Tin Tổng Hợp – 15/10/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 15/10/21

ASEAN cân nhắc khả năng không cho lãnh đạo quân sự Miến Điện dự Thượng Đỉnh thường niên

Ngoại trưởng 10 nước ASEAN họp khẩn hôm 15/10/2021 để thảo luận về việc có cho lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện tham dự thượng đỉnh hay không, vì Naypyidaw không cho đặc phái viên ASEAN tiếp xúc với nhà lãnh đạo bị lật đổ Aung San Suu Kyi.
Ngoại trưởng 10 nước ASEAN họp khẩn hôm 15/10/2021 để thảo luận về việc có cho lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện tham dự thượng đỉnh hay không, vì Naypyidaw không cho đặc phái viên ASEAN tiếp xúc với nhà lãnh đạo bị lật đổ Aung San Suu Kyi. © Sai Aung Main AFP/File

Ngoại trưởng các nước trong khối Đông Nam Á ASEAN họp khẩn qua mạng vào hôm nay, 15/10/2021 để thảo luận về việc có nên cho phép lãnh đạo tập đoàn quân sự cầm quyền tại Miến Điện tham dự hội nghị thượng đỉnh thường niên mở ra vào hạ tuần tháng 10. Lý do là chính quyền thành viên này đã cấm không cho đặc phái viên ASEAN tiếp xúc với nhà lãnh đạo Miến Điện bị lật đổ Aung San Suu Kyi. Quảng cáo

Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á gần đây đã bổ nhiệm Ngoại trưởng thứ hai của Brunei là ông Erywan Yusof làm đặc phái viên của ASEAN với nhiệm vụ làm trung gian hòa giải để chấm dứt cuộc khủng hoảng Miến Điện. Mới đây, nhân vật này đã đột ngột hủy bỏ chuyến thăm Naypyidaw sau khi được thông báo rằng ông sẽ không thể gặp bà Suu Kyi và một số người khác như mong muốn. Theo Miến Điện, ông Erywan không thể gặp bà Suu Kyi vì các cáo buộc hình sự nhắm vào bà.

Theo AP, tuy nhiên, ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah vào hôm nay cho biết ông đã được thông báo rằng ông Erywan có thể đi Miến Điện vào thứ Hai 18/10, hơn một tuần lễ trước Thượng Đỉnh ASEAN dự trù từ ngày 26 đến ngày 28/10.

Theo ngoại trưởng Malaysia, nhân cuộc họp hôm nay, khối ASEAN sẽ “xem xét các chi tiết của chuyến thăm được đề xuất. Nếu không có tiến triển thực sự, thì lập trường của Malaysia vẫn là không cho lãnh đạo quân sự cầm quyền tại Miến Điện tham dự hội nghị thượng đỉnh. Không thể có thỏa hiệp về điều đó”.

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr đã ủng hộ lập trường của đồng nhiệm Malaysia và cảnh báo : “Nếu chúng ta (tức là ASEAN) giảm nhẹ yêu cầu bằng bất kỳ cách nào, uy tín của chúng ta với tư cách là một tổ chức khu vực thực thụ sẽ biến mất”.

ASEAN đã phải chịu áp lực quốc tế dữ dội trong việc có những hành động dứt khoát để buộc thành viên Miến Điện trả tự do cho nhiều nhân vật chính trị, bao gồm cả cựu lãnh đạo Aung San Suu Kyi, đã bị lật đổ trong cuộc đảo chánh quân sự ngày 01/02/2021, và đưa quốc gia này trở lại con đường dân chủ.

Việc cho phép tướng Min Aung Hlaing – lên cầm quyền tại Miến Điện sau cuộc đảo chánh – tham dự thượng đỉnh ASEAN sẽ diễn ra qua video, có thể bị coi là hành động công nhận cuộc đảo chánh vốn đã ngăn chặn một trong những cuộc chuyển đổi dân chủ ngoạn mục nhất của châu Á trong lịch sử gần đây sau nhiều thập kỷ cai trị của quân đội.

Trong số các nhà lãnh đạo thế giới sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN có tổng thống Mỹ Joe Biden, người đã lên án cuộc đảo chánh tại Miến Điện và đã bật đèn xanh cho các biện pháp trừng phạt giới tướng lĩnh Miến Điện cung với gia đình và cộng sự viên của họ.

Tổng thư ký LHQ hoãn một hội nghị với ASEAN vì có đại diện Miến Điện

Như để nhấn mạnh đến các áp lực đang đè nặng trên ASEAN, giới ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc ngày hôm qua 14/10/2021 đã tiết lộ : Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã yêu cầu hoãn một cuộc họp trực tuyến với các ngoại trưởng Đông Nam Á vào giờ chót để tránh phát ra tín hiệu công nhận chính quyền quân sự Miến Điện.

Cuộc họp giữa tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và các ngoại trưởng ASEAN – trong đó có cả ngoại trưởng Miến Điện Wunna Maung Lwin – lẽ ra đã được tổ chức hôm 08/10 vừa qua. Thế nhưng một ngày trước đó, ông Guterres đã yêu cầu ASEAN hoãn cuộc họp “cho đến khi cuộc gặp có thể được tổ chức theo thể thức được cả hai bên đồng ý”.

Theo Reuters, các nhà ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc – xin giấu tên – cho biết là ông Guterres muốn chờ quyết định của các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc về việc ai sẽ ngồi vào ghế của Miến Điện tại định chế thế giới này sau khi nổ ra vụ tranh quyền đại điện giữa đương kim đại sứ Kyaw Moe Tun, do chính phủ dân cử Miến Điện bổ nhiệm, và người mới do chính quyền quân sự đề cử.

Một ủy ban của Liên Hiệp Quốc, bao gồm Nga, Trung Quốc và Hoa Kỳ, sẽ họp vào tháng tới để xem xét vụ việc. Trong khi chờ đợi ông Kyaw Moe Tun vẫn giữ nguyên vị trí.

Trọng Nghĩa

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20211015-asean-c%C3%A2n-nh%E1%BA%AFc-kh%E1%BA%A3-n%C4%83ng-c%E1%BA%A5m-l%C3%A3nh-%C4%91%E1%BA%A1o-qu%C3%A2n-s%E1%BB%B1-mi%E1%BA%BFn-%C4%91i%E1%BB%87n-tham-d%E1%BB%B1-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-%C4%91%E1%BB%89nh-th%C6%B0%E1%BB%9Dng-ni%C3%AAn

Căng thằng Trung Quốc – Đài Loan: Đài bắc cảnh báo mạnh mẽ đáp trả

Ảnh minh họa: Một chiếc F-16 của không quân Đài Loan bám theo một chiếc máy bay ném bom H-6 của Trung Quốc bay qua kênh Bashi ở phía nam Đài Loan và eo biển Miyako gần Nhật Bản, ngày 25/05/2018.
Ảnh minh họa: Một chiếc F-16 của không quân Đài Loan bám theo một chiếc máy bay ném bom H-6 của Trung Quốc bay qua kênh Bashi ở phía nam Đài Loan và eo biển Miyako gần Nhật Bản, ngày 25/05/2018. AFP – HANDOUT

Bộ trưởng Quốc Phòng Đài Loan, Khâu Quốc Chinh (Chiu Kuo Cheng) ngày 14/10/2021 cảnh báo sẽ có những biện pháp trả đũa mạnh mẽ nếu chiến đấu cơ Trung Quốc bay quá sâu vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Bắc Kinh giải thích các phi vụ của bên Không Quân “chỉ nhằm” bảo vệ hòa bình và ổn định. 

Hãng tin Anh Reuters nhắc lại căng thẳng giữa hai bờ eo biển Đài Loan đang ở mức cao nhất từ hơn 40 năm qua. Tuần trước bộ trưởng Quốc Phòng Đài Loan đã nêu lên khả năng Trung Quốc tiến hành một cuộc xâm lược quy mô toàn diện vào năm 2025 sau đợt hơn 150 chiến đấu cơ Trung Quốc thâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan từ 01 đến 04/10/2021.  

Theo một báo cáo trình lên Quốc Hội, bộ Quốc Phòng Đài Loan ghi nhận không một sự cố nào đã xảy ra và chiến đấu cơ của Trung Quốc không thâm nhập không phận Đài Loan, nhưng đã tập trung hoạt động tại phía tây nam hòn đảo này. Lãnh đạo bộ Quốc Phòng Đài Loan nhấn mạnh “tuyệt đối không phát động chiến tranh hay gây hấn”, nhưng “sẽ có những biện pháp đáp trả mạnh mẽ nếu như đối phương tiến vào quá gần” và Đài Loan sẽ tự vệ ở mức “tối đa” trong trường hợp bị tấn công.  

Trước đó vài giờ, phát ngôn viên văn phòng sự vụ Đài Loan của Trung Quốc, Mã Hiểu Quang (Ma Xiao Guang) giải thích : các hoạt động quân sự của Bắc Kinh gần Đài Loan là những hành động chính đáng nhằm “bảo vệ hòa bình và ổn định” và sự cấu kết của chính quyền Đài Bắc với các lực lượng nước ngoài là nguyên nhân dẫn tới căng thẳng.  

Thanh Hà

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20211014-c%C4%83ng-th%E1%BA%B1ng-trung-qu%E1%BB%91c-%E2%80%93-%C4%91%C3%A0i-loan-%C4%91%C3%A0i-b%E1%BA%AFc-c%E1%BA%A3nh-b%C3%A1o-m%E1%BA%A1nh-m%E1%BA%BD-%C4%91%C3%A1p-tr%E1%BA%A3

(Reuters) – Lãnh đạo Trung Quốc vắng mặt tại thượng đỉnh chống biến đổi khí hậu COP26. Thủ tướng Anh, Boris Johnson ngày 15/10/2021 thông báo chủ tịch Tập Cận Bình sẽ không đến dự thượng đỉnh COP 26 mở ra từ ngày 31/10 đến ngày 12/11/2021 tại Glasgow – Scotland. Theo giới quan sát, đây có thể là tín hiệu Bắc Kinh sẽ phản đối mọi mục tiêu mới của cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực này. Trái với mong đợi, thủ tướng Úc, Scott Morisson thông báo ông sẽ có mặt tại COP26.

(Yonhap) – Bắc Triều Tiên: Washington chờ Bình Nhưỡng phản hồi về các đề xuất đối thoại. Người phát ngôn bộ Ngoại Giao Mỹ Ned Price hôm qua 14/10/2021 cho biết Mỹ tiếp tục chuẩn bị gặp Bắc Triều Tiên mà không cần điều kiện tiên quyết vì đang chờ phản ứng của Bình Nhưỡng đối với “các đề xuất cụ thể” của Washington. Ông Price cũng nhấn mạnh rằng Mỹ vẫn tích cực làm việc với các đồng minh để thảo luận về cách cải thiện an ninh chung.

(NK News) – Pháp và Canada điều máy bay giám sát các hoạt động « bất hợp pháp » của Bắc Triều Tiên trên biển. Bộ Ngoại Giao Nhật hôm 15/10/2021 giải thích công việc này nhằm giát sát các hoạt động trên sau tiết lộ Bắc Triều Tiên vẫn xuất khẩu than đá cho Trung Quốc qua đường biển, vi phạm lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc. Các nguồn tin thông thạo nói rõ hơn là Pháp huy động loại máy bay Falcon200, còn phía Canada thì điều những chiếc Lockheed CP-140 Aurora. Máy bay của Pháp và Canada cất cánh từ căn cứ quân sự Okinawa, tại Nhật.

 (Reuters) – Nga và Trung Quốc tập trận chung tại biển Nhật Bản. Theo thông cáo của bộ Quốc Phòng Nga hôm nay 15/10/2021, cuộc thao diễn mở ra từ ngày 14 đến 17/10/2021. Trung Quốc huy động tàu ngầm và hai tàu hộ tống tham gia chiến dịch. Nga và Trung Quốc duy trì hợp tác quân sự và ngoại giao chặt chẽ trong những năm gần đây.

(Bloomberg) – Nhân quyền là trọng tâm đối thoại trực tuyến giữa Liên Âu và Trung Quốc. Ngày 15/10/2021, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel điện đàm với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Quan hệ song phương đã xấu đi từ một năm qua, do các cáo buộc Bắc Kinh chà đạp nhân quyền, cưỡng bức cộng đồng thiểu số Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, đọ sức ngoại giao giữa một thành viên Liên Âu là Litva với Trung Quốc, và nhất là sau các đợt Bắc Kinh ban hành lệnh trừng phạt nhắm vào một số quan chức châu Âu đã tố cáo Trung Quốc cưỡng bức lao động tại Tân Cương. Những xung khắc nói trên khiến thỏa thuận đầu tư toàn diện CAI mà Trung Quốc và Liên Âu và Trung Quốc đat được cuối năm 2021 hoàn toàn bế tắc.

(AFP) – Ủy Ban Châu Âu chuẩn bị công bố giải thưởng nhân quyền châu Âu, Sakharov. Trong danh sách cuối cùng, Ủy Ban Châu Âu đã giữ lại tập thể phụ nữ Afghanistan, nhà đối lập Nga Alexeï Navalny và cựu quyền tổng thống Bolivia, bà Jeanine Anez. Bảng vàng sẽ được công bố ngày 20/10/2021. Năm ngoái, phần thưởng của Ủy Ban Châu Âu dành tặng cho « Dân chủ Belarus », phong trào đối lập với chính quyền Minsk. Phong trào này phản đối tổng thống Loukachenko bám víu quyền lực bất châp kết quả bầu cử tổng thống hồi tháng 8/2020.

(Reuters) – Khả năng Mỹ khởi động lại cơ quan giải quyết tranh chấp giữa các thành viên Tổ Chức Thương Mại Thế Giới – WTO. Viếng thăm trụ sở Tổ Chức Thương Mại Thế Giới tại Genève, Thụy Sĩ hôm 14/10/2021, đại diện Thương Mại Hoa Kỳ, Katherine Tai kêu gọi cải tổ WTO đồng thời để ngỏ khả năng « khởi động lại » tòa án trọng tài của WTO. Cơ chế vốn bị tê liệt từ tháng 12/2019 dưới áp lực của Mỹ. Washington luôn chỉ trích Tổ Chức Thương Mại Thế Giới mặc dù hầu hết các phán quyết của WTO đều có lợi cho Hoa Kỳ.

(AFP) – Tổng thống Vladimir Putin xác nhận có ít nhất 2.000 chiến binh thuộc tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đóng ở miền bắc Afghanistan. Phát biểu qua cầu truyền hình, trong khuôn khổ thượng đỉnh giữa các nước thuộc Liên Xô cũ, tổng thống Nga Vladimir Putin hôm nay 15/10/2021 cho biết tham vọng của nhóm  này là « mở rộng » ảnh hưởng và hoạt động đến Trung Á, đến vùng thuộc ảnh hưởng của Nga. Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo khơi dậy « những hiềm khích, xung đột về sắc tộc, tôn giáo và lòng hận thù » để đạt đến đích. Matxcơva lo ngại bất ổn sát cạnh biên giới phía nam của Nga. Tuần tới Nga tổ chức một hội nghị về Afghanistan với sự tham gia của nhiều nước như Trung Quốc, Iran, Pakistan và Ấn Độ. Một quan chức Nga cho biết Mỹ cũng được mời tham gia cuộc họp này.

(AFP) – Liban: Xung đột đẫm máu lại bùng lên ở thủ đô Beyrouth. Bóng ma nội chiến xuất hiện trở lại ở Liban sau những vụ xung đột trên đường vào hôm qua 14/10/2021 giữa những phần tử có vũ trang ở Beyrouth sau các vụ nổ súng trong một cuộc biểu tình do phong trào Hezbollah và Amal thuộc hệ phái Hồi Giáo Shiai tổ chức. Bạo động đã khiến ít nhất 6 người chết. Các vụ đụng độ xảy ra gần Tòa Án Liban, nơi những người ủng hộ hai phong trào trên tụ tập để yêu cầu thay thế thẩm phán Tareq Bitar, người phụ trách cuộc điều tra về vụ nổ ở cảng Beyrouth năm ngoái đã muốn thẩm vấn các quan chức cấp cao, trong đó có hai cựu bộ trưởng thuộc phong trào Amal.

(AFP) – Biểu tình khổng lồ ở Tbilisi đòi trả tự do cho cựu tổng thống Gruzia. Hàng chục nghìn người đã biểu tình vào hôm qua 14/10/2021 tại thủ đô Gruzia để yêu cầu trả tự do cho cựu tổng thống Mikheil Saakashvili, vốn đã bị cầm tù kể từ khi ông trở về nước vào đầu tháng 10 sau một thời gian sống và hiện đang tuyệt thực. Theo ước tính của phóng viên AFP, ít nhất 50.000 người đã tập trung tại Quảng Trường Tự Do ở trung tâm Tbilisi, hô vang tên của Mikheil Saakashvili và giơ cáo các biểu ngữ như “Hãy trả tự do cho Saakashvili!”, “Không được đàn áp chính trị!”…

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211015-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

(AFP) – Tổng thông Nga cho rằng Trung Quốc không cần thôn tính Đài Loan bằng giải pháp quân sự. Trả lời đài truyền hình Mỹ CNBC hôm 13/10/2021 Vladimir tuyên bố Trung Quốc “không cần dùng đến sức mạnh” với Đài Loan. Trung Quốc là một “siêu cường kinh tế, với những điều kiện khổng lồ, và nếu xét về chỉ số tương ứng về mãi lực thì Trung Quốc còn hơn cả Mỹ”, do vậy ông Putin quan niệm: chỉ cần “nâng cao tiềm năng kinh tế”, cũng đủ cho phép Bắc Kinh đạt đến đích.  

(Reuters) – Miến Điện từ chối cho đặc sứ ASEAN gặp bà Aung San Suu Kyi. Tập đoàn quân sự cầm quyền tại Miến Điện hôm nay 14/10/2021 cho biết không ngăn cản đặc sứ ASEAN thăm đất nước, nhưng không thể cho tiếp xúc với Aung San Suu Kyi, vì bà bị cáo buộc phạm nhiều tội. Phát ngôn viên Zaw Min Tun cũng tuyên bố việc Liên Hiệp Quốc chậm trễ chấp thuận đại sứ do chính quyền quân sự Miến Điện bổ nhiệm là có ý đồ chính trị.

(RFI) – COP15 về đa dạng sinh học: Khoảng 100 nước thông qua « Tuyên bố Côn Minh ». Các đại diện của hơn 100 quốc gia họp trực tuyến hôm 13/10/2021 đã thông qua « Tuyên bố Côn Minh ». Văn bản – không mang tính ràng buộc – là thông điệp mạnh mẽ về « quyết tâm và sự đoàn kết » nhằm bảo vệ các loài động và thực vật, văn bản sử dụng lại khái niệm « văn minh sinh thái » của Tập Cận Bình, theo bộ trưởng Môi Trường Trung Quốc. Chủ tịch Trung Quốc hứa tặng 200 triệu đô la cho quỹ bảo vệ thiên nhiên tại các nước đang phát triển.

(Yonhap) – Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ – Hàn (JCS) kêu gọi quân đội sẵn sàngbảo vệ an toàn và tính mạng của người dân. Lời kêu gọi của tướng Won In Choul được đưa ra hôm qua 13/10/2021, khi ông đến thăm một đơn vị không quân Suwon, ngay phía nam Seoul, sau khi lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un kêu gọi tăng cường khả năng phòng thủ của đất nước sau hàng loạt vụ phóng tên lửa vào tháng 9.

(AFP) – Washington tổ chức họp trực tuyến về đấu tranh chống nạn tấn công mạng đòi tiền chuộc. Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng hôm qua thông báo cuộc họp diễn ra trong hai ngày 13 và 14/10/2021. Có khoảng 30 nước tham dự, nhưng Nga không được mời. Theo quan chức Mỹ, Washington và Matxcơva đã thiết lập một kênh liên lạc riêng để bàn về chủ đề này. Cho đến nay, dù Nga vẫn bác bỏ trách nhiệm, nhưng phần lớn các vụ tấn công tin học đòi tiền chuộc đều được xem là do các nhóm hacker nói tiếng Nga thực hiện hoặc được tiến hành từ lãnh thổ Nga. 

(RFI) – Putin : « Giải Nobel hòa bình không phải là một chiếc khiên ». Lần đầu tiên từ khi nhà báo Nga Dimitri Mouratov được trao giải Nobel hòa bình cùng với đồng nghiệp Philippines Maria Ressa, ông Vladimir Putin hôm qua 13/10/2021 trực tiếp lên tiếng. Trong bối cảnh báo chí độc lập bị đàn áp, dán nhãn cơ quan nước ngoài, khi được chất vấn về chủ đề này tại một diễn đàn năng lượng ở Matxcơva, tổng thống Nga nói rằng sẽ không có vấn đề gì, nếu không vi phạm luật pháp. Nhưng nếu muốn « sử dụng giải Nobel như một chiếc khiên » thì cần phải hiểu rằng dù tài năng đến đâu đều phải tuân thủ pháp luật Nga. Cùng ngày giải Nobel được công bố, bộ Tư Pháp Nga đã liệt thêm 7 nhà báo vào diện « nhân tố nước ngoài ».

(AFP) – Đài Loan : 46 người chết vì hỏa hoạn ở một tòa nhà. Đây là một trong những vụ cháy tại chung cư gây chết người nhiều nhất trên thế giới kể từ 20 năm qua. Vụ hỏa hoạn xảy ra hôm nay 14/10/2021 tại một tòa nhà 13 tầng ở Cao Hùng, miền nam Đài Loan.

(RFI) – Hollywood đứng trước đe dọa đình công. IATSE, nghiệp đoàn đại diện các kỹ thuật viên điện ảnh và truyền hình Hollywood đe dọa sẽ đình công vào tuần tới nếu các phim trường không tăng lương và điều chỉnh thời gian làm việc. Trong suốt 128 năm qua, 60.000 thành viên nghiệp đoàn này chưa bao giờ đình công, nhưng họ cảm thấy đã vượt quá sức chịu đựng : lương chỉ hơn mức lương tối thiểu đôi chút, và phải làm việc nhiều ngày liên tục, thường không được nghỉ trưa. Hồi năm 2007, cuộc đình công của những người viết kịch bản đã khiến Hollywood phải ngừng hoạt động 100 ngày, gây thiệt hại 1 tỉ đô la cho kinh tế địa phương.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211014-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p