Tin Tổng Hợp – 16/6/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 16/6/21

(Reuters) – Lãnh đạo Kim Jong Un xác nhận Bắc Triều Tiên thiếu lương thực vì bệnh dịch, thiên tai. Theo hãng thông tấn Bắc Triều Tiên KCNA ngày 16/06/2021, lãnh đạo Bình Nhưỡng đã kêu gọi có biện pháp mạnh tay hơn để giải quyết vấn đề thiếu lương thực trầm trọng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và các cơn bão xảy ra năm ngoái. Lời thừa nhận ảnh hưởng do đại dịch đáng chú ý vì cho đến nay Bắc Triều Tiên chưa chính thức xác nhận bất cứ ca Covid-19 nào dù đã áp đặt các biện pháp chống COVID-19 nghiêm ngặt bao gồm đóng cửa biên giới và hạn chế đi lại trong nước.

(Reuters) – Mỹ và Liên Âu chấm dứt 17 năm xung đột về hàng không. Hoa Kỳ và Liên Âu hôm qua, đạt thỏa thuận đình chỉ 5 năm các sắc thuế đánh vào ngành hàng không, để trừng phạt đối phương, do các tài trợ tiền công cho lĩnh vực hàng không. Kể từ năm 2004, Washington và Bruxelles đã khiếu nạn lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về các tài trợ « bất hợp pháp » của mỗi bên cho tập đoàn hàng không của mình (Airbus của Liên Âu, và Boeing của Mỹ). Vào tháng 3/2021, Mỹ – Liên Âu đã đồng ý đình chỉ trong vòng 4 năm các sắc thuế trừng phạt, đối với 11,5 tỉ đô la hàng hóa tổng cộng, từ rượu vang cho đến thuốc lá. Cho đến nay, các doanh nghiệp liên quan đã phải trả 3,3 tỉ đô la thuế. Theo thỏa thuận hôm qua, trừdng phạt sẽ được dỡ bỏ trong vòng 5 năm. Các đàm phán sẽ tiếp tục để tìm một thỏa thuận chung về vấn đề các trợ giá. Trong họp báo sau thượng đỉnh Âu – Mỹ, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen ca ngợi một chương mới mở ra cho quan hệ Liên Âu – Hoa Kỳ.

(AFP) – Covid-19 : Pháp dỡ bỏ lệnh đeo khẩu trang ngoài trời. Thủ tướng Castex trưa ngày 16/06/2021 thông báo dỡ bỏ lệnh đeo khẩu trang ngoài trời kể từ ngày 17/06/2021. Tuy nhiên ở những nơi đông người, ở văn phòng hay phương tiện chuyên chở công cộng vẫn bắt buộc đeo khẩu trang. Thêm một tin vui khác kể từ ngày 20/06/2020 Pháp dỡ bỏ lệnh giới nghiêm kể từ 23 giờ như hiện tại.  Các quyết định trên được đưa ra sớm hơn so với dự kiến của chính phủ. Đây là dấu hiệu cho thấy tình hình y tế được cải thiện. 

(AFP) – Hội chợ công nghệ cao VivaTech khai mạc tại Paris. Ngành công nghệ số và các công ty khởi nghiệm tập hợp về khu triển lãm Portes de Versailles kể từ hôm nay 16/06/2021. Tổng thống Macron đến khai mạc sự kiện. Nhiều khách mời danh dự như chủ nhân Facebook Mark Zuckerberg hay ông chủ Apple, Tim Cook sẽ có bài thuyết trình qua cầu truyền hình. Dưới tác động của dịch Covid-19, năm nay sự kiện này quy tụ khoảng 1400 công ty trong đó có 60 % hiện diện tại chỗ. Phần còn lại tiếp cận với khách tham quan qua cầu truyền hình.  

(Reuters) – Israel lại không kích dải Gaza sau gần 1 tháng ngừng bắn. Phi cơ Israel ngày 15/06/2021 đã tấn công vào Gaza để đáp trả những quả bóng bay mang thiết bị gây cháy, nổ được thả lên từ vùng lãnh thổ Palestine. Theo quân đội Israel mục tiêu tấn công là một số cơ sở của lực lượng Hamas ở Dải Gaza, thành phố Gaza và thị trấn Khan Younis. Xung đột bùng lên trở lại sau một tháng tạm thời yên ắng nhờ thỏa thuận ngừng bắn Israel – Hamas hồi tháng Năm.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210616-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

Nhật Bản và nhiều nước Đông Nam Á chỉ trích Luật Hải Cảnh Trung Quốc

16/06/2021 – Tại hội nghị các bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN mở rộng, gọi tắt là ADMM+, mở ra trực tuyến vào hôm nay, 16/06/2021, lãnh đạo Quốc Phòng 10 nước Đông Nam Á và 8 đối tác của ASEAN, Nhật Bản lại công khai bày tỏ thái độ quan ngại trước bộ Luật Hải Cảnh mới vừa được Bắc Kinh ban hành, cho phép tàu cảnh sát biển Trung Quốc nổ súng vào tàu nước ngoài. Ngoài Nhật Bản, một số nước Đông Nam Á cũng có những phê phán tương tự.

Theo hãng tin Nhật Kyodo, trong phát biểu của mình tại hội nghị các bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN mở rộng dưới quyền chủ trì của Brunei, nước hiện là chủ tịch luân phiên ASEAN, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Nobuo Kishi đã nêu bật vấn đề an ninh tại vùng Biển Đông và biển Hoa Đông, khẳng định rằng Tokyo mong muốn vấn đề được giải quyết một cách hòa bình thông qua đối thoại trực tiếp giữa các bên liên quan.

Ảnh tư liệu: Tàu tuần duyên và tàu cá Trung Quốc xâm nhập vùng  biển có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản trên biển Hoa Đông ngày 06/10/2016.
Ảnh tư liệu: Tàu tuần duyên và tàu cá Trung Quốc xâm nhập vùng biển có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản trên biển Hoa Đông ngày 06/10/2016. AP

Trong phát biểu mình, bộ trưởng Kishi cũng chỉ trích một luật của Trung Quốc được áp dụng kể từ tháng 2 vừa qua, cho phép lực lượng tuần duyên Trung Quốc sử dụng vũ khí chống lại các tàu nước ngoài bị Bắc Kinh coi là xâm nhập trái phép vùng biển Trung Quốc.

Ông Kishi tố cáo: “Luật này có những điều khoản có vấn đề nếu xét trên bình diện nhất quán với luật pháp quốc tế, chẳng hạn như những điểm mập mờ về vùng biển nơi có thể áp dụng luật, cũng như về cấp có thẩm quyền ra lệnh sử dụng vũ khí.”

Theo báo mạng Philippines Rappler, Luật Hải Cảnh mới của Trung Quốc cũng bị một số nước ASEAN chỉ trích nhân hội nghị các bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN ADMM mở ra hôm qua.

Trích dẫn thông tin từ bộ Quốc Phòng Philippines, Rappler cho biết là nhân cuộc họp, tất cả các bộ trưởng ASEAN đều quan ngại trước các hành động liên tục của Trung Quốc tại Biển Đông, trong lúc một số bộ trưởng đã tỏ thái độ quan ngại về Luật Hải Cảnh Trung Quốc.

Theo nguồn tin trên, các bộ trưởng có liên quan đã nêu bật tính chất mơ hồ trong việc áp dụng luật này tại Biển Đông, nơi các quốc gia thành viên ASEAN khác như Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền.

Từ khi được ban hành, luật Hải Cảnh mới của Trung Quốc đã làm dấy lên quan ngại trong bối cảnh Bắc Kinh tự nhận chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông cũng như tại nhiều khu vực trên biển Hoa Đông, trong đó có vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện do Nhật Bản quản lý.

Hồ sơ Biển Đông nhìn chung đã chiếm một phần quan trọng trong hội nghị các bộ trưởng Quốc Phòng lần này với việc các nước đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của quyền tự do hàng không và hàng hải, quyền hoạt động thương mại không bị cản trở và việc sớm thông qua Bộ Quy Tắc Ứng Xử của các bên ở Biển Đông COC, đang đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc.

Đường dây nóng giữa bộ trưởng Quốc Phòng 18 nước

Mặt khác, theo hãng tin Kyodo, các đối tác của ASEAN trong hội nghị ADMM+ – từ Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, cho đến Nga, Ấn Độ, Úc và New Zealand, vào hôm nay cũng hoan nghênh lời mời của ASEAN tham gia vào chương trình thành lập đường dây nóng cấp bộ trưởng của toàn khối nhằm làm dịu căng thẳng trong khu vực.

Đường dây nóng, mang tên Cơ Sở Hạ Tầng Truyền Thông Trực Tiếp ASEAN, hay ADI, nhằm mục đích cho phép đối thoại để thúc đẩy giảm thiểu nguy cơ xung đột, giải tỏa những hiểu lầm và tính toán sai lầm trong các tình huống khủng hoảng hoặc khẩn cấp.

Đây là phương án nhằm mục đích cung cấp thông tin liên lạc an toàn bằng giọng nói, fax hoặc email, theo một tài liệu định nghĩa khái niệm đã được các bộ trưởng quốc phòng ASEAN thông qua vào năm 2019 để mở rộng ADI cho tám quốc gia đối tác bên ngoài nhóm.

Trọng Nghĩa

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20210616-nh%E1%BA%ADt-b%E1%BA%A3n-v%C3%A0-nhi%E1%BB%81u-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-%C4%91%C3%B4ng-nam-%C3%A1-ch%E1%BB%89-tr%C3%ADch-lu%E1%BA%ADt-h%E1%BA%A3i-c%E1%BA%A3nh-trung-qu%E1%BB%91c