Tin Tổng Hợp – 15/8/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 15/8/21

Kỷ niệm 76 năm kết thúc Thế Chiến II, Nhật Bản cam kết không dấy động chiến tranh

(Ảnh minh họa) - Thủ tướng Nhật Suga, trong một buổi họp báo tại Tokyo ngày 30/07/2021.
(Ảnh minh họa) – Thủ tướng Nhật Suga, trong một buổi họp báo tại Tokyo ngày 30/07/2021. AP – Issei Kato

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai kết thúc tại châu Á, thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga vào hôm nay, 15/08/2021, đã cam kết là Nhật sẽ không cho phép tái diễn một cuộc chiến tranh khác. Quảng cáo

Theo hãng tin Anh Reuters, trong bài phát biểu tại lễ tưởng niệm các nạn nhân trong cuộc chiến tổ chức ở Tokyo, thủ tướng Nhật Bản khẳng định rằng từ khi cuộc chiến kết thúc vào năm 1945, nước ông đã “kiên định đi trên con đường của một đất nước coi trọng hòa bình”, vì thế Nhật Bản sẽ “không bao giờ cho phép tái diễn sự tàn phá của chiến tranh”.

Cùng ngày, Nhật hoàng Naruhito cũng bày tỏ “nỗi đau sâu sắc” về quá khứ chiến tranh của Nhật, với hy vọng là người dân sẽ không phải trải qua sự tàn khốc của chiến tranh.

Nhìn chung, các tuyên bố năm nay của Tokyo không khác gì những phát biểu vào năm ngoái khi ông Shinzo Abe còn làm thủ tướng. Và hành động của các lãnh đạo Nhật Bản nhân dịp này cũng không có gì khác : thủ tướng Suga tránh trực tiếp đến viếng đền thờ Yasukuni, bị coi là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản đã gây tang tóc khắp châu Á, mà chỉ gởi lễ vật đến đền, nhưng nhiều thành viên chính phủ Nhật đã đích thân đến viếng đền Yasukuni.

Seoul và Bắc Kinh phản đối các chuyến viếng đền Yasukuni

Theo hãng tin Nhật Kyodo, sau bộ trưởng Quốc Phòng Nobuo Kishi và Chính Sách Kinh Tế Tài Chánh Yasutoshi Nishimura hôm 13/08, ngày hôm nay có 3 thành viên khác trong nội các Nhật Bản đã viếng đền Yasukuni: bộ trưởng Môi Trường Shinjiro Koizumi, bộ trưởng Giáo Dục Koichi Hagiuda và bộ trưởng đặc trách Triển Lãm Toàn Cầu Shinji Inoue.

Đền Yasukuni là nơi thờ hơn 2,5 triệu người Nhật Bản thiệt mạng trong Đệ Nhị Thế Chiến, trong đó có cả những nhân vật bị các nước láng giềng coi là tội phạm chiến tranh. Là hai nước coi việc quan chức Nhật Bản đến viếng đền Yasukuni là nhằm “tô bóng” chủ nghĩa quân phiệt Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc luôn cực lực phản đối các hành động này.

Ngay hôm 13/08, Seoul đã triệu tập một quan chức ngoại giao cấp cao của Nhật Bản lên bộ Ngoại Giao để phản đối việc bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Nobuo Kishi đến viếng đền Yasukuni. Trung Quốc, qua lời phát ngôn viên bộ Quốc Phòng, cũng bày tỏ thái độ “hết sức bất bình” trước chuyến thăm đền của ông Kishi.

Phải nói là hành động của bộ trưởng Quốc Phòng Nhật rất đáng chú ý vì ông là nhân vật lãnh đạo quốc phòng đương nhiệm Nhật Bản đầu tiên đến viếng đền Yasukuni từ năm 2016 đến nay.

Trọng Nghĩa

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20210815-k%E1%BB%B7-ni%E1%BB%87m-76-n%C4%83m-k%E1%BA%BFt-th%C3%BAc-th%E1%BA%BF-chi%E1%BA%BFn-ii-nh%E1%BA%ADt-b%E1%BA%A3n-cam-k%E1%BA%BFt-kh%C3%B4ng-d%E1%BA%A5y-%C4%91%E1%BB%99ng-chi%E1%BA%BFn-tranh

Mike Pompeo chỉ ra hai mục tiêu TT Biden cần làm để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Afghanistan

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (ảnh: Youtube/The Saigon Post).

Cựu ngoại trưởng Mỹ, ông Mike Pompeo hôm 14/8 trong một bài bình luận trên Fox News cho rằng chính quyền Biden đang lúng túng trong việc xử lý vấn đề Afghanistan. Ông chỉ rõ việc này chỉ xoay quanh đúng hai mục tiêu.   

Trước tiên, ông Pompeo cho biết, cần giảm bớt các mối đe dọa từ vấn nạn khủng bố Hồi giáo cực đoan ở quốc gia này và bảo đảm rằng Mỹ đã làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn sự lặp lại của sự kiện 11/9 cách đây 20 năm. Thứ hai, ông cho rằng, cần đưa những người lính, phi công và thủy quân lục chiến hồi hương về nhà để có thể tập trung vào vấn nạn khủng bố trên toàn cầu và tập trung vào Trung Quốc. 

Và từ những mục tiêu này, ông cho biết chính quyền Trump đã bắt đầu xúc tiến các cuộc gặp trực diện với Taliban, theo đó đặt ra các điều kiện cần phải đáp ứng cho sự rút quân của tất cả lính Mỹ tại đây. Và ông Pompeo cho biết ông đã trực tiếp tham gia đàm phán những việc này.

Vị cựu ngoại trưởng lưu ý, chính quyền Trump không tin tưởng Mullah Barader, nhà đàm phán hàng đầu của Taliban và những thượng cấp của nhân vật này. Ông cho biết, nhóm của ông không cần phải làm vậy vì họ đã nói rõ cái giá phải trả nếu bên phía Taliban vi phạm lằn ranh đỏ được phía Mỹ đặt ra, và đặc biệt phía Mỹ khi đó không phải đi cầu xin Taliban như hiện tại. Và cách làm khi đó, từ Tổng thống Trump trở xuống đều xuyên suốt một thái độ, là chính quyền đã thông báo cho phía Taliban cái giá phải trả cho những hành vi xấu tiềm năng của họ.   

Ông Pompeo cũng cho biết, kể từ ngày 29/2/2020, ngày mà phía chính quyền Trump ký thỏa thuận đầu tiên với Taliban, không có lấy một người Mỹ nào bị lực lượng khủng bố này giết hại. Không có dù chỉ một người. Nhưng ngày nay, chính quyền Biden lại phải đang cầu xin phía Taliban đừng giết hại các nhà ngoại giao của phía Mỹ khi họ đánh chiếm quốc gia Trung Đông này. Ông Pompeo nhận định, hành động thiếu sức mạnh và sự răn đe của chính quyền hiện tại không chỉ đơn giản thể hiện sự yếu kém, mà còn bộc lộ nguy hiểm tiềm ẩn.  

Ông Pompeo còn cho biết, phương thức giữ an toàn cho người Mỹ tại khu vực chiến địa này khi đó là sự răn đe – các vị dám đặt một người Mỹ vào tình cảnh nguy hiểm, thì chúng tôi sẽ đến làng của các vị, tìm các vị và  toàn bộ đơn vị của các vị, rồi mang đến cho các vị một ngày thật tồi tệ cho đến khi các vị phải cầu xin chúng tôi dừng lại. Hãy nghĩ về cách thức chúng tôi xử lý thiếu tướng Qassem Soleimani, cựu tư lệnh đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, nhân vật đã bị Mỹ tiêu diệt hồi đầu năm 2020.

Ngược lại, khi so sánh với tình hình hiện tại, ông Pompeo cho rằng có vẻ như Nhóm của Biden chưa lên kế hoạch một cách đầy đủ, và họ trông họ có vẻ hoảng loạn và quẫn trí. Ông cảnh báo điều này sẽ kích động Taliban và khuyến khích sự tiến công của Al Qaeda.  

Ông cho rằng việc chính quyền Biden đưa hơn 3.000 lính Mỹ trở lại Afghanistan sau khi đã rút quân là một hành động cho thấy khả năng lập kế hoạch và lãnh đạo kém khi khai triển một chiến dịch vốn đã được chính quyền Trump thiết lập để thành công. 

Ông tin tưởng rằng quân đội Mỹ hiểu rõ sứ mệnh được đặt ra: bảo vệ nước Mỹ trước một cuộc tấn công từ Afghanistan. Nhưng ông đặt câu hỏi rằng, liệu chính quyền hiện tại liệu có ý chí thực thi sứ mệnh đó và kết thúc một cách có trật tự cuộc chiến dai dẳng ở Afghanistan trong khi vẫn duy trì khả năng răn đe Taliban trước các cuộc tấn công vào quân đội và đại sứ quán Mỹ trong bối cảnh Mỹ đang dần rút quân hay không?

Cựu ngoại trưởng cũng nhấn mạnh thực chất  mối đe dọa ở Afghanistan không chỉ đến từ Taliban, mà nó cũng xuất phát từ việc Taliban cung cấp chỗ trú ẩn an toàn cho các nhóm khủng bố như Al Qaeda.

Thanh Hải

https://www.dkn.tv/the-gioi/mike-pompeo-chi-ra-hai-muc-tieu-tt-biden-can-lam-de-giai-quyet-cuoc-khung-hoang-o-afghanistan.html

Afghanistan: Taliban tiến vào Kabul, Jalalabad thất thủ

(Ảnh minh họa) - Trực thăng của quân đội Mỹ bay phía trên đại sứ quán Mỹ ở Kabul, ngày 15/08/2021 trong khi Washington đang đưa người di tản khỏi Afghanistan.
(Ảnh minh họa) – Trực thăng của quân đội Mỹ bay phía trên đại sứ quán Mỹ ở Kabul, ngày 15/08/2021 trong khi Washington đang đưa người di tản khỏi Afghanistan. AP – Rahmat Gul

Ngày 15/08/2021, Taliban tiến vào thủ đô Kabul sau khi đã dễ dàng chiếm được thành phố Jalalabad. Trước đó vài giờ, ngày 14/08, Mazar-i-Sharif, thành phố lớn thứ tư của Afghanistan có chung số phận.

Theo bộ Nội Vụ Afghanistan, được Reuters trích dẫn, quân Taliban tiến vào Kabul từ mọi phía. Nhiều người dân cũng khẳng định thông tin này với hãng tin Pháp AFP. Tuy nhiên, một quan chức Taliban ở Doha khẳng định lính Taliban được lệnh đóng ở các cửa ô, tránh mọi bạo lực, không cản trở những người muốn rời đi, còn phụ nữ được yêu cầu trú ở nơi an toàn.

Như vậy, chỉ trong vòng 10 ngày, quân Taliban đã kiểm soát được phần lớn đất nước, chiếm hết miền bắc Afghanistan. Chính quyền Kabul vẫn nắm một số thành phố nhỏ nhưng tản mát, cách xa thủ đô và không còn giá trị chiến lược quan trọng. Nhiều quân nhân Afghanistan đào ngũ, tìm cách vượt biên sang nước láng giềng Uzbekistan, trong đó có 85 người bị bắt ngày 15/08. Bộ Ngoại Giao Uzbekistan ra thông cáo cho biết đang đàm phán với chính quyền Kabul để hồi hương những người này.

Chính phủ Afghanistan hứa chuyển giao quyền lực cho chính phủ chuyển tiếp

Một ngày sau khi tổng thống Ghani tham vấn để tìm một thỏa thuận chính trị tái lập hòa bình, trong một video đăng ngày 15/08, bộ trưởng Nội Vụ trấn an người dân : “Kabul sẽ không bị tấn công và sẽ có chuyển giao quyền lực một cách hòa bình cho một chính phủ chuyển tiếp”. Tuy nhiên, chính quyền Afghanistan không còn được dân ủng hộ vì bản thân họ cũng quá mệt mỏi, sợ hãi, tìm mọi cách rời khỏi đất nước.

Thông tín viên RFI Sonia Ghezali tường trình từ sân bay Kabul sáng 15/08:

“Chuyến bay đầu tiên của Turkish Airlines, kín người, đã khởi hành sáng nay, trong đó có rất nhiều gia đình mà chúng tôi gặp trong sảnh sân bay, như một cặp vợ chồng với cậu con trai 2 tuổi rưỡi.

Người đàn ông nói : “Tôi đã quá mệt mỏi với cuộc chiến này. Nó đã kéo dài 20 năm mà tình hình vẫn như vậy. Tôi không còn chịu được những bạo lực mà chúng tôi phải hứng lấy”. Người vợ đứng cạnh, mắt đỏ ngầu, kể cho chúng tôi là cô đã đau lòng chia tay người thân để ra nước ngoài vào sáng nay.

Hành khách ra đi với những chiếc va li lớn nhỏ. Không khí rất nặng nề. Một người phụ nữ khóc nức nở vì phải ngừng nói chuyện điện thoại để lên máy bay. Tất cả những phụ nữ nhân viên ở sân bay khóc cầu xin chúng tôi giúp họ rời khỏi đất nước. Một trong số họ nói : “Quân Taliban sẽ giết chúng tôi”.

Một thanh niên có visa đi Anh cho biết : “Tôi cảm thấy đau lòng khi ra đi vì hàng nghìn người không có cơ hội này”. Ngoài ra, còn có một quân nhân Afghanistan mà chúng tôi gặp ở bãi đậu xe sân bay Kabul, nói tiếng Pháp rất tốt và thường xuyên nghe đài RFI để luyện tiếng Pháp, từng là học viên trường quân sự Saint-Cyr. Anh đi tiễn một người bạn may mắn được rời đất nước. Giọng đầy xúc động, anh nói : “Tôi xấu hổ khi mặc bộ quân phục này. Quân đội đã không biết bảo vệ đất nước chúng tôi”.

Thu Hằng

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210815-afghanistan-taliban-ti%E1%BA%BFn-v%C3%A0o-kabul-jalalabad-th%E1%BA%A5t-th%E1%BB%A7

Thủ tướng Anh: Các quốc gia không nên công nhận Taliban

Reuters – Không ai nên song phương công nhận Taliban là chính phủ Afghanistan, Thủ tướng Anh Boris Johnson nói hôm 15/8, đồng thời cho biết rằng rõ ràng là sẽ sớm có một chính quyền mới ở nước này.

Thủ tướng Anh Boris Johnson.
Thủ tướng Anh Boris Johnson.

“Chúng tôi không muốn bất kỳ ai song phương công nhận Taliban”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn. “Chúng tôi muốn có một quan điểm thống nhất giữa tất cả những người cùng chí hướng chừng nào có thể đạt được điều đó”.

Lực lượng nổi dậy Taliban hôm 15/8 đã tiến vào Kabul. Tổng thống Ashraf Ghani rời khỏi đất nước và Đại sứ quán Hoa Kỳ cho biết sân bay của thủ đô, nơi các nhà ngoại giao, quan chức và những người Afghanistan khác chạy trốn, đã bị nã đạn.

Hiện vẫn chưa rõ ông Ghani tới đâu hoặc quyền lực sẽ được chuyển giao như thế nào sau cuộc càn quét của nhóm phiến quân Hồi giáo trên khắp Afghanistan, giúp nhóm này trở lại thủ đô hai thập kỷ sau khi bị các lực lượng do Mỹ dẫn đầu lật đổ.

“Tình hình an ninh ở Kabul đang thay đổi nhanh chóng, kể cả tại sân bay. Có báo cáo về việc sân bay bị nã đạn; do đó, chúng tôi đang hướng dẫn công dân Hoa Kỳ trú ẩn tại chỗ”, một cảnh báo an ninh của Đại sứ quán Hoa Kỳ cho biết.

Hàng trăm người Afghanistan, một số trong số họ là các bộ trưởng và nhân viên chính phủ và cả những thường dân khác, bao gồm nhiều phụ nữ và trẻ em, chen chúc trong sảnh chờ, tuyệt vọng chờ đợi các chuyến bay rời đi.

Một quan chức giấu tên tại hiện trường cho biết: “Sân bay đang mất kiểm soát … chính phủ (Afghanistan) đã bán đứng chúng tôi”.

Hiện chưa rõ điểm đến của ông Ghani: một quan chức cấp cao của Bộ Nội vụ Afghanistan cho biết tổng thống Afghanistan đã tới Tajikistan, trong khi một quan chức Bộ Ngoại giao cho biết không rõ ông Ghani đang ở đâu, còn Taliban cho biết đang tìm kiếm ông.

Một số người dùng mạng xã hội địa phương coi ông Ghani là “kẻ hèn nhát” vì đã bỏ rơi họ trong cảnh hỗn loạn.

https://www.voatiengviet.com/a/th%E1%BB%A7-t%C6%B0%E1%BB%9Bng-anh-c%C3%A1c-qu%E1%BB%91c-gia-kh%C3%B4ng-n%C3%AAn-c%C3%B4ng-nh%E1%BA%ADn-taliban/6003466.html

(Reuters) – Báo chí Malaysia: Thủ tướng Muhyiddin sẽ từ chức vào thứ Hai 16/08. Theo cổng thông tin Malaysiakini, ông Muhyiddin Yassin phải từ chức sau khi mất đa số do đấu đá nội bộ trong liên minh cầm quyền. Nếu được xác nhận, việc từ chức của ông Muhyiddin sẽ chấm dứt 17 tháng cầm quyền đầy hỗn loạn nhưng cũng có nguy cơ mang lại nhiều bất ổn hơn cho Malaysia vào lúc nước này phải vật lộn chống dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế.

(Reuters) – Hàn Quốc huy động xe buýt lập rào ngăn biểu tình. Trước ngày Giải Phóng 15/08/2021, chính phủ Hàn Quốc đã cấm mọi cuộc tập hợp, biểu tình tại Seoul, kể cả vì mục đích chính trị nhân Lễ Giải Phóng, trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 vẫn tăng, hơn 1.800 ca mới trong ngày 15/08. Mọi vi phạm sẽ bị xử phạt. Hàng loạt xe buýt đã được cảnh sát huy động dọc những đại lộ chính và xung quanh một quảng trường lớn ở trung tâm thủ đô. Ngoài ra, hơn 80 điểm kiểm tra cũng được lập để ngăn xe chở người biểu tình và thiết bị. Các tuyến tầu điện ngầm và xe buýt không dừng ở những trạm có thể có biểu tình trong ngày 15/08.

(RFI) – Iran ban hành các biện pháp hạn chế mới để ngăn dịch Covid-19. Trước số ca tử vong không ngừng tăng vì Covid-19, trung bình 500 ca mỗi ngày, ngày 14/08/2021, chính quyền Teheran quyết định đóng cửa đất nước trong vòng 6 ngày, cấm lưu thông giữa các tỉnh trong vòng 2 tuần, đóng cửa cơ quan chính phủ, ngân hàng và cửa hàng không thiết yếu trong 1 tuần. Hầu hết các biện pháp có hiệu lực từ ngày 15 hoặc 16/08. Chiến dịch tiêm chủng chậm là lý do giải thích tình hình nghiêm trọng hiện nay : Chưa đầy 15 triệu người trên tổng số 80 triệu dân được tiêm mũi đầu tiên. Iran cần 6 tháng để tiêm chủng hết cho dân.

(AFP) – 9.300 người tham gia lễ hành hương Đức Mẹ Lộ Đức (Lourdes) ở Pháp. Chiều tối 14/08/2021, những người hành hương được chia thành từng nhóm 50 người, theo quy định về phòng dịch, đã giơ cao đuốc lên trời khi tượng Đức Mẹ được rước qua. Số người tham gia vẫn rất ít so với những năm thông thường vào khoảng 3,5 triệu người. Khoảng 300 người bệnh cũng tham gia lễ hành hương mong được phép mầu chữa lành.

(RFI) – Liban: Ít nhất 20 người chết và 80 người bị thương do nổ xe bồn chở xăng. Đây là xe chở xăng mà quân đội đã tịch thu, xe phát nổ sau khi người dân tập trung quanh xe để lấy xăng, làm rơi rớt xăng và một người vô tình bật lửa. Vụ nổ thảm khốc xảy ra trong đêm hôm qua, rạng sáng hôm nay 15/08/2021, ở làng Tleil, miền bắc, trong bối cảnh Liban đang lâm vào khủng hoảng do khan hiếm xăng dầu, điện chỉ có vài giờ mỗi ngày, nhiều trạm xăng đình công. Quân đội hôm qua đã triển khai lực lượng đến các trạm bán xăng đình công, tịch thu và phân phối xăng dự trữ trong kho cho dân.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210815-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p