Tin Tổng Hợp – 15/7/21
Trung Quốc triển khai máy bay có thể xuất kích từ các tiền đồn quân sự ở Biển Đông
Quân đội Trung Quốc đã triển khai nhiều máy bay trực thăng và máy bay cảnh báo sớm trên hai hòn đảo bị Bắc Kinh chiếm đóng ở Biển Đông. Một số chuyên gia, được trang Washington Times trích dẫn ngày 13/07/2021, cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy quân đội Trung Quốc đã bắt đầu những hoạt động bay thường lệ từ những căn cứ này.
Theo nhiều hình ảnh chụp từ vệ tinh mà Washington Times có được, máy bay tuần tra và cảnh báo sớm KJ-500 đã được triển khai vào tháng Năm và tháng Sáu tại đá Vành Khăn (Mischief Reef) thuộc quần đảo Trường Sa. Còn máy bay vận tải Y-9 và một máy bay trực thăng Z-8 được triển khai tại đá Xu Bi (Subi Reef) vào tháng Sáu và tháng Bẩy. Vào tháng 04/2020, Trung Quốc cũng đưa máy bay tuần tra chống ngầm KQ-200 đến đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef).
Đá Vành Khăn và đá Xu Bi cùng với đá Chữ Thập tạo thanh tam giác quân sự được Trung Quốc trang bị nhiều tên lửa tối tân từ vào năm 2018 dù trước đó, tại Washington (Mỹ), chủ tịch Tập Cận Bình cam kết không quân sự hóa khu vực này.
Mỹ theo dõi hoạt động của tầu ngầm Trung Quốc ở Biển Đông
Ngoài các chiến dịch vì tự do lưu thông hàng hải, quân đội Mỹ cũng theo dõi chặt chẽ hoạt động tầu ngầm của Trung Quốc. Trong báo cáo ngày 13/07, Tổ chức Sáng kiến theo dõi tình hình chiến lược Biển Đông (SCSPI) có trụ sở ở Bắc Kinh cho biết tầu tuần tra của Hoa Kỳ hoạt động ở Biển Đông gần như hàng ngày trong nửa đầu năm 2021 (cụ thể là 161 trên 181 ngày), đặc biệt ở vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa, nơi được cho là một điểm nóng.Publicité
Hoa Kỳ có 5 tầu giám sát đại dương USNS (Victorious, Able, Effective, Loyal và Impeccable) đóng tại Nhật Bản. Những tầu này lần lượt được điều đến Biển Đông và hoạt động ít nhất từ 10 đến 40 ngày. Trang South China Morning Post nhắc lại lập trường của Washington là những chiến dịch trên có ý nghĩa cần thiết để kiểm soát những yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc.
Thu Hằng
Covid-19: Indonesia thay Ấn Độ thành tâm dịch châu Á
Hôm qua, 14/07/2021, số lượng ca nhiễm chính thức của Indonesia trong vòng 24 giờ đạt mức kỷ lục, vượt Ấn Độ. Indonesia đứng hàng thứ hai thế giới về số ca tử vong trong ngày, sau Brazil.
Theo bộ Y Tế Indonesia, số lượng ca nhiễm mới hôm qua là hơn 54.000 người, và số người chết vì Covid là 991, cao gấp 10 lần so với cách nay một tháng. Trả lời AFP, nhà dịch tễ học Indonesia, Dicky Budiman thuộc đại học Úc Griffith cảnh báo « Indonesia có thể trở thành tâm dịch mới của thế giới », và dịch bệnh hiện nay tại Indonesia là « trầm trọng hơn nhiều so với Ấn Độ ».
Theo vị chuyên gia này, số lượng người nhiễm thực sự tại Indonesia có thể vượt quá 100.000/ngày, và số tử vong có thể sẽ là 2.000 người/ngày vào cuối tháng này. Tuy nhiên, con số người nhiễm và tử vong trên thực tế có thể cao hơn rất nhiều so với số liệu chính thức, do thiếu xét nghiệm trầm trọng, cũng như sự vắng mặt của hệ thống truy vết các ca tiếp xúc tại quốc gia này.
Một nửa dân thủ đô đã nhiễm virus
Báo chí quốc tế, hôm qua 14/07, giới thiệu một kết quả điều tra đáng chú ý về quy mô dịch bệnh thực sự tại Indoniesa, cho thấy 44,5% dân cư vùng thủ đô, với tổng số 10,6 triệu người, đã nhiễm virus SARS-CoV-2, tức gấp đến 5 lần so với số liệu chính thức. Cũng có nghĩa là các xét nghiệm PCR không phát hiện được khoảng 4 triệu cư dân nhiễm virus. Đa số người nhiễm ở độ tuổi 30 đến 49.
Cuộc điều tra nói trên sử dụng các xét nghiệm « kháng thể » (antibody test). Điều tra do cơ quan y tế vùng thủ đô Jakarta, phối hợp với Khoa y Đại học Indonesia, Viện nghiên cứu sinh học phân tử Eijkman thực hiện, với sự trợ giúp chuyên môn của Cơ quan Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC).Publicité
Hồi tuần trước, chính quyền Indonesia đã ban bố hàng loạt biện pháp siết chặt phòng dịch mạnh, như đóng cửa các trung tâm thương mại, nhà hàng và văn phòng. Tuần tới sẽ là dịp lễ Aïd al-adha quan trọng với người theo đạo Hồi, chiếm đa số dân cư đảo quốc. Dịp đoàn tụ gia đình này có nguy cơ sẽ khiến dịch bệnh tiếp tục lây lan mạnh hơn.
Trọng Thành
Tin TG sáng 15/7: Thế giới đang ở giai đoạn đầu của làn sóng thứ ba của đại dịch; Nga ghi nhận số ca tử vong chưa từng có
Tình hình ở Indonesia ngày càng tồi tệ, số ca nhiễm tăng ‘báo động’
Straitstimes – Hệ thống y tế ở Indonesia đang trên bờ vực sụp đổ trong bối cảnh số ca nhiễm và tử vong có Covid-19 liên tục gia tăng đáng báo động.
Ngày 14/7, quốc gia này ghi nhận thêm 54.517 ca mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên hơn 2,67 triệu người. Đây là mức tăng ca nhiễm kỷ lục trong một ngày tại Indonesia. Indonesia ghi nhận thêm 991 ca tử vong. Tính đến nay, nước này đã có hơn 69.000 người tử vong vì đại dịch. Tuy nhiên nhiều chuyên gia y tế cho rằng con số này không phản ánh đúng thực tế, vì còn nhiều trường hợp chưa được báo cáo.
Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho biết biến thể Delta có mặt 11 khu vực bên ngoài đảo Java. Số ca nhiễm và tỉ lệ lấp đầy giường bệnh đã tăng lên đáng lo ngại ở một số khu vực ở Sumatra, Papua, Kalimantan, và cả các vùng hẻo lánh như Tây Papua.
Các bệnh viện trên đảo Java đã hết khả năng nhận thêm bệnh nhân trong những tuần gần đây trong khi vẫn có nhiều người phải chờ để được điều trị.
Theo kết quả của một cuộc khảo sát được công bố hôm 10/7, khoảng 4,7 triệu, trong số khoảng 10,6 triệu người đang sống tại thủ đô Jakarta, Indonesia có thể đã nhiễm virus corona.
Indonesia hiện đã tiêm phòng đầy đủ cho 5,5% dân số, chủ yếu là vaccine Sinovac của Trung Quốc. Tại Jakarta, hơn 1,95 triệu người – chiếm khoảng 18% dân số – đã được tiêm chủng đầy đủ, theo số liệu của Bộ Y tế Indonesia.
Nga ghi nhận số ca tử vong chưa từng có vì COVID-19
Tass.com – Số người tử vong vì COVID-19 ở nước này tiếp tục lập kỷ lục mới cùng với số ca nhiễm mới tăng mạnh.
Bộ Y tế Nga ngày 14/7 công bố thêm 786 ca tử vong vì COVID-19, cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. Tính đến nay, Nga ghi nhận tổng cộng hơn 145.000 ca tử vong vì đại dịch.
Ngoài ra, Nga cũng ghi nhận thêm 23.827 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên hơn 5,8 triệu ca.
Sự xuất hiện của biến chủng Delta gần đây đã khiến số ca nhiễm và tử vong vì virus corona ở nước này tăng mạnh và liên tiếp lập kỷ lục mới.
Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Dịch tễ Trung ương, ông Alexander Gorelov, cho rằng đợt dịch mới đang ở giai đoạn ổn định sau khi tăng vọt, giai đoạn này có thể kéo dài hết tháng 7, sang đầu tháng 8.
Hiện Nga cũng đang chật vật thúc đẩy tiêm chủng khi người dân nước này tỏ ra thờ ơ với vaccine. Theo thống kê của trang Gogov, tính đến 13/7, mới chỉ có 13% trong số 146 triệu người dân của Nga được tiêm chủng đầy đủ dù vaccine ở Nga luôn có sẵn.
WHO: Thế giới đang ở giai đoạn đầu của làn sóng thứ ba của đại dịch
TASS – Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết thế giới hiện đang trong giai đoạn đầu của làn sóng thứ ba.
Trong bài phát biểu khai mạc cuộc họp lần thứ 8 của Ủy ban Khẩn cấp IHR về COVID-19, ông Tedros nói : “Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của làn sóng thứ ba”.
Người đứng đầu WHO cho biết trong tuần qua các trường hợp nhiễm COVID-19 đang gia tăng trên toàn cầu và số ca tử vong đã bắt đầu tăng trở lại.
Nguyên nhân, ông Tedros cho biết do sự xuất hiện của biến thể Delta lây lan nhanh. Người đứng đầu WHO cho biết biến thể này hiện đã có mặt tại hơn 111 quốc gia.
Trước đó vào ngày 6/7, trong một cuộc họp báo. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố thế giới đang trong “giai đoạn vô cùng nguy hiểm” của đại dịch COVID-19.
Theo thống kê của Worldometer, đến nay đại dịch đã lấy đi sinh mạng của 4.070.503 người trên toàn cầu, cả thế giới đã có gần 189 triệu ca nhiễm và mới chỉ hơn 172 triệu trường hợp hồi phục.
Bắc Kinh kêu gọi Pakistan ‘trừng phạt nghiêm khắc’ vụ xe chở chuyên gia Trung Quốc bị đánh bom
SCMP – Bắc Kinh khẳng định nhóm chuyên gia nước này thiệt mạng ở Pakistan ngày 14/7 do chiếc xe chở họ bị đánh bom và kêu gọi nước này điều tra.
Tại một cuộc họp báo, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên kêu gọi Pakistan “trừng phạt nghiêm khắc” các nghi phạm đứng sau vụ tấn công ngày 14/7 và “nghiêm túc bảo vệ an toàn cho các công dân, tổ chức, và dự án” của Trung Quốc tại nước này.
Trong khi đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Islamabad thông báo “dự án của một công ty Trung Quốc ở Pakistan đã bị tấn công, dẫn tới cái chết của công dân Trung Quốc”. Cơ quan này kêu gọi các doanh nghiệp Trung Quốc siết chặt các biện pháp an ninh.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Pakistan cho biết vụ nổ xảy ra do rò rỉ khí gas.
Tuy nhiên, Giám đốc Cảnh sát tỉnh Khyber-Paktunkhwa, ông Moazzam Jah Ansari nói với Reuters rằng vụ việc có dấu hiệu “phá hoại”.
Xe bus chở đoàn kỹ sư, chuyên gia khảo sát và nhân viên kỹ thuật Trung Quốc phát nổ tại Dasu, tỉnh Khyber Pakhtunkhwa của Pakistan ngày 14/7 khiến 13 người thiệt mạng, trong đó có 9 công dân Trung Quốc, 2 binh sĩ và 2 dân thường Pakistan.
Vụ nổ cũng khiến 36 người bị bị thương, trong đó có 28 công dân Trung Quốc.
Khi vụ việc xảy ra, chiếc xe đang đưa đoàn chuyên gia Trung Quốc tới công trường xây dựng một dự án thủy điện Dasu ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa.
Dự án thủy điện này là một phần của Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC), nằm trong kế hoạch đầu tư trị giá 65 tỷ USD nhằm kết nối miền Tây Trung Quốc với cảng Gwadar, miền Nam Pakistan.
Các dự án của Trung Quốc vấp phải nhiều sự phản đối của công chúng Pakistan, người dân địa phương cho rằng lợi ích và việc làm thuộc về người Trung Quốc, trong khi họ bị gạt ra bên lề.
Hồi tháng 4, tổ chức Taliban ở Pakistan tuyên bố nhận trách nhiệm vụ đánh bom tự sát khách sạn ở Balochistan – nơi tiếp đón đại sứ Trung Quốc.
Mỹ bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông và quan ngại về tình hình Myanmar
Nikkei – Ngoại trưởng Antony Blinken hôm 14/7 cho biết Hoa Kỳ bác bỏ yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông và quan ngại về tình hình ở Myanmar.
Phát biểu tại một cuộc họp trực tuyến với các ngoại trưởng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam (ASEAN), ông Blinken cũng cho biết Hoa Kỳ có “quan ngại sâu sắc” về tình hình ở Myanmar và kêu gọi nhóm hành động để chấm dứt bạo lực và khôi phục nền dân chủ ở nước này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price cho biết trong một tuyên bố rằng, Ngoại trưởng Blinken kêu gọi ASEAN thực hiện “hành động ngay lập tức” về sự đồng thuận và bổ nhiệm một đặc phái viên tới Myanmar. Ông Blinken còn yêu cầu trả tự do cho tất cả những người “bị giam giữ bất công” trong nước và khôi phục quá trình chuyển đổi dân chủ của Myanmar.
Bên cạnh vấn đề Myanmar, ông Blinken cũng nhấn mạnh Hoa Kỳ bác bỏ “yêu sách hàng hải trái pháp luật” của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông nói thêm rằng Washington “sát cánh với các bên tranh chấp Đông Nam Á khi đối mặt với sự chèn ép của (Trung Quốc)”.
Ngoài Biển Đông, sông Mekong đã trở thành một mặt trận mới trong sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, với việc Bắc Kinh vượt qua Washington về cả chi tiêu và ảnh hưởng đối với các nước hạ nguồn do họ kiểm soát vùng nước của con sông.
Ông Price cho biết Ngoại trưởng Blinken “cam kết tiếp tục hỗ trợ cho một khu vực Mekong tự do và rộng mở trong khuôn khổ quan hệ Đối tác Mekong-Hoa Kỳ.”
Cuộc họp của Ngoại trưởng Blinken với các lãnh đạo ASEAN hôm nay diễn ra trong bối cảnh các nhà ngoại giao và giới quan sát lo ngại rằng Washington đã không chú ý đủ đến một khu vực có tầm chiến lược quan trọng nhằm chống lại Trung Quốc ngày càng hung hăng.
(AFP) – Giám đốc tình báo Anh: Hãy cảnh giác với Nga và Trung Quốc. Trong một bài phát biểu trụ sở cơ quan tình báo đối nội MI5 ở Luân Đôn ngày 14/07/2021, ông Ken McCallum, người đứng đầu cơ quan này đã lên tiếng cảnh báo về các mối đe dọa đến từ những quốc gia “thù địch”, hàm ý nói đến Nga và Trung Quốc. Theo nhân vật này, bên cạnh nguy cơ đến từ các thành phần khủng bố, cần phải cẩn thận hơn với mối đe đọa đến từ các Nhà Nước, vốn không chỉ có những hoạt động gián điệp bình thường, mà còn tiến hành các vụ tin tặc để đánh cắp công nghệ, tấn công cơ sở hạ tầng, đồng thời gieo rắc thông tin sai lạc để thao túng người dân.
(AFP) – Hồng Kông phá vỡ mạng lưới rửa tiền ảo đầu tiên. Mạng lưới bị hải quan Hồng Kông phá vỡ được cho là đã đưa vào chu trình chính thức không dưới 1,2 tỉ đô la Hồng Kông (khoảng 130 triệu euro). Phát biểu với báo giới ngày 15/07/2021, ông Mark Woo Wai Kwan, một quan chức cảnh sát cấp cao, cho biết bốn người đã bị bắt, trong đó có người cầm đầu mạng lưới, và 20 triệu đô la Hồng Kông đã bị phong tỏa. Mạng lưới này dùng danh nghĩa nhiều công ty bình phong để mở các tài khoản ở ngân hàng và chuyển vào đó các khoản tiền được trao đổi thông qua các trang giao dịch tiền ảo.
(AFP) – Nga khẳng định có cùng quan tâm như Mỹ về biến đổi khí hậu. Trong thông cáo ngày 14/07/2021, điện Kremlin cho biết tổng thống Nga Putin, khi tiếp đặc sứ của Mỹ về khí hậu, ông John Kerry, đang công du Matxcơva, đã khẳng định: «Vấn đề khí hậu là một trong những lĩnh vực mà Nga và Mỹ có chung lợi ích và có những cách tiếp cận giống nhau». Ông Putin «coi trọng» việc thực hiện các mục tiêu đề ra trong thỏa thuận khí hậu Paris.
(AFP) – Hồng Kông trải qua năm «tồi tệ nhất» về tự do báo chí. Ngày 15/07/2021, ông Ronson Chan, chủ tịch Hội Nhà báo Hồng Kông (HKJA), nghiệp đoàn báo chí lớn nhất của đặc khu, khẳng định tự do báo chí bị «nghiền nát» ở Hồng Kông sau khi Bắc Kinh áp đặt nhiều đạo luật hạn chế tự do và dân chủ. Hiệp hội này cũng lo rằng một đạo luật về thông tin sai lệch có thể sẽ được áp đặt tại đặc khu hành chính. Ngoài ra, hội KHJA cũng cáo buộc chính quyền Hồng Kông đã biến đài phát thanh công RTHK thành «cỗ máy tuyên truyền của chính phủ» khi sa thải những nhân viên lên tiếng chỉ trích và hủy một số chương trình phát thanh.
(AFP) – Taliban đề nghị ngừng bắn ba tháng, đổi lấy tự do của 7.000 tù nhân. Chính quyền Afghanistan hôm nay, 15/07/2021, thông báo đang thương lượng với phe Taliban để tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn. Theo một đại diện của chính phủ Kaboul, số lượng tù nhân mà Taliban yêu cầu trả tự do là «quá lớn». Taliban cũng yêu cầu Liên Hiệp Quốc rút tên của nhiều lãnh đạo lực lượng này ra khỏi danh sách đen của Liên Hiệp Quốc.
(AFP) – Mỹ thông báo sẽ di tản những người Afghanistan đã tham gia trợ giúp quân đội Hoa Kỳ. Theo thông báo của người phát ngôn Nhà Trắng, các chuyến bay đưa các công dân Afghanistan nói trên cùng gia đình đi Mỹ sẽ bắt đầu vào tuần cuối cùng của tháng 7/2021. Số người liên quan đến đợt di tản này là hơn 80.000, tuy nhiên, chỉ có một bộ phận nhỏ trong số họ đã đệ nạp hồ sơ xin visa.
(AFP) – Tim nhân tạo của công ty Pháp Carmat : Lần đầu tiên cấy ghép tại Mỹ. Hôm nay, 15/07/2021, công ty Pháp Carmat thông báo việc cấy ghép trái tim nhân tạo hoàn chỉnh đầu tiên của hãng đã hoàn tất, trong khuôn khổ một thực nghiệm lâm sàng tại Đại học – Bệnh viện Duke, ở bang Bắc Carolina. Tổng giám đốc của hãng, Stéphane Piat, cho biết, nghiên cứu lâm sàng này có ý nghĩa quyết định đối với việc đưa ra thị trường sản phẩm này. Carmat dự kiến sẽ bán tim nhân tạo kể từ năm tới, trước hết là tại Pháp và Đức.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210715-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p