Tin Tổng Hợp – 14/2/22
Lao động Việt Nam tại Nhật qua ống kính của Fujimoto
Tại Liên hoan điện ảnh châu Á Vesoul, Pháp, vừa bế mạc ngày 08/02/2022, bộ phim “Along the sea” (Những cô gái bên bờ biển) của đạo diễn Nhật Bản Fujimoto Akio đã được trao Giải thưởng lớn của ban giám khảo quốc tế.
Bộ phim nói về cuộc sống đầy gian nan, vất vả của những thực tập sinh kỹ thuật người Việt, bị bóc lột thậm tệ nên phải bỏ nơi làm việc và như vậy trở thành những người lao động bất hợp pháp. Theo cảm nhận của các thành viên ban giám khảo Festival Vesoul, “Along the sea“ “đặt khán giả đối diện với những vấn đề xã hội-kinh tế mà các nhân vật đang gặp phải, tuy gần gũi về mặt địa lý với các nước phát triển, nhưng lại sống trong những điều kiện ngược lại hoàn toàn”.
Chương trình “thực tập sinh kỹ thuật” ở Nhật là một chương trình do Nhà nước bảo trợ nhằm giúp người lao động từ các nước kém phát triển có được kỹ năng trong các ngành như nông nghiệp, xây dựng và chế biến thực phẩm tại Nhật Bản. Tính đến cuối năm 2021, có khoảng 350.000 thực tập sinh kỹ thuật nước ngoài ở Nhật. Nhưng chương trình này đã gây nhiều tranh cãi, bởi vì một số công ty tuyển dụng sử dụng các thực tập sinh nước ngoài như là một nguồn nhân công giá rẻ và nhiều thực tập sinh bị bóc lột thậm tệ, lạm dụng, thậm chí bị đánh đập dã man.
Gần đây, một video do một công đoàn ở Nhật Bản công bố trên mạng xã hội và nhanh chóng lan truyền, khiến nhiều người phẫn nộ. Trong đoạn video này, người ta thấy một thực tập sinh Việt Nam, sang Nhật từ năm 2019, bị những đồng nghiệp người Nhật đấm, đá và đánh bằng cán chổi. Trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 25/01, nạn nhân (xin được giấu tên và tạm gọi là A.) cho biết trong suốt hơn hai năm kể từ khi đến Nhật, anh đã bị đánh đập tàn nhẫn như vậy rất nhiều lần, đến mức bị gãy răng, gãy xương sườn. Bây giờ, anh quyết định lên tiếng để những thực tập sinh nước ngoài khác không rơi vào tình cảnh tương tự.
Hôm 25/01, bộ trưởng Tư Pháp của Nhật Furukawa Yoshihisa đã yêu cầu cơ quan quản lý nhập cư mở điều tra về vụ này. Ông tuyên bố:” Những hành vi vi phạm nhân quyền đối với thực tập sinh kỹ thuật nước ngoài là không thể tha thứ được”.
Theo lời ông Muto Mitsugu, chủ tịch công đoàn đứng ra bảo vệ anh A., trường hợp thực tập sinh bị đánh đập tàn nhẫn như vậy là rất hiếm, tuy nhiên, những trường hợp bị sách nhiễu, bị mắng chửi, bị trả lương thấp là rất phổ biến.
(Trích đoạn phim “Along the sea”)
– Tụi em qua đây được ba tháng.
– Đó là hãng đầu tiên mà các em làm?
– Dạ đúng vậy, đó là hãng đầu tiên mà tụi em làm. Tụi em phải làm mỗi ngày 14-15 tiếng, làm luôn cả thứ Bảy, Chủ nhật, mà không được trả thêm phí, vì họ nói là do tụi em làm không đủ năng suất, nên tụi em phải làm thêm rất nhiều. Tụi em không có cả thời gian để ngủ
– Bắt làm dữ vậy à?
– Dạ, tụi em không biết ngày với đêm luôn. Tụi em chỉ biết làm, làm, làm, xong rồi ăn cho thật lẹ, rồi ngủ cho thật lẹ, rồi hôm sau tiếp tục làm nữa, cứ quần quật như là cỗ máy vậy. Tụi em bị bóc lột sức chịu không nổi, mà tiền lương thì cuối tháng thì bị trừ gần như là hết, tụi em không còn đủ để xoay xở
Đó là lời kể của ba cô Phương (Hoàng Phương), Như (Quỳnh Như) và An (Huỳnh Tuyết Anh), 3 nữ thực tập sinh Việt Nam trong phim “Along the sea”.
Sau mấy tháng bị bóc lột thậm tệ như vậy, ba cô gái tuổi đôi mươi đã quyết định bỏ trốn và qua trung gian của một đồng hương, họ đến làm việc cho một tàu cá ở vùng biển lạnh giá, tuyết phủ đầy ở miền bắc Nhật Bản. Nhưng không còn giấy tờ tùy thân, cuộc sống của họ vẫn rất gian nan, nhất là đối với Phương, đang mang thai. Cô gái này cuối cùng đã phải từ bỏ cá bào thai trong bụng, để có thể tiếp tục ở lại Nhật làm việc kiếm tiền gởi về cho gia đình ở Việt Nam.
Đúng là nhờ tác phẩm điện ảnh này của đạo diễn Fujimoto mà khán giả Nhật và khán giả quốc tế biết tình cảnh bi đát của các thực tập sinh nước ngoài ở Nhật và chính vì đã gây xúc động mạnh mà “Along the sea” đã nhận được 3 giải thưởng ở Liên hoan Vesoul, trong đó có Giải thưởng lớn của ban giám khảo quốc tế.
Ngoài Giải thưởng lớn, “Along the sea” còn giành được Giải Ban giám khảo phê bình và Giải của Ban giám khảo INALCO (do Viện Quốc gia Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông trao tặng).
Rất tiếc là vì lý do dịch Covid-19, đạo diễn Fujimoto Akio đã không thể có mặt ở Vesoul để nhận các giải nói trên. Tại festival, chúng tôi chỉ gặp được nhà sản xuất phim Watanabe Kazutaka.
Đây là lần hợp tác thứ 3 giữa Watanabe và Fujimoto sau bộ phim đầu tay Passage of Life (2017), phim đã giành được 3 giải thưởng danh giá và phim ngắn Bleached Bones Avenue.
Trả lời RFI Việt ngữ, trước hết, ông Watanabe kể lại từ đâu mà đạo diễn Fujimoto nảy ra ý định làm phim về các lao động nữ người Việt:
“Đạo diễn có lần đã nhận được lời kêu cứu khẩn cấp từ một nữ thực tập sinh kỹ thuật người Việt đang gặp rất nhiều khó khăn tại nơi làm việc đến mức đang tính đến chuyện bỏ đi làm chỗ khác. Vào thời gian đó, đạo diễn Fujimoto đang trợ giúp những người trong hoàn cảnh như vậy, chẳng hạn như giúp xin triển hạn visa hay cung cấp những thông tin cần thiết. Ông cũng rất muốn giúp nữ thực tập sinh ấy, nhưng cuối cùng không thể giúp gì được, nên cô gái bỏ đi làm nơi khác .
Trải nghiệm này vẫn in đậm trong tâm trí của Fujimoto, ông vẫn cứ tự hỏi không biết cô gái ấy bây giờ ra sao khi đã rời bỏ nơi làm việc. Câu hỏi ấy chính là khởi đầu của dự án làm phim này.
Khi làm phim “Along the sea”, Fujimoto muốn cho khán giả Nhật biết về tình cảnh của những người lao động nước ngoài tại Nhật, chia sẻ những cảm nhận của họ cho người Nhật.”
Đạo diễn đã đi đến nhiều nơi khác nhau để tìm hiểu chi tiết về tình cảnh những lao động bất hợp pháp Việt Nam trước đây là cựu thực tập sinh kỹ thuật, về những gì mà họ đã trải qua sau khi rời nơi làm việc đầu tiên. Ông cũng đã phỏng vấn những người đã cung cấp nơi tạm trú, đã trợ giúp cho những lao động bất hợp pháp đó.”
Quá trình làm việc với phía Việt Nam để thực hiện bộ phim “Along the sea” đã diễn ra như thế nào, ông Watanabe cho biết:
“Rất
may là chúng tôi đã có một đối tác sản xuất ở Việt Nam là một công ty
điện ảnh có tên là Ever Rolling Films (Hà Nội). Chúng tôi có cùng một
mục tiêu khi thực hiện phim này. Cùng với đối tác này, chúng tôi đã có
thể tổ chức tuyển chọn các vai diễn ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh
trong số trên 100 nữ ứng viên, không nhất thiết phải là những diễn viên
chuyên nghiệp. Cuối cùng chúng tôi đã chọn được ba diễn viên rất xinh
đẹp này.
Trước hết, chúng tôi cho họ biết về cấu trúc
của bộ phim, để các diễn viên chuẩn bị tinh thần cho vai diễn. Trong
phim, họ không phải là những người ngoại quốc đã sống ở Nhật từ nhiều
năm qua, mà là chỉ là những thực tập sinh kỹ thuật mới đến gần đây.
Chúng tôi bảo các nữ diễn viên phải học tiếng Nhật, giống như các thực
tập sinh được yêu cầu trước khi sang Nhật làm việc.”
Khi thực
hiện bộ phim, ông Watanabe và đạo diễn Fujimoto muốn chia sẽ cảm nhận
của họ về tình cảnh của những người lao động ngoại quốc tại Nhật:
“Chính
phủ và các tổ chức đang trợ giúp những người lao động đó, nhưng không
thể nào giúp hết mọi người, những sự trợ giúp đó vẫn không đủ để ngăn
chận những trường hợp đó xảy ra. Có những nơi tạm trú cho họ do chính
người dân Nhật lập ra, vấn đề là những thông tin về các nơi đó không đến
được nhiều người lao động ngoại quốc, cho nên vẫn còn những thảm kịch
như vậy.
Tính đến năm nay, có đến khoảng 400.000 thực tập
sinh được đưa đến Nhật, trong đó hơn phân nửa là người Việt Nam. Có một
cộng đồng người Việt khá lớn ở Nhật. Cho nên chúng tôi có đủ các dữ
liệu để làm bộ phim “Along the sea”.
Tôi không nghĩ là bộ
phim sẽ có tác động nhiều đến dư luận về tình cảnh những của những
người lao động ngoại quốc, mục tiêu của chúng tôi chỉ là chia sẻ cảm
nhận của chúng tôi cho càng nhiều người càng tốt qua các buổi chiếu rộng
rãi cho công chúng, hoặc qua những buổi chiếu đặc biệt.”
Trong
một thời gian dài, nhập cư vẫn là chủ đề cấm kỵ ở Nhật, vốn vẫn tự hào
là một quốc gia thuần chủng, nhưng do nhu cầu về nhân công, chính quyền
Tokyo phải lập ra các loại visa nhập cảnh mới để có thể tiếp nhận người
lao động nước ngoài. Phân nửa số lao động ngoại quốc hiện nay là người
Việt Nam và người Trung Quốc.
Dân số Nhật Bản đang ngày càng già
đi, dân số trong độ tuổi lao động ngày càng ít đi, nước này càng cần đến
nhân công ngoại quốc. Trong một báo cáo được công bố ngày 03/02/2022,
nhiều viện nghiên cứu công đã dự báo là từ đây đến năm 2040, Nhật Bản sẽ
cần một lực lượng lao động nhập cư nhiều gấp 4 lần hiện nay để có thể
đạt được các mục tiêu tăng trưởng mà chính phủ đề ra. Cụ thể, nếu muốn
đạt được tỷ lệ tăng trưởng bình quân 1,24%, từ đây đến 2040, Nhật Bản sẽ
cần đến 6,74 triệu lao động nhập cư, so với 1,72 triệu hiện nay. Nhưng
các viện nghiên cứu cũng khuyến cáo là mức cung sẽ không thể đáp ứng mức
cầu về lao động nếu chính phủ không thay đổi chế độ visa hiện nay, để
cấp phép cư trú dài hạn hơn cho người lao động nước ngoài.
Trong bối cảnh đó, “Along the sea” sẽ còn tiếp tục là một bộ phim mang tính thời sự nóng bỏng, nếu chính quyền Nhật không có những biện pháp kiên quyết để ngăn chận các vụ lạm dụng đối với thực tập sinh kỹ thuật như An, Như và Phương.
Thanh Phương
VN: Công nhân đình công liên tiếp và vai trò mờ nhạt của Công đoàn
T.K.Tran – Gửi cho BBC News Tiếng Việt từ Stuttgart, Đức
Kinh
tế Việt Nam có thể nói là được xây dựng trên sức của người dân làm thuê
cho tư bản, phần lớn là của nước ngoài, nhưng báo chí lại có rất ít
thông tin về tình cảnh người lao động.
Chỉ
khi nào có một biến cố lớn như việc công nhân bỏ chạy về quê trong dịch
Covid hay đình công chúng ta mới có chút ý niệm về hoàn cảnh của họ.
Làm quá sức, lương quá ít
Ngày
15/12/2021, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành thông tư
18/2021/TT-BLĐTBXH về việc kéo dài thêm giờ làm việc. Đáng nói là quy
định mới không phân biệt công việc bình thường và công việc nguy hiểm
độc hại.
Trước đây công nhân làm việc nguy hiểm độc hại tối đa là 48 giờ/tuần, kể cả giờ làm thêm. Cho công việc bình thường giờ làm tối đa (kể cả giờ làm thêm) là 64 giờ/tuần. Nay thì tất cả làm việc tới 72 giờ/tuần, tăng giờ làm thêm trong tháng từ 40 giờ lên tới 72 giờ. Những quy định mới này vượt quá giới hạn mà luật Lao động 2019 cho phép, được ghi ở chương VII, mục 1. Cho tới nay, chưa thấy nhà nước sẽ hợp thức hóa những điều này như thế nào.Q
Liệu người ta cứ im lặng, coi những điều khoản trong luật Lao động như không hề hiện hữu?
Làm việc nhiều, nhưng người công nhân được trả lương ra sao?
Lương
tối thiểu vùng của họ từ năm 2020 tới nay không tăng, mặc dù giá sinh
hoạt ngày một đắt. Có địa phương (vùng IV) chỉ đạt 3.070.000 đồng/tháng.
Họ trông chờ vào khoản tiền lãnh thêm từ việc tăng ca để cải thiện đời
sống, bất kể những thiệt hại về sức khỏe, gia đình, giáo dục con cái…
Nhưng quy định mới về tăng giờ làm thêm không có những điều khoản nào bù
đắp những thiệt hại trên. Ví dụ không buộc xí nghiệp phải nâng cao chất
lượng các bữa ăn trong căn-tin, phải thêm giờ nghỉ giữa ca hoặc tăng
thêm ngày nghỉ phép hàng năm…, để người công nhân có thể phục hồi sức
khỏe.
Người
lao động làm việc cật lực với tiền lương rất thấp. Đến một lúc nào đó,
khi không thể chịu được nữa, họ đình công để đòi hỏi quyền lợi. Đó là
điều đang xảy ra ở Nghệ An, Ninh Bình…
Đình công nối tiếp đình công…
Tại
huyện Diễn Châu thuộc tỉnh Nghệ An, công ty “ViệtGlory” bắt đầu hoạt
động từ tháng 11/2019, chuyên sản xuất giầy dép với công xuất tới 25
triệu đôi/năm. Đây là công ty thuộc tập đoàn Đại Lợi Phổ (DLP Group),
chủ là người Đài Loan với quy mô 5.000 công nhân, dự kiến sẽ tăng gấp
đôi. Lương căn bản cho công nhân hiện nay là 3.670.000 đồng.
Cuộc
đình công lần đầu diễn ra ngày 16/2/2021 sau khi những kiến nghị của
công nhân không được đáp ứng. Cụ thể là tăng lương căn bản, thêm phụ
cấp, đốc công người nước ngoài không được mắng chửi công nhân, bảng
lương phải rõ ràng các tiết mục, không được ép công nhân làm thêm giờ…
Cuộc
đình công lần hai bắt đầu từ ngày 7/2/2022, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán
năm nay: Nguyên nhân chính vẫn là tiền lương cơ bản quá thấp, không được
chủ nhân đáp ứng tương xứng từ lần đình công thứ nhất. Ngoài ra công
nhân cũng đòi hỏi trả thêm cho các trợ cấp khác.
“Tôi
và mọi người làm việc ở đây gần 3 năm rồi nhưng không có tiền phụ cấp.
Lương cơ bản chỉ được 3,6 triệu đồng. Làm quần quật cả tháng, làm thêm
giờ, làm cả ngày chủ nhật thì hết tháng chỉ nhận được hơn 6 triệu đồng,
không đủ chi phí cuộc sống. Trong khi đó bảng lương công ty trả không rõ
ràng, các khoản phụ cấp thì bị trừ vô lý nên công nhân chúng tôi mới
nghỉ việc tập thể để yêu cầu giải quyết rõ ràng”, công nhân H.H.L. chia
sẻ trong những ngày đầu nghỉ việc, theo một trang web tin tức tại VN.
Đến
nay, tới ngày viết bài này (13/2/2022) sau nhiều thương lượng dằng co,
có tin chủ nhân đã có văn bản đồng ý giải quyết các đòi hỏi của công
nhân, kể cả việc tăng lương cơ bản hàng tháng thêm 6%, theo báo VN. Tuy nhiên chưa rõ công nhân có đồng ý trở lại làm việc hay không.
Đình
công ở Nghệ An chưa tới hồi kết thúc, thì ngày 11/2/2022 lại xảy ra
đình công ở Ninh Bình, tại công ty Vienergy chuyên sản xuất giầy da,
cũng trực thuộc tập đoàn Đại Lợi Phổ.
5000
công nhân kiến nghị giải quyết 21 vấn đề, trong đó có khoản cấm phụ nữ
không được mang bầu trong 2 năm đầu tiên, trừ phụ cấp xăng khi công nhân
nghỉ phép.
Tới
nay kết quả thương lượng là có 11/21 nội dung công ty có câu trả lời.
Đối với việc tăng tiền ăn, tăng phụ cấp xăng xe, chuyên cần, độc hại,
nặng nhọc, sản lượng, công ty Vienergy hứa sẽ xem xét sau.
Vai trò mờ nhạt của Công đoàn
Theo
pháp luật Việt Nam, các cuộc đình công ở Nghệ An và Ninh Bình đều là
“không đúng trình tự quy định của pháp luật” vì là tự phát, không có sự
tổ chức hay lèo lái của Công đoàn.
Nhưng thực tế, Công đoàn có khả năng tổ chức công nhân đình công không?
Trong quan hệ lao động giữa chủ và người làm công, thì Công đoàn chủ trương “quan hệ lao động hài hòa, ổn định”.
Có
nghĩa là không đấu tranh quyết liệt, không để đình công xảy ra để các
giây chuyền sản xuất không bị ngưng trệ. “Hài hòa” do đó cũng nhiều khi
đồng nghĩa với nhượng bộ, thỏa hiệp với chủ nhân, xung khắc với bổn phận
bảo vệ quyền lợi người lao động.
Chủ
trương này bắt nguồn từ chính sách của đảng Cộng sản: Khi nhà nước muốn
ưu đãi những nhà đầu tư bỏ tiền kinh doanh sản xuất ở Việt Nam, đã giảm
thiểu chi phí sản xuất cho họ bằng cách kềm giữ tiền lương công nhân ở
mức cực thấp, thì trọng tâm của Công đoàn không phải là đấu tranh tăng
lương mà là hoạt động mang tính phước thiện như quà, tiền hỗ trợ các
công nhân gặp khó khăn.
Thư
chúc Tết của Chủ tịch Công đoàn Việt Nam, ông Nguyễn Đình Khang (Ủy
viên Trung ương Đảng) nêu chủ đề hành động của Công đoàn năm 2022 là
“Chăm lo việc làm, đời sống cho người lao động; phấn đấu hoàn thành cao
nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt
Nam”.
Trong
khi đó, “việc làm” không phải là vấn đề chính yếu, bởi phần lớn các xí
nghiệp đều cần nhiều nhân công, sau khi công nhân bỏ xí nghiệp, tháo
chạy về quê trong nạn dịch Covid. Vấn đề cốt lõi của người lao động là
tiền lương quá thấp không được đề cập tới.
Trở lại các cuộc đình công ở VietGlory hay ở Vienergy – điểm chung là Công đoàn chỉ xuất hiện sau khi đình công đã xảy ra.
Mặc
dù Công đoàn cơ sở đã được thành lập, song cán bộ Công đoàn Cơ sở hoặc
không nắm được tâm tư nguyện vọng của công nhân để giải quyết tận gốc
trước khi nổ ra đình công, hoặc đứng về quan điểm của chủ nhân để cho
rằng công nhân cần phải thông cảm “đồng hành” với xí nghiệp (?).
Những
ngày đầu của cuộc đình công chủ nhân nói chuyện trực tiếp với đám đông
công nhân, bởi họ không có đại diện chính thức. Việc “đàm phán” này khá
rắc rối khi hàng nghìn công nhân ngừng việc, không có tổ chức, mỗi người
mỗi ý nên rất khó để có một cuộc đối thoại bài bản.
Tuy
thế công nhân cũng đạt được một số đồng thuận. Chỉ ở ngày cuối, mới có
thương thuyết bài bản giữa chủ nhân và Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An
cùng các quan chức huyện Diễn Châu, dẫn đến nhượng bộ của chủ nhân là
tăng lương cơ bản.
Vụ
đình công được xem là thành công với những thỏa thuận đạt được. Song
một số người trong tập thể công nhân sẽ phải đối diện với sự can thiệp
của công an, bởi theo báo Lao Động thì “hiện nay cơ quan chức năng Nghệ
An đang vào cuộc, nắm bắt và xác minh thông tin các đối tượng kích động,
lôi kéo công nhân ngừng việc, tụ tập trái quy định để xử lý theo pháp
luật”.
Kết luận được rút ra sau vụ việc?
- Tiền
lương quá thấp là nguyên nhân chính của mọi vấn đề. Hội đồng tiền lương
của Nhà nước cần ấn định lại mức lương tối thiểu Vùng, phải nâng cao
đến mức để công nhân có thể duy trì cuộc sống. bởi các doanh nghiệp dựa
vào đó để trả lương công nhân. - Người
lao động cần có khả năng nhạy bén nắm bắt được những bức xúc của chính
mình, để có thể thương lượng sớm với chủ nhân lực trước khi bùng nổ đình
công. Công đoàn Cơ sở, với những hạn chế về chính sách, tới nay đã
không đáp ứng được nhu cầu này. Có tổ chức đại diện, việc thương thảo sẽ
không phải diễn ra giữa chủ nhân và đám đông công nhân như trường hợp
Viet Glory.
Trên
nguyên tắc, nhà nước VN đã sửa đổi Luật Lao động cho phép thành lập tổ
chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp kể từ ngày 1/1/2021. Tuy
nhiên tới nay đã hơn một năm, nhà nước vẫn không cấp giấy phép hoạt động
cho bất cứ tổ chức nào.
Thiết
nghĩ, Nhà nước cần cho phép các tổ chức đại diện người lao động tại cơ
sở được chính thức hoạt động để giảm thiểu các đình công tự phát, giảm
thiểu thiệt hại cho đôi bên chủ-thợ, nhằm tạo cơ sở bền vững cho nền
kinh tế.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của ông T.K. Tran, một nhà quan sát các hoạt động nghiệp đoàn, hiện sống tại Stuttgart, CHLB Đức.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-60343718
(AFP) – Hệ thống y tế của Hồng Kông “bị quá tải” bởi làn sóng Omicron. Lãnh đạo Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) hôm qua 13/02/2022 cho biết, biến thể Omicron của Covid-19 đã giáng một “đòn mạnh” vào hệ thống y tế của Hồng Kông, vốn bám sát chiến lược “zero-Covid”. Việc điều trị cả những bệnh nhân không có triệu chứng, hoặc cách ly họ trong những trung tâm y tế đã dẫn đến tình trạng hệ thống chăm sóc sức khỏe tại đây bị quá tải. Do đó, các bệnh viện đã yêu cầu bệnh nhân có ít hoặc không có triệu chứng điều trị ở nhà trong thời gian tới.
(AFP) – Bỉ chặn đoàn xe chống chứng nhận y tế.
Thị trưởng thành phố Bruxelles, Philippe Close ngày 14/02/2022 cho biết
chính quyền đã chặn khoảng 30 xe chuẩn bị đổ về Bruxelles trong khuôn
khổ gọi là “đoàn xe tự do“. Cuộc biểu tình phản đối chứng nhận y
tế, được lấy cảm hứng từ làn sóng phản đối của giới tài xế xe tải
Canada, đã bị cấm ở Bỉ sau đợt tụ tập tại Pháp hồi cuối tuần vừa qua.
Cảnh sát Bỉ được triển khai đông đảo trên nhiều xa lộ cao tốc để kiểm
soát đường vào thủ đô.
(CNA) – Chuyên gia Đài Loan : Khủng hoảng Ukraina đe dọa ngành sản xuất chíp bán dẫn.
Ông Dương Thụy Lâm (Ray Yang), giám đốc Trung Tâm Chiến Lược Công
Nghiệp, Khoa Học và Công Nghệ Quốc Tế, ngày 13/02/2022 cảnh báo chuỗi
cung ứng của các nhà sản xuất chip bán dẫn vừa và nhỏ của Đài Loan có
nguy cơ bị gián đoạn do những căng thẳng giữa Nga và Ukraina. Hai nước
này là những nguồn cung chính do Đài Loan các chất như paladi, neon và
C4F6, những nguyên liệu chính được dùng trong các bộ phận cảm biến, thẻ
nhớ, bảng mạch in …
(AFP) – Khủng hoảng Ukraina làm các thị trường chứng khoán chao đảo.
Tại châu Âu, ngay từ những phiên giao dịch đầu tiên các sàn chứng khoán
rớt giá thê thảm : Milan tụt 3,68%, Paris 3,51%, Frankfurt 3,28%, mức
thấp nhất từ tháng 10/2021 đến nay, Luân Đôn 1,91%. Riêng tại Nga, chỉ
số RTS mất 4,29%. Trước đó, ở châu Á, tình hình cũng không mấy sáng sủa.
Tokyo khai màn mất 2,23%, chứng khoán Trung Quốc giảm nhẹ hơn như Hồng
Kông 1,41% hay Thượng Hải là 0,98%. Hôm thứ Sáu, 10/02, thị trường Wall
Street đã bị lung lay. Chỉ số Dow Jones mất 1,43%, Nasdaq 2,78% hay
S&P 500 là 1,90%.
(France 24) – Ả Rập Xê út không kích trả đũa phiến quân Houthi. Hôm
nay 14/02/2022, liên quân do Ả Rập Xê út dẫn đầu cho biết đã thực hiện
một cuộc không kích gần bộ Thông tin và Truyền thông ở Sanaa, Yemen, để “đáp trả“
cuộc tấn công nhằm vào một sân bay của Ả Rập Xê út hôm 10/02. Cuộc tấn
công này đã phá hủy một hệ thống liên lạc được phiến quân Houthi sử dụng
cho các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.
(AFP) – Cuba trả tự do cho lãnh đạo nhóm tranh đấu Những Phụ Nữ Áo Trắng. Bà Berta Soler và chồng bị câu lưu tại thủ đô Cuba hôm qua, Chủ Nhật 13/02/2022, khi rời khỏi nhà, cũng là trụ sở của phong trào Những Phụ Nữ Áo Trắng. Hai vợ chồng đã được trả tự do vào buổi tối. Chính quyền Cuba theo dõi sát các hoạt động của phong trào Những Phụ Nữ Áo Trắng. Chủ nhật 23/01, người đứng đầu phong trào này cũng từng bị câu lưu. Nhóm tranh đấu Những Phụ Nữ Áo Trắng, gồm những người vợ và mẹ của các tù chính trị Cuba, ra đời vào năm 2003, ngay sau khi chính quyền La Habana bắt giữ và kết án tù đối với 75 nhà bất đồng chính kiến.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220214-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p