Tin Tổng Hợp – 16/12/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 16/12/21

Một phái đoàn dân biểu Pháp công du Đài Loan

Cựu chủ tịch Quốc Hội Pháp François de Rugy dẫn đầu một phái đoàn gồm 6 dân biểu công du Đài Loan trong 5 ngày, từ 15 đến 19/12/2021. Đây là lần thứ nhì trong năm, một phái đoàn chính thức của Pháp đến Đài Loan. Trung Quốc «mạnh mẽ phản đối mọi trao đổi chính thức giữa Đài Loan» với các quốc gia có thiết lập bang giao với Bắc Kinh.

Theo trang mạng Taiwan Info, nguyên chủ tịch Quốc Hội Pháp, nghị sĩ François de Rugy tuyên bố, sau Thượng Viện, đến lượt Quốc Hội bày tỏ «đoàn kết với Đài Bắc» để Đài Loan được hiện diện trong các định chế đa quốc gia.

Cựu chủ tịch Quốc Hội Pháp cũng bày tỏ mong muốn «Đài Loan và Liên Hiệp Châu Âu cũng như là với Pháp mở rộng quan hệ trên nhiều lĩnh vực». Lời lẽ này được đưa ra vào lúc Paris chuẩn bị giữ chức chủ tịch luân phiên Liên Âu kể từ ngày 01/01/2022. Sáng nay, tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã tiếp phái đoàn. Theo chương trình nghị sự trong 5 ngày làm việc tại Đài Bắc, các dân biểu Pháp có những buổi làm việc với thủ tướng, chủ tịch Quốc Hội, ngoại trưởng và các bộ trưởng Kinh Tế, Y Tế, Môi Trường Đài Loan.

Tháng 9/2021 thượng nghị sĩ Alain Richard, cựu bộ trưởng Quốc Phòng Pháp, đã dẫn đầu một phái đoàn của Thượng Viện đến Đài Loan và trong thời gian làm việc tại Đài Bắc, ông đã nhiều lần gọi Đài Loan là «một quốc gia ». Điều này đã khiến Bắc Kinh vô cùng tức tối. Lần này, Trung Quốc có phản ứng tương tự về sự hiện diện của phái đoàn các đại biểu Quốc Hội Pháp. Trong cuộc họp báo sáng nay, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố « Trung Quốc mạnh mẽ chống đối mọi trao đổi chính thức và chính trị giữa Đài Loan với những quốc gia đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh».

Về phía Đài Loan, Reuters cho biết, tiếp phái đoàn Pháp, tổng thống Thái Anh Văn hy vọng nhanh chóng kết thúc đàm phán về một hiệp định tự do mậu dịch giữa Đài Bắc và Bruxelles. Bà mong muốn trong cương vị chủ tịch luân phiên Liên Âu, Paris sẽ thúc đẩy đối thoại kinh tế, thương mại và đầu tư với Đài Loan để «mở ra một chương mới trong quan hệ với Liên Hiệp Châu Âu». Tránh nêu đích danh Trung Quốc, nhưng lãnh đạo Đài Loan gián tiếp kêu gọi các nền dân chủ đẩy mạnh hợp tác «trong bối cảnh tình hình thế giới thay đổi nhanh chóng và trước ảnh hưởng ngày càng lớn của các chế độ chuyên chế». Sau cùng tổng thống Thái Anh Văn nhấn mạnh Đài Bắc «chia sẻ với Pháp và Liên Âu những giá trị chung để có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho hòa bình và ổn định trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương».

Thanh Hà

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211216-phai-doan-dan-bieu-phap-cong-du-dai-loan

Tàu chiến Đức vào Biển Đông, TQ tập trận ở Vịnh Bắc Bộ

Getty Images
Chụp lại hình ảnh, Tàu Bayern khởi hành hôm 2/8 từ căn cứ hải quân Wilhelmshaven ở tây bắc Đức

Chiến hạm Bayern của Đức hôm thứ Tư 15/12 tiến vào Biển Đông, lần đầu tiên trong gần 20 năm qua.

Bước
đi này cho thấy Berlin đang cùng các quốc gia phương Tây khác mở rộng
hiện diện quân sự của mình tại khu vực giữa lúc đang có những báo động
ngày càng tăng về tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc.

Cùng
ngày, Trung Quốc lại tiến hành tập trận ở vùng biển có tranh chấp,
trong lúc Hoa Kỳ đẩy mạnh hoạt động do thám, South China Morning Post
tường thuật, trong lúc căng thẳng dâng cao trong khu vực.

Trung Quốc liên tiếp diễn tập bắn đạn thật

Quân
đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc bắt đầu từ hôm thứ Tư tiến hành ít
nhất ba cuộc diễn tập bắn đạn thật tại vùng biển ở phía đông và nam Đảo
Hải Nam và trong Vịnh Bắc Bộ, theo thông báo của các cơ quan an toàn
hàng hải địa phương.

Mới
chỉ tuần trước, quân đội Trung Quốc đã diễn tập bắn đạn thật ở Biển
Đông ‘trong vài ngày’, nhật báo PLA của quân đội Trung Quốc đưa tin.

Theo
tường thuật của PLA hôm Chủ Nhật, Hạm đội Nam Hải đã có các hoạt động
bắn súng, dò mìn, bay trực thăng bên trên và diễn tập công tác cứu hộ.

Tin
cho hay hôm thứ Ba, phi cơ do thám đã rời căn cứ quân sự của Hoa Kỳ
đóng tại Okinawa, bay tới gần đường bờ biển Quảng Đông và đảo Hải Nam,
thực hiện cuộc tuần tra “rất sát” với các điểm dự kiến diễn tập trong
tuần này của quân đội Trung Quốc.

Sự lựa chọn của Đức

Nếu
như Hoa Kỳ và Trung Quốc không ngần ngại tỏ rõ thái độ qua mỗi hoạt
động ở Biển Đông, thì Đức dường như đang chọn cách tiếp cận mềm dẻo hơn.

Tàu
Bayern của hải quân Đức đi vào vùng biển này, dự kiến sẽ tới Singapore
trong vài hôm tới, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đức cho biết hôm thứ Tư.

Olaf Scholz đã giữ chức phó thủ tướng từ năm 2018 nhưng dự kiến ​​tiếp quản Angela Merkel vào tuần thứ hai của tháng 12
Chụp lại hình ảnh, Tàu
Bayern với sứ mệnh tới khu vực Châu Á-Thái Bình Dương rời Đức khi bà
Merkel còn dẫn dắt đất nước và tới nơi khi ông Olaf Scholz đã lên thay
vị trí thủ tướng

Khu trục hạm Bayern là chiến hạm đầu tiên của Đức vào Biển Đông kể từ 2002 tới nay.

Tàu khởi hành hôm 2/8 từ căn cứ hải quân Wilhelmshaven ở tây bắc Đức, dưới thời chính quyền bà Angela Merkel.

Giới chức từ Berlin, nay dưới sự lãnh đạo của ông Olaf Scholz, nói hải quân Đức sẽ đi theo tuyến hải hành thương mại chung.

Khu
trục hạm của Đức được trông đợi là sẽ không đi qua Eo biển Đài Loan,
hoạt động mà hải quân Hoa Kỳ thường tiến hành và luôn bị Bắc Kinh lên
án.

Đức
hiện đang đi dây giữa vấn đề an ninh và quyền lợi kinh tế, bởi Trung
Quốc đã trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của Bắc Kinh.

Phương Tây lo ngại

Hải
quân Hoa Kỳ trong những năm qua đã thường xuyên thực hiện chiến dịch
được gọi là “tự do hàng hải”, cho tàu đi tới gần một số hòn đảo có tranh
chấp ở Biển Đông. Trung Quốc phản đối, cho rằng hành động của Hoa Kỳ là
gây bất ổn cho hòa bình khu vực.

Washington
coi việc duy trì đối trọng với Trung Quốc là điều then chốt, nằm ở
trung tâm chính sách an ninh quốc gia, và muốn các đồng minh tập hợp lại
để đối phó với điều mà Hoa Kỳ gọi là chính sách kinh tế, ngoại giao
ngày càng mang tính cưỡng bức.

Tuy
không áp dụng cách tiếp cận như Hoa Kỳ, nhưng khi gửi tàu chiến tới khu
vực, chính phủ trước của Đức đã tỏ rõ rằng sứ mệnh của tàu Bayern là
nhằm nhấn mạnh việc Đức không chấp nhận các tuyên bố chủ quyền của Trung
Quốc ở Biển Đông.

Đây là vùng biển 40% tổng giá trị ngoại thương của EU cần đi qua, theo Reuters.

Các
nước trong đó có Anh, Pháp, Nhật, Úc và New Zealand cũng đã mở rộng
hoạt động tại Thái Bình Dương để đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc.


vùng biển giàu tài nguyên và cũng nắm giữ vị trí giao thương then chốt
toàn cầu, Biển Đông cũng là nơi gây tranh chấp gay gắt giữa Bắc Kinh với
các quốc gia trong khu vực.

Một phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế tại The Hague (PCA) hồi 7/2016 đã bác các yêu sách của Trung Quốc đối với phần lớn diện tích vùng biển này, nhưng Bắc Kinh tuyên bố không chấp nhận nội dung phán quyết, và không ngừng tiếp tục gia tăng các hành động nhằm xác quyết chủ quyền lãnh thổ.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-59670393

Vinfast vào thị trường Mỹ ‘đúng lúc, đúng chỗ, đúng xe’

17/12/2021 – Ngọc Lễ – Hãng xe Vinfast của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh rất lớn khi xâm nhập thị trường Mỹ vào lúc này, một nhà quan sát kinh tế từ Mỹ nhận định, nhưng lợi thế cạnh tranh có thể nhanh chóng mất đi nếu Vinfast không tranh thủ kịp thời.

Giám đốc điều hành Vinfast Michael Lohscheller giới thiệu mẫu xe VF e35 EV tại triển lãm xe hơi Los Angeles tháng 11 năm 2021
Giám đốc điều hành Vinfast Michael Lohscheller giới thiệu mẫu xe VF e35 EV tại triển lãm xe hơi Los Angeles tháng 11 năm 2021

Hãng xe của tỷ phú Phạm Nhật Vượng – người giàu nhất Việt Nam hiện
nay – đã có màn ra mắt hai mẫu xe điện SUV tại Triển lãm Xe hơi Los
Angeles vào cuối tháng 11 vừa qua.

Bên cạnh đó, Vinfast cũng đang xây dựng trụ sở của hãng ở Mỹ đặt tại
Los Angeles và dự tính sẽ nhận những đơn hàng đầu tiên trong nửa đầu năm
2022 và sẽ giao xe trong quý bốn, thông cáo của hãng gửi đến cho báo
chí cho biết.

‘Cơ hội vàng son’

Từ Fort Worth, Texas, Giáo sư-Tiến sỹ Khương Hữu Lộc, người giảng dạy
chương trình MBA tại Keller Graduate School of Management và có hơn 20
năm kinh nghiệm làm giám đốc tài chính cho các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ,
nhận định Vinfast đang có ‘cửa sổ cơ hội vàng’ khi thâm nhập thị trường
Mỹ.

Thứ nhất, lúc này là ‘thời điểm gần như lý tưởng’ với khủng hoảng
nhiên liệu toàn cầu làm giá xăng dầu gia tăng khiến xe điện trở nên có
giá, ông Lộc phân tích. Bên cạnh đó, khủng hoảng thị trường chip đang
khiến xe hơi khan hiếm và đắt đỏ ở Mỹ.

“Chính sách của chính phủ Joe Biden cũng ưu tiên bảo vệ môi trường,” ông Lộc nói thêm.

Tuy nhiên, những yếu tố thời điểm này, theo lời vị giáo sư này, là ‘điều may mắn’ đối với Vinfast vì không lường trước được.

Thứ hai, bang California mà Vinfast chọn để ‘khởi nghiệp’ ở Mỹ cũng
là ‘lựa chọn đúng đắn’, cũng theo ông Lộc, vì đây là bang có chính sách
thân thiện với xe điện, có thị trường lớn và nhất là ‘có nhiều trạm sạc
điện nhất trên toàn nước Mỹ’.

“Vinfast đã lợi dụng thời điểm chính quyền Biden tung ra gói xây dựng
cơ sở hạ tầng trong đó có dành một khoản tiền để xây dựng các trạm sạc
điện mà California và New York là hai tiểu bang được hưởng lợi nhiều
nhất,” ông phân tích. Nhờ vậy mà Vinfast không cần bỏ thêm tiền đầu tư
vào hệ thống các trạm sạc như Tesla.

Ông Lộc cũng cho rằng việc Vinfast chọn mẫu SUV để ra mắt là ‘đã đánh
trúng vào thị hiếu thị trường Mỹ’ và ‘tranh thủ được chỗ trống trên thị
trường’.

“Đi vào thị trường Mỹ với mẫu xe SUV là chiến lược rất thông minh,” ông nói.

Theo giải thích của ông thì ‘người Mỹ rất ưa chuộng dòng xe SUV và
ngày càng có nhiều người Mỹ chuyển từ mẫu xe sedan sang SUV’. “Hiện tại ở
Mỹ ước tính mỗi năm bán được 4 triệu chiếc SUV, cao hơn lúc khác,” ông
cho biết.

Tuy nhiên, lợi thế lỗ hổng thị trường (niche market)
mà Vinfast có được để xâm chiếm thị trường khi chưa có hãng xe điện nào
tung ra mẫu SUV ở Mỹ ‘chỉ là tạm thời’ và Vinfast phải ‘tận dụng thật
nhanh’ vì ‘sớm muộn gì các hãng khác cũng tung ra mẫu SUV’, cũng theo
lời ông Lộc.

“Nếu hãng khác cũng tung ra SUV thì khó biết liệu Vinfast có cạnh tranh nổi hay không,” ông nói.

‘Lợi thế cạnh tranh’

Tương tự, vị giáo sư này nhận định rằng tầm xa (range) mà
mẫu xe Vinfast có thể chạy được trong một lần sạc ‘chắc chắn cũng là lợi
thế cạnh tranh lớn của Vinfast nhưng không lâu dài’.

Hai mẫu xe VF e35 cỡ trung và VF e36 cỡ lớn của Vinfast có tầm chạy
tương ứng lên đến 310 và 422 dặm cho một lần sạc đầy, so với phạm vi từ
262 cho đến 405 dặm của hãng Tesla – hãng xe điện đang thống lĩnh thị
trường Mỹ – tùy mẫu xe.

“Tesla với khả năng tài chính của họ thì những gì Vinfast làm họ cũng sẽ làm thôi,” ông nói.

Ngoài ra, ông cũng chỉ ra hãng xe Việt Nam tung ra chiêu là ‘cho thuê
bình điện, nhờ đó khách hàng có thể đổi bình dễ dàng’ là chiêu ‘rất
cạnh tranh’ vì bình điện là thành phần quan trọng và đắt đỏ của xe điện
mà cho đến nay chưa hãng nào ở Mỹ cho thuê hay cho đổi.

Về giá bán, Vinfast chưa hề tiết lộ giá bán trên thị trường Mỹ. Giám
đốc điều hành Vinfast, ông Michael Lohscheller, nói rằng ‘vẫn có quá sớm
để nói về giá bán’ và Vinfast ‘muốn đem đến chất lượng đẳng cấp thế
giới, giá cả hợp lý và dịch vụ tốt’.

Giáo sư Khương Hữu Lộc nhận định rằng đây là ‘chiêu của Vinfast’ để
‘khách hàng tập trung vào công dụng, tính năng và chất lượng của xe để
không bị xao lãng vì giá’.

“Họ muốn người ta thích xe của họ trước rồi mới nói giá sau,” ông giải thích.

Mẫu xe VF e34 nhỏ hơn bán ở thị trường Việt Nam có giá 690 triệu
đồng, tức khoảng 30.500 đô la Mỹ, trong khi giá khởi điểm của một chiếc
Tesla hiện vào khoảng 47.000 đô la.

“Nếu Vinfast ra giá cao hơn vừa phải [so với Tesla] thì có thể cạnh
tranh được, chứ nếu giá cao quá thì không thể,” ông Lộc cảnh báo. “Ở Mỹ
Tesla đồng nghĩa với xe điện. Không ai bỏ ra một số tiền lớn mua một
loại xe cạnh tranh với Tesla.”

Ông cho rằng một chiến thuật mà Vinfast có thể áp dụng là ‘sẵn sàng hạ giá xe để thăm dò thị trường rồi từ từ gia tăng sau’.

Thách thức

Ông Lộc cũng chỉ ra thách thức lớn nhất đối với Vinfast là ‘nhận diện
thương hiệu’ vì Vinfast là một hãng xe mới toanh đến từ một đến nước
không có danh tiếng gì về công nghệ trên trường quốc tế như Việt Nam.

“Nếu giá xe từ 50 ngàn đô la trở lên thì thương hiệu rất quan trọng,
còn dưới 50 ngàn thì không sao, miễn sao xe bền, rẻ, bảo đảm,” ông phân
tích.

“Trong khi đó chiến lược của Vinfast là đánh vào phân khúc cao cấp.
Giá cao mà thương hiệu mờ nhạt sẽ là thách thức của Vinfast,” ông nói
thêm.

Do đó, ông cho rằng thay vì nhấn mạnh mình là một hãng xe mới toanh,
Vinfast nên tập trung quảng bá những thành tích công nghệ của họ trong
quá khứ như sản xuất máy thở, đã bán được bao nhiêu mẫu xe điện ở Việt
Nam… và nói rõ các công nghệ của họ như thế nào, lấy từ đâu, hệ thống
lắp ráp tự động… để thuyết phục người tiêu dùng Mỹ.

“Nếu không người ta sẽ nghĩ là xứ Việt Nam chế xe thì ai tin tưởng
được?” ông phân tích. “Thị trường Mỹ có thể dễ dàng làm quen với mẫu xe
mới nhưng cũng rất kỹ tính [picky].”

Ngoài ra, hệ thống đại lý hậu mãi, sửa chữa, phụ tùng thay thế cũng
sẽ là một thách thức lớn cho một hãng xe mới như Vinfast. Tuy nhiên, ông
Lộc chỉ ra việc Vinfast ‘sẵn sàng mở 50 đại lý trên khắp California ’
và nói rằng nếu họ làm được thì mọi việc ‘sẽ đơn giản hơn’.

“Vinfast có tiềm lực tài chính mạnh và ông Vượng cũng đã nói là ông
sẵn sàng chịu lỗ 2 tỷ đô la để xâm nhập thị trường Mỹ,” ông Lộc lưu ý.

Bài học Trung Quốc

Giáo sư Khương Hữu Lộc cho rằng khi quyết định đánh vào phân khúc cao
cấp với dòng SUV, Vinfast đã học được bài học từ các hãng xe điện Trung
Quốc đi trước và thất bại ở thị trường Mỹ .

“Trung Quốc thất bại là vì họ đưa vào Mỹ những xe điện với công nghệ
và thiết kế của họ và lại đánh vào phân khúc giá rẻ nên không cạnh tranh
lại với Ford hay Hyundai,” ông nói.

“Vinfast thấy được thị trường SUV ở Mỹ mà SUV theo định nghĩa là người có tiền mới xài,” ông giải thích.

“Do đó, Vinfast cần tập trung giới thiệu kỹ về công nghệ,” ông khuyên.

Lợi thế lớn nhất mà Vinfast có thể tận dụng, theo lời ông Lộc, là sự khan hiếm xe trên thị trường. “Họ có thể giao xe kịp thời hay không sẽ là điểm cốt yếu để họ đánh trúng vào thị trường Mỹ,” ông lập luận.

Tuy nhiên, ông dự đoán với tình hình khan hiếm chip như hiện nay thì Vinfast ‘sẽ gặp khó khăn trong nửa đầu năm 2022’.

Trước tình hình đó, ông Lộc khuyến nghị Vinfast nên làm sao ‘tăng cường sự tiếp cận của người dùng’ [consumer exposure]
bằng cách thay vì bán xe cho khách hàng cá nhân thì nên ‘giao xe cho
các hãng thuê xe để nhiều người ở Mỹ được tiếp cận xe Vinfast hơn’.

“Nếu họ ra đủ xe để có đủ bán cho người mua cá nhân có thể sẽ không
kịp, như thế thì sẽ không có sự quảng cáo truyền miệng,” ông giải thích.
“Nếu bán thì một chiếc chỉ có một người chạy, còn cho thuê thì trong
một tuần có thể có đến 5 người xài.”

Giáo sư Lộc cũng chỉ ra việc Tesla trong giai đoạn đầu có chính sách
là ‘bán giá đặc biệt và yêu cầu khách hàng ký cam kết là nếu xe có vấn
đề gì thì họ phải đến gặp Tesla để được giải quyết, đền bù chứ không nói
với báo chí’. “Nhờ vậy mà xe Tesla ra mắt không gặp vấn đề gì hết,” ông
cho biết.

“Trong khi ở Việt Nam tôi có biết là có người than phiền chất lượng
xe thì Vinfast dọa báo công an đến bắt,” ông nói thêm. “Cách làm như vậy
chắc chắn sẽ thất bại ở Mỹ.”

Còn việc Vinfast đánh vào người Việt ở Mỹ là cánh cửa để bước vào thị trường Mỹ, Giáo sư Lộc cho là ‘con dao hai lưỡi’.

“Đa số người Mỹ gốc Việt có đầu óc chống Cộng sẽ chống đối xe Vinfast đến cùng,” ông nói.

“Mua một chiếc Vinfast cũng không giúp tăng thể diện cho họ mà đối với người Việt việc nở mặt nở mày là rất quan trọng,” ông nhận định.

https://www.voatiengviet.com/a/vinfast-v%C3%A0o-th%E1%BB%8B-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-m%E1%BB%B9-%C4%91%C3%BAng-l%C3%BAc-%C4%91%C3%BAng-ch%E1%BB%97-%C4%91%C3%BAng-xe-/6357709.html

(Reuters) – Trung Quốc chỉ trích Nhật «chính trị hóa» Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh. Đại sứ Trung Quốc tại Tokyo Khổng Huyễn Hựu (Kong Xuanyou) sáng nay, 16/12/2021, lấy làm tiếc là thủ tướng Fumio Kishida thông báo không đến dự sự kiện thể thao này và đe dọa Nhật Bản tránh «can thiệp vào hồ sơ Đài Loan». Sau Hoa Kỳ, đến lượt Nhật Bản thông báo tẩy chạy ngoại giao nhằm phản đối Bắc Kinh đàn áp người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, uy hiếp Đài Loan và chà đạp dân chủ Hồng Kông.

(AFP) – Bắc Triều Tiên cố che đậy những vụ hành quyết trong nước. Theo báo cáo của Nhóm Công tác Tư pháp Chuyển tiếp (TJWG) có trụ sở tại Seoul, Bắc Triều Tiên tiếp tục thực hiện các vụ hành quyết công khai nhưng cố gắng che dấu đối với thế giới bên ngoài để giữ gìn hình ảnh đối ngoại. Tổ chức này đã phân tích các hình ảnh vệ tinh và thu thập 442 lời khai liên quan đến 23 người bị bắn hoặc treo cổ nơi công cộng kể từ khi Kim Jong Un lên nắm quyền vào tháng 12/2011.

(Reuters) – Hãng hàng không Qantas của Úc chọn mua máy bay Airbus của châu Âu. Châu
Âu vừa ghi được bàn thắng trong cuộc đọ sức với Boeing của Mỹ. Ngày
16/12/2021 Qantas Airways thông báo đặt mua thêm 20 chiếc máy bay loại
A321XLR và 20 chiếc A220. Thêm vào đó hãng hàng không Úc đặt cọc mua
thêm 94 chiếc máy bay khác của Airbus. Đợt giao hàng đầu tiên dự trù vào
giữa năm 2023 và trải dài trong một thập niên. Qantas từng bước thay
thế 75 chiếc Boeing lớp 737 và 717 bắt đầu cũ. 

(Nikkei Asia) – Đài Loan hạn chế bán cổ phần các công ty công nghệ cho Trung Quốc. Dự
thảo các quy định mới sẽ được gửi đến Quốc Hội ngày 17/12 và sẽ có hiệu
lực vào cuối năm 2021 hoặc muộn nhất là tháng 01/2022. Như vậy, cơ quan
chức năng Đài Loan sẽ sớm có thêm quyền hạn để ngăn chặn việc các công
ty công nghệ của hòn đảo bán công ty con hoặc cổ phần cho Trung Quốc,
nhằm ngăn ngừa việc rò rỉ sang Trung Quốc các công nghệ nhạy cảm, trong
đó có công nghệ chất bán dẫn.

(AFP) – Nợ của thế giới năm 2021 lên đến mức kỷ lục: 226.000 tỉ đô la, tương đương 256% tổng GDP toàn cầu. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế ngày 15/12/2021 thông báo đây là hệ quả của khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra. Khoản nợ nói trên đã tăng 28%, mức tăng cao nhất tính từ Đệ Nhị Thế Chiến. Các khoản nợ của chính phủ các nước chiếm đến gần 40% tổng các khoản nợ trên thế giới, mức cao nhất tính từ giữa những năm 1960.

(AFP) – Liên Hiệp Quốc tố cáo tình trạng vi phạm nhân quyền xảy ra khắp nơi ở Ukraina. Thông
báo được Liên Hiệp Quốc đưa ra ngày 15/12/2021 trong khi Tây phương
đang tập trung vào mối lo ngại Nga xâm lược Ukraina. Phát biểu trước Hội
Đồng Bảo An, Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc Nada Al-Nashif lo ngại về
tình trạng chính phủ Ukraina hạn chế quyền tự do ngôn luận, hạn chế các
ý kiến chỉ trích, các cuộc tập hợp ôn hòa về các chủ đề nhạy cảm, cũng
như về sự an toàn của các nhà hoạt động nhân quyền.

(AFP) – Con gái nhà đối lập Nga Alexei Navalny nhận giải thưởng Sakharov của Nghị Viện Châu Âu cho người cha đang bị cầm tù ở Nga. Giải thưởng nhân quyền của Liên Âu đã được trao ngày 15/12/2021 tại trụ sở Nghị Viện Châu Âu ở Strasbourg, Pháp. Daria Navalnaya, cô con gái 20 tuổi của Alexei Navalny hiện là sinh viên, tại buổi lễ đã kêu gọi Liên Âu đối đầu với tổng thống Nga Vladimir Putin, người cô cho là có thể phát động một cuộc chiến chỉ để được biết đến nhiều hơn.

(AFP) – Vụ tai nạn hầm mỏ than khiến 51 người chết ở Nga hồi tháng 11/2021: chủ tập đoàn SDS-Ougol bị bắt giữ. Các nhà điều tra Nga ngày 15/12/2021 thông báo Mikhail Fediaiev, chủ mỏ than Listviajnaia trị giá hàng trăm triệu euro tại Siberi, bị tạm giam đến ngày 14/02/2022, tổng giám đốc, giám đốc kỹ thuật và kỹ sư trưởng mỏ than bị tạm giữ đến ngày 25/01/2022 năm 2022. Họ bị nghi ngờ vi phạm các quy định an toàn công nghiệp và lạm dụng chức quyền. Mikhail Fediaiev, 59 tuổi, đứng thứ 177 trong danh sách những người giàu nhất Nga năm 2019. Con trai ông là dân biểu đảng Nước Nga Thống Nhất. 

(AFP) – Philippines: Hàng nghìn người sơ tán vì cơn bão Rai. Chính quyền Philippines cho biết bão lớn Rai, tạo ra gió lớn và mưa xối xả đã ập đến miền trung và miền nam đất nước này vào hôm nay 16/12/2021, buộc hàng chục nghìn người dân phải sơ tán. Theo Cơ quan Phòng chống Thiên tai Quốc gia, hơn 45.000 người đã đến những nơi trú bão khẩn cấp. Nỗ lực sơ tán vẫn tiếp tục tại những khu vực nằm trên đường đi của bão.

(Reuters) – Mỹ chuẩn bị thông báo một phần mềm mới được coi là công cụ cho phép báo trước phản ứng của Trung Quốc về những hoạt động quân sự, chính trị của Washington. Thứ trưởng bộ Quốc Phòng Mỹ, Kathleen Hicks, hôm 14/12/2021 phát biểu tại một cuộc họp ở Hawaii đưa ra một số thí dụ cụ thể về tác dụng của công cụ đó như là: báo trước về phản ứng của Trung Quốc sau một vụ Mỹ bán vũ khí, hay can thiệp về mặt quân sự tại một khu vực nào đó, hoặc đơn giản hơn là về phản ứng của Bắc Kinh nếu như một phái đoàn các dân biểu Mỹ công tác tại những điểm nóng, như Đài Loan.

(AFP) – Tổng thống Biden bổ nhiệm con gái cố tổng thống Kennedy làm đại sứ Mỹ ở Úc.  Nhà Trắng cho biết vào hôm qua 15/12/2021, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã chọn Caroline Kennedy, người con sống sót cuối cùng của cố tổng thống John F. Kennedy, làm đại sứ Hoa Kỳ tại Úc. Tại Canberra, nhiệm vụ của bà sẽ là củng cố mặt trận chung giữa Hoa Kỳ và Úc trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc ở Ấn Độ – Thái Bình Dương.

(AFP) – Tổng thống Macron nói chuyện trên đài truyền hình, nhưng chưa chính thức thông báo ra tranh cử. Trong
hai giờ đồng hồ, tối qua 15/12/2021 nguyên thủ Pháp trả lời hai nhà báo
trên đài truyền hình tư nhân TFI. Đây cũng là dịp để ông đề cập đến
những thành quả đạt được từ khi bước vào điện Elysée năm 2017. Tránh nêu
đích danh các đối thủ chính trị, nhưng ông đã phản bác một số đề xuất
của các ứng cử viên sẽ ra tranh cử tổng thống vào tháng 4/2022. Emmanuel
Macron cũng chưa thông báo tái tranh cử thêm một nhiệm kỳ thứ nhì,
nhưng khẳng định « không thể thay đổi tình hình đất nước trong 5 năm ».
Cứ 5 năm một lần, cử tri Pháp bầu lại tổng thống. 

(AFP) – Nữ hoàng Anh hủy bữa tiệc Giáng Sinh vì Omicron. Báo chí Luân Đôn ngày 16/12/2021 cho biết tin trên. Hàng năm nữ hoàng Elizabeth II vẫn chủ trì bữa tiệc truyền thống này. Năm nay sự kiện nói trên dự trù được tổ chức tại lâu đài Windsor nhưng tình hình y tế tại Anh Quốc đang xấu đi, nhiều người cũng đã từ bỏ kế hoạch đi ăn hiệu. Giờ này năm ngoái vương quốc Anh phải đối mặt với biến thể mới của virus corona còn được gọi là biến thể Alpha. Lần này đến lượt Omicron làm xáo trộn mùa tết lễ cuối năm của người dân Anh, kể cả của nữ hoàng.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211216-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p