Tin Tổng Hợp – 15/9/21
Lo ngại ông Trump gây chiến, tướng hàng đầu của Mỹ đã bí mật gọi Trung Quốc
Reuters – 15/9/21 – Tướng hàng đầu của Mỹ đã bí mật gọi cho người tương nhiệm Trung Quốc hai lần vào năm ngoái vì lo ngại nguyên Tổng thống Trump có thể khơi mào chiến tranh với Trung Quốc trong lúc ông Trump sắp thất cử và sau khi ông thất cử, tờ Washington Post loan tin ngày 14/9.
Đại tướng Mark Milley, chủ tịch Ủy ban Tham mưu Hỗn hợp, gọi cho Thượng tướng Lý Tác Thành của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc hôm 30/10/2020-bốn ngày trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ- và gọi thêm lần nữa vào ngày 8/1, hai ngày sau khi các ủng hộ viên của ông Trump tấn công vào Điện Capitol, tờ báo đưa tin.
Trong hai cuộc gọi vừa kể, ông Milley trấn an ông Lý rằng Mỹ vẫn ổn định và sẽ không tấn công Trung Quốc và nếu có tấn công, ông sẽ báo động cho người tương nhiệm phía Trung Quốc biết trước, vẫn theo nguồn tin này.
Bản tin này dựa vào quyển ‘Peril’, một cuốn sách mới do hai nhà báo Bob Woodward và Robert Costa viết, trong đó họ căn cứ trên các cuộc phỏng vấn với 200 nguồn tin và sẽ được phát hành vào tuần tới.
Văn phòng tướng Milley từ chối bình luận. Không thể tiếp xúc với đại diện ông Trump tức thì để ghi nhận phản hồi.
Đáp câu hỏi của phóng viên về bản tin này, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre từ chối bình luận và đề nghị ký giả liên hệ với Ủy ban Tham mưu Hỗn hợp và Bộ Quốc phòng.
Tổng thống Cộng hòa Donald Trump bổ nhiệm tướng Milley vào chức vụ hàng đầu của quân đội vào năm 2018 nhưng đã bắt đầu chỉ trích ông Milley, như đã từng làm với những người khác, sau khi thất cử trước ông Joe Biden bên Dân chủ và rời khỏi Tòa Bạch Ốc vào ngày 20/1.
Cuộc gọi lần hai của ông Milley với ông Lý một phần vì cuộc gọi hôm 8/1 của ông với Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. Bà Pelosi đã hỏi ông Milley làm cách nào có thể ngăn không cho một “Tổng thống bất ổn định” mở một cuộc tấn công hạt nhân, bản tin cho hay khi trích dẫn bảng ghi chép cuộc gọi.
“Ông ta điên rồi. Ông biết ông ấy điên rồi,” bà Pelosi nói với ông Milley trong cuộc điện đàm, theo bản tin.
Theo bảng ghi chép cuộc gọi này, Đại tuớng Milley đã đáp rằng, “Tôi đồng ý với bà trong mọi chuyện.”
Covid-19: Số ca nhiễm tăng gấp đôi ở đông nam Trung Quốc
Tại Trung Quốc, theo thông báo của giới chức y tế hôm nay, 14/09/2021, số ca nhiễm mới tại tỉnh Phúc Kiến (đông nam Trung Quốc) đã tăng gấp đôi. Các biện pháp hạn chế đã được thiết lập nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Quảng cáo
Ủy Ban Y Tế Quốc Gia cho biết phát hiện 59 ca nhiễm mới ở Trung Quốc trong ngày 13/09, so với con số 22 người ngày hôm trước. Tất cả những ca nhiễm mới này đều nằm ở tỉnh Phúc Kiến.
Ngoài ra, theo AFP, chỉ trong vòng có bốn ngày, giới chức y tế ghi nhận đã có 102 ca nhiễm Covid-19 mới tại ba thành phố của tỉnh Phúc Kiến trong đó có Tư Minh (Xiamen) – một địa điểm du lịch quan trọng và có 50 triệu dân. Dịch bệnh bùng phát trong bối cảnh chỉ còn vài tuần nữa là đến kỳ nghỉ lễ mừng Quốc Khánh, ngày 01/10, một kỳ nghỉ quan trọng cho ngành du lịch Trung Quốc.
Nhật Bản tiếp tục tặng vac-xin cho Đài Loan và nhiều nước láng giềng
Về phần mình, Tokyo loan báo trao tặng thêm 1,3 triệu liều vac-xin AstraZeneca ngừa Covid-19 cho Đài Loan và nhiều nước khác tại châu Á.
Cụ thể, theo như tuyên bố của ngoại trưởng Toshimitsu Motegi, được Reuters trích dẫn, Nhật Bản sẽ tặng thêm 500 ngàn liều vac-xin cho Đài Loan, 400 ngàn cho Việt Nam, 300 ngàn cho Thái Lan, và 100 ngàn cho Brunei. Tính đến ngày 14/09, Nhật Bản đã viện trợ hơn 23 triệu liều vac-xin AstraZeneca sản xuất tại Nhật Bản đến nhiều nước phía nam trong vùng và các đảo quốc Thái Bình Dương.
Việt Nam và Úc kéo dài lệnh phong tỏa
Nếu như Việt Nam tiếp tục triển hạn lệnh phong tỏa ở thành phố Hồ Chí Minh đến hết tháng Chín, thì tại Úc, chính quyền Canberra thông báo lệnh phong tỏa sẽ được kéo dài thêm đến giữa tháng 10/2021. Ông Andrew Barr, lãnh đạo thành phố Canberra mong muốn tiếp tục hạn chế đà lây lan của biến thể Delta và tăng tốc tiêm ngừa đến mức tối đa.
AFP cho biết hơn 400 ngàn người dân thành phố Canberra đã sống dưới lệnh phong tỏa từ một tháng nay. Trong khi đó tại Pháp, chiến dịch tiêm nhắc liều thứ ba đã được khởi động tại các nhà dưỡng lão.
Minh Anh
https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20210914-trung-quoc-covid-19
COVID-19 đang đe dọa nghiêm trọng chuỗi cung ứng toàn cầu
Đại dịch COVID-19 ở châu Á đang làm tăng thêm nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Làn sóng lây nhiễm mới nhất ở Malaysia và các nước Đông Nam Á đã dẫn đến việc đóng cửa các nhà máy và cảng, gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng trong việc cung cấp chất bán dẫn và nguyên liệu thô, theo trang Epoch Times.
Các nhà kinh tế và chuyên gia chuỗi cung ứng dự đoán tình trạng thiếu hụt như vậy sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2022, làm tăng thêm áp lực lạm phát.
Sự khan hiếm lao động và tắc nghẽn chuỗi cung ứng không chỉ làm tê liệt các doanh nghiệp ở châu Á mà còn đang gây ra tác động mạnh ở nhiều quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ.
Nhà kinh tế Vaibhav Tandon cho biết trong một báo cáo gần đây: “Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Philippines cùng chiếm khoảng 6% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu, nhưng sự thống trị của những nước này trong lĩnh vực điện tử khiến họ có tác động lớn đến các nước như Mỹ và Trung Quốc”.
Ông nói: “Malaysia đã trở thành một trung tâm kiểm tra và đóng gói chip, với các sản phẩm điện tử và điện chiếm 39% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.Tình trạng thiếu chip gần đây đã buộc General Motors phải tạm dừng sản xuất phần lớn công ty lắp ráp ở Bắc Mỹ sau ngày 1/5. Ford, Toyota và Volkswagen cũng đã thông báo cắt giảm sản lượng để đối phó với tình trạng thiếu chất bán dẫn trên toàn cầu”.
Stephen Ezell, phó chủ tịch Quỹ Đổi mới và Công nghệ Thông tin, cho biết sự tàn phá do biến thể Delta mang lại ở châu Á là sự cố mới nhất nhưng không phải là lớn nhất đối với ngành công nghiệp bán dẫn.
Ông lưu ý, tình trạng thiếu chip trên toàn cầu đã trở nên tồi tệ hơn bởi một loạt sự kiện trong năm nay, bao gồm vụ cháy nhà máy chip ở Nhật Bản, hạn hán nghiêm trọng ở Đài Loan và mưa bão ở Texas.
Scott Anderson, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Phương Tây, viết trong một báo cáo gần đây: “Nguồn cung chip không đủ và nhu cầu ổn định có thể sẽ khiến giá ô tô và các nhà sản xuất khác tăng cao trong thời gian tới. Giá ô tô tăng mạnh đã góp phần không nhỏ khiến lạm phát tăng cao trong năm nay”.
Để giải quyết tình trạng thiếu chip toàn cầu, một số nhà sản xuất chip bao gồm Intel, Samsung và TSMC đã công bố kế hoạch mở rộng đầy tham vọng tại Hoa Kỳ. Nhưng việc xây dựng năng lực sản xuất mới phải mất vài năm, theo các chuyên gia trong ngành.
Triệu Hằng
https://www.dkn.tv/the-gioi/covid-19-dang-de-doa-nghiem-trong-chuoi-cung-ung-toan-cau.html
(AFP) – Hồng Kông: 9 người tham gia buổi canh thức Thảm sát Thiên An Môn bị phạt tù. Hôm nay, 15/09/2021, 9 thành viên phong trào ủng hộ dân chủ Hồng Kông bị kết án từ 6 đến 10 tháng tù giam, vì đã tham gia buổi canh thức năm ngoái để tưởng nhớ cuộc đàn áp Thiên An Môn ở Bắc Kinh năm 1989, cuộc tưởng nhớ bị chính quyền đặc khu cấm. Bản án được đưa ra 1 tuần sau khi 3 thành viên trong ban lãnh đạo Hong Kong Alliance, hiệp hội tổ chức sự kiện này hàng năm, bị truy tố, với tội danh « kích động lật đổ ».
(Reuters) – Gián điệp mạng: Ba cựu nhân viên tình báo Mỹ thú nhận hoạt động cho Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Theo một tài liệu được tiết lộ hôm 14/09/2021, các bị cáo nhận tội vi phạm luật pháp Mỹ, bán công nghệ nhạy cảm của quân đội cho chính quyền Abou Dabi. Ba cựu nhân viên tình báo Mỹ hoạt động trong khuôn khổ một chiến dịch mang tên Project Raven, nhằm đánh cắp thông tin cá nhân của các nhà hoạt động nhân quyền, phóng viên và các nhà bất đồng chính kiến với chế độ.
(Benar News) – Trung Quốc tăng thêm tầu tuần tra để xác quyết chủ quyền ở Biển Đông. Ngày 14/09/2021, tầu Haixun 03 nặng 5.560 tấn đưa vào đội tầu tuần tra của Cơ quan An toàn Hàng hải Hải Nam (MSA) và trở thành tầu lớn nhất của lực lượng này nhằm bảo vệ chủ quyền và quyền hàng hải của Trung Quốc «ở biển Đông và các vùng biển lân cận». Theo nhà nghiên cứu Collin Koh, sự kiện này «nhằm góp phần củng cố việc Bắc Kinh thực thi quyền tài phán ở Biển Đông» bất chấp những phản đối yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh.
(Reuters) – Tân đại sứ Trung Quốc tại Luân Đôn bị Nghị Viện Anh «cấm cửa». Chủ tịch Quốc Hội lưỡng viện Anh hôm 14/09/2021 ngăn cản đại sứ Trịnh Trạch Quang (Zheng Zeguang) phát biểu trước Nghị Viện. Đây là đòn trả đũa việc Bắc Kinh hoofi thasng 3/2021 ban hành lệnh trừng phạt nhắm vào một số dân biểu Anh, với lý do Luân Đôn đã cùng Mỹ, Canada và Liên Âu lên án Bắc Kinh vi phạm nhân quyền, đàn áp người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.
(Reuters) – Tổng thống Mỹ Biden bác thông tin chủ tịch Tập Cận Bình từ chối họp thượng đỉnh trực diện. Thông tin chủ tịch Trung Quốc từ chối lời mời của nguyên thủ Mỹ trong cuộc điện đàm ngày 09/09/2021 được báo Financial Times công bố dựa theo nhiều nguồn tin khác nhau. Tuy nhiên, ngày 14/09, khi được một số nhà báo hỏi liệu ông có thất vọng vì Tập Cận Bình không muốn gặp ông không, ông Joe Biden khẳng định thông tin đó «là sai».
(AP) – Mỹ: Thất bại của phe đòi bãi nhiệm thống đốc bang California. Theo kết quả kiểm 60 % số phiếu sau cuộc biểu quyết đòi bãi nhiệm Garvin Newsom của đảng Dân Chủ, hôm 14/09/2021 ghế thống đốc của ông Newsom không bị đe dọa. California, bang giàu nhất và đông dân nhất tại Hoa Kỳ, sẽ không thay thống đốc mới. Theo các dự phóng có tới 60 % cử tri ủng hộ Garvin Newsom. Phe đòi bãi nhiệm thống đốc California được cựu tổng thống Trump ủng hộ.
(RFI) – Iran bổ nhiệm một nhân vật bảo thủ đứng đầu nhóm đàm phán hạt nhân. Ngày 14/09/2021, ông Ali Bagheri, 54 tuổi, được chính quyền Teheran bổ nhiệm thay thứ trưởng Ngoại Giao Abbas Aragchi đứng đầu phái đoàn đàm phán hạt nhân với nhóm 5+1 (gồm 5 nước thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An và Đức). Từng là thành viên phái đoàn đàm phán (giai đoạn năm 2007-2013) dưới thời tổng thống bảo thủ Mahmoud Ahmadinejad, ông Ali Bagheri không ủng hộ thỏa thuận năm 2015 và cáo buộc chính quyền của tổng thống Hassan Rohani đã quá nhân nhượng phương Tây. Với việc bổ nhiệm một chính trị gia bảo thủ đứng đầu mới phái đoàn Iran, các cuộc đàm phán với 6 đại cường được cho là sẽ phức tạp hơn.
(AFP) – Biện pháp tiêm chủng bắt buộc đối với nhân viên y tế có hiệu lực tại Pháp. Biện pháp được tổng thống Emmanuel Macron thông báo cách đây 2 tháng bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/09/2021 đối với khoảng 2,7 triệu nhân viên y tế làm việc trong bệnh viện, nhà dưỡng lão, giúp việc tại nhà và lính cứu hỏa. Tuy nhiên, vẫn có khoảng 1-2% nhân viên chưa tiêm liều thứ nhất và sẽ phải nghỉ việc không lương cho đến khi có chứng nhận tiêm chủng. Chính phủ cho biết không nhân nhượng và sẽ «kiểm tra bất ngờ» các cơ sở y tế và người lao động tự do trong lĩnh vực y tế.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210915-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p