôm thứ Sáu, sau khi đến thăm, tổng thống Donald Trump không giấu lo âu : « em tôi đang sống một thời khắc khó khăn ». Báo chí Mỹ thông báo Robert Trump bị bệnh nặng, nhưng không cho biết chi tiết.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200816-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới sáng 16/8:
Vắc-xin Covid sẽ miễn phí cho người dân Mỹ;
Đảng đối lập thân Trung Quốc ở Đài Loan
thất bại trong bầu cử thị trưởng
Quý Khải
Sáng nay, Chủ nhật (16/8), mục Điểm tin thế giới của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Vắc-xin Covid sẽ miễn phí cho người dân Mỹ
Các quan chức Mỹ hôm thứ Năm (13/8) cho biết, nếu vắc-xin COVID-19 được chứng minh là có hiệu quả, Mỹ sẽ đảm bảo rằng vắc-xin này được phân phối miễn phí cho tất cả người dân, theo NDTV.
Paul Mango, một quan chức cấp cao Bộ Y tế Mỹ, trao đổi với các phóng viên: “Chúng tôi không hề giảm bớt các quy định nghiêm ngặt trong đánh giá và phê duyệt vắc xin”.
Washington đã đầu tư hơn 10 tỷ USD vào 6 dự án vắc xin và ký kết các hợp đồng đảm bảo cung cấp hàng trăm triệu liều nếu chúng được phê duyệt theo sau các thử nghiệm lâm sàng.
Chính phủ sẽ chi trả cho các liều vắc xin này.
Đảng đối lập thân Trung Quốc ở Đài Loan thất bại trong bầu cử thị trưởng
Quốc dân đảng (KMT), Đảng đối lập chính của Đài Loan bấy lâu nay ủng hộ mối quan hệ thân thiết với Trung Quốc, đã bị đánh bại trong một cuộc bầu cử bổ khuyết chức vụ thị trưởng quan trọng hôm thứ
Bảy (15/8), vốn bị phủ bóng đen bởi tình trạng hỗn loạn ở Hồng Kông và căng thẳng với Bắc Kinh, theo Reuters.
Ứng viên Trần Kì Mại của Đảng Dân tiến chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử bổ khuyết chức vụ thị trưởng thành phố Cao Hùng, Đài Loan, ngày 15/8 (ảnh chụp màn hình VOA),
Cuộc bầu cử bổ khuyết ở thành phố Cao Hùng diễn ra sau khi thị trưởng thành phố từ Quốc dân Đảng, ông Hàn Quốc Du, bị cách chức với tỷ lệ áp đảo trong một cuộc bỏ phiếu bãi nhiệm hồi tháng 6, khi các đối thủ của ông cáo buộc ông thờ ơ với thành phố.
Trần Kì Mại, người từng giữ chức phó thủ tướng đến từ Đảng Dân Tiến, đã giành được 70% số phiếu bầu, đánh bại ứng viên Quốc dân đảng Lý Mi Trăn, mặc dù chỉ có khoảng phân nửa số cử tri đi bỏ phiếu.
“Kết quả bầu cử này đã chứng minh một điều – một chiến thắng cho nền dân chủ,” ông Trần nói với những người ủng hộ.
50% doanh nghiệp Mỹ cân nhắc rời Hồng Kông
Theo khảo sát mới nhất của Phòng Thương mại Hoa Kỳ, sau khi Luật An ninh Quốc gia mới được thông qua, 53% số người được hỏi cân nhắc rời khỏi Hồng Kông. Kết quả này ghi nhận sự gia tăng liên tiếp trong hai tháng. Ngoài ra, luật an ninh quốc gia đã gây ra làn sóng nhập cư của người dân Hồng Kông ra nước ngoài. Theo thống kê của Cục Di trú Đài Loan, trong nửa đầu năm nay đã có 3161 người được cấp phép cư trú, tăng 116%.
Phòng Thương mại Mỹ đã thực hiện một cuộc khảo sát kéo dài 5 ngày bắt đầu từ ngày 7/8. Trong số 154 công ty được phỏng vấn, 9% cho biết họ sẽ cân nhắc rời Hồng Kông trong ngắn hạn, 44% cho biết họ sẽ cân nhắc rời Hồng Kông trong trung và dài hạn, và 46% cho biết họ sẽ không rời Hồng Kông. Ngoài ra, 44% số người được hỏi tỏ ra bi quan về tương lai môi trường kinh doanh ở Hồng Kông, chỉ có 14% lạc quan. 10% số người được hỏi cho biết dù họ lạc quan trong ngắn hạn nhưng họ vẫn bi quan trong trung và dài hạn.
61% cho biết họ sẽ không rút vốn và rời khỏi Hồng Kông, 39% cho biết họ sẽ rút vốn trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Số người cân nhắc rời Hồng Kông đã tăng trong hai tháng liên tiếp và hơn 80% doanh nghiệp Mỹ đang cân nhắc rời Hồng Kông trong trung và dài hạn. Xu hướng rời Hồng Kông đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn.
Một số người được phỏng vấn cho biết thêm Luật An ninh Quốc gia rất mơ hồ, mục đích là để cấp cho chính quyền Hồng Kông và chính quyền trung ương Bắc Kinh sự linh hoạt cao nhất trong việc bắt giam và định tội. Luật này có chủ đích chính trị nhằm tạo ra sự sợ hãi trong người dân.
Nhật Bản muốn mở rộng hợp tác với liên minh Ngũ Nhãn
Nhật Bản mong muốn mở rộng hợp tác với liên minh chia sẻ thông tin tình báo “Ngũ Nhãn (Five Eyes)”, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Taro Kono trao đổi với Nikkei, bày tỏ hy vọng kiến lập một khuôn khổ cho phép quốc gia Đông Á này thu thập được thông tin mật quan trọng trong giai đoạn đầu.
“Những quốc gia này chia sẻ nhiều giá trị chung”, ông Kono nói trong một cuộc phỏng vấn. “Nhật Bản có thể tiến gần hơn [tới liên minh] thậm chí đến mức tạo nên ‘Lục Nhãn (Six Eyes)’.”
Nhóm Five Eyes hiện bao gồm Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Canada, Úc và New Zealand. Các thành viên trong Ngũ Nhãn chia sẻ mối quan hệ lịch sử và văn hóa sâu sắc gắn liền với di sản chung Anglo-Saxon và việc sử dụng Anh ngữ. Thỏa thuận UKUSA đa phương của họ bao gồm việc hợp tác trong tình báo tín hiệu, phân tích và chia sẻ thông tin thu thập được thông qua mạng lưới nghe lén phục vụ các mục đích bảo mật.
Công ty Mỹ bị phạt vì nhập hàng hóa làm bởi lao động nhà tù ở Trung Quốc
Một công ty Mỹ đã bị phạt 575.000 USD do nhập khẩu chất tạo ngọt dạng bột được sản xuất bởi lao động trong nhà tù Trung Quốc, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP) thông báo hôm 13/8, theo The Epoch Times.
Hình phạt đối với Pure Circle U.S.A đánh dấu mức phạt đầu tiên do cơ quan này ban hành kể từ khi thông qua một bộ luật năm 2015 cấm nhập khẩu hàng hóa làm bởi lao động cưỡng bức.
CBP cho biết công ty này đã nhập khẩu ít nhất 20 lô hàng bột stevia và các chất dẫn xuất được chế biến tại Trung Quốc bởi các lao động tù nhân. Stevia là một loại chiết xuất từ thực vật được dùng làm chất tạo ngọt trong nước sô-đa và các loại thực phẩm khác.
Điểm tin thế giới tối 16/8:
Em trai ông Trump qua đời;
Lầu Năm Góc thành lập lực lượng đặc nhiệm UFO
Quý Khải
Mục Điểm tin thế giới tối Chủ nhật (16/8) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Em trai ông Trump qua đời
Em trai của Tổng thống Donald Trump – Robert Trump đã qua đời, thọ 71 tuổi, theo USA Today.
“Tôi rất đau buồn khi phải thông báo rằng người em trai tuyệt vời của tôi, Robert, hồi tối nay đã qua đời một cách thanh thản”, tổng thống Trump nói trong một tuyên bố hôm thứ Bảy (15/8). “Cậu ấy không chỉ là người em, mà còn là người bạn thân nhất của tôi. Anh sẽ rất nhớ cậu, nhưng rồi chúng ta sẽ gặp lại nhau. Ký ức về cậu sẽ sống mãi trong tim anh”.
“Robert, anh yêu cậu. Hãy yên nghỉ.”
Nhà Trắng thông báo hôm thứ Sáu (14/8) rằng Robert Trump đã phải nhập viện vì một căn bệnh không công bố. Tổng thống Trump đã đến thăm em trai tại Bệnh viện New York-Presbyterian ở Manhattan chiều hôm đó.
Lầu Năm Góc thành lập lực lượng đặc nhiệm UFO
Hôm thứ Sáu (14/8), Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo rằng Thứ trưởng Bộ Quốc phòng David Norquist đã phê duyệt việc thành lập Nhóm công tác về các Hiện tượng Trên không Không xác định vào ngày 4/8, theo the BL.
“Bộ Quốc phòng Mỹ đã thành lập Lực lượng Đặc nhiệm Hiện tượng Trên không Không xác định (UAPTF) để tăng cường hiểu biết về bản chất và nguồn gốc của các Hiện tượng Trên không Không xác định (Unidentified Aerial Phenomena – UAP). Nhiệm vụ của lực lượng đặc nhiệm là phát hiện, phân tích và lập danh mục các UAP có khả năng đe dọa an ninh quốc gia Mỹ”, Lầu Năm Góc cho biết trong một tuyên bố.
“Như Bộ Quốc phòng đã tuyên bố trước đây, sự an toàn của các nhân viên và an ninh trong các hoạt động của chúng tôi là mối quan tâm hàng đầu. Bộ Quốc phòng và các cơ quan quân sự sẽ nghiêm túc xem xét bất kỳ cuộc xâm nhập trái phép nào của máy bay vào khu vực huấn luyện hoặc vùng trời được chỉ định của chúng tôi và kiểm tra từng báo cáo một”.
Theo Lầu Năm Góc, hồ sơ đụng độ bao gồm các cuộc không kích ban đầu được báo cáo là UAP khi người quan sát không thể xác định ngay lập tức được là những gì.
Theo CNN, các nhà lập pháp Nghị viện và quan chức Lầu Năm Góc trước đây đã bày tỏ lo ngại về sự xuất hiện của các hiện tượng trên không không xác định bay qua các căn cứ quân sự Mỹ, buộc các máy bay quân sự đối mặt với nguy hiểm.
Hai quả rocket bắn trúng căn cứ quân đội Iraq có lính Mỹ đồn trú
Hai tên lửa Katyusha đã rơi tại căn cứ Taji của Iraq, nơi đóng quân của liên quân do Mỹ dẫn đầu, hãng thông tấn nhà nước cho biết hôm thứ Bảy (15/8), trích dẫn một tuyên bố quân sự. Không có thương tích nào được ghi nhận. Jason Brodsky, giám đốc chính sách của United Against Nuclear Iran – một tổ chức với mục đích ngăn Iran trở thành siêu cường sở hữu vũ khí hạt nhân – cho biết: “Một cuộc tấn công tên lửa khác ngày hôm nay nhằm vào Trại Taji ở #Iraq chỉ vài ngày trước khi thủ tướng Iraq dự kiến đến thăm Nhà Trắng hôm 20/8”.
Sự kiện này xảy ra sau khi đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Baghdad bị ba tên lửa nhắm vào hồi đầu tháng.
Các cuộc tấn công diễn ra gần biên giới Kuwait và ở ngay phía bắc thủ đô.
Các cuộc tấn công tên lửa không gây thương vong nhưng có thiệt hại đến thiết bị.
Chuyên gia: Bài phát biểu của Ngoại trưởng Pompeo là ‘Sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới’ trong mối quan hệ với Trung Quốc
Bài phát biểu mang tính bước ngoặt của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo với tựa đề “Trung Quốc Cộng sản và Thế giới Tự do” đã được báo trước là “sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới” trong các vấn đề toàn cầu và sự thay đổi rõ rệt trong chính sách đối ngoại đối với Bắc Kinh.
Tiến sĩ Jin Chin tại Sydney, chủ tịch Liên đoàn vì một Trung Quốc Dân chủ, đã trao đổi với The Epoch Times hôm 13/8 rằng bài phát biểu được đưa ra đúng thời điểm các nhà hoạt động dân chủ Trung Quốc “đã chờ đợi từ lâu”.
Theo Chin, kể từ khi Mỹ và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bước vào mối quan hệ ngoại giao chính thức, các cơ quan chính quyền Mỹ từ cả hai bên hành lang đã rất “ngây thơ” trong việc giao thiệp với chính quyền này.
Liên đoàn vì một Trung Quốc Dân chủ đã hoạt động từ năm 1989 và được thành lập sau vụ Thảm sát Thiên An Môn.
Bài phát biểu của ông Pompeo hồi cuối tháng 7 đã kêu gọi các quốc gia cùng chí hướng “thúc đẩy sự thay đổi” bên trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Hải quân Ấn Độ mua drone, tăng cường giám sát trên biển
Trong bối cảnh tranh chấp biên giới đang diễn ra với láng giềng Trung Quốc dọc Đường kiểm soát thực tế (LAC) tại Đông Ladakh, lực lượng Phòng vệ Ấn Độ đang tích cực triển khai lực lượng trên cả ba mặt trận của biên giới đất nước. Từ việc nhận các máy bay phản lực Rafale cho đến đặt hàng tên lửa từ Nga, Ấn Độ đang chuẩn bị cho cơ chế Phòng thủ của mình để đối mặt với bất kỳ mối đe dọa nào, theo ABP News.
Theo diễn biến mới nhất, nước này đã tập trung nhiều hơn vào các tuyến đường thủy và có kế hoạch tăng cường khả năng giám sát tàu chiến của đối phương hoạt động tại khu vực Ấn Độ Dương.
Theo báo cáo, Hải quân Ấn Độ đang đề xuất mua gấp 10 máy bay không người lái trên tàu để theo dõi các hoạt động của Trung Quốc, Pakistan hoặc các nước khác.
Báo cáo đề cập Hải quân Ấn đã lên kế hoạch triển khai các máy bay không người lái trên các tàu chiến cỡ lớn để hỗ trợ giám sát chặt chẽ hoạt động di chuyển của tàu Trung Quốc cũng như các đối thủ khác trong và xung quanh lãnh hải Ấn Độ.
Hàn Quốc đóng tàu sân bay đầu tiên
Hàn Quốc có kế hoạch đóng chiếc tàu sân bay đầu tiên vào năm tới, và mua các máy bay chiến đấu của Mỹ hoạt động kèm theo, Bộ Quốc phòng nước này thông báo, theo hãng tin CNN.
“Tàu sân bay nặng 30.000 tấn có thể vận chuyển binh sĩ, thiết bị và vật liệu và có thể vận hành máy bay chiến đấu có khả năng cất hạ cánh thẳng đứng”, theo thông cáo của Bộ Quốc phòng.
“Nó sẽ cho phép quân đội ngăn chặn hiệu quả hơn các mối đe dọa và điều động lực lượng và vật liệu đến một khu vực tranh chấp trên biển bằng cách đóng vai trò một tàu kiểm soát cho đơn vị hải quân”.
CNN nhận định, Hàn Quốc sẽ mua máy bay chiến đấu F-35B do Mỹ sản xuất, có khả năng cất cánh ngắn và hạ cánh thẳng đứng, tương thích với một tàu sân bay nhỏ. Nước này sẽ cùng với Nhật Bản và Mỹ triển khai các máy bay F-35B trên các tàu sân bay hạng nhẹ ở khu vực tây Thái Bình Dương.
Cả ba quốc gia đều có mối quan hệ gây tranh cãi với Triều Tiên.