Tin Tổng Hợp – 13/7/21
Lần đầu tiên Nhật Bản đưa «an ninh» Đài Loan vào Sách trắng quốc phòng
Chính quyền Nhật ngày càng lo ngại trước nguy cơ Trung Quốc tấn công Đài Loan. Sách trắng quốc phòng thường niên của Nhật Bản công bố hôm nay, 13/07/2021, lần đầu tiên khẳng định một Đài Loan « ổn định » là vấn đề an ninh quốc gia đối với nước Nhật.
Báo mạng Singapore Straits Times dẫn nội dung Sách trắng quốc phòng Nhật Bản, có đoạn : « Bình ổn tình hình liên quan đến Đài Loan là điều quan trọng đối với an ninh của Nhật Bản và sự ổn định của cộng đồng quốc tế ». Sách trắng nhấn mạnh đến nguy cơ khủng hoảng ở mức « chưa từng có ». Sách trắng quốc phòng Nhật hồi năm ngoái chỉ chủ yếu lưu ý đến việc cán cân quân sự Trung Quốc – Đài Loan đang ngày càng nghiêng về phía Trung Quốc, với khoảng cách mỗi năm một gia tăng.
Sách trắng quốc phòng Nhật Bản năm nay đặc biệt chỉ rõ căng thẳng giữa Bắc Kinh và Đài Bắc gia tăng mạnh, với viễn cảnh có thể bùng phát thành xung đột, « mặc dù Washington thể hiện rõ lập trường ủng hộ Đài Loan về mặt quân sự, nhưng sẽ khó có khả năng Bắc Kinh có bất kỳ thỏa hiệp nào về quan điểm, vì coi Đài Loan là lợi ích cốt lõi ». Bộ Quốc Phòng Nhật Bản cũng ghi nhận việc « Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan, và việc Đài Bắc tự trang bị các thiết bị quân sự chủ yếu », trong lúc Bắc Kinh tăng cường các hoạt động quân sự xung quanh Đài Loan, bao gồm việc đưa máy bay liên tục xâm nhập không phận Đài Loan.
Sách trắng kêu gọi Bắc Kinh có thái độ hợp tác hơn với khu vực và cộng đồng quốc tế để làm dịu căng thẳng : « Các đe dọa quân sự của Trung Quốc, kết hợp với sự không đủ minh bạch về các chính sách quốc phòng và các vấn đề quân sự của Trung Quốc, đã trở thành một vấn đề gây quan ngại nghiêm trọng cho khu vực, đối với Nhật Bản cũng như cộng đồng quốc tế ». Ngân sách dành cho quốc phòng của Trung Quốc năm nay là hơn 1.300 tỉ nhân dân tệ (tương đương hơn 200 tỉ đô la Mỹ), tăng 6,8% so với năm ngoái, gấp hơn 4 lần chi phí quân sự của Nhật. Bắc Kinh cũng tập trung phát triển nhanh chóng « các lực lượng hạt nhân, tên lửa, hải quân và không quân » và đã chiếm ưu thế trong hàng loạt các lĩnh vực mới như « không gian, mạng và bức xạ điện từ ».Publicité
Giải pháp nào cho tình hình căng thẳng hiện nay xung quanh eo biển Đài Loan và khu vực nói chung ? Trong Sách trắng quốc phòng công bố hôm nay, bộ Quốc Phòng Nhật Bản đề xuất việc tạo ra một « khuôn khổ hợp tác khu vực trong lĩnh vực an ninh » bao trùm vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương. Theo Tokyo, mục tiêu này có thể đạt được thông qua « thúc đẩy chiến lược hợp tác quốc phòng về nhiều mặt và đa tầng » với chủ trương một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do, mở rộng, nơi luật pháp quốc tế được tôn trọng.
Trọng Thành
Tin TG sáng 13/7: Úc ghi nhận số ca mắc COVID-19 kỷ lục; EU khởi động sáng kiến cạnh tranh với ‘Vành đai và Con đường’ của Trung Quốc
Úc ghi nhận số ca mắc COVID-19 kỷ lục bất chấp 3 tuần phong tỏa
The Straitstimes – Viễn cảnh về đợt phong tỏa kéo dài ở Sydney lại hiện hữu, sau khi các quan chức y tế Australia ngày 12/7 báo cáo số ca nhiễm COVID-19 trong ngày tăng cao kỷ lục kể từ đầu năm đến nay, do biến chủng Delta dễ lây lan.
Theo hãng tin Reuters, bang New South Wales đã báo cáo 112 ca nhiễm mới, hầu hết đều ở Sydney, mặc dù thành phố lớn nhất của Australia vẫn đang trong tình trạng phong tỏa nghiêm ngặt tuần thứ 3 liên tiếp. Số ca nhiễm tăng liên tục trong ít nhất 3 ngày qua. Tuy nhiên, vẫn có tia hy vọng khi số ca lây nhiễm trong cộng đồng giảm xuống 34 người so với con số 45 người trong ngày 11/7.
Thủ hiến bang Gladys Berejiklian cho biết: “Chúng tôi nỗ lực kéo con số này xuống mức càng gần 0 càng tốt và các chuyên gia y tế dựa vào những con số đó đưa ra những đề xuất tốt nhất”.
Bà Berejiklian cho hay, hầu hết các ca nhiễm trong ngày 12/7 là người thân trong gia đình hoặc bạn bè thân thiết của những ca F0 và kêu gọi người dân tuân thủ các quy định phong tỏa, vốn đã được thắt chặt vào cuối tuần qua.
Hiện các trường học ở Sydney, nơi chiếm 1/5 trong tổng số 25 triệu dân số của Úc, đã đóng cửa. Các hoạt động tập trung đông người ở không gian ngoài trời cũng hạn chế ở mức 2 người và mỗi gia đình chỉ có một người duy nhất có thể ra khỏi nhà hàng ngày để đi làm và mua các mặt hàng thiết yếu.
Thủ hiến Berejiklian cũng nhấn mạnh, nếu tình hình dịch bệnh không được cải thiện, lệnh phong tỏa dự kiến kết thúc vào cuối tuần này sẽ tiếp tục được gia hạn.
Úc từng là hình mẫu kiểm soát dịch thành công nhờ các áp dụng biện pháp giãn cách, phong toả, truy vết nhanh chóng nguồn lây. Tuy nhiên, biến chủng Delta với khả năng lây nhiễm cao đã khiến việc kiểm soát dịch bệnh ở nước này gặp khó khăn.
Theo thống kê của trang worldometer, tính đến ngày 12/7, Úc ghi nhận 31.216 ca nhiễm, 911 ca tử vong, trong khi số trường hợp hồi phục đã lên tới hơn 29.000 người.
Ông Biden cảnh báo chế độ Cuba cần tôn trọng quyền của người dân
The Epochtimes – Một cuộc biểu tình quy mô lớn đã nổ ra ở Cuba vào Chủ nhật (11/7) yêu cầu chấm dứt chế độ độc tài, gây chú ý toàn cầu. Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Hai (12/7) đã ra tuyên bố ủng hộ cuộc biểu tình của người dân Cuba, đồng thời kêu gọi chế độ Cuba phải tôn trọng quyền của người dân.
Ông Biden cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi sát cánh với người dân Cuba và ủng hộ họ trong yêu cầu rõ ràng về tự do và thoát khỏi sự kiểm soát thảm khốc trong đại dịch, và ủng hộ họ trong yêu cầu tự do khỏi áp bức và nỗi đau kinh tế do chế độ độc tài Cuba gây ra trong nhiều thập kỷ. Người dân Cuba dũng cảm kiên định các quyền cơ bản và phổ quát. Các quyền này, bao gồm quyền biểu tình một cách hòa bình và quyền tự do xác định tương lai của mình, phải được tôn trọng.”
Ông nhấn mạnh: “Hoa Kỳ kêu gọi chế độ Cuba lắng nghe ý kiến của người dân vào thời điểm quan trọng này và phục vụ nhu cầu của họ thay vì kiếm tiền cho chính mình”.
Cuba đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế cùng với việc chính quyền đàn áp quyền tự do của người dân, đã dẫn đến cuộc biểu tình lớn nhất trong nhiều thập kỷ trên khắp Cuba vào Chủ nhật (11/7). Những người biểu tình yêu cầu Chủ tịch Miguel Diaz-Canel từ chức và chấm dứt chế độ độc tài chuyên chế.
Hôm Chủ nhật, hàng trăm người ở khu phố Little Havana của Miami, Hoa Kỳ cũng đã phát động một cuộc biểu tình đoàn kết với những người biểu tình ở Cuba.
Cựu Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence đã tweet vào hôm thứ Hai, “Hoa Kỳ sát cánh với những người dân Cuba bị áp bức và biểu tình vì tự do là quyền vốn có của họ. Hoa Kỳ ủng hộ một Cuba tự do và dân chủ! Cuba tự do muôn năm!”
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Liên bang Hoa Kỳ kêu gọi chính quyền Biden thực hiện nhiều biện pháp hơn để hỗ trợ người dân Cuba.
Thượng nghị sĩ Ted Cruz cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Hai: “Người dân Mỹ sát cánh cùng nhân dân Cuba và cuộc đấu tranh cao cả của họ cho tự do, và chính quyền Biden phải nói với thế giới ngay lập tức, rõ ràng và mạnh mẽ”.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio đã tweet vào hôm thứ Hai rằng chế độ Cuba hiện sẽ đe dọa rằng nếu Hoa Kỳ không ngừng khuyến khích các cuộc biểu tình và không nối lại các chính sách của Obama, thì một cuộc khủng hoảng nhập cư quy mô lớn đến Hoa Kỳ ở Cuba là “không thể tránh được”.
Phái đoàn Mỹ đến Haiti gặp ba chính trị gia hàng đầu và bàn về vụ ám sát tổng thống
News Trust – Tòa Bạch Ốc hôm thứ Hai 12/7 cho biết, các quan chức Hoa Kỳ được chính quyền Joe Biden cử đến Haiti sau vụ ám sát tổng thống đã gặp mặt ba chính trị gia hàng đầu của Haiti.
Các đại diện của Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc, Bộ An ninh Nội địa, Tư pháp và Nhà nước đã đến Haiti để đáp ứng yêu cầu của Haiti về việc hỗ trợ an ninh và điều tra sau vụ giết hại Tổng thống Haiti Jovenel Moise.
Bà Emily Horne, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia, cho biết phái đoàn đã gặp Quyền Thủ tướng Claude Joseph và Thủ tướng Chính phủ được chỉ định Ariel Henry, và Chủ tịch Thượng viện Joseph Lambert vào Chủ nhật trong một cuộc họp chung. Cả ba chính trị gia này đều tuyên bố sẽ lãnh đạo đất nước.
Ông Henry, một bác sĩ giải phẫu thần kinh được ông Moise bổ nhiệm làm thủ tướng vào thứ Hai, hai ngày trước khi ông Moise bị giết. Ông Henry hôm thứ Bảy tuần trước cho biết ông hiện là người có thẩm quyền cao nhất ở Haiti, không phải ông Joseph. Thượng viện Haiti hôm thứ Sáu đã đề cử Lambert làm tổng thống lâm thời.
Trong tuyên bố của mình hôm thứ Hai, bà Horne cho biết các đại diện của Hoa Kỳ khuyến khích đối thoại cởi mở và mang tính xây dựng để đạt được một thỏa thuận cho phép Haiti tổ chức các cuộc bầu cử tự do và công bằng.
Bà Horne cho biết thêm phái đoàn đã xem xét an ninh của cơ sở hạ tầng quan trọng với các quan chức chính phủ Haiti và gặp Cảnh sát Quốc gia Haiti, cơ quan đang phụ trách cuộc điều tra về vụ ám sát.
Thư ký Báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki hôm thứ Hai cho biết phái đoàn đã trở về Washington. Bà nói rằng họ đã thông báo tóm tắt về chuyến đi với Tổng thống Biden vào sáng thứ Hai.
Bà Psaki nói: “Chuyến đi của phái đoàn tới Haiti là một lời nhắc nhở rằng điều quan trọng là các nhà lãnh đạo của Haiti phải cùng nhau vạch ra một con đường thống nhất về phía trước. Chúng tôi sẽ giữ liên lạc chặt chẽ với cơ quan thực thi pháp luật, với các cá nhân ở Haiti, với một loạt các nhà lãnh đạo ở Haiti về cách chúng tôi có thể hỗ trợ và cung cấp hỗ trợ trong tương lai”.
Bà cho biết chính quyền Biden vẫn đang xem xét yêu cầu của Haiti để điều quân đến nước này.
Ông Trump: Tôi sát cánh với người dân Cuba 100% trong cuộc chiến giành tự do
Newsmax – Cựu TT Donald Trump đã ra tuyên bố ủng hộ cuộc biểu tình của người dân Cuba. Ông Trump viết trong một tuyên bố từ tổ chức Save America PAC của mình vào chiều thứ Hai theo giờ địa phương rằng: “Tôi sát cánh với người dân Cuba 100% trong cuộc chiến giành tự do của họ. Chính phủ phải để họ nói và được tự do! Cựu Tổng thống nhấn mạnh: “Người dân Cuba xứng đáng được hưởng tự do và nhân quyền! HỌ KHÔNG SỢ HÃI!”.
Ông Trump cũng phản đối việc Tổng thống Biden đảo ngược “lập trường rất cứng rắn” của chính quyền tiền nhiệm đối với Cuba, đồng thời nhắc nhở người Mỹ rằng, cựu Tổng thống Barack Obama không chỉ mềm mỏng với Cuba mà còn có thái độ thân thiện.
Tuyên bố của ông Trump viết: “Đừng quên rằng Biden và đảng Dân chủ đã vận động để đảo ngược lập trường rất cứng rắn của tôi về Cuba. Hãy nhớ rằng khi Obama tham dự các trận đấu bóng chày với Castros trong khi họ bỏ tù, đánh đập và giết hại người dân Cuba”.
Cũng trong hôm thứ Hai, Tổng thống Biden và nhiều chính trị gia Hoa Kỳ bày tỏ sự ủng hộ với người dân Cuba.
EU khởi động sáng kiến cạnh tranh với ‘Vành đai và Con đường’ của Trung Quốc
U.S News – Các ngoại trưởng Liên minh châu Âu hôm thứ Hai (12/7) đã nhất trí khởi động một kế hoạch cơ sở hạ tầng toàn cầu kết nối châu Âu với thế giới.
Sáng kiến của châu Âu có tên gọi “Một châu Âu được kết nối toàn cầu” nhằm thúc đẩy các lợi ích an ninh và kinh tế, đối ngoại và phát triển của EU cũng như thúc đẩy các giá trị của châu Âu.
Nghi ngờ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm kết nối châu Âu với châu Á thông qua cơ sở hạ tầng là ý đồ mong muốn tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh, EU đã đặt ra một lộ trình chính thức cho kế hoạch “kết nối” đầy tham vọng của riêng mình từ năm 2022.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói với các phóng viên tại cuộc họp với những người đồng cấp EU ở Brussels rằng: “Chúng tôi thấy Trung Quốc đang sử dụng các phương tiện kinh tế và tài chính để gia tăng ảnh hưởng chính trị của mình ở khắp mọi nơi trên thế giới. Việc than vãn về điều này là vô ích, chúng ta phải đưa ra các giải pháp thay thế”. Ông nói: “Điều quan trọng là Liên minh châu Âu … phải kết nối rất chặt chẽ với Hoa Kỳ”.
EU đã ký kết quan hệ đối tác với Nhật Bản và Ấn Độ để điều phối các dự án giao thông, năng lượng và kỹ thuật số nối châu Âu và châu Á. Cả Tokyo và Delhi đều lo lắng về sự trỗi dậy của Trung Quốc và “bẫy nợ” do Bắc Kinh tạo ra đối với các nước nghèo khi tham dự sáng kiến Vành đai và Con đường nhằm gia tăng sức ảnh hưởng.
Các quan chức phương Tây cho biết Montenegro, một thành viên của liên minh quân sự NATO và là người khao khát gia nhập EU, là “nạn nhân” lớn về nợ của Trung Quốc.
Montenegro đã vay gần 1 tỷ đô la Mỹ từ Trung Quốc vào năm 2014 để tài trợ xây một đoạn đường dài 41 km, một số tiền đã đe dọa phá sản đất nước. Hãng tin Reuters đưa tin trong tháng này, Montenegro đang đàm phán với các ngân hàng phương Tây để hoán đổi hoặc tái cấp vốn cho khoản nợ.
(CPJ) – CPJ đòi trả tự do cho nhà báo Lê Văn Dũng. Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) hôm qua, 12/07/2021, ra thông cáo yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do cho nhà báo độc lập Lê Văn Dũng và hủy bỏ các cáo buộc đối với ông. Hôm 30/06, công an Việt Nam đã bắt giữ nhà báo Lê Văn Dũng, điều hành trang Chấn Hưng Nước Việt trên mạng Facebook và YouTube. Ông Lê Văn Dũng bị bắt tại nhà một người bà con ở ngoại ô Hà Nội, sau nhiều tuần bị truy nã với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước”, vi phạm điều 117 Bộ luật Hình sự Việt Nam.
(Reuters – Thanh niên) – Úc tặng Hà Nội 1,5 triệu liều vac-xin, Việt Nam đàm phán mua 40 triệu liều vac-xin Nga. Chính phủ Việt Nam hôm nay 13/07/2021, thông báo sẽ sớm nhận được 1,5 triệu liều AstraZeneca của Úc, đồng thời sẽ nhận thêm 1 triệu liều vac-xin cùng loại từ Nhật ngay trong tuần này. Cũng hôm nay, chính phủ Việt Nam cho biết tập đoàn T&T bắt đầu đàm phán để đặt mua 40 triệu vac-xin Nga, không sử dụng ngân sách nhà nước và Quỹ vac-xin phòng Covid Việt Nam. Trước đó, chính phủ Việt Nam đã quyết định mua vac-xin Pfizer với tổng số 51 triệu liều, và giới thiệu để công ty VNVC đàm phán, mua 30 triệu liều vac-xin AstraZeneca.
(Reuters) – Đợt thứ ba, Nhật Bản tặng Đài Loan một triệu liều vac-xin AstraZeneca. Ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi hôm nay cho biết, một triệu liều vac-xin này sẽ sớm được gửi đến Đài Bắc. Tổng cộng Nhật tặng Đài Loan gần 3,4 triệu liều.
(Reuters) – Hai tập đoàn kinh tế Đài Loan đặt mua tổng cộng 10 triệu liều vac-xin. Hai tập đoàn Foxconn và TSMC thông báo đặt mua vac-xin Pfizer/BioNTech, mỗi hãng mua 5 triệu liều, với tổng trị giá 350 triệu đô la Mỹ. Chính phủ Đài Loan, bị chỉ trích mạnh vì chậm trễ trong việc tiêm chủng, đã ủy nhiệm cho các tập đoàn tư nhân Foxconn, Terry Gou và nhà sản xuất chíp bán dẫn TSMC mua vac-xin.Publicité
(Reuters) – Covid-19: Đức sẽ không bắt buộc chích ngừa. Hôm nay, 13/07/2021, thủ tướng Angela Merkel tuyên bố là nước Đức không dự trù bắt buộc tiêm chủng ngừa Covid-19 cho dù có nguy cơ xảy ra đợt dịch thứ tư. Thủ tướng Merkel cho biết chính phủ vẫn tin tưởng vào sự quảng bá cho các vac-xin và vào “quyết tâm” của người dân Đức.
(RFI) – Thế Vận Hội Tokyo trước thách thức kép dịch bệnh và nắng nóng. Chưa đầy 2 tuần nữa Thế Vận Hội mùa hè Tokyo 2020 sẽ khai mạc. Các cuộc thi đấu đều cấm khán giả vì dịch bệnh vẫn diễn biến ngày càng phức tạp. Ngoài ra, các nhà tổ chức còn một nỗi lo khác là điều kiện khí hậu trong những ngày tới. Vùng thủ đô Nhật Bản dự báo trong những ngày tới sẽ bị đợt nắng nóng có thể lên tới 40°C. Đây là điều kiện khắc nghiệt không hề phù hợp với các cuộc thi đấu thể thao, đặc biệt như môn chạy marathon.
(AFP) – Trung Quốc huy động camera nhận diện truy vết người nhiễm Covid-19. Từ đầu năm nay công nghệ camera theo dõi được huy động vào cuộc chiến chống dịch, theo dõi di chuyển của người dân tại thành phố Ruili, nằm sát biên giới với Miến Điện: Bất kỳ ai ra vào các khu nhà ở, siêu thị, chợ ở thành phố này đều bị hệ thống camera thông minh quét hình. Các dữ liệu được tập hợp dưới dạng mã QR được sử dụng truy vết tiếp xúc của bệnh nhân khi cần thiết. Hệ thống Camera này còn có khả năng đo thân nhiệt của đối tượng được theo dõi.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210713-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p