Tin Tổng Hợp – 14/7/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 14/7/21

Cuba: Gần 100 người bị bắt, ít nhất 1 người chết sau các vụ biểu tình lịch sử

Một người bị cảnh sát bắt trong lúc biểu tình chống chính phủ Cuba, tại La Habana, ngày 11/07/2021.
Một người bị cảnh sát bắt trong lúc biểu tình chống chính phủ Cuba, tại La Habana, ngày 11/07/2021. AFP – ADALBERTO ROQUE

Sau các cuộc biểu tình chưa từng thấy trên toàn quốc hôm Chủ Nhật 11/07/2021, cuộc sống dường như trở lại bình thường ở Cuba, với sự hiện diện hùng hậu của lực lượng công an mặc sắc phục hoặc thường phục và quân đội, nhưng internet vẫn bị cắt. Chính quyền Cuba cố làm nhẹ bớt sự kiện lịch sử này, biện minh rằng cấm vận của Mỹ gây khó khăn kinh tế khiến người dân xuống đường.

Ngoại trưởng Cuba, ông Bruno Rodriguez tuyên bố trong cuộc họp báo hôm qua : « Hôm 11/07, không có một sự bùng nổ xã hội nào ở Cuba, đó là do ý nguyện của người dân và sự ủng hộ của nhân dân đối với Cách mạng và chính phủ ». Theo ông thì không có cuộc nổi dậy nào, chỉ có vài vụ lộn xộn. Tuy nhiên khoảng 130 người đã bị bắt hoặc bị cho là mất tích.

Từ La Habana, thông tín viên Domitille Piron gởi về bài tường trình:

Bị bắt vì đi biểu tình : Khoảng hơn 100 người đã bị bắt giữ từ hôm Chủ Nhật, sau các cuộc xuống đường quy mô chưa từng thấy đã làm đảo lộn Cuba, bình thường vốn yên tĩnh. Theo giải thích của chính quyền, đã xảy ra một số vụ đụng với độ lực lượng an ninh trong những cuộc biểu tình này, vì vậy mới có bắt bớ, và một người Cuba 36 tuổi đã tử vong.

Trong số những người bị bắt hoặc không có tin tức, có các khuôn mặt ly khai của Cuba như José Daniel Ferrer, Manuel Cuesta Morua và lãnh đạo nhóm Phụ nữ Áo trắng, bà Berte Soler, cũng như nghệ sĩ đối lập Luis Manuel Otero Alcantara.

Hôm Chủ Nhật, hàng ngàn người Cuba đã xuống đường để nói lên sự bất mãn trước cuộc khủng hoảng kinh tế, được mạng xã hội tiếp sức tạo ra phản ứng dây chuyền trên cả nước.

Từ hôm thứ Hai, mạng internet di động đã bị cắt, những người hiếm hoi kết nối được và phổ biến thông tin đã bị bắt, như nhà báo độc lập kiêm thông tín viên của tờ báo Tây Ban Nha ABC, cô Camila Acosta. Cô bị cáo buộc « bất tuân nhân viên công lực và gây rối », tội danh có khung hình phạt từ 3 đến 6 năm tù. Và hôm qua, trong lúc đang tham gia trực tiếp trên truyền hình Tây Ban Nha, một nhân vật có ảnh hưởng là Dina Stars cũng bị chính quyền bắt đưa đi ».

Hoa Kỳ thúc giục Cuba tái lập internet, và trả tự do cho những người biểu tình bị bắt. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ Ned Price tuyên bố : Chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo Cuba kềm chế và tôn trọng tiếng nói của người dân qua việc mở lại tất cả các phương tiện liên lạc.

Mỹ sẽ không cho nhập cảnh người Cuba và Haiti vượt biên

Trong một diễn biến khác, bộ Nội An Hoa Kỳ hôm qua 13/07 cho biết sẽ không để cho những người Cuba hay Haiti vượt biển được vào nước Mỹ, đồng thời kêu gọi họ không nên mạo hiểm : 20 người đã tử nạn trong những tuần lễ vừa qua. Tuần duyên Mỹ đã triển khai giám sát trên không, sau vụ ám sát tổng thống Haiti ngày 07/07 và các cuộc biểu tình lịch sử ở Cuba hôm Chủ Nhật 11/07.

Từ sau cuộc cách mạng của Fidel Castro năm 1959, Hoa Kỳ cho phép những người Cuba đã đi vào lãnh hải được ở lại nước Mỹ. Năm 1996, chỉ những ai đặt chân lên đất Mỹ mới được nhập cư, và đến 2017, tổng thống Obama chấm dứt chính sách ưu đãi «chân ướt, chân khô», tất cả những người Cuba vượt biên đều bị trả về nước.

Thụy My

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210714-cuba-g%E1%BA%A7n-100-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-b%E1%BB%8B-b%E1%BA%AFt-sau-c%C3%A1c-v%E1%BB%A5-bi%E1%BB%83u-t%C3%ACnh

Tại sao Nhật Bản ngày càng sẵn sàng tham chiến với ĐCSTQ để bảo vệ Đài Loan?

Epochtimes – Tờ Financial Times đưa tin cách đây không lâu rằng chính quyền Nhật Bản đang ngày càng lo lắng về việc chính quyền Trung Quốc xâm lược Đài Loan bằng vũ lực và yêu cầu Hoa Kỳ chia sẻ kế hoạch bảo vệ Đài Loan. Phó Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso gần đây cũng tuyên bố rằng nếu ĐCSTQ xâm phạm Đài Loan, Hoa Kỳ và Nhật Bản phải cùng bảo vệ Đài Loan.

Demetri Sevastopulo và Kathrin Hille, phóng viên của tờ “Financial Times”, đã viết rằng Hoa Kỳ muốn từng bước tăng cường hợp tác với Tokyo theo từng giai đoạn. Một cựu quan chức Hoa Kỳ nói với các phóng viên rằng mục tiêu là để các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ và Nhật Bản cuối cùng soạn thảo ra một kế hoạch toàn diện duy nhất cho tình trạng khẩn cấp ở Đài Loan.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Taro Aso ngày 5 tháng 7 tuyên bố rằng nếu ĐCSTQ xâm phạm Đài Loan, tiếp theo sẽ xâm phạm đến quận Okinawa của Nhật Bản. Do đó, Nhật Bản nên coi đây là “tình huống đe dọa sự tồn vong của Nhật Bản”, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản sẽ được triển khai theo Luật An ninh, và nhấn mạnh rằng “Nhật Bản và Hoa Kỳ phải cùng bảo vệ Đài Loan”.

Ảnh minh họa: Shutterstock.

Sự toàn vẹn của Đài Loan có liên quan chặt chẽ với khả năng phòng thủ của Nhật Bản

Theo trang web Forbes, ý nghĩa của điều này đã khá rõ ràng, môi trường địa lý của Tây Thái Bình Dương về cơ bản đã xác định vai trò của Nhật Bản trong việc bảo vệ Đài Loan của Lực lượng Đồng minh.

Rõ ràng là các nhà lãnh đạo Nhật Bản nhìn nhận rằng Nhật Bản đã xác định định sẵn sàng tham gia vào cuộc chiến trong tình huống ĐCSTQ xâm lược Đài Loan.

Hoa Kỳ cũng cần đến sự hỗ trợ của Nhật Bản để có thể đánh bại cuộc xâm lược của ĐCSTQ mau lẹ hơn. Phần lớn lực lượng của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương đến từ các căn cứ ở Nhật Bản, bao gồm Căn cứ Không quân Kadena ở Okinawa, Căn cứ Không quân Misawa ở Honshu và các cảng của Nhật Bản bao gồm Yokosuka và Sasebo.

Tình huống lý tưởng nhất là trong các hoạt động chống lại sự xâm lược của ĐCSTQ, chính phủ Nhật Bản không chỉ cho phép quân đội Mỹ mở các cuộc hành quân từ các căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản, mà quân đội Nhật Bản cũng sẽ tham gia các hoạt động này.

Đánh giá từ các lời phát biểu của Tokyo, họ ngày càng có nhiều khả năng để làm như vậy. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasuhide Nakayama cho biết trong một sự kiện trực tuyến cách đây không lâu, rằng “Chúng tôi và Đài Loan là một gia đình”. Ông tuyên bố rằng sự toàn vẹn của Đài Loan” rõ ràng là có liên quan chặt chẽ với khả năng phòng thủ của quận Okinawa”.

Quận Okinawa, bao gồm cả căn cứ không quân Kadena trên hòn đảo, chỉ cách Đài Loan 450 dặm Anh. Ông Nakayama nói rằng quận Okinawa và Đài Loan “gần giống như mắt với mũi, có sự tương quan rất gần”.

Nhật Bản có lực lượng hải quân tiên tiến

Nếu quân đội Nhật Bản tham gia cùng đồng minh Mỹ để chiến đấu vì Đài Loan, quy mô lực lượng quân sự của liên minh sẽ được tăng lên rất nhiều. Về phần mình, Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ có khoảng 200 tàu chiến, ít hơn một chút so với 360 tàu tiền tuyến của hạm đội ĐCSTQ

Khi hạm đội Nhật Bản được bổ sung vào hạm đội Hoa Kỳ, về số lượng tàu chiến mà nói, các đối thủ gần như ngang nhau. Và hãy nhớ rằng tàu chiến Nhật Bản nói chung có trang bị vũ khí hạng nặng. Hạm đội của Tokyo có 36 tàu khu trục và khinh hạm hiện đại, nhiều tàu trong số đó được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis, cũng như 22 tàu ngầm tấn công diesel-điện lớn nhất thế giới.

Quan trọng hơn, Hải quân Nhật Bản đang chuyển đổi hai tàu của họ thành hàng không mẫu hạm để có thể chở máy bay phản lực tàng hình F-35B. Hai hàng không mẫu hạm này có thể tăng 50% số lượng hàng không mẫu hạm lớn có thể được triển khai bởi hạm đội liên hợp Mỹ-Nhật ở Tây Thái Bình Dương.

Rất hiển nhiên, là một phần của Lực lượng Đồng minh Bảo vệ Đài Loan, Nhật Bản sẽ tập trung hoạt động vào eo biển Miyako, nó là một thông đạo hẹp giữa quận Okinawa và đảo Miyakojima. Đảo Miyakojima là một hòn đảo của Nhật Bản, chỉ cách Đài Loan 277 km.

Hải quân và Không quân Trung Quốc tìm cách gián tiếp tiến nhập Đài Loan

Trong một thời gian dài, kế hoạch xâm lược Đài Loan của ĐCSTQ rất đơn giản, đầu tiên là dội bom lên hòn đảo Đài Loan và sau đó dẫn theo nhiều tàu vận tải nhất có thể, đi qua eo biển Đài Loan rộng 80 dặm đến bãi biển ở vùng tây nam của Đài Loan.

Nhưng tấn công trực diện này chắc chắn sẽ là một trận chiến đẫm máu. Các lực lượng vũ trang của Đài Loan đã được chuẩn bị trong nhiều thập kỷ để đối phó với phương thức tấn công rõ ràng này. Họ sẽ sử dụng ngư lôi, mìn, pháo và tên lửa để bảo vệ từng dặm trận địa trên bãi biển.

Hải quân và không quân Trung Quốc đang khám phá những cách gián tiếp hơn để tiến nhập vào Đài Loan, chẳng hạn, họ có thể vòng qua các lực lượng phòng thủ bãi biển vững chắc nhất. Không phải vô cớ mà Không quân TQ ngày càng điều nhiều máy bay chiến đấu, máy bay tuần tra và máy bay ném bom từ các khu vực xung quanh Đài Loan đến vùng biển Philippines ở phía đông Đài Loan.

Tương tự, Bắc Kinh đang mua hàng không mẫu hạm, hai trong số đó hiện đã đi vào hoạt động và một chiếc thứ ba đang được kiến tạo, một phần để cung cấp lực lượng phòng không cho các tàu chiến hoạt động ở phía đông Đài Loan.

Có hai cách để quân đội TQ có thể đột nhập Biển Philippines. Đầu tiên, họ có thể thông qua eo biển Ba Sĩ ở phía đông nam của đảo Đài Loan, vòng qua phía nam Đài Loan và tiến nhập vào biển Philippines.

Phương án bỏ qua miền nam Đài Loan cũng có nhiều rủi ro. Đài Loan đang xây dựng và nâng cấp một phi đội không quân bao gồm hơn 200 máy bay chiến đấu F-16 mới. Một trong những nhiệm vụ chính của phi đội này trong thời chiến là tuần tra eo biển Ba Sĩ. Một nhà phân tích thậm chí còn thúc giục Đài Bắc mua máy bay tiếp dầu trên không để giúp máy bay chiến đấu F-16 ở lâu hơn trên vùng đất chiến lược quan trọng này.

Một phương án khác là đi vào eo biển Miyako,  Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc ngay từ tháng 4 đã thông qua eo biển Miyako tiến nhập vào Biển Philippines và Biển Đông, động thái này đã nhận được sự chú ý rộng rãi.

Nếu Nhật Bản chiến đấu để bảo vệ Đài Loan, cuộc xâm lược của ĐCSTQ sẽ phải đối mặt những rủi ro lớn

Nếu Nhật Bản tham gia cuộc chiến tranh giành Đài Loan, nó có thể biến eo biển Miyako thành một trong những tuyến đường thủy nguy hiểm nhất thế giới. Tokyo đã và đang sử dụng các radar và tên lửa chống hạm mới để tăng cường khả năng phòng thủ trên các đảo xung quanh eo biển Miyako, đồng thời mua máy bay F-35B để có thể cất cánh và hạ cánh từ những hòn đảo này.

Triết lý thời chiến của Hải quân Nhật Bản là tập trung vào việc phòng thủ eo biển. Tàu ngầm sẽ nằm mai phục ở đó chờ tàu Trung Quốc. Dưới sự bảo vệ của hàng không mẫu hạm mới của Nhật Bản, nhóm tác chiến hải quân sử dụng tên lửa chống hạm và đất đối không của họ để đảm bảo an toàn cho eo biển Miyako.

Nhật Bản đã nói rõ rằng họ sẵn sàng gửi quân đến chiến đấu để bảo vệ Đài Loan, điều này làm phức tạp thêm kế hoạch tấn công của ĐCSTQ, thậm chí đến mức khiến cuộc xâm lược có vũ trang vào Đài Loan trở thành một nguy cơ không thể chấp nhận được.

Đây là ý nghĩa thực sự của sự sẵn sàng tham gia bảo vệ Đài Loan của Tokyo: ít nhất là trong việc thảo luận về vai trò tích cực của Nhật Bản trong việc bảo vệ Đài Loan. 

Shinji Kawana, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản, nói với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ rằng các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông và Biển Đông ngày càng trở nên thường xuyên. Do đó, quan chức Nhật Bản đã chấp nhận rằng Nhật Bản phải tham chiến một khi Trung Quốc tiến hành một cuộc xâm lược có vũ trang vào Đài Loan.

Ông nói: “Okinawa là một bước ngoặt quan trọng cho cuộc chiến ở eo biển Đài Loan, vì nơi đây ắt phải đưa ra phản ứng đầu tiên về mặt địa lý. Hơn nữa, từ quan điểm quân sự, chuỗi đảo đầu tiên ngày càng trở nên quan trọng. 

Okinawa đặc biệt có một căn cứ quân sự tiền tuyến của Hoa Kỳ, quân đội Trung Quốc phải tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ ở Okinawa để ngăn chặn việc Mỹ can thiệp trực tiếp vào eo biển Đài Loan. Tức là, nếu họ tấn công lãnh thổ Nhật Bản, Lực lượng Phòng vệ sẽ phải tham chiến. Do đó, xung đột Mỹ – Trung càng sâu sắc thì tầm quan trọng chiến lược của Okinawa càng lớn”.

Vũ Dương

https://www.dkn.tv/the-gioi/tai-sao-nhat-ban-ngay-cang-san-sang-tham-chien-voi-dcstq-de-bao-ve-dai-loan.html

(AFP) – Úc, Hoa Kỳ tập trận quy mô lớn với các đồng minh. Cuộc tập trận bắt đầu hôm nay, 14/07/2021 kéo dài đến 31/07, dưới sự giám sát của các tàu Trung Quốc. Hơn 17.000 binh lính từ hai quốc gia đồng minh Úc, Mỹ sẽ tham gia các cuộc tập trận Talisman Sabre, được tổ chức hai năm một lần ở Úc. Lần này, các cuộc tập trận diễn ra tại các căn cứ quân sự ở bang Queensland và ngoài khơi nước Úc. Anh, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand cũng sẽ tham gia cuộc tập trận của Úc và Mỹ, còn Pháp, Đức, Ấn Độ và Indonesia chỉ gởi quan sát viên.

(AFP) – Pháp yêu cầu công dân rời khỏi Afghanistan. Đại sứ quán Pháp tại Afghanistan cho biết một chuyến bay đặc biệt sẽ khởi hành từ Kabul sáng 17/07/2021 để chở toàn bộ công dân Pháp tại Afghanistan và sau đó sẽ không có chuyến nào khác. Theo cơ quan ngoại giao Pháp, tình hình an ninh tại Afghanistan đã thay đổi với đà tiến của quân Taliban. Ngày 14/07, phe Taliban tuyên bố đã chiếm được một đồn biên phòng trọng điểm ở biên giới với Pakistan. Tuy nhiên, chính quyền Kabul bác thông tin trên dù một quan chức của lực lượng Pakistan khẳng định cờ của Taliban đã được treo ở đồn này.

(Yonhap) – 40% người dân Bắc Triều Tiên bị suy dinh dưỡng. Trong bản báo cáo được Tổ Chức Lương-Nông Thế Giới – FAO công bố ngày 13/07/2021, cứ 10 người Bắc Triều Tiên thì có 4 người bị suy dinh dưỡng. Nguyên nhân được tổ chức của Liên Hiệp Quốc nêu lên là « những hạn chế về kinh tế, đặc biệt là do tác động toàn cầu của đại dịch Covid-19, đã làm tăng mức độ dễ bị tổn thương của người dân đối với tình trạng mất an ninh lương thực ». Trước đó, FAO từng cảnh báo Bắc Triều Tiên sẽ thiếu khoảng 858.000 tấn lương thực trong vòng 1 năm, từ tháng 11/2020 đến tháng 10/2021.

(Yonhap) – Hàn Quốc cực lực phản đối yêu sách Dokdo trong Sách Trắng Nhật Bản. Seoul hôm qua 13/07/2021 kịch liệt phản đối yêu sách chủ quyền quần đảo tranh chấp Dokdo mà phía Nhật gọi là Takeshima, trong Sách Trắng của Nhật Bản vừa công bố, và kêu gọi Tokyo lập tức rút lại đòi hỏi này. Bộ Ngoại Giao và bộ Quốc Phòng Hàn Quốc đã triệu mời phó đại sứ Nhật Hirohisa Soma và tùy viên quân sự, đại tá Takashi Matsumoto để phản đối. Sự kiện này diễn ra vào lúc hai nước đang thương lượng về khả năng tổng thống Moon Jae In tham dự lễ khai mạc Thế vận hội Tokyo.Publicité

(AFP) – Bốn người Iran bị truy tố vì âm mưu bắt cóc một nữ nhà báo sống ở Mỹ. Theo thông báo của tư pháp Mỹ ngày 13/07/2021, bốn người này là « nhân viên tình báo của Iran », bị truy tìm từ « tháng 06/2020 ». Còn nạn nhân của âm mưu bắt cóc là Masih Alinejad, một nữ phóng viên Mỹ gốc Iran làm việc tại Hoa Kỳ và là một nhà đấu tranh chống bắt buộc trùm khăn theo đạo Hồi. Theo kế hoạch, 4 người này có ý định ép nạn nhân về Iran, nơi số phận của cô chắc chắn sẽ bị định đoạt.

(AFP) – Bạo động làm 72 người chết tại Nam Phi. Số người thiệt mạng được ghi nhận từ các cuộc bạo động tại Nam Phi mà nguyên nhân là vụ cựu tổng thống Jacob Zuma bị bắt giam, đến tối qua 13/07/2021 đã lên đến 72 người. Đa số nạn nhân tử vong do các vụ giẫm đạp vì cướp bóc lan tràn, số khác do các máy rút tiền ATM bị đặt chất nổ, hoặc đạn lạc. Cảnh sát cho biết có 1.234 người bị bắt.

(AFP) – Pháp phạt Google 500 triệu euro. Một tháng sau khi phạt tập đoàn Mỹ 220 triệu euro vì lạm dụng vị thế độc quyền về quảng cáo trên mạng, cơ quan giám sát cạnh tranh Pháp lại phạt Google thêm 500 triệu euro vì « không có thiện chí » thương lượng với báo chí để đăng lại nội dung, trong khuôn khổ một đạo luật năm 2019. Google bị cáo buộc từ chối thương thảo với các hãng thông tấn, báo chí chuyên về thể thao, phụ nữ.

(AFP) – Tổng thống Mỹ Biden chọn một cựu thượng nghị sĩ Cộng Hòa làm đại sứ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Hôm qua 13/07/2021, thượng nghị sĩ bang Arizona, ông Jeff Flake thuộc đảng Cộng Hòa, được đề cử vào chức vụ tế nhị này. Ông Flake, đối thủ của cựu tổng thống Donald Trump, hoan nghênh quyết định này tuy còn phải được Thượng Viện thông qua. Đề cử trên được đưa ra vào lúc Washington không còn trông cậy vào Ankara để giữ ổn định tại Afghanistan, sau khi Mỹ rút hết quân vào cuối tháng Tám. Ông Joe Biden công nhận vụ diệt chủng Armenia khiến Thổ Nhĩ Kỳ tức giận, và hai nước thành viên NATO vẫn còn những bất đồng như việc Ankara mua hệ thống phòng không của Nga.

(AFP) – Úc kéo dài phong tỏa thành phố Sydney thêm 2 tuần để chống dịch Covid-19. Ổ dịch do biến thể Delta gây ra vẫn không ngừng lan rộng ở thành phố lớn thứ hai có 5 triệu dân của Úc. Theo thống kê ngày 14/07/2021, đã có thêm 97 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ. Do đó, lệnh giới nghiêm, được ban hành từ ngày 26/06 sẽ được triển hạn đến ít nhất là ngày 30/07. Tốc độ tiêm chủng tại Úc cũng rất chậm, mới chỉ có chưa đầy 10% dân được tiêm vac-xin ngừa Covid-19.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210714-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p