Tin Tổng Hợp – 15/02/23: Nhật cảnh cáo TC về khinh khí cầu; Mỹ thu hồi các cảm biến chính của khinh khí cầu TC bị bắn rơi; TT Phi triệu đại sứ TC; Chiến lược “quân dân dung hợp” của TC và mối lo cho Việt Nam

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 15/02/23: Nhật cảnh cáo TC về khinh khí cầu; Mỹ thu hồi các cảm biến chính của khinh khí cầu TC bị bắn rơi; TT Phi triệu đại sứ TC; Chiến lược “quân dân dung hợp” của TC và mối lo cho Việt Nam

Nhật Bản cảnh cáo Trung Quốc về các khinh khí cầu do thám

15/02/2023 – Thanh Phương – Hôm nay, 15/02/2023, Tokyo cảnh cáo Trung Quốc là việc các khinh khí cầu do thám xâm phạm không phận của Nhật Bản là “không thể chấp nhận được”. Theo bộ Quốc Phòng nước này, kết quả phân tích lại các vật thể bay không xác định trên bầu trời Nhật Bản trong những năm gần đây cho thấy rất có thể đó là các khinh khí cầu do thám của Trung Quốc.

Từ Tokyo, thông tín viên Frédéric Charles tường trình: 

“Bộ Quốc Phòng Nhật cho biết ít nhất ba lần kể từ năm 2019, các vật thể bay không xác định đã xuất hiện trên bầu trời của Nhật Bản. Vụ khinh khí cầu Trung Quốc bị Mỹ bắn rơi khiến Tokyo phải đánh giá lại về các vật thể bay đó. Bộ Quốc Phòng Nhật chỉ có thể phỏng đoán đó là những khinh khí cầu do thám không người lái do Trung Quốc đưa đến.

Hôm nay chính phủ Nhật yêu cầu Trung Quốc xác nhận những vụ việc đó và không để “tái diễn những hành động như vậy trong tương lai”.

Theo tiết lộ của phát ngôn viên chính phủ Hirokazu Matsuno, vào tháng 01/2022, một khinh khí cầu không xác định đã bay bên trên vùng biển ở phía tây đảo Kyushu. Phía nam đảo này là đảo Okinawa, nơi đặt phần lớn căn cứ quân sự của Mỹ trên lãnh thổ Nhật.

Nằm gần Đài Loan, các căn cứ ở Okinawa vẫn được dùng để theo dõi Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Các chiến hạm, tàu ngầm và máy bay trinh sát của Trung Quốc vẫn thường xuyên bị phát hiện ở ngoài khơi đảo Okinawa. Nhật Bản dự trù sẽ sử dụng các tên lửa để bảo vệ không phận nước này chống các vụ xâm nhập của các khinh khí cầu do thám. Với sự hợp tác của đồng minh Hoa Kỳ.”

Mỹ: Các vật thể bay mới bị bắn hạ có thể là “vô hại”

Ngoài quả khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bị bắn hạ trên bầu trời bang Montana ngày 04/02, chính quyền Mỹ, ngày hôm qua nhìn nhận rằng các vật thể bay mà họ đã bắn rơi trên bầu trời nước Mỹ trong những ngày qua có thể là “vô hại”. Ông John Kirby, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, cho biết hiện “chưa có chỉ dấu nào” cho thấy các vật thể bay bí ẩn này là của Trung Quốc, hay được sử dụng để do thám, có thể đó là các khinh khí cầu thương mại hoặc khoa học. Tuy nhiên, ông nói rõ là phải chờ kết quả phân tích các mảnh vỡ của  mới có thể xác định được xuất xứ cũng như bản chất của các vật thể bay đó, mà việc thu lượm các mảnh vỡ này thì không phải là dễ dàng.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230215-nh%E1%BA%ADt-b%E1%BA%A3n-c%E1%BA%A3nh-c%C3%A1o-trung-qu%E1%BB%91c-v%E1%BB%81-c%C3%A1c-khinh-kh%C3%AD-c%E1%BA%A7u-do-th%C3%A1m

Quân đội Mỹ thu hồi các cảm biến chính của khinh khí cầu do thám Trung Quốc bị bắn rơi

14/02/2023 – Reuters

Khinh khí cầu nghi do thám của Trung Quốc bị bắn hạ ở ngoài khơi Surfside Beach, bang South Carolina, Hoa Kỳ, và ngày 4/2/2023.
Khinh khí cầu nghi do thám của Trung Quốc bị bắn hạ ở ngoài khơi Surfside Beach, bang South Carolina, Hoa Kỳ, và ngày 4/2/2023.

Quân đội Hoa Kỳ hôm thứ Hai (14/2) cho biết họ đã thu hồi được các thiết bị điện tử quan trọng của khinh khí cầu bị nghi là do thám của Trung Quốc bị một máy bay chiến đấu của Hoa Kỳ bắn rơi ngoài khơi bờ biển South Carolina vào ngày 4/2, bao gồm cả các cảm biến chính có lẽ được sử dụng để thu thập thông tin tình báo.

“Các nhóm đã có thể phục hồi những mảnh vỡ đáng kể từ địa điểm, bao
gồm tất cả các bộ phận điện tử và cảm biến quan trọng được xác định cũng
như phần lớn cấu trúc”, Bộ Tư lệnh đặc trách khu vực phía Bắc của quân
đội Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố.

Khinh khí cầu của Trung Quốc, mà Bắc Kinh phủ nhận là khinh khí cầu do thám của chính phủ, đã bay qua Hoa Kỳ và Canada trong một tuần trước khi bị bắn hạ. Vụ việc khiến quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh trở nên căng thẳng, và khiến nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ hoãn chuyến công du Trung Quốc.

Nó cũng dẫn đến việc quân đội Hoa Kỳ lùng sục bầu trời để tìm các vật thể khác không bị radar theo dõi, dẫn tới ba vụ bắn hạ chưa từng có trong ba ngày từ Thứ Sáu đến Chủ Nhật.

Quân đội Hoa Kỳ và chính quyền Biden đã thừa nhận rằng vẫn còn nhiều điều chưa biết về các vật thể không người lái gần đây nhất, bao gồm cả cách chúng ở trên cao, ai đã chế tạo ra chúng và liệu chúng có thể đang thu thập thông tin tình báo hay không.

Hôm thứ Hai, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đã tìm cách trấn an người Mỹ về những rủi ro do các vật thể không xác định gây ra.

“Tôi muốn trấn an người Mỹ rằng những vật thể này không gây ra mối đe dọa quân sự cho bất kỳ ai trên mặt đất”, ông Austin nói với các phóng viên khi ông đáp máy bay đến Brussels để tham dự một cuộc họp của NATO.

“Tuy nhiên, chúng gây rủi ro cho hàng không dân dụng và có khả năng là mối đe dọa thu thập thông tin tình báo”.

Quân đội Hoa Kỳ nói rằng việc nhắm mục tiêu vào các vật thể mới nhất còn khó hơn bắn hạ khinh khí cầu do thám của Trung Quốc, do kích thước chúng nhỏ hơn và các vật thể này không có tín hiệu radar truyền thống.

Một ví dụ cho thấy khó khăn này là vụ bắn hạ một vật thể không xác định mới nhất vào Chủ nhật. Máy bay chiến đấu F-16 đã bắn hai tên lửa sidewinder, sau khi tên lửa thứ nhất trật mục tiêu, một quan chức Mỹ cho Reuters biết với điều kiện giấu tên.

Ông Austin cho biết quân đội Hoa Kỳ vẫn chưa thu hồi được bất kỳ mảnh vỡ nào từ ba vật thể gần đây nhất bị bắn hạ, một trong số đó đã rơi ngoài khơi bờ biển Alaska trong băng và tuyết. Một vụ bắn hạ khác xảy ra trên lãnh thổ Yukon ở Canada.

Các quan chức Hoa Kỳ đã từ chối kết nối các sự cố.

Nhưng Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm thứ Hai cho biết bốn vật thể trên không bị bắn hạ trong những ngày gần đây có mối liên hệ nào đó với nhau mà không giải thích chi tiết.

“Rõ ràng là có một số khuôn mẫu trong đó, thực tế là chúng ta đang thấy điều này ở một mức độ đáng kể trong tuần qua là một nguyên nhân gây ra sự quan tâm và chú ý”, ông Trudeau nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo ở Whitehorse, thủ phủ của Yukon.

https://www.voatiengviet.com/a/6962265.html

Vụ chiếu laser vào tầu quân sự: Tổng thống Philippines triệu đại sứ Trung Quốc

15/02/2023 – Anh Vũ

Theo AFP, hôm qua, 14/02/2023, Manila đã lên án các hành động ”gây hấn” của một tàu hải cảnh Trung Quốc bị tố cáo đã sử dụng đèn laser quân sự chiếu vào các tàu tuần duyên Philippines trong một khu vực đang có tranh chấp ở Biển Đông.

Cùng ngày, tổng thống Philippines, Ferdinand Jr. Marcos đã triệu mời đại sứ Trung Quốc tại Manila, Hoàng Khê Liên (Huang Xilian) để bày tỏ “lo ngại sâu sắc” về hành động nói trên của tàu quân sự Trung Quốc. Phát ngôn viên văn phòng tổng thống Philippines, bà Cheloy Velicaria-Garafil cho biết, ông Marcos đã lưu ý đại sứ Trung Quốc về tình trạng “gia tăng tần suất và cường độ các hành động của phía Trung Quốc nhằm vào lực lượng tuần duyên và ngư dân Philippines gần đây, trong đó hành động mới nhất là vụ chiếu đèn laser quân sự vào các tàu tuần duyên Philippines”.

Trước đó bộ Ngoại Giao Philippines cũng đã gửi công hàm đến sứ quán Trung Quốc tại Manila lên án “những hành động gây hấn mới đây của các tàu hải cảnh Trung Quốc nhằm vào tàu Philippines”.

Sự việc xảy ra hôm 07/02 trong khu vực Bãi Cỏ Mây, thuộc quần đảo Trường Sa, khoảng 20 km, vùng biển do Philippines kiểm soát, được Manila thông báo hôm thứ Hai đầu tuần. Theo thông cáo của Manila, các tàu Philippines đang hoạt động bình thường trong vùng biển của mình thì bị một tàu hải cảnh Trung Quốc tiến đến chiếu ánh sáng laser, loại dùng trong quân sự, khiến cho thủy thủ đoàn của Philippines bị lóa mắt . Ngoài ra tàu Trung Quốc cũng có những “thao tác nguy hiểm”. Bộ Ngoại Giao Philippines khẳng định những hành động khiêu khích như vậy “đe dọa chủ quyền và an ninh của Philippines”.

Tiếp theo thông cáo của Manila về sự việc, nhiều nước như Hoa Kỳ, Canada và Nhật Bản cũng đã lên tiếng chỉ trích coi những hành động của tàu Trung Quốc trên vùng Biển Đông là “khiêu khích” và “nguy hiểm”, “đe dọa trực tiếp đến hòa bình và ổn định và làm tổn hại đến quyền tự do hàng hải trên Biển Đông”, như tuyên bố của phát ngôn viên ngoại giao Mỹ Ned Price, ngày 13/02.

Tuy nhiên theo giải thích của phát ngôn viên Ngoại Giao Trung Quốc, Vương Văn Bân, tàu của Philippiné đã “xâm nhập” không xin phép vào vùng chủ quyền của Trung Quốc và tàu của Trung Quốc đã hành động một cách “chuyên nghiệp và có chừng mực”.

Đây không phải lần đầu tiên xảy ra sự cố giữa tàu của Trung Quốc và Philippines. Đầu tháng Hai vừa qua, Washington và Manila đã thỏa thuận tiến hành các chuyến tuần tra chung trên Biển Đông cũng như thỏa thuận cho phép Quân đội Mỹ sử dụng thêm 4 căn cứ quân sự tại Philippines.

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20230215-v%E1%BB%A5-chi%E1%BA%BFu-laser-v%C3%A0o-t%E1%BA%A7u-qu%C3%A2n-s%E1%BB%B1-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-philippines-tri%E1%BB%87u-%C4%91%E1%BA%A1i-s%E1%BB%A9-trung-qu%E1%BB%91c

Chiến lược “quân dân dung hợp” của Trung Quốc và mối lo cho Việt Nam

2023.02.14 – Chiến lược “quân dân dung hợp”, tức là hợp nhất quân sự-dân sự (Military-Civil Fusion, viết tắt là MCF) của Trung Quốc nhằm tăng cường sự liên thông giữa hai khối quân sự và dân sự trong nghiên cứu, phát triển và sản xuất các công nghệ tiên tiến, nhằm hỗ trợ hiện đại hóa quân đội Trung Quốc.

Chiến lược “quân dân dung hợp” của Trung Quốc và mối lo cho Việt Nam

Tập Cận Bình duyệt đội danh dự ở Bắc Kinh trong lễ đón Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto (không có trong ảnh) hôm 14/1/2019 (minh họa) – AP

Chiến lược này được điều phối bởi Ủy ban Trung trương Phát triển Quân dân Dung hợp, một ủy ban cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc, do đính thân Tổng bí thư Tập Cận Bình làm chủ tịch. Ủy ban này có nhiệm vụ giám sát và thúc đẩy sự phối hợp giữa hai khối quân sự và dân sự trong nước.

Audrey Fritz, chuyên gia cao cấp ở Viện Nghiên cứu Chính sách Chiến lược Úc, cho rằng chiến lược này nhắm tới mục tiêu tăng cường khả năng đổi mới sáng tạo và cải thiện khả năng áp dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào quân sự và kinh tế. Nó cũng tham vọng thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp mới và các hình thức kinh doanh mới bằng cách tạo ra cơ chế hội nhập giữa hai khối quân sự-dân sự.

Nhìn chung, chiến lược MCF của Trung Quốc là một nỗ lực của nước này nhằm xây dựng một quân đội mạnh và liên tục đổi mới sáng tạo, đồng thời hỗ trợ phát triển các công nghệ và ngành công nghiệp tiên tiến để thúc đẩy hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và quốc phòng.

Tháng 10 năm ngoái, ĐCSTQ làm đại hội lần thứ 20, Lý Cường được bầu vào Bộ Chính trị, đứng hàng thứ 2 sau Tập Cận Bình. Theo tập quán chính trị của Trung Quốc từ trước tới nay, người được chọn vào vị trí hàng thứ hai trong Bộ Chính trị ở đại hội vào tháng 10 năm trước, sẽ được đưa sang chính phủ đảm nhiệm vị trí thủ tướng từ tháng 3 năm sau.

Tan Hoa Xa TCB.jpg
(Tập Cận Bình thăm Triển lãm lần hai ở Bắc Kinh về thành tựu kỹ thuật của chương trình “Quân dân dung hợp”. Năm 2019. Ảnh: Tân Hoa Xã.)

Như bài trước đã nói đến, Lý Cường là chính khách đã thành công trong việc phát triển công nghệ cao ở các đô thị quan trọng nhất của Trung Quốc ở vùng hạ lưu sông Dương Tử: Thượng Hải, Chiết Giang, Giang Tô. Sự thăng tiến của Lý Cường, một lãnh đạo kinh tế và công nghệ ở địa phương quan trọng lên vị trí lãnh đạo kinh tế và công nghệ ở tầm quốc gia, cho thấy mục tiêu phát triển công nghệ của Trung Quốc vẫn đang được duy trì vững chắc. Trước những chuyển động mới này ở Trung Quốc, RFA trao đổi với Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương ở Đại học New South Wales về chiến lược “quân dân dung hợp” và mục tiêu phát triển công nghệ cao của Trung Quốc.

Xin ông giải thích về bản chất của mô hình “Dung hợp Quân sự và Dân sự” (Military Civil Fusion, viết tắt là MCF) của Trung Quốc. Nó có nhiệm vụ giải quyết những trở ngại gì và đạt tới mục tiêu gì?

Nguyễn Thế Phương: “Dung hợp Quân sự và Dân sự” (Military Civil Fusion) về bản chất không phải khái niệm mới. Nó được tiến hóa từ một khái niệm cũ hơn là Kết hợp Quân sự và Dân sự (Military Civil Integration). Ở Trung Quốc thì lịch sử của chính sách này có thể truy ngược về thời Đặng Tiểu Bình, được tiếp nối bởi Giang Trạch Dân và sau đó là Hồ Cẩm Đào – Ôn Gia Bảo. Nhưng phải thừa nhận là chiến lược này được nâng cấp rất mạnh kể từ khi Tập Cận Bình nắm quyền từ 2012.

Mục tiêu chiến lược của Trung Quốc là bắt kịp Phương Tây về mặt công nghệ, đặc biệt là công nghệ quốc phòng. Họ nhận ra trở ngại lớn nhất trên con đường đạt tới mục tiêu này chính là việc duy trì mô hình công nhiệp quốc phòng như trước 2012.

Các nước có mô hình xã hội chủ nghĩa như Trung Quốc thì công nghiệp quốc phòng chủ yếu dựa chủ yếu vào các công ty nhà nước. Mô hình này đặt ra một sự hạn chế rất lớn vai trò của tư nhân (do Nhà nước nắm độc quyền “bạo lực”). Mô hình này đã hạn chế động lực của quá trình đổi mới sáng tạo trong công nhệ an ninh – quốc phòng, làm cho nó không có nhiều tiến triển như mong muốn.

Nếu Trung Quốc muốn có một quân đội “world-class” (đẳng cấp thế giới) vào năm 2049 như họ mong muốn thì phải giải quyết điểm trở ngại có tính hệ thống nói trên.

Hoa Kỳ từ lâu cũng có sự hợp tác giữa tư nhân và nhà nước trong việc phát triển kỹ thuật quân sự. Mô hình “quân dân dung hợp” của Trung Quốc có gì khác với Hoa Kỳ hay không? 

Nguyễn Thế Phương: Nhiều học giả cho rằng Trung Quốc học tập từ mô hình “quân dân dung hợp” từ Hoa Kỳ. Nhưng khác Mỹ, ở Trung Quốc, toàn bộ quá trình “dung hợp” này được cho là do nhà nước thúc đẩy, tức là từ trên xuống. Trong khi Mỹ vận hành bằng cơ chế tương tác có qua có lại giữa thị trường và nhà nước, trong đó các công ty tư nhân có tiếng nói lớn hơn.

Ở đây mô hình “quân dân dung hợp” của Trung Quốc là vấn đề thế giới và Việt Nam cần phải quan tâm bởi vì nó không những phát triển năng lực của quân đội Trung Quốc, mà còn vì các công cụ mà Trung Quốc áp dụng để thực thi chiến lược này: ăn cắp công nghệ, mua lại các công ty công nghệ phương Tây, tạo ra các chương trình thu hút nhân tài nước ngoài. Tức là Trung Quốc áp dụng mọi biện pháp từ chính thống tới không chính thống.

Mô hình “quân dân dung hợp” của Trung Quốc có khả năng thay đổi Trung Quốc như thế nào, và vì thế nó có thể thay đổi mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước lân bang, trong đó có Việt Nam, ra sao?

Nguyễn Thế Phương: Mô hình “quân dân dung hợp” (MCF) giúp đẩy nhanh hơn quá trình hiện đại hóa công nghệ quốc phòng, đặc biệt là các loại công nghệ mới, ở Trung Quốc. Nó làm căng thẳng thêm những xung đột hiện có giữa Trung Quốc và các quốc gia khác.

Bởi lẽ nó tạo ra các mặt trận an ninh và quốc phòng mới, phần nào đó thúc đẩy chạy đua vũ trang, đặc biệt trong công nghệ quân sự.

Việt Nam lo ngại không? Dĩ nhiên là có. Với tiềm lực mạnh về cả tài nguyên, và chính sách, mô hình “quân dân dung hợp” của Trung Quốc khiến cho cán cân quân sự và sức mạnh giữa Trung Quốc và các nước nhỏ ở Đông Nam Á ngày căng tăng.

Điều này dẫn tới sức mạnh cưỡng ép của Trung Quốc lớn hơn, và nguy cơ xung đột là lớn hơn trước đây. Do bởi Trung Quốc sẽ có sức mạnh lớn hơn, dẫn đến họ tự tin hơn, và quá tự tin vào sức mạnh bạo lực sẽ tạo ra rủi ro đối đầu nếu tính toán chính sách sai lầm.

Trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, những rủi ro Việt Nam phải đối mặt là gì, khi mà mới đây Trung Quốc triển khai đầy đủ các vũ khí công nghệ cao và cơ sở hạ tầng quân sự tiên tiến (vũ khí laser, hệ thống tên lửa phòng không, tên lửa chống hạm, phi cơ tiêm kích, thiết bị gây nhiễu) lên các căn cứ ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa? Điều này có thể đặt ra một hàm ý gì cho Việt Nam trước chiến lược “quân dân dung hợp” để phát triển công nghệ cao của Trung Quốc?

Nguyễn Thế Phương: Việc Trung Quốc triển khai vũ khí, cơ sở hạ tầng tới Biển Đông là không mới. Tuy nhiên, công nghệ hiện nay (thiết bị không người lái, vệ tinh, vũ khí tự động…) giúp Trung Quốc tận dụng tốt hơn các tài nguyên quân sự mà mình có trong tay. Điều này giúp họ kiểm soát thực địa tốt hơn, răn đe tốt hơn, và cưỡng ép tốt hơn.

Thực tế mà nói, chênh lệch về quân sự quốc phòng giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng tăng, không chỉ là về lượng mà còn về chất. Điều này rõ ràng vì Việt Nam là nước nhỏ hơn Trung Quốc nhiều, mà lại không có nhiều nguồn lực và nhiều thứ phải xuất phát từ đầu về công nghệ.

Mối đe dọa về an ninh và quốc phòng thì vô vàn, nhưng rõ ràng là sự thay đổi nhanh chóng trong năng lực quốc phòng của Trung Quốc bắt buộc Việt Nam phải thích ứng theo. Điều quan trọng là Việt Nam áp dụng chiến lược như thế nào, sử dụng nguồn lực ra sao. Quân sự cần có kinh tế và ngoại hỗ trợ, và điều này càng đúng với nước nhỏ.

Đối với chiến lược quân dân dụng hợp của Trung Quốc và sự phát triển của kỹ thuật quân sự dựa trên công nghệ cao, hiện tại có ba lĩnh vực mà Việt Nam nên quan tâm chú ý: an ninh mạng, các hệ thống không người lái, và chiến tranh trên không gian. Hai lĩnh vực đầu thì Việt Nam có một số bước tiến, còn lĩnh vực cuối cùng thì cần hợp tác quốc tế.

Cuối cùng, có lẽ Việt Nam nên bắt đầu học hỏi chính mô hình Trung Quốc, cho phép tư nhân tham gia sâu hơn và tòan diện hơn vào các lĩnh vực quốc phòng ít nhạy cảm, qua đó tận dụng được nguồn lực thị trường.

RFA xin cảm ơn Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này. 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/china-strategy-of-military-civil-fusion-and-concerns-for-vietnam-02142023113529.html

(AFP) – Trung Quốc: Vài trăm người về hưu biểu tình phản đối cải cách chế độ hưu trí. Nhiều video đăng trên mạng xã hội cho biết sự kiện hiếm hoi diễn ra tại hai thành phố Vũ Hán và Đại Liên ngày 15/02/2023 và đòi «trả lại tiền». Cải các chế độ bảo hiểm y tế ở Trung Quốc là một dự án lớn, được triển khai từng bước từ năm 2021, vào đúng lúc tình hình tài chính ở các địa phương khá căng thẳng sau ba năm áp dụng chính sách «Zero Covid» khiến hoạt động sản xuất bị đình trệ.

(AFP) – Chủ tịch khu tự trị Tân Cương Trung Quốc hủy chuyến thăm Anh. Nguồn tin ngoại giao Anh hôm 14/02 khẳng định thông tin này. Trong tuần, chủ tịch Tân Cương Erkin Tuniyaz công du nhiều nước châu Âu. Thông tin lãnh đạo Tân Cương tới thăm Anh đã gây những phản ứng phẫn nộ trong giới chính trị Anh. Từ nhiều năm nay, Trung Quốc thường xuyên bị tố cáo đã lập các trại tập trung hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

(AFP) – Con gái Kim Jong-un trên tem bưu chính của Bắc Triều Tiên. Thêm dấu hiệu cho các suy đoán của giới quan sát cho rằng con gái Kim Jong-un được chỉ định làm người kế tục. Ngày 14/02/2023, Bình Nhưỡng cho biết hình ảnh của con gái Kim Jong-un được in trên các tem chính thức phát hành vào ngày thứ Sáu tới (17/02). Từ nhiều năm qua, truyền thống Bắc Triều Tiên không hề nhắc đến con gái của lãnh đạo đất nước. Nhưng giữa tháng 11, khi Bình Nhưỡng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa, Kim Jong -un xuất hiện cùng với cô con gái nhỏ của mình. Sự xuất hiện bất ngờ đó đã làm dấy lên những đồn đoán suy luận về khả năng Kim Jong Un đã chọn cô con gái làm người thừa kế lãnh đạo đất nước.

(UCANEWS) – Lần đầu tiên một giám mục Hàn Quốc xin lỗi về các vụ thảm sát của lính Nam Triều Tiên trong chiến tranh Việt Nam. Giám mục giáo phận Uijeongbu, Phêrô Lee Ki-Heon, đã thay mặt Giáo Hội Hàn Quốc đưa ra lời xin lỗi nói trên hôm 05/02/2023 khi đến thăm giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng, miền bắc Việt Nam. Khoảng 350.000 lính Nam Triều Tiên đã tham chiến cùng với quân đội Mỹ ở Việt Nam từ 1964 đến 1973.

(AFP) – Tổng thống Pháp thảo luận về chiến tranh Ukraina với lãnh đạo ngành ngoại giao Trung Quốc. Phủ tổng thống Pháp cho biết ông Macron tiếp ông Vương Nghị, chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc, tại Paris trưa ngày 15/02/2023. Đây là hoạt động ngoại giao tiếp theo cuộc gặp giữa nguyên thủ hai nước bên lề thượng đỉnh G20 ở Bali (Indonesia) nhằm «tiếp tục thảo luận về chiến tranh Ukraina và hệ quả», cũng như về «vấn đề hợp tác với Trung Quốc trước những thách thức thế giới, trước tiên là khí hậu, đa dạng sinh học và tài trợ cho quá trình chuyển đổi». Ông Vương Nghị sẽ gặp ngoại trưởng Pháp tối 15/02, sau đó sang Đức tham dự Hội Nghị Munich về an ninh, diễn ra vào cuối tuần.

(Reuters) – Liên Hiệp Châu Âu thảo luận đợt trừng phạt thứ 10 nhắm vào Nga. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Ursula von der Layen cho biết, ngày 15/02 này, 27 nước thành viên của EU có cuộc họp tại Bruxelles để bàn về đợt trừng phạt Matxcơva lần thứ 10.  Các trừng phạt lần này nhắm vào khoảng 11 tỷ euro giao dịch thương mại với Nga. EU dự tính việc thông qua đợt trừng phạt mới này sẽ rơi vào thời điểm đánh dấu một năm Nga khơi sự cuộc xâm lược Ukraina, ngày 24/02. Tất cả các đề xuất phải được toàn thể các thành viên đồng ý mới được thông qua.

(AFP) –  Liên Hiệp Châu Âu thêm Nga vào danh sách thiên đường thuế. Biện pháp được công bố ngày 14/02/2023 chủ yếu mang tính biểu tượng vì Nga đã bị trừng phạt kinh tế do tấn công Ukraina. Hội Đồng Châu Âu nêu trong thông cáo là «Nga đã không đáp ứng cam kết khắc phục những khía cạnh tiêu cực của chế độ đặc biệt đối với các công ty mẹ (holding) quốc tế». Danh sách thiên đường thuế của Liên Hiệp Châu Âu hiện có 16 thực thể, trong đó có quần đảo Virginia của Anh, Costa Rica, quần đảo Marshall vừa bị liệt vào cùng Nga.

(AFP) – Thủ tướng Scotland từ chức. Bà Nicola Sturgeon, hôm nay 15/2/23, đã tuyến bố từ chúc thủ tướng, sau 8 năm nắm quyền. Sự kiện này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến chủ trương đòi Scotland tách ra độc lập khỏi Vương Quốc Anh. Bà Nicola Sturgeon sẽ tiếp tục tại chức cho đến khi Đảng Quốc gia Scotland chỉ định được một lãnh đạo mới.

(RFI) – Vụ Qatargate: Nhiều nghị sĩ châu Âu bất bình vì Nghị Viện chậm cải cách chống tham nhũng. Hai tháng sau nghi án tai tiếng tham nhũng liên quan đến Qatar, Nghị viện Châu Âu vẫn chưa có biện pháp cải cách cụ thể. Trả lời đặc phái viên RFI ngày 14/02/2023, nhiều nghị sĩ yêu cầu có những biện pháp mạnh chống tham nhũng, thậm chí là thành lập một ủy ban đạo đức độc lập, có quyền trừng phạt. Họ lo ngại vụ Qatargate có tác động xấu đến cử tri châu Âu.

(RFI) – Mỹ lên án Israel xây thêm 9 khu chiếm đóng mới ở Cisjordanie (Bờ Tây). Trong thông cáo chung ngày 14/02/2023, Mỹ, Đức, Pháp, Ý và Anh đã lên án «hành động đơn phương» của Israel xây gần 10.000 ngôi nhà và 9 tiền đồn ở vùng Cisjordanie bị chiếm đóng. Quyết định chung hiếm hoi của các nước phương Tây cho rằng hành động của Nhà nước Do Thái «chỉ làm gia tăng căng thẳng giữa Israel và Palestine và gây tổn hại đến những nỗ lực nhằm đạt được một giải pháp đã được thảo luận giữa hai Nhà nước». Ngay sau đó, chính phủ Israel đã chính thức triển khai xây dựng và khẳng định «không phải quốc tế lên án là làm thay đổi tình hình».

(RFI) – Mỹ bắt 4 người bị cáo buộc chủ mưu và tài trợ vụ ám sát tổng thống Haïti Jovenel Moïse. Trong buổi họp báo ngày 14/02/2023 tại Miami, các nhà điều tra Mỹ cho biết bốn người đàn ông sống ở bang Florida đóng vai trò chủ đạo trong quá trình chuẩn bị vụ ám sát tổng thống Haiti ngày 07/07/2021. Ba nghi phạm đầu tiên (một người Colombia 50 tuổi, một người Venezuela 59 tuổi và một người Mỹ gốc Ecuador 54 tuổi) làm việc trong một công ty bảo hiểm ở gần Miami. Người thứ 4, Frederick Bergman, bị bắt ở Tampa, được cho là nhà tài trợ cho chiến dịch, cung cấp áo chống đạn cho đội sát thủ là những cựu chiến binh Colombia.

(AFP) – Airbnb lập kỷ lục doanh thu mùa lễ hội cuối năm 2022. Trong thông cáo ngày 14/02/2023, trang mạng kết nối cho thuê nhà du lịch Airbnb, trụ sở ở San Francisco (Mỹ), cho biết doanh thu quý 4/2022 đạt 1,9 tỉ đô la nhờ số lượng đặt phòng tăng đều. Đây là «quý 4 có lãi nhất» trong lịch sử của Airbnb. Doanh thu của Airbnb tăng thêm 24% trong vòng một năm dù kinh tế vẫn khó khăn do lạm phát và nhiều kế hoạch sa thải hàng loạt ở Mỹ. Lợi nhuận ròng của tập đoàn đã tăng gần gấp 5, đạt 319 triệu đô la, cao hơn mọi trông đợi của thị trường.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230215-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p