Tin Tổng Hợp – 13/9/21

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 13/9/21

Quốc phòng: Nhật đẩy mạnh trợ giúp Việt Nam kháng lại Trung Quốc

Nhân chuyến công du Việt Nam trong hai ngày 11 và 12/09/2021, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản đã liên tiếp tái khẳng định quyết tâm của Tokyo trong việc giúp Hà Nội nâng cao năng lực đối phó với các hành vi chèn ép của Bắc Kinh trên Biển Đông, không chỉ bằng lời nói suông, mà cả thông qua những hành động cụ thể. Quảng cáo

Ảnh minh họa : Hai khu trục hạm Nhật Bản Ariake và Setogiri trong một lần ghế Vịnh Cam Ranh, Việt Nam.
Ảnh minh họa : Hai khu trục hạm Nhật Bản Ariake và Setogiri trong một lần ghế Vịnh Cam Ranh, Việt Nam. AFP/Ted Algibe

Động thái mới nhất của chính quyền Nhật Bản là tuyên bố vào hôm qua, 12/09 của bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Nobuo Kishi ngay tại Hà Nội, khi ông khẳng định rằng Nhật Bản và Việt Nam chia sẻ “cùng một vận mệnh” và nên thúc đẩy hợp tác quốc phòng để bảo vệ sự ổn định khu vực dựa trên nền tảng luật pháp.

Theo hãng tin Nhật Bản Kyodo, một thông cáo của Bộ Quốc Phòng Nhật Bản cho biết: Trong bài phát biểu tại Hà Nội, ông Kishi xác nhận một lần nữa rằng Việt Nam là một đối tác quan trọng của Nhật Bản, đồng thời nhấn mạnh rằng hai bên cần phải làm việc cùng nhau để giải quyết các vấn đề an ninh khu vực khác nhau trong bối cảnh “thực tế khắc nghiệt” hiện nay.

Theo giới phân tích, dù không nói trắng ra, nhưng khái niệm “thực tế khắc nghiệt” được bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản đề cập tới chính là những hành vi lấn lướt của Trung Quốc nhắm vào cả Việt Nam, trong trường hợp Biển Đông, lẫn Nhật Bản, trong trường hợp Biển Hoa Đông.

Tokyo thường xuyên phản đối sự hiện diện của Hải Cảnh Trung Quốc gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản kiểm soát nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền. Tàu Trung Quốc thường xuyên xâm phạm lãnh hải Nhật Bản xung quanh các đảo, đôi khi đe dọa cả tàu cá.

Như để minh họa cho mối quan ngại của ông Kishi, bộ Quốc Phòng Nhật Bản hôm qua cho biết vừa phát hiện một tàu ngầm tình nghi là của Trung Quốc ngoài khơi một hòn đảo Nhật ở phía nam. Con tàu được thấy ngoài khơi bờ biển phía đông của đảo Amami-Oshima vào sáng 10/09, di chuyển theo hướng tây bắc, và đã đến vùng phía tây Biển Hoa Đông vào sáng hôm qua 12/09. Hiện diện gần tàu ngầm là một khu trục hạm có tên lửa dẫn đường của Trung Quốc.

Nếu Nhật Bản được cho là có đủ phương tiện để theo dõi và giám sát tàu Trung Quốc và canh phòng vùng biển của mình, thì đó không phải là trường hợp của Việt Nam. Trong thời gian gần đây, Nhật Bản bắt đầu cung cấp cho Việt Nam những loại tàu tuần tra đã kinh qua sử dụng, ký hợp đồng đóng tàu mới.

Một bước ngoặt mới đã được vượt qua ngày 11/09 khi tại Hà Nội, hai nước chính thức ký thỏa thuận chuyển giao thiết bị, công nghệ quốc phòng giữa hai bên, một sự kiện mà theo chính bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản, phản ánh việc hợp tác quốc phòng Việt-Nhật Bản đã bắt đầu tiến lên một “cấp độ mới”.

Gọi đây là một cấp độ mới không sai vì trước Việt Nam, Nhật Bản chỉ mới chấp nhận chuyển giao công nghệ quốc phòng cho 10 nước, từ Hoa Kỳ, Anh Quốc, Úc… cho đến Indonesia, Philippines…

Phát biểu hôm qua về thỏa thuận Quốc Phòng mới giữa Tokyo và Hà Nội, ông Kishi cho biết phạm vi hợp tác sẽ được mở rộng sang các lĩnh vực khác, bao gồm an ninh mạng và xử lý đại dịch Covid.

Nhìn chung, bài phát biểu ở Hà Nội của bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản xác định trở lại lập trường của Tokyo chống lại các hành động đơn phương thay đổi nguyên trạng, mang tinh chất cưỡng ép, “dựa trên những khẳng định một chiều không phù hợp với trật tự quốc tế hiện hữu” – tức là coi thường luật pháp – của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. 

Trọng Nghĩa

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20210913-quoc-phong-nhat-day-manh-tro-giup-viet-nam-khang-lai-tq

Chủ tịch csvn Nguyễn Xuân Phúc sắp công du tới Mỹ

Ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ tới Mỹ tham dự cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tuần tới lần đầu với tư cách là chủ tịch nước Việt Nam.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp đón Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tại Hà Nội hôm 25/8. Ông Phúc dự kiến sẽ đến New York tham dự phiên họp của Đại hội đồng LHQ vào tuần tới.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp đón Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tại Hà Nội hôm 25/8. Ông Phúc dự kiến sẽ đến New York tham dự phiên họp của Đại hội đồng LHQ vào tuần tới.

Một nguồn tin của VOA cho biết ông Phúc dự kiến sẽ tham dự phiên họp thứ 76 của Đại hội đồng LHQ (UNGA) vào ngày 22/9. Phiên họp thường niên của Đại hội đồng LHQ dự kiến khai mạc ngày 14/9 tại New York với phiên thảo luận chung cấp cao đầu tiên diễn ra vào ngày 21/9.

Tờ South China Morning Post hôm 11/9 cũng cho biết rằng Chủ tịch Phúc sẽ có chuyến công du tới Mỹ vào tuần tới để tham dự cuộc họp của Đại hội đồng LHQ. Tờ báo có trụ sở ở Hong Kong trích lời ông Phạm Quang Minh, cựu hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ở Hà Nội, cho biết rằng không ngoại trừ khả năng ông Phúc sẽ có chuyến thăm tới Washington trong dịp này, khi bình luận về chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tới Hà Nội cuối tuần trước.

Truyền thông chính thống của Việt Nam chưa đưa ra bất kỳ thông tin gì về chuyến thăm của ông Phúc tới Mỹ. Nhà Trắng cũng chưa có thông báo gì về chuyến thăm sắp tới của một lãnh đạo Việt Nam. Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa ngay lập tức trả lời yêu cầu bình luận của VOA về thông tin này.

Theo New York Times, dự kiến lãnh đạo từ 83 quốc gia sẽ tới phát biểu tại phiên họp của UNGA, lần đầu tiên được tổ chức kết hợp với các cuộc họp trực tuyến bên lề kể từ khi đại dịch bắt đầu, trong đó có sự tham dự trực tiếp của các nguyên thủ từ Brazil, Anh, Canada, Ý, Nhật Bản, và Trung Quốc cùng nhiều nước khác.

Ông Phúc từng tham gia khoá họp lần thứ 73 của UNGA tại New York hồi tháng 9/2018, lúc đó với tư cách là thủ tướng Việt Nam. Trong lần tham dự khoá họp 75 của UNGA vào tháng 9 năm ngoái qua hình thức trực tuyến, ông Phúc đã có bài phát biểu kêu gọi các nước trên thế giới đoàn kết chống lại đại dịch COVID-19. Không rõ ông Phúc sẽ phát biểu khi tham dự phiên họp tại New York trong tuần tới hay không.

Vào tháng trước, ông Phúc đã tiếp đón Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris trong chuyến thăm đầu tiên của bà tới Việt Nam. Tại cuộc gặp này, bà Harris đã chỉ trích hành động “bắt nạt” của Trung Quốc trên Biển Đông và kêu gọi Hà Nội cùng với Mỹ thách thức Bắc Kinh trước các “tuyên bố chủ quyền thái quá” của họ.

Trong cuộc gặp với ông Phúc tại Hà Nội cuối tháng trước, bà Harris nêu mong muốn rằng Mỹ và Việt Nam nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược. Tuy nhiên, phía Việt Nam chọn duy trì quan hệ đối tác toàn diện vốn được thiết lập từ năm 2013.

Khi được phóng viên hỏi về những cân nhắc của Việt Nam trước đề nghị nâng cấp quan hệ từ phó tổng thống Mỹ, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao ở Hà Nội hôm 9/9 không đưa ra câu trả lời trực tiếp mà nói rằng Việt Nam “thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ” và “luôn coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu.”

Tờ SCMP bình luận rằng chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc tới Việt Nam vào cuối tuần qua, trong đó ông Vương thông báo tặng thêm cho Việt Nam 3 triệu liều vaccine chống COVID và kêu gọi cảnh giác với sự can thiệp của các thế lực ngoài khu vực, nhằm vào thời gian trước khi ông Phúc đi Mỹ vào tuần tới.

Chuyến thăm gần đây nhất của một lãnh đạo Việt Nam tới Nhà Trắng là vào tháng 5/2017. Theo lời mời của Tổng thống Donald Trump, ông Phúc đã có chuyến thăm chính thức tới Washington, lúc đó với tư cách là thủ tướng Việt Nam và trở thành nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên thăm Nhà Trắng sau khi ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ.

https://www.voatiengviet.com/a/chu-tich-nguyen-xuan-phuc-sap-cong-du-toi-my/6224436.html

Bất chấp NATO kêu gọi, Trung Quốc vẫn tiếp tục xây dựng kho vũ khí hạt nhân

Bất chấp NATO kêu gọi, Trung Quốc vẫn tiếp tục xây dựng kho vũ khí hạt nhân (ảnh minh họa: Youtube/DKN.TV).

Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục xây dựng kho vũ khí hạt nhân bất chấp NATO kêu gọi nước này đăng ký các biện pháp kiểm soát vũ khí quốc tế, trang SCMP cho hay.

Tuần trước, hội nghị kiểm soát vũ khí hàng năm của NATO ở Brussels, Tổng thư ký NATO – Jens Stoltenberg – đã chỉ trích nỗ lực của Trung Quốc trong việc phát triển năng lực hạt nhân – bằng cách chế tạo thêm đầu đạn, hệ thống phân phối và hầm chứa.

Ông Stoltenberg nói: “Là một cường quốc, Trung Quốc có trách nhiệm toàn cầu trong việc kiểm soát vũ khí. Và Bắc Kinh cũng sẽ được hưởng lợi từ các giới hạn chung về số lượng, tăng tính minh bạch và khả năng dự đoán cao hơn”.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đáp trả những lời chỉ trích bằng cách thúc giục NATO hủy bỏ các thỏa thuận chia sẻ hạt nhân và loại bỏ các đầu đạn được triển khai ở châu Âu, đồng thời nói thêm rằng Hoa Kỳ nên giảm “mạnh mẽ và thực chất” kho dự trữ hạt nhân của mình.

Bắc Kinh chưa bao giờ tiết lộ quy mô kho dự trữ hạt nhân của mình, nhưng được cho là có khoảng 200 đến 300 đầu đạn, tương đương với kho vũ khí của Anh và Pháp.

Bắc Kinh cho rằng bình luận của Stoltenberg là “tiêu chuẩn kép điển hình” và nói rằng ông đang “cố gắng đánh lừa công chúng và thổi phồng cái gọi là mối đe dọa hạt nhân Trung Quốc”.

Tháng 6 năm ngoái, Trung Quốc đã từ chối tham gia các cuộc đàm phán ba bên với Mỹ và Nga, nói rằng trách nhiệm giải trừ quân bị chính sẽ thuộc về những nước có kho vũ khí lớn nhất.

Đầu năm nay, Chủ tịch Tập Cận Bình nói với quân đội Trung Quốc “tăng cường sức mạnh răn đe”, được hiểu là dấu hiệu cho thấy  sẽ tiếp tục việc xây dựng hạt nhân.

Các hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Trung Quốc đang xây dựng hàng trăm cơ sở ở sa mạc Tây Bắc giống như các hầm chứa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa – mặc dù Bắc Kinh nói rằng chúng là các trang trại gió.

Ông Joe Biden cho biết ông ủng hộ chính sách kêu gọi Trung Quốc đăng ký các biện pháp kiểm soát vũ khí quốc tế trong chiến dịch tranh cử tổng thống Hoa Kỳ, nhưng đã không đưa ra cam kết chính thức kể từ khi nhậm chức.

Zhou Chenming, một nhà nghiên cứu tại Tổ chức tư vấn Yuan Wang ở Bắc Kinh, cho biết ngay cả khi Mỹ áp dụng chính sách không sử dụng trước, vẫn sẽ rất khó để Washington và Trung Quốc tin tưởng vào những lời hứa của nhau nếu căng thẳng vẫn tiếp diễn.

Triệu Hằng

https://www.dkn.tv/the-gioi/bat-chap-nato-keu-goi-trung-quoc-van-tiep-tuc-xay-dung-kho-vu-khi-hat-nhan.html

Bắc Triều Tiên bắn thử hỏa tiễn hành trình tầm xa mới

Cuối tuần vừa rồi Bắc Triều Tiên đã bắn thử thành công một loại « hỏa tiễn hành trình tầm xa » mới đạt mục tiêu cách 1.500 kilomet, có sự chứng kiến của các quan chức cao cấp, theo loan báo của KCNA hôm nay 13/09/2021. Vụ bắn thử đầu tiên kể từ tháng Ba này được cho là nhằm thách thức chính quyền Biden. Quảng cáo

Bắc Triều Tiên bắn thử tên lửa hành trình tầm xa. Ảnh minh họa : KCNA cung cấp, không ghi ngày tháng.
Bắc Triều Tiên bắn thử tên lửa hành trình tầm xa. Ảnh minh họa : KCNA cung cấp, không ghi ngày tháng. via REUTERS – KCNA

Washington tố cáo « mối đe dọa » của Bình Nhưỡng lên các nước láng giềng cũng như cộng đồng quốc tế. Quân đội Hàn Quốc thận trọng cho biết đang phân tích cụ thể với sự hợp tác của tình báo Mỹ, còn đối với Nhật Bản, một loại hỏa tiễn bay được xa như thế « đe dọa đến hòa bình của Nhật và khu vực »

Từ Seoul, thông tín viên Nicolas Rocca gởi về bài tường trình :

« Vài ngày sau khi nước láng giềng Hàn Quốc thử thành công hỏa tiễn đạn đạo đầu tiên bắn đi từ tàu ngầm, Bắc Triều Tiên đáp trả bằng các vụ thử hỏa tiễn hành trình. Dù vậy Bình Nhưỡng dường như đã đưa ra các dấu hiệu tương đối hòa dịu trong thời gian gần đây, với cuộc diễu hành tuần trước, đặt người lao động, lính cứu hỏa lên hàng đầu thay vì các chiến xa hay hỏa tiễn. Một cuộc trình diễn mà các chuyên gia cho rằng vì lợi ích trong nước, chứ không nhằm gởi thông điệp đến cộng đồng quốc tế.

Các tên lửa được bắn thử vào cuối tuần rồi đã bay xa 1.500 kilomet, tuy có khả năng mang theo đầu đạn nguyên tử, nhưng vẫn là một khiêu khích vừa phải. Trên thực tế, Bắc Triều Tiên chỉ bị Liên Hiệp Quốc cấm sử dụng các hỏa tiễn đạn đạo, chứ không cấm hỏa tiễn hành trình. Tuy nhiên Lầu Năm Góc vẫn phản ứng, nhấn mạnh đến mối đe dọa đối với các nước láng giềng và nhìn chung là với cộng đồng quốc tế.

Từ sau thất bại của cuộc họp thượng đỉnh ở Hà Nội hồi tháng 2/2019 giữa tổng thống Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, các cuộc đàm phán về vũ khí nguyên tử ở bán đảo Triều Tiên đã bị đình chỉ ». 

Hãng tin Bắc Triều Tiên khoe đây là « vũ khí chiến lược rất quan trọng » mang tính răn đe, nhằm « chống lại những cuộc tập trận của các thế lực thù địch ». Theo các nhà phân tích, nếu sự kiện này là xác thực sẽ đánh dấu một tiến bộ công nghệ của Bình Nhưỡng. Ông Park Won Gon thuộc Ewha Womans University lo ngại sẽ có các vụ thử mới, nói với AFP nếu Bắc Triều Tiên thu nhỏ đúng mức được các đầu đạn nguyên tử, thì có thể lắp vào hỏa tiễn hành trình. Chuyên gia Jeffrey Lewis của Middlebury Institute for International Studies cũng lo lắng về một loại hỏa tiễn mới có thể tránh được radar, tấn công các mục tiêu ở Hàn Quốc và Nhật Bản.

Thụy My

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20210913-b%E1%BA%AFc-tri%E1%BB%81u-ti%C3%AAn-b%E1%BA%AFn-th%E1%BB%AD-h%E1%BB%8Fa-ti%E1%BB%85n-h%C3%A0nh-tr%C3%ACnh-t%E1%BA%A7m-xa-m%E1%BB%9Bi

Nhật: Tàu ngầm Trung Quốc bị nghi phát hiện gần lãnh hải

Reuters – Bộ Quốc phòng Nhật hôm 12/9 cho biết một tàu ngầm được cho là của Trung Quốc đã được phát hiện ở vùng biển gần các đảo phía nam của nước này, khi căng thẳng hàng hải vẫn tiếp diễn ở Thái Bình Dương, theo Reuters.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Nobuo Kishi, ngày 16/9/2020.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Nobuo Kishi, ngày 16/9/2020.

Hải quân Nhật vào sáng ngày 10/9 đã xác định được một tàu ngầm đang đi về phía tây bắc ngay bên ngoài lãnh hải gần đảo Amami Oshima, một phần của tỉnh Kagoshima, Bộ Quốc phòng Nhật cho biết trong một tuyên bố. Một tàu khu trục của Trung Quốc cũng được phát hiện ở khu vực lân cận.

Trong những năm gần đây, Tokyo thường lên tiếng về nhiều cuộc xâm nhập của các tàu Trung Quốc vào lãnh hải của họ và gần các đảo tranh chấp. Trung Quốc thường phản ứng tức giận khi các tàu của Mỹ đi qua các khu vực tranh chấp trên Biển Đông, nơi mà Washington gọi là thể hiện quyền tự do hàng hải.

Thông báo hôm 12/9 cho biết Lực lượng Phòng vệ Hàng hải của Nhật đã xác định các tàu ở khu vực tiếp giáp, nằm ngoài lãnh hải nơi các tàu được yêu cầu xác định danh tính. Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi đã chỉ thị thuộc cấp “thu thập thông tin và duy trì hoạt động giám sát cảnh giác với tinh thần khẩn cấp”, tuyên bố cho biết.

Bộ Quốc phòng Nhật cho biết, con tàu ngầm này tiếp tục di chuyển dưới nước về phía tây gần đảo Yokoate.

https://www.voatiengviet.com/a/nhat-tau-ngam-trung-quoc-bi-nghi-phat-hien-gan-lanh-hai/6224213.html

(TTVN) – Sài Gòn tiếp tục phong tỏa sau ngày 15/09. Chủ tịch thành phố Sài Gòn, ông Phan Văn Mãi hôm nay 13/09/2021 cho biết sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 cho đến 30/09, có giảm nhẹ ở một số nơi, tùy theo mức độ dịch bệnh được kiểm soát. Chính quyền đang nghiên cứu việc cấp « thẻ xanh Covid » cho những người đã chích ngừa đủ 2 mũi được hai tuần, người bị nhiễm nhưng đã khỏi được 6 tháng ; và « thẻ vàng Covid » cho người đã tiêm một liều được hai tuần, có xét nghiệm định kỳ âm tính. Tuy nhiên sau 15/09 Sài Gòn vẫn chưa thể nới lỏng phong tỏa để áp dụng các thẻ này.

(Le Figaro) – Nhà đối lập Tikhanovskaia đề nghị mở hội thảo quốc tế về Belarus. Le Figaro hôm qua cho biết là trên Diễn đàn của tuần báo Pháp Le Journal du Dimanche, nhà đối lập Belarus hiện đang sống lưu vong tại Litva nhấn mạnh các cường quốc như Pháp cần bảo vệ nền dân chủ, các tác nhân trong khu vực, ở châu Âu, và quốc tế cần tổ chức một cuộc hội thảo cấp cao nhất để gây sức ép với Loukechenko, giải quyết cuộc khủng hoảng Belarus. Nhà đối lậpTikhanovskaia còn cho biết sẽ gặp tổng thống Pháp Macron trong tuần này ở Paris. Được AFP liên lạc, nguyên thủ Pháp chưa hồi đáp khẳng định cuộc gặp cũng như ngày diễn ra cuộc gặp nhà đối lập Belarus. Còn một nguồn tin ngoại giao Pháp cho biết bà Tikhanovskaia đến Paris vào ngày thứ Tư 15/09/2021.

(AFP) – Số vụ sát hại các nhà đấu tranh bảo vệ thiên nhiên trong năm 2020 cao kỷ lục. Trên thế giới, trong năm ngoái, ít nhất 227 nhà bảo vệ môi trường đã bị giết hại. Trung bình mỗi tuần có 4 nhà tranh đấu bị sát hại, đa phần là ở châu Mỹ La-tinh. Ba phần tư số vụ tấn công diễn ra ở Trung Mỹ và Nam Mỹ. Tổ chức phi chính phủ Global Witness hôm nay 13/09/2021 công bố báo cáo với các số liệu đáng lo ngại. Trong 2 năm liền, Colombia đứng đầu danh sách đáng buồn nói trên (65 vụ). Tội ác cũng tập trung ở Mêhicô (30), Philippines (29), Brazil (20), Honduras (17) và khoảng một chục nước khác. 

(Reuters) – Trung Quốc: Nhà đầu tư vào Evergrande biểu tình đòi hoàn tiền. Khoảng 100 nhà đầu tư phẫn nộ hôm nay 13/09/2021 tràn vào trụ sở tập đoàn địa ốc Trung Quốc Evergrande (Hằng Đại), đòi phải hoàn lại món tiền cho vay và các sản phẩm tài chính đang có nguy cơ lao dốc. Evergrande đang nợ trên 300 tỉ đô la Mỹ, nhiều người sợ rằng tập đoàn địa ốc lớn thứ hai Trung Quốc sẽ bị mất khả năng chi trả, trị giá cổ phiếu trên thị trường đã giảm đến 75% kể từ đầu năm.

 (AFP) – Thăm Hungary, Đức giáo hoàng kêu gọi rộng lòng trước di dân. Đức giáo hoàng Phanxicô hôm qua 12/09/2021 vào cuối chuyến thăm chớp nhoáng ở Budapest đã kêu gọi hãy mở lòng với tha nhân, sau khi gặp gỡ thủ tướng Viktor Orban vốn có chủ trương cứng rắn đối với di dân. Ngược lại ông Orban cho biết đã đề nghị với người đứng đầu Giáo hội có 1,3 tỉ tín đồ không để cho một Hungary Công giáo bị úa tàn, trước « sự xâm lược của Hồi giáo ».

(AFP) – US Open: Medvedev phá vỡ giấc mơ của Djokovic. Danii Medvedev, tay vợt người Nga 25 tuổi hôm qua 12/09/2021 đã đánh bại Novak Djokovic với ba set 6-4, 6-4, 6-4, khiến danh thủ người Serbia không thể lập kỷ lục mới, vượt qua được Roger Federer và Rafael Nadal để trở thành vận động viên vô địch các giải Grand Slam (Open Australia, Roland-Garros, Wimbledon, US Open) trong cùng một năm.

 (AFP) – SpaceX khởi động chuyến du lịch đầu tiên trong không gian. Tên lửa đẩy của tập đoàn của nhà tỷ phú Elon Musk sẽ đưa 4 du khách lên không trung vào thứ Tư 15/09/2021 vào 20 giờ, theo giờ bờ tây nước Mỹ (nửa đêm theo giờ quốc tế) mà không có bất cứ nhà du hành vũ trụ chuyên nghiệp nào đi cùng, lần đầu tiên trong lịch sử. Họ sẽ ở lại trên không trung 3 ngày. Phi thuyền sẽ bay quanh Trái đất ở khoảng cách xa hơn cả khoảng cách từ Trái đất đến Trạm Không Gian Quốc Tế (ISS), với tốc độ 28.000 km/giờ. 

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210913-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p