Tin Tổng Hợp – 16/1/22

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 16/1/22

(AFP) – Đan Mạch và Hà Lan sẽ không cử đại diện chính thức đến Thế Vận Hội Bắc Kinh 2022. Đan
Mạch ngày 14/01/2022 thông báo việc sẽ không cử đại diện chính thức đến
Bắc Kinh trong thời gian diễn ra Thế Vận Hội Mùa Đông vì vấn đề nhân
quyền ở Trung Quốc. Đây là một quyết định tẩy chay ngoại giao. Về phần
mình, đại diện chính thức của Hà Lan cũng sẽ vắng mặt, nhưng chính quyền
Hà Lan đã từ chối xem đó là hành động tẩy chay.  

(Kyodo) – Xe lửa chở hàng của Bắc Triều Tiên đến Trung Quốc sau một thời gian dài gián đoạn. Một
chuyến tàu chở hàng từ BắcTriều Tiên đã đến thành phố biên giới Đan
Đông, bên phía Trung Quốc, vào ngày 16/01/2022, sau một khoảng thời gian
dài gián đoạn do đại dịch virus corona. Tuy nhiên vẫn chưa chắc chắn là
liệu hai nước có sớm nối lại thương mại chính thức hay không. 

(Reuters) – Chương trình chia sẻ vac-xin toàn cầu đạt mốc 1 tỷ liều. Chương
trình chia sẻ vac-xin toàn cầu COVAX đã phân phối được 1 tỷ liều
vac-xin Covid-19. Gavi, một trong những tổ chức quản lý chương trình của
Tổ Chức Y Tế Thế Giới, đã cho biết như trên vào hôm qua, 15/01/2022.
Nguồn cung cấp vac-xin cho các quốc gia nghèo từng rất bị hạn chế vì các
nước giàu đã giữ hầu hết các liều ban đầu có sẵn từ tháng 12 năm 2020.
Nhưng trong quý vừa qua, các lô hàng đã tăng theo cấp số nhân, cho phép
COVAX đạt mốc 1 tỷ liều được vận chuyển tới 144 quốc gia. 

(AFP) – Ukraina có bằng chứng Nga đứng sau vụ tấn công tin học.
Cục Chuyển đổi Kỹ thuật số Ukraina hôm chủ nhật, 16/01/2022 cho biết có
bằng chứng về việc Nga tham gia vào cuộc tấn công tin học nhắm vào một
số trang mạng của chính phủ Ukraina trong tuần này. Phía Ukraina cho
rằng cuộc tấn công này không chỉ nhằm « đe dọa xã hội mà còn gây bất ổn cho Ukraina » qua việc làm suy yếu niềm tin của người dân Ukraina vào chính phủ của họ. 

(AFP) – Quốc Hội Pháp chuẩn bị thông qua giấy chứng nhận tiêm chủng.
Sau hai tuần tranh luận căng thẳng, Quốc Hội Pháp chiều chủ nhật,
16/01/2022, phải thực hiện cuộc bỏ phiếu cuối cùng để thông qua dự luật
về giấy chứng nhận tiêm chủng. Với trung bình khoảng 300 000 ca nhiễm
ghi nhận mỗi ngày trong tuần vừa qua, chính phủ Pháp hy vọng sớm thông
qua văn bản luật này, dự kiến vào 20/01. Nếu vậy, người dân sẽ phải xuất
trình giấy chứng nhận tiêm chủng để có thể tham gia vào các hoạt động
giải trí, văn hóa xã hội hay di chuyển trên các phương tiện giao thông
liên vùng. Điều kiện về giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 sẽ không
đủ, trừ trường hợp dùng để đi đến các cơ sở y tế.

(AFP) – Miến Điện: Hàng trăm nhà sư chạy trốn chiến sự. Theo nhiều lời nhân chứng xin ẩn danh với hãng tin Pháp hôm nay, 16/01/2022, từ nhiều ngày qua, hai thành phố Loikaw và Demoso, nằm cách Naypyidaw 200 km về phía đông, là chiến trường của những cuộc giao tranh dữ dội giữa quân đội Miến Điện và phe nổi dậy. Quân đội chính phủ tiến hành các cuộc không kích và nã pháo. Hệ quả là ở Loikaw, khoảng 30 chục ngôi chùa đã bị bỏ hoang. Hàng trăm nhà sư rời bỏ thành phố tren hàng chục xe tải nhỏ. Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, các cuộc không kích và các đợt nã pháo của quân đội tại Loikaw buộc gần 90 ngàn thường dân phải rời bang Kayah. Truyền thông địa phương đưa con số 170 ngàn người phải đi sơ tán. 

(RFI) – Mỹ: Con tin bị giữ ở Texas được giải phóng, nghi can bị hạ sát. Theo thông báo của thống đốc bang Texas, ngày 15/01/2022, tất cả các con tin bị một người đàn ông bắt giữ trong một giáo đường Do Thái ở Collyville, bang Texas đều đã được giải phóng an toàn. Kênh truyền hình ABC cho biết có 4 người bị giữ làm con tin, trong đó có một giáo sĩ Do Thái. Thủ phạm cho biết anh ta là anh trai của một phụ nữ Pakistan bị kết tộikhủng bố. Nghi can sau đó đã bị hạ sát trong cuộc tấn công của lực lượng an ninh Mỹ.

 https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220116-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

(The Diplomat) – Philippines xác nhận mua hệ thống tên lửa siêu thanh BrahMos của Ấn Độ. Hôm
14/01/2022, Philippines đã chính thức trở thành quốc gia nước ngoài đầu
tiên sở hữu tên lửa chống hạm siêu âm BrahMos do Ấn Độ và Nga sản xuất.
Bộ Quốc Phòng Philippines thông báo đề nghị cung cấp hệ thống tên lửa
chống hạm trị giá 374 triệu USD của BrahMos Aerospace Pvt Ltd, đưa ra
ngày 31/12/2021, đã trúng thầu. Thông báo của bộ Quốc Phòng Philippines
được đưa ra sau khi cơ quan phụ trách ngân sách công bố ngân sách ban
đầu cho “kế hoạch mua hệ thống tên lửa chống hạm đặt trên bộ, và máy bay
trực thăng chiến đấu”. Hệ thống tên lửa siêu thanh nói trên cho phép
tăng cường khả năng tác chiến của hải quân Philippines tại Biển Đông.
Philippines từ lâu quan tâm đến hệ thống vũ khí BrahMos, được liên doanh
Ấn Độ – Nga BrahMos Aerospace phát triển, liên doanh thành lập năm 1998
ở Ấn Độ. 

(South China Morning Post) – Nhật Bản nâng cấp máy bay chiến đấu F-15 có thể khiến Trung Quốc lo ngại.
Báo mạng Hồng Kông hôm qua, 14/01/2022, dẫn lời ông Timothy Heath, một
chuyên gia an ninh cấp cao thuộc tổ chức tư vấn Rand Corporation của Mỹ,
cho biết hợp đồng của Nhật Bản với Boeing sẽ làm gia tăng cuộc chạy đua
vũ trang đang diễn ra giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Chuyên gia của Rand
Corporation giải thích : “Việc nâng cấp F-15 của Nhật Bản có thể được
Trung Quốc coi như một dấu hiệu cho thấy Nhật Bản quyết tâm theo đuổi
quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ, duy trì một trật tự khu vực với quyền
thống trị của Hoa Kỳ và Nhật Bản, điều mà Bắc Kinh đang tìm cách thay
đổi”.  Từ cuối tháng 12/2021, Nhật Bản và tập đoàn Mỹ Boeing đã thống
nhất thỏa thuận nâng cấp phi đội F-15J Eagles của Lực lượng Phòng vệ
Trên không của Nhật Bản (JASDF), biến F-15J thành F-15 Super
Interceptor, với khả năng phòng ngự mạnh hơn nhiều lần. 

( AFP ) – Miến Điện: Aung San Suu Kyi lại bị truy tố về tham nhũng. Lãnh đạo chính phủ dân sự bị lật đổ Aung San Suu Kyi, vốn đã bị tập đoàn quân sự kết án 6 năm tù, hôm qua, 14/01/2022, lại bị truy tố về tội tham nhũng. Theo báo chí do chính quyền quân sự kiểm soát, giải Nobel Hòa bình 1991 bị cáo buộc đã gây thiệt hại tài chính cho nhà nước Miến Điện do vi phạm các quy định về thuê và mua trực thăng. Bà Aung San Suu Kyi đã bị giam kể từ cuộc đảo chính quân sự ngày 01/02/2021.

( AFP ) – Trung Quốc: Omicron lan đến một thành phố gần Macao. Hôm nay, 15/01/2022, thành phố Châu Hải ( Zhuhai), nằm gần Macao, đã dừng các tuyến xe bus công cộng sau khi phát hiện ít nhất 7 ca nhiễm biến thể Omicron. Chính quyền thành phố yêu cầu 2,4 triệu dân Châu Hải không được rời khỏi thành phố này, nơi mà các rạp chiếu phim, phòng tập thể dục, tiệm hớt tóc,… đã đóng cửa từ thứ năm vừa qua.

AFP ) – Anh Quốc: Phủ thủ tướng ăn nhậu mỗi thứ Sáu. Nhật báo The Mirror hôm nay, 15/01/2022, tiết lộ là cứ mỗi thứ sáu, ngay trong thời gian Anh Quốc phong tỏa chống dịch Covid-19, các buổi « tiệc khai vị » lại được tổ chức ở Phủ tướng. Thêm một cáo buộc khiến vị thế của thủ tướng Boris Johnson thêm suy yếu, ngay cả trong hàng ngũ đảng Bảo Thủ của ông, một số người tỏ thái độ bất bình. Lãnh đạo Công đảng đối lập Keir Stammer đã kêu gọi ông Johnson từ chức.

(RFI) – Thụy Điển hỗ trợ 600 euro cho các hộ gia đình để đối phó với giá năng lượng tăng. Thông tín viên RFI Frédéric Faux hôm 15/01/2021, cho biết người dân Thụy Điển sẽ nhận được giúp đỡ nhà nước để trả tiền sưởi và hóa đơn tiền điện, để bù lại giá năng lượng tăng. Một biện pháp được đánh giá là chưa từng có ở một quốc gia có nền kinh tế rất tự do. Bộ trưởng bộ Tài Chính, Mikael Damberg, đã tuyên bố thực hiện “một biện pháp ngoại lệ, để ứng phó với một tình huống ngoại lệ”. Các hộ gia đình có mức tiêu thụ vượt quá 2.000 kWh/tháng trong khoảng thời gian từ tháng 12/2021 đến tháng 2/2022 sẽ nhận được khoản trợ cấp lên tới 600 euro, mà không cần yêu cầu.  

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220115-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

(AFP) – Thị thực của Novak Djokovic lại bị hủy. Hôm nay 14/01/2022 bộ trưởng bộ Di Trú Úc đã quyết định hủy thị thực của tay vợt số 1 thế giới, 1 tuần sau khi Djokovic bị cơ quan biên phòng nước này hủy thị thực. Nếu bị trục xuất, anh có thể sẽ bị cấm nhập cảnh vào Úc trong vòng 3 năm.

(AFP) – Thống đốc California từ chối ân xá kẻ ám sát Robert Kennedy. Thống đốc bang California Gavin Newsom hôm qua 13/01/2022 đã bác bỏ lệnh ân xá cho Sirhan Sirhan 77 tuổi, kẻ đã ám sát Robert Kennedy, em trai cố tổng thống John Kennedy vào năm 1968. Ông Newsom nhận định rằng y vẫn là một «mối đe dọa đối với an ninh công cộng».

(AFP) – Các nhà lãnh đạo dân chủ cần phải chống lại những kẻ chuyên quyền một cách tích cực hơn. Hôm
12/01/2022 người đứng đầu tổ chức Human Rights Watch (HRW) Kenneth Roth
đã chỉ trích các nhà lãnh đạo dân chủ không bảo vệ hiệu quả các giá trị
cơ bản của nền dân chủ, tạo điều kiện cho các chế độ chuyên chế lên nắm
quyền tại nhiều nơi trên thế giới.

(Reuters) – Tấn công tin học quy mô lớn nhắm vào nhiều trang mạng của chính quyền Ukraina. Cuộc
tấn công diễn ra trong đêm thứ Năm qua thứ Sáu, 14/01/2022. Đến sáng
hôm nay, một số trang mạng vẫn bị tê liệt. Chính quyền Kiev mở điều
tra. Đại diện Bộ Nội vụ Ukraina nói với Reuters là còn quá sớm để xác
định thủ phạm đứng sau cuộc tấn công này, nhưng nhắc lại là Nga từng
thực hiện nhiều cuộc tấn công tương tự trong quá khứ. Liên Âu ngay lập
tức lên án các cuộc tấn công tin tặc nhắm vào Ukraina, và cam kết huy
động mọi nguồn lực để hỗ trợ. Lãnh đạo ngoại giao Liên Âu tuyên bố như
trên từ Brest, Pháp, nơi ông đang tham dự cuộc họp với các ngoại trưởng
EU.  

(AFP) – Ủy ban Quốc Hội Mỹ điều tra về vụ tấn công Quốc Hội đầu 2021, chỉ định bốn mạng xã hội làm chứng. Theo
yêu cầu của ủy ban điều tra Quốc Hội Mỹ, Alphabet (công ty mẹ của
YouTube), Meta (công ty mẹ của Facebook), Reddit và Twitter là các công
ty được chỉ định. Hai câu hỏi được các nhà điều tra đặc biệt quan tâm.
Thứ nhất là việc lan truyền thông tin sai lệch đã góp phần như thế nào
vào cuộc tấn công này (cuộc tấn công do những người ủng hộ tổng thống
thất cử Donald Trump tiến hành, với mục tiêu ngăn chặn việc Quốc Hội
thông qua kết quả bầu cử). Và thứ hai là nếu điều này xảy ra, các mạng
xã hội đã thực hiện các biện pháp nào để ngăn chặn việc nền tảng của họ
trở thành mảnh đất thuận lợi cho các hoạt động cực đoan. 

(AFP) – LHQ tố cáo gia tăng ngôn từ kích động thù địch ở Serbia và Bosnia. Ngày 14/01, Liên Hiệp Quốc đã bày tỏ lo ngại về sự gia tăng các lời lẽ thù hận ở Serbia và Bosnia- Herzégovina, đang thúc đẩy « bầu không khí sợ hãi và bất an », vài tháng trước các cuộc bầu cử ở hai nước này. Người phát ngôn của Phủ Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho biết « vô cùng lo ngại » về việc nhiều người « ca ngợi các hành vi tàn ác » và các tội phạm chiến tranh bị kết án, và có lời lẽ căm thù nhắm vào một số cộng đồng, thậm chí trực tiếp kích động bạo lực. Tình hình tại nước Cộng hòa Republika Srpska (RS) thuộc nhà nước liên bang Bosnia-Herzégovina, nơi đa số dân cư là người Serbia, đặc biệt gây lo ngại.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220114-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

(EconomicTimes) – Đài Loan duyệt ngân sách 8,6 tỷ đô la cho quân sự. Trong
bối cảnh căng thẳng gia tăng với Trung Quốc, hôm 11/01/2022 Quốc Hội
Đài Loan đã thông qua dự luật chi tiêu quốc phòng bổ sung 8,6 tỷ đô la.
Ngân sách bổ sung chi cho kế hoạch chế tạo hoặc mua các dòng tên lửa
chính xác, sản xuất tàu chiến trong thời gian ngắn để cải thiện mạnh
năng lực phòng thủ trên biển và trên không.

(AFP) – Đa số người Mỹ lo nền dân chủ bị sụp đổ. Theo
một cuộc thăm dò dư luận do đại học Quinnipiac tiến hành và được công
bố hôm qua 12/01/2022, 76% người Mỹ coi bất ổn chính trị là mối đe dọa
lớn nhất đối với Hoa Kỳ, và nền dân chủ có thể “sụp đổ”, một năm sau vụ
tấn công vào điện Capitol của những người ủng hộ cựu tổng thống Donald
Trump.

(Reuters) – Úc vẫn chưa đưa ra quyết định về việc trục xuất Novak Djokovic. Cho
đến hôm nay 13/01/2022, bộ trưởng bộ Di Trú Úc Alex Hawke vẫn chưa đưa
ra quyết định cuối cùng về việc có trục xuất tay vợt số 1 thế giới hay
không. Tuy nhiên, Djokovic vẫn nằm trong danh sách các tay vợt tham giải
quần vợt Úc mở rộng khai mạc vào 17/01.

(AFP) – Hoa Kỳ bắt giữ bác sỹ cung cấp chất kích thích bị cấm cho vận động viên dự Thế Vận Hội Tokyo 2020. Bộ
Tư Pháp Hoa Kỳ hôm qua 12/01/2022 thông báo người bị cáo buộc là bác sỹ
Eric Lira, đã bị bắt, theo Đạo luật Rodchenkov ban hành vào cuối năm
2020. Đạo luật này cho phép các công tố viên có thể đề nghị mức án tù
tối đa 10 năm và khoản tiền phạt lên đến 1 triệu đô la đối với những
người vi phạm.

(AFP) – Mỹ: Lạm phát lên cao chưa từng có tính từ gần 40 năm nay. Mức lạm phát ở Mỹ trong năm 2021 đã tăng tới 7%, cao nhất tính từ năm 1982, theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mà bộ Lao Động Mỹ công bố hôm qua 12/01/2022. Phe Cộng Hòa chỉ trích chính sách điều hành kinh tế của tổng thống Mỹ Joe Biden mà họ gọi là « Bidenflation ». Ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) lo ngại vì phải đối mặt mới mức lạm phát tăng nhanh trong thời gian ngắn kỷ lục.

(AFP) – 8 nước mất quyền biểu quyết tại Liên Hiệp Quốc do nợ niên liễm nghiêm trọng. Thông
báo được tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guteress đưa ra với các
thành viên Đại Hội Đồng tối 11/01/2022. Tám nước mất quyền bỏ phiếu là
Iran, Sudan, Venezuela, Congo, Guinea, Antigua- Barbuda, Vanuatu và
Papouasie-Nouvelle-Guinée. Số tiền Iran phải đóng cho Liên Hiệp Quốc để
có lại quyền biểu quyết là 18 triệu đô la, Venezuela 40 triệu đô la,
Sudan gần 300.000 đô la. Năm ngoái, Iran cũng từng bị tước quyền biểu
quyết. Teheran khi đó nói là không có tiền để nộp niên liễm cho Liên
Hiệp Quốc do lệnh cấm vận kinh tế và tài chính của Mỹ.

(AFP) – Đức ra phán quyết lịch sử về tội ác của chế độ Syria. Hôm nay 13/01/2022, Tư pháp Đức ra phán quyết về vụ một cựu đại tá của cơ quan tình báo Syria dưới chế độ Bachar Al Assad phạm tội ác chống nhân loại. Anwar Raslan, 58 tuổi, rời Syria hồi năm 2012, nhưng trước đó đã giết hại 58 người và tra tấn 4.000 người trong trại tập trung Al Khatib, tại Damas, từ ngày 29/04/2011 đến ngày 07/09/2012. Đây là lần đầu tiên một tòa công lý trên thế giới có vụ xử tội ác chống nhân loại nhắm vào người thuộc chế độ của tổng thống Syria Bachar Al Assad. Anwar Raslan đã bị Tư pháp Đức kết án chung thân.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220113-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

(AFP) – Đài Loan cấp tín dụng 1 tỷ đô la cho Litva. Theo
thông báo ngày hôm qua 11/01/2022 của Đài Loan, khoản tín dụng này tài
trợ những dự án của các doanh nghiệp Litva hiện đang bị Trung Quốc gây
sức ép kinh tế sau khi Litva cho phép Đài Loan mở cơ quan đại diện ngoại
giao tại Vilnius vào tháng 11/2021.

(AFP) – Hồng Kông ra luật bao gồm nhiều tội danh mới về «an ninh quốc gia». Lãnh đạo đặc khu tuyên bố như trên vào hôm nay, 12/01/2022, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Lập pháp Hồng Kông. Lãnh đạo đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga không nêu rõ những tội danh mới này, nhưng cho biết luật mới sẽ phù hợp với « Luật cơ bản », tức Hiến pháp đặc khu. Luật An ninh Quốc gia đã được Bắc Kinh áp đặt vào tháng 6/2020 tại Hồng Kông để đáp trả các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ quy mô lớn. Bộ luật rất mơ hồ, khiến cho hầu hết hình thức bất đồng chính kiến đều bị coi là bất hợp pháp tại cựu thuộc địa Anh Quốc, từng được coi là thành lũy của các quyền tự do dân sự. Luật An ninh Quốc gia trừng phạt các tội « ly khai », « lật đổ », « khủng bố » và « cấu kết với các thế lực nước ngoài ».

(Reuters) – Điều tra của Diễn đàn Kinh tế Thế giới: Biến đổi khí hậu là đe dọa số 1. Theo kết quả thăm dò trong báo cáo về các rủi ro hàng năm được WEF đưa ra hôm qua, 11/01, 2022, biến đổi khí hậu được coi là đe dọa số 1. Khảo sát cho thấy thời tiết cực đoan được coi là rủi ro lớn nhất trong ngắn hạn. Saadia Zahidi, giám đốc điều hành WEF, cho biết: « Các lãnh đạo toàn cầu phải hợp sức và áp dụng cách tiếp cận đa phương, phối hợp giải quyết những thách thức toàn cầu, tăng cường khả năng phục hồi trước cuộc khủng hoảng tiếp theo ». Chỉ có 10% thành viên Diễn đàn Kinh tế Thế giới hy vọng kinh tế hồi phục nhanh chóng trong ba năm tới. Liên kết xã hội bị sói mòn, khủng hoảng sinh kế và suy giảm sức khỏe tâm thần được xác định là những rủi ro gia tăng nhiều nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19.

(AFP) – Thảm họa nhân đạo: Liên Hợp Quốc kêu gọi quốc tế đóng góp «số tiền kỷ lục» 5 tỷ đô la. Afghanistan có nguy cơ chìm trong thảm họa nhân đạo nghiêm trọng nhất trong lịch sử nếu không có hỗ trợ quốc tế. Tại Geneva, hôm 10/01, ông Martin Griffiths, trợ lý tổng thư ký LHQ về các vấn đề nhân đạo, khẳng định « thực tế cho thấy là nếu không có (kế hoạch viện trợ này) thì sẽ không có tương lai » cho Afghanistan. Riêng trong năm nay, Liên Hợp Quốc cần 4,4 tỷ đô la từ các nước tài trợ, để đáp ứng các nhu cầu nhân đạo, số tiền lớn nhất từng được yêu cầu đối với một quốc gia.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220112-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p