Tin Tổng Hợp – 15/11/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 15/11/21

Thượng đỉnh Biden – Tập Cận Bình nhằm hạ nhiệt căng thẳng, Đài Loan là tâm điểm

Tổng thống Mỹ Joe Biden và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tối nay, 15/11/2021, theo múi giờ ở Mỹ, tức sáng sớm thứ Ba 16/11, sẽ có cuộc trao đổi qua video đầu tiên sau nhiều tháng căng thẳng. Trong số những bất đồng dai dẳng giữa hai nước, Đài Loan được cho là tâm điểm của cuộc thảo luận. 

AFP nhắc lại đây cũng là cuộc hội đàm thứ ba giữa hai nguyên thủ, hai lần trước đôi bên trao đổi qua điện thoại. Tổng thống Mỹ Joe Biden, kể từ ngày nhậm chức, luôn có định tổ chức một cuộc gặp trực diện nhưng đã bị ông Tập Cận Bình từ chối với lý do dịch bệnh. 

Thông cáo của Nhà Trắng nêu rõ, nguyên thủ hai nước sẽ «thảo luận các phương cách xử lý một cách có trách nhiệm về cuộc đối đầu này» giữa hai siêu cường và cách thức «cùng nhau hợp tác khi đôi bên có chung một lợi ích». 

Cuộc gặp thượng đỉnh lần này diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ song phương đã xuống đến mức thấp nhất do những bất đồng mỗi lúc một nhiều, từ thương mại, công nghệ, nhân quyền cho đến những tham vọng của Trung Quốc trong khu vực, buộc Hoa Kỳ phải củng cố các mối quan hệ đồng minh ở châu Á. 

Tuy nhiên, hồ sơ Đài Loan được cho là chiếc gai « khó gỡ » » nhất, cho phép hạ nhiệt căng thẳng giữa hai nước, vốn dĩ đã gia tăng lên đến đỉnh điểm sau việc Trung Quốc cho chiến đấu cơ ồ ạt xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan.  

Ngay trước thượng đỉnh, ngoại trưởng hai nước, trong cuộc họp trù bị đã đưa ra những lời cảnh cáo nhau liên quan đến số phận hòn đảo tự trị mà Bắc Kinh xem như là một tỉnh nổi loạn, cần phải được đưa về với Hoa Lục, trong khi Washington thì vẫn muốn duy trì nguyên trạng. 

Theo quan sát của AFP, trong bối cảnh căng thẳng này, cuộc họp hôm nay cho thấy thiện chí của Washington muốn duy trì « những kênh đối thoại » công khai ở cấp cao nhất sau nhiều cuộc tiếp xúc ở cấp bộ trưởng diễn ra không mấy suôn sẻ thời gian đây. 

Nếu như Hoa Kỳ nhấn mạnh đến tính thiết yếu của việc hợp tác với đối thủ lớn Trung Quốc, nếu có thể, thì giới chức hai nước cũng cảnh báo là chớ nên trông đợi có những kết quả cụ thể hay những quyết định cụ thể từ cuộc họp hôm nay.

Minh Anh

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211115-thuong-dinh-tap-can-binh-joe-biden

Nhà báo Mỹ Danny Fenster được thả ba ngày sau khi bị Myanmar xử 11 năm tù

Danny Fenster
Chụp lại hình ảnh, Danny Fenster

Tin mới nhất cho biết ngày 15/11 nhà báo người Mỹ Danny Fenster đã được trả tự do sau khi bị tòa án ở Myanmar kết án 11 năm tù hôm 12/11.

Cùng ngày, Danny Fenster đã lên máy bay rời khỏi Myanmar.

Trong một tuyên bố, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã ca ngợi việc thả nhà báo này.

“Chúng tôi rất vui mừng rằng Danny sẽ sớm đoàn tụ với gia đình, chúng tôi tiếp tục kêu gọi trả tự do cho những người khác đang bị giam giữ trái công lý” ở Myanmar, ngoại trưởng Mỹ phát biểu.

Trước đó, BBC đã đưa tin:

Một tòa án ở Myanmar, đất nước đang do quân đội cai trị, đã kết án 11 năm tù với nhà báo người Mỹ Danny Fenster trong ngày 12/11.

Fenster, 37 tuổi, biên tập viên của tạp chí trực tuyến Frontier Myanmar, bị kết tội kích động và vi phạm luật nhập cư và tụ tập bất hợp pháp.

Ông là nhà báo phương Tây đầu tiên bị kết án tù trong những năm gần đây ở Myanmar.

Vào hôm 1/2/2021, quân đội đã đảo chính lật đổ chính phủ dân cử của bà Aung San Suu Kyi.

“Hoàn toàn không có cơ sở để kết tội Danny về những tội danh này”, Thomas Kean, tổng biên tập của Frontier Myanmar, một trong những hãng tin độc lập của Myanmar, tuyên bố.

“Mọi người ở Frontier đều thất vọng trước quyết định này. Chúng tôi chỉ muốn thấy Danny được trả tự do càng sớm càng tốt để anh ấy có thể về nhà với gia đình”.

Richard Horsey, cố vấn cấp cao của Crisis Group Myanmar, mô tả bản án này là “thái quá”.

Ông nói với hãng tin AFP: “Nó gửi một thông điệp không chỉ tới các nhà báo quốc tế … mà cả các nhà báo Myanmar rằng việc đưa tin thực tế về tình hình có thể khiến họ phải ngồi tù nhiều năm”.

Ông nói thêm rằng các nhà ngoại giao Mỹ đang làm việc để đảm bảo trả tự do cho Fenster nhưng lưu ý rằng “rõ ràng bản án này là một trở ngại lớn đối với các nỗ lực của Mỹ.”

Fenster bị bắt khi đang cố gắng rời khỏi Myanmar vào tháng 5 và kể từ đó bị giam tại nhà tù Insein khét tiếng của Yangon.

Phil Robertson, Phó giám đốc châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) nói việc Fenster bị bắt giam cũng nhằm cảnh báo Hoa Kỳ và giới truyền thông.

Ông nói: “Cơ sở lý luận của chính quyền cho bản án vi phạm nhân quyền thái quá này là để gây sốc và đe dọa tất cả các nhà báo Miến Điện còn lại ở Myanmar.”

Ông nói: “Thông điệp thứ hai mang tính chiến lược hơn, tập trung vào việc gửi thông điệp tới Hoa Kỳ rằng các tướng lĩnh không đánh giá cao việc bị tấn công bởi các biện pháp trừng phạt kinh tế và có thể đáp trả bằng ngoại giao con tin.”

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trước đó nói rằng việc giam giữ ông là “vô cùng bất công”, đồng thời kêu gọi chính quyền trả tự do cho ông ngay lập tức.

Bản án vào thứ Sáu diễn ra vài tháng sau khi một nhà báo tự do Nhật Bản bị bắt ở Myanmar và bị buộc tội tung tin giả.

Yuki Kitazumi, người đã đưa tin cho nhiều hãng thông tấn lớn của Nhật Bản, là một trong số ít các phóng viên nước ngoài tại nước này. Chính quyền Myanmar cho rằng ông ta vi phạm luật nhưng đã thả ra vì Nhật Bản đã yêu cầu.

Cuộc đảo chính

Các nhà lãnh đạo quân sự của Myanmar đã lên nắm quyền vào tháng 2 sau khi bị thất bại trong cuộc bầu cử dưới tay của Liên đoàn Dân chủ Quốc gia cầm quyền.

Quân đội tuyên bố rằng họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc đảo chính vì gian lận phổ biến trong cuộc bầu cử, mặc dù ủy ban bầu cử nói rằng không có bằng chứng hỗ trợ những tuyên bố này.

Đảo chính đã gây ra các cuộc biểu tình dân sự quy mô lớn trên khắp đất nước, và quân đội đã giải tán bằng vũ lực tàn bạo.

Kể từ đó, ít nhất 1.178 người đã thiệt mạng và 7.355 người bị bắt, buộc tội hoặc kết án trong một cuộc đàn áp đối với những người bất đồng chính kiến, theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP).

Cho đến nay, khoảng 80 nhà báo địa phương đã bị giam giữ vì đưa tin. Theo AAPP, 50 người trong số họ vẫn đang bị giam giữ và một nửa đã bị truy tố.

Bình luận của Jonathan Head, phóng viên Đông Nam Á của BBC

“Phiên tòa xét xử Danny Fenster diễn ra sau những cánh cửa đóng kín, theo đúng nghĩa đen, bên trong nhà tù Insein, nơi ông và nhiều người bị giam giữ kể từ cuộc đảo chính hồi tháng Hai.

Chúng tôi chỉ biết những gì luật sư của anh ấy có thể cho chúng tôi biết về quá trình này. Nhưng những cáo buộc mà nhà chức trách quân sự đưa ra chống lại anh rõ ràng là vô lý.

Công tố viên tuyên bố rằng liên quan đến việc làm của anh ở tổ chức tin tức độc lập Myanmar Now, một trong năm tổ chức truyền thông mà quân đội nhắm mục tiêu sau cuộc đảo chính, và hủy bỏ giấy phép phát sóng của họ.

Nhưng Danny Fenster đã rời Myanmar Now vào tháng 5 năm 2020, và gia nhập tạp chí tin tức Frontier. Điều này đã được các luật sư của anh làm rõ trước tòa, được hỗ trợ bằng tài liệu, nhưng bị thẩm phán bỏ qua, người đã đưa ra mức án tối đa cho ba tội danh.

Vậy tại sao quân đội lại truy lùng một nhà báo Mỹ?

Chính quyền Biden đã gia tăng áp lực lên chế độ, đặc biệt là thông qua các lệnh trừng phạt nhắm vào các sĩ quan quân đội cấp cao, và kêu gọi khôi phục chính phủ được bầu ra.

Có lẽ quân đội đang hy vọng vào một cử chỉ, một bức ảnh chụp chung với một quan chức Hoa Kỳ; không có bạn bè và bị cô lập, quân đội có thể coi đó là một giải thưởng xứng đáng để thả anh.

Nó cũng gửi một thông điệp lạnh lùng đến tất cả các nhà báo ở Myanmar. Nếu họ sẵn sàng bỏ qua một siêu cường như Mỹ, và bắt một trong những công dân của nước này làm con tin, thì việc đối xử với các nhà báo địa phương có thể còn khắc nghiệt hơn.

Như mọi khi với các tướng Myanmar, động cơ thực sự của họ rất khó đoán.”

https://www.bbc.com/vietnamese/world-59263059

(Nikkei Asia) – Việt Nam hưởng lợi đầu tư từ Covid-19. Theo báo tài chính Nhật Bản, đăng ngày 15/11/2021, Việt Nam được hưởng lợi từ các nguồn vốn đầu tư từ châu Âu nhờ Covid-19, chủ yếu là từ Anh và Pháp, khi các doanh nghiệp hai nước này « tranh nhau giành cơ hội » phát triển ở Việt Nam. Trong chuyến thăm của thủ tướng Việt Nam tại châu Âu tuần trước, Việt Nam đã ký các cam kết tài trợ với Anh và Pháp trong nhiều lĩnh vực như năng lượng tái tạo và nghiên cứu vac-xin, trị giá lên tới 30 triệu USD.

(ANI/RFA) – Cẳng thẳng tại Biển Đông khiến Đài Loan điều tàu ngầm đến Trường Sa. Hãng tin Ấn Độ hôm 15/11/2021 trích dẫn báo cáo của Đài Loan về các hoạt động quân sự trong năm 2021. Đài Bắc xác nhận tàu ngầm Hải Long được điều động tham gia các cuộc tập trận gần đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa. Văn bản nói trên không đi sâu vào chi tiết chương trình và thời điểm các cuộc diễn tập. Hai trong số bốn tàu ngầm của Đài Loan hoạt động từ Thế Chiến Thứ Hai. Đảo Ba Bình mà Đài Loan gọi là Đảo Thái Bình là nơi Đài Loan, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines cùng khẳng định chủ quyền.

(AFP) – Trung Quốc mở sàn chứng khoán mới. «Sàn chứng khoán Bắc Kinh» được khai trương ngày 15/11/2021 chuyên dành cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhằm thúc đẩy đầu tư tại nhà thay vì ở Mỹ. Từ lâu, các doanh nghiệp Trung Quốc đã thu hút các nhà đầu tư từ phố Wall, cho đến khi Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung nổ ra, khi Mỹ cấm doanh nghiệp của nước này đầu tư Trung Quốc từ hơn một năm trước.

(FT) – Bắc Triều Tiên biến một căn cứ quân sự gần biên giới Trung Quốc thành ga xe lửa đón nhận hàng hóa. Báo tài chính Anh ngày 15/11/2021 trích dẫn ảnh vệ tinh của trung tâm nghiên cứu chiến lược CSIS cho thấy dường như một căn cứ quân sự của Bắc Triều Tiên đang được xây dựng lại để trở thành một trạm chung chuyển hàng hóa. Những hình ảnh này được ghi nhận tại khu vực Uiju, phía tây bắc biên giới giữa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc. Từ tháng 1/2021, Bắc Triều Tiên đóng cửa biên giới với cả Trung Quốc lẫn Nga nhằm ngăn ngừa dịch Covid-19. Kinh tế nước này sa sút nghiêm trọng. Publicité

(AFP) – Miến Điện trả tự do cho nhà báo Mỹ Danny Fenster. Bị bắt giữ tại Miến Điện từ tháng 5/2021 với tội danh kích động và tham gia phong trào chống đối tập đoàn quân sự, phóng viên người Mỹ này vừa được trả tự do hôm 15/11/2021. Tuần trước ông bị kết án 11 năm tù. Theo một nguồn tin thông thạo được hãng truyền thống quốc tế trích dẫn, từ Rangoon nơi ông bị giam giữ, Danny Fenster đã được đưa về thủ đô Naypyidaw và sẽ bị trục xuất khỏi Miến Điện. Fenster làm việc cho tờ báo Frontier Myanmar. Chủ báo này trên Twitter xem tin phóng viên người Mỹ được tự do là «một tin vui».  

(AFP) – Tổng thống Duterte, 76 tuổi, chưa có ý định từ giã chính trường. Luật sư đại diện cho tổng thống Philippines ngày 15/11/2021 thông báo thân chủ của ông ra tranh cử vào năm 2022 nhưng để giành chức thượng nghị sĩ. Trong lúc con gái ông Rodrigo Duterte vừa chính thức đệ đơn ra tranh cử ở chức vụ phó tổng thống.

(AFP) – Hoạt động quân sự của Nga tại biên giới với Ukraina khiến Mỹ- Pháp «lo ngại». Thông cáo của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ngày 14/11/2021 cho biết ngoại trưởng hai nước đã có một cuộc trao đổi qua điện thoại cách nay hai ngày về tình hình tại biên giới giữa Ukraina và Nga. Căn cứ trên « những thông tin về hoạt động quân sự đáng lo ngại của Nga » gần lãnh thổ Ukraina, Antony Blinken và Jean-Yves Le Drian kêu gọi Matxcơva « tôn trọng cam kết về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ » của Ukraina. Ngày 14/11, Kiev báo động Nga đã triển khai 100.000 quân đến biên giới với Ukraina.

(AFP) – Quần thể Angkor mở cửa trở lại cho du khách quốc tế. Kể từ ngày 15/11/2021, chính quyền Phnom Penh cho phép du khách nước ngoài đã chích đủ hai liều vac-xin chống Covid-19 tham quan đền Angkor. Cam Bốt bãi bỏ lệnh cách ly du khách quốc tế. Tối 14/11, thủ tướng Hun Sen bất ngờ đưa ra quyết định trên vào lúc thiệt hại về du lịch lên tới 4 tỷ đô la trong năm 2020 so với thời điểm 2019.

(AP) – Covid-19: Ấn Độ cũng bắt đầu đón nhận du khách nước ngoài. Dấu hiệu rõ rệt nhất là các chuyến bay thương mại hoạt động trở lại kể từ hôm 15/11/2021. Để vào được lãnh thổ Ấn Độ du khách cần chứng nhận đã chích đủ hai liều vac-xin và có giấy xét nghiệm âm tính với virus corona chưa đầy 72 giờ trước đó. Từ tháng 3/2021, du khách quốc tế mới được quay lại Ấn Độ.

(AFP) – Trò chơi điện tử Fornite chính thức ngừng hoạt động tại Trung Quốc. Trò chơi điện tử Fornite, quy tụ hàng triệu người chơi trực tuyến trên toàn thế giới, đã không còn có thể truy cập từ Trung Quốc từ ngày 15/11/2021. Hãng  Epic Games đã thông báo từ đầu tháng 11 sẽ tạm ngưng phiên bản trò chơi Fornite tại Trung Quốc, sau lệnh giới hạn giờ chơi đối với trẻ em. Quốc gia này đang thắt chặt quản lý các nội dung bạo lực, khiêu dâm, hay nhạy cảm về chính trị. Epic là công ty Mỹ thứ hai rút sản phẩm ra khỏi thị trường Trung Quốc, sau Microsoft khi tuyên bố đóng cửa Linkedlin vào tháng 10.

 (AFP) – Vô địch vòng đua xe đạp Tour de France 2018 bị mất trộm xe đạp tại Pháp. Đang có mặt tại miền nam nước Pháp để chuẩn bị cho những kỳ thi đấu sắp tới, tay đua Thomas đã hai lần vô địch Olympic và từng đoạt Áo Vàng Tour de France năm 2018 bị mất xe đạp vào chiều 14/11/2021 trong lúc dừng lại một quán cà phê ở thành phố Menton.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211115-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p